SỰ XÁC QUYẾT VÀ BẢN VĂN GỐC - TUỆ ĐĂNG PHỔ CHIẾU - ĐẠI SƯ GARCHEN TRIPTUL RINPOCHE

SỰ XÁC QUYẾT VÀ BẢN VĂN GỐC

TUỆ ĐĂNG PHỔ CHIẾU

ĐẠI SƯ GARCHEN TRIPTUL RINPOCHE

---o0o---

Toàn bộ vũ trụ bao gồm năm yếu tố và năm yếu tố này thực chất là thanh tịnh. Thân của một người cũng bao gồm năm yếu tố. Vì thế thân thể một người không tách biệt khỏi vũ trụ. Thân thể một người chính là một tiểu vũ trụ. Tâm của các chúng sinh bên trong - những ai có năm cảm xúc tiêu cực – thì đồng thời cũng có bản tánh của năm trí tuệ. Thân và tâmmột người là một hình...
SỰ XÁC QUYẾT VÀ BẢN VĂN GỐC - TUỆ ĐĂNG PHỔ CHIẾU - ĐẠI SƯ GARCHEN TRIPTUL RINPOCHE

Khi còn trẻ tôi đã rơi vào vùng chiến tranh. Tôi phải chiến đấu trong chiến tranh mà không có lựa chọn nào khác. Quân đội đã xâm lược và lúc đó tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc bảo vệ đất nước tôi, và đánh nhau với vũ khí. Chúng ta phải trải nghiệm sự trổ quả của nghiệp mà không có lựa chọn khác. Gốc rễ của nghiệp nằm trong tâm chúng ta. Nếu bạn hiểu được về nghiệp bên trong thì bất cứ điều gì bạn làm sẽ là không sai lầm. Vào khoảnh khắc các cảm xúc tiêu cực sinh khởi, bạn cần phải nhận ra rằng chúng là những nguyên nhân dẫn đến các kết quả khổ não. Như vậy bạn sẽ thấy sợ các cảm xúc tiêu cực. Đây chính là Chân Lý Tương Đối về sự không sai chệch của nhân-quả, nghiệp báo. Nếu những cảm xúc tiêu cực này vẫn còn trong tâm bạn thì bạn sẽ phải trải nghiệm kết quả [tương ứng].

Về rốt ráo thì nếu bạn biết cách thiền định, bạn sẽ nhận ra rằng các cảm xúc tiêu cực cũng là rỗng không. Xét về mặt nổi thì có vẻ như có sự mâu thuẫn trong quan điểm Phật giáo giữa Chân Lý Tương Đối và Chân Lý Tuyệt Đối. Tuy nhiên nếu bạn biết thực hành đúng cách thì bạn sẽ hiểu rằng không có sự mâu thuẫn. Nếu bạn bị kiểm soát bởi cảm xúc tiêu cực phát khởi và bạn hành động do bởi lực thôi thúc của cảm xúc tiêu cực ấy thì bạn chắc chắn sẽ trải nghiệm kết quả tương ứng. Tuy nhiên nếu bạn tức giận nhưng lại biết cách thiền định, nhìn thẳng vào sự tức giận thì khi đó nó sẽ biến mất. Bạn sẽ không tìm ra sự tức giận ở nơi nào cả. Nếu nhân là rỗng không thì quả cũng là rỗng không. Thông qua thực hành thiền định, bạn sẽ nhận ra rằng bản chất của tâm và bản chất của sáu cảm xúc tiêu cực như sân hận v.v. là hoàn toàn giống nhau trong tất cả các chúng sinh trong luân hồi.

Trên nền tảng duy nhất, chúng ta đều là một, tuy vậy có hai con đường và hai kết quả. Nếu bạn chỉ cần tin sâu vào gốc rễ của nghiệp thì bạn sẽ thật sự hiểu được về nghiệp. Khi đó một cách tự nhiên bạn sẽ mong muốn tiến hành các thiện hạnh. Nếu bạn không hiểu về điểm gốc rễ thì thậm chí nếu bạn là một hành giả, bạn vẫn có thể nghĩ “bây giờ mình hơi bệnh và vì thế mình sẽ thực hành Phật Dược Sư”. Nhưng ý định này chỉ xuất phát từ ước mong về lợi ích tạm thời mà thôi. Nếu bạn thật sự hiểu và tin tưởng về nghiệp thì bạn sẽ luôn luôn nhớ giữ ở trong tâm về nguyên nhân gốc rễ của đau khổ. Bạn sẽ luôn nhớ rằng đau khổ bạn trải nghiệm bây giờ là kết quả của các nguyên nhân liên quan trước đây. Mặc dù chúng ta không thể nhìn thấy các cõi địa ngục và ngạ quỷ nhưng chúng ta vẫn có thể hiểu được các cõi ấy. Ví dụ hãy xem xét một con côn trùng nhỏ xíu: nó rất nhỏ nhưng vẫn có thân. Thực ra thân của nó vẫn không quá nhỏ nếu chúng ta vẫn có thể nhìn thấy nó với mắt thường. Có những sinh vật mà thân chúng nhỏ đến nỗi chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt trần. Ngoài ra thậm chí số lượng chúng sinh không có thân còn nhiều hơn. Thậm chí ngay cả khi không có thân nhưng bất cứ nơi nào có tâm đều có nghiệp và dấu ấn nghiệp. Hãy suy ngẫm về nghiệp và hãy trưởng dưỡng tín tâm vững chắc nơi nhân-quả, nghiệp báo. Điều này rất quan trọng. Khi một người đã chứng ngộ được bản tâm thì sự tín tâm vào nghiệp của người ấy sẽ tăng trưởng, và người ấy sẽ càng có thêm mong muốn để tu tập.

Dấu hiệu thứ ba là tình yêu thương và lòng bi mẫn đối với tất cả các chúng sinh. Dựa trên tín tâm vào nhân quả từ đó sinh khởi tâm yêu thương và bi mẫn đối với chúng sinh, mong muốn mang lại lợi ích cho hữu tình khác. Lúc đầu hành giả mong muốn hoàn thành lợi ích của chính họ, và sau đó hành giả học rằng, cách để hoàn thành lợi ích của chính mình là thông qua việc trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn, tâm vị tha đối với người khác. Vào lúc đầu chúng ta cần nỗ lực để trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn, vào thời điểm này thì đó là lòng từ bi do tâm thức tạo tác. Chúng ta làm cho mình quen dần, thuần thục dần với từ bi ấy. Nếu chúng ta không trưởng dưỡng từ bi do tâm thức tạo tác như thế vào lúc đầu thì ở giai đoạn sau, từ bi không cần dụng công và không do tâm thức tạo tác sẽ không sinh khởi. Để trưởng dưỡng tâm từ bi, bạn nên nghĩ về những người đã rất tử tế đối với bạn, như cha mẹ, bạn bè, họ hàng v.v. Khi nhớ về lòng tốt của họ thì tình yêu thương đối với họ sẽ sinh khởi. Sau đó bạn cần phải luyện tập tâm mình trong tất cả các tình huống khác. Ví dụ khi bạn gặp một người lớn tuổi hơn thì hãy nghĩ rằng người này đã từng là cha hoặc mẹ bạn. Như thế, ngay lập tức bạn sẽ cảm thấy kết nối với tâm của người đó. Khi bạn gặp một người trẻ tuổi hơn hoặc ai đó tầm tuổi bạn, hãy nghĩ rằng người này đã từng là bạn bè hoặc anh chị của bạn, và rồi bạn cũng sẽ cảm thấy kết nối với người ấy. Nếu bạn không trưởng dưỡng tình yêu thương cho người khác thì bạn sẽ không bao giờ hoàn thành lợi ích của chính mình. Đầu tiên bạn cần một mức độ nỗ lực và cần thực hành để có thể trưởng dưỡng lòng từ bi. Còn ở mức độ rốt ráo khi bạn có thể an trụ trong cái thấy, khi ấy bạn sẽ thiền định và từ bi không cần dụng công sẽ sinh khởi. Từ bi không cần dụng công hay từ bi bản nhiên không cần đối tượng cho nó phát khởi. Từ bi ấy luôn luôn hiện diện một cách tự nhiên không cần chúng ta phải nghĩ về một lý do cụ thể nào cả. Nó an trụ tự nhiên trong tâm như là một đặc tính thiết yếu. Nó là sự hợp nhất của tánh Không và lòng bi mẫn. Nếu bạn không phát khởi lòng từ bi vào lúc đầu thì bạn sẽ không tịnh hóa được tâm mình. Vì thế, đầu tiên là trưởng dưỡng tình yêu thương cho chúng sinh và sau đó, thông qua năng lực của tình yêu thương, tâm bạn sẽ trở nên thanh tịnh và được tự do thoát khỏi sáu cảm xúc ô nhiễm. Trưởng dưỡng từ bi chế tác bởi tâm thức vào lúc ban đầu có nghĩa là bạn cần phải suy ngẫm về lòng từ bi. Rốt ráo thì thông qua năng lực của việc an trụ trong cái thấy, từ bi sẽ sinh khởi một cách tự nhiên không cần dụng công, nỗ lực.

Nói tóm lại khi bạn tu tập để thuần thục tâm từ bi, bạn nên nghĩ rằng bất cứ ai mình gặp – mọi chúng sinh dù đó là con người hay con vật – đã từng là cha mẹ bạn trong một đời quá khứ nào đó. Sau đó hãy phát triển tình yêu thương của bạn đối với thầy cô giáo, đối với đất nước bạn, và đối với mọi chúng sinh. Bạn cần phải nỗ lực không ngừng để trưởng dưỡng từ bi, điều này là tuyệt đối cần thiết để thực hiện các pháp tu như pháp Bổn tôn du già. Giữa thực hành từ bi và thực hành Bổn tôn du già thì từ bi có năng lực mạnh mẽ hơn. Nếu bạn thực hành bổn tôn mà thiếu đi từ bi thì khi ấy bổn tôn sẽ trở thành giống như vị trời thế gian, mà sẽ không trở thành vị bổn tôn trí tuệ.

Bạn cần nỗ lực để trưởng dưỡng từ bi. Chỉ như thế bạn mới thật sự có thể kết nối với tình yêu thương của bổn tôn. Và khi đó thì thực hành giai đoạn sinh khởi sẽ trở nên rất oai lực/mạnh mẽ. Ngoài ra nếu đầu tiên bạn trưởng dưỡng từ bi thì sau này việc thực hành thiền định về tánh Không của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn. Mặt khác, nếu bạn bắt đầu với tánh Không thì sau này việc trưởng dưỡng từ bi sẽ khó khăn hơn.

Tóm lại, điều rất quan trọng là bạn cần phải tín tâm vào sự vận hành của nghiệp, nhân – quả, và sau đó bạn cần phải trưởng dưỡng tình yêu thương cho chúng sinh. Cuối cùng sau khi đã hoàn toàn quen thuộc với từ bi thì từ bi sẽ luôn luôn hiện hữu trong tâm bạn một cách tự nhiên. Đức Jigten Sumgon đã giải thích về việc trưởng dưỡng tình yêu thương (từ) và lòng bi một cách riêng rẽ. Đầu tiên chúng ta cần phải trưởng dưỡng tình yêu thương. Để làm được điều này, chúng ta nghĩ về lòng tốt của cha mẹ, của bạn bè, và đặc biệt là của kể thù và những ai thù ghét chúng ta, bởi vì, trong các đời quá khứ họ đã từng vô cùng tử tế đối với chúng ta. Chúng ta đã từng có mối liên hệ yêu thương với họ. Nếu bạn nghĩ về họ theo cách ấy thì bạn cũng sẽ có thể trưởng dưỡng tình yêu thương cho họ. Bất cứ ai bạn gặp – ví dụ thậm chí đó là một con vật đang chịu đau khổ - hãy nghĩ rằng, chúng sinh ấy đã từng là mẹ của bạn. Như thế thì ngay lập tức một cảm nhận mạnh mẽ sẽ sinh khởi. Bạn sẽ nhận lấy khổ đau của chúng sinh khác, bạn sẽ cảm nhận được nỗi khổ của họ.

Nguyên nhân của khổ đau chính là chấp ngã, và nó chỉ có thể bị phá hủy bằng tâm vị tha. Đây thực sự chính là thực hành tonglen – pháp cho và nhận. Đầu tiên chúng ta cho đi tình yêu thương, và tình yêu thương ấy thấm đượm vào tâm của mọi chúng sinh. Do bởi chúng ta yêu thương họ nên một cách tự nhiên chúng ta sẽ nhận lấy khổ đau của họ. Việc cho và nhận (tonglen) sẽ xảy ra đồng thời. Thông qua việc thẩm nhập tình yêu thương vào các chúng sinh khác thì một cách tự nhiên chúng ta sẽ nhận lấy khổ đau của họ. Ví dụ hãy nghĩ về ai đó bạn yêu thương và rồi phát khởi cảm nhận về tình yêu thương. Khi chúng ta nhìn thấy người này chịu đau khổ thì sự khổ đau của người ấy sẽ ngay lập tức đến với chúng ta. Sự hợp nhất của tính không và lòng bi mẫn sẽ phá hủy chấp ngã của chính chúng ta và cũng làm lợi lạc người khác. Nó cũng sẽ hỗ trợ cho thiền định. Vì thế đầu tiên chúng ta cần trưởng dưỡng tình yêu thương cho chúng sinh, và rồi từ tình yêu thương, lòng bi mẫn sẽ khởi sinh một cách tự nhiên.

Bạn cần phải kiểm tra xem bạn có thực sự xác tín nơi nhân quả hay không. Dấu hiệu gì cho thấy bạn tin nhân quả? Đó là khi bạn hiểu được sự trân quý của tình yêu thương. Đó là lý do tại sao chúng ta gọi là “Bồ Đề tâm trân quý”. Như thế bạn sẽ nghĩ rằng “trong tất cả các đời kiếp của tôi, chẳng có gì quý hơn tình yêu thương” và vì thế bạn sẽ buông bỏ chấp ngã. Đức Milarepa đã nói rằng “nguyên nhân của việc đọa sinh xuống các cõi thấp là sân hận, vì thế hãy thực hành kham nhẫn cho dù có phải đánh đổi bằng mạng sống của bạn”. Tại sao chúng ta cần thực hành kham nhẫn? Bởi vì nếu tức giận, chúng ta đánh mất tình yêu thương của mình. Để bảo vệ tình yêu thương, chúng ta phải thực hành kham nhẫn. Nếu đánh mất tình yêu thương thì chúng ta đã để mất đi tất cả hạnh phúc tạm thời và tối hậu – đó là hạnh phúc tạm thời của các cõi cao và hạnh phúc tối hậu của giải thoát giác ngộ.

Các đạo hữu, đây chính là điều mà tôi muốn các bạn hãy xem xét thật thấu đáo. Nếu bạn yêu thương một người – chẳng hạn đó là người bạn tốt - rất nhiều thì bạn có thể coi tình yêu thương này chính là Bồ Đề tâm. Bạn thấy người bạn mình giống như một viên ngọc báu. Nhưng bạn sẽ cảm thấy thế nào khi người này làm tổn thương bạn? Một số người sẽ đánh mất tình yêu thương nếu họ bị đối xử tệ bạc, nhưng nếu bạn thật sự hiểu được phẩm tính của tình yêu thương thì bạn sẽ nghĩ rằng “Cho dù nếu người ấy đối xử với mình tồi tệ thì mình sẽ không đánh mất tình yêu thương của mình. Anh có thể đối xử với tôi tệ bạc thế nào theo cách anh muốn, nhưng tôi sẽ không đánh mất sự kham nhẫn và tình yêu thương của tôi”. Không trở nên tức giận chính là thực hành kham nhẫn. Thực hành kham nhẫn là quan trọng để bạn không đánh mất tình yêu thương. Vì thế cho dù người khác có đối xử với bạn tệ bạc ra sao đi chăng nữa, bạn cần phải thực hành kham nhẫn và yêu thương.

Nếu bạn có kham nhẫn và yêu thương thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn đã thực sự hiểu và tin vào Chân Lý Tương Đối là sự vận hành của nghiệp, nhân – quả. Nếu bạn không để mất tình yêu thương, bạn sẽ có thể rất dễ dàng vượt qua tất cả các cảm xúc tiêu cực. Để vượt qua các cảm xúc tiêu cực thì không có phương pháp nào cao hơn tình yêu thương. Nếu bạn thiền định về tánh Không, bạn vẫn có thể không vượt được qua các cảm xúc tiêu cực, nhưng chẳng có gì mạnh mẽ hơn sức mạnh của tình yêu thương trong việc vượt qua các cảm xúc tiêu cực. Cho dù đó chỉ là tình yêu thương thông thường, ví dụ như là tình yêu thương của cha mẹ dành cho đứa con, thì chính tình yêu thương sẽ ngăn chặn việc gây tổn hại và buông bỏ được giận dữ. Giữa tình yêu thương và tánh Không thì tình yêu thương trân quý và mạnh mẽ hơn nhiều trong việc vượt qua được các cảm xúc tiêu cực.

Khi bạn đã trưởng dưỡng được tình yêu thương và lòng bi mẫn dành cho mọi chúng sinh thì Khenpo Munsel Rinpoche dạy rằng, dấu hiệu tiếp theo sẽ là tri giác thanh tịnh về thực tại: “tri giác thanh tịnh về mọi thứ như chúng thực sự là”. Câu này nói đến cái thấy của Kim Cang Thừa. Ví dụ khi bạn nhận quán đảnh Kim Cang Thừa từ Đạo sư, bạn có thể nghĩ rằng “bây giờ mình đã thực sự hiểu được ý nghĩa của quán đảnh”. Nhưng điều này không phải bởi vì bạn đã thọ nhận quán đảnh hôm nay, mà là bởi vì bạn đã được giới thiệu về ý nghĩa của quán đảnh từ trước. Ý nghĩa của quán đảnh là nhận ra rằng vạn pháp –những thứ xuất hiện và hiện hữu– bao gồm cả chúng sinh và vũ trụ, thực chất là thanh tịnh. Thậm chí nếu có người chưa thọ nhận quán đảnh hay bất kỳ hướng dẫn thực hành nào khác, nhưng hiểu rằng bất cứ thứ gì xuất hiện và hiện hữu đều có bản tánh thanh tịnh, thì những người như thế đã thực sự hiểu được ý nghĩa của quán đảnh.Toàn bộ vũ trụ bao gồm năm yếu tố và năm yếu tố này thực chất là thanh tịnh. Thân của một người cũng bao gồm năm yếu tố. Vì thế thân thể một người không tách biệt khỏi vũ trụ. Thân thể một người chính là một tiểu vũ trụ. Tâm của các chúng sinh bên trong - những ai có năm cảm xúc tiêu cực – thì đồng thời cũng có bản tánh của năm trí tuệ. Thân và tâmmột người là một hình thái thu nhỏ của toàn bộ vũ trụ, trong đó bao gồm toàn bộ các chúng sinh, và về bản tánh là thanh tịnh từ nguyên sơ.

---o0o---

Trích: “Tuệ Đăng Phổ Chiếu”

Đại Sư Garchen Triptul Rinpoche

Phiên dịch Anh – Việt: Trần Thị Lan Anh

Hiệu đính: Ban dịch thuật Thiện Tri Thức

Nhà Xuất bản Hồng Đức - 2019

 

Chuyển hóa khổ đau thành tình yêu thương và lòng bi mẫn – VIET RIGPA MANI

Bài viết liên quan