ĐỒNG TỬ ĐỨC SINH VÀ ĐỒNG NỮ HỮU ĐỨC DẠY ĐỒNG TỬ THIỆN TÀI - HOÀ THƯỢNG TUYÊN HOÁ - KINH HOA NGHIÊM ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT GIẢNG GIẢI TẬP 24

ĐỒNG TỬ ĐỨC SINH VÀ ĐỒNG NỮ HỮU ĐỨC DẠY ĐỒNG TỬ THIỆN TÀI

KINH HOA NGHIÊM ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT GIẢNG GIẢI TẬP 24 – HOÀ THƯỢNG TUYÊN HOÁ

-----o0o-----

Lại nữa, nên ở nơi thân mình, sinh tưởng là đệ tử. Nơi thiện tri thức, sinh tưởng là người thợ khéo. Nơi sở thuyết pháp, sinh tưởng là kỹ nghệ. Nơi sở tu hành, sinh tưởng là biết rõ.
ĐỒNG TỬ ĐỨC SINH VÀ ĐỒNG NỮ HỮU ĐỨC DẠY ĐỒNG TỬ THIỆN TÀI - HOÀ THƯỢNG TUYÊN HOÁ - KINH HOA NGHIÊM ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT GIẢNG GIẢI TẬP 24

(Kinh Văn)

Lại nữa, nên ở nơi thân mình, sinh tưởng là đệ tử. Nơi thiện tri thức, sinh tưởng là người thợ khéo. Nơi sở thuyết pháp, sinh tưởng là kỹ nghệ. Nơi sở tu hành, sinh tưởng là biết rõ.

Lại nữa, nên ở nơi thân mình, sinh tưởng sự sợ hãi. Nơi thiện tri thức, sinh tưởng là người dũng cảm. Nơi sở thuyết pháp, sinh tưởng là đao gậy. Nơi sở tu hành, sinh tưởng là phá được oán địch.

Lại nữa, nên ở nơi thân mình, sinh tưởng là người đi buôn. Nơi thiện tri thức, sinh tưởng là bậc đạo sư. Nơi sở thuyết pháp, sinh tưởng là châu báu. Nơi sở tu hành, sinh tưởng là lượm được châu báu.

Lại nữa, nên ở nơi thân mình, sinh tưởng là con cái. Nơi thiện tri thức, sinh tưởng là cha mẹ. Nơi sở thuyết pháp, sinh tưởng là gia nghiệp. Nơi sở tu hành, sinh tưởng là nối nghiệp nhà.

Lại nữa, nên nơi thân mình, sinh tưởng là vương tử. Nơi thiện tri thức, sinh tưởng là đại thần. Nơi sở thuyết pháp, sinh tưởng là lời vua dạy. Nơi sở tu hành, sinh tưởng là đội mão vua, mặc y phục vua, ngồi cung điện vua.

 

(Giảng Giải)

Lại nữa, ngươi nên nghĩ tưởng như vầy: Thân mình giống như là đệ tử, thiện tri thức, giống như là người thợ rất khéo giỏi, pháp của thiện tri thức nói giống như là kỹ nghệ, ta y theo pháp tu hành giống như là biết rõ kỹ nghệ.

Lại nữa, ngươi nên nghĩ tưởng như vầy: Thân mình giống như là sự sợ hãi, thiện tri thức giống như là người dũng cảm, pháp của Ngài nói giống như là đao gậy, ta y theo pháp tu hành, giống như là phá được oán địch.

Lại nữa, ngươi nên nghĩ tưởng như vầy: Thân mình giống như là người đi buôn, thiện tri thức giống như là bậc đạo sư, pháp của Ngài nói giống như là châu báu, ta y theo pháp tu hành giống như là lượm được châu báu.

Lại nữa, ngươi nên nghĩ tưởng như vầy: Thân mình giống như là con cái, thiện tri thức giống như là cha mẹ, pháp của Ngài nói giống như là gia nghiệp, ta y theo pháp tu hành giống như là nối nghiệp nhà.

Lại nữa, ngươi nên nghĩ tưởng như vầy: Thân mình giống như là vương tử, thiện tri thức giống như là đại thần, pháp của Ngài nói giống như là lời vua dạy, ta y theo pháp tu hành giống như là đội mão vua, mặc y phục vua, ngồi cung điện vua.

Đạo lý của đoạn Kinh văn nầy nói, là dạy chúng ta gần gũi thiện tri thức, xa lìa ác tri thức. Người chưa gặp được thiện tri thức, thì nên đi các nơi tìm cầu thiện tri thức. Người đã gặp được thiện tri thức, thì nên gần gũi thiện tri thức. Nghe thiện tri thức dạy bảo, thì đừng chống trái sự giáo hoá của thiện tri thức. Thiện tri thức là kim chỉ nam trong đường mê, khiến cho bạn tìm được phương hướng, đi trên con đường bồ đề đại đạo.

Người học Phật pháp, nhất định phải tiêu diệt hết sạch tâm tự tư, tự lợi, của mình, đừng để nó tác quái, làm loạn định tâm, nên biến nói thành tâm vì pháp quên mình. Chỉ cần đắc được Phật pháp, dù có đem thân tâm tánh mạng để bố thí, cũng không tiếc, tuyệt đối không xẻn tiếc. Bất quá, các vị phải hiểu được, do đó có câu:

“Đạo cao một thước, ma cao một trượng.

Đạo cao một trượng, ma ở trên đầu”.

Bạn càng muốn dụng chân tâm để tu hành, thì càng phải thọ sự khảo nghiệm, chỉ xem bạn có nhận thức được hay không mà thôi.

Nếu muốn tu đạo, thì trước hết phải đừng có tâm tham, đừng có tâm sân, đừng có phan duyên. Không phan duyên bao quát không phan duyên tiền bạc, vật chất, cho nên nhất định phải đừng có tâm tham, tâm sân, tâm si. Nếu có tâm tham sân si ba độc, thì sẽ sinh ra rất nhiều phiền não.

Các vị hãy xem! Mỗi người của mình không biết có nghiệp chướng gì, càng nhận chân tu hành, thì càng phát sinh nghiệp chướng. Do đó có câu:

“Muốn học tốt, oan nghiệt tìm

Muốn thành Phật, phải thọ ma”.

Hiện tại (1979), Quả Đình (tức thầy Hằng Triều) tam bộ nhất bái, vừa mới khởi hành, đã biết dụng công tu hành, đã hồi tưởng lại chính mình. Nhưng mẹ của Y bị bệnh, ở trong nhà thương mới vừa mổ. Sự mổ nầy không nặng lắm, nhưng làm cho Quả Đình cứ nghĩ tưởng lăn xăn. Khi tam bộ nhất bái, thì Y vừa lạy vừa vọng tưởng. Sự khảo nghiệm nầy, rất là lợi hại, nếu không giữ vững được thì sẽ bị cảnh giới chuyển. Nhưng Quả Đình tâm đang bị động, thân đang lạy, nhờ ý chí kiên cường, mới khắc phục được vọng tưởng. Các vị hãy nghĩ xem! Tu đạo chẳng phải là một việc dễ dàng.

Quả Đình tự cảm thấy đối với cảnh giới khác, đều có thể nhẫn thọ được. Chỉ có cảnh giới nầy (mẹ bị bệnh) có lúc chịu không được. Tuy nhiên nhẫn thọ không được, nhưng vẫn phải tam bộ nhất bái, đây là biểu hiện không chuyển theo cảnh giới.

Người tu đạo phải chú ý! Không thể khởi vọng tưởng, vọng tưởng là đá buộc chân người tu đạo. Bạn có vọng tưởng gì, thì có cảnh giới đó đến khảo nghiệm bạn. Cho nên tôi thường nói:

“Tất cả là khảo nghiệm

Xem bạn làm thế nào

Trước mắt chẳng nhận thức

Phải luyện lại từ đầu”.

Ví như người nam chẳng buông bỏ được người vợ, người nữ chẳng buông bỏ được người chồng, cha mẹ chẳng buông bỏ được con cái. Sự việc nầy đến khảo nghiệm, thì bị sự việc nầy không thể tu hành được. Cho nên cảnh giới đến, chẳng dễ gì phá được cửa ải, cũng không dễ gì qua được cửa ải nầy. Do đó có câu:

“Tu đạo như bò lên cây sào trăm thước,

Xuống thì dễ, lên thì khó”.

Các vị hãy nghĩ xem! Làm thế nào đây? Nếu không hướng về trước tiến tới, thì sẽ thối lùi về sau. Hướng vềtrước tiến tới, thì dễ dàng thăng đi lên, thối lùi về sau, thì dễ dàng đoạ lạc. Thăng đi lên là đường lành, đoạ lạc là đường ác. Cho nên nói: “Khó! Khó! Khó! Hai chữ tu hành khiến cho người lạnh, phải dậy sớm, phải ngủ trễ, sớm tối không có thời gian ở không”. Bạn nói có khó chăng!

Các vị đối với đoạn Kinh Hoa Nghiêm nầy, có cảm tưởng gì? Phải kiểm thảo kỹ càng lại xem, thì mới nhận thức được đối với đoạn Kinh văn nầy. Không thể nuốt trựng không nhai, ăn mà chẳng biết mùi vị của nó. Phải từtừ nhai cho thật kỹ, mới nếm được mùi vị, thì mới đắc được lợi ích của pháp. Đừng có tham nhiều, chỉ tại tinh mật. Tham nhiều nhai không nát, ngược lại chỉ có hại, thức ăn không tiêu hoá được, thì chẳng có ích gì.

-----o0o-----

Trích: “Kinh Hoa Nghiêm Đại Phương Quảng Phật Giảng Giải Tập 24”.

Tác giả: Hoà Thượng Tuyên Hoá.

Hán dịch : Sa môn Thật Xoa Nan Đà.

Việt dịch : Tỳ Kheo Thích Minh Định.

Ảnh nguồn: Internet.

Bài viết liên quan