PHONG TRÀO RIME CỦA ĐỨC JAMGON KONGTRUL VĨ ĐẠI

PHONG TRÀO RIME CỦA ĐỨC JAMGON KONGTRUL VĨ ĐẠI

 

Chương 1 của “Triết lý Ri-me của Đức Jamgon Kongtrul vĩ đại: Một nghiên cứu về các dòng truyền thừa của Phật giáo Tây Tạng”.

RINGU TULKU RINPOCHE

Nguyên Chân Lê Việt Dũng chuyển dịch Việt ngữ @2024.

NXB Shambhala Publications.

Ri hoặc chok-ri trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là “thiên vị”, “bộ phái” hoặc “giáo phái”. Me có nghĩa là “không”. Vì vậy, Ri-me có nghĩa là “không đứng về phe nào”, “bất bộ phái” hoặc “không giáo phái”. Nó không có nghĩa là “bất tuân thủ” hay là “không cam kết”, cũng không có nghĩa là hình thành một trường phái hoặc hệ thống mới khác với những trường phái hoặc hệ...
PHONG TRÀO RIME CỦA ĐỨC JAMGON KONGTRUL VĨ ĐẠI

 

 

RINGU TULKU RINPOCHE sinh ra tại Kham Lingtsang, miền đông Tây Tạng, và được Đức Pháp Vương Gyalwang Karmapa thứ 16 công nhận là hiện thân của một trong những tulku của tu viện Ringu, một tu viện Kagyu ở tỉnh nhà của ngài. Ngài là một bậc thầy Phật giáo Tây Tạng của Dòng Kagyu. Khi còn nhỏ, ngài đã phải chạy trốn khỏi Tây Tạng và lớn lên trong cảnh lưu vong ở Ấn Độ. Ngài đã được đào tạo trong tất cả các trường phái Phật giáo Tây Tạng dưới sự chỉ dạy của nhiều bậc thầy vĩ đại như Đức Pháp Vương Gyalwa Karmapa thứ 16 và Đức Pháp Vương Dilgo Khentse Rinpoche. Ngài đã theo học chính thức tại Viện Tây Tạng học Namgyal, Đại học Gangtok và Sampurnananda Sanskrit, Varanasi, Ấn Độ và đã làm Giáo sư Tây Tạng học tại Sikkim trong 17 năm. Luận án tiến sĩ của ngài là về Phong trào Rime ở Tây Tạng.

 

Từ năm 1990, ngài đã đi du hành và giảng dạy Phật giáo và thiền định tại hơn 50 trường đại học, học viện và trung tâm Phật giáo ở châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Úc và châu Á. Ngài cũng tham gia vào nhiều cuộc đối thoại liên tôn. Ngài là tác giả của một số cuốn sách về Phật giáo cũng như một số sách thiếu nhi bằng cả tiếng Tây Tạng và tiếng châu Âu. Các cuốn sách của Ringu Tulku bao gồm, Path to Buddhahood , The Ri-me Philosophy of Jamgön Kongtrul the Great – A Study of the Buddhist Lineages of Tibet , Confusion Arises as Wisdom , Mind Training , Daring Steps – Traversing the Path of the Buddha.

 

Ringu Tulku sáng lập Bodhicharya, một tổ chức quốc tế điều phối các hoạt động trên toàn thế giới để bảo tồn và truyền bá giáo lý Phật giáo, thúc đẩy các cuộc đối thoại liên văn hóa và các dự án giáo dục & xã hội. Ngài cũng sáng lập Rigul Trust hỗ trợ các dự án của ngài tại nơi mình sinh ra, Rigul, Tây Tạng.

Ringu Tulku Rinpoche là Đại diện chính thức của Đức Karmapa thứ 17, Ogyen Drodul Trinley Dorje, tại Châu Âu và là Người sáng lập Quỹ Karmapa Châu Âu

 

Ý nghĩa của Rime

 

Trong khi làm công trình nghiên cứu về phong trào Rime [Rimé, Ri-me] vào những năm 1970, tôi đã có cơ hội gặp gỡ và phỏng vấn một số lạt ma Tây Tạng nổi tiếng, bao gồm Đức Đạt Lai Lạt Ma và những người đứng đầu bốn truyền thống chính của Phật giáo Tây Tạng. Tôi đã chuẩn bị một bảng câu hỏi và một trong những câu hỏi đó là liệu các vị có tin rằng các trường phái khác nhau của Phật giáo Tây Tạng đều chỉ ra con đường đạt đến Phật quả hay không.

Trong đời mình, tôi chưa từng bao giờ bị khiển trách nặng nề như khi tôi hỏi câu hỏi đó! Tất cả các vị, không có ngoại lệ, đều đã bị sốc và xúc phạm, họ cảm thấy vô cùng thất vọng khi mà tôi, một nhà sư, lại có thể có những nghi ngờ như vậy. Các vị không nói chuyện với tôi cho đến khi tôi thuyết phục họ rằng đây chỉ là một trong những câu hỏi mang tính thủ tục, không hề quan trọng, mà nó vốn là một phần của hệ thống đại học hiện đại.

 

“Làm sao ông có thể nói một điều như vậy?” họ khiển trách tôi. “Tất cả các trường phái Phật giáo đều thực hành lời dạy của Đức Phật.” Họ tiếp tục thảo luận về cách cả bốn truyền thống chính của Tây Tạng đều chia sẻ cùng một bộ luật tu viện giống nhau, bộ Luật Nhất Thiết Hữu Bộ, và thực hành con đường luyện tâm của Đại thừa (Mahayana). Tất cả đều nghiên cứu chân lý tối thượng thông qua triết học Trung Quán, và noi theo hai người dẫn đường vĩ đại là đại sư Long Thọ  và Vô Trước. Trên hết, tất cả các truyền thống Phật giáo Tây Tạng đều thống nhất ở một điểm là lấy Anuttarayoga Tantra (Tantra Du-già Tối Thượng) làm thực hành chính và cốt lõi của họ. Do đó, không thực sự có cơ sở nào cho chủ nghĩa bộ phái, và tất cả các trường phái về cơ bản đều tuân theo cách tiếp cận Rime.

 

Rime là gì ?

 

Ri hoặc chok-ri trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là “thiên vị”, “bộ phái” hoặc “giáo phái”. Me có nghĩa là “không”. Vì vậy, Ri-me có nghĩa là “không đứng về phe nào”, “bất bộ phái” hoặc “không giáo phái”. Nó không có nghĩa là “bất tuân thủ” hay là “không cam kết”, cũng không có nghĩa là hình thành một trường phái hoặc hệ thống mới khác với những trường phái hoặc hệ thống hiện có.

Những người theo cách tiếp cận Rime hầu như luôn theo một dòng truyền thừa cho các thực hành chính của họ. Mặc dù họ tôn trọng và học hỏi từ các truyền thống khác, nhưng họ sẽ không tách lìa khỏi trường phái mà trong đó họ đã được giáo dưỡng. Có thể lấy ví dụ là những người sáng lập phong trào Rime, ngài Jamgön Kongtrul (1813–1899) và Jamyang Khyentse Wangpo (1820–1892). Ngài Kongtrul được giáo dục theo truyền thống Nyingma và Kagyu, còn ngài Khyentse được giáo dưỡng theo truyền thống Nyingma và Sakya. Mặc dù hai vị đại học giả và thiền sư này đã tiếp nhận, thu thập, thực hành và truyền bá những giáo lý của cả tám dòng truyền thừa thực hành, nhưng các vị không bao giờ chối bỏ mối liên hệ với các trường phái riêng của mình.

 

Một trong những đặc điểm độc đáo của Phật giáo là sự chấp nhận rằng các con đường khác nhau phù hợp với những kiểu người với căn cơ khác nhau. Cũng giống như một loại thuốc không thể chữa khỏi mọi bệnh tật, một bộ giáo lý cũng không thể giúp ích được cho tất cả chúng sinh, đây là một nguyên tắc cơ bản của Phật giáo. Người ta chọn những kinh điển và/hoặc mật điển phù hợp nhất từ ​​giáo lý của Phật giáo và biến chúng thành nền tảng cho việc thực hành của mình. Đây là cách mà các trường phái Phật giáo khác nhau bắt đầu. Không có “giáo phái" nào trong Phật giáo vì không có các nhóm ly khai khỏi trường phái chính. Các dòng truyền thừa khác nhau đã ra đời ngay cả trong số những người thực hành cùng những giáo lý.

 

Ở ​​Tây Tạng, cũng như những nơi khác, các trường phái khác nhau thực hành và nghiên cứu trong những môi trường khá biệt lập, mà không có nhiều liên hệ với các trường phái và dòng truyền thừa khác. Việc thiếu trao đổi và giao tiếp gây ra hiểu lầm. Ngay cả khi không có sự hiểu lầm hoặc thiếu tôn trọng đối với các trường phái khác, một số hành giả, vì nhiệt tình giữ cho dòng truyền thừa của mình được thanh tịnh và không pha tạp, đã đi xa đến mức từ chối những giáo lý của các bậc thầy thuộc các dòng truyền thừa khác và không nghiên cứu các bản văn của các trường phái khác. Sự thiếu hiểu biết là mảnh đất màu mỡ nhất để nảy sinh những nghi ngờ và quan niệm sai lầm.

 

Jamgön Kongtrul với Chủ nghĩa bộ phái

 

Jamgön Kongtrul hoàn toàn không đồng tình với cách tiếp cận thiên vị đến mức ngài khẳng định rằng những người có quan điểm bộ phái không thể duy trì ngay cả truyền thống của chính họ. Kongtrul nói:

Giống như một vị vua bị chế ngự bởi lợi ích vị kỷ

Không xứng đáng là người bảo vệ của vương quốc,

Một người bộ phái không xứng đáng là người nắm giữ giáo pháp.

Không chỉ vậy, anh ta còn không xứng đáng để duy trì ngay cả truyền thống của chính mình.

 

Và một lần nữa:

Những người cao quý chia sẻ một cái thấy tối hậu duy nhất,

Nhưng những kẻ kiêu ngạo lại bẻ cong cái thấy đó vì lợi ích của riêng họ.

Những người chứng minh rằng tất cả các giáo lý của Đức Phật là không có mâu thuẫn có thể được coi là những người uyên bác,

Nhưng ai lại đủ ngu ngốc để nghĩ rằng những người gây ra sự chia rẽ là những người nắm giữ giáo pháp?

 

Rime không phải là một con đường thống nhất các trường phái và những dòng truyền thừa khác nhau bằng cách nhấn mạnh vào những điểm tương đồng của chúng. Về cơ bản, đó là một sự đánh giá cao những điểm khác biệt của chúng và một sự thừa nhận tầm quan trọng của sự đa dạng để mang lại lợi ích cho những hành giả có những nhu cầu khác nhau.

Do đó, các vị thầy Rime luôn hết sức cẩn thận để các giáo lý và thực hành của các trường phái và dòng truyền thừa khác nhau, cũng như phong cách riêng của mỗi truyền thống không trở nên lẫn lộn với nhau. Việc giữ nguyên bản phong cách và những phương pháp của mỗi dòng truyền thừa giáo lý sẽ bảo tồn được sức mạnh kinh nghiệm của dòng truyền thừa đó. Kongtrul và Khyentse đã nỗ lực rất nhiều để giữ được hương vị nguyên bản của mỗi giáo lý, đồng thời phổ biến chúng cho nhiều người.

Kongtrul viết về Khyentse trong tiểu sử của ông:

Một số người rất ồn ào về những lời bác bỏ và khẳng định của nhiều giáo lý khác nhau, đặc biệt khi chúng gắn liền với phiên bản của riêng họ, chẳng hạn như Rangtong (Tự Không) hoặc Shentong (Tha Không) của Trung Quán (Madhyamaka). Có nhiều người cố gắng kéo người khác về phe mình, đến mức gần như bẻ gãy cổ họ.

Khi Jamyang Khyentse giảng dạy các hệ thống giáo lý khác nhau, ông không trộn lẫn thuật ngữ hoặc những ý tưởng của chúng, nhưng ông làm cho chúng dễ hiểu và phù hợp với các học trò.

Nhìn chung, điểm chính yếu được thiết lập bởi tất cả các giáo lý là bản tánh tối hậu của các hiện tượng.

Như Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa đã nêu:

Pháp tánh không phải là đối tượng của kiến ​​thức;

Nó không thể được hiểu bằng tâm khái niệm.

 

Ngoài ra, Ngok Lotsawa, người được coi là viên ngọc quý của giới trí thức Tây Tạng, đã đồng ý với sự hiểu biết này khi ông nói:

Chân lý tối hậu không chỉ vượt ra ngoài chiều kích của ngôn ngữ và cách diễn đạt, mà nó còn vượt ra ngoài sự hiểu biết của trí thông minh.

 

Vì vậy, bản tánh tối hậu không thể được thiết lập bởi cái tâm sinh tử luân hồi, bất kể tâm đó có sâu đến đâu đi nữa.

Các học giả và thành tựu giả của nhiều trường phái khác nhau đưa ra những cách trình bày riêng về pháp. Mỗi cách trình bày đều có đầy đủ những điểm mạnh và được hỗ trợ bởi luận lý chặt chẽ. Nếu bạn có nền tảng vững chắc trong các cách trình bày thuộc truyền thống của riêng mình, thì không cần thiết phải trở thành một người bộ phái.

Nhưng nếu bạn bị lẫn lộn về các giáo lý và thuật ngữ khác nhau, thì bạn thậm chí còn không có chỗ đứng trong truyền thống của mình. Bạn cố gắng sử dụng hệ thống của người khác để hỗ trợ cho sự hiểu biết của bạn, nhưng rồi lại rối tung lên, giống như một người thợ dệt tồi vậy. Liên quan tới cái thấy, thiền định, hạnh và quả, nếu bạn không chắc chắn về hệ thống của mình, bạn không thể sử dụng lý luận để hỗ trợ cho kinh sách của mình và bạn không thể thách thức những khẳng định của người khác. Bạn trở thành một trò cười trong mắt những người có học thức. Sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn có sự hiểu biết rõ ràng về truyền thống của riêng mình.

Tóm lại, phải thấy tất cả các giáo lý đều không có mâu thuẫn, và xem tất cả kinh điển đều là những giáo huấn. Như vậy mới có thể diệt trừ gốc rễ của chủ nghĩa bộ phái và thành kiến, và cho bạn một nền tảng vững chắc trong những giáo lý của Đức Phật. Ở điểm này, trăm cánh cửa của tám vạn bốn ngàn pháp môn sẽ đồng thời mở ra cho bạn.”

-Jamgön Kongtrul

 

Khái niệm Rime không phải là nguyên gốc của Kongtrul và Khyentse, cũng không phải là mới đối với Phật giáo. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã cấm các học trò của mình chỉ trích người khác, ngay cả những giáo lý và vị thầy của các tôn giáo và nền văn hóa khác. Chỉ thị này mạnh mẽ và rõ ràng đến mức trong “Lối Vào Trung Đạo”, Chandrakirti (Nguyệt Xứng) đã cảm thấy buộc phải bảo vệ các luận thuyết Trung Quán của Nagarjuna (Long Thọ) bằng cách nói rằng:

Nếu, trong khi cố gắng để hiểu chân lý, người ta xóa tan những hiểu lầm, và do đó một số triết lý không thể vẫn còn nguyên vẹn, thì điều đó không nên được coi là chỉ trích cái thấy của người khác.

 

Khenchen Kunpal về việc làm sáng tỏ sự hiểu lầm

 

Vậy, điều này có nghĩa là các luận thuyết do các bậc thầy uyên bác vĩ đại trong quá khứ viết ra, chỉ trích một số cái thấy và thiết lập các cái thấy khác là vô ích chăng? Không, không phải vậy. Các luận thuyết đó không chỉ đơn thuần chỉ trích lẫn nhau; chúng xuất phát từ tâm không thiên vị để chỉ ra cách mà chúng sinh bình  phàm có thể rơi vào hiểu lầm. Nếu bạn xem xét kỹ lưỡng những điểm chính yếu của các luận thuyết này, thì những lời giải thích của chúng sẽ trở thành nguồn hiểu biết sâu sắc. Như Khenchen Kunpal đã nói:

 

“Những người rất uyên bác từ việc nghiên cứu năm nhánh tri ​​thức (ngũ minh) và các chủ đề khác, và những người đã đạt đến giai đoạn của sức nóng trong trải nghiệm thiền định của mình, sẽ nhận được những lời tiên tri và được các lạt ma và các vị bổn tôn đặc biệt của họ chăm sóc trực tiếp.

Những bậc thầy uyên bác và thành tựu này thực sự mang lại lợi ích cho những giáo lý và chúng sinh thông qua các hoạt động giảng dạy, tranh luận và viết của họ. Những người sử dụng lý lẽ và tranh luận một cách có ý nghĩa để bác bỏ sự hiểu lầm và thiết lập sự hiểu biết đúng đắn là những bậc thầy vĩ đại, cho dù họ đến từ truyền thống của chúng ta hay truyền thống khác. Nếu chúng ta nhìn sâu để tìm ra ý định thực sự của họ và không nhìn một cách sai lầm, thì những cách trình bày của họ sẽ củng cố sự hiểu biết của chúng ta. Thay vì gây hại, chúng mang lại lợi ích rất lớn.

 

Nếu bạn không tiếp cận các truyền thống khác với cái tâm rộng mở, và bạn chỉ trích họ bằng cách phóng đại và hạ thấp những cái thấy của họ chỉ vì lòng căm thù, thì bạn sẽ gây ra tác hại lớn. Những người vô minh, sẽ giống như những con vật trong truyện cổ tích bị hoảng sợ bởi một con thỏ chạy đi vì sợ hãi khi nghe thấy tiếng của một cành cây rơi xuống sông. Giống như những con vật trong rừng, họ sẽ tham gia vào đám đông hoảng loạn và có những cái thấy sai lầm về giáo pháp chân chính. Họ sẽ đưa ra những luận điệu vô căn cứ, và đó là một lỗi lầm nghiêm trọng.

Sự chỉ trích của bạn sẽ khiến người khác gặp thảm họa, và bạn sẽ còn xa mới đạt được lối sống giải thoát của một bậc cao quý. Bị tàn phá bởi ham muốn nói quá nhiều, bạn sẽ phơi bày bản chất bẩn thỉu của mình cho mọi người thấy. Bạn sẽ đi chệch xa khỏi những giáo lý của chư Phật và chư Bồ Tát, và điều đó hoàn toàn không phù hợp.”

-Khenchen Kunpal.

 

Những gì Khenchen Kunpal nói là sự thật. Đó là lý do tại sao hai hóa thân của Manjushri (Văn Thù Sư Lợi), Khyentse và Kongtrul, cùng với các học trò và dòng truyền thừa của các vị, đều có niềm tin rằng tất cả các giáo lý vĩ đại của Phật giáo đều đi đến cùng một điểm tối hậu. Họ không hành động theo những cách bộ phái; họ không cố gắng kéo mọi người về phía họ, họ cũng không bám víu vào truyền thống của riêng họ và thù ghét những truyền thống khác. Họ hướng dẫn chúng ta giữ tất cả các giáo lý trong dòng tâm thức của mình mà không có sự mâu thuẫn, và khi đến lượt chúng ta giảng dạy giáo lý cho người khác, chúng ta nên giải thích và nhấn mạnh các điểm chính giống như những người dẫn đường vĩ đại trong quá khứ. Chúng ta không nên thay đổi những giáo lý hoặc làm sai lạc chúng ngay cả một chút nhỏ nhất.

 

Tranh luận về giáo thuyết

 

Vậy tại sao lại có nhiều cuộc tranh luận và phê bình giữa các trường phái Phật giáo khác nhau? Có một câu nói cổ ở Tây Tạng:

Nếu hai triết gia đồng ý với nhau, một người không phải là triết gia.

Nếu hai vị thánh không đồng ý với nhau, một người không phải là thánh.

 

Người ta chấp nhận rằng tất cả các bậc chứng ngộ đều có cùng kinh nghiệm, nhưng câu hỏi là làm thế nào để mô tả nó cho người khác. Hầu như tất cả các cuộc tranh luận đều liên quan đến cách sử dụng ngôn ngữ. Ví dụ, cuộc tranh luận chính giữa các trường phái Svatantrika và Prasangika của Trung Quán tông (Madhyamaka)  đều quy về việc có nên đưa từ "tối hậu" vào hay không. Ví dụ, có nên nói "Hình tướng (sắc) là trống không" hay "Hình tướng (sắc) là trống không tối hậu".

Cuộc tranh luận huyền thoại kéo dài mười năm giữa Chandrakirti (Nguyệt Xứng) và Chandragomin (Nguyệt Quan)  là một ví dụ điển hình. Cả hai bậc thầy này đều được tất cả các bên coi là những bậc giác ngộ, vậy tại sao họ lại tranh luận? Cuộc tranh luận của họ tập trung vào cách diễn đạt những giáo lý sao cho ít nguy cơ bị hiểu sai nhất.

