THẦY VÀ ĐỆ TỬ - GARCHEN RINPOCHE & SONAM JORPHEL RINPOCHE - TÂM YẾU ĐƯỜNG TU

THẦY VÀ ĐỆ TỬ

GARCHEN RINPOCHE & SONAM JORPHEL RINPOCHE

TÂM YẾU ĐƯỜNG TU

-------o0o-------

Nếu chúng ta luôn có được chánh niệm và tỉnh giác thì ta luôn có được giới nguyện thanh tịnh. Bởi vì toàn bộ giới nguyện tựu chung đều nằm trong hai chữ “chánh niệm” và “tỉnh giác”.
THẦY VÀ ĐỆ TỬ - GARCHEN RINPOCHE & SONAM JORPHEL RINPOCHE - TÂM YẾU ĐƯỜNG TU

“Khi con có tâm chí thành, chí tín

thì không quan trọng ai là Guru của con.”

“Bổn sư bên ngoài chỉ là minh họa

của tâm giác ngộ bên trong ta.”

Hỏi: Con đã thọ pháp với nhiều vị đạo sư vậy làm thế nào để biết được ai là bổn sư của con?

Đáp: Tâm chí thành chí tín hướng đến bổn sư (Guru) thật mạnh mẽ, không gợn chút hoài nghi và tình yêu từ sâu thẳm con tim đối với ngài - đây chính là những yếu tố quan trọng nhất để nhận biết ai là Guru của con. Không nhất thiết chỉ được có một bổn sư mà có thể có nhiều bổn sư. Vị ấy cũng không nhất thiