SỨC MẠNH CỦA MÊ LẦM - Trích : ĐẠI TOÀN THIỆN TỰ NHIÊN – NYOSHUL KHENPO RINPOCHE (1932 -1999) - Việt dịch: Nguyễn An Cư - NXB Thiện Tri Thức – 1999

SỨC MẠNH CỦA MÊ LẦM

Trích : ĐẠI TOÀN THIỆN TỰ NHIÊN – NYOSHUL KHENPO RINPOCHE (1932 -1999)

Việt dịch: Nguyễn An Cư - NXB Thiện Tri Thức – 1999.

--o0o--

Cũng như mọi dòng sông trên trái đất đều đổ ra biển - dù có một số đi thẳng ra biển, trong khi số khác đi uốn khúc, hay dọc đường hợp với những sông khác – cũng thế, dù có nêu ra hay không, chủ đích căn bản thật sự của bất kỳ giáo pháp nào, Phật giáo hay không Phật giáo, đều là chuyển hóa lòng và tâm và rốt ráo đạt đến giải thoát khỏi mê lầm, sự siêu thoát đích thực. K
SỨC MẠNH CỦA MÊ LẦM - Trích : ĐẠI TOÀN THIỆN TỰ NHIÊN – NYOSHUL KHENPO RINPOCHE (1932 -1999) - Việt dịch: Nguyễn An Cư - NXB Thiện Tri Thức – 1999

 

Có nói rằng sanh tử thì không bắt đầu (vô thủy), nhưng có một chấm dứt trong niết bàn, giác ngộ; và rằng niết bàn có một bắt đầu - giác ngộ - nhưng không có chấm dứt. Như người ta không thể xác định điểm bắt đầu cho sanh tử, người ta cũng không thể xác định điểm bắt đầu của tâm thức. Tâm thức mãi mãi làm công việc tự bổ nhiệm của nó là phát sanh những tư tưởng không cùng, cái này đi sau cái trước, những chuỗi xích tư tưởng trói giam chúng ta. Ngay chỉ trong một ngày chúng ta cũng không thể đếm được số tư tưởng mà chúng ta có, vì chúng thì vô số. Khi chúng ta thử thiền định một lúc, chúng ta thường ngạc nhiên bởi con số tư tưởng tấn công chúng ta, như thể khi chúng ta ngồi thiền thì tư tưởng còn nhiều hơn trong những hoàn cảnh bình thường. Nhưng điều này là lầm; chỉ bởi vì khi thiền định chúng ta lần đầu ý thức được rất nhiều tư tưởng mà bình thường chúng ta luôn luôn có, tâm thức chúng ta ngoài sự kiểm soát biết bao nhiêu và tư tưởng bắt chúng ta làm nô lệ như thế nào.

Chắc hẳn vì công việc của những tư tưởng này, vì những tư tưởng tiếp nối nhau này mà chúng ta dấn thân vào những lời nói và hành động, và làm chín nghiệp bằng cách liên tục làm như thế. Sức mạnh của nghiệp ấy kéo dài dòng sanh tử và thường trực giữ chúng ta lòng vòng, tái sanh trở đi trở lại trên bánh xe sanh tử. Tất cả mọi thứ này căn bản xảy ra là do sự mê lầm của tâm thức. Đó là tại sao mục tiêu chính của những giáo pháp này là tìm ra cái gì là bản tánh của tâm thức không mê lầm, cũng như tâm thức mê lầm làm việc như thế nào.

Không chỉ chúng ta, mà vô số chúng sanh đang xoay vòng một cách vô vọng trong vòng luẩn quẩn của sanh tử. Họ đang chịu đựng rất nhiều loại khổ đau, vì cùng lý do ấy. Tất cả những khổ đau của họ đều đến từ sự mê lầm của tâm thức. Nếu chúng ta muốn tìm một phương thức cho sự ấy, không có phương thuốc nào khác ngoài chân lý. Nó hiện thân trong Pháp – bất kỳ phương pháp nào khác sẽ thất bại. Đây cũng là tại sao tất cả các tôn giáo đều nhắm vào sự thấu hiểu công việc của tâm thức, giải thoát tâm thức khỏi mê lầm của nó, ấy là điều các tôn giáo làm dù trực tiếp hay gián tiếp. Dĩ nhiên có vài phương diện mà tôn giáo không rõ ràng nêu ra, “Đây đặc biệt làm việc và tâm thức của bạn, làm lợi lạc cho tâm thức bạn.” Nhưng thật ra, dầu nó nói điều ấy trực tiếp hay gián tiếp, mục tiêu của tất cả tôn giáo là giải thoát tâm thức khỏi sự mê lầm của nó và tìm ra an lạc.

Cũng như mọi dòng sông trên trái đất đều đổ ra biển - dù có một số đi thẳng ra biển, trong khi số khác đi uốn khúc, hay dọc đường hợp với những sông khác – cũng thế, dù có nêu ra hay không, chủ đích căn bản thật sự của bất kỳ giáo pháp nào, Phật giáo hay không Phật giáo, đều là chuyển hóa lòng và tâm và rốt ráo đạt đến giải thoát khỏi mê lầm, sự siêu thoát đích thực. Không phải tất cả tôn giáo đều y như nhau, nhưng điều này là điểm thiết yếu của Pháp giải thoát. Đôi khi người ta tìm ra những trái ngược rõ ràng trong những diễn tả và những biểu lộ bên ngoài của những tôn giáo khác nhau của thế giới. Chẳng hạn trong Phật giáo chúng ta nói rằng là một tội nặng khi giết, lấy đi mạng sống, trong khi trong vài mặt của Hồi giáo và cũng cả trong Ấn Độ giáo, những con dê bị hy sinh. Nhưng thực sự có nhiều tương đồng hơn là khác biệt. Nếu chúng ta khảo sát tất cả tôn giáo thế giới chúng ta thấy điều đó và chúng ta có thể hòa hợp với những nguyên lý thật sự chính yếu của chúng.

Tất cả những cách thức diễn tả và biểu lộ khác nhau trong khi người ta tìm kiếm cái tốt đẹp tối thượng của họ đều khởi ra từ tâm thức. Sự mê lầm của tâm thức là cực kỳ mạnh mẽ và nắm chặt chúng ta một cách rất chặt chẽ. Không dễ dàng giải tan sự mê lầm này của tâm thức, nhưng đó là mục đích chính của sự thực hành Pháp. Toàn thể sự khác biệt giữa vô minh và giác ngộ, giữa tự do và nô lệ nằm trong việc tâm thức có bị mê lầm hay không.

Cuộc đời bình thường thì giống như một giấc mộng, một ảo ảnh, một tiếng vang. Cái chúng ta thường gán cho nhiều quan trọng, và bởi thế sẵn sàng tin vào nó, thì hoàn toàn mê lầm, không bản chất, không thực. Nó dễ dàng được bịa đặt ra như những giấc mộng ban đêm của chúng ta. Bởi thế, một người đã thức dậy, đã chứng ngộ, đã vượt khỏi sự mê lầm của tâm thức, thấy trạng thái mê lầm bình thường của chúng ta giống như một giấc mộng, và không bị nhiếp vào đó. Đây là một lý do quan trọng tại sao người ấy có thể thực sự giúp đỡ và giải phóng cho chúng ta.

Cái chúng ta đang sống thì giống như một giấc mộng dài, một giấc mộng dài hơn những giấc mộng bình thường trong giấc ngủ ban đêm, nhưng dầu chỉ mười phút hay kéo dài suốt cả đời, bản chất như huyễn của những giấc mộng chỉ là một thứ như nhau. Khi chúng ta thấy biết, trải nghiệm giấc mộng dài của đời này, rồi sau đó khi chết chúng ta sẽ có một giấc mộng dài khác – sinh trong trạng thái khác của một đời sanh tử. Như thế, một giấc mộng dài sẽ theo sau một cái khác, bao giờ mê lầm còn tồn tại.

Phẩm tính phi thường của Phật pháp là nó cho chúng ta những phương tiện để nhận biết rằng cuộc đời này giống như một giấc mộng, nó không có sự hiện hữu chân thật, và tất cả những mục tiêu quy ngã sanh tử của chúng ta là vô nghĩa và chẳng tạo ra điều gì hữu ích – rằng chúng không có bản chất và không có thật tánh. Chúng ta không chỉ chứng nghiệm được điều này mà Pháp còn cho chúng ta cơ hội để thấy rằng có một cách thức để xua tan mê lầm của chúng ta và qua những phương tiện thiện xảo, đạt đến sự chứng ngộ tối hậu về Phật tánh, đó là sự giải thoát hoàn toàn khỏi mê lầm, tự do toàn hảo và bình an siêu việt. Đây là điều làm cho Pháp thành ra viên ngọc quý báu nhất, viên ngọc của lòng chúng ta, bởi vì nó là phương pháp duy nhất cho chúng ta dịp may nhận biết bản chất mê vọng của thế giới và đồng thời đưa chúng ta vượt khỏi sự mê lầm đó đến chứng ngộ chân thật.

Chúng ta hãy lấy ví dụ thân thể chúng ta để hiểu sức mạnh và quyền lực của mê lầm. Vào lúc này, thật tự nhiên với chúng ta là mình có thân thể này, chúng ta yêu quý và bám chấp vào nó một cách lớn lao. Sự an toàn tiện nghi và những cảm giác thích thú của thân thể chúng ta là một mối bận tâm chính của chúng ta, một trong những đối tượng chính cho sự bám chấp và gắn bó. Nhưng nếu chúng ta dần dần cố gắng khám phá thân này có ra như thế nào, trở về tuổi thơ của chúng ta, rồi khi chúng ta còn là một em bé, và cuối cùng những hạt giống của cha và mẹ, chúng ta thấy rằng toàn thể thân của chúng ta bắt đầu từ sự gặp gỡ của hai hạt giống. Và sự gặp gỡ ấy xảy ra như thế nào? Chính là bởi sức mạnh của ham muốn, nó đến từ mê lầm của nghiệp quá khứ. Bởi vì sự bị quy định thuộc nghiệp hay khuynh hướng này, mà ham muốn có mặt. Nó tạo ra một thúc đẩy để nắm lấy đời sống trở lại trong một hiện hữu bị quy định. Năng lực tâm thức làm gắn bó hạt trắng và hạt đỏ của cha và mẹ; như thế một chúng sanh ra đời trong một thân thể. Rồi thân thể lớn lên; ý thức làm thêm sự cá biệt, tiến hóa và bám chặt vào nó.

Sẽ lại đến lúc chúng ta gặp cái chết. Điều gì sẽ xảy ra cho thân thể? Nó sẽ lại tan biến vào khoảng không, như khi một cầu vồng tan biến trong bầu trời: khi nó có đó chúng ta có thể thấy năm màu của nó một cách sinh động, nhưng khi nó tan đi, nó không đi xuống thung lũng, nó không đi lên đỉnh núi – nó chỉ biến mất. Thân thể mà chúng ta bám vào quá nhiều sẽ thành ra hư không. Chỉ có thức là sẽ tiếp tục, và nó sẽ bị thúc đẩy trở đi trở lại bằng sức mạnh của nghiệp và những khuynh hướng thói quen và những bám níu để tìm kiếm những hạt giống của cha và mẹ và tiếp tục vòng sanh tử này. Tuy nhiên mỗi thân thể chúng ta dùng lấy, như những cái bình đất sét, chỉ được tạo thành từ năm đại và lại hoàn toàn biến mất không để lại dấu vết nhỏ nhất nào.

Mọi sự thì vô thường. Tất cả mọi cái gì có sanh ra đều chết. Do sức mạnh của mê lầm, những thân thể của chúng ta liên tục hình thành và biến mất, tiếp diễn vòng sanh tử không ngừng. Cái chúng ta thực sự cần là một chỉ dạy sẽ có thể đem chúng ta đến một trạng thái không mê lầm và giải phóng chúng ta khỏi vòng sanh tử lẩn quẩn này. Đây là tại sao chúng ta cần xoay tâm thức chúng ta vào trong, chú tâm xem xét và làm việc trên chính tâm thức khi nào chúng ta bắt đầu được nghe hay thực hành Pháp, bởi vì tâm thức là chủ đề chính của những giáo lý Phật giáo.

Nếu chúng ta xoay chính tâm thức chúng ta vào để thấy nó làm cái gì, bấy giờ chỉ có ba cách thức của tư tưởng mà tâm thức có thể có. Thứ nhất là những tư tưởng tiêu cực: tham, sân, si vv... Cách thức tiếp theo là những tư tưởng tích cực: bi mẫn, vị tha, lòng tốt, tình thương, ước mong làm chúng sanh được lợi lạc, sùng mộ vv... Rồi có những trạng thái trung tính, thản nhiên của tư tưởng, như khi chúng ta ngủ say, tự mãn và vô tâm, chúng là những phương diện không tiêu cực cũng không tích cực. Không có phạm trù nào khác ngoài ba xếp loại này.

Trước tiên chúng ta cần trừ bỏ những tư tưởng tiêu cực, gồm tham, sân, si. Chúng ta không cần từ bỏ những tư tưởng trung tính: chúng ta cần chuyển hóa chúng và đưa chúng vào Pháp. Và chúng ta phải trau dồi và phát triển những tư tưởng tích cực - sùng mộ, từ bỏ hay xa lìa, và Bồ đề tâm, thái độ giác ngộ. Sự thực hành là từ bỏ những tư tưởng, lời nói và hành vi xấu, tiêu cực, chuyển hóa những cái trung tính và tăng trưởng cái tốt, tích cực. Khi chúng ta khảo sát những tư tưởng xấu, chúng ta thấy có ba thứ: sự thúc đẩy bám nắm, sự thúc đẩy chối bỏ, và vô minh hay sự tối tăm hẹp hòi của tâm thức. Nếu chúng ta khảo sát những cái này, chúng ta thấy rằng tham và sân căn bản được gây ra bởi sự tối tăm của tâm thức hay vô minh. Nghĩa là không thấy, không hiểu hay không chứng ngộ thật tánh của sự vật. Tham bám, giận ghét, bám nắm, đánh giá, chối bỏ... khởi ra là do thiếu tỉnh giác về bản tánh chân thật của tâm và những hiện tượng. Biết rằng đây là nguyên nhân chính, chúng ta phải tìm ra phương thuốc cho nó, cái đối trị. Cái đối trị chắc chắn đến từ sự trau dồi những tư tưởng tích cực như sùng mộ, từ bỏ và vị tha - Bồ đề tâm lợi lạc, nó mong muốn giải thoát tất cả chúng sanh đến Phật tánh một cách vô ngã.

Ảnh: nguồn internet.

Bài viết liên quan