CHẮC CHẮN VÀ TỰ TIN VỀ BẢN TÁNH TRỐNG KHÔNG CỦA MỌI SỰ - BÀI CA ĐẠI ẤN - JAMGON KONGTRUL RINPOCHE

CHẮC CHẮN VÀ TỰ TIN VỀ BẢN TÁNH TRỐNG KHÔNG CỦA MỌI SỰ

BÀI CA ĐẠI ẤN - JAMGON KONGTRUL RINPOCHE

KHENCHEN THRANGU RINPOCHE Bình Giảng

Người dịch: Hoàng Lan

---o0o---

Mặc dù chúng ta tự gọi mình là những hành giả Kim Cương Thừa, và tu tập trạng thái định, rất quan trọng là chúng ta sử dụng lý luận thông minh để cảm thấy chắc chắn và tự tin về bản tánh trống không của mọi sự. Tại sao? Bởi vì chúng ta cần có hai phẩm tính - phẩm tính “độc lập với những khẳng định của người khác” và phẩm tính “không lay chuyển bởi những gì người khác...
CHẮC CHẮN VÀ TỰ TIN VỀ BẢN TÁNH TRỐNG KHÔNG CỦA MỌI SỰ - BÀI CA ĐẠI ẤN - JAMGON KONGTRUL RINPOCHE

Mặc dù chúng ta tự gọi mình là những hành giả Kim Cương Thừa, và tu tập trạng thái định, rất quan trọng là chúng ta sử dụng lý luận thông minh để cảm thấy chắc chắn và tự tin về bản tánh trống không của mọi sự. Tại sao? Bởi vì chúng ta cần có hai phẩm tính - phẩm tính “độc lập với những khẳng định của người khác” và phẩm tính “không lay chuyển bởi những gì người khác tin.”

“Độc lập với những khẳng định của người khác” có nghĩa là sự hiểu biết tánh Không của chúng ta không nên hoàn toàn phụ thuộc vào sự chấp nhận bất cứ điều gì Đức Phật tuyên thuyết là thật. Chúng ta cần thấy rõ và quyết định và chính mình trải nghiệm, nếu không chúng ta sẽ lệ thuộc vào những khẳng định của người khác và thiếu sáng tỏ.

“Không lay chuyển bởi những gì mà người khác tin” có nghĩa là bạn không cần chấp nhận nó nếu có một ai đó cho là “Những tuyên thuyết của Đức Phật là sai. Tất cả mọi sự không phải là trống không, và nếu bạn tin rằng bản tánh của mọi sự là tánh Không thì bạn hoàn toàn sai lầm.” Nếu họ viện ra những lý do khiến bạn phải suy nghĩ: “Ừ, điều này nghe cũng phải,” đấy được gọi là “Bị lay chuyển bởi những gì người khác tin.” Tuy nhiên, chúng ta cần phải có khả năng trả lời ngay lập tức rằng: “Không, điều anh nói không đúng. Bất kể Đức Phật đã nói gì về tánh Không của mọi sự, tôi đã có hiểu biết tương tự và tôi có thể nói rằng chúng thật sự là trống không.”

Hai phẩm tính này, “Độc lập với những khẳng định của người khác” và “Không lay chuyển bởi những gì người khác tin” sinh khởi từ việc dành thời gian kiểm tra những ý nghĩa của lý luận thông minh và từ đạt một lòng tin thấu suốt về tánh Không thông qua tiến trình này.

Nhiều loại lý luận và giải thích về tánh Không đã được dạy, ví dụ như là trong luận của Đức Long Thọ về Nhập Trung Đạo. Một số giải thích khá phức tạp, nhưng để khiến cho nó thật giản dị, bây giờ, chúng ta sẽ sử dụng một loại lý luận gọi là “Phân tích về tính tương thuộc của mọi sự”, chỉ ra rằng tất cả mọi sự chỉ hoàn toàn được thấy biết là nương dựa lẫn nhau, trong khi đó, tự thân chúng thiếu sự hiện hữu độc lập, không có bản chất. Ở đây, tôi sẽ cho các bạn thấy một ví dụ: hãy nhìn vào hai cây hương này. (Rinpoche cắm hai cây hương lên). Một cây dài, một cây ngắn. Mọi người đều đồng ý rằng cây hương đầu tiên dài và không ngắn, cây hương thứ hai ngắn và chắc chắn không dài. Chúng ta cùng chấp nhận điều này là thật. Đúng không? Như vậy, nó có vẻ như là cây hương đầu tiên là thật sự “dài” và cây hương thứ hai thật sự “ngắn”. Đúng không?

(Rinpoche cầm một cây hương thứ ba dài hơn và để bên cạnh cây thứ nhất). Bây giờ, điều gì xảy ra? Bây giờ, không ai gọi cây hương đầu tiên, mà chúng ta đã nói trước đó là “dài”, là “dài” nữa. Bây giờ, chúng ta sẽ gọi cây hương đầu tiên là “ngắn”. Nhưng nếu chúng ta có một cây hương duy nhất, duy chỉ mình nó, không ai có thể nói liệu nó “ngắn” hay “dài”. Chúng ta không thể nói điều gì về nó.

Chúng ta cần hiểu điều gì từ ví dụ này? Những vật ấy, trong bản thân chúng, không có bất kỳ một bản chất nào như là “dài” hay “ngắn”. Nó chỉ là những suy nghĩ của chúng ta áp đặt những tên gọi “dài”, “ngắn” vào các vật. Những khái niệm này ra đời khi một vật được so sánh với một vật khác. Nói cách khác, những khái niệm là tùy thuộc, cái này phụ thuộc vào cái kia. Các vật, trong bản thân chúng, trống không những tên gọi như là “dài” hay “ngắn”.

Có hai loại sự thật hiển nhiên ở đây - cái thật sự là thật và cái thật giả tạo. Theo sự thật tuyệt đối, chúng ta không thể cho là một vật nào đó, trong bản thân nó, là dài hay ngắn hoặc sở hữu bất kỳ đặc điểm nào; tất cả mọi vật là trống không bản chất. Nhưng, theo sự thật tương đối, rõ ràng là có một vật là dài hơn vật khác để một vật là “dài” và vật kia là “ngắn”.

Liệu nguyên lý này chỉ áp dụng cho những mô tả như là “dài” và “ngắn” không? Không. Nó bao trùm mọi thứ, “tốt” hay “xấu”, “đẹp” hay “xấu”, “lớn” hay “nhỏ” và vân vân. Những bản chất hoặc phẩm tính như vậy không tồn tại trong các sự vật hoặc tự tồn tại. Tất cả chúng đều được tạo ra bởi những tư tưởng của chúng ta. Chúng ta tạo ra những tên gọi này và áp đặt lên các sự vật. Bản thân các sự vật không có những khái niệm này. Do đó, khi chúng ta thật sự hiểu điều này, không có ý nghĩa gì trong việc trở nên tham luyến vào một cái gì đó mà chúng ta tin là “tốt” và “đẹp”, bởi vì sự mô tả của “tốt” và “đẹp” chỉ hoàn toàn là sự tạo tác tâm thức của chính chúng ta. Bản thân một sự vật không có những phẩm tính này. Tương tự, không có ý nghĩa gì khi chống đối lại cái mà chúng ta xem là “xấu” hoặc “ác”, bởi vì những phẩm tính của “xấu” và “ác” cũng là những sự tạo tác của chính bản thân chúng ta. Chúng không có sẵn trong bản thân các sự vật.

Đấy là một phân tích về tính tương thuộc, nương dựa của các hiện tượng. Có một cách phân tích bản chất của các sự vật khác, thông qua một ví dụ rất đơn giản. (Rinpoche đưa bàn tay lên.) Mọi người có thể đồng ý rằng đây là bàn tay của tôi. Tôi có thể nhìn thấy bàn tay này, các bạn có thể nhìn thấy bàn tay này, và không ai trong số chúng ta phản đối rằng đây là bàn tay của tôi. Bàn tay này có thể sử dụng để viết và làm các hoạt động khác, do đó, nó có thể làm việc. Dường như là bàn tay này thật sự hiện hữu. Nhưng nếu chúng ta bắt đầu phân tích, tìm kiếm bản chất của vật được gọi là “bàn tay” để hiểu nó thật sự là gì - nếu chúng ta cố gắng chỉ ra cái thật sự khiến nó là một “bàn tay”, chúng ta gặp khó khăn. Xem xét từng chút từng chút một, vật này không phải là một “bàn tay”. Đây là một “ngón cái”, không phải một “bàn tay”. Đây là một “ngón trỏ”, chúng ta sẽ không gọi nó là một “bàn tay”. Các ngón khác cũng không được gọi là “bàn tay” bởi vì chúng được gọi là một bởi một tên khác - “các ngón tay”. Thế còn lòng bàn tay thì sao? Chúng ta có thể nói rằng nó là “bàn tay”, nhưng chúng ta không thể nói chính xác như thế bởi vì phần bên ngoài được gọi là “da” và các phần bên trong là “thịt”, “xương” và “gân”. Bản thân những vật này không đáng được gọi là “bàn tay”. Chúng chỉ là những phần khác. Nói tóm lại, chúng ta không thể tìm thấy bất cứ thứ gì thật sự là “bàn tay”. Qua cách phân tích này, chúng ta khám phá ra rằng “bàn tay” là trống không, không có bản chất. Cái mà chúng ta gọi tên là “bàn tay” chỉ là một sự tạo tác tâm thức. Chúng ta thiết lập lòng tin rằng có một thứ gọi là “bàn tay”, dựa vào sự hiện diện của tất cả các phần khác, và chúng ta sử dụng tên “bàn tay” để chứng thực lòng tin này. Nhưng thật ra, bản thân “bàn tay” thì trống không, không có bản chất và không thể được xác định là ở bất kỳ đâu.

