KHOẢNH KHẮC HIỆN TẠI - TÔN SƯ GARCHEN RINPOCHE ĐỜI THỨ 8 - NHỮNG GIÁO LÝ PHOWA VÀ BARDO

KHOẢNH KHẮC HIỆN TẠI

TÔN SƯ GARCHEN RINPOCHE ĐỜI THỨ 8

NHỮNG GIÁO LÝ PHOWA VÀ BARDO

----o0o----

Sau sáu câu kệ của Sáu Trung Ấm, lời dạy vô cùng cô đọng này đưa chúng ta trở lại khoảnh khắc hiện tại. Dòng đầu tiên của câu kệ thứ bảy nói: “Với tâm buông thả, không nghĩ đến cái chết sắp đến, tạo tác những hoạt động vô nghĩa ngoài kia, trở về tay không bây giờ sẽ là hoàn toàn lầm lạc.” Bây giờ chúng ta đã hiểu những nguy hiểm và những cơ hội của các trạng thái trung...
KHOẢNH KHẮC HIỆN TẠI - TÔN SƯ GARCHEN RINPOCHE ĐỜI THỨ 8 - NHỮNG GIÁO LÝ PHOWA VÀ BARDO

 

Với tâm buông thả, không nghĩ đến cái chết sắp đến,

Tạo tác những hoạt động vô nghĩa ngoài kia,

Trở về tay không bây giờ sẽ là hoàn toàn lầm lạc.

Việc cần là nhận biết thánh Pháp,

Vậy thì tại sao không thực hành Pháp ngay tại chính lúc này?

Từ miệng của những người trí nói ra những lời này:

Nếu con không giữ lời dạy của Đạo sư trong lòng con,

Làm sao con không trở thành kẻ tự lừa dối mình?

 

Sau sáu câu kệ của Sáu Trung Ấm, lời dạy vô cùng cô đọng này đưa chúng ta trở lại khoảnh khắc hiện tại. Dòng đầu tiên của câu kệ thứ bảy nói: “Với tâm buông thả, không nghĩ đến cái chết sắp đến, tạo tác những hoạt động vô nghĩa ngoài kia, trở về tay không bây giờ sẽ là hoàn toàn lầm lạc.” Bây giờ chúng ta đã hiểu những nguy hiểm và những cơ hội của các trạng thái trung ấm, điều hợp lý duy nhất cần làm là thực hành Pháp. Về việc nhớ đến cái chết; chúng ta cũng phải nghĩ về đời sống của mình. Thật khó để nhớ đến cái chết mọi lúc, nhưng đó là thực hành quan trọng nhất. Chỉ người có nghiệp và những dấu ấn thói quen thanh tịnh, đã khai triển Bồ đề tâm mới có thể nhớ đến cái chết mọi lúc. Các Đạo sư Kadampa trong quá khứ nói rằng nếu có một Pháp thực hành quan trọng nhất mà chúng ta nên thực hành mọi lúc, thì đó sẽ là sự nhớ đến cái chết. Ban đầu, nhớ đến cái chết và sự vô thường là nguyên nhân để vào Pháp. Đoạn giữa, nó là người bạn đồng hành truyền cảm hứng cho chúng ta thực hành thiện hạnh. Cuối cùng nó đưa chúng ta đến giác ngộ. Các Đạo sư Kadampa trong quá khứ luôn nhớ về cái chết vào buổi tối trước khi đi ngủ, và họ nghĩ rằng mình sẽ chết vào đêm đó và không thức tỉnh vào buổi sáng. Vì lý do này, các vị sẽ rửa sạch bát của mình và úp xuống chúng vào mỗi buổi tối, điều này chỉ được thực hiện khi ai đó đã chết như một dấu hiệu cho thấy người đó sẽ không ăn bằng chiếc bát này nữa. Khi thức dậy vào buổi sáng, các vị sẽ ngạc nhiên rằng mình chưa chết, và các vị sẽ lại dùng bát vào ngày hôm đó. Đây là cách các vị thực hành nhớ đến cái chết mỗi ngày. Ngay cả khi bạn không thể thực hành theo cách này, ít nhất bạn nên nhớ đến cái chết và sự vô thường vào mỗi buổi tối trước khi vào giấc ngủ.

Có một nguy hiểm là chúng ta chỉ thụ hưởng những thú vui hàng ngày của đời sống sanh tử và quên mất những gì chúng ta cần nhớ. Một dấu hiệu cho thấy điều này đang xảy ra là chúng ta thấy mình đang thực hiện các hoạt động vô nghĩa. Trong giáo huấn này, “các hoạt động vô nghĩa” không có nghĩa là chúng ta không thể tham gia vào bất kỳ hoạt động thế gian nào. Tất nhiên, chúng ta cần duy trì thân thể của mình để hiện hữu, và chúng ta cần một nơi để sống, phương tiện đi lại và thực phẩm. Nhưng cùng lúc đó tâm nên quan tâm nhiều hơn tới những đời sống tương lai. Vì vậy, chúng ta phải luôn nhớ rằng điều quan trọng trong đời sống này là làm lợi ích cho người khác càng nhiều nhất có thể và không gây tổn hại cho bất cứ ai. Nếu bạn vẫn không tách rời thái độ vị tha ngay cả khi bạn tham gia vào các hoạt động trần tục, thì bản thân những hoạt động này trở thành thực hành Pháp.

Ngài Milarepa đưa ra ba giáo huấn đặc biệt. Ngài nói “khi tôi thiền định trong khi đang ăn, tôi có giáo huấn để thấy thức ăn và thức uống như một lễ cúng dường. Khi tôi thiền định trong khi đang nằm ngủ, tôi có giáo huấn vô minh hiện lên như tịnh quang. Khi tôi thiền định trong khi đi bộ, tôi có giáo huấn để xem việc đi bộ như đi nhiễu quanh.” Những giáo huấn này có thể được thực hành bất cứ lúc nào. Nói tóm lại, nếu bạn có một tâm vị tha, thì các hoạt động trần tục đã tham gia với thân và khẩu sẽ trở thành thực hành Pháp. Vì vậy, bạn phải luôn nhớ rằng: “Sau này khi tôi chết, thể xác của tôi sẽ hư hoại, nhưng tâm của tôi vẫn tiếp tục, vì vậy tôi sẽ không tham gia vào các hoạt động vô nghĩa. Dù tôi có làm việc chăm chỉ và tích lũy được bao nhiêu của cải, dù có cả trăm triệu đô la, tôi cũng không thể mang theo bên mình. Điều duy nhất tôi sẽ mang theo bên mình là tình yêu thương và lòng bi mẫn; do đó, việc trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn cũng quan trọng nhất đối với các đời sống tương lai.” Nếu bạn nghĩ theo cách này, bạn sẽ không hay quên.

Dòng thứ tư của câu kệ thứ bảy nói rằng, “việc cần là nhận biết thánh Pháp.” Thánh Pháp là tình yêu thương và lòng bi mẫn. Thực hành Pháp thiêng liêng có nghĩa là thực hành ba cấp độ của con đường: Con đường Giải thoát Cá nhân, Con đường Bồ tát, và Con đường Kim Cương Thừa. Tất cả các cấp độ của con đường được bao gồm trong Ba Mươi Bảy Pháp Tu. Như đã đề cập trước đây, ngài Milarepa nói rằng ăn và uống bình thường có thể trở thành một lễ vật cúng dường. Điều này là bởi vì tất cả chúng sanh, ta và người đều có Phật tánh. Khi chúng sanh từ bỏ chấp ngã và phát khởi lòng vị tha, họ sẽ thành những vị Phật. Ví dụ, trong thân thể chúng ta có những vi khuẩn có hại và có lợi. Những vi khuẩn có lợi rất tốt cho thân thể, thân thể cần chúng. Chúng thực sự phát sanh từ tình yêu thương và lòng bi mẫn. Những vi khuẩn có hại phát sanh từ những phiền não thông thường và gây hại, chẳng hạn như bệnh tật và vân vân. Chúng có liên quan đến năm cảm xúc phiền não, là nguồn gốc của mọi bệnh tật. Năm cảm xúc phiền não được tóm lại thành ba cảm xúc phiền não hoặc ba độc – bám luyến, ghét bỏ và vô minh. Ba thứ này là căn bản của ba loại bệnh liên quan đến khí, mật và đờm. Rối loạn khí liên quan đến sự bám luyến, rối loạn mật đối với hận thù, và rối loạn đờm đối với vô minh. Nếu người ta khởi sanh tình yêu thương và lòng bi mẫn, thì tất cả những vi khuẩn này trở nên hòa bình và trở thành các Bổn tôn của Mạn đà la. Đây là lý do tại sao chúng ta nói rằng thân thể của chúng ta là Bổn tôn, vua của các Bổn tôn. Nếu thân thể bạn là Bổn tôn, thì thức ăn bạn ăn sẽ trở thành lễ vật cúng dường cho Bổn tôn. Khi bạn trưởng dưỡng tâm vị tha, thì bạn là Bổn tôn thực sự. Nếu bạn cũng trưởng dưỡng tâm vị tha trong khi ăn thức ăn và không tách rời với Bổn tôn, thì việc ăn và uống sẽ trở thành một lễ vật cúng dường lên Bổn tôn.

Thứ hai, ngài Milarepa nói rằng khi ngủ chúng ta có thể thực hành nhận biết tịnh quang của giấc mộng. Lý tưởng nhất là người ta nhận biết bản tánh tịnh quang của tâm trong trạng thái ngủ sâu, hoặc nếu không, người ta nhận biết trạng thái mộng. Hoặc nếu bạn không thể nhận biết trạng thái mộng, bạn nên nghĩ đến Bổn tôn trước khi ngủ. Ví dụ, bạn có thể nghĩ về ngài Quán Thế Âm, niệm một vài câu thần chú Mani, và ngủ thiếp đi trong khi thực hành Niệm Kim Cương OM AH HUNG. Khi tỉnh dậy, hãy nghĩ ngay đến ngài Quán Thế Âm, không cho phép khởi sanh những tư tưởng khác. Nếu bạn có thể thực hành theo cách này, bạn có thể đạt được giác ngộ trong bản tánh của Bổn tôn trong trung ấm thứ hai.

Thứ ba, ngài Milarepa nói rằng đi bộ có thể trở thành đi nhiễu quanh. Điều này dựa trên sự hiểu biết về bản tánh thanh tịnh của vũ trụ và chúng sanh. Ví dụ, tất cả người nam được thấy như ngài Quán Thế Âm và tất cả người nữ như Tara, bởi vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh; do đó, họ đều là các Bổn tôn nam và Bổn tôn nữ, các Bổn tôn của Mạn đà la. Nếu bạn thấy mọi sự theo cách này, bất cứ nơi nào bạn đi, nó sẽ trở thành một sự đi nhiễu quanh Mạn đà la, đó là một công đức không thể nghĩ bàn. Đây là ba giáo huấn của ngài Milarepa theo hệ thống tantra.

Chúng ta phải khám phá bản tánh thực sự của tâm, mà đôi khi được gọi là “tịnh quang”. Tịnh quang là gì? Đó là thấy rõ bản tánh của tâm. Đó là tánh giác nhận biết bất cứ tư tưởng nào, những cảm giác và cảm xúc nào khởi sanh. Tịnh quang là cái biết trong sáng của trạng thái tự nhiên trống không tỉnh biết. Bất cứ nơi nào bạn đi trên thế giới này, năng lượng ánh sáng tràn ngập khắp không gian, nhưng chỉ có một ánh sáng - tất cả ánh sáng thì như nhau. Một ổ cắm điện cung cấp năng lượng cho một đèn và cũng tạo ra ánh sáng thì có phương diện âm và dương. Ngoài phích cắm bạn cần có dây điện nối với bóng đèn để tạo ra ánh sáng. Nếu thiếu một cái sẽ không có ánh sáng. Trong mọi trường hợp, ánh sáng không chỉ đến từ dây điện, phích cắm, và vân vân. Bản tánh nền tảng của tâm chúng ta là Phật tánh. Nếu chúng sanh phát khởi Bồ đề tâm, ánh sáng sẽ tỏa sáng. Phật tánh là ánh sáng, bất kỳ đâu trên thế giới luôn luôn như nhau. Tịnh quang có nghĩa là: nếu bạn có tình yêu thương, tâm của bạn sẽ sáng tỏ như không gian trong đó ánh sáng đã được bật sáng. Ánh sáng và tâm giác ngộ của Bồ đề tâm có tinh túy như nhau. Tâm của tất cả chư Phật là Bồ đề tâm, nó trống không và lòng bi mẫn. Nếu Bạn chỉ có trống không mà không có lòng bi mẫn, sẽ không có ánh sáng. Nếu bạn có cả hai, ánh sáng sẽ tỏa sáng. Khi tánh Không hòa với lòng bi mẫn, thì có tịnh quang.

Chúng ta cần nhớ những lời của Đạo sư tốt lòng bởi vì, mặc dù chúng ta diễn dịch khi còn sống, nhưng khi chết chúng ta sẽ phải trung thực đối mặt với chính mình. Những lời của Đạo sư gốc tốt lòng là gì? Đạo sư dạy chúng ta những giáo lý của Đức Phật, những giáo lý này rất bao quát. Có 84.000 giáo lý Pháp nhưng tóm lại, điều cốt yếu cần được trau dồi là lòng bi mẫn. Chỉ có hai chiều hướng những người cao hơn và những người đau khổ. Đối với những người cao hơn, chúng ta trưởng dưỡng đức tin, với những người đau khổ, chúng ta trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn. Đó là giáo huấn thiết yếu của Đạo sư. Những người cao hơn đó là ai? Trên thực tế, chúng ta nên trưởng dưỡng đức tin đối với tất cả các tín đồ của tất cả các tôn giáo trên thế giới, và đặc biệt là những người đã phát nguyện Quy y, Tăng đoàn. Đối với tất cả những chúng sanh khác không theo một con đường tâm linh, chúng ta nên trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn. Nếu bạn thực hành theo cách này, tâm bạn sẽ thanh tịnh và an trụ như không gian. Sau khi trưởng dưỡng Bồ đề tâm tương đối, tình yêu thương và lòng bi mẫn, bạn sẽ tự nhiên chứng ngộ Bồ đề tâm tối hậu. Thông qua Bồ đề tâm tương đối, sự chấp ngã giảm đi. Khi không còn sự chấp ngã nữa, Bồ đề tâm tối hậu là trạng thái tự nhiên của tâm. Đó là chứng ngộ rằng bản thân và những người khác không hiện hữu tách biệt. Lòng bi mẫn ở cấp độ của Bồ đề tâm tối hậu là lòng bi mẫn không thiên vị, không phiến diện. Điều này rất quan trọng, và nó đã mang lại lợi ích rất nhiều cho cá nhân tôi. Tuy nhiên, tôi là một người rất tội lỗi. Thật ra, trong căn phòng này có lẽ không có ai tội lỗi hơn tôi. Trong số các bạn, có nhiều người có trí tuệ và lòng sùng mộ lớn hơn, vì vậy bạn có thể tham gia vào thực hành này. Có nhiều hành giả vĩ đại vui mừng trước phẩm tính của người khác và không che giấu lỗi lầm của chính họ. Đây là cách thực hành của tôi: Tôi nhìn vào lỗi của mình và tôi thấy những phẩm tính ở người khác.

Bồ đề tâm và một ước nguyện rằng tình yêu thương sẽ lan tỏa khắp nơi trong thực hành và đời sống của chúng ta. Chúng ta thường kết thúc một buổi thực hành bằng cách đọc Lời Cầu nguyện cho Hòa bình Thế giới. Mục đích của lời cầu nguyện này là tạo ra hòa bình và hạnh phúc trên thế giới. Nếu tất cả chúng sanh đều phát khởi lòng yêu thương và lòng bi mẫn, thì thế giới này sẽ tự nhiên trở nên một nơi yên bình và hạnh phúc. Nhưng nếu chúng sanh không phát khởi tình yêu thương và lòng bi mẫn, nếu tiếp tục nuôi dưỡng hận thù, ghen ghét thì sẽ tiếp tục làm rối loạn năm nguyên tố. Tâm bên trong bị xáo trộn ảnh hưởng đến năm nguyên tố bên ngoài, vì tâm bên trong và các nguyên tố bên ngoài được kết nối với nhau. Năm phiền não liên quan đến năm nguyên tố bên ngoài. Vì vậy, chúng ta nên lập nguyện của mình bằng cách nghĩ đến tất cả chúng sanh, cầu nguyện rằng tất cả họ sẽ được thiết lập trong trạng thái giác ngộ.

Cá nhân tôi cầu nguyện rằng tôi sẽ không bao giờ xa cách các bạn và chúng ta sẽ gặp lại nhau nhiều lần cho đến khi chúng ta đạt được giác ngộ cùng nhau.

-----o0o----

Trích: “Những Giáo Lý Phowa Và Bardo”

Tôn Sư Garchen Rinpoche Đời Thứ 8

Người dịch : Ngộ Châu

Hiệu đính : Ban dịch thuật Thiện Tri Thức

Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức - 2020

 

 

Bài viết liên quan