LUẬT NHÂN QUẢ VẬN HÀNH THẾ NÀO? - TRÍCH: LÒNG RỘNG MỞ TÂM TRONG SÁNG – THUBTEN CHODRON

LUẬT NHÂN QUẢ VẬN HÀNH THẾ NÀO?

TRÍCH: LÒNG RỘNG MỞ TÂM TRONG SÁNG – THUBTEN CHODRON

Ban dịch thuật Thiện Tri Thức

NXB Thiện Tri Thức, 2009

--o0o--

Nghiệp thì không thể đảo ngược, theo nghĩa chắc chắn rằng những hành động tốt sẽ sanh ra những kết quả hạnh phúc và những hành động xấu sẽ sanh ra những kết quả bất hạnh.
LUẬT NHÂN QUẢ VẬN HÀNH THẾ NÀO? - TRÍCH: LÒNG RỘNG MỞ TÂM TRONG SÁNG – THUBTEN CHODRON

 

Bốn đặc tính chánh của nhân quả là:

Nghiệp thì không thể đảo ngược, theo nghĩa chắc chắn rằng những hành động tốt sẽ sanh ra những kết quả hạnh phúc và những hành động xấu sẽ sanh ra những kết quả bất hạnh.

Nghiệp thì có thể "dãn ra": một nguyên nhân nhỏ có thể sanh ra kết quả lớn.

Nếu nguyên nhân để cho một điều gì đó sanh ra không được tạo ra, người ta sẽ không trải nghiệm điều đó.

Những dấu in vào của những hành động của chúng ta trong dòng tương tục của tâm thức không bao giờ mất.

Đặc tính thứ nhất của nghiệp là những hành động đức hạnh đem lại những kết quả hạnh phúc trong khi những hành động có hại làm sanh ra những kết quả khổ đau. Những hành động tự thân chúng thì không tốt hay xấu, nhưng chúng được xem như tích cực hay tiêu cực tùy theo chúng phát sanh vui hay khổ. Nếu người ta trồng hạt táo, sẽ có cây táo chứ không phải cây ớt. Cũng thế, nếu những hành vi tích cực được hoàn thành nó sẽ kết trái hạnh phúc mà không phải bất hạnh. Đức Phật đã nói:

Hạt nào đã gieo

Quả ấy các ngươi sẽ gặt

Người làm điều tốt gặt hái những kết quả tốt,

Người làm điều xấu gặt hái những kết quả xấu.

Nếu ngươi trồng một hạt tốt

Ngươi sẽ gặt từ đó những trái tốt.

Chúng ta cần nhớ điều này trong đời sống hằng ngày. Chẳng hạn nếu có người định nói dối để tăng thêm lợi lộc trong thương mại. Thình lình anh nhớ điều đó sẽ tạo ra những hậu quả đáng tiếc. Biết rằng một lời nói dối đem lại hậu quả tạm thời nhưng có nhiều vấn nạn lâu dài, anh quyết định không nói dối. Tránh nói dối, anh gặt hái lợi ích lâu dài do đã làm điều tốt và lợi ích ngắn hạn là được sự kính trọng và tin cậy của người khác.

Đối mặt với những nghịch cảnh, một số người phản ứng bằng cách tức giận trong khi những người khác có khuynh hướng thoát khỏi nó. Tâm lý học Phật giáo nhấn mạnh những phương pháp có thể giúp chúng ta ra khỏi sự mờ rối và khổ đau này. Trong những giây phút khó khăn như vậy, cần nhớ rằng nghiệp là không thể đảo ngược. Thay vì bị ảnh hưởng một cách quá xúc cảm, điều sẽ làm lớn lên khổ đau, chúng ta có thể nhớ rằng hoàn cảnh này xuất hiện do những hành động quá khứ của chúng ta.

Chẳng hạn, nếu nhà chúng ta bị mất trộm, chúng ta khổ đau vì mất của. Và nếu chúng ta nổi giận, chúng ta sẽ khổ nhiều hơn. Nếu chúng ta xem sự mất mát đó là một kết quả của một điều xấu chúng ta đã làm trong quá khứ - trộm hay lừa gạt ai - chúng ta dễ dàng chấp nhận mà không tức giận.

Nhận ra những hậu quả tai hại của hành động ích kỷ của mình, chúng ta càng quyết tâm không lấy trộm hay lừa gạt ai. Sự việc này cũng không phải để tự than thân trách phận: "Tôi quá xấu; tôi đáng bị đau khổ." Đó chỉ do chúng ta đã làm những điều sai lầm và bây giờ chúng ta chịu những hậu quả của chúng ta. Khi chấp nhận một cách bình thản như vậy, chúng ta có thể phát sanh quyết tâm tránh tạo ra những nguyên nhân mới cho khổ đau ở tương lai.

Chấp nhận những rắc rối là do những hành động có hại chúng ta đã gây ra trong quá khứ cũng không có nghĩa là thụ động trong những hoàn cảnh khó khăn. Nếu có thể làm điều gì để tránh hay sửa chữa một hoàn cảnh khó chịu, chớ nên ngần ngại! Và tin nhân quả, chúng ta không để cho mình bị cuốn đi cũng không đổ lỗi cho ai để dàn xếp vấn đề.

Đặc tính thứ hai của nghiệp là một hành động nhỏ có thể sanh ra một kết quả quan trọng hơn. Cũng như một vụ mùa trúng lớn chỉ do từ một ít hạt giống, một kết quả đáng kể có khi sanh bởi một hành động nhỏ. Làm một ít điều tốt cho người nào có thể là một nguồn hạnh -phúc lớn, trong khi làm một ít điều xấu có thể phát sanh những năm khổ đau.

Biết rằng những hành động nhỏ có thể có những hậu quả nghiêm trọng, chúng ta không tìm cách biện minh cho những hành động xấu đại loại như: "Điều đó chẳng trầm trọng gì, tôi chỉ nói thêm một chút", hay "Đúng rồi, tôi đã quen làm điều đó, nhưng chẳng có sao đâu". Rõ ràng làm một ít điều xấu thì tốt hơn là làm nhiều điều xấu. Nhưng chớ quên rằng một hành động dù nhỏ cũng luôn luôn có kết quả và dấu in của một hành động có thể sanh ra một hậu quả lớn hơn.

Cũng vậy, nếu chúng ta không thể làm những hành động lớn lao, phải thường xuyên thực hành đức hạnh, vì thậm chí một cử chỉ nhỏ việc thiện có thể là nguồn hạnh phúc. Những sự việc được cho là nhỏ của đời sông thật là quan trọng.

Đức Phật nói trong Kỉnh Pháp Cú:

Chớ xem nhẹ những điều xấu bằng cách nói: "Tôi sẽ không sao đâu." Cái bình đầy do từng giọt; như thế người ngu dần dần đầy tính xấu.

Chớ xem nhẹ điều tốt bằng cách nói: "Tôi sẽ không bao giờ đạt đến được." Cái bình đầy ảo từng giọt; như thế người có trí dần dần đầy tính tốt.

-🍁-

Đặc tính thứ ba của nghiệp là, nếu nguyên nhân không được tạo ra, kết quả không bao giờ xảy ra. Điều đó hợp lý, nếu không có hạt được gieo, sẽ không có mùa gặt. Trong một tai nạn giao thông, tại sao người này chết, người kia không? Tại sao một người trẻ chết vì ung thư và người già thì không? Đó là vì trong những đời quá khứ người này đã tạo nguyên nhân, và người kia thì không.

Cũng thế, nếu chúng ta muốn hạnh phúc, chúng ta phải tạo ra những nguyên nhân. Bằng lòng với việc cầu nguyện để được hạnh phúc mà không hành động một cách tích cực, đó cũng giống như cầu nguyện để biết toán học mà không cần nghiên cứu. Nếu chúng ta không tạo ra nguyên nhân, kết quả không xảy ra. Ý thức điều đó cho chúng ta nhiệt tình để tránh những hành động xấu và làm điều tốt.

Những dấu in của những hành động chúng ta không bao giờ mất đi. Nghĩa là bao giờ một dấu in tiêu cực chưa được tinh hóa hay một dấu in tích cực không bị phá hủy bởi giận dữ hay những quan điểm sai lầm, nó sẽ chín và mang lại những kết quả khi những điều kiện cần thiết đã hội tụ. Như đức Phật nói trong Kinh Pháp Cú:

Tốt hơn là không làm hành động xấu; người phạm vào sẽ bị khổ đau.

Tốt hơn là làm hành động tốt; nó không gây ra khổ đau nào.

Một số hành động tai hại và là nguồn gốc của những khổ sở, những cái chánh yếu là giết, trộm, tà dâm, nói dối, nói nhiều mà vô nghĩa, vu khống và bạo lực trong lời nói, tham lam, ác tâm và những quan điểm sai lầm. Mười hành động có hại này sẽ được phát triển trong tiết mục đạo đức. Không làm những hành động đó đã là một cách hành động tích cực. Trong những hành động đức hạnh, người ta ghi nhận sự rộng lượng, giúp đỡ những người bệnh hay người đang cần giúp đỡ, giúp đỡ cha mẹ và những vị thầy, an ủi những người khổ đau và trong mọi trường hợp, phụng sự những người khác.

Sự phân biệt giữa những hành động phải từ bỏ và những hành động phải trau dồi cũng có thể thiết lập theo động cơ nằm bên dưới hành động. Những hành động do bám luyến, tức giận, trí óc hẹp hòi, ghen tỵ, kiêu mạn... là những hành động tiêu cực hay có hại. Những cái được sự không bám luyến, nhẫn nhục, lòng bi và trí huệ nâng đỡ thì tích cực hay đức hạnh. Chúng ta phải nhìn động cơ của mình trước khi hành động để biết nó tốt hay xấu, bởi vì nếu không có ý định riêng biệt, thì tốt hơn là không nói hay làm.

Ý thức vai trò của động cơ để biết kết quả của những hành vi chứng ta về lâu dài là một giúp đỡ quý báu để chấm dứt sự đạo đức giả và những mù quáng. Đôi khi chúng ta giỏi lợi dụng một hoàn cảnh cho lợi ích của mình, và trong trường hợp này động cơ của chúng ta là ích kỷ. Ý thức những hậu quả của một cách cư xử giúp chúng ta khảo sát những động cơ của mình một cách thành thật và sửa đổi những cái không đáng ưa muốn.

--o0o--

Ảnh nguồn internet

Bài viết liên quan