 

Rangtong và Shentong

 

Đặc biệt, đã có rất nhiều cuộc tranh luận sôi nổi ở Tây Tạng giữa những người ủng hộ trường phái Rangtong và Shentong của Trung Quán (Madhyamaka). Các dòng truyền thừa, triết lý và những cuộc tranh luận của hai trường phái này sẽ được thảo luận sau. Liên quan đến cuộc thảo luận về phong trào bất bộ phái này, đây là một trích dẫn từ Jamgön Kongtrul tóm tắt mối quan hệ của hai hệ thống này:

 

Đối với cả Rangtong và Shentong của Trung Quán (Madhyamaka), mọi hiện tượng bao gồm trong chân lý tương đối đều là tánh Không, và có sự chấm dứt của mọi cực đoan giả tạo trong thiền định. Cái thấy của họ không khác nhau về những điểm này. Tuy nhiên, liên quan đến hậu thiền định, để phân biệt rõ ràng các hệ thống giáo lý, chỉ xét về cách họ sử dụng thuật ngữ, Shentong nói rằng pháp tánh, dharmata, hay bản tánh đích thực, có ở đó; và Rangtong nói rằng pháp tánh, dharmata, không có ở đó. Trong phân tích rốt ráo, sử dụng lý luận xem xét điều tối hậu, Shentong nói rằng trí tuệ nguyên thủy bất nhị thực sự được thiết lập, và Rangtong nói rằng trí tuệ nguyên thủy không thực sự được thiết lập. Hai tuyên bố này mô tả những điểm khác biệt chính yếu của chúng.

 

Vì vậy, sự khác biệt của chúng nằm ở những từ ngữ chúng sử dụng để mô tả pháp tánh dharmata và trí tuệ nguyên thủy. Shentong mô tả pháp tánh dharmata, bản tánh đích thực, như là sự thực tối hậu; trong khi các triết gia Rangtong lo sợ rằng nếu nó được mô tả theo cách đó, mọi người có thể hiểu nó như khái niệm về một linh hồn hoặc bản ngã tự hữu (atman). Các triết gia Shentong nghĩ rằng có nhiều khả năng hiểu lầm hơn nếu trạng thái giác ngộ được mô tả là không thực và trống rỗng. Cuộc tranh luận của họ tập trung vào cách diễn đạt những giáo lý để có ít nguy cơ hiểu sai nhất. Kongtrul thấy cách trình bày của Rangtong là tốt nhất để giải thể các khái niệm, và cách trình bày của Shentong là tốt nhất để mô tả kinh nghiệm thực tế.

 

Nyingma và Sarma

 

Kongtrul giải quyết theo cùng một cách với các vấn đề giữa Nyingma và Sarma, hay các truyền thống Tân dịch và Cựu dịch, liên quan đến tính hợp lệ của các mật điển Nyingma và thực hành Đại Toàn Thiện Dzogchen của Thögal. Kongtrul nói rằng có hai lý do tại sao các mật điển Nyingma là chính thống. Đầu tiên, các phiên bản tiếng Phạn nguyên gốc cuối cùng đã được tìm thấy, và thứ hai, cả bản dịch trước và sau của các mật điển đều có cùng cái thấy và sự hiểu biết. Kongtrul làm sáng tỏ điều này trong ‘Thảo luận không chính thức về Cái Thấy’ của mình:

 

Trạng thái tự nhiên, Đại Ấn,

Được dạy rõ ràng trong tất cả các kinh và tantra.

 

Quan điểm của Rime là mặc dù các dòng truyền thừa Tây Tạng khác nhau đã phát triển các trọng tâm và thực hành khác nhau, nhưng họ có một sự hiểu biết tối hậu duy nhất và tất cả các giáo lý của họ đều đi đến cùng một điểm cốt tủy. Kongtrul Rinpoche đặt nền cho cuộc thảo luận của mình dựa vào các giáo huấn trong Kinh Vua Của Định, các tantra Anuttarayoga, các giáo lý của Maitripa, và các giáo lý của Marpa và những người đi theo ngài. Ví dụ, Kongtrul nói rằng các giáo lý Đại Ấn Mahamudra của dòng Kagyu đạt đến cùng một điểm với các giáo lý Đại Toàn Thiện Dzogchen của dòng Nyingma.

Ông nói về các giáo huấn Đại Ấn Mahamudra:

Những giáo lý này tương quan với các giáo lý Semde của Đại Toàn Thiện Dzogchen.

 

Ông cũng tuyên bố sự thống nhất của các dòng Sakya và Kagyu trong sự hiểu biết của họ về cái tối hậu.

 

Người ta có thể đặt câu hỏi về sự hiểu biết của Kongtrul về điều này bởi vì sự phê bình của Sakya Pandita về Đại Ấn Kagyu trong cuốn sách của ông, ‘Phân Biệt Ba Lời Nguyện’ (Differentiating the Three Vows). Kongtrul nói về Sakya Pandita:

 

Bởi vì điều đó là cần thiết trong bối cảnh đó, trong ‘Phân Biệt Ba Lời Nguyện’, ông bác bỏ Dagpo Kagyu, Đại Ấn Mahamudra và những cuốn khác.

Nhưng trong cuốn sách của mình, ‘Bình Giảng Ca Ngợi Lòng Vị Tha’ (Commentary Preaching Selflessness), ông đích thân chấp nhận cái thấy của Đại Ấn Mahamudra.

 

Trong ‘Thảo Luận Không Chính Thức Về Cái Thấy’ (Informal Discussion of the View) của Jamgön Kongtrul, ông tuyên bố rằng dòng Gelugpa cũng chia sẻ cùng một sự hiểu biết, và rằng cách trình bày của Tsongkhapa không hề mâu thuẫn với cái thấy của Đại Toàn Thiện Dzogchen. Ông nói:

Điểm thực sự trong sự hiểu biết của Je Tsongkhapa, không thể chối cãi là giống với các giáo lý của Đại Toàn Thiện Dzogchen.

Điều này được nêu rõ trong bản văn của ông: ‘Phương Dược Siêu Phàm, Cam Lồ Của Những Câu Hỏi Và Trả Lời’ (The Sublime Medicine, the Amrita of Questions and Answers).

Kongtrul cũng nói:

Khi dòng Gelugpa giải thích Sáu Yoga của Naropa

Họ dạy sự hấp thu thiền định vượt khỏi các khái niệm.

Ngoài ra, khi thực hành Guhyasamaja, họ chủ yếu tuân theo hệ thống của Marpa.

Tiếp theo, ông nói:

Có một bài bình giảng do Panchen Lama đời thứ I viết, được gọi là Truyền thống Geluk-Kagyu của Đại Ấn Mahamudra.

 

Những trích dẫn này sẽ làm rõ cái thấy của Kongtrul về phong trào bất bộ phái.

 

Khi chúng ta xem xét cuộc đời của các bậc thầy Tây Tạng vĩ đại trong quá khứ, chúng ta thấy rằng họ đã học với nhiều vị thầy của các truyền thống và dòng phái khác nhau, và rất tôn trọng họ. Những xung đột giữa các lạt ma và tu viện, và đôi khi giữa các vùng của Tây Tạng, đôi khi được trình bày dưới dạng xung đột tôn giáo hoặc giáo lý. Tuy nhiên, hầu như không có xung đột nào trong số đó liên quan đến bất đồng giáo lý hoặc triết học. Hầu hết những xung đột này đều dựa trên các vấn đề về đặc điểm tính cách hoặc sự ganh đua chính trị thế tục.

 

Phong trào Rime của Kongtrul và Khyentse không phải là một khái niệm mới, nhưng đó là một phong trào kịp thời và độc đáo với những kết quả vĩ đại. Một phần lớn văn học Phật giáo sẽ bị mất nếu không có những nỗ lực của hai bậc thầy sáng suốt này để bảo tồn nó. Mặc dù Khyentse là nguồn cảm hứng và đóng góp rất nhiều cho nỗ lực này, nhưng Kongtrul mới thực sự là người tập hợp bộ sưu tập khổng lồ của ‘Năm Kho Tàng Vĩ Đại’.

Việc biên soạn và truyền bá ‘Năm Kho Tàng Vĩ Đại’, cùng với ‘Tuyển Tập Các Sadhana’ và ‘Tuyển Tập Tantras’, đã phá vỡ sự cô lập của các giáo lý truyền thừa độc nhất trong phần lớn các trường phái Phật giáo Tây Tạng.

Những tác phẩm được thu thập này đã tạo nên một truyền thống phát triển trong thế kỷ XX là tiếp nhận giáo lý của nhiều dòng truyền và trường phái khác nhau từ một vị thầy duy nhất tại một nơi duy nhất. Ví dụ, ‘Kho Tàng Của Những Giáo Huấn’, một trong những bộ sưu tập ‘Năm Kho Tàng Vĩ Đại’ của Kongtrul. Tuyển tập này gồm hầu hết các giáo lý cốt tủy của tám dòng truyền thừa thực hành, hiện được bảo tồn và truyền bá như một dòng truyền thừa duy nhất. Việc truyền bá các giáo lý theo kiểu này không chỉ trở nên phổ biến mà còn được ưa chuộng trong số các bậc thầy của tất cả các trường phái Phật giáo Tây Tạng.

Thành công vĩ đại trong lĩnh vực này bắt nguồn từ thực tế là Kongtrul đã đích thân truyền bá những giáo lý này, nhiều lần, cho nhiều học trò, từ những vị trưởng dòng cho đến những học trò tại gia khiêm tốn nhất.

Nhiều người trong số nhiều học trò của ông đã truyền bá những giáo lý này trong các trường phái và tu viện của riêng họ. Ngoài ra, Kongtrul đã có thể khắc hầu hết các tác phẩm chính của mình vào các khối gỗ và xuất bản khi ông vẫn còn sống. Khi người Tây Tạng bắt đầu rời khỏi Tây Tạng vào năm 1959, toàn bộ ‘Năm Kho Tàng Vĩ Đại’ của Kongtrul đã có sẵn.

 

Từ năm 1960 trở đi, Đức Karmapa và Đức Dudjom Rinpoche bắt đầu truyền trao các bộ sưu tập này ở Ấn Độ. Người ta đều biết rằng những cuốn sách tiếng Tây Tạng duy nhất mà Chogyam Trungpa và Akong Rinpoche đã mang theo khi họ mới đến Anh vào đầu những năm 1960, bên cạnh các thực hành hàng ngày của họ, là các tập ‘Kho Tàng của Trí ​​Huệ’ của Jamgön Kongtrul.

 

Đức Dalai Lama thứ mười bốn đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ một số bậc thầy Rime vĩ đại như Khunu Lama Tenzin Gyaltsen, Dilgo Khyentse Rinpoche và Dodrupchen thứ ba, Tenpe Nyima. Nhờ những nỗ lực của các bậc thầy bất bộ phái như những vị lạt-ma vĩ đại này, trong những năm gần đây đã có nhiều sự trao đổi giáo lý giữa các trường phái khác nhau của Phật giáo Tây Tạng hơn bao giờ hết. Theo truyền thống của Rime, Đức Dalai Lama đã tiếp nhận và ban truyền những giáo lý của tất cả các trường phái trong những truyền thống và dòng truyền thừa tương ứng của họ.

 

Vào thời điểm này, người Tây Tạng chúng ta có ít phước báu và quyền lực. Lĩnh vực duy nhất mà chúng ta có phước báu là Đức Dalai Lama thứ mười bốn, Tendzin Gyatso, vẫn còn sống. Đức Dalai Lama là người ủng hộ phong trào bất bộ phái và cái thấy của ngài phù hợp với cái thấy của Jamgön Kongtrul. Ví dụ, Đức Dalai Lama đã công khai tuyên bố trong một bài phát biểu được ghi âm:

Hiểu biết sơ bộ của tôi về cái thấy Đại Toàn Thiện Dzogchen xuất phát từ các ghi chú của Je Tsongkhapa có tên là Giải Thích Bí Mật Về Bốn Mươi Lá Thư, đây là một bình giảng về Guhyasamaja Tantra.

 

Vì vậy, không có lý do gì để nghi ngờ rằng tất cả các cái thấy của Phật giáo đều không hề có mâu thuẫn. Tôi muốn kết thúc phần giới thiệu về triết lý Rime này bằng cách sáng tác một bài thơ nhỏ:

 

Những người cao quý giống như những chú ong tận hưởng mật hoa của những giáo huấn

Trong khu vườn nở rộ những đóa hoa của các luận thuyết vô tư;

Trong khi những kẻ bộ phái có ý đồ xấu giống như những con sâu bướm

Nước bọt của họ chỉ trói buộc họ bên trong cái kén của chính mình.

 

 

Bài viết liên quan