LÒNG TỪ BI PHÁT SINH TỪ SỰ THỰC HIỆN TÁNH KHÔNG

"Từ bi đối với toàn thể chúng sinh và với chính mình sẽ mang một ý nghĩa to rộng hơn hầu giúp mở rộng con tim của mình và khiến mình trở thành cao cả, bén nhạy và nhiều nghị lực hơn."
LÒNG TỪ BI PHÁT SINH TỪ SỰ THỰC HIỆN TÁNH KHÔNG
Long Thọ cho biết rằng Bồ đề tâm (Bodhicitta) hay lòng mong ước đạt được Giác Ngộ vì sự an lành của tất cả chúng sinh, là nền tảng của sự tỉnh thức, thế nhưng sự ước vọng đó vẫn còn phải được bổ khuyết thêm bởi sự hiểu biết (tức là trí tuệ) thì mới có thể thực hiện được Tánh Không. Vì thế nếu muốn đạt được sự Giác Ngộ hoàn hảo thì chúng ta phải khơi động nền tảng đó của sự tỉnh thức trong lòng mình hầu giúp mình thực hiện mục tiêu mình mong cầu. Các ước vọng vị tha trên đây bắt nguồn từ “lòng từ bi rộng lớn” và yếu tố bổ sung không thể thiếu sót là sự hiểu biết siêu nhiên giúp thực hiện Tánh Không. Tóm lại cả ba thành phần đó - Bồ đề tâm, lòng từ bi rộng lớn, và sự hiểu biết siêu nhiên về Tánh Không - là cốt lõi của con đường đưa đến Giác Ngộ hoàn hảo. Tu tập về ba yếu tố đó sẽ giúp chúng ta đạt được thể dạng của sự hiểu biết toàn năng; thật vậy không sao có thể đạt được Phật Tính (thành Phật) nếu không thực hiện được ba yếu tố trên đây. Chúng ta có thể khẳng định rằng cả ba thể dạng đó của con đường là những điều kiện tối cần và đầy đủ nhằm giúp chúng ta đạt được thể dạng của một vị Phật.
 
Sở dĩ chúng ta quan tâm đến quan điểm về Tánh Không và phương cách mà sự hiểu biết siêu nhiên giúp thực hiện Tánh Không, vì sự thực hiện ấy sẽ có đủ khả năng giúp chúng ta loại bỏ được vô minh căn bản và giải thoát chúng ta khỏi mọi khổ đau. Thực hiện được Tánh Không sẽ giúp mình quán thấy được một tâm thức vô minh bám víu vào sự hiện hữu nội tại là một tâm thức méo mó. Thế nhưng sự méo mó ấy cũng chỉ là một thể dạng của tâm thức, do đó có thể loại bỏ được nó. Chính vì thế nên bên trong tất cả mỗi chúng sinh đều hiện hữu một tiềm năng giúp mình đạt được sự giải thoát. Chỉ khi nào thực hiện được Tánh Không của sự hiện hữu nội tại thì mới có thể phát động được lòng từ bi chân thật và mạnh mẽ đối với tất cả chúng sinh có giác cảm còn đang vướng mắc trong chu kỳ hiện hữu chỉ vì vô minh căn bản không cho phép các chúng sinh ấy quán thấy được bản thể của thực tại.
 
Sức Mạnh Của Lòng Từ Bi
Lòng từ bi thật hết sức quan trọng đối với những người Phật giáo thuần thành đã quyết tâm bước vào con đường tâm linh. Thông thường, một người càng có lòng vị tha và từ bi sẽ càng hy sinh vì sự an vui của kẻ khác dễ dàng hơn. Ngay cả trên phương diện lợi ích cá nhân, nếu càng phát lộ được lòng từ bi mạnh mẽ thì mình cũng sẽ càng cảm thấy can đảm và quả quyết hơn. Tất cả các tôn giáo lớn không những xem trọng và nêu cao các phẩm tính của lòng từ bi, mà còn hết lòng quảng bá nữa. Giáo huấn của các tôn giáo ấy đều đưa ra các phương pháp thực hành nhằm phát huy lòng từ bi. Tất nhiên là có nhiều khác biệt trên phương diện triết học và siêu hình học, và đương nhiên sự đa dạng ấy cũng sẽ đưa đến các quan điểm không hoàn toàn giống nhau về lòng từ bi - chẳng hạn như trong lãnh vực tác động của nó, và vân vân... (trông thấy những cảnh khổ đau khiến lòng mình trắc ẩn hoặc nhìn thấy những cảnh nghèo đói khiến mình cảm thấy thương tâm và sẵn sàng hy sinh để giúp đỡ kẻ khác…, thì đấy chỉ là những hình thức từ bi rất phổ cập nếu không muốn nói là sơ đẳng. Những sự cảm thương ấy có thể mang tính cách bản năng nữa, và đôi khi cũng không cần đến sự cổ vũ của tôn giáo. Lòng từ bi do Phật giáo chủ trương mở ra một bầu không gian rộng lớn hơn và một lãnh vực tác động sâu sắc hơn, bằng cách hướng vào tất cả chúng sinh, trong đó kể cả hàng thú vật bởi vì chúng cũng biết cảm nhận đớn đau và sợ hãi. Riêng đối với con người thì lòng từ bi Phật giáo không phân biệt bất cứ ai, dù họ nghèo đói hay giàu sang, mạnh khỏe hay ốm đau, xinh đẹp hay xấu xí, hung dữ hay hiền lành…, bởi vì tất cả họ trong đó có cả chính mình đều khổ đau. Khổ đau đối với Phật giáo không phải chỉ là những cảnh tượng đớn đau và khổ nhọc trông thấy trước mắt, mà còn là những thứ khổ đau ray rứt, sâu kín tàng ẩn bên trong thân xác và tâm thức của mỗi chúng sinh, đấy là những thứ khổ đau mang lại bởi hiện tượng vô thường và sự vướng mắc trong chu kỳ hiện hữu. Từ bi đối với toàn thể chúng sinh và với chính mình sẽ mang một ý nghĩa to rộng hơn hầu giúp mở rộng con tim của mình và khiến mình trở thành cao cả, bén nhạy và nhiều nghị lực hơn). Tuy nhiên tất cả các tôn giáo lớn đều gặp nhau ở một điểm thật quan trọng về lòng từ bi, đó là sự kiện luyện tập về lòng vị tha sẽ mang lại cho chúng ta khả năng phát lộ thật tự nhiên lòng thiện cảm nhằm giúp mình biết chia sẻ khổ đau với kẻ khác.
 
Nếu chúng ta có một con tim nhiều thương cảm thì hình như nhờ đó chúng ta cũng trở nên những con người can đảm và quyết tâm hơn. Tại sao lại như thế? Tôi nghĩ rằng khi lòng từ bi hiện ra trong tim mình thì mình cũng sẽ không còn bị tràn ngập bởi lo buồn và các sự xung đột trong nội tâm nữa, trái lại mình sẽ biết quan tâm đến những nỗi khổ đau và sự an vui của kẻ khác nhiều hơn, và chính nhờ vào những kinh nghiệm ấy (trông thấy khổ đau và yêu thương kẻ khác) mà chúng ta sẽ trở nên bén nhạy hơn hầu giúp mình ý thức được khổ đau một cách sâu xa hơn (khổ đau với khổ đau của người khác sẽ giúp mình nhận thấy những khổ đau sâu kín của chính mình, và nhờ đó mình cũng sẽ có nhiều nghị lực hơn trong việc tu tập nhằm xóa bỏ những khổ đau mênh mông đó cho mình và cho kẻ khác). Điều này có thể sẽ làm biến cải được cách mà chúng ta nhìn vào những khổ đau của chính mình, và trong một số trường hợp cũng có thể biến cải được cả những kinh nghiệm cảm nhận về sự đau đớn cũng như các khó khăn của chính mình (khi trông thấy sự đau đớn và những hoàn cảnh nan giải của kẻ khác thì mình cũng sẽ cảm thấy sự đau đớn và các khó khăn của mình trở nên nhẹ bớt đi và chúng cũng sẽ không hành hạ mình một cách quá đáng). Những gì trước đây tỏ ra không thể chịu đựng nổi thì nay có thể xem chúng như không đáng quan tâm, hay chỉ là những chuyện vụn vặt. Vì thế đối với một người có lòng vị tha và trắc ẩn thì họ sẽ cảm thấy những xung đột nội tâm và những khó khăn của riêng mình không đến nỗi nào là quá đáng, và chúng cũng sẽ bớt gây ra ảnh hưởng đối với sự an bình trong tâm thức mình hơn.
 
Lòng từ bi phát lộ từ mối quan tâm sâu xa về sự an vui của tất cả chúng sinh có giác cảm có thể đạt được nhờ vào một sự quan tâm duy lý (consideration raisonnee / reasoned consideration / một sự quan tâm được cân nhắc cẩn thận), có nghĩa là nhờ vào những quá trình suy luận chặt chẽ. Cảm tính mạnh mẽ trên đây (tức là lòng từ bi) cũng có thể làm phát sinh ra một số các cảm tính thật mạnh khác kèm theo với nó (thí dụ khi trông thấy một cảnh nghèo khổ và chúng ta muốn bố thí, thế nhưng đồng thời thì những cảm tính ích kỷ cũng trỗi dậy và ngăn chặn chúng ta), thế nhưng dù có bùng lên thì chúng cũng không sao tìm được một khoảng trống nào để khuấy động tâm thức mình, bởi vì nó đã được bảo vệ thật vững chắc bởi những sự đắn đo hợp lý (reasoned considerations). Sở dĩ chúng ta phát huy được sự cân nhắc ấy một phần cũng là nhờ vào trí thông minh của con người (thí dụ nếu chúng ta giúp đỡ một người nào đó thì nhất định cũng sẽ khó tránh khỏi nhiều mất mát và thiệt thòi về phần mình. Thế nhưng sau khi suy nghĩ và cân nhắc kỹ lưỡng thì chúng ta cũng nhận thấy rằng dầu sao thì sự thiệt thòi của mình cũng không đáng kể so với những khổ đau đang hành hạ một kẻ khốn cùng. Nếu biết ý thức hay suy nghĩ như thế thì những cảm tính thiệt thòi không sao khuấy động được tâm thức mình). Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta thường gặp phải những cảnh huống và những sự giao tiếp khiến làm bùng lên một số xúc cảm. Tôi nghĩ rằng các phản ứng trước những rắc rối nhỏ nhặt (incidents triviaux / trivial incidents / những sự việc tầm thường, không đáng quan tâm) là các nhân tố gây ra mọi sự bấn loạn, bởi vì chúng chỉ mang lại sự hoang mang và làm cho tâm thức mất thăng bằng mà thôi. Nếu các tư duy trắc ẩn, thấm đượm nhân từ luôn ngập tràn dòng luân lưu của tâm thức mình, thì những thử thách trước đây vẫn thường kích động chúng ta và tạo ra những phản ứng thật mạnh, sẽ không còn đủ sức đánh mất sự thăng bằng của mình nữa, bởi vì nó đã được củng cố và thiết đặt trên một nền tảng vững chắc.
 
