KIÊN NHẪN - PIERO FERRUCCI – GIÁ TRỊ CỦA SỰ TỬ TẾ

KIÊN NHẪN

PIERO FERRUCCI – GIÁ TRỊ CỦA SỰ TỬ TẾ

---o0o---

Bạn có bỏ hồn mình lại phía sau? Ở Ethiopia có một người đàn ông và một người phụ nữ, đều còn trẻ và chung cảnh góa bụa, gặp gỡ và đem lòng thương nhau.
KIÊN NHẪN - PIERO FERRUCCI – GIÁ TRỊ CỦA SỰ TỬ TẾ

Bạn có bỏ hồn mình lại phía sau?

Ở Ethiopia có một người đàn ông và một người phụ nữ, đều còn trẻ và chung cảnh góa bụa, gặp gỡ và đem lòng thương nhau. Cả hai quyết định cùng nhau xây dựng tổ ấm mới. Tuy nhiên họ gặp phải một rắc rối: Người đàn ông có một cậu con trai hết lòng thương tiếc người mẹ quá cố. Cậu bé căm ghét người vợ mới của bố ra mặt và không coi cô là mẹ. Cô luôn cố chăm sóc cho cậu bé thật tốt, nấu những món đặc biệt cho cậu, may cho cậu những bộ đồ thật đẹp. Nhưng cậu bé thậm chí còn không nói chuyện với cô và xa lánh cô hoàn toàn.

Người phụ nữ đến gặp thầy phù thủy và hỏi: “Tôi phải làm sao thì mới được chấp nhận như một người mẹ đây?”. Thầy phù thủy này rất tinh thông – ông tìm ra lời giải cho mọi vấn đó, và ai cũng đem lòng tín nhiệm ông. “Quay lại đây và mang cho ta ba sợi ria của sư tử”, ông nói. Người phụ nữ tỏ vẻ hoài nghi. Làm thế nào lại lấy được ria mép của sư tử mà không bị nó ăn thịt cơ chứ?, “Lấy ba sợi ria mép sư tử rồi quay lại đây!”.

Người phụ nữ đi tìm một con sư tử. Thật lâu sau, cuối cùng cô cũng tìm thấy nó. Cô giữ khoảng cách từ xa - trông con sư tử thật dữ tợn. Cô đứng đó ngắm nhìn nó thật lâu. Nó cứ đi rồi quay lại. Cô cứ đợi và đợi. Cuối cùng cô quyết định mang thức ăn cho nó. Cô tiến lại gần thêm một chút, bỏ lại miếng thịt rồi quay đi. Ngày này qua ngày nọ, cô đều mang thức ăn đến cho nó. Con sư tử dần dà quen với sự có mặt của cô, cho tới khi cô trở thành một phần trong cuộc sống của nó. Nó luôn thư thái khi có cô ở bên – bởi nó biết cô luôn mang cho nó những món ngon – và cô cũng bớt thấy sợ hãi hơn. Một ngày nọ, khi con sư tử ngủ thiếp đi, cô lấy ba sợi ria mép của nó. Đơn giản vô cùng.

Người phụ nữ không cần quay trở lại chỗ thầy phù thủy nữa. Giờ thì cô đã hiểu. Ròng rã những tháng trời qua, cô đã thay đổi. Cô hiểu ra giá trị của sự kiên nhẫn. Đứa trẻ cũng giống như con sư tử kia vậy. Cô chờ đợi bằng sự chân thành và tiếp cận cậu bé một cách từ từ, tôn trọng không gian cũng như tính khí của cậu bé, vừa không từ bỏ vừa không lấn áp cậu. Cuối cùng, cậu bé coi cô như mẹ. Người phụ nữ ấy đã chiếm được trái tim của cậu bé bằng sự nhẫn nại của mình.

Kiên nhẫn là đức tính mà trên hết dùng để ứng xử với những người khó tính: Họ là những người sẽ không bỏ lý lẽ vào tai, dễ nổi cáu, và thẳng thừng từ chối sự hòa đồng. Giống như đứa trẻ trong câu truyện kia, những vết thương lòng khiến họ không thể hòa mình với những người xung quanh dù chỉ bằng sự cởi mở hay tỉnh táo đôi chút.

Rồi cũng có những người thực sự gây phiền toái. Thực tế là, trong cuộc sống hằng ngày, lúc nào chúng ta cũng phải chạm mặt với họ: từ những người chỉ chực cắt ngang lời bạn nói, những người chỉ trích người khác chỉ bởi họ thích làm như vậy, những người cứ một mực muốn chiếm lấy thời gian, sự chú ý, hay tiền bạc của ta, tới những kẻ cứ than vãn hay phá đám, hoặc mở lời để rồi cứ bám riết lấy ta dù biết ta đang có việc cấp bách, và còn nhiều kẻ khác nữa. Mọi thứ đều là tương đối, thế nên có khi thì ta là nạn nhân, và trong chừng mực nào đó, là cả thủ phạm nữa. Ta đều đã chạm trán với những người khó chịu, và cũng từng tỏ ra khó khăn với người khác mà có khi không hề hay biết.

Nhưng có một số người luôn biết cách khiến ta tức điên lên. Khi phải đối mặt với họ ta luôn cảm thấy khó chịu, hoặc ta thể hiện sự khó chịu ấy ra mặt hoặc âm thầm chịu đựng. Tuy nhiên, ta cũng có thể luyện tập sự kiên nhẫn và khiến họ trở nên dễ chịu hơn.

Tôi từng được trải nghiệm điều này trên một chuyến bay. Đối với nhiều người trong chúng ta, việc di chuyển bằng máy bay quả thực vô cùng mệt mỏi. Thật khó để chịu đựng trong thời gian bay, bị nhồi nhét với những hành khách khác hàng tiếng đồng hồ trong một cỗ máy ồn ào và tròng trành. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu ngồi gần ta là một kẻ phiền toái? Thế đây, ngồi sau tôi trên chuyến bay ấy là một người đàn ông say xỉn rõ ràng. Càng uống nhiều, ông ta càng hung hăng và lớn tiếng. Rồi ông ta làm rớt khay đồ ăn: nào là khoai tây chiên, nấm, và mì ống cứ thế lăn lông lốc dọc lối đi. Đột nhiên tôi kinh hoàng nhận ra rằng ông ta mang theo một con cóc to vô cùng trong một cái hộp (đừng hỏi tôi làm sao mà ông ta qua được cửa kiểm tra an ninh). Các nữ tiếp viên nhanh chóng xử lý tình huống. Nhưng thay vì chỉ trích vị khách này, như tôi thầm mong họ sẽ làm, họ bắt chuyện với ông ta, nói vài câu bông đùa, rót cho ông ta thêm một chút rượu, và hết lời khen về con cóc và họ dọn dẹp đống bừa bộn ấy mà không phân nàn chút nào. Vị khách say xỉn dần lấy lại bình tĩnh và chẳng mấy chốc chìm vào giấc ngủ.

Đó là một trong những tiêu chuẩn khắt khe nhất để thử thách độ kiên nhẫn của chúng ta: ứng xử với một người mà không ai chịu đựng được. Điểm 10 cho các nữ tiếp viên nói trên. Tôi cho rằng họ xử lý tình huống thành công bởi họ đã không phản ứng lại với điều khiến họ khó chịu, mà thay vào đó xử trí bằng kỹ năng và lòng nhân ái. Những người khó ưa không quen được đối đãi như vậy, bởi thường không ai chịu đựng hay thích họ. Và sẽ ra sao nếu họ luôn được chào đón bằng thái độ cáu kỉnh? Cuối cùng họ sẽ bị đẩy vào vai của kẻ gây rắc rối. Bằng chính thái độ của mình, ta vô ý củng cố vai trò đó của họ. Họ thường là những kẻ bất mãn mà dù bạn tin hay không, đều khao khát và hành xử một cách kỳ cục để được chấp nhận.

Kiên nhẫn cũng là kỹ năng để thấu hiểu và tôn trọng nhịp điệu của riêng bạn và của những người khác nữa. Chúng ta đều từng là nạn nhân của sự thiếu kiên nhẫn: Dưới sức ép của thời gian phải hoàn thành công việc, một tài xế hung hănng xuất hiện bất chợt từ phía sau xe chúng ta và nhá đèn, một hành khách trên xe buýt xô lấn những hành khách khác để xuống xe trước, mặc dù tất cả đều đang xuống xe. Tất cả những tình huống ấy khiến ta thấy không thoải mái. Khi ai đó áp đặt nhịp điệu của họ lên ta, ta đều cảm thấy bị xâm phạm.

Nhưng ta cũng không hoàn toàn vô can. Có những lúc ta cần gọi một cuộc điện thoại khẩn cấp, mà người dùng trước cứ vô tự tán gẫu mãi không thôi. Khi ta đói lả người trong một nhà hàng, chờ đợi người phục vụ đến gọi món. Hay khi ra bưu điện, người phụ nữ đứng trước cứ luôn miệng hỏi những câu nhảm nhí, gây lãng phí thời gian của ta.

Tôi tin rằng nếu ta luyện tập sự kiên nhẫn, ta sẽ thấu hiểu những khía cạnh vô cùng sâu sắc trong cuộc sống của những người xung quanh. Ta sẽ hiểu được nhịp điệu và những điểm yếu của họ, từ đó biết được bản chất thật sự của con người họ. Kiên nhẫn cũng đồng thời là đức tính của mọi người thầy giỏi, những người biết chờ đợi để học trò từ từ trưởng thành thay vì thúc ép họ trước khi họ sẵn sàng. Nếu vội vàng, ta có thể đánh mất bản thân mình. Nhưng vì đã quá quen với sự hối hả mà ta không nhận ra mình đã đánh mất gì.

Một nhóm nhà khoa học nọ phải thực hiện nghiên cứu ở một địa điểm rất xa, gần như không ai tiếp cận được. Họ thuê một nhóm người Mexico để vận chuyển thiết bị nghiên cứu. Trên đường đi, đột nhiên nhóm người vận chuyển động loạt dừng lại. Các nhà khoa học từ ngạc nhiên tột độ, tới khó chịu, cuối cùng là vô cùng giận dữ. Tại sao họ không tiếp tục đi? Họ đang làm lãng phí thời gian. Nhóm người Mexico có vẻ như đang chờ đợi. Rồi lại đồng loạt, họ tiếp tục đi tiếp. Một người trong số họ giải thích với các nhà khoa học điều gì đã xảy ra: “Bởi chúng tôi đã đi quá nhanh, chúng tôi bỏ linh hồn mình lại phía sau. Chúng tôi đứng đợi linh hồn mình bắt kịp”.

Chúng ta cũng thường bỏ rơi hồn mình lại phía sau. Luôn trong trạng thái hối hả, ta quên mất đi điều gì mới thực sự quan trọng trong cuộc sống. Bị thứ quỷ dữ của sự vội vã thúc ép, ta quên đi linh hồn mình – quên đi những giấc mơ, sự nồng ấm, và những điều kỳ diệu trong ta.

Từ góc nhìn ấy, rõ ràng kiên nhẫn là một phần của lòng tốt, bởi làm sao ta có thể đối tốt với người khác nếu không tôn trọng nhịp điệu của riêng họ? Ta quên đi phần hồn của họ và của chính ta. Vậy thì lần tiếp theo khi bạn thúc giục con mình, hay bồn chồn đi qua đi lại đợi một chuyến tàu tới trễ, hay quên không nuốt sự vội vã vào bên trong, hãy tự làm mình ngạc nhiên bằng cách hỏi bản thân bạn đã bỏ hồn mình ở đâu rồi.

Lòng tốt có nhịp điệu chầm chậm. Tất nhiên tốc độ có lợi thế của riêng nó. Ta có thể làm mọi việc hiệu quả hơn, và cảm thấy mình có quyền năng để điều khiển mọi thứ. Không những thế, tốc độ kích thích sản sinh adrenalin có tác dụng như chất gây nghiện. Một khi đã được nếm mùi của sự phấn khích, chậm chạp dần trở nên nhàm chán, thậm chí đáng xấu hổ. Nếu có thể đi từ điểm A tới B bằng máy bay thì việc gì ta phải đi tàu chứ?

Thế nhưng học giả nghiên cứu Phật giáo Lama Govinda lại nói với tôi rằng ông thích di chuyển bằng tàu. Vị học giả ấy thổ lộ rằng với ông và vợ ông, di chuyển bằng máy bay mang lại cảm giác không thực. Bạn được đưa đi quá chóng vánh từ nơi này đến nơi khác, từ nền văn hóa và bầu không khí này tới nền văn hóa và bầu không khí khác. Phía dưới bạn là những dòng sông, là biển, núi, là thành phố, là những quốc gia, và con người mà bạn đang vùn vụt bay qua và thậm chí còn không nhận ra những thứ ấy tồn tại nữa. Trong khi đó, di chuyển từ tốn bằng đường bộ hay đường thủy, bạn dễ dàng nhìn thấy và cảm nhận sự thay đổi trong cảnh quan ấy. Lama Govinda từng dành ra nhiều năm tháng để đi từ nhà ông ở chân núi Himalaya tới những ngọn đồi ở Tuscan. Những năm sau đó, mỗi lần tôi được nghe kể về một chiếc phi cơ tân tiến, hay khi di chuyển quá nhanh tới một nơi xa lạ, tôi thường nghĩ về Lama Govinda. Ta không thể noi gương ông hoàn toàn, nhưng nó nhắc nhở ta về một cách sống khác.
Để nhân ái, ta cần sống chậm lại. Martin Buber từng nói về sự khác biệt giữa một mối quan hệ Tôi-Bạn và Tối-Nó. Mối quan hệ Tôi-Nó biến đối phương thành một vật, trong khi đó Tôi-Bạn mới là mối quan hệ đích thực, là sự hội ngộ giữa hai tâm hồn. Những mối quan hệ Tôi-Nó thường xa cách - chúng biến đổi bản chất con người ta. Rồi ta cảm thấy cô đơn và tuyệt vọng, xa lánh mọi người. Tôi-Bạn mới là mối tương giao thực sự, là dưỡng chất làm giàu thêm cuộc sống của ta. Theo Buber, để mối quan hệ ấy trở thành hiện thực, ta không được có kỳ vọng hay ham muốn nào, bằng không nó sẽ biến thành mối quan hệ Tôi-Nó, là khi ta biến đối phương thành phương tiện để thỏa mãn yêu cầu của chính mình. Trong những phút giây Tối-Bạn hiếm hoi, không có điều gì trở nên thực sự cần kíp, không có áp lực phải điều khiển hay thuyết phục. Nếu sự cần kíp ấy xuất hiện, mối quan hệ đó ngay lập tức trở thành Tôi-Nó. Nếu ta sống chậm lại, ta sẽ dễ gặp nhau và hiểu nhau chân thành hơn.

Tôi tin rằng sự nguội đi toàn cầu có liên quan mật thiết tới tốc độ phát triển của mọi lĩnh vực trong đời sống hiện đại. Ta đều đang sống dưới áp lực – ta không thể phí phạm dù chỉ một giây. Con trẻ bị thúc đẩy để trưởng thành thật nhanh, và ta thấy tự hào khi chúng hoàn thành chương trình của năm sau sớm hơn dự định. Máy tính trở nên nhanh và mạnh mẽ hơn. Việc mua sắm là tức thời – ta có thể gần như có ngay lập tức thứ mà ta muốn. Các nhân viên phải giải trình được họ làm gì trong từng phút một. Những chiếc xe hơi được sản xuất để chạy nhanh hơn, và giới hạn tốc độ tối đa được tăng thêm. Nhằm tăng lợi nhuận, thời gian để các phiên bản mới của vật phẩm tiêu dùng được ra mắt ngày một rút ngắn lại. Những hoạt động “vô bổ” như trò chuyện, gặp gỡ nơi quảng trường hay trong công viên, cùng nhìn thời gian trôi với bạn bè, đều không được khuyến khích. Nếu tất cả những điều ấy đang diễn ra, không sớm thì muộn sẽ chẳng còn chỗ cho sự thân tình nữa.

Một chuyên gia về nhịp sống, Robert Levine, đang nghiên cứu về cách cảm nhận thời gian trong những nền văn hoá khác nhau. Levine đo lường ba biến số: thời gian để mua một con tem trong bưu điện, tốc độ của người đi bộ trên phố, và sự chính xác của những chiếc đồng hồ trong ngân hàng. Từ đó ông phát hiện ra có những nền văn hóa có nhịp sống hối hả hơn, trong khi có những nền văn hóa sống chậm và kém chính xác hơn. Xã hội phương Tây và Nhật Bản là những nền văn hóa dẫn đầu; Brazil, Indonesia, và Mexico thì chậm chạp nhất. Về bản chất nghiên cứu của Levine không kết luận rằng cách trải nghiệm thời gian nào là tốt hơn. Các nền văn hóa vẫn tồn tại như nó vốn có. Tuy nhiên, từ nghiên cứu này, ta thấy được một điểm bất cập trong lối sống hối hả. Trong những nền văn hóa có nhịp sống vội vã, các bệnh tim mạch phổ biến hơn (ngoại trừ ở Nhật Bản, nơi mà sự tương trợ và thấu hiểu của xã hội bù đắp được cho áp lực thời gian). Kết quả này đồng nhất với nhiều nghiên cứu về tính cách Nhóm A. Theo các nghiên cứu đó, người có tính cách thuộc nhóm A bất kiên nhẫn, ganh đua, và khó chịu – Có cùng rủi ro nêu trên.

Levine không tìm được mối tương quan nào giữa nhịp sống và sự sẵn lòng giúp đỡ – bởi những nhân tố ảnh hưởng là khác nhau. Nhưng một nghiên cứu khác đã cho thấy, ta càng vội vã thì càng ít sẵn lòng giúp đỡ người khác. Nghiên cứu tôi thấy thú vị nhất là về một nhóm sinh viên thần học nọ phải nghe một bài giảng về từ thiện, rồi lần lượt từng người một phải đi đến tòa nhà gần đó. Trên đường đi, họ gặp một người cải trang trong nhóm tiến hành nghiên cứu. Người này nằm trên sàn, giả bộ như mới bị ngã và chấn thương. Phần lớn các học viên đều giúp đỡ người này. Nhưng khi đặt họ dưới áp lực phải di chuyển thật nhanh tới tòa nhà kia, thì lòng bác ái trong họ biến mất ngay lập tức. Một trong số những học viên đó, trong lúc vội vã, thậm chí còn giẫm phải người đóng vai kẻ không may đang kêu gào và đi thẳng tới điểm đến. Ta nhân ái hơn khi có nhiều thời gian hơn.

Trong kỷ nguyên của sự hối hả và thỏa mãn tức thời kia nhẫn là một đức tính không phổ biến và có phần hơi nhàm chán. Thế nhưng có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có khả năng trì hoãn thú vui thì có nhiều cơ hội thành công hơn trong lĩnh vực đã chọn và trong mối quan hệ với người khác. Trẻ nhỏ có khả năng trì hoãn những thứ đem lại thỏa mãn tức thời (như một que kem chẳng hạn) để nhận được những phần thưởng lớn hơn (một que kem bự hơn vào ngày mai) thường thể hiện mình thông minh hơn, ít chểnh mảng hơn, và khả năng tạo mối quan hệ xã hội tốt hơn. Chúng cũng có khả năng tập trung cao độ hơn – giống như một dạng niềm tin rằng chúng có thể tự kiểm soát cuộc sống của chính mình, thay vì cảm thấy mình đã gặp may trong một vài biến cố, thấy bất lực, và không cần nói gì thêm, đó chính là công thức gây ra trầm cảm.

Thỏa mãn tức thời là một trong những khía cạnh thể hiện rõ nhất trong cuộc sống xã hội đương đại. Ta không muốn chờ đợi, ta muốn phải có ngay, và nếu không được như ý ta sẽ nổi quạu. Trong kỷ nguyên của sự thiếu kiên nhân, ta đã đánh mất kỹ năng chờ đợi. Tôi tin rằng việc khám phá lại kỹ năng này và truyền dạy cho con cháu chúng ta chính là món quà tuyệt vời nhất có thể dành cho chúng.

Một trong những cách tốt nhất để làm điều này là thiền định, một kỹ năng giúp ta học cách sống chậm lại và mở rộng tâm trí để cảm nhận thời gian theo những cách khác nhau. Đây là phương pháp giúp ta loại bỏ tính thiếu kiên nhẫn và vội vã. Theo truyền thống của Phật giáo Tây Tạng, có một bài tập thiền mà người tập phải đổ đầy năm trăm bình nước nhỏ, từng bình từng bình một – một cách từ tốn, không vội vã. Giờ đây tôi đổ đầy bình nước này, trong giây phút này, mà không nghĩ tới việc còn 499 bình nữa cần đổ đầy.

Trong thời đại mà ta ngày càng thiếu kiên nhẫn, và khả năng tập trung ngày càng ít ỏi, đây là một bài tập tuyệt vời mà tất cả chúng ta có thể tập luyện, và đem vào chương trình giáo dục trong trường học.

Sự kiên nhẫn không nặng nề và tẻ nhạt như ta nghĩ. Nó đơn giản chỉ là một cách nhìn khác về thời gian. Thời gian không ngừng tàn phá cuộc sống của chúng ta và tước đi mọi ý nghĩa mà nó mang lại. Thời gian chính là cơ thể ta, nó lớn lên và mất đi sức mạnh vốn có; nó là cái chết luôn chực chờ, treo lơ lửng và làm cuộc sống ta gián đoạn, biến những tác phẩm của ta thành cát bụi, và đưa ta tới kỷ diệt vong. Và thế là ta cố không nghĩ về nó, nhưng ta làm mọi thứ nhiều nhất và nhanh nhất có thể trước khi bị bao trùm trong bóng đêm vĩnh hằng. Thật là một trò đùa tàn nhẫn. Dưới góc nhìn như vậy, người xếp hàng trước ta đang nán lại để trò chuyện với nhân viên bán hàng về những vấn đề tầm thường, trong khi đồng hồ trên quả bom hẹn giờ của ta cứ kêu tích tắc, quả thực chỉ khiến ta sôi máu mà làm bậy.

Nhưng nếu ta nhìn nó dưới con mắt khác thì sao? Có lẽ ta sẽ nhận ra rằng thời gian chỉ là một cấu trúc tâm lý. Rằng không việc gì ta phải sợ hãi hay vội vã, bởi chẳng có gì đang vuột mất khỏi tay ta cả. Khi ấy Có lẽ ta sẽ trở nên bình thản hơn, và nhìn những kẻ đang đánh cắp thời gian của ta, dù nhiều hay ít, dưới con mắt bao dung hơn.

Ý tưởng về thời gian là một ảo ảnh được mô tả theo nhiều cách khác nhau trong mọi nền văn hóa tâm linh vĩ đại. Có lẽ nó không phải là ý tưởng chủ đạo của những người đã giác ngộ, nhưng nó là một trải nghiệm thông thường hơn ta nghĩ nhiều. Bằng cách này hay cách khác, ta đều có một ý tưởng mơ hồ về sự vĩnh hằng. Ngắm nhìn những vì sao trên bầu trời đêm, hay đắm chìm vào những bản nhạc đầy thăng hoa, hoặc ở bên người ta thương mến, ta có thể quên đi rằng thời gian đang dần trôi.

Một câu chuyện thần thoại Ấn Độ kể về một người đàn ông thỉnh cầu Krishna hãy vén bức màn maya – là ảo giác - trong anh. Dường như không có hồi đáp nào cho lời thỉnh cầu này, nhưng kể từ giây phút ấy, cuộc sống êm đềm và bình lặng của anh bỗng chốc sống động và đầy biến cố. Anh gặp một người phụ nữ và phải lòng cô, họ lấy nhau, cùng xây một ngôi nhà, làm việc, và trở nên giàu có. Công việc kinh doanh ngày một suôn sẻ. Nhưng rồi anh phá sản, rồi một trận lũ khủng khiếp kéo về, và ngay thời khắc trận thiên tai này chuẩn bị lấy đi mạng sống của anh, anh tỉnh dậy khỏi cơn mơ và thấy vị thần Krishna mỉm cười trước mặt mình: mới chỉ một khoảnh khắc trôi qua. Cả cuộc đời đầy những giấc mơ vé Cơn ác mộng ấy diễn ra trong chưa đầy một tích tắc.

Dòng thời gian là một ảo ảnh diệu kỳ. Nhà thông thái Ramana Maharshi hẳn có cùng suy nghĩ như vậy, bởi trong thời khắc hấp hối, ông kinh ngạc khi lắng nghe những môn đệ của mình khóc than: “Họ nghĩ là ta đang đi đâu cơ chứ?”. Khi bạn đắm mình vào thực tại Vĩnh hằng, bạn không cần phải hối hả đi đâu hết.

Những điều này có vẻ chẳng mấy liên quan tới sự kiên nhẫn, thế nhưng kiên nhẫn lại chính là khả năng đối mặt mà không sợ hãi với dòng chảy không ngừng của thời gian. Để nhận ra điều này trong cuộc sống hằng ngày, ta sẽ thấy những khoảnh khắc bất chợt của sự vô tận. Đào sâu hơn, ta hiểu rằng sự vội vã của mình chẳng có gì liên quan tới nỗi sợ cái chết. Khi nào ta không còn nghĩ về việc phải về đích đầu tiên, phải làm nhiều hơn, kiếm nhiều hơn, thì khi ấy những người khác không còn là chướng ngại trong cơn cấp bách của ta nữa. Ta sẽ nhân từ hơn với họ. Và ta sẽ đối xử với họ như con người, bởi ta biết ta có thừa đủ thời gian để làm mọi thứ.

---o0o---

Trích: “Giá Trị Của Sự Tử Tế”

Tác giả: Piero Ferrucci

Người dịch: Phạm Quốc Anh

Nhà phát hành: Saigonbooks

NXB Hồng Đức - 2019

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan