SỰ MÊ HOẶC -  ANBERT LOW - HIỂU BIẾT CHÍNH MÌNH

SỰ MÊ HOẶC

 ANBERT LOW

HIỂU BIẾT CHÍNH MÌNH -

-những cuộc nói chuyện, câu chuyện, bài viết về Thiền’ - To Know Yourself, talks, stories and articles on Zen (1997)

Chuyển ngữ: Yên Bình

***

Chúng ta không phải là người hay vật giữa những người khác và những vật khác trong “thế giới.” Xu hướng nhìn “tôi,” “thế giới,” “người khác,” và “sự vật” của chúng ta như là những tồn tại tuyệt đối, độc lập xuất phát từ ảo tưởng gây ra bởi sự chia tách. Thật hữu ích khi nói về “tôi” và “thế giới” như khi chúng ta nói rằng hệ thống lưu trữ thì hữu ích,...
SỰ MÊ HOẶC -  ANBERT LOW - HIỂU BIẾT CHÍNH MÌNH

Chúng ta không phải là người hay vật giữa những người khác và những vật khác trong “thế giới.” Xu hướng nhìn “tôi,” “thế giới,” “người khác,” và “sự vật” của chúng ta như là những tồn tại tuyệt đối, độc lập xuất phát từ ảo tưởng gây ra bởi sự chia tách. Thật hữu ích khi nói về “tôi” và “thế giới” như khi chúng ta nói rằng hệ thống lưu trữ thì hữu ích, nhưng quan điểm này là có điều kiện; bản thân hệ thống lưu trữ không ảnh hưởng đến tài liệu được lưu trữ. Nó không làm thay đổi các chữ cái, thư từ, biểu mẫu hay hóa đơn theo bất kỳ cách nào. Nhưng trong cuộc sống, chúng ta có xu hướng coi trọng hệ thống hơn nội dung. Sự thực hành của chúng ta là một cách làm tan chảy cấu trúc này, để nhìn vào bản chất có điều kiện của “thế giới,” “tôi” và “Thượng Đế.”

Các vách ngăn, hàng rào, và những rào cản của cấu trúc này được biểu lộ bằng từ ngữ. Ngôn từ là sự sáng tạo tuyệt vời. Lời nguyên thủy đã tạo dựng lên toàn bộ vũ trụ mà chúng ta biết ngày nay. Người ta có thể nói rằng đã có hai sự sáng tạo: sự sáng tạo ra thế giới và sự sáng tạo thế giới như là Lời. Nhưng lời cũng có tính ràng buộc và những lời trói buộc cũng có những hạn chế. Tuy nhiên, khi xem xét các từ, chúng ta không nên chỉ tập trung vào tính chất ràng buộc, hạn chế và giới hạn mà còn phải chú ý đến khả năng giải phóng, sáng tạo và mở rộng của chúng. Chừng nào chúng ta còn nhìn lời nói và suy nghĩ theo cách tiêu cực thì chính điều này sẽ tạo ra sự chia rẽ của riêng nó.

Người ta có thể hỏi: “Nếu tôi, thế giới, những người khác và Thượng Đế chỉ là những ảo ảnh, thì làm sao tôi nhìn thấy thế giới? Làm sao tôi sinh ra và chắc chắn sẽ chết đi? Bạn nói rằng chúng ta không phải là những cá thể riêng biệt, rằng sự chia rẽ này là tạm thời, ảo tưởng; vậy tại sao tôi lại chắc chắn rằng tôi là một cá thể riêng biệt? Tại sao tôi lại cảm thấy mình là một ai đó, một cái gì đó, ở đâu đó?” Đây là những câu hỏi hay và cần thiết. Trọng tâm của việc thực hành tâm linh nằm trong những câu hỏi rất đơn giản này. Chúng ta không nên e ngại việc hỏi người khác và chính mình những câu hỏi đơn giản. Chúng ta không nên chỉ lặp đi lặp lại câu nói của người khác rằng, “Mọi thứ đều xuất phát từ lời nói và suy nghĩ,” chỉ vì những người mà chúng ta kính trọng đã nói những điều như vậy. Chúng ta phải tự mình chứng minh sự thật của điều này, tự mình kiểm chứng nó.

Bất cứ khi nào một người bạn tốt của tôi có cơ hội, cô ấy luôn hỏi tôi những câu hỏi mang tính triết lý và phức tạp nhất. Làm thế nào để giải quyết những câu hỏi như vậy? Tôi muốn phản hồi, muốn giúp đỡ cô ấy; nhưng trước những câu hỏi như vậy thì phải làm như thế nào? Một phản hồi súc tích với Thiền tính sẽ là bất lịch sự; nhưng ngay cả như vậy thì những gì cô ấy hỏi vẫn trượt xa khỏi trải nghiệm của cô ấy hay của bất kỳ ai đến nỗi tôi không thể sử dụng kinh nghiệm của chính mình để trả lời. Để được giúp đỡ, chúng ta phải đặt những câu hỏi đơn giản. Một câu chuyện được kể trong Thiền về một vị tăng sĩ trẻ đến gặp thầy mình và nói, “Trong Kinh Bát nhã ba la mật [một bản kinh căn bản được trì tụng ở nhiều thiền viện và ngôi chùa] có nói, Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, nhưng con có mũi, con có lưỡi, con có thân. Tại sao Kinh lại nói rằng không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý?” Câu hỏi đó là một câu hỏi hay nhưng dễ bị bỏ qua. Chúng ta sợ là kẻ ngây thơ, sơ cơ, người mới bắt đầu. Chúng ta sợ người ta nghĩ rằng chúng ta chưa đi bao xa trong việc tu tập. Nhưng sự tiến bộ thực sự sẽ đến khi chúng ta bắt đầu nhìn mọi thứ như thể đó là lần đầu tiên.

Hầu hết mọi người tin rằng họ là cơ thể. Nhưng tại sao? Chúng ta có một giác quan vận động tổng quát - một cảm giác chung về sự hiện hữu mà cơ thể tạo ra - và nhiều người tin rằng cảm giác hiện hữu cùng với cơ thể này là bằng chứng cho thấy đó chính là chúng ta.

Tuy nhiên, nếu xem xét điều này kỹ hơn một chút, chúng ta sẽ thấy rằng cảm giác mình là cơ thể này đến từ điều gì đó sâu sắc hơn nhiều. Nó xuất phát từ cảm giác rằng tôi phải là một cái gì đó. Về mặt logic, nếu tôi không là một cái gì đó thì tôi sẽ là không gì cả, và nếu tôi thực sự biết mình là không gì cả, tôi sẽ rơi vào hố sâu kinh hãi. Đi từ “Tôi phải là một cái gì đó” đến “Tôi là cơ thể mình” là một bước rất nhỏ.

Chúng ta bị mê hoặc bởi ý tưởng này: “Tôi là cơ thể.” Không chỉ ý tưởng này, mà bản thân cuộc sống cũng rất hấp dẫn. Ý tôi là gì? Nếu chúng ta đi xem một bộ phim, rất có thể chúng ta sẽ bị cuốn hút bởi nó. Chúng ta “dán” mắt vào màn hình. Chúng ta thích thú khi bị mê hoặc bởi vì nó giải phóng chúng ta theo một cách nào đó khỏi cảm giác khó chịu có tính ràng buộc, sự cọ xát liên tục của hai thứ với nhau, khỏi sự xích mích trong cuộc sống. Bất cứ ai từng tham dự một khóa nhiếp tâm đều biết rõ tôi muốn nói gì về cảm giác khó chịu có tính ràng buộc này, đặc biệt là vào một buổi chiều giữa khóa nhiếp tâm. Lúc này niềm đam mê đã trôi đi xa, rất xa; người ta hiếm khi bị mê hoặc bởi sự thực hành. Mặt khác, toàn bộ nền văn hóa và nền văn minh của chúng ta đều hướng tới việc tạo ra sự mê hoặc, sự thôi miên: những cuốn sách, những vở kịch, phim ảnh, và trên hết, truyền hình tạo ra một loại trạng thái thôi miên khi người ta hoàn toàn bị “nuốt chửng” bởi bối cảnh. Chúng ta dễ dàng bị mê hoặc bởi cả vẻ đẹp lẫn nỗi kinh hoàng của cuộc sống. Nhưng như thế, chúng ta đánh mất cảm giác về sự cân đối và trọn vẹn vốn là bản chất thực sự của chúng ta. Chúng ta nhìn thấy những con sóng trên mặt hồ và quên mất độ sâu lớn lao của nó.

Có thể nói rằng sự tu tập của chúng ta là để nhắc nhở bản thân về sự bao la này. Khi chúng ta tọa thiền, thỉnh thoảng chúng ta buông bỏ sự bám chấp trên bề mặt và trở nên nhận biết được khả năng vận hành của tâm ở nhiều cấp độ. Người ta phải có mặt để biết điều mà tôi muốn nói đến vì nó đòi hỏi sự nhạy cảm và tinh tế cao độ. Nó giống như một loại nước hoa hơn là một hình ảnh. Nhận thức theo cách này cũng mang lại sự giải thoát bởi vì người ta nhận ra rằng vô tận không phải là một điều trừu tượng, rằng vĩnh hằng không chỉ đơn giản là một từ, và rằng cái toàn thể không phải là một cái gì đó trong số những cái khác. Chỉ cần một thoáng nhìn, một cái nếm chạm, đó là tất cả những gì người ta cần để loại bỏ trong giây phút nỗi sợ hãi và thất vọng, cảm giác cuộc sống thật vô vọng và vô nghĩa; để thoát khỏi nỗi khổ đau bị xa lánh, bị đứng ngoài cuộc. Khi đó bạn biết rằng con người thực sự của bạn là không thể đo lường, thăm dò hay đánh giá bằng bất kỳ cách nào.

Những suy nghĩ chỉ là những gợn sóng trong tâm trí. Khi một người ra khỏi định sâu samadhi, người ta đi qua dải suy nghĩ này khi ấy chỉ như những gợn sóng lăn tăn; ở cấp độ này, khi một ý nghĩ xuất hiện, nó chỉ như một viên sỏi được thả xuống hồ: khi ý nghĩ lan ra, nó làm nhiễm ô cái tuyệt đối. Suy nghĩ là những vết nhơ. Nhìn thấy tính chất cấu nhiễm của ý nghĩ xoay quanh “tôi,” người ta thấy được giới hạn của nó. Chúng ta bị thu hút bởi suy nghĩ về cái “tôi” này đến nỗi chúng ta nghĩ rằng nó ở khắp mọi nơi và trong mọi thứ. Như thể chúng ta đeo cặp kính hồng - mọi thứ đều có màu hồng. Tương tự như vậy, khi chúng ta nhìn qua cái “tôi,” mọi thứ đều bị ô nhiễm bởi cái “tôi.” Sự thực hành của chúng ta làm tan biến vết nhơ này bằng cách thấy rằng nó có những ranh giới, những giới hạn.

Chúng ta không nên nhầm lẫn Thiền với chủ nghĩa thần bí, cũng không nên nghĩ nó là lời cầu khẩn đến các thế lực thánh thần, huyền bí hay có những phép thần thông. Không phải như vậy. Điều này không có nghĩa là sự hiện diện của cái “tôi” hay “tôi” tự nó không phải là một phép lạ, rằng việc nhìn thấy không phải là một dạng màu nhiệm. Tôi là một phép lạ, nhìn thấy là một phép màu, nhưng không có phép lạ nào ngoài phép lạ của sự hiện hữu. Đây là lý do tại sao người ta nói rằng tâm hằng ngày là con đường. Đây là lý do tại sao chúng ta thực hành ngay trong chính bản thân mọi sự. Chúng ta không cần phải là một loại người đặc biệt mới có thể thực hành.

Khi những gợn sóng trong tâm trí lặng xuống, chúng ta biết được chính thực tại chứ không phải sự phản chiếu của nó. Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn thận. Đôi khi trong lúc ngồi, chúng ta có thể tuột dây neo và buông bỏ nhưng thực ra là ta đã bị chơi khăm. Chúng ta trượt khỏi kỷ luật đặt câu hỏi, vốn là sự thực hành của chúng ta. Khi đó chúng ta có thể trôi vào một trạng thái tâm trí phẳng lặng mà tâm trí phản chiếu chính nó. Các loại thực hành khác khuyến khích sự phẳng lặng này, nhưng theo quan điểm của thực hành Thiền, đây là một ngõ cụt cần phải tránh bằng mọi giá. Chúng ta phải tránh sự phẳng lặng này của tâm trí. Thật không may, vì chúng ta quá bị dày vò, chúng ta có quá nhiều nỗi thống khổ trong cuộc sống, nên khi đối mặt với trạng thái này, ta thấy nó quá đẹp, quá đỗi ngọt ngào đến nỗi chúng ta muốn nán lại. Nhưng trạng thái tâm phẳng lặng này có thể dễ dàng trở thành ma quỷ, nó đưa cho chúng ta một cái nhìn “đảo ngược” về sự thật có thể gây ra nỗi kinh hoàng về sự trống rỗng - nỗi kinh hoàng của việc bị tâm trí của chính mình nuốt chửng.

Hãy đi tới tận gốc rễ của vấn đề. Trọng tâm của vấn đề nằm ở tính chất cứng chắc như đá của tâm trí. Tính chất này thường xuất phát từ sự lo lắng, khó chịu hoặc không thoải mái. Tâm trí không thoải mái với chính nó hoặc với thế giới. Nhưng ngay chính giữa sự khó chịu đó, một vết nứt mở ra. Chính nhờ vết nứt này mà bạn phải tiếp tục. Điều này không có nghĩa là bạn phải làm cho mình cảm thấy khó chịu. Xin hãy hiểu điều này. Chúng ta không phải là những nhà khổ hạnh. Ý tưởng không phải là đánh đập bản thân, làm tổn thương bản thân hay bất cứ điều gì tương tự. Chỉ cần kiên nhẫn, cuộc sống sẽ mang đến cho bạn mọi loại đau khổ mà bạn cần phải xử lý.

Chúng ta hỏi “Tôi là ai?” và trước sự bao la của thế giới, chúng ta thấy mình chỉ như là “những bóng ma trong cỗ máy.” Nhưng khi chúng ta buông bỏ thế giới như một cái gì đó rộng lớn, và xem xét điều gì xảy ra khi chúng ta nghe thấy một tiếng chim hót hay cảm nhận chiếc đệm đang ép vào chân mình hay khi nhìn vào bức tường - nếu chúng ta làm điều này mà không có bất kỳ tiền giả định, định nghĩa hay cấu trúc khái niệm nào, và chúng ta làm việc với sự đơn giản của cảm giác - chúng ta thấy rằng không có sự đến cùng nhau giữa tâm và vật chất, giữa cái thấy “thế giới” “của tôi” hay sự nghe thấy “tiếng chim” “của tôi.” Không hề có tâm. Chẳng hề có vật chất. Chúng ta chẳng thể nói đó là gì. Cũng là quá nhiều khi gọi đó là một thứ gì. Thực tại lấp đầy mọi thứ. Nó là không thể lĩnh hội trong sự toàn khắp của chính nó.

Một số người muốn nói rằng vật chất có tồn tại nhưng tâm thì không; những người khác cho rằng tâm tồn tại mà không có vật chất. Những người khác nói rằng người thấy và cái được thấy là một. Nhưng tất cả những điều này đều xuất phát từ việc suy nghĩ về vấn đề chứ không đi đến chính trải nghiệm. Hình ảnh ẩn dụ về tấm gương hiện lên trong tâm. Tấm gương không phải là sự phản chiếu, sự phản chiếu không phải là tấm gương. Chúng là hai, nhưng không thể tách rời. Tương tự như vậy, tâm và vật chất là hai nhưng không thể tách rời. Đây là lý do tại sao Phật giáo nói không có tâm (anatman), không có vật chất (anicca).

Đức giáo hoàng đã nói rằng Phật giáo quá thụ động và dựa quá nhiều vào sự xả ly. Một phong trào kêu gọi Phật tử tích cực hoạt động xã hội đã xuất hiện cách đây không lâu. Điều này dường như là một sự thiếu hiểu biết về sự xả ly, mặt khác là sự thiếu niềm tin, bởi vì nếu Phật giáo không tích cực hướng đến xã hội thì Phật giáo là gì? Nhưng liệu chúng ta có thể ra ngoài và giúp đỡ cho những đau khổ của người khác trước khi chúng ta loại bỏ được ảo tưởng về sự chia tách khỏi trái tim mình không? Nếu làm vậy, chẳng phải sự giúp đỡ của chúng ta sẽ trở thành một hình thức mê hoặc khác hay sao? Xét cho cùng, việc muốn giúp đỡ người khác có thể xuất phát từ ý thức thực sự về tính nhất thể giữa mọi sự và vạn vật; nhưng ở một mức độ khác thì đó có thể chỉ là sự yếu đuối, sự không sẵn sàng đối diện với những vấn đề thực sự. Nơi duy nhất chúng ta có thể bắt đầu giúp đỡ người khác là giúp đỡ chính mình. Có một vị đạo sư Tây Tạng rất nổi tiếng, Milarepa, người đã cấm các đệ tử của mình ra ngoài và giúp đỡ người khác. Ngài nói: “Chỉ khi con có thể giúp đỡ người khác mà không có chút vị kỷ nào thì sự giúp đỡ của con mới có thể có chút ý nghĩa hơn là một cái kết trong thảm họa.”

Một số người, do rèn luyện, do nghiệp, do tính khí và do bản chất (chẳng hạn như bác sĩ, nhà tâm lý học, luật sư), thấy mình ở trong những tình huống mà họ có thể làm điều gì đó để cải thiện nỗi đau khổ của thế giới. Chúng ta không nói rằng họ nên dừng lại. Điều chúng ta đang nói đến là triết lý sống giúp đỡ người khác, một yêu cầu tôn giáo để làm như vậy. Đây là điều thật tai hại, niềm tin rằng chúng ta phải can thiệp vào cuộc sống của người khác bởi vì chúng ta là Phật tử hay tín đồ Thiên chúa giáo hay bất cứ điều gì. Chẳng phải vô cớ mà người ta lại có câu nói “lạnh lùng như nhà từ thiện.”

Khi ai đó trượt chân, chúng ta tự nhiên đưa tay ra kéo lấy họ. Khi ai đó đến với chúng ta trong nỗi tuyệt vọng, chúng ta không thể không dang tay ôm lấy người đó. Chúng ta không cần phải là Phật tử hay Cơ-đốc nhân thì mới dấn thân để làm như vậy. Lời nguyện đầu tiên của người tu Thiền là tu tập để cứu độ tất cả chúng sinh. Nhưng, như Đức Phật đã nói, chúng ta chỉ có thể làm được điều này khi thấy không có chúng sinh nào để cứu độ, và không có đạo Phật nào thúc giục chúng ta cứu độ họ. Điều này đòi hỏi sự tách rời, nhận ra rằng tấm gương không phải là sự phản chiếu, rằng bản chất sâu xa của bất kỳ ai trong chúng ta là không hề khác biệt, dù đó là bạn, tôi, Đức Phật, Chúa Kitô, hay bất cứ ai.

Chúng ta sẽ loại bỏ chiến tranh trên thế giới này chỉ bằng một cách là mỗi người chúng ta loại bỏ chiến tranh trong trái tim mình. Con người không xấu xa; thực chất, không ai trong chúng ta là kẻ ác. Chúng ta đang bị dằn vặt, dày vò bởi chính mình. Nhất thể quay lưng lại với chính nó. Việc quay lưng lại với chính nó là lực sản sinh hay lực sáng tạo. Nhưng nó cũng là nguồn gốc của sự hủy diệt và bạo lực, bạo lực thường chặn đứng sự sáng tạo. Những sức mạnh ảnh hưởng lên một người là quá lớn, quá xung đột, quá đối lập với nhau, đến nỗi quá trình đoàn kết và sáng tạo thông thường bị lấn át. Thay vào chỗ của sự sáng tạo là một tiếng kêu, một nhu cầu tuyệt vọng để thiết lập một điều gì đó đáng tin cậy, vững chắc, có thể nương tựa; và từ tiếng kêu đó đôi khi xuất hiện một nắm đấm, nỗ lực để tạo ra một thứ gì đó ổn định.

Vượt trên cuộc chiến này, trong đó nhất thể quay lại với chính nó, là hòa bình. Có người nói: “Bình yên và tĩnh lặng là thân thể của tôi.” Người đó không có ý nói rằng thịt, xương và cơ bắp này là sự bình yên và tĩnh lặng, mà “sự bình yên và tĩnh lặng,” đó là thân thể của tôi. Điều này đúng với mỗi người chúng ta: bình yên và tĩnh lặng là thân thể của chúng ta. Mọi thứ đều được duy trì bởi bình yên và tĩnh lặng. Mọi thứ đều có thể được duy trì bằng tình yêu, nếu bạn muốn.

Người ta có thể nói rằng người ta có cuộc đời để sống; những vấn đề, sự thất vọng và đau khổ của nó đều rất thực. Làm thế nào để một người đối phó với điều này? Làm thế nào người ta có thể thoát khỏi những vấn đề? Nhưng những vấn đề của chúng ta đều xuất phát từ hoàn cảnh, và câu hỏi thực sự là “Làm thế nào người ta có thể bước ra khỏi toàn bộ hoàn cảnh?” chứ không phải “Làm thế nào người ta có thể xê dịch tình hình, xoay lại phần đang chống lại một phần khác của chính nó?” Tất cả những gì người ta làm là chuyển từ vấn đề này sang vấn đề khác. Có lẽ bạn đã thoát khỏi một việc cụ thể nào đó và nó không còn là vấn đề đối với bạn nữa; nhưng lạ thay, khi giải quyết cái này bạn đã tạo ra một cái khác. Đôi khi, nhìn bề ngoài, vấn đề mới này không liên quan đến vấn đề trước đó đến mức không hiển nhiên rằng nó là kết quả trực tiếp của việc giải quyết vấn đề đầu tiên. Nhưng nhìn kỹ vào nó một chút và bạn sẽ thường thấy nó là như vậy.

Đây là lý do tại sao chúng ta nói rằng sự thực hành của chúng ta là vấn đề về trí thông minh. Khi làm việc bạn phải làm việc một cách thông minh. Bạn phải sử dụng cùng sức mạnh mà bạn dùng tới nếu bạn là thợ sửa ống nước, bà nội trợ, bác sĩ hay nhà văn; sức mạnh mà bạn sử dụng để giải quyết những tình huống này cũng chính là sức mạnh mà bạn sử dụng trong quá trình tu tập của mình. Sự khác biệt là bây giờ bạn đang giải phóng năng lực đó khỏi những hình thức thông thường. Thông thường khi một người sử dụng năng lực này, nó sẽ được giải quyết theo một cách cụ thể, trong một giới hạn cụ thể và theo một hình thức cụ thể. Thay vì cố gắng tìm một phương tiện thích hợp nào đó cho sức mạnh này, hãy nhìn vào bản chất của chính sức mạnh đó. Như Đạo Nguyên sẽ nói, “Hãy nghĩ đến điều không thể nghĩ bàn!”

Đã bao lần người ta hỏi, “Tại sao điều này lại xảy ra với tôi? Tại sao tôi lại gặp phải tất cả những vấn đề của thế giới? Tôi đã làm gì nào? Tôi phải làm gì để thoát khỏi tất cả những điều này?” Họ có cảm giác rằng những gì đang xảy ra với họ là một tai nạn và nó không thể, thực sự là, không nên xảy ra. Nhưng có phải vậy không! Điều người ta đối mặt chính là điều người ta cần đối mặt! Chừng nào người ta còn tin rằng mình đang ở trong cơ thể thì sớm hay muộn điều không thể khắc phục được sẽ tự xuất hiện, thậm chí như là một căn bệnh nan y.

Có người nói, “Chúng ta tìm kiếm cái thực bởi vì chúng ta không hài lòng với cái không thực.” Chúng ta không hài lòng với những điều không thực bởi vì chúng ta là thực. Cái thực là bản chất thật của chúng ta. Chúng ta không thể biết thực tại - chừng nào chúng ta còn cố gắng để biết, nhìn hay nắm bắt thực tại thì chúng ta vẫn tiếp tục quay trở lại vòng lặp. Nhưng chúng ta phải tự mình nhìn thấy sự thật này. Khi chúng ta đi đến sự thật rằng chúng ta không thể biết được thực tại, nó sẽ đến với chúng ta không phải như một sự phủ nhận mà là một sự khẳng định hoàn toàn, một sự giải phóng hoàn toàn. Cho đến khi ấy, người ta cứ tiếp tục quay lại vòng lặp.

Người ta tự nhủ: “Tôi là một cái gì đó”: một người đàn ông, một người phụ nữ, một người mẹ, một người cha, một người tốt, một người thông minh, v.v. Nhưng cái “tôi là cái gì đó” này tự nó là một sự thứ phát. Nó xuất phát từ cái mà người ta có thể gọi là nhận thức/ hiện hữu hoặc nhận biết đơn thuần. Đây là trạng thái thực sự của chúng ta, và việc buông bỏ niềm tin chúng ta là một cái gì đó là bản chất của sự thực hành. Đây là lý do vì sao chúng tôi đã nhiều lần nói rằng sự thực hành của chúng ta là một quá trình. Một quá trình trong đó sự thực hành ngày càng trở nên vi tế hơn. Đây là lý do tại sao chúng ta phải tiếp tục trải qua những thời kỳ khô hạn kéo dài, không phản kháng, không cố gắng biện minh, không muốn nó chấm dứt - chỉ cần hiện diện với nó. Hít nó vào, thở nó ra. Hoàn toàn hiện diện, hoàn toàn tỉnh giác. Ngay cả khi có cảm giác điều gì đó đang gào thét bên trong bạn, chỉ đơn giản để nó hét lên. Hãy tiếp tục. Ngay cả khi điều này đột nhiên nhường chỗ và cảm giác phúc lành xuất hiện, hãy cứ tiếp tục.

-----------------

Trong mỗi người đều có sức mạnh thánh thiêng tồn tại ở trạng thái tiềm ẩn. . . . Sức mạnh duy nhất này phân chia bên trên và bên dưới, tự phát sinh, tự phát triển, tìm kiếm chính nó, tìm thấy chính nó, là mẹ của chính nó, là cha của chính nó, là chị của chính nó, là vợ/ chồng của chính nó, con gái của chính nó, con trai của chính nó - mẹ, cha, nhất thể, hiện hữu, nguồn gốc của toàn bộ vòng sanh tử luân hồi.

----------Tứ Tổ Đạo Tín--------

 

Bài viết liên quan