DUYÊN KHỞI CỦA KINH - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

DUYÊN KHỞI CỦA KINH

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

Ba pháp Xa ma tha (Chỉ), Tam ma bát đề (Quán) và Thiền na (Chỉ Quán đồng thời) là phương tiện tối sơ cho đến tối hậu của con đường Phật giáo. Chúng là nền tảng tạo ra con đường Phật giáo. Ngay cả tu hạnh, như đầu đề kinh nói, “chư Bồ tát vạn hạnh”, thì hạnh Bồ tát nào cũng phải đặt nền trên ba pháp tu này mới được gọi là hạnh Bồ tát...
DUYÊN KHỞI CỦA KINH - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

Khi ấy vua Ba Tư Nặc nhân ngày giỗ của vua cha, thiết lễ trai nghi, thỉnh Phật vào cung cúng dường. Vua đích thân nghinh đón Như Lai, dâng cúng nhiều thức ăn quý báu, tự mình thỉnh mời các Đại Bồ tát. Trong thành cũng có các trưởng giả cư sĩ đồng thời thiết lễ trai tăng, mong được thỉnh Phật. Phật bảo ngài Văn Thù phân lãnh các Bồ tát và A La Hán đến các nhà trai chủ.

Chỉ có ngài A Nan trước đã nhận lời mời riêng, đi xa chưa về, không kịp dự hàng tăng chúng. Ông về một mình, không có Thượng toạ và A xà lê cùng đi, hôm ấy cũng không có người cúng dường. Lúc ấy ông mang bát vào thành, tuần tự khất thực.

Ban đầu trong tâm mong được một người rốt sau cúng dường, không kể sang hèn, giòng sát đế lợi hay chiên đà la, đều hành tâm từ bình đẳng, phát tâm cho tất cả chúng sanh viên thành vô lượng công đức.

A Nan đã biết Đức Phật trách Tu Bồ Đề và Đại Ca Diếp là A La Hán mà tâm chẳng bình đẳng. Ông kính vâng lời khai thị không phân biệt của Phật, giúp cho chúng sanh thoát khỏi nghi ngờ hủy báng. Thong thả vào cửa thành, nghiêm chỉnh oai nghi, theo pháp hóa trai.

Bấy giờ Ông A Nan theo thứ lớp khất thực ngang qua nhà một dâm nữ, gặp đại huyễn thuật của Ma Đăng Già. Cô dùng chú Ta tì ca la tiên Phạm thiên bắt vào phòng riêng, dựa kề vuốt ve khiến A Nan gần phá giới thể.

Như Lai biết A Nan bị dâm thuật kia gia hại, nên thọ trai xong liền trở về. Vua và đại thần, trưởng giả, cư sĩ đều đi theo Phật, mong được nghe pháp yếu.

Khi ấy trên đỉnh Thế Tôn phóng quang minh vô úy trăm báu, trong quang minh hiện ra hoa sen báu ngàn cánh, trên có Hóa thân Phật ngồi kiết già, tuyên thuyết thần chú, bảo ngài Văn Thù Sư Lợi đem chú đến cứu A Nan, khiến ác chú tiêu diệt, rồi dẫn A Nan và Ma Đăng Già về đến chỗ Phật.

Nhân duyên của Kinh này là tai nạn của ngài A Nan, không vượt qua được dâm thuật của cô Ma Đăng Già khiến suýt phá giới thể.

Dâm dục là nguyên nhân chính khiến con người tái sanh mãi trong sanh tử, gây ra bao nghiệp để nhận chịu vô số khổ đau. Nền tảng để dựa vào đó mà chuyển hóa ái dục hầu giải thoát và giác ngộ là thực tại mà Kinh nói là Như Lai Tạng, Chân Tâm, tánh Giác, bản giác minh diệu, tánh diệu Chân Như, nguồn tâm… Thực tại đó là Phật tánh mà ai ai cũng sẵn có, chỉ cần được khai thị và ngộ nhập thì đem dùng mà phá tan thành quách của ba cõi.

Từ thực tại đó mà Đức Phật “phóng quang minh vô úy trăm báu, trong quang minh có hoa sen ngàn cánh, trên đó có Hóa thân Phật ngồi kiết già, tuyên thuyết thần chú”. Thực tại tánh Giác là Pháp thân, quang minh là Báo thân, Hóa thân Phật tuyên thuyết thần chú là Hóa thân.

Thần chú là năng lực của Ngữ Phật, biểu lộ năng lực vô tận của Tâm Phật, thể hiện nơi Thân Phật. Năng lực giác ngộ ấy tác động lên Tâm, Ngữ, Thân của người trì chú và được nghe chú. Năng lực ấy khiến ngài A Nan tỉnh cơn mê ái dục. Chính năng lực của tâm Phật, mà mỗi chúng sanh đều có, chuyển hóa sanh tử ô nhiễm này thành Niết bàn thanh tịnh.

A Nan thấy Phật, đảnh lễ khóc lóc, hối hận từ vô thủy đến nay, chỉ một bề nghe rộng nhớ nhiều, chưa hoàn thành đạo lực. Ông tha thiết xin Phật dạy cho những pháp Xa ma tha (Chỉ), Tam ma bát đề (Quán) và Thiền na (Thiền) vi diệu, là những phương tiện tu hành tối sơ của mười phương Như Lai đắc thành Giác ngộ.

Lúc ấy có hằng sa Bồ tát, Đại A La Hán, Bích Chi Phật từ mười phương đến, thảy đều mong được nghe. Tất cả lui về chỗ ngồi, im lặng chờ nghe lời Phật chỉ dạy.

Ba pháp Xa ma tha (Chỉ), Tam ma bát đề (Quán) và Thiền na (Chỉ Quán đồng thời) là phương tiện tối sơ cho đến tối hậu của con đường Phật giáo. Chúng là nền tảng tạo ra con đường Phật giáo. Ngay cả tu hạnh, như đầu đề kinh nói, “chư Bồ tát vạn hạnh”, thì hạnh Bồ tát nào cũng phải đặt nền trên ba pháp tu này mới được gọi là hạnh Bồ tát, bởi vì ba pháp tu đặt nền trên Chân Tâm Phật tánh Như Lai tạng và tiến hành trong đó.

Kinh Viên Giác giảng rõ về ba pháp tu này, Kinh nói, “Đây là phương tiện ban đầu của ba pháp tu. Nếu các chúng sanh chuyên cần tu cả ba pháp, tức gọi là Như Lai xuất hiện ở đời”.

Ba pháp tu Chỉ, Quán, Thiền không phải là các phương tiện giả lập để đạt đến Chân Tâm, dùng xong rồi bỏ, mà các phương tiện ấy được lập trên nền tảng Chân Tâm và tiến hành trong Chân Tâm. Ba phương pháp tu ấy là ba phương diện của chính Chân Tâm. Thế nên chứng ngộ Chân Tâm là chứng ngộ ba pháp tu này, và chứng ngộ ba pháp tu này là chứng ngộ Chân Tâm. Các địa Bồ tát là các cấp bậc nơi ba pháp tu càng ngày càng vi diệu, càng sâu rộng cho đến quả Phật.

Thế nên để đi vào Kinh Lăng Nghiêm, ngộ nhập Kinh Lăng Nghiêm, người học phải thực hành ít nhất là một trong ba pháp tu, dù chỉ ở mức chuẩn bị, sơ bộ. Có như thế mới có thể tương ưng với lời dạy của Đức Phật về tánh Giác diệu minh này được.

Khi ấy, Thế Tôn ở giữa đại chúng duỗi cánh tay sắc vàng xoa đầu A Nan, rồi bảo A Nan và cả đại chúng: Có pháp tam ma đề, tên Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Vương, đầy đủ muôn hạnh, là một cửa siêu xuất vi diệu của mười phương Như Lai, nay ông hãy nghe kỹ.

A Nan đảnh lễ, kính nghe lời Phật dạy.

Tam ma đề (Samadhi) là chánh đại định. Thủ Lăng Nghiêm người xưa dịch là cứu cánh kiên cố. Đại định rốt ráo kiên cố của Phật đảnh.

Đại định nào thì cũng ở trong Chân Tâm và dẫn về chân tâm. Đại định của chân tâm thì thường trụ như vậy, rốt ráo kiên cố từ vô thủy đến vô chung. Như hư không, không do ai tạo lập, không gì phá hoại được, không ngăn cản ai nhập vào, cũng chẳng loại ai ra ngoài.

Chân Tâm ấy ở các kinh khác gọi là tánh Không, tánh Như, Như Lai tạng, Phật tánh, Pháp thân… Đây là cái đầu tiên và cuối cùng của con đường Phật giáo, cho nên chúng ta phải nghe kỹ.

Nghe kỹ, nghiên cứu kỹ để chúng ta không nhìn trái nhìn phải, nhìn ngang nhìn giữa, nhìn trong nhìn ngoài, mà nhìn thẳng tâm và thấy tâm. Hay nói như Kinh Đại Bát Niết Bàn là thấy tánh; kinh này cũng nói là thấy tánh, và Thiền tông cũng nói như vậy.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan