SỰ TĨNH LẶNG LẠ THƯỜNG TRƯỚC MỘT CÚ SÚT LUÂN LƯU - TRÍ TUỆ CỦA SỰ TỪ BI - ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA & VICTOR CHAN

SỰ TĨNH LẶNG LẠ THƯỜNG TRƯỚC MỘT CÚ SÚT LUÂN LƯU

TRÍ TUỆ CỦA SỰ TỪ BI

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA & VICTOR CHAN

---o0o---

“Sự chú tâm vào kết quả ta mong muốn, sự chú tâm vào việc “Tôi phải hoàn thành – kiểu chú tâm như vậy lúc đó sẽ bị loại trừ hoàn toàn”, Tolle nói tiếp. “Có một sự chuyển hướng chú ý vào tầng sâu hơn, vào chính thời khắc đó. Tôi tin đấy chính là nền tảng của quá trình sáng tạo: một sự chuyển hướng chú ý vào bên trong.
SỰ TĨNH LẶNG LẠ THƯỜNG TRƯỚC MỘT CÚ SÚT LUÂN LƯU - TRÍ TUỆ CỦA SỰ TỪ BI - ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA & VICTOR CHAN

Murray Gell-Mann đã kỉ niệm sinh nhật lần thứ 80 của mình hai tuần trước. Vận vest xám và sơ mi màu ngọc lam, ông ngồi hơi khom trên mép ghế bành da màu đen bên cạnh Đức Đạt Lai Lạt Ma trên sân khấu. Mái tóc xoăn, trắng như tuyết ôm sát đầu ông hệt như một chiếc mũ bảo hiểm vừa khít.

“Giám tuyển bảo tàng tuyệt vời Kirk Varnedoe" cũng là một cầu thủ bóng bầu dục hăng say”, ông nói với Đức Đạt Lai Lạt Ma bằng một giọng nam trung đậm chất, mắt ánh lên tia lấp lánh đặc trưng thường thấy nơi ông. “Anh ấy từng so sánh nghệ thuật hiện đại với việc phát minh ra bộ môn bóng bầu dục. Trò chơi này được khai sinh vào một ngày đầu thế kỉ XIX tại Trường Trung học Rugby ở đảo Anh”.

Ngài Ken Robinson, ngồi bên trái Gell-Mann, bỗng trở nên tươi tỉnh. Ông đã là giáo sư giảng dạy giáo dục nghệ thuật suốt 12 năm tại Đại học Warwick, Anh, cách thị trấn Rugby không xa. Ông có vẻ thích thú khi nghe Gell-Mann, một nhà vật lí nổi tiếng thế giới, đề cập đến sự khai sinh môn bóng bầu dục trong cuộc đối thoại về hoạt động sáng tạo với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Eckhart Tolle, đạo sư tâm linh kiêm tác gia, đang ngồi cạnh phiên dịch viên của Đức Đạt Lai Lạt Ma, mỉm cười.

Gell-Mann nói tiếp, “Một cầu thủ bóng đá đã quyết định cầm quả bóng lên thay vì đá nó... một sự coi thường luật lệ, và môn bóng bầu dục đã ra đời từ đó. Varnedoe đã chỉ ra rằng trong nghệ thuật hiện đại, bạn không bị luật dẫn dắt, mà bạn dẫn dắt luật, và đó là một phương diện của tư duy sáng tạo”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma hơi khó nắm bắt mạch chuyện. Có lẽ Ngài hơi bối rối với những cái tên hay từ ngữ có phần lạ lẫm như “Varnedoe” và “bóng bầu dục”; có lẽ Ngài chưa bao giờ nghe tới trò chơi này trước đây. Phiên dịch viên lâu năm của Ngài, Thupten Jinpa, đang ngồi cạnh, nhẹ nhàng giải thích.

Gell-Mann không bao giờ ngừng làm ta ngạc nhiên. Ông đến đây, tại Vancouver năm 2009, đề cập đến Varnedoe, một nhà sử học nghệ thuật đã qua đời và không hẳn là một cái tên ai ai cũng biết, trong một sự kiện công khai với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Rồi đồng thời, ông lại liên kết cái giai thoại khó kiểm chứng về sự khai sinh môn bóng bầu dục với một yếu tố của hoạt động sáng tạo. Tôi đã gặp nhà vật lí tiếng tăm này một vài lần và luôn ngưỡng mộ khối kiến thức bách khoa của ông, không chỉ về khoa học mà còn về nghệ thuật, triết học, chính trị và tôn giáo nữa.

Gell-Mann đã nổi bật trong lĩnh vực vật lí hạt từ giữa những năm 1950, khi ông chỉ vừa đang tuổi đôi mươi. Ông đã được trao Giải Nobel Vật lí năm 1969 cho công trình nghiên cứu về hạt cơ bản. Một trong những đồng nghiệp nhận xét rằng Gell-Mann không chỉ nổi tiếng vì năng lực của mình trong lãnh vực vật lí, mà ông còn xuất sắc toàn diện đến nỗi khi ông quyết định hiến mình cho ngành khoa học này, ông đã trở thành một hiện tượng chấn động toàn cầu. Đầu thập niên 1980, ông và một vài nhà khoa học có sức ảnh hưởng đã sáng lập Viện Santa Fe, tập hợp nguồn nhân lực trí tuệ đa dạng và hùng mạnh bậc nhất Hoa Kì về chung một mái nhà. Ông đã là chủ tịch đầu tiên của viện này và là “nhiếp chính vương” của viện kể từ đó.

Đức Đạt Lai Lạt Ma, đã hiểu ra mối liên kết giữa bóng bầu dục và hoạt động sáng tạo, giờ đang nhìn Gell-Mann đầy mong đợi. Nhà vật lí không khép lại vòng suy tưởng của mình. Rõ ràng là ông đang hết sức thích thú khi thử làm rõ nghĩa của hoạt động sáng tạo – một chủ đề nữa trong vô số chủ đề mà ông rất mực quan tâm – trước sự có mặt của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

“Trong khoa học lí thuyết, ngành mà gần như tôi đã làm suốt cả đời mình, hầu hết những người thách thức sự chính thống của khoa học đều không đúng”, ông nói với Đức Đạt Lai Lạt Ma. “Nhiều người trong số họ rất quái gở.

Nhưng thỉnh thoảng, sự chính thống của khoa học cũng sai, và người ta phải thách thức nó. Chuyện đó không dễ, việc đi ngược với quy ước ấy. Bài viết của ta sẽ không được xuất bản, ta sẽ không kiếm được việc làm. Nhưng đôi khi ta phải làm chuyện đó thôi. Ta phải thách thức sự chính thống”.

Đôi lông mày rậm, bạc trắng gần hết của Gell-Mann chuyển động đồng thời với những nếp nhăn sâu trên trán ông. Khuôn mặt trìu mến ấm áp và giàu biểu cảm của ông trông trẻ hơn tuổi thực ít nhất cũng 10 năm – bằng chứng cho thấy sinh lực trí tuệ của ông hẵng còn rất dồi dào.

“Nhưng bằng cách nào ta có thể bắt được ý tưởng về điều cần thách thức kia?”, Gell-Mann nối tiếp mạch suy nghĩ của mình. “Chà, nó trồi lên từ phần tiềm ẩn nào đó trong tâm trí con người. Có một số giai đoạn để nó xảy ra. Ai cũng đồng ý rằng nếu ta có một vấn đề, một mâu thuẫn nào đó, ta sẽ phải trăn trở và cố gắng giải quyết nó. Sau một thời gian dấn xa hơn vào tư duy có ý thức mà chẳng có tác dụng gì, ở đâu đó khuất tầm nhìn, trong một phần sâu hơn nào đó của tâm trí, việc tìm kiếm giải pháp này vẫn tiếp diễn. Rồi một ngày, trong khi đang nấu ăn hay cạo râu hoặc chạy bộ, hoặc đôi khi là cắn nhầm vào lưỡi, câu trả lời kia có thể đến với ta”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma nghiêng người về phía Gell-Mann, cố hiểu điều nhà vật lí đang nói. “Chính cái phần sâu hơn trong tâm trí con người đó chừng như có liên quan với cuộc tìm kiếm cách để giáo dục tâm thức”, Gell-Mann nói.

Có vẻ như Gell-Mann không tự tin lắm ở điểm này, điều không thường thấy ở ông. Ông do dự và lời lẽ của ông có hơi vấp. Ông đang mạo hiểm dấn vào một lĩnh vực mình không biết chắc. “Cuộc tìm kiếm lòng từ bi này là điều gì đó, ít nhất cũng là thỉnh thoảng, có liên quan với những phần sâu xa trong tâm trí con người, vốn nằm ngoài sự nhận biết có ý thức. Vậy nên, có thể có một mối quan hệ giữa một bên là tư duy sáng tạo trong nghệ thuật, khoa học với bên còn lại là cuộc tìm kiếm lòng từ bi, sự tha thứ”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma hội ý ngắn gọn với phiên dịch viên bằng tiếng Tạng. Ngài đang ngồi xếp bằng trên ghế bành. Tư thế của Ngài không quá trang trọng. Lưng Ngài hơi khom và Ngài hơi cúi tới trước để hai khuỷu tay và cánh tay tựa lên hai đùi. Hệt như thể, bằng cách hướng mình về trước như vậy, Ngài có thể tiếp thu cuộc trò chuyện được nhiều hơn. Nhưng tôi có thể cảm thấy là năng lượng của Đức Đạt Lai Lạt Ma đang sụt giảm. Ngài vừa trải qua một vài ngày vắt kiệt sức ở Los Angeles và đã từ đó đến thẳng đây.

“Với tôi thì dường như hoạt động sáng tạo liên quan tới trí thông minh nhiều hơn”, Đức Đạt Lai Lạt Ma ướm lời. “Dù tôi nghĩ nhiều loài động vật có vú khác cũng có trí thông minh ở chừng mực nào đó – một mức hoạt động sáng tạo nhất định, nhưng so với con người thì ít, ít hơn nhiều. Tại sao ư? Tôi cho là vì trí thông minh”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma gãi gãi cánh mũi bên phải bằng ngón trỏ của mình. Ngài trầm ngâm suy nghĩ. Tôi có thể thấy là Ngài đang gắng sức đưa ra một phản hồi hợp lí.

Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục, “Hoạt động sáng tạo là hoạt động tạo ra những cái mới. Thế nên chủ yếu nó liên

quan tới trí thông minh. Lòng từ bi thì chủ yếu liên quan tới... Tôi không tìm được từ. Tiếng Tạng là...”, Ngài nói cho phiên dịch viên từ mà Ngài đang tìm kiếm. “Những phẩm chất của lòng từ bi thường liên quan đến tâm, nhưng các phẩm chất đó có xu hướng biểu lộ dưới dạng một ước muốn, một ý định nhiều hơn”, Jinpa chuyển lời. Đức Đạt Lai Lạt Ma chăm chú lắng nghe lời chuyển dịch; Ngài muốn chắc chắn là ý mình muốn nói được truyền đạt một cách chính xác.

Ngài nói tiếp bằng tiếng Anh, “Lòng từ bi thường liên đến một ước muốn, một ý định. Nhưng tôi nghĩ, mối liên hệ của nó với hoạt động sáng tạo thì lại khác. Đó không phải kiểu liên hệ trực tiếp. Nghĩa là tôi cảm thấy...”. Có vẻ ngay lúc ấy, một suy nghĩ khác chợt đến trong Ngài và Ngài chuyển hướng tiếp cận của mình. “Nói về hoạt động sáng tạo nhé. Sáng tạo thì cũng có loại thực tiễn và loại không thực tiễn. Trong hầu hết các trường hợp, những thứ không thực tiễn thường có tính tiêu cực, phá hoại, còn những thứ thực tiễn thì thường có tính tích cực, cụ thể hơn. Ý tôi, tích cực và cụ thể hơn nghĩa là nếu ta muốn điều gì đó, ngay cả là muốn làm hại ai đó, thì phương pháp để làm vậy cũng nên có tính thực tiễn. Theo cách này, ta sẽ đạt hiệu quả lớn hơn.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn luôn chú trọng phát huy lối tiếp cận mang tính thực tiễn vào cuộc sống, vào sự tương tác của chúng ta với những người xung quanh. Ngài nghĩ rằng việc nhìn thấy thực tại một cách chính xác và điềm nhiên sẽ góp phần vào cảm thức an lạc trong chúng ta. Đó chính là liều thuốc giải hữu ích cho những suy nghĩ méo mó.

“Vậy cho nên, để phát huy một lối tiếp cận mang tính thực tiễn, chúng ta phải biết về thực tại một cách đầy đủ”, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. “Để biết về thực tại một cách đầy đủ, một thái độ khách quan là tối cần thiết. Vì lẽ đó mà tâm trí bình an là quan trọng. Với tâm trí bình an, lòng từ bi sẽ phát khởi. Lòng từ bi mở rộng tâm trí chúng ta, cho chúng ta cách nhìn khoáng đạt hơn. Với tâm trí từ bi, ta có thể thấy thực tại một cách sáng tỏ hơn. Với quá nhiều xúc cảm, ta không thể thấy được thực tại. Hoạt động sáng tạo chủ yếu được kết hợp với trí thông minh. Lòng từ bi lại chủ yếu gắn liền với tấm lòng ấm áp, nên tôi nghĩ chúng là hai thứ riêng biệt”.

Ngài dừng một thoáng rồi nói tiếp, “Nhưng thực lòng thì tôi cũng không biết”. Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng nói lần nữa và với lấy tay nải của mình dưới bàn trước mặt. Ngài bắt đầu lục tìm gì đó với vẻ tập trung cao độ. Việc này diễn ra trong một lúc, nhưng Ngài dường như vẫn chưa tìm được thứ mình muốn tìm.

Eckhart Tolle, đang ngồi bên trái Đức Đạt Lai Lạt Ma, hắng giọng. Có vẻ ông đang đánh thức mình từ một trạng thái bán thiền định. Trong phần lớn thời gian của cuộc trao đổi, ông đã ngồi yên trên ghế bành với đôi mắt khép hờ và hai tay đan nhau trước bụng.

Ông mở to đôi mắt màu xanh xám và nói với Đức Đạt Lai Lạt Ma, “Chúng ta đã bắt đầu bằng việc nói về sự khai sinh ra môn bóng bầu dục”. Giọng ông êm ái, đều đều, hơi nữ tính và có thổ âm Đức. “Khi nghe chuyện ấy, tôi sực nhớ đến một mẩu tin mà tôi đã nghe một vài ngày trước trên BBC, kênh tin tức ưa thích của tôi, và tôi tin cũng là kênh ưa thích của Đức Ngài”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngưng việc lục tìm đồ và mỉm cười ấm áp với Tolle. Một nụ cười tuyệt diệu. Mới khoảnh khắc trước, Ngài còn đang mải tìm kiếm gì đó trong tay nải màu nâu đỏ của mình, thế mà khoảnh khắc liền sau đó, Ngài đã nở một nụ cười thân thiện thuần khiết với Tolle rồi.

Đây là lần đầu tiên tác gia người Đức và nhà lãnh đạo Tây Tạng gặp nhau. Tôi khá chắc là Đức Đạt Lai Lạt Ma không hề biết gì về tầm ảnh hưởng rộng lớn của Tolle với hàng triệu người tìm kiếm tâm linh khắp thế giới. Hai cuốn sách in mốc son lên đời ông, The Power of Now() và A New Earth”), đều nằm trong danh sách bán chạy nhất của New York Times và đã được dịch sang gần 40 thứ tiếng. Các hội thảo chuyên đề trực tuyến của ông với Oprah Winfrey đã có hơn 35 triệu người khắp thế giới theo dõi.

“Mẩu tin của BBC ấy nói về bóng đá... môn đá bóng ấy”, Tolle nói tiếp. “Các nhà nghiên cứu đã xem xét một hiện tượng trong bóng đá, được gọi là sút luân lưu. Tôi đã chẳng xem một trận bóng nào trong khoảng 20 năm rồi, nên tôi chỉ có một hồi ức mơ hồ”. Giọng Tolle thật mê hoặc. Trầm lắng, rất thong thả và thân thiện. Những quãng dừng dài giữa các câu như thôi miên vậy. Một số người nghe có thể thấy nó quá êm dịu, thậm chí gây buồn ngủ nữa. “Đó thường là thời khắc quyết định trong một trận đấu, và cầu thủ thường phải gánh một áp lực khổng lồ ở thời khắc đó, mọi thứ đều phụ thuộc vào cú sút đó, đôi khi là cả một quốc gia đang dõi theo chân sút đó”.

Tolle dừng một lúc lâu trước khi nói tiếp, “Vì vậy, nó có một tầm quan trọng lạ thường, không phải trên quy mô diện rộng, mà trên một quy mô các mối liên hệ”.

Jinpa ghé sát Đức Đạt Lai Lạt Ma và thì thầm giải thích những luật phức tạp của loạt sút luân lưu với Ngài.

Tolle nói, “Các nhà nghiên cứu đã khảo sát những thứ diễn ra khi trọng tài thổi còi. Những cầu thủ không dừng lại một chút mà sút ngay sau tiếng còi của trọng tài, thường ít có khả năng ghi bàn hơn những cầu thủ mà khi tiếng còi cất lên, họ không sút ngay... Họ sẽ trở nên tĩnh lặng, trong 3, 4, 5 giây, thậm chí hơn nữa. Và cuối cùng, khi họ tung chân sút, khả năng họ ghi bàn lớn hơn vô cùng so với những cầu thủ không chậm lại một đôi giây”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma cuối cùng cũng đã tìm được món mà Ngài đang tìm: chiếc mũ lưỡi trai màu cam. Ngài chỉnh lại độ rộng của mũ bằng phần băng dính gai và đội nó lên để che bớt những luồng sáng gắt trên sân khấu đang chiếu vào mắt.

“Sự chú tâm vào kết quả ta mong muốn, sự chú tâm vào việc “Tôi phải hoàn thành – kiểu chú tâm như vậy lúc đó sẽ bị loại trừ hoàn toàn”, Tolle nói tiếp. “Có một sự chuyển hướng chú ý vào tầng sâu hơn, vào chính thời khắc đó. Tôi tin đấy chính là nền tảng của quá trình sáng tạo: một sự chuyển hướng chú ý vào bên trong. Ta sẽ chạm đến một cấp độ hiện hữu sâu hơn bên trong mình, một sự tĩnh lặng sống động mãnh liệt, thâm sâu. Và đó là nơi tất cả sức mạnh của ta trú ngụ. Và khi ta chạm đến nguồn sức mạnh đó, mọi thứ thuộc về ý niệm đều tan biến, kể cả ý niệm về ‘cái tôi”.

Rồi Tolle nhắm mắt lại. Ông ngồi thụp vào trong ghế - một hình ảnh cho thấy sự tập trung trọn vẹn. Chiếc áo khoác màu lục nhạt quá đỗi thùng thình so với người ông. Dù đã ngoài 60, khuôn mặt ông vẫn giữ được nét thư sinh và hồn nhiên không lẫn vào đâu được.

Tolle nói với Đức Đạt Lai Lạt Ma, “Điều này không có nghĩa là lúc bấy giờ, khi tôi được yêu cầu đá quả bóng kia và tôi đi sâu vào bên trong mình thì tôi sẽ ghi bàn đâu. Tại sao không ư? À thì tôi đã đi sâu vào bên trong mình, tôi đã liên hệ với nguồn sức mạnh kia... nhưng mà nó không hoạt động”. Đức Đạt Lai Lạt Ma cười khúc khích, hai vai Ngài rung rung. “Phải chuẩn bị được điều gì đó kia. Malcolm Gladwell đã đề cập đến nó trong cuốn Outliers (Những kẻ xuất chúng). Để đạt được sự thành thạo, một điều kiện tiên quyết là 10.000 giờ thực hành. Sau 10.000 giờ, chúng ta đã sẵn sàng để tiếp thu nguồn sức mạnh của hoạt động sáng tạo”.

Ngài Ken Robinson, tao nhã trong bộ vest sẫm màu và cà vạt tím, nghiêng nhìn Tolle với vẻ mặt na ná hoài nghi. Ngài nói với Đức Đạt Lai Lạt Ma bằng chất giọng mô phạm ngân nga hoàn mĩ của mình, “Tôi đang cố rũ bỏ hình ảnh

Eckhart trên sân bóng đá đây”.

Không để lỡ dù chỉ một nhịp, Murray Gell-Mann nói, vẻ ăn năn đùa cợt, “Tôi thực sự đã khơi mào thứ gì đó. Tôi xin

lỗi nhé. Tôi xin rút lại tất cả”.

“Và trọng tài thổi còi”, Ngài Ken tiếp tục, “và Eckhart đợi 10.000 giờ nữa... rồi anh ấy vẫn đá trượt.”

Bằng một lời nói đầy vẻ bình thản hững hờ, Ngài Ken đã khiến cả hội trường cười nghiêng cười ngả. Với việc canh đúng thời điểm hoàn hảo và khiếu hài hước tỉnh bơ của mình, nhà giáo dục danh tiếng có thể kiếm sống dễ dàng với tư cách là một diễn viên hài độc thoại. Trong vài năm qua, tôi đã xem đi xem lại rất nhiều lần buổi nói chuyện phi thường của Ngài trên trang của TED về hoạt động sáng tạo và giáo dục. Tôi chưa bao giờ thấy chán khi xem nó – một mẫu mực về sự hiểu biết sâu sắc mà sáng tỏ, hóm hỉnh và đầy sức chuyển hoá. Thậm chí cô con gái 13 tuổi của tôi đã tải cuộc nói chuyện đó vào iPod, và đó vẫn là bài giảng duy nhất cho đến giờ tìm được đường vào bộ sưu tập nhạc và video của con bé.

“Có lẽ hoạt động sáng tạo là thứ gì đó chúng ta có từ khi sinh ra”, Đức Đạt Lai Lạt Ma tự suy đoán sau khi tiếng cười đã ngưng hẳn. “Có lẽ do tự nhiên ban tặng. Bởi vì chúng ta có bộ não này, tiềm năng cho hoạt động sáng tạo đã nằm sẵn trong đó. Nhưng tôi nghĩ ta cần phải kích hoạt nó. Đôi khi, trong lúc cuộc sống dễ dàng, không có vấn đề gì, thì có lẽ hoạt động sáng tạo vẫn cứ ngủ yên. Và khi có nhiều khó khăn hơn, nhiều mâu thuẫn hơn, thì trí thông minh của chúng ta trở nên năng động hơn rất nhiều. Nói vậy nhưng kiến thức về hoạt động sáng tạo của tôi rất hạn chế”.

Ngài dừng một thoáng rồi nhắc lại điều mình đã nói lúc nãy, “Thực sự thì tôi không biết” – lần này còn nhấn mạnh thêm.

Lúc mới nảy ra ý tưởng về việc tập hợp nhóm thảo luận này, tôi đã ngờ rằng mình không khôn ngoan lắm khi cố mời Đức Đạt Lai Lạt Ma tham gia vào một chủ đề như “sáng tạo”. Tôi nhận ra rằng không có từ nào dành cho “hoạt động sáng tạo” trong tiếng Tây Tạng cả. Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ chuyên tâm tập trung vào một việc duy nhất đó là thành tựu tâm linh và vun bồi những trải nghiệm nội tại tích cực. Ngài ít có duyên với những lãnh vực sáng tạo như là âm nhạc, nghệ thuật và khiêu vũ.

Nhưng rồi tôi đã bị cuốn hút bởi cái ý nghĩ rằng tôi có thể mời đến cuộc thảo luận này những nhân vật nổi tiếng thế giới, có sức thu hút mạnh mẽ như Ngài Ken, Gell-Mann và Tolle – tất cả đều có những cách nhìn đặc biệt của riêng mình về hoạt động sáng tạo. Họ đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động sáng tạo và việc biến nó thành một phần trong chương trình giảng dạy cho trẻ em ở khắp thế giới là thiết yếu đến mức nào. Ngài Ken Robinson từng nói, “Tôi cho rằng ngày nay hoạt động sáng tạo trong giáo dục cũng quan trọng hệt như khả năng đọc viết vậy, và chúng ta nên đối xử với nó bằng thái độ tương tự”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng cảm thấy như vậy về lòng từ bi, nên tôi đã nghĩ rằng theo dòng cuộc trò chuyện, những điểm tương đồng tự nhiên sẽ xuất hiện; nhưng lẽ ra tôi cũng không nên ngạc nhiên khi Ngài thấy mình khó theo kịp cuộc thảo luận về hoạt động sáng tạo này và liên tục xin lỗi với cơ là mình thiếu kiến thức. Cái cớ ấy là một nỗ lực để Ngài vẫn tiếp tục tham gia; chỉ có điều là trái tim Ngài không thực sự nằm trong đó. Ngài có nhiều thời gian bên các tham luận viên nhưng cảm thấy tiếc khi mình không đóng góp được mấy cho cuộc trò chuyện. Và việc nong bàn chân của hoạt động sáng tạo vào chiếc giày từ bi này chứng tỏ là không khả thi.

---o0o---

Trích: " Trí Tuệ Của Sự Từ Bi"

Đức Đạt Lai Lạt Ma & Victor Chan

Như Lôi dịch

Nhà Xuất Bản Thế Giới - 2022

Bài viết liên quan