SỰ DIỆU KỲ CỦA NHỮNG ĐIỀU KỲ DIỆU

Trích từ ‘HIỂU BIẾT CHÍNH MÌNH, những cuộc nói chuyện, câu chuyện, bài viết về Thiền’ - To Know Yourself, talks, stories and articles on Zen (1997) Tác giả: Anbert Low Chuyển ngữ: Yên Bình
SỰ DIỆU KỲ CỦA NHỮNG ĐIỀU KỲ DIỆU

Thực hành thiền không chỉ đơn giản là ngồi trên nệm trong thiền đường, đối diện với bức tường, theo dõi hơi thở hay làm việc với một công án. Trọng tâm của sự tu tập Thiền và cốt tủy của mọi sự thực hành tâm linh là sự bối rối, băn khoăn, quan tâm, lo lắng trước thân phận con người. Chúng ta chỉ cần cầm lên một tờ báo để nhận ra câu nói của Shakespeare đúng đến nhường nào: “Thật là một mạng lưới rối rắm mà nhân loại đã dệt lên.” Cuộc sống của chúng ta thật mâu thuẫn biết bao; đầy sự nhỏ mọn và vĩ đại, ngu xuẩn và khôn ngoan biết bao. Cũng trên các tờ báo đó, chúng ta đọc được tin một tên lửa sắp bay vòng quanh Sao Mộc và chính những nhà khoa học đó cũng đã đổ chất thải nguyên tử xuống các con sông. Trong Chiến tranh Falklands, có một câu chuyện kể về một phi công trẻ người Argentina đã dũng cảm tấn công hạm đội Anh, nhắm vào một tàu khu trục và tìm cách đánh chìm nó bằng tên lửa Exocet. Anh ta bị bắn rơi nhưng khi máy bay của anh ta vừa rớt xuống biển thì các thủy thủ từ chính chiếc tàu khu trục đã bị anh ta tấn công và cũng chính họ đã bắn rơi anh ta lại đang liều cả mạng sống của mình để cứu anh ta; và các bác sĩ phẫu thuật của con tàu đã chiến đấu để cứu mạng anh. Trong chiến tranh Việt Nam, toàn bộ những ngôi làng đã bị phá hủy để cứu dân làng. Quả thực, loài người chúng ta đang dệt lên một mạng lưới thật là rối rắm.

 

Trong cuộc sống của chúng ta cũng có rất nhiều mâu thuẫn như vậy: chúng ta có thể yêu và ghét ai đó cùng một lúc; chúng ta luôn đưa ra những yêu cầu vô lý đối với thế giới, nhưng trái tim chúng ta vẫn đầy mong manh và sự dịu dàng. Như Thánh Paul đã nói: “Tôi làm điều mình không muốn; và tôi muốn điều mình không làm.” Tuy nhiên, không chỉ những mâu thuẫn nội tại mới khiến chúng ta băn khoăn. Hãy xem xét tất cả những cách thức khác nhau mà con người đã hoặc đang sống, tất cả các xã hội và nền văn minh khác nhau đã xuất hiện và biến mất: thổ dân Úc sống ngoài sa mạc, những chàng cao bồi ở miền Tây cổ, người Eskimo xây nhà ở vùng đất hoang vu khắc nghiệt của Bắc Cực, người Aztec với sự hy sinh nhân mạng to lớn của họ, những thành phố đông đúc của thế giới công nghiệp, tất cả những cách sống rất khác nhau nhưng hoàn toàn độc lập và khép kín mà con người đã sống. Sau đó, hãy xem xét những điều đặc biệt mà người ta làm: vận động viên trượt ván quay vòng ba hoặc bốn lần trên không trung, vận động viên nhảy cầu lao mình xuống nước từ độ cao hàng trăm feet, vận động viên trượt tuyết đua xuống sườn dốc, vận động viên bơi lội dưới biển, tàu lượn, phi hành gia, nhà leo núi. Hãy nghĩ về sự phức tạp của toán học; sự rắc rối của vật lý lý thuyết; sự phong phú của âm nhạc; tính nghệ thuật ở Rome, Florence, Venice, Paris; các bức họa, chạm khắc, kiến trúc. Và sau đó hãy nghĩ đến những tiến bộ trong y học, điện tử, du hành vũ trụ. Hãy nghĩ đến những chiếc máy bay thường xuyên cất cánh với hàng trăm con người trên đó. Khi chúng ta thiền định về tất cả những điều này và nhớ về việc hàng triệu triệu người cùng sống, làm việc, yêu thương và cười đùa với nhau, và tất cả đều chống lại hoàn cảnh đau khổ, lo lắng, bệnh tật, tai nạn, tuổi già và cái chết, chúng ta sẽ thấy kinh ngạc. Dù có đặt vấn đề xem tất cả những chuyện này là sao thì cũng không thể chạm tới nó. Một câu hỏi như vậy thật tầm thường khi đối diện với suối nguồn của những điều kỳ diệu này.

 

Mặc dù vậy, bất chấp sự tầm thường này, chúng ta không thể không đặt câu hỏi, “Tất cả những điều đó có nghĩa gì, tất cả là về cái gì?” bởi vì những lời này đến từ sự hoang mang của chúng ta. Khi chúng ta thực hành một con đường tâm linh, chúng ta ngày càng buông bỏ những thứ đang ngăn cản sự bừng nở của những điều tuyệt diệu và mở lòng mình trước bí ẩn diệu kỳ của sự tồn tại, vốn vẫn chỉ là một hạt bụi trong vũ trụ rộng lớn của đời sống.

 

Điều kỳ diệu vốn là sự không phân chia, tách biệt. Đó là việc nhìn thấy những gì không thể nhìn thấy được, không thể nắm bắt được, đến mức, ở cấp độ sâu hơn, chúng ta thôi cố gắng nắm bắt nó; khi chúng ta làm như vậy thì chúng ta là một với nó: đây là đức tin. Một nhà thần bí Thiên chúa giáo đã nói: “Đức tin là tất cả.” Nếu đức tin là cần thiết thì chỉ cần có thế là đủ. Nếu chúng ta có thể thâm nhập được câu nói này, chúng ta sẽ đi thẳng đến tận cùng của mọi mê lầm. Nếu có đức tin thì còn cần gì tới kết quả? Cần gì phải thay đổi, đạt được, hay bỏ đi điều gì? Nếu có đức tin thì đó là tất cả. Nhưng chúng ta thường dùng đức tin như một món hối lộ. Chúng ta nói với Thượng Đế: “Con sẽ tin Người, nhưng Người phải bảo vệ con.” Và khi Thượng Đế không làm như vậy, chúng ta phàn nàn rằng: “Tôi đã có niềm tin vào Ngài ấy, vậy tại sao tất cả những điều này lại xảy ra với tôi? Niềm tin của tôi không đủ mạnh hay sao?” Hành động như vậy giống như một tay nhà buôn muốn có được những điều kỳ diệu mà anh ta sẵn sàng trả giá bằng thứ mà anh ta gọi là đức tin. Nếu chúng ta cầu nguyện với Thượng Đế và lời cầu nguyện xuất phát từ đức tin thì không còn vấn đề gì nữa. Bất cứ điều gì chúng ta làm vì sự thật đều đưa chúng ta đến sự thật, bởi vì nó xuất phát từ sự thật. Đức tinsự thật là những từ mô tả bản chất đích thực của chúng ta. Đức tin là cái biết nâng đỡ mọi thứ. Mọi điều dành cho chúng ta đều được biết và đều được nâng đỡ bởi cái biết. Những gì chúng ta nghe, nhìn, chạm, nếm, ngửi, tất cả đều đến từ cái biết. Và cái biết thuần tịnh, vô điều kiện này chính là điều mà chúng ta gọi là đức tin.

 

Mọi thứ chúng ta làm - cho dù nó có thể là gì, có vẻ lầm lạc hay lạ lùng đến đâu đối với người khác - đều xuất phát từ đức tin và, theo cách riêng của nó, là một cuộc tìm kiếm bản thể của chính chúng ta; mọi thứ chúng ta làm đều được thúc đẩy bởi tôn giáo, nếu người ta nhìn tôn giáo như sự tìm kiếm cái toàn thể, cái thiêng liêng, nhất thể. Tuy nhiên, vấn đề là có quá nhiều việc chúng ta làm là lầm lẫn; vì vậy thay vì mang đến sự thống nhất và hòa hợp mà ta tìm kiếm, nó chỉ làm tình hình trở nên trầm trọng hơn, khiến chúng ta chia rẽ hơn ngay bên trong chính mình, và trở nên tách biệt hơn đối với người khác. Và vì vậy chúng ta buộc phải hành động lại, thường là theo cách ngược lại hoàn toàn, điều này lại khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn nữa, v.v.

 

Một trong những lý do khiến chúng ta tọa thiền là nó giúp kiềm lại sự bất an thường xâm chiếm chúng ta. Bất cứ ai từng thắc mắc theo cách mà tôi gợi ý đều trở nên bồn chồn, kích động ở một mức độ nào đó. Chúng ta không thể ở yên với nó. Khi ngồi tọa thiền, với lưng thẳng và trọng tâm thấp, từng chút một, chúng ta mở lòng đón nhận năng lượng mà sự kỳ diệu giải phóng bên trong chúng ta. Sự bồn chồn tương tự xuất hiện cùng với thôi thúc sáng tạo và khi chúng ta thực hành Thiền ở giữa sự kỳ diệu; chúng ta là những nghệ sĩ không chuyên, chúng ta ngồi với sự thôi thúc sáng tạo, với cơn đói sáng tạo này, mà không cho nó một cách thức để nghỉ ngơi. Đôi khi, thay vì khao khát sáng tạo, chúng ta có thể cảm thấy tình yêu, thậm chí chúng ta có thể yêu một ai đó cụ thể; những lúc khác chúng ta có thể chỉ yêu, như ánh sáng chiếu tỏa. Nhưng nếu chúng ta không neo chặt và kỷ luật bản thân không cho phép những hình ảnh, ý tưởng và suy nghĩ nhai nát năng lượng này; thì chúng ta không thể mở lòng mình ở bất kỳ mức độ nào. Với lưng thẳng, chúng ta có thể buông bỏ mối bận tâm về thân thể. Điều đó cùng với trọng tâm thấp, chúng ta có thể đạt đến trạng thái mà sự chú ý của chúng ta hoàn toàn tự do.

 

Chúng ta có thể dễ dàng bị cuốn hút bởi sự kỳ lạ của việc thực hành tâm linh. Chẳng hạn, truyền thống Thiền Phật giáo có vẻ đẹp tuyệt vời, đặc biệt đối với người phương Tây lần đầu tiếp xúc với nó. Nó giống như một ly nước mát vào một ngày nóng nực. Lời của các vị Thiền sư thì mộc mạc, sáng tỏ; thiền đường có vẻ đẹp đơn giản tuyệt đối; áo choàng nhà sư và cái đầu cạo trọc có vẻ hấp dẫn; tư thế có dáng vẻ rất đường hoàng; việc tụng kinh biểu lộ ra như một sức mạnh và chúng ta rất dễ bị cuốn đi bởi những điều kỳ lạ, những cạm bẫy.

 

Tuy nhiên, chúng ta phải nhanh chóng vượt qua sự cuốn hút kỳ lạ; chúng ta không tham gia vào một hoạt động thần bí để đạt đến một tâm thức thần bí ở trên và thoát khỏi sự xung đột và ồn ào của cuộc sống hàng ngày. Tu tập thiền không phải là việc chúng ta thỉnh thoảng mới làm: Thiền và đời sống là không khác. Sự vận hành đang diễn ra ở tầm mức vũ trụ và chúng ta đang tham gia vào diễn tiến đó. Chúng ta không cố gắng chạy trốn khỏi thực tại; thực tại chính là bản chất sự thực hành của chúng ta. Đây là lý do tại sao việc thực hành thường biểu lộ như là một sự đau đớn và thống khổ, thậm chí là chết chóc và trì trệ. Hơn nữa, chúng ta không làm việc vì bản ngã. Một người đã thực sự làm việc không biết trả lời thế nào khi người khác hỏi, “Bạn làm điều này để làm gì?” Người ta bối rối trước loại câu hỏi này. Tại sao mặt trời lại chiếu sáng? Chừng nào chúng ta còn thấy mình bị cô lập và tách biệt, là một cái gì đó bên ngoài hoặc bên trong thế giới, câu hỏi “Tôi làm điều đó để làm gì?” có thể nảy sinh. Sự thật là thế giới và tôi là một; thế giới và tất cả những gì có thể phát sinh trong hoặc ngoài nó, mọi thiên đường và địa ngục đều không tách rời khỏi cái mà tôi có thể gọi là “mình.” Thực hành là việc nhận ra điều này; và như vậy, khi điều này báo hiệu sự kết thúc của mọi xung đột, tại sao chúng ta lại không muốn nhận ra nó? Nhưng sự thật không thể diễn tả bằng lời, dù chúng ta có cố gắng đến mấy.

