Mộng Đàm về Phật đạo và Thiền

Theo kinh Phật, dù người nào có biết nhiều học rộng, nhưng nếu không biết áp dụng tu theo những điều đã học hỏi thì cũng chẳng khác gì những kẻ không biết gì. Trong cuộc sống đời thường cũng vậy; hiểu và nói chuyện lý thuyết thì dễ, nhưng thực hành thì không dễ như vậy.
Mộng Đàm về Phật đạo và Thiền

Có những người học nhiều chỉ hay phô trương kiến thức, nhưng thực ra trong tâm họ không có tu gì cả, nên không thể đạt đến trình độ của những bậc trí giả mà họ đang học hỏi từ sách vở.

Khi Khổng Phu Tử còn tại thế, ông dạy các môn sinh những nguyên tắc về Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, bắt họ phải thực tập những nguyên tắc này. Khi Khổng Tử nói đến một người nào đó đã học được chữ nhân, hay người nào đã học được chữ nghĩa, có nghĩa là Khổng Tử đang đề cập đến những người đã có nhân, nghĩa ở trong tâm, không phải những người chỉ học và nói nhân nghĩa ngoài miệng nhưng trong tâm không hề có một chút nhân nghĩa nào.

Tuy nhiên, những môn đồ Nho giáo sau này lại tuyên bố họ đã hiểu thấu được những lời dạy của Khổng Tử khi chỉ vừa học ý nghĩa của chữ nhân chữ nghĩa qua lý thuyết, mà không hề biết vun trồng nhân nghĩa trong tâm của họ.

Đạo Phật cũng vậy. Khi Đức Phật còn tại thế, không phải tất cả đệ tử của ngài đều là những bậc thượng căn đại sĩ sớm đạt được giác ngộ giải thoát, nhưng dù là những người có căn cơ thấp kém hơn, nếu nhất mực hành trì theo lời Phật dạy thì ai cũng đều được lợi lạc tùy theo khả năng của họ. Ngay cả sau khi Đức Phật đã nhập diệt rồi, tất cả những người nào thực hành những lời giảng dạy của ngài cũng đều đạt được những lợi ích. Đó là bởi vì họ theo đạo Phật chỉ với một mục đích duy nhất là để được giải thoát, tự độ và độ tha, chứ không phải để cho có danh hay có lợi.

Những kẻ hậu học sau này, cả giới tăng sĩ lẫn cư sĩ, theo học đạo Phật chỉ vì muốn có danh hay có lợi. Vì thế họ không thể tiến lên cao được trong sự thăng hoa bản thân. Họ tưởng nghiên cứu về các lý thuyết tam tạng kinh điển là đủ. Kết quả là càng học nhiều, họ càng thêm ngã mạn.

Tất cả những điều này đưa đến hậu quả là, trong khi những người bình thường ở thế gian chỉ có một cái ngã của họ, những người nghiên cứu học hỏi về đạo Phật lại có thêm một cái ngã về Phật pháp nữa. Vì thế, dù có là những học giả nổi tiếng uyên thâm đi nữa, có thể họ cũng không khác gì những con người ngu si thấp kém nhất trong cách sống và hành xử trên thực tế.

Giáo lý Thiền dạy rằng chỉ thực hành một chút cũng còn hơn là nói rất nhiều. Do đó, các thiền sư đã khuyến cáo đệ tử rằng sự học hỏi qua lý thuyết sách vở chỉ là thứ yếu, so với sự học hỏi qua kinh nghiệm thực tiễn.

Nhưng rồi có một thời ngay cả những người học Thiền cũng chạy theo những nghiên cứu sách vở rồi trở thành kiêu mạn với sở học của họ, không hề biết xấu hổ là họ đã không có được một kinh nghiệm chứng ngộ thực sự nào.

Không chấp theo một pháp nào

Tu Thiền không chấp theo một pháp nào cố định . Đôi khi những pháp thế gian được đem ra diễn giải, đôi khi những giáo pháp cao siêu vượt ngoài thế gian lại được tuyên dương. Dù trong trường hợp nào, mục đích chính yếu đều là phá vỡ những chấp trước nơi con người và giải thoát họ khỏi những ràng buộc. Vì thế trong sự giảng dạy Thiền không nói nhiều đến những lý thuyết kinh điển, mà vấn đề chính yếu là dùng phương tiện nào thù thắng nhất để khai ngộ và giải thoát cho con người.

Có một câu nói Thiền xưa như sau: “Nếu hiểu rồi thì có thể áp dụng Đạo ở mọi nơi; còn không hiểu thì tất cả đều trở thành những pháp thế gian”. Dù có được truyền dạy những giáo pháp cao siêu thâm diệu, mà nếu người ấy không hiểu, những giáo pháp đó cũng trở thành những chủ thuyết thế gian.

Mặt khác, nếu những nghĩa lý của thế gian được giải thích mà làm cho người ta buông bỏ được những chấp trước và ràng buộc, khiến cho họ có thể trực nhận được cái nguyên lý cơ bản trong đạo pháp, thì những nghĩa lý thế gian này lại có tác dụng như những giáo pháp cao siêu.

 

-------

Thiền sư Muso Kokushi (1275-1351)

( Ngọc Bảo phóng dịch )

Bài viết liên quan