Có phải sự khảo sát này nhằm khám phá tánh Không của bản chất áp dụng chỉ cho bàn tay phải không? Không, nó cũng áp dụng cho bàn tay trái, bàn chân phải, bàn chân trái, hai cẳng chân, hai cánh tay và cho mọi thứ. Tất cả những từ này chỉ là những tên gọi được những tư tưởng của chúng ta sáng tạo ra, quy cho một nhóm gồm nhiều bộ phận, trong khi không có một vật có bản chất nào để cho tên gọi ấy áp dụng lên. Đây là lý do tại sao Đức Phật dạy về năm uẩn. Năm uẩn trong tiếng Sanskrit là skandhas. “Skandha” có nghĩa là “một tổ hợp rất nhiều các bộ phận”. Vì một số lý do, suy nghĩ của chúng ta vận hành cho rằng các phần ấy như là một nhóm tương đương với một thực thể đơn lẻ. Chúng ta cho nó một cái tên như thể bản thân nó là một vật. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn thật kỹ, nó không có chút gì là một vật đơn lẻ, mà là nhiều bộ phận. Tất cả mọi vật đều như thế. Tất cả mọi vật là nhiều phần mà chúng ta tin rằng là một vật đơn lẻ. Khi chúng ta phân tích theo cách này, sử dụng lý luận thông minh, chúng ta phát hiện ra rằng tất cả những gì được gọi là “các vật” chỉ là những cái tên gọi dành cho các nhóm nhiều bộ phận, trống không, không có tính độc lập. Hiểu biết rõ ràng về tánh Không này được phát hiện thông qua tiếp cận lý luận thông minh.

Điều này được gọi là “Lấy suy diễn làm con đường”. Hoàn toàn có thể thông qua suy luận và suy diễn, qua phân tích về tất cả các hiện tượng để thiết lập rằng bản tánh của tất cả mọi sự vật là tánh Không. Qua đây, chúng ta có thể đạt một lòng tin rõ ràng và chắc chắn về tánh Không. Nhưng trong thực hành thiền định hoặc tu tập định thực thụ, lý luận thông minh không có ích lợi gì, nó không được xem là một phương tiện đặc biệt hay nhanh chóng. Theo cách nhìn này, Kinh thừa thậm chí còn được xem là một con đường rất dài. Mất rất nhiều a tăng kỳ để tích tập công đức, phân tích và thiền định về tánh Không mới đạt tới quả vị thứ nhất. Chỉ sau một con số không thể tin nổi của nhiều a tăng kỳ tiếp theo, chúng ta mới có thể đạt giác ngộ chân thật và trọn vẹn.