 

Mặt khác, chúng ta phải cẩn thận với xu hướng phát ngôn trong các hội nhóm Thiền. Ngôn từ không thể truyền đạt sự thật, tuy nhiên chính nhờ lời nói mà chúng ta có thể nhận ra điều này. Trong tất cả những mâu thuẫn, ngôn ngữ có lẽ là mâu thuẫn lớn nhất. Bằng ngôn ngữ, chúng ta không chỉ muốn nói đến lời nói, mà là tất cả các loại ngôn ngữ: âm nhạc, hội họa, khiêu vũ, toán học - tất cả chúng đều giải phóng chúng ta theo cách riêng của chúng. Nhưng mọi ngôn ngữ theo cách riêng của nó cũng ràng buộc chúng ta.

 

Như Nisargadatta có lần đã nói: “Chỉ cần tha thiết và trung thực. Hình thức thực hành hầu như không phải là vấn đề.” Nếu tha thiết, chúng ta sẽ rất cẩn trọng để đảm bảo rằng sự thực hành của chúng ta không phải là một sự bồn chồn, đó không phải là làm điều gì đó chỉ để làm gì đó, để thoát khỏi cảm giác luẩn quẩn của sự thiếu thốn, lỡ dở, hay cảm giác hụt hẫng, thiếu đi điều gì đó là cốt tủy của sự sống. Nhưng mặt khác, nếu chúng ta tha thiết thì ta sẽ nhận ra rằng việc đó khó đến mức nào - cũng giống như nếu ta thành thật, ta biết rằng sự trung thực gần như là điều không thể. Người ta thường hỏi: “Sự cố gắng tu tập của tôi là để làm gì? Tôi không thể giữ tâm mình tĩnh lặng trong hai phút.” Một câu hỏi như thế này xuất phát từ việc thiếu sự tha thiết. Thánh Paul đã nói như được trích dẫn trước đó: “Tôi làm điều mình không muốn; và muốn điều mình không làm.” Ngài không nói: “Vậy thì mục đích của tất cả những điều đó là gì?” Những gì Ngài nói là biểu lộ của sự tha thiết, trung thực của Ngài. Khi chúng ta đã thấy tâm mình dao động, đến và đi, chất đầy mọi sự như thế nào: những suy nghĩ không liên quan, không cần thiết, tham lam, dục vọng, giận dữ nhưng chúng ta vẫn tiếp tục - đây là sự tha thiết và trung thực.

 

Người ta có thể nói rằng ngay cả lòng tham, ham muốn hay dục vọng không bị pha loãng bởi suy nghĩ và hành động - lòng tham thuần túy có trọng tâm - cũng có thể là nhiên liệu cho việc thực hành. Nhưng vấn đề là lòng tham, dục vọng luôn xuất phát từ xung đột và chia rẽ và thường gắn bó chặt chẽ với suy nghĩ và hình ảnh. Tuy nhiên, nếu chúng đi kèm với một niềm khao khát, một sự mong mỏi mà không có bất kỳ định kiến nào về điều chúng ta đang khao khát, thì ngay cả những cảm xúc này cuối cùng cũng trở nên thống nhất, chuyển hóa thành năng lượng và từ đó thúc đẩy thêm niềm khát khao. Đức Christ đã nói: “Phước thay cho những kẻ đói khát sự công chính.” Chỉ cần sống với cái đói khát, một cách mãnh liệt và chân thành – đó chính là sự thực hành.

 

Nhưng thường thì chúng ta không có sự xa xỉ của giận dữ, dục vọng hay lòng tham để thúc đẩy sự thực hành của mình; thay vào đó, chúng ta phải đối mặt với sự lặp lại vô tận, buồn tẻ, chán ngắt và tuyệt vọng khô khan. Làm sao điều này có thể có bất kỳ giá trị nào? Đã bao nhiêu lần chúng ta thắc mắc điều này trong quá trình tu tập, khi chúng ta đang vật lộn một cách máy móc với một công án, công án đó không còn trong tâm chúng ta nữa, và chúng ta thậm chí không còn chắc chắn công án đó là gì hay chúng ta phải làm gì với nó? Chúng ta phải làm việc như thế nào khi việc thực hành gần như đã dừng lại và chúng ta lạc vào miền viển vông, nóng và khô? Làm thế nào điều này có thể có bất kỳ giá trị nào?

 

Chúng ta cố gắng đánh giá sự thực hành theo cách mà chúng ta vẫn luôn đánh giá mọi việc, rằng liệu nó có khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu hay không; liệu nó có mang lại sự hài lòng, vui thích, thoải mái, hạnh phúc hay không; bằng việc xem xem nó có đang giúp ta duy trì nhân cách, cái mà chúng ta hay gọi là “làm giàu cá tính,” nhưng thường chỉ đơn giản là làm cho nó trở nên cồng kềnh và phồng lên. Chúng ta không thể đánh giá việc thực hành tâm linh theo cách này. Hầu hết những người rơi vào các trường hợp này đều bỏ cuộc. Nhưng nếu họ đã bị chích bởi con bọ khát khao, bởi nhu cầu được biết theo cách mà thế giới không thể biết, không thể chỉ dạy, thì họ không bao giờ có thể bỏ cuộc.

 

Một số người đạt ngộ ngay buổi nhiếp tâm đầu tiên của họ. Một số người có kinh nghiệm ngộ thậm chí chưa bao giờ tham dự một khóa nhiếp tâm. Những người khác thực hành trong nhiều năm. Điều đó không quan trọng. Tương tự như vậy, chúng ta không thể đánh giá sự thành công của một Trung tâm Thiền bằng số lượng thành viên, cũng như vậy chúng ta không thể đánh giá một trung tâm khác về tốc độ thức tỉnh. Tự cam kết với chính mình là đã thành công rồi; phần còn lại không quan trọng. Khi chúng ta đã nói có một cách sâu sắc thì không còn gì quan trọng nữa. Ngay cả khi chúng ta ngừng tu Thiền trong một thời gian, điều đó cũng không thành vấn đề vì sớm hay muộn chúng ta sẽ bắt đầu lại hoặc thực hành theo một hình thức rèn luyện khác. Cho đến lúc đó sẽ có điều gì đó khiến chúng ta khó chịu; chúng ta sẽ có cảm giác rằng mọi việc khác chúng ta làm đều không thích đáng; chúng ta sẽ cảm thấy như mình đang lãng phí thời gian. Nói có cũng giống như hạt giống đã nảy mầm; một lớp nhựa đường dày khoảng 1 foot có thể đang phủ trên đó, nhưng ngay cả như vậy hạt mầm cũng sẽ xuyên qua được.

 

Nhưng động lực này không đến từ ý chí cá nhân. Đây là lý do tại sao sự thực hành được thực hiện bất chấp sự phản đối của bản ngã mới là thực hành thực sự. Nhiều người, đặc biệt là khi họ mới bắt đầu, đều rất bối rối. Vào những năm sáu mươi, khi tôi mới bắt đầu thực hành, một số thành viên khác đã ngồi cả ngày lẫn đêm. Tôi đã từng nghĩ, “Chúa ơi, những người này thực sự đang làm việc chăm chỉ. Tôi không biết làm cách nào mình có thể làm được như vậy.” Nhưng nếu nhìn kỹ, bạn có thể thấy rằng khi những người này ngồi thiền, họ sẽ liếc mắt để xem liệu còn ai khác vẫn đang hành thiền hay không. Nếu không còn ai, họ sẽ bắt đầu bồn chồn và sẽ sớm rời khỏi thiền đường. Nhưng nếu có người vẫn còn ở đó thì họ sẽ lại tiếp tục như vậy, lưng thẳng, mắt cụp xuống, thở phù phù. Đây là ý chí cá nhân, một cuộc thi: ai tọa thiền nhiều nhất, lâu nhất, theo cách khó nhất.

 

Loại thực hành này không thể duy trì được. Ý chí đến từ sự tuyệt vọng hay khi chúng ta hoàn toàn thất vọng về mọi sự nhưng vẫn không chịu gục ngã và buông bỏ mới là ý chí sẽ đưa chúng ta vượt qua mọi trở ngại và rào cản trên Con Đường. Đây là lý do tại sao Thiền sư Bạch Ẩn nói rằng thực hành trong hoàn cảnh khó khăn có giá trị gấp trăm ngàn lần so với thực hành trên nệm và thảm thiền. Nếu trong những khoảnh khắc sự tuyệt vọng sâu sắc ập đến trong cuộc sống, khi chúng ta không biết phải làm gì tiếp theo, chúng ta ngồi xuống - thì đây là sự thực hành đích thực. Nisargadatta nói, “Thực hành tâm linh là khi ý chí được khẳng định và tái khẳng định. Ai không có lòng can đảm sẽ không chấp nhận cái là thật ngay cả khi nó đang hiển bày. Sự không sẵn sàng sinh ra từ nỗi sợ hãi là rào cản duy nhất.” Cái thật luôn đen, tối, không được biết và không khoan nhượng bởi vì thức tỉnh trước cái thật là cái chết của bản ngã. Nếu không có sự tha thiết và chân thành, chúng ta không bao giờ có thể băng qua được cái chết này.

Bài viết liên quan