THẦY GIỎI VÀ BẠN TỐT - ĐẠI SƯ TINH VÂN - PHÁP MÔN HẠNH PHÚC TINH THẦN

THẦY GIỎI VÀ BẠN TỐT

ĐẠI SƯ TINH VÂN - PHÁP MÔN HẠNH PHÚC TINH THẦN 

-------o0o-------

Là bậc lãnh đạo có thể có sự nhận biết “ba phần thầy trò, bảy phần đạo hữu” thì cấp dưới không chỉ là thuộc hạ mà còn là đồng sự của mình nữa.
THẦY GIỎI VÀ BẠN TỐT - ĐẠI SƯ TINH VÂN - PHÁP MÔN HẠNH PHÚC TINH THẦN

Một hôm, giờ tụng kinh sớm vừa xong, mọi người đang chạy thể dục buổi sáng, tôi nhận thấy có một người đội mũ đang đi bộ trước mặt, với tư cách là một đội trưởng, tôi nói lớn: “Sao anh đi chậm rì vậy, nhanh lên một chút cho bằng người đi trước chứ!” Tôi nhìn kỹ lại thì ra người này là gia sư! Ông không hề tức giận, mà còn mỉm cười với tôi. Gia sư tuy trách la tôi rất nghiêm, nhưng thầy vẫn luôn luôn dành cho tôi lối thoát để vãn hồi khiến tôi cảm thấy gia sư không chi là thầy giỏi mà còn là bạn tốt nữa.

Sư phụ của tôi là Chí Khai Thượng Nhân từng nói: “Ba phần là thầy trò, bảy phần là đạo hữu”. Bạn tốt giống như thầy giỏi, thầy giỏi cũng có thể trở thành bạn tốt.

Trong quá khứ, thầy giáo là trời, học sinh là đất, dù quan hệ khăng khít thế nào, nhưng khoảng cách giữa trời và đất lúc nào cũng xa vời. Chỉ trong Phật môn mới có sự nhận biết “ba phần là thầy trò, bảy phần là đạo hữu”, đó là một thứ tư tưởng dân chủ và bình đẳng. Tư tưởng này làm cho luân lý của Phật môn càng thêm linh hoạt, càng thêm sức sống.

Về thầy giỏi và bạn tốt, tôi có bốn ý như sau:

1. Khi họ gặp trắc trở, ta cần cho họ dũng khí. Sự việc bất như ý trong cuộc sống thường có đến tám, chín phần mười, khó khăn và trắc trở vốn có thể dùng để nâng cao đẳng cấp cuộc sống của chúng ta, cũng là một quá trình có thể khiến cho tâm linh càng thêm trong sạch, nhưng nếu không thể hoặc không muốn chấp nhận thì những thứ đó sẽ trở thành khổ nạn thật sự. Người trong cuộc mê mờ, người ngoài cuộc sáng suốt, mình là bạn hữu cần ra tay cứu vớt, có yêu cầu có đáp ứng, giúp họ vượt qua cảnh ngộ khó khăn của nội tâm. Đến khi vượt qua khó khăn rồi quay đầu nhìn lại sẽ thấy trắc trở đã trở thành một sức mạnh mới.

2. Khi họ suy sụp, ta cần cho họ niềm tin. Suy sụp, ủ rũ là điều ai cũng có, khi bạn bè buồn phiền, chán nản, thất vọng nhụt chí, chính là lúc chúng ta phát huy tình bạn thân đáng quý. Cần nghĩ cách kích thích lòng tin của bạn, nhắc nhở bạn lòng tin vốn có trước đây. Lòng tin là sức mạnh, lòng tin là phương hướng. Hôm nay họ dựa vào bạn để đi lại, ngày mai có thể bạn sẽ dựa vào họ để bay nhảy.

3. Khi họ mê lầm, chúng ta cần cho họ sự chỉ dẫn. Câu danh ngôn của Trịnh Bản Kiều: “Thông minh khó, hồ đồ khó, từ thông minh vào hồ đồ lại càng khó hơn”. Đó là người đại trí, mở một mắt, nhắm một mắt để thông cảm sự thiếu hiểu biết của người đời, đó gọi là “giả hồ đồ khó trở thành hồ đồ” vậy. Nhưng mê lầm không phải là hồ đồ, càng giả hồ đồ thì không thể trở thành hồ đồ, mà đúng là đánh mất phương hướng của cuộc đời. Lúc ấy có thể chỉ dẫn họ lấy tôn giáo làm niềm tin chân chính, lấy ánh sáng của trí tuệ tôn giáo để soi rọi tiền đồ của họ, cũng có thể lấy những lời bổ ích của thánh hiền thời xưa để chỉ ra mê lầm của họ; đợi khi mây tan trăng tỏ, sẽ là quang cảnh của “bóng liễu hoa tươi một mùa xuân”.

4. Khi họ ngu si, ta cần cho họ trí huệ. Hai chữ “ngu si” hoàn toàn không phải nói là không thông minh, mà là nói sự chấp trước một người, một việc, hoặc một niềm tin nào đó, tức là không thể cởi mở, buông bỏ. Thậm chí trong kinh Phật đã xếp “thế trí biện thông” vào loại “bát nạn”. Những ví dụ về người thông minh trên thế gian lại bị sự thông minh làm sai lạc nhiều vô kể, đặc biệt là người tự cho mình thông minh rất dễ tự mình vạch giới hạn rồi nhốt mình trong đó, cuối cùng không tìm ra lối thoát. Đó chính là một thứ ngu si, những lúc như vậy ta cần cho họ trí huệ.

Làm thế nào phân biệt thông minh và trí huệ? Người thông minh hiểu biết nhiều, phản ứng nhanh, nhưng nếu dùng sự thông minh ấy theo ý riêng ngạo mạn của mình thì thường tự trói tay trói chân mình lại; nếu dùng sự thông minh ấy cho việc lợi người thì đó là hành vi của trí huệ. Mọi sự nên nghĩ đến cái lợi cho người khác, lòng từ bi làm cho người khác cảm kích, có thể chiêu cảm nhiều duyên lành, vận tốt.

Kết giao với thầy giỏi bạn tốt có thể nâng cao chính mình, khai phá cuộc sống. Làm một thầy giỏi bạn tốt có thể có được bạn hiền trong tình bằng hữu, đôi bên dắt dìu lẫn nhau, khích lệ, an ủi lẫn nhau. Thậm chí giữa vợ chồng với nhau nếu có thể xây dựng được mối quan hệ thầy giỏi bạn tốt thì gia đình càng hài hòa và phát triển.

Trích dẫn từ sách Thái căn đàm

Là bậc cha mẹ có thể có sự nhận thức “ba phần thầy trò, bảy phần đạo hữu” thì con cái không chỉ là cốt nhục mà còn là bạn hữu của mình nữa;

Là bậc thầy giáo có thể có sự tu dưỡng “ba phần thầy trò, bảy phần đạo hữu” thì học trò không chỉ là vãn bối mà còn là đồng học của mình nữa;

Là bậc lãnh đạo có thể có sự nhận biết “ba phần thầy trò, bảy phần đạo hữu” thì cấp dưới không chỉ là thuộc hạ mà còn là đồng sự của mình nữa.

-------o0o-------

Tác giả: Đại Sư Tinh Vân

Trích: Pháp Môn Hạnh Phúc - Tinh Thần

Nguyễn Phố dịch; NXB Lao Động, THAIHABOOKS

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan