LÒNG TRUNG THÀNH - GIÁ TRỊ CỦA SỰ TỬ TẾ – PIERO FERRUCCI

LÒNG TRUNG THÀNH

GIÁ TRỊ CỦA SỰ TỬ TẾ – PIERO FERRUCCI

-----o0o-----

Đừng để mất sợi dây liên kết Cách đây ít lâu ở miền Nam nước Ý, một trận động đất dữ dội đã phá hủy nhiều ngôi nhà mới xây được vài năm.
LÒNG TRUNG THÀNH - GIÁ TRỊ CỦA SỰ TỬ TẾ – PIERO FERRUCCI

Đừng để mất sợi dây liên kết

Cách đây ít lâu ở miền Nam nước Ý, một trận động đất dữ dội đã phá hủy nhiều ngôi nhà mới xây được vài năm. Vì được xây dựng để thu lợi nhanh và có kết cấu tồi, chúng sập đổ thành bụi đất ngay từ đợt rung chấn đầu tiên. Những ngôi nhà còn lại, được người Norman xây từ trước đó tám thế kỷ, có kết cục tốt đẹp hơn. Chúng được xây để trường tồn, mang lại một không gian sống thoải mái và an toàn, và chúng vẫn còn nguyên vẹn.

Các mối quan hệ cũng vậy. Những mối quan hệ tồn tại chỉ để phục vụ lợi ích của ai đó như: tiền bạc, khoái cảm, quan hệ xã hội, danh tiếng - đều có nền móng không bền chắc và chỉ tồn tại khi mà động cơ ban đầu còn đó. Những mối quan hệ khác tồn tại dài lâu, bền chặt, như những ngôi nhà của người Norman, bởi chúng được xây dựng để trường tồn và những người tạo nên chúng không bận tâm tới các mối lợi trước mắt. Vậy nên, khi có rung chấn đầu tiên như: rối về tài chính, bệnh tật, thất bại, khó khăn cá nhân - chúng vẫn vững vàng và thậm chí trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong những mối quan hệ ấy, điều quan trọng nhất không phải là bòn rút từ đối phương một món lợi hữu hình, mà là cảm giác khoan khoái lạ lùng bắt nguồn từ việc luôn ở bên, giúp đỡ và bầu bạn, dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra và thậm chí có phải chịu thiệt thòi khi làm những điều ấy. Đó là việc nên làm. Sự vững vàng ngay cả trong gian khó và những thời khắc thử thách là một nguyên liệu thiết yếu để tạo nên lòng tốt. Nó được gọi là sự trung thành.

Chúng ta hãy cùng tưởng tượng một người hoàn toàn hiểu rõ được cảm xúc và những ký ức của bản thân. Những ý tưởng và nguyên tắc cô ấy có được không phải là do chấp nhận một cách mù quáng, mà là sự thu nhặt từng chút một, bằng cách nhìn nhận lại và đưa ra lựa chọn một cách có chủ ý. Cô ấy biết điều gì là quan trọng trong cuộc đời mình và đấu tranh để đạt được nó. Cô ấy đối mặt với sự hoang mang và đau đớn bằng lòng dũng cảm. Một con người như vậy có những nguyên liệu thiết yếu để trở nên trung thành. Cô ấy là người có tố chất.

Thực tế là, tố chất ấy tồn tại trong mỗi con người. Nhưng nhiều người không hay biết, không nhận ra, hoặc không trân trọng những giá trị mà họ mang trong mình. Đó là bởi họ đã từng bị tổn thương và muốn sống một cách giả tạo để tránh bị tổn thương thêm lần nữa. Họ dễ dàng đổi ý tùy theo số đông hoặc hoàn cảnh. Các mối quan hệ của họ đều chóng vánh bởi chúng được xây dựng chủ yếu vì lợi ích cá nhân. Họ là những kẻ cơ hội.

Đây không phải câu hỏi về cái tốt và cái xấu, mà là về sự mạnh mẽ hay yếu đuối. Một số người luôn giữ sự chính trực của mình, và với họ việc hành xử trung thực và đáng tin là lẽ tự nhiên. Họ biết mình cảm thấy thế nào, biết mình muốn gì, và biết mình tin vào điều gì. Sự trung thành ấy được nuôi dưỡng trên mảnh đất màu mỡ, và phát triển từ sự trong sáng cùng sức mạnh nội tâm.

Những kẻ thiếu lòng trung thành luôn thấy khiếp sợ khi đối diện với cảm xúc của chính mình – họ lo sợ bởi những - gì họ có thể cảm thấy. Việc có chính kiến với họ rất đáng sợ hãi, bởi khi ấy họ để lộ bản chất con người mình quá nhiều. Vì quá thiếu lòng tự trọng, để tồn tại họ phải sống như những kẻ ăn mày, cầu xin sự giúp đỡ từ chỗ này chỗ nọ. Họ không có cả sự tự tin lẫn sự cương trực, bởi vậy sống trung thành với họ là việc hết sức khó khăn.

Ta đều muốn kết thân với những người có lòng trung thành. Tuy nhiên, ta lại không được nghe nhiều về đức tính này. Trong tất cả những đức tính thì lòng trung thành mang vẻ ngoài ít bóng bẩy nhất. Không có một nghiên cứu nào được thực hiện về nó, trong khi nghiên cứu về “trung thành với thương hiệu” thì nhan nhản. Hiện tượng này là một dấu hiệu của thời đại chúng ta và cần được xem xét kỹ lưỡng.

“Trung thành với thương hiệu” là xu hướng của người tiêu dùng chỉ mua sản phẩm có cùng một thương hiệu. Sử dụng từ “trung thành” ở đây hoàn toàn hợp lý bởi chúng ta thường dành một tình cảm nhất định cho sản phẩm nói trên. Ta đều biết có những người rất hứng thú với máy chụp hình của họ, hay phấn khích mỗi khi nhắc tới chiếc xe hơi mà họ yêu thích, hoặc có người không thể sống thiếu đi những bộ trang phục từ một nhà thiết kế nổi tiếng. Nguyên nhân không nằm ở chất lượng của sản phẩm. Nó nằm ở thương hiệu, bởi thương hiệu ấy đại diện cho một phong cách. Và cũng có thể do nó mang lại sự đảm bảo rằng ta luôn thuộc về một nhóm người nào đó.

Hơn thế nữa, thương hiệu có một khả năng bí ẩn để đem lại những năng lực và sức mạnh mà tất cả chúng ta ai cũng mong muốn có được. Mua đôi giày này và bạn sẽ thấy đôi chân mình như có cánh. Mua loại rượu này và bạn sẽ được xếp vào hàng thượng lưu. Mua loại nước hoa này và vẻ đẹp của một nữ thần sẽ thuộc về bạn. Thật dễ dàng để thấy người bán sản phẩm tìm đủ mọi cách để gây dựng sự trung thành của chúng ta và họ sẵn sàng hứa hẹn bất cứ thứ gì để đạt được điều đó. Người tiêu dùng buộc phải tiếp tục tiêu tiền cho sản phẩm của họ chứ không phải đối thủ của họ. Sợi dây liên kết với người tiêu dùng ấy được kết từ rất sớm. Sự trung thành với thương hiệu được khơi gợi một cách đầy khéo léo từ khi chúng ta còn nhỏ, nhằm mục đích giữ nó bền chắc trong những năm trưởng thành.

Trung thành thương hiệu hoàn toàn không phải một hiện tượng ảo. Tôi tin chắc rằng nó dựa trên nhu cầu thiết yếu của chúng ta để tin tưởng một ai hay một thứ gì đó, để yêu và được yêu, để đạt được sự cân bằng, chở che, thuộc về, để tìm được ý nghĩa. Đó là lý do vì sao chúng ta yêu thích một thương hiệu, và là cách mà nhu cầu ấy bị lợi dụng vì mục đích thương mại. Là lý do vì sao ta tích điểm, mang quần áo, đồng hồ đeo tay, nón với tên thương hiệu ở trên đó, như một cách quảng bá miễn phí. Lý giải vì sao ta thích cảm xúc mà thương hiệu ấy mang lại hơn là một lợi ích hữu hình, cụ thể. Ta có nhu cầu được trung thành.

Tại sao nhu cầu ấy lại lớn đến như vậy? Câu trả lời thật đơn giản: bởi sự dài lâu và ổn định của các mối quan hệ dần trở nên khan hiếm. Ta sống trong Kỷ nguyên Xao Nhãng, cũng là Kỷ nguyên Rời Rạc, và ta liên tục bị mời mọc để nghĩ về một thứ gì đó hơn là những gì ta đang thực sự suy nghĩ. Biểu tượng có ảnh hưởng lớn nhất trong kỷ nguyên này có lẽ là chiếc điều khiển ti vi và chiếc điện thoại. Chiếc điều khiển ti vi cho phép ta chuyển từ chủ đề này qua một chủ đề khác - từ một câu chuyện tình tới sự tàn ác của chiến tranh rồi tới một mẩu quảng cáo tã trẻ em – mà chẳng tốn chút công sức nào. Chiếc điện thoại, đặc biệt là điện thoại di động, hàm chứa một sức mạnh thần kỳ có thể làm gián đoạn bất cứ mối quan hệ hay hoạt động nào – một cử chỉ yêu thương, một buổi hòa nhạc, một bữa tối gia đình, một nghi lễ tôn giáo – bằng một thái độ khiếm nhã đến thản nhiên: “Tôi thật sự chẳng quan - tâm là anh đang nói gì. Giờ anh nghe tôi nói đây”. Và đó chưa phải là tất cả. Ta có thể đặt một cuộc gọi ở chế độ chờ và bắt đầu một cuộc gọi khác, gián đoạn nó, bắt đầu một cuộc gọi khác nữa, và cuối cùng chọn cuộc gọi mà ta muốn nghe hơn.

Sự mất tập trung gây ra những thương tổn không ngừng. - “Mình vừa nói chuyện gì ấy nhỉ? Tôi quên mất rồi. Thôi - cũng chẳng quan trọng. Tôi mất hứng rồi, nên mình nói qua chuyện khác nhé”. Cứ ngắt quãng như vậy sẽ hủy hoại và làm cho việc giao tiếp của chúng ta bị tầm thường hóa. Khi tôi ngắt lời bạn, tôi kéo bạn xuống cùng trình độ với tôi, khiến tôi và bạn ngang hàng nhau. Việc ngắt lời nhau có lẽ vẫn xảy ra từ xưa đến nay, nhưng ở thời đại của chúng ta, với sự hời hợt ngày càng tăng, với công nghệ cùng tốc độ phát triển chóng mặt ở mọi lĩnh vực đã tạo điều kiện không nhỏ cho việc này phát triển.

Quả thực ta đang sống trong một thời đại có quá nhiều sự ngắt quãng và gián đoạn. Và ta sống trong thời đại mà nhu cầu được trung thành không tìm thấy chỗ đứng trong một mối quan hệ nhưng lại bị bóp méo và khai thác vì lợi ích thương mại. Đây là cách sống đẩy ta vào nguy cơ đánh mất đi sự liên lạc trong những mối quan hệ của mình theo thời gian. Ta đánh mất sợi dây liên kết của mình.

Lòng trung thành là tất cả những gì đối lập với điều đó. Trung thành là luôn “ở bên”. Trung thành giữ chặt sợi dây liên kết ấy mà không cho phép bất cứ sự ngắt quãng hay gián đoạn nào dẫn dắt cuộc sống của chúng ta. Trung thành tôn vinh những gì là quan trọng nhất, và luôn vững vàng dù có phải trải qua nhiều chướng ngại.

-----o0o-----

Trích: “Giá Trị Của Sự Tử Tế”

Tác giả: Piero Ferrucci

Người dịch: Phạm Quốc Anh

NXB Hồng Đức, 2019

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan