NHỮNG LẦM LẠC CỦA CÁI THẤY, THIỀN ĐỊNH VÀ HẠNH - NHỮNG LỜI KHAI THỊ TỪ ĐỨC LIÊN HOA SANH VỀ CON ĐƯỜNG ĐẠI TOÀN THIỆN

NHỮNG LẦM LẠC CỦA CÁI THẤY, THIỀN ĐỊNH VÀ HẠNH

NHỮNG LỜI KHAI THỊ TỪ ĐỨC LIÊN HOA SANH VỀ CON ĐƯỜNG ĐẠI TOÀN THIỆN

---o0o---

Tsogyal, yếu tính trống không của tánh Giác của con thì không do cái gì tạo ra. Không nhân và duyên, nó hiện tiền xưa nay. Chớ cố công thay đổi hay làm biến chất tánh Giác. Hãy để nó hiện hữu đúng như nó là! Như thế con sẽ thoát khỏi đi lạc và tỉnh giác ở trong trạng thái của thanh tịnh bổn nguyên.
NHỮNG LẦM LẠC CỦA CÁI THẤY, THIỀN ĐỊNH VÀ HẠNH - NHỮNG LỜI KHAI THỊ TỪ ĐỨC LIÊN HOA SANH VỀ CON ĐƯỜNG ĐẠI TOÀN THIỆN

Bà Tsogyal lại hỏi: Vì thật vô nghĩa nếu không cắt đứt ba lối lầm lạc này, làm thế nào chúng ta chuyển hóa nó?

Đạo sư trả lời: Tsogyal, yếu tính trống không của tánh Giác của con thì không do cái gì tạo ra. Không nhân và duyên, nó hiện tiền xưa nay. Chớ cố công thay đổi hay làm biến chất tánh Giác. Hãy để nó hiện hữu đúng như nó là! Như thế con sẽ thoát khỏi đi lạc và tỉnh giác ở trong trạng thái của thanh tịnh bổn nguyên.

Cùng như thế, bản tánh thông tỏ của con thì hiện tiền một cách nguyên thủy và tự nhiên, không tách lìa tánh Không. Sự biểu lộ của nó, cái công dụng vô ngại của bất cứ cái gì sanh khởi, thì không có sự hiện hữu cụ thể, là vô tự tánh. Hãy nhận biết rằng cả ba phương diện (của tánh Giác) là một nhất thể vĩ đại không thể phân chia. Như thế con tỉnh ngộ như là tính không thể phân chia của Ba Thân.

Một lần nữa Bà Tsogyal hỏi: Đâu là những con đường lạc khỏi cái thấy, thiền định và hạnh?

Đạo sư trả lời: Nghe đây, Tsogyal! Trước tiên, về cái thấy, có năm điểm: Sự lầm lạc của chính cái thấy, sự lầm lạc của chỗ ở, sự lầm lạc về bè bạn, sự lầm lạc của phiền não, và sự lầm lạc của tính một chiều.

Thứ nhất, đối với sự lầm lạc của chính cái thấy: cái thấy thông thường của Pháp là xác định rằng tánh Không thì vượt khỏi các giới hạn, nhưng trong bối cảnh này thiền giả của Tâm Yếu chấp nhận rằng tánh Không là một hiện thực trực tiếp. Khi con hoàn thành sự chứng ngộ thực sự và tối hậu, hai cái này (tánh Không và kinh nghiệm về cái hiện thực) là không thể phân chia. Nhưng nếu con không chứng ngộ, bấy giờ cái thấy thông thường, nó một cái thấy giả định, không giải quyết được nghĩa hiện thực: đây là sự lầm lạc căn bản của cái thấy. Khi con không tin vào cái thấy thực tại hiện thực mà xem một cái thấy thuộc về danh cú giả định như tối hậu, con sẽ có những nhận xét như “Mọi sự là vượt khỏi điểm quy chiếu, vô tạo tác, và thoát ngoài mọi đối cực!” Cư xử theo cách đó làm lẫn lộn thiện hạnh và tà hạnh, con có những phát biểu như “Không có tốt và xấu! Không có phước đức gì từ những hành động đức hạnh! Không có tai hại gì từ tà hạnh! Mọi thứ đều vốn giải thoát và bình đẳng!” Như thế con vẫn là một người bình thường. Đây gọi là “cái thấy ma quái truyền bá hắc đạo,” và nó là gốc rễ của mọi đường lối sai lầm của cái thấy.

Tsogyal, nếu con muốn không lạc vào lối này, cốt yếu là hành động tương ứng với cái thấy bất nhị, sự thông tỏ tự nhiên trong thực tại, không lìa khỏi hạnh đặt căn bản trên nhân quả sâu xa.

Thứ hai, về sự lầm lạc của chỗ ở, thông thường có dạy rằng để hoàn thành sự chứng ngộ tối hậu về cái thấy, người nào có một chứng ngộ tạm thời về cái thấy phải đến một nơi hẻo lánh, rộng thoáng, như là một chỗ ẩn cư trên núi hay nghĩa địa. Con có thể sở hữu tạm thời cái thấy, nhưng duy trì nó, con phải ở trong thất trên núi. Một chỗ ở xấu thật ra có thể làm cho cái thấy của con bị lầm lạc.

Tsogyal, nếu con muốn tránh lối lầm lạc này, hãy hộ trì cái thấy tạm thời của con ở những nơi ẩn cư núi non!

Thứ ba, đối với sự lầm lạc về bè bạn, thông thường có dạy rằng người nào tạm thời có cái thấy phải ở với những bạn đồng tu hòa hợp với Pháp và không gây ta phiền não. Giữ sự liên lạc với các bạn xấu, con không thể tránh được bị ảnh hưởng bởi đường lối xấu của họ. Đó là gốc rễ của lầm lạc vì nó dẫn con vào sự theo đuổi các mục đích của đời này, ngăn cản con hộ trì cái thấy, và làm tăng phiền não.

Tsogyal, nếu con muốn tránh lối lầm lạc này, hãy cắt đứt sự ràng buộc với bạn bè không cần thiết và ở yên nơi cô tịch!

Thứ tư, về sự lầm lạc của phiền não, người nào tạm thời có cái thấy thì chưa thể hoàn toàn vượt qua các phiền não. Người ấy có thể dấn thân vào các phiền não vì một số hoàn cảnh bên ngoài. Trong sự dấn thân ấy, dầu chỉ trong một niệm, nghiệp được sản sanh. Nếu sự dấn thân kéo dài một thời gian, con mắc phải các nghiệp xấu theo chiều hướng năm độc sanh ra nghiệp xấu trong mỗi cái của sáu thức. Đời này hay mai sau con sẽ gặt quả, bởi thế, con phải tức thời chánh niệm không màng đến phiền não nào mình cảm thấy và buông lỏng sự chú tâm. Tu hành từ và bi đối với tất cả chúng sanh, mà từ phiền não của họ, họ sẽ tạo ra nghiệp. Cầu nguyện vị thầy của con, khấn rằng: “Xin ban phước cho con để dùng được phiền não như con đường.” Tu hành hàng ngày thần chú tịnh hóa các hạt giống phiền não. Chấm dứt với sự thư giãn trong trạng thái của cái thấy rồi hồi hướng và phát nguyện.

Nếu con thực hành theo lối này, con sẽ đạt được cả hai những hiệu quả tạm thời và tối hậu. Nhưng nếu không, con đắm trong đầm lầy phiền não và hỏng dịp hoàn thiện cái thấy; đây là nguyên nhân gay gắt nhất của sự lầm lạc.

Tsogyal, nếu con muốn tránh lạc vào lối này, hãy áp dụng phương thuốc cho bất kỳ phiền não nào con cảm thấy và như thế dùng nó như con đường của con!

Thứ năm, sự lầm lạc của tính một chiều, ngay cả người sở hữu cái thấy một cách tạm thời cũng có thể lạc vào quan điểm triết học của trường phái tư tưởng riêng của mình. Trích dẫn từ kinh điển, với tính cách một chiều và biên kiến, thành kiến, họ phân biệt giữa mình và người, cao và thấp. Làm như thế là sự lầm lạc căn bản muốn đo lường cái thấy không giới hạn, vĩ đại của chư Phật bằng ý thức ý niệm danh tướng của một thường nhân và tạo ra những giả định về nó.

Tsogyal, nếu con muốn tránh đi lạc theo lối này, hãy nhận ra cái thấy vĩ đại không giới hạn của giải thoát!

Về phương diện thứ hai, các lầm lạc của thiền định, cũng có năm điểm: sự lầm lạc của chính thiền định, sự lầm lạc của chỗ ở và bạn bè, sự lầm lạc của thiền định sai lầm, và sự lầm lạc của các phiền não.

Thứ nhất, sự lầm lạc của chính thiền định, đó là khi người đệ tử không hiểu được thực tại hiện tiền mà vị thầy chỉ thẳng cho. Thế rồi người ấy đi lạc do lầm lộn yếu tính, bản tánh và công dụng, và do bởi không nhìn thấy chúng không cách lìa với tánh Không và tánh Giác.

Giải thích thêm điều này: sau khi thực hành theo loại giáo lý truyền miệng của thầy con, nếu con bám vào cảm giác phúc lạc trong thân và tâm, con sẽ lạc vào sự sanh lại như là một vị thiên hay người trong các cõi Dục. Nếu con vướng mắc vào trạng thái của tâm nó đơn thuần là vô niệm, con lạc thành một vị thiên trong các cõi Sắc. Nếu con bị hấp dẫn bởi sự trong sáng và vô niệm, con lạc thành một vị thiên trong các cõi tịnh. Nếu con vướng mắc vào lạc phúc và vô niệm, con lạc thành một vị thiên trong Dục giới. Nếu con bị hấp dẫn bởi trống không và vô niệm, con lạc thành một vị thiên của Vô Sắc giới. Trong những lối ấy, con lạc vào ba cõi.

Nếu con ngừng dòng cảm thức các đối tượng, con lạc vào cõi tri giác của Không Vô Biên Xứ. Nếu con ngừng các cảm giác, như trường hợp ngủ say, con lạc vào cõi trị giác của Vô Sở Hữu Xứ. Nếu con ngừng cái được thấy trong khi cái biết còn sanh động, con lạc vào cõi tri giác của Thức Vô Biên Xứ. Nếu con còn một cảm giác mong manh về phúc lạc trong khi tiếp tục không có gì được thấy, con lạc vào cõi tri giác của Không Hiện Diện Cũng Không Vắng Mặt. Các cái này gọi là “rơi vào Chỉ (shama- tha) một chiều,” và khi con chết và chuyển sanh, con tiếp tục lạc vào sáu loài của Ba Cõi.

Tsogyal, không cần phải rớt lại vào sanh tử, thế nên, hãy cắt đứt các lầm lạc của sự thực hành thiền định ngu muội!

Hơn nữa, nếu con tin vào cái thấy của người bình thường thấy có tâm và cảnh, con lạc vào sự bình thường duy vật. Nếu con nhìn chúng theo cách biên kiến một chiều như là có hoặc không có, con lạc vào thường kiến hoặc đoạn kiến cực đoan. Nếu con tin rằng đối tượng sự vật hiện hữu lìa ngoài tâm thức, con lạc vào Thanh Văn hoặc Bích Chi. Nếu con nói rằng các tri giác đều là tâm thức, con lạc thành một người theo phái Duy Tâm. Nếu con tin rằng thế giới và chúng sanh là các hóa thần, con lạc vào Mật Chú. Có ích lợi gì của sự thực hành thiền định mà không biết làm sao cắt đứt các lầm lạc này!

Vâng, xin hãy cho con phương pháp cắt đứt sự đi lạc, bà hỏi.

Đạo sư trả lời: Tsogyal, nếu con muốn tránh đi lạc vào các lối này, trước tiên hãy có được một sự học rộng; tiếp theo, tập trung vào giáo lý trực chỉ; và cuối cùng khi áp dụng nó trong thực hành, phải hiểu các đường lối đi lạc đề cập ở trên không gì khác hơn là sự bám chấp và sự tham dính vào các trạng thái thiền định. Thiền định giống như ví dụ một con thỏ ngủ trong tổ một con diều hâu hay như sự tập trung của một người bắn cung thì không phải là nguyên nhân cho giải thoát. Chẳng kể loại kinh nghiệm tạm thời nào mà con có, hãy đơn giản buông xả và ở yên trong bất cứ thứ gì được kinh nghiệm, không cố gắng phát triển hay làm biến chất, không hy vọng và sợ hãi, và không lấy và bỏ. Khi tự do khỏi sự trụ vào bất và cứ điều gì được kinh nghiệm, thì không có nguyên nhân để đi lạc.

Thứ hai, đối với sự chỉ dạy về sự lầm lạc của chỗ ở và của bạn bè, thiền giả phải tu hành trong một nơi có những tính cách chân chánh. Nếu con ở trong một ngôi chùa phóng dật hay một nơi làm tăng thêm mạng lưới phiền não, sự thương và ghét sẽ làm cho con bị phủ ngập bởi các phiền não này do bất tịnh về đạo đức và những cúng dường con nhận được. Giữ liên lạc với các bạn xấu sẽ ngăn chặn sự tiến bộ trong thiền định và giống như tự mua cho con thuốc độc.

Tsogyal, nếu con muốn thực hành Pháp trong một con đường đích thực, tối quan trọng là cắt các mối ràng buộc vào các nơi chốn và bạn bè xấu vân vân. Thế nên hay bỏ chúng đi!

Thứ ba, về sự lầm lạc của thiền định sai lầm, khi cố gắng duy trì trạng thái thiền định con có thể kinh nghiệm hôn trầm, xao động và tán tâm. Về hôn trầm, có sáu loại: hôn trầm do chỗ ở, do bạn bè, do thời gian, do thức ăn, do tư thế và do thiền định.

Thứ nhất, hôn trầm do chỗ ở xảy ra vì ở trong một khu rừng hay một hẻm núi nằm thấp, hay trong một vùng, một làng kém đạo đức. Về mặt trí óc con cảm thấy mờ tối, các bindu không rõ ràng, sự tỉnh giác như bị mây che, con cảm thấy rất buồn ngủ, thân thể nặng nề. Trong những trường hợp này, làm các lễ nghi tẩy tịnh và sám hối; đến chỗ khoáng đạt; thiền định trong một nơi có trời trong, không mây, mở cửa sổ cho không khí trong lành; hãy tưởng tượng con đang ở trên đỉnh một ngọn núi tuyết và xúc chạm với gió mát. Các phương pháp này sẽ trừ sạch hôn trầm.

Thứ hai, hôn trầm do mối liên lạc bạn bè xảy ra do ở với người hạnh kiểm xấu hay với một phối ngẫu tính cách không sạch vì người ấy có thể có những quan hệ bừa bãi. Chính con cũng bị ô nhiễm luôn. Trong trường hợp 1 người này, nỗ lực trong các nghi lễ để thành tựu và sám hối và để tịnh hóa. Hãy cảnh giác với người phá hư các thệ nguyện hay hạnh kiểm dơ bẩn. Tìm kiếm một phối ngẫu có phẩm hạnh, người ấy phải đã nhận sự truyền pháp, và không cho phép sự quan hệ bừa bãi. Điều ấy sẽ làm sạch hôn trầm.

Thứ ba, hôn trầm do thời gian là cảm thấy tối tăm và buồn ngủ vào mùa xuân hay mùa hè, và được xóa sạch bằng cách đi đến các núi tuyết và các địa điểm tương tự.

Thứ tư, hôn trầm do thức ăn và đồ mặc là cảm thấy mờ đục và bị che ám từ thức ăn của người khác hay đồ mặc dơ bẩn. Khi thực hành con phải tránh thức ăn của người khác và đồ mặc dơ bẩn. Điều đó sẽ làm sạch hôn trầm.

Thứ năm, hôn trầm do tư thế, là khi một người sơ học trở nên buồn ngủ do bởi nằm dài người và những tư thế tương tự. Trong lúc tu tập thiền định hãy giữ ba tư thế hay tư thế kim cương (ngồi tréo chân), làm mạnh mẽ tâm thức, làm hưng phấn các giác quan của con, và hãy thiền định với sự sáng tỏ sống động. Điều ấy sẽ làm sạch hôn trầm.

Thứ sáu, hôn trầm do thiền định đến sự từ thiền định với một tâm thái chán nản của tâm, như vậy cảm thấy hoàn toàn tối tăm và buồn ngủ. Hướng đôi mắt về bầu trời và trong một cách thăng bằng, hãy tỉnh giác một cách sắc bén và làm bén nhạy trí huệ của con. Điều ấy làm sạch hôn trầm.

Các bản văn về các cấp độ tiệm tiến của con đường dạy rằng hôn trầm và xáo động là do lỗi lầm không làm sống động được tỉnh giác. Tsogyal, các chướng ngại của thiền định không thể trừ sạch trừ phi con siêng năng cần cù!

---o0o---

 

Trích: Những Lời Khai Thị Từ Đức Liên Hoa Sanh Về Con Đường Đại Toàn Thiện

Lời Dạy Mở Đầu Của Ngài Tulku Urgyen Rinpoche

Ban dịch thuật Thiện Tri Thức

Ảnh nguồn Internet

Bài viết liên quan