SỰ TỪ ÁI LÀ NỀN TẢNG CỦA BỒ ĐỀ TÂM - TRÍCH: ĐẠO SƯ UỐNG RƯỢU – DZONGSAR JAMYANG KHYENTSE

SỰ TỪ ÁI LÀ NỀN TẢNG CỦA BỒ ĐỀ TÂM

TRÍCH: ĐẠO SƯ UỐNG RƯỢU – DZONGSAR JAMYANG KHYENTSE

Pema Trần dịch - NXB Hà Nội, 2019

--o0o--

Sự từ ái là nền tảng của bồ đề tâm. Nơi nào có từ ái, nơi đó rất có khả năng có bồ đề tâm.
SỰ TỪ ÁI LÀ NỀN TẢNG CỦA BỒ ĐỀ TÂM - TRÍCH: ĐẠO SƯ UỐNG RƯỢU – DZONGSAR JAMYANG KHYENTSE

 

Đã chứng ngộ tri kiến tối hậu

Như Đức Liên Hoa Sinh đã nói, tri kiến (cái thấy) của chúng ta nên rộng lớn như bầu trời và hành động của chúng ta nên nhỏ như hạt bột. Và với bậc thầy cũng như vậy. Chúng ta thường có thể phỏng đoán liệu một bậc thầy có thể trì giữ tri kiến bởi sự kiểu cách trong hành động của vị ấy. Và mức độ những hành động của vị ấy bổ sung cho tri kiến có thể chỉ ra tâm của vị ấy rộng lớn thế nào.

Nhưng một dấu hiệu tốt cho thấy một người có tri kiến tối hậu là người đó đặc biệt tỉ mỉ về bất cứ vấn đề gì liên quan đến nghiệp – ví dụ, không giẫm lên những con côn trùng. Điều ngược lại, có thể một người khác sẽ nói: “Mọi thứ đều là tánh Không và giơ tay đập bẹt một con muỗi. Một số người nghĩ rằng những chúng sinh đã giác ngộ được tự do làm những điều họ muốn. Thực tế là, một chúng sinh đã giác ngộ sẽ không rơi vào một thái cực nào cả. Có hai câu chuyện minh họa điều này.

Trong câu chuyện thứ nhất, có hai vị tăng đang thực hành một lễ cúng hỏa tịnh với rất nhiều vật cúng dường dành cho nghi lễ Mật thừa. Một vị tăng rất sùng mộ, và là một người thực hành tốt nhưng không học hành nhiều lắm, trong khi vị tăng kia không phải là một người thực hành tốt, nhưng lại đọc và nhớ được mọi kinh văn. Trong khi giải lao, vị tăng đọc nhiều, đặt chùy kim cương của mình, một vật dụng cho nghi lễ, lên sàn nhà. Vị tăng thực hành nhiều giật mình và hỏi với giọng trách móc: “Tại sao ngài lại đặt một vật quý như vậy xuống đất?” Vị tăng học nhiều hơi nhếch mép và nói: “Ngài không hiểu gì về Kim Cương thừa. Trong Kim Cương thừa, chùy kim cương chính là Đức Phật A Súc Bệ và mặt đất chính là Phật Nhãn Phật Mẫu, vị không hành nữ phối ngẫu của ngài: họ là một cặp cha mẹ phối ngẫu, vì thế, nền đất chính là vị trí phù hợp để đặt chùy kim cương của tôi.” Vị tăng này có thông tin chính xác – những điều ông ta nói đều đúng - nhưng tôi lớn lên nghe câu chuyện này như một lời khiển trách từ bậc thầy của tôi. Ngài cảnh cáo tôi rằng đừng bao giờ cư xử như vị tăng học nhiều kia bởi vì chùy kim cương là một báu vật của nghi lễ và phải được đối xử với sự tôn kính, vì bất kỳ lý do gì.

Ngược lại, có một câu chuyện nổi tiếng khác về hai vị tăng vượt qua một dòng sông đang cuồn cuộn chảy. Ngay khi họ chuẩn bị vượt sông, một người phụ nữ tiến đến họ trong cơn tuyệt vọng, xin được cứu giúp. Vị tăng già đồng ý đưa bà ấy qua sông và cõng bà ấy trên đôi vai. Ông đặt bà lên bờ bên kia rồi họ chia tay. Một giờ sau, vị tăng trẻ, với nỗi giận dữ trong yên lặng từ đầu đến giờ, bỗng lên tiếng: “Làm sao một vị tăng lại có thể vác một người phụ nữ?” Vị tăng già trả lời: “Tại sao con vẫn còn mang cô ta?” (Ta đã đặt cô ấy xuống bờ sông từ lâu rồi.)

Một người có tầm nhìn rộng sẽ sợ nghiệp. Những người sợ nghiệp sẽ tránh xa loại người sẵn sàng giết hại người khác rồi lý luận rằng mọi thứ đều là tánh Không, rằng tối hậu thì chẳng có gì để giết và do vậy không có hành động giết hại. Những người sợ nghiệp tốt hơn nên kết thân với những người như Ben đến từ Kongpo, làng quê nơi gia đình tôi sinh sống.

Kongpo Ben đi đến Lhasa trên một chuyến hành hương và vượt qua với lòng sùng mộ khi ông nhìn thấy bức tượng Phật Jowo. Nhưng ông lo lắng rằng ai đó có thể sẽ lấy trộm đôi giày của ông trong khi ông đang nhiễu tháp, vì thế, ông đã nhờ bức tượng Phật trông giúp đôi giày của ông. Sau khi ông đi kinh hành quanh bức tượng, ông nhận lấy đôi giày từ trong lòng bức tượng và tán tụng bức tượng vì đã quá nhân từ. “Ngài hãy đến nhà tôi để uống rượu với tôi,” ông nói. Và bức tượng trả lời ông rằng, sẽ đến. Họ định một ngày vào mùa xuân. Đây là một vài lần hiếm hoi mà bức tượng Jowo cất tiếng nói. Một ngày mùa xuân năm ấy, vợ của Kongpo đi lấy nước ở sông về và nói rằng bà đã nhìn thấy một người từ Lhasa đến thăm ông, đang đứng giữa dòng sông. Ben chạy ra sông và nhảy xuống, nghĩ rằng Jowo có lẽ bị chìm. Ông đã tóm được ngài và đưa ngài về nhà ông. Giờ đây, họ đã xây dựng một ngôi đền Jowo thứ hai ở Kongpo để tưởng nhớ Ben và vị khách của ông.

Nếu bậc thầy của bạn có tri kiến về tánh Không, ngài sẽ là người sợ nghiệp. Ngài sẽ bị ấn tượng bởi câu chuyện về đôi giầy của Kongpo Ben hơn là một kẻ sùng đạo nào đó cố gắng giải thích về việc giết một con muỗi (là tánh Không - mọi thứ đều là không, không có gì để giết).

Có tâm rộng mở

Một bậc thầy nên có tâm rộng mở để chấp nhận những khác biệt về tập quán và văn hóa. Ví dụ, nếu bậc thầy là người Tây Tạng, ngài sẽ có thể toàn tâm toàn ý trân trọng một món cúng dường là một chiếc vỏ sò quý giá từ một anh chàng hippie người Úc ngang với một món cúng dường là 1kg vàng từ một đệ tử người Trung Hoa. Một bậc thầy với tâm rộng mở sẽ có thể làm việc với một người Mỹ có thói quen tin tưởng chắc chắn vào một linh hồn và người đó có thể nhầm lẫn cái linh hồn đó với Phật tánh. Một bậc thầy với tâm rộng mở nên nhận ra rằng thói quen của những kẻ cầu Pháp lang thang với lối sống trong xã hội trao đổi thì không nhất thiết là đang thực hành xả bỏ. Một bậc thầy với tâm rộng mở cần hiểu được tại sao người học trò đồng tính nữ của mình lại gặp khó khăn khi phải quán tưởng đối tượng phối ngẫu nam. Một bậc thầy với tâm rộng mở phải có khả năng hiểu được tại sao người Do Thái có thể gặp khó khăn khi chấp nhận khái niệm rằng mọi thứ chỉ là sản phẩm của nguyên nhân quá khứ và các điều kiện, do đó không có thứ gì là tốt hay tội lỗi. Một bậc thầy với tâm rộng mở nên biết được rằng thói quen giữ thể diện ở người học trò Trung Hoa của mình không nhất thiết là nỗi sợ hãi vì làm sai một điều gì. Một bậc thầy với tâm rộng mở nên hiểu tại sao một người học trò Thụy Sĩ có thể không ấn tượng với hình ảnh con bò ước nguyện.

Ngại ngần ban giáo lý

Luôn luôn để ý đến những người không hào hứng trở thành bậc thầy gốc của bạn. Người đó có thể có nhiều phẩm tánh của một vị thầy gốc hơn những người tham vọng. Thông thường, người nào ngại ngần ban giáo lý thì đó thường là bậc thầy tốt nhất.

Là người khoan dung

Nhiều bậc thầy nói rằng họ là những người nói thẳng: họ nói ra những điều họ nghĩ không bị ức chế hoặc không qua bộ lọc. Nhưng nếu họ đã nói ra, họ phải chịu trách nhiệm về những điều họ đã nói. Họ nên thể hiện sự khoan dung. Nhưng hầu hết thời gian, các bậc thầy hay chỉ trích không chịu đựng được những lời chỉ trích. Một cách để kiểm tra là quan sát xem bậc thầy xử trí các tình huống truyền thống xấu. Kiểm tra trên Internet để xem liệu ngài đã từng gặp phải vụ bê bối nào chưa, và nếu đã gặp thì cách ngài phản ứng lại như thế nào. Cách một người xử trí những lời tán tụng và phê bình, được và mất, danh tiếng và sự vô danh, hạnh phúc và khổ đau, đều nói lên nhiều điều về người đó.

Là người học rộng

Xét thực tế rằng chúng ta đang ở kỷ nguyên thứ hai của thế kỷ XXI cũng như dựa trên công đức của chúng ta cùng năng lực chịu đựng và việc tìm kiếm con đường tâm linh của chúng ta không quá tuyệt vời, chúng ta phải trông cậy vào một số chỉ dẫn và dấu hiệu bên ngoài, như là những thành tựu trong học thuật. Các bậc thầy có kiến thức và sự kính trọng cho tất cả những dòng truyền thừa và trường phái khác nhau của Phật giáo có thể đặc biệt hiệu quả. Ngay cả khi họ không có thời gian để phát triển một sự thấu hiểu triệt để và hoàn toàn về môi trường phái và dòng truyền thừa, nếu bậc thầy thực sự đáng kính, không chỉ vì xã giao, ngài sẽ là một nguồn nương tựa vĩ đại cho học trò. Khi một bậc thầy như vậy đánh giá một học trò và nhận ra rằng người này cần những điều mà ngài không thể trao, ít nhất ngài sẽ chỉ hướng cho học trò đi theo hướng đúng, giống như một bác sĩ khám chân sẽ chuyển bệnh nhân bị đau đầu đi gặp bác sĩ khoa thần kinh. Nhưng rất nhiều bậc thầy sáo rỗng sẽ tiếp tục phát thuốc đau chân cho học trò thay vì thuốc đau đầu, bởi vì đó là tất cả những gì họ có, và điều này có thể mang lại kết quả rất bất hạnh.

Đào tạo học thuật là một phẩm chất rất quan trọng đối với một bậc thầy và là một trong những điều dễ nhận thấy nhất. Việc khó hơn là xác định xem một bậc thầy đã đạt được những thành tựu gì qua trực giác, thiền định hay thực hành. Một mặt, những bậc thầy học giả sẽ sẵn lòng tham gia thảo luận về tri kiến, thiền định và hoạt động cùng học trò. Nếu một bậc thầy có thể nói, ít nhất học trò có thể phân tích ngài nhanh hơn một bậc thầy không nói tiếng nào. Nếu bậc thầy chưa nghiên cứu, ngài có thể tránh những câu hỏi và lảng tránh những cuộc nói chuyện về kinh văn. Vì thế, những người mới học nên được khuyến khích hỏi về kinh văn và sách vở. Những học trò bạo gan thậm chí có thể hỏi chính xác những cuốn kinh điển và luận giảng nào mà bậc thầy đã nghiên cứu. Đặc biệt, việc lắng nghe, thiền định và nghiên cứu về Trung Quán và kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa là thiết yếu.

Bậc thầy thiếu hiểu biết về giáo pháp thường đặt hết hoạt động tập trung của họ vào rất nhiều những nghi lễ – cúng dường khói, nước, lửa, và thực hiện những lễ hỏa tịnh Mahakala chi tiết v.v... Họ không thể dạy về tri kiến, thiền định và hành động, vì vậy, họ chỉ chú trọng vào hành động. Trong khi đó, đời sống quý báu của học trò cứ trôi dần đi.

Mặt khác, nếu một bậc thầy quá nhấn mạnh tầm quan trọng của tri kiến tánh Không thì cũng có thể khiến học trò xao lãng khỏi tầm quan trọng của thiền định và hoạt động. Không có sự trân trọng các yếu tố nguyên nhân, điều kiện và kết quả, cuối cùng học trò có thể nghĩ rằng: “Ô, mọi thứ đều là tánh Không, vì thế, tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi thích. Tôi không phải thắp đèn lên. Tôi không phải đảnh lễ. Tôi không phải cúng hỏa tịnh. Tôi không phải trở thành một người ăn chay.”

Và nếu một bậc thầy không nhấn mạnh vào bồ đề tâm, ngài có thể khiến học trò mất đi cơ hội tích lũy công đức thông qua việc làm lợi lạc những người khác. Tương tự như vậy, một bậc thầy khích lệ thực hành cần đến sự nắm bắt và cố định, như thiền chỉ nhưng lại không giới thiệu một thực hành không cố định, như thiền quán, thì tước đi một sự thực hành về tri kiến rộng mở, bao la, tự do, tự khởi, không tạo tác. Và một bậc thầy giới thiệu ngay một thực hành duy trì tri kiến không cố định từ ban đầu mà không có nền tảng thực hành giúp làm cho tâm trở nên nhu nhuyễn, như thiền chỉ, thì sẽ làm hỏng sự bắt đầu của học trò.

Trong mọi thời điểm, bậc thầy phải thật thiện xảo trong việc cân bằng giữa trí tuệ và phương pháp; nếu không, bậc thầy sẽ không làm lợi lạc học trò. Những kỹ năng như vậy thường sẽ thể hiện rõ ràng hơn với một bậc thầy học rộng.

Là người kỷ luật

Gần như không thể đánh giá mức độ kỷ luật của một bậc thầy. Chúng ta có thể hỏi: “Họ thực hành bao nhiêu thời gian, họ cầu nguyện những gì? Họ có sống như những gì họ giảng?” Nhưng đây là điều rất tế nhị để khẳng định. Chúng ta không bao giờ biết được mức độ thành tựu mà một người đạt được là gì.

Hiện tại, bạn có thể thử quan sát xem bậc thầy đó đang quan tâm đến chúng sinh nhiều như thế nào – họ dành bao nhiêu thời gian để làm lợi lạc chúng sinh khác và bao nhiêu thời gian để lo lắng về bản thân họ? Họ từ bi đến mức nào? Đó là phẩm chất quan trọng nhất, nhưng rốt cuộc, lại là một phẩm chất rất khó đánh giá.

Chúng ta muốn học từ một người ít nhất cũng tỏ ra là đang thực hành thiền định. Khi một bậc thầy dường như đang thực hành, đó là một dấu hiệu rất khích lệ, khi một bậc thầy giữ kỷ luật trong các hoạt động của ngài, ngài tạo ra một sự trầm trồ. Tuy nhiên, nhiều người có thể hỏi, nếu bạn xem bậc thầy của bạn là một vị Phật tỉnh thức, tại sao ngài lại cần phải thực hành khi ngài đã tỉnh thức? Chúng ta có thể luận giải điều này là bậc thầy đang chỉ đường cho chúng ta, như một đầu bếp tài ba đang thị hiện những kỹ thuật cho học trò của họ. Vị đầu bếp ấy có thể dạy bằng cách chuẩn bị và nấu những món ăn ngon trong khi học trò của họ đứng xem. Sau đó, học trò có thể thực hành và tự làm theo những hướng dẫn của đầu bếp.

Là người nhân từ và không bao giờ chê bai người khác

Không có ai trong toàn cõi chúng sinh là người không thể trân trọng sự từ ái chân thật. Chúng ta có thể nhận được lợi lạc từ một người nói lời từ ái và khích lệ nhưng không ngại khi phải tỏ ra cứng rắn.

Nhưng ngay cả sự từ ái cũng có thể là một sự đóng kịch, một màn trình diễn thật khó mà biết được như thế nào là chân thành. Để hiểu được, bạn có thể quan sát bậc thầy và xem xét liệu sự từ ái của ngài còn giữ nguyên khi mọi việc thực sự đi xuống dốc hay không. Nếu bậc thầy tỏ ra từ bi và độ lượng ở giữa một cơn khủng hoảng, trong thời đại suy thoái này, bạn không thể đòi hỏi hơn.

Ngay cả khi sự từ ái là một phẩm chất quan trọng của một bậc thầy, hãy nhớ trong đầu rằng cảm xúc của chúng ta có thể che mờ sự hiểu biết của chúng ta về hành động của bậc thầy. Thông thường, chúng ta gọi ai đó là từ bi, nhưng người đó thực ra chỉ ve vuốt cái tôi của chúng ta bằng cách ban cho chúng ta những điều mà chúng ta mong muốn và thỏa mãn những cái muốn đó của chúng ta. Thật không dễ để chúng ta thấy rằng bậc thầy luôn luôn từ ái, trong mọi tình huống. Từ ái không phải luôn luôn áp vào những thứ bạn cho là tốt. Trong Phật pháp, từ ái là một hành động được bậc thầy sử dụng để đưa bạn đến gần hơn với việc thấu hiểu sự thật. Do đó, sự đối xử khắc nghiệt mà Marpa dành cho Milarepa là một sự từ ái tuyệt đối.

Một bậc thầy phải giống như một người mẹ có đứa con duy nhất bị điên khùng. Người mẹ sẽ phải dâng hiến tình yêu thương và lòng từ bi vô bờ bến cho đứa con khó khăn này. Bậc thầy phải biết cách gieo trồng một hạt mầm văn hóa của sự từ ái. Nếu bậc thầy từ ái với những người khác, đó là một dấu hiệu tốt rằng bạn cũng có thể được đối xử như vậy.

Sự từ ái là nền tảng của bồ đề tâm. Nơi nào có từ ái, nơi đó rất có khả năng có bồ đề tâm. Khi bạn nhìn thấy khói, bạn sẽ thấy lửa. Nếu bậc thầy có bồ đề tâm chân thật, đó là nâng đỡ mọi hữu tình chúng sinh, thì người này có đủ phẩm chất được chấp nhận như một bậc thầy.

--o0o—

Ảnh nguồn internet

Bài viết liên quan