Chia Sẻ Khổ Đau Với Kẻ Khác
Chúng ta thường nghĩ sai khi cho rằng lòng từ bi là một thứ cảm tính thương hại và do đó khi nhìn vào người mà mình cảm thấy thương cảm thì đồng thời mình cũng có thể tỏ lộ một chút khinh thị nào đó. Tôi nghĩ rằng như thế không được đúng đắn lắm. Lòng từ bi đích thật chỉ có thể phát sinh khi nào chúng ta quán nhận được là các chúng sinh khác cũng không khác gì với mình, tất cả đều mong cầu đạt được hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau, và cũng chỉ khi đó thì sự thương cảm đích thật của mình mới có thể hiện ra khi trông thấy sự khổ đau của kẻ khác. Đấy mới đúng là lòng từ bi đích thật. Chúng ta cảm thấy mình mang một trách nhiệm đối với kẻ khác và một mối quan tâm sâu xa đến sự an lành của họ. Tất nhiên điều này đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận một sự bình đẳng hoàn toàn giữa họ và chúng ta. Chúng ta phải hoàn toàn tôn trọng ước vọng đạt được hạnh phúc và vượt thoát khỏi khổ đau của họ, và thừa nhận quyền thực hiện ước vọng đó của họ.
 
Khi suy tư sâu xa về khổ đau của kẻ khác thì lòng từ bi sẽ hiện ra với mình hầu giúp mình biết chia sẻ với họ những khổ đau đó của họ, thế nhưng tâm thức mình biết đâu cũng vì thế mà có thể bị xao xuyến ít nhiều, đấy chẳng qua vì chúng ta cũng có thể tự hỏi: “Phải chăng việc mở rộng lòng từ bi cũng là một cách rước thêm khổ đau cho mình?” Vấn đề này quả thật là hết sức nghiêm trọng, do đó chúng ta cần phải suy nghĩ thật chín chắn.
 
Theo tôi, trước hết có một sự khác biệt rất lớn giữa những đớn đau và bất hạnh mà mình cảm nhận được một cách tự nhiên vì đấy là những gì phát sinh từ sự vướng mắc của chính mình trong chu kỳ hiện hữu, và những đớn đau và bất hạnh của người khác mà mình cảm nhận được khi tự nguyện chia sẻ những khổ đau ấy với họ. Đối với những đớn đau và khổ nhọc của riêng mình thì mình cũng chỉ biết nhận chịu thế thôi và cũng chẳng biết phải tỏ lộ thế nào. Chúng ta không chủ động được những kinh nghiệm mà chúng ta đang cảm nhận. Trước những khổ đau của kẻ khác thì chúng ta cũng có thể bị dao động và mất đi phần nào sự thăng bằng của mình, thế nhưng đấy là một sự tự nguyện mang một mục đích rõ rệt, những khổ đau đó sẽ tạo ra những tác động khác hẳn trong tâm thức mình. Chúng ta không bị tràn ngập bởi một thứ đớn đau hay khổ nhọc nào cả, cũng không hề cảm thấy đấy là một gánh nặng đày đọa mình, mà trái lại chúng ta cảm thấy một niềm hân hoan và tự tin hiện ra từ sức mạnh của chính mình.
 
Nếu muốn phát huy được một thể dạng tâm thức thật mạnh với một giá trị tinh thần và những lợi ích thật lớn chẳng hạn như lòng từ bi trên đây, thì không nên chỉ biết ngắm nhìn các cảnh tượng khổ đau của người khác và xem như thế là đủ. Thật hết sức quan trọng là trước hết phải nghĩ đến những khổ đau của chính mình và phải ý thức thật sâu xa về tính cách tàn phá của những thứ khổ đau ấy. Ý thức càng mạnh thì sẽ càng dễ cho chúng ta phát lộ được sự cảm thương trước những khổ đau của kẻ khác.
 
Thông thường mỗi khi chúng ta trông thấy cảnh tượng người khác đang phải gánh chịu những khổ đau quá mức, thì lòng thương cảm của mình đối với họ cũng sẽ phát lộ một cách tự nhiên. Thế nhưng nếu người ấy lại là một kẻ giàu có, quyền thế, bạn bè tấp nập xum xoe chung quanh thì thay vì phát lộ lòng từ bi thì sự thèm muốn lại nổi lên (muốn được giàu sang, quyền thế và có nhiều bạn bè chăm lo cho mình tương tự như người ấy). Điều đó chứng tỏ rằng sự hiểu biết của mình về bản chất khổ đau nơi sự hiện hữu của con người chưa được sâu sắc lắm. Thật hết sức thiết yếu là trước hết chúng ta phải phát huy được sự nhận thức sâu xa về bản chất khổ đau của sự hiện hữu của chính mình (khi thấy được những khổ đau thật sâu kín trong lòng mình thì mới biết thương người khác khi nhìn vào họ).
 
Thực Thi Từng Bước Một
Không phải chỉ có những thứ khổ đau lộ liễu mới là những gì đau xót mà mình không muốn, mà còn có những thứ khổ đau khác không kém phần nặng nề do vô thường tạo ra (mong muốn những gì đổi thay phải trường tồn), và nhất là sự khổ đau cùng khắp của sự hình thành trói buộc (conditioning production / khổ đau của sự hình thành là: già nua, bệnh tật và cái chết). Do đó, thật hết sức quan trọng là phải bước từng bước một trên con đường bằng cách phối hợp giữa hai phép thiền định là sự phân giải và sự tập trung tâm thần (hai phương pháp thiền định chính yếu nhất của Phật giáo). Trong phạm vi mà lòng từ bi được xem như là một phẩm tính của tâm thức và tâm thức thì được xem như hàm chứa một dòng luân lưu bất tận, thì nếu bước theo con đường trong một thời gian lâu dài bằng cách phối hợp hai phép thiền định trên đây, thì tất chúng ta sẽ phải đạt được một căn bản vững chắc trong việc tu tập của mình (cũng xin lưu ý là không nên sợ hãi khi nghe nói đến việc thiền định phân giải và tập trung. Thật sự ra thì đấy cũng chỉ là một “cách sống trong sự tinh khiết”: thí dụ như không đọc chuyện nhảm nhí, không xem bất cứ thứ gì vô bổ trên màn ảnh truyền hình, vứt ngay những đĩa DVD gồm những phim truyện tràng giang vào sọt rác, không nghe nhạc “trữ tình” hay kích động, không chơi các trò chơi điện tử, không mưu đồ tính toán những chuyện làm ăn và tiền bạc…, tóm lại là không đánh mất một giây phút quý báu nào trong kiếp sống phù du của mình. Trái lại phải nghĩ đến cha mẹ mình, thương yêu những người chung quanh, nhìn vào những khổ đau và khó khăn của họ, luôn nghĩ đến những lời giảng dạy của Đức Phật, canh chừng từng hành động và lời nói của mình, ý thức từng động tác của chân tay, ý thức được từng tư duy và xúc cảm hiện ra trong đầu mình…, hoặc chỉ cần đơn giản ngắm nhìn một cọng cỏ nghiêng theo chiều gió, một con sâu đang gặm một chiếc lá non... Đấy là những bước đầu cụ thể của một người tu tập giúp mình phát động sự chú tâm cần thiết để bước vào con đường thiền định phân giải để tìm hiểu sâu xa hơn về bản chất của thế giới này).
 
Sự luyện tập chuyên cần có thể giúp cho căn bản vững chắc trên đây trở thành như một thành phần của chính tâm thức. Đối với những người tin vào sự tái sinh thì cứ nhìn vào hai đứa bé sinh ra trong cùng một gia đình thì tất sẽ thấy ngay đấy là những gì mà cả hai thừa hưởng từ quá khứ. Dù mang thân xác mới mẻ, thế nhưng dòng tri thức của hai đứa bé là một dòng luân lưu kéo dài từ quá khứ sang kiếp sống hiện tại.
 
Trái lại, các phẩm tính mang lại từ sự luyện tập thể dục thì chỉ liên hệ đến phần thân xác, và mức độ phát triển của chúng cũng không thể vượt quá một giới hạn nào đó. Chẳng hạn như một lực sĩ dù cho tài giỏi đến đâu thì cũng không thể nhảy cao hơn kỷ lục của chính mình. Hơn nữa các phẩm tính ấy cũng chỉ có thể phát lộ được khi nào các điều kiện thân xác còn duy trì được nguyên vẹn. Các phẩm tính đó dầu sao cũng không thể giữ lại sang kiếp sống tương lai. Trái lại các phẩm tính phát sinh từ tâm thức sẽ tồn tại lâu dài hơn.
 
Chính vì thế nên lòng từ bi, tình thương và sự hiểu biết siêu nhiên về Tánh Không có thể phát huy rộng lớn được nhờ vào sự rèn luyện tâm thức. Khi đã quen luyện tập thì chúng ta cũng có thể phát huy các phẩm tính ấy đến những cấp bậc thật cao. Dầu rằng ngay từ lúc khởi sự phải phát động thật nhiều nghị lực, thế nhưng khi đã đạt được một cấp bậc nào đó thì sự luyện tập sẽ trở nên tự nhiên và dễ dàng hơn, và sẽ mang lại cho mình sự hăng say muốn đi xa hơn nữa. Lúc ấy sẽ không còn phải cố gắng gì nữa cả. Chính vì thế nên chúng ta có thể bảo rằng các phẩm tính ấy là những gì có thể phát huy đến vô tận (tức là đạt được thể dạng của một vị Phật: từ bi, tình thương và sự hiểu biết siêu nhiên về Tánh Không).
 
Nếu chúng ta ngưng việc luyện tập thể dục trong một thời gian thì sau đó phải khởi sự lại từ đầu mới có thể tìm lại được cấp bậc mà mình đã đạt được trước đây. Ngược lại, khi nào đã phát huy được các phẩm tính tâm thức ấy ở một mức độ mà chúng ta có thể phát lộ một cách tự động (tức là đã trở thành thành phần của tâm thức, và không phải chỉ là một cách hình dung hời hợt) thì dù chúng ta có đặt chúng sang một bên trong một thời gian thật lâu thì sau đó cũng chỉ cần ôn tập sơ qua cũng đủ để đưa các phẩm tính ấy trở lại các cấp bậc mà chúng ta đã thực hiện được trước đây. Sở dĩ có sự khác biệt giữa hai thể loại phẩm tính trên đây là vì các cơ sở chuyển tải chúng thuộc vào hai lãnh vực khác nhau: thể xác và tâm thần.
 
Những gì trên đây cho thấy tại sao việc phát huy tâm thức lại có thể thực hiện được xuyên qua nhiều kiếp sống liên tiếp. Dù chúng ta không đạt được những tiến bộ khả quan trong kiếp sống này, thế nhưng các phẩm tính đã đạt được sẽ tồn lưu và khởi động lại trong tương lai.
 
Nếu muốn phát huy tiềm năng của lòng từ bi đến một cấp bậc tối thượng thì việc thực hiện Tánh Không sẽ thật hết sức là cần thiết. Chỉ cần dựa vào các kinh nghiệm cá nhân thì chúng ta cũng có thể nhận thấy thật dễ dàng rằng mỗi khi tâm thức rơi vào tình trạng hoang mang, do dự và u mê thì mỗi phút giây dù thật ngắn ngủi trong cuộc sống cũng sẽ mang đầy khổ đau và đọa đày. Khi tâm thức ngập tràn trí tuệ và sự hiểu biết thì ngay cả những thử thách lớn lao phải đối phó cũng sẽ không phải là những gì khiến cho chúng ta cảm thấy là mình phải sống trong sự đọa đày. Vì thế thật hết sức quan trọng là phải tăng cường trí tuệ bằng cách phát huy sự hiểu biết Tánh Không. Nếu muốn thực hiện được điều đó thì nhất thiết phải học hỏi kinh sách, chẳng hạn như tập Hành trình đến Giác Ngộ này của Tịch Thiên.
 
-------
Trích: Tu Tuệ
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Người dịch: Hoang Phong
Nhà xuất bản Hồng Đức, 2013
Ảnh: sưu tầm
 
 
 
 

Bài viết liên quan