Trong bối cảnh Kim Cương Thừa, tự thân tu tập định, chúng ta cần phải có sự xác quyết về bản tánh của tâm. Không quan trọng những đối tượng bên ngoài là trống không hay không trống không. Thậm chí tất cả mọi sự vật dĩ nhiên là trống không khi an trụ trong định, điều ấy không thật sự tạo ra nhiều khác biệt. Thay vì bị bám chấp vào việc phân tích các sự vật ấy, tâm của người tri giác, bản thân thức là quan trọng hơn cả. Tâm này không phải là một vật mà chúng ta phải nhờ người khác chỉ cho mình bởi vì nó, cái cảm nhận vui hay buồn, bám dính, cái kinh nghiệm khoái lạc hay đau khổ là tâm ta. Những cảm xúc này, bất kể là thanh tịnh hay bất tịnh, không xuất hiện ở nơi nào khác mà ở ngay đây với chúng ta. Chừng nào chúng ta còn chưa nhận những giáo huấn về tâm là như thế nào, có vẻ như là có một vật có bản chất, cứng chắc mà chúng ta gọi là “tôi”. Chúng ta tin rằng nó được tạo nên bởi một chất liệu nào đó và có một thực tại vốn có nào đó. Nhưng để thật sự khám phá xem tâm là như thế nào, chúng ta không cần suy diễn bằng trí thông minh hoặc cố gắng hình dung xem nó thật sự là như thế nào. Chúng ta chỉ đơn giản là nhìn vào bản thân tâm hiện tại. Tâm chúng ta đang ở đâu? Hãy chỉ đơn giản là nhìn vào trong. Liệu nó có màu sắc hay hình dạng gì không? Trông nó giống như thế nào? Nếu nó có màu sắc, màu ấy là gì? Nếu nó có hình dạng, hình dạng ấy là gì? Nếu tâm bạn không có màu sắc hay hình dạng, thì bản chất của nó chính xác là gì? Để xem xét theo cách này, chúng ta không cần phải có một người khác hiện diện để nhờ, cũng không cần tri thức hóa thông qua lý luận triết học. Chúng ta chỉ đơn giản là nhìn vào tâm chúng ta để thấy rằng nó là cái gì và trông nó như thế nào.

Khi xem xét theo cách này, chúng ta không thể tìm thấy “một vật” ở một nơi cụ thể nào, có bản chất, màu sắc, hình dạng rõ ràng. Tại sao thế? Không phải vì chúng ta không hiểu hoặc đã thất bại trong việc lý luận. Khi nhìn thẳng vào cái mà chúng ta gọi là “tâm” này, và không tìm thấy một thứ gì có màu sắc, hình dạng nào là bởi vì bản tánh của tâm này là tánh Không. Nó không có bất kỳ màu sắc hay hình dạng nào. Nó không phải là một vật mà bạn có thể nhìn thấy hoặc tìm ra, nó trống không bản chất.

Cách tiếp cận này được gọi là lấy tri giác trực tiếp làm con đường, khác với những phương pháp phân tích và suy diễn. Để đi đến một ý tưởng rằng một vật là trống không, chúng ta áp dụng con đường suy diễn. Tuy nhiên, điều mà chúng ta mới mô tả ở trên là con đường tri giác trực tiếp, không lệ thuộc vào việc suy đoán về tánh Không. Nó bao gồm việc thấy tánh Không một cách trực tiếp - nhìn thẳng vào tâm của chúng ta và tự mình kinh nghiệm nó như nó là, không có bản ngã. Một số người có thể trở nên sợ hãi khi tiếp cận bản tánh trống không của tâm, nhưng không có lý do gì để sợ hãi cả. Nếu tâm là một vật có bản chất thì mới có cái gì đó để sợ hãi. Nhưng bởi vì nó không có một thực thể cứng chắc nào, nhìn thấy điều này không cần khơi gợi bất kỳ nỗi sợ hãi hay kinh hoàng nào. Ngược lại, một cảm giác sáng tỏ, an lạc sinh khởi, cảm giác này đôi khi được mô tả như là sự hợp nhất của tánh Không và an lạc, hoặc sự hợp nhất của tánh Không và tính biết.

Để có lòng tin rằng mọi sự vật là trống không, chúng ta phải sử dụng hệ thống Kinh hoặc con đường suy diễn để phân tích và thấy rõ mọi sự là như thế nào. Nhưng khi tự mình kinh nghiệm trạng thái tánh Không, chúng ta cần phải sử dụng con đường tri giác trực tiếp, thông qua đó có thể trực tiếp và thật sự thấy bản tánh của tâm là trống không, không có một thực thể. Nói tóm lại, hệ thống Kinh là con đường suy diễn, trong khi hệ thống Kim Cương Thừa là con đường nhận biết trực tiếp. Đây là điểm khác nhau chính yếu.

---o0o---

Trích: Bài Ca Đại Ấn

Tác giả: Jamgon Kongtrul Rinpoche

Bình giảng: Khenchen Thrangu Rinpoche

Người dịch: Hoàng Lan

NXB Tôn Giáo - NXB Thiện Tri Thức

Ảnh nguồn internet

Bài viết liên quan