GÓC NHÌN ĐÚNG - SAYADAW U TEJANIYA - THƯ GIÃN VÀ NHẬN BIẾT

GÓC NHÌN ĐÚNG

SAYADAW U TEJANIYA

Trích: Thư Giãn và Nhận Biết; Dịch giả: Mưa; Hiệu đính: Nắng Mai; Nxb Dân Trí và Thiện Tri Thức.

---o0o---

Góc nhìn đúng là việc hiểu rằng tâm là tự nhiên, không phải “tôi” cũng chẳng phải là “ta”.
GÓC NHÌN ĐÚNG - SAYADAW U TEJANIYA - THƯ GIÃN VÀ NHẬN BIẾT

NGUYÊN TẮC 2 | GÓC NHÌN ĐÚNG 

tâm là tự nhiên, không phải là “tôi”

 

Góc nhìn đúng là việc hiểu rằng tâm là tự nhiên, không phải “tôi” cũng chẳng phải là “ta”.

Tâm không phải là một bản thể (self). Tâm không mang tính cá nhân, không phải tôi, hay của tôi. Không có ai ở đó. Đây là góc nhìn đúng, và ta thực hành là để ngộ ra điều đó.

Góc nhìn đúng cần có mặt trong tâm thậm chí còn trước cả sự nhận biết, bởi nếu sự nhận biết thiếu góc nhìn đúng, bạn sẽ bị dính mắc vào tham, sân và si.

Khi ta nhìn thật rõ vào “điều đang là” bằng cách thực hành nhận biết với góc nhìn đúng, trí tuệ bắt đầu nảy nở. Điều này khởi sự cho ta hình dung rõ ràng về cách mà mọi thứ đang là, vốn là bản chất của thực tại mà Đức Phật đã chỉ rõ. Đây là cách để phát triển góc nhìn đúng.

Thế giới quan đã bị điều kiện hoá và quán tính hoá của ta cho rằng tiến trình của tâm và thân này là “tôi”. Tôi đang nhìn “tôi”. Tôi biết “tôi”. Nhưng, ta không thể thiền để phát triển trí tuệ với góc nhìn này được.

Nếu ta coi thân hay tâm là “tôi”, thì tham, sân và si sẽ khởi lên. Nếu ta nghĩ rằng mình đang có một trải nghiệm tốt đẹp, ta sẽ bắt đầu dính chấp vào trải nghiệm đó và cố tạo ra thêm những điều tương tự; đó là tham. Nếu ta cho rằng mình đang có một trải nghiệm tồi tệ, ta sẽ khởi sự chối bỏ nó, né tránh nó, hoặc đẩy nó ra xa; đó là sân. Nếu tâm bị phân tán và bỏ lỡ mọi thứ, hoặc bận rộn lý giải và bào chữa cho những ham muốn hay ghét bỏ của ta, đó là si.

Việc quan sát tâm không phải lúc nào cũng đem về tin tốt lành! Khi ta nhìn vào tâm, ta sẽ thấy chủ yếu là những điều tiêu cực đang xảy ra. Nếu ta nghĩ rằng đó là tâm “của tôi”, ta sẽ thấy phiền muộn. Mặt khác, nếu ta cho rằng mình có những phẩm chất tốt của tâm, ta sẽ bắt đầu tự cao tự đại.

Ta cần tự nhắc mình thường xuyên rằng cả những trạng thái lành mạnh và không lành mạnh, cả những tiến trình sáng rõ hay rối loạn của tâm, đều là tự nhiên. Bằng cách này ta học được cách quan sát các trạng thái ấy thay vì bị dính mắc vào chúng. Bạn cần nhắc mình rằng ý niệm về “tôi” thực chất là một tiến trình hòa trộn thân và tâm. Ta muốn thấu hiểu quá trình này, đó là lý do tại sao ta quan sát nó.

Khi ta thực hành nhận biết với góc nhìn đúng, ta thiết lập một mối liên hệ mật thiết với đời sống. Ta bắt đầu hiểu cảm giác sống như một con người thực sự là thế nào. Hiểu biết về góc nhìn đúng không thể nào đạt được bằng bản ngã, bằng ý niệm về “tôi”. Thay vào đó, với tâm bình thản và trong sáng, ta đơn giản quan sát mọi trải nghiệm như chúng là. Từ đó mà hiểu biết về góc nhìn đúng - bản chất vô-ngã của trải nghiệm - sẽ dần hé mở.

CÁI BIẾT SO VỚI CÁI ĐƯỢC BIẾT

Khi ta thực hành có hai thứ luôn hiện diện: được biết và tâm đang nhận biết đối tượng đó. Tâm và đối tượng - cái biết và cái được biết - cùng nhau tạo nên trải nghiệm hợp nhất khởi lên trong từng khoảnh khắc. Cần phải ghi nhớ điều quan trọng này.

Tâm là cái có khả năng biết. Ta gọi những gì được biết là “đối tượng”.

Đối tượng bao gồm bất kỳ điều gì được nhận biết thông qua sáu giác quan: cảnh tượng, âm thanh, vị, xúc chạm, mùi, và cổng thứ sáu là tâm, bao gồm cảm xúc và suy nghĩ, thường dưới dạng từ ngữ hoặc hình ảnh.

Các đối tượng xuất hiện một cách tự phát. Khi ta nhận biết một đối tượng, ta không cần phải thay đổi nó hay làm cho nó tốt hơn. Thực ra có muốn ta cũng chẳng thể làm được. Một đối tượng không cần phải là bất kỳ điều gì hơn ngoài chính điều nó đang là. Nó chỉ là cái nó là, và nó không thế bị thay thế hay biến đổi được.

Nhưng điều ta có thể làm ở giây phút hiện tại là làm việc với tâm biết. Ta có thể đảm bảo rằng tâm có góc nhìn đúng và đang làm việc đúng cách. Ta có thể mang những phẩm chất này của tâm vào khoảnh khắc hiện tại bằng cách nhận biết.

Thân không biết, chỉ có tâm mới biết. Đó là tri kiến ban đầu có thể được ngộ ra thông qua thiền, và khi tiếp tục thực hành, hiểu biết này sẽ dần trở nên sâu sắc hơn. Ta trải nghiệm thân thể chủ yếu thông qua các cảm giác vật lý, và các trải nghiệm này chỉ được nhận biết bởi tâm. Và cũng chính sự nhận biết đó có khả năng nhận thức được toàn bộ sự tiếp nhận của giác quan, bao gồm cả suy nghĩ lẫn cảm xúc.

Hành thiền, vì thế, là hoạt động của tâm nhận biết tất cả các đối tượng của sự nhận biết. Thiền là việc của tâm.

THẨM SÁT SUY NGHĨ

Khi thiền, liệu ta có nghĩ rằng thật tốt khi có thật nhiều suy nghĩ trong tâm không? Hay ta nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu chỉ có một vài suy nghĩ, hoặc thậm chí không có suy nghĩ nào cả?

Nếu ta tin rằng tốt hơn là nên có ít hoặc không có suy nghĩ nào trong tâm, ta sẽ có xu hướng chống lại suy nghĩ bất cứ khi nào chúng khởi lên trong tâm.

Nhưng suy nghĩ chỉ là tự nhiên. Liệu ta có thể ngăn chặn hay tránh né tự nhiên không? Không thể được. Thay vào đó, ta chỉ cần nhìn nhận rằng suy nghĩ là tự nhiên. Đó là chánh kiến, hay góc nhìn đúng. Với góc nhìn này, chúng ta có thể bắt đầu sống hoà hợp với suy nghĩ thay vì kháng cự lại tự nhiên trong hình hài suy nghĩ.

Bạn cần có khả năng nhận ra tâm đang suy nghĩ, nhưng đừng để vướng mắc vào dòng suy nghĩ đang diễn ra. Không cần phải bám vào những câu chuyện mà dòng suy nghĩ đang kể. Không nhất thiết phải tự động tin rằng câu chuyện đang chạy trong tâm là có thật.

Thay vào đó, hãy hướng sự hứng thú vào thực tế là tâm đang suy nghĩ. Đó là một tiến trình đang diễn ra. Nếu bạn chưa quen với việc nhận biết rằng tâm đang suy nghĩ, hãy quay về với bất cứ đối tượng nào khác mà bạn đang nhận biết, như hơi thở hoặc cảm giác trên thân. Đừng chỉ ở lại với tâm, vì bạn có thể bị lạc trong dòng suy nghĩ.

Nếu bạn thường xuyên cho mình cơ hội nhận biết tâm đang suy nghĩ, sẽ tới một điểm ở đó bạn bắt đầu nhận ra rằng đó là tâm (đang vận hành). Lúc đó bạn sẽ biết và không bị lạc trong suy nghĩ. Có một sự khác nhau giữa việc bị lạc trong suy nghĩ, hay là tâm lang thang, và việc nhận biết về (tiến trình) suy nghĩ trong khi đang suy nghĩ.

Ta bắt đầu nhận ra rằng mình có thể ghi nhận một cách khách quan “đây là tâm”. Ta nhận ra “đây là tâm, tâm đang suy nghĩ.” Khi ta học được cách nhìn tâm một cách khách quan theo hướng này, ta sẽ không bị lạc trong suy nghĩ.

 

NHẬN RA TÁC Ý MUỐN SUY NGHĨ

 

Khi tâm đang suy nghĩ miên man và ta bắt đầu nhận ra điều đó, việc chỉ nhận biết thôi là chưa đủ. Ta nên ghi nhận tác ý muốn suy nghĩ nữa. Tâm muốn suy nghĩ. Ta muốn có khả năng nhìn rõ mong muốn này. Đôi lúc khi tự hỏi “Sao tâm ta suy nghĩ nhiều đến thế?”, ta có thể từ đó phát hiện ra mong muốn suy nghĩ.

Có một thiền giả quan sát tâm suy nghĩ và cô ấy tự hỏi mình: “Tại sao tâm suy nghĩ nhiều đến thế?” Thiền giả đó đột ngột nhận ra rằng, tâm muốn bày trò tiêu khiển cho chính nó. Khi ta biết đâu là nguyên nhân của việc suy nghĩ quá nhiều, sự hiểu biết ấy sẽ làm chậm hoặc làm ngưng tiến trình suy nghĩ lại.

Khi ta nhìn vào suy nghĩ theo cách này, ta có thể hiểu được một số tiến trình nhất định, chẳng hạn như quan hệ nhân-quả giữa thân và tâm, hoặc là cách mà tâm dán nhãn “đúng” và “sai” lên mọi thứ. Ta không hứng thú với nội dung của suy nghĩ. Thay vào đó, ta muốn hiểu “hiện tượng” suy nghĩ, đặc biệt trong mối quan hệ với các phẩm chất tâm bất thiện xảo như: mong muốn vài điều nhất định xảy ra (ví dụ, muốn một số suy nghĩ hoặc hình ảnh nào đó khởi lên trong tâm) và mong cho một vài điều khác không xảy ra (chẳng hạn không muốn một số suy nghĩ nhất định khởi lên).

Ta có thể quan sát rõ các tiến trình này từ cách tâm ứng xử với các âm thanh nghe được khi hành thiền. Để ý cách mà tâm ngay lập tức dán nhãn những âm thanh đó là “hay” hoặc “dở”. Ta tận hưởng những âm thanh “hay”, như là tiếng chuông reo, tiếng chim hót, hay tiếng lá xào xạc trong gió, và tâm ta níu bám vào chúng. Ta thích chúng và muốn trải nghiệm chúng nhiều hơn. Ta không muốn chúng dừng lại. Tương tự, ta cố gắng ngăn chặn những âm “dở”, như là tiếng xe chạy hay tiếng ồn từ công trường xây dựng.

Không quan trọng bạn tập trung tốt đến mức nào. Bạn có thể đang chìm sâu vào sự tập trung, nhưng khi bạn nghe một âm thanh mà bạn nghĩ rằng nó không nên ở đó, bạn sẽ mất tập trung ngay lập tức. Rồi bạn bực tức vì âm thanh đó phá vỡ sự tập trung của bạn.

Ngay khi ta có góc nhìn sai, ta sẽ có suy nghĩ sai - đó là suy nghĩ thích hoặc không thích, hoặc đánh giá một trải nghiệm nào đó là tốt hay xấu. Rồi, thay vì liên tục nhìn thấy thực tại một cách rõ ràng, ta bị vướng mắc vào tham và sân. Ta bắt đầu cố gắng thao túng tự nhiên thay vì nhìn vào tự nhiên một cách rõ ràng và làm việc với nó một cách khéo léo.

Theo cách này, những cái thích và không thích của ta che mờ sự sáng rõ của tâm, nhưng đây thực ra lại chính là cơ hội để quan sát và nghiên cứu kỹ cách thức vận hành của các gốc bất thiện. Ta có thể hiểu những gốc rễ đó chừng nào thì tâm được giải thoát khỏi tham, sân và si chừng đó.

NHÌN NHẬN CƠN ĐAU LÀ PHI CÁ NHÂN

Với nỗi đau thì sao? Liệu ta có thể quan sát thấy cách mà tâm tự động dán nhãn cho bất kỳ cảm giác khó chịu dữ dội nào đó là “đau” và vì thế là “xấu”?

Nhìn chung, ta thường đánh giá cơn đau như là một trải nghiệm tiêu cực. Bản thân từ “đau” đã gieo vào tâm ta hình dung ấy, thế nên khi ta đau, phản ứng tự động của tâm - dù ta có nhận biết hay không - là không thích. Khi trải qua cảm giác khó chịu trong thân hay tâm, ta cần nhận thấy rõ những phản ứng tiêu cực này trong tâm và điều chỉnh bằng cách đưa tâm về góc nhìn đúng.

Ta làm việc này bằng cách nhắc mình rằng nỗi đau tự nó vốn không phải là điều tiêu cực. Đau là tự nhiên. Nó không tốt cũng chẳng xấu.

Chỉ khi nào ta chấp nhận rằng đau là hiện tượng tự nhiên thì ta mới cho phép việc gì diễn ra được diễn ra và học hỏi từ đó. Nếu không, chúng ta sẽ quá bận rộn để kháng cự lại cơn đau và rồi chẳng hiểu gì về nó cả.

Khi cơn đau hiện diện, đó chỉ là một trải nghiệm vật lý, phải vậy không? Nhưng cảm giác “đau đớn” thì ở trong tâm. Cùng một trải nghiệm vật lý, nhưng tâm có thể ghét bỏ hoặc cũng có thể bình thản đón nhận. Vì thế ta cần làm việc với tâm để hiểu thêm về sự tham gia của nó vào quá trình này.

Tâm diễn giải nỗi đau như thế nào? Làm sao mà tâm lại gây đau cho chính nó? Làm thế nào mà tâm lại tự tạo ra trải nghiệm “đau đớn”, “nỗi đau” và cả những cơn đau đi kèm? Đối với người không thiền, tất cả đều trộn vào nhau thành một khối. Nhưng với một thiền giả, có sự khác biệt: bạn tách nỗi đau ra từng phần để tìm hiểu về nó.

Những người sống cùng với con đau mãn tính thì buộc phải vừa đau vừa học. Cảm giác của tâm đối với cơn đau như thế nào? Thái độ của tâm đối với con đau ra sao? Tâm đang quan niệm thế nào về cơn đau? Bạn đã thực sự hiểu gì về đau?

Bằng cách đặt câu hỏi về cơn đau theo lối này, tâm học cách hiểu cơn đau với góc nhìn đúng, không mang tính cá nhân như là “nỗi đau của tôi”, mà chỉ là tự nhiên. Khi không được nhìn nhận là “của tôi”, cơn đau sẽ đột nhiên không còn đau mấy nữa, hoặc thậm chí không đau chút nào.

Vắng mặt sự kháng cự hay ghét bỏ, cơn đau chỉ là một đối tượng được biết. Đau không có tính cá nhân. Việc đối tượng là đau không phải là vấn đề. Khi nỗi đau được nhìn dưới góc độ tự nhiên, nó sẽ không còn đau đớn nữa.

Khi bạn tiếp tục thiền cả ngày, hãy nhớ rằng bất cứ gì bạn quan sát, dù nó thuộc về thân hay tâm, dù nó dễ chịu hay khó chịu, sẽ rất hữu dụng khi giữ góc nhìn “đây chỉ là tự nhiên, đây chỉ là một tiến trình đang diễn ra”. Đây là sự khác biệt duy nhất giữa người thiền và người không thiền.

DÙNG MỌI GIÁC QUAN ĐẾ PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ

Một thiền giả dùng tất cả các trải nghiệm đến từ sáu giác quan để phát triển sự nhận biết, định tâm và trí tuệ. Người không hành thiền cũng có sáu giác quan nhưng có xu hướng phát triển tham muốn, ghét bỏ, và thờ ơ đối với chúng. Vậy hãy dùng mỗi khoảnh khắc mà bạn có với sáu giác quan để phát triển sự tỉnh giác, định tâm, và trí tuệ, đó là bạn đang thiền.

Ta nên thực hành như thế nào với ba gốc bất thiện của tâm - tham, sân, và si? Ta hành thiền để quan sát một cách rõ ràng và khách quan nhằm học hỏi về bản chất của chúng. Theo cách này, quán tính của trí tuệ sẽ bắt kịp và nhổ bật các gốc bất thiện một cách tự nhiên.

Là thiền giả, các trải nghiệm trong đời sống không nhất thiết phải làm xáo trộn chúng ta. Vì mỗi trải nghiệm dù dễ chịu hay khó chịu - đều là đối tượng để có thể liên tục nhận biết, nên chúng ta luôn có thể dùng những trải nghiệm ấy để phát triển lòng tự tin, sự tinh tấn, chánh niệm, định tâm và trí tuệ.

Công việc của một thiền giả vì thế chỉ có ba điều: trước tiên, có góc nhìn đúng, thứ hai, nhận biết với góc nhìn đúng; và thứ ba, duy trì nhận biết với góc nhìn đúng.

Bất cứ điều gì mà bạn hay biết từ những trải nghiệm tại thời điểm này, hãy ghi nhận nó như nó đang là. Hãy duy trì việc nhận biết đó, và rồi tiếp tục nhận biết bất kỳ điều gì khác mà bạn có thể. Bạn không cần cố gắng thay đổi những trải nghiệm của mình.

Vậy ta thực hành như thế nào trong các sinh hoạt trong ngày - ngồi, đứng, đi lại, hay bất kỳ hoạt động nào khác? Ta cố gắng nhận biết. Ta nhận biết bất kỳ điều gì đang xảy ra trong thân và tâm.

Nếu tại một thời điểm mà bạn nhận thấy rằng mình đang hay biết ba hoặc bốn đối tượng cùng một lúc, đừng bối rối. Việc này có thể xảy ra, và đó là một điều tốt. Đừng nghĩ rằng bạn đang bị phân tâm. Đừng đánh giá nó. Đó là một dấu hiệu tốt.

Khi sự nhận biết mở rộng, tâm bắt đầu hay biết nhiều thứ rõ ràng, và mọi việc diễn ra rất nhanh. Tiến trình của tâm và vật chất xảy ra vô cùng, vô cùng nhanh. Ta thường không nhìn được những gì diễn ra ở tốc độ này, nhưng khi sự nhận biết trở nên sắc bén hơn, nó có thể thấy rõ nhiều thứ đang diễn ra dù ở tốc độ rất nhanh.

THIỀN VỚI ĐÔI MẮT MỞ

Ta đã quá quen với suy nghĩ rằng cần nhắm mắt khi thiền nên ta gần như chẳng bao giờ cân nhắc rằng ta có thể nhận biết về sự thấy. Nhưng sự thấy cũng có thể là một đối tượng được nhận biết tương tự như các đối tượng đang được thấy.

Việc thực hành theo cách này là rất quan trọng rằng khi bạn thấy bạn biết mình đang thấy. Điều này quan trọng, vì thói quen của tâm là ngay lập tức thích, không thích hoặc bỏ qua đối tượng đang được nhận biết, đặc biệt là với tiến trình thấy, và điều này gây ra phiền não.

Thực ra không khó để hiểu sự thấy là gì, nhưng thường thì ta vẫn không nắm bắt được nó. Khuynh hướng của tâm là nghĩ về cái đang được nhìn - tôi đang thấy hình Đức Phật, tôi thấy một cốc cà phê, tôi thấy sàn nhà. Nhưng sự thấy lại là một thứ khác, và đó là thứ mà bạn cần tìm hiểu. Chỉ cần ghi nhận là bạn đang thấy.

Khi bạn thấy, hãy nhận biết là sự thấy đang diễn ra.

Bất cứ khi nào mắt mở, sự thấy diễn ra. Nhờ có sự thấy mà ta có thể nhìn, và bất kỳ lúc nào ta làm việc gì đó, ta đều nhìn. Trước khi vặn tay nắm cửa, chúng ta nhìn vào nắm cửa. Chúng ta nhìn vào cánh cửa khi tiến về phía nó. Chúng ta nhìn trước khi ta nhặt cái gì đó lên, trước khi làm bất cứ việc gì.

Tôi muốn bạn có khả năng mang thực hành Pháp này vào đời sống hàng ngày, để chính đời sống trở thành sự thực hành Pháp. Một trong những cách bạn có thể mang Pháp vào đời sống là nhận biết khi đang nhìn và đang thấy, bởi vì như thế bạn có thể hành thiền với đôi mắt mở.

Thiền là vun bồi những phẩm chất tốt của tâm, như định tâm và tỉnh giác. Vậy, bất cứ lúc nào chúng ta nhìn hoặc thấy, thay vì khởi lên tham muốn hoặc ghét bỏ, thì nhận biết, góc nhìn đúng, và định tâm có thể khởi lên. Khi quán tính của nhận biết và trí tuệ bắt kịp quán tính của ba gốc bất thiện, điều này sẽ xảy ra một cách tự nhiên.

Sự thấy và sự suy nghĩ có cùng bản tính tự nhiên. Cũng như việc ta nên lưu ý nhận biết là ta đang suy nghĩ thay vì bị cuốn vào nội dung của suy nghĩ, ta cũng nên có khả năng quan sát và nghiên cứu tiến trình của sự thấy, đặc biệt là cách tâm phản ứng với những điều nó thích, ghét hay thờ ơ.

Y hệt như cách ta dễ dàng đắm chìm vào dòng suy nghĩ, ta cũng dễ bị lạc trong những điều ta thấy. Với sự thực hành bền bỉ, ta có thể xem góc nhìn như là một đối tượng, tương tự như đối tượng hoá sự suy nghĩ, nhờ đó ta không bị lạc trong chúng. Trong sinh hoạt hàng ngày, bạn hãy để ý về sự nhìn và sự thấy càng nhiều càng tốt.

Ảnh: Nguồn Internet.

Bài viết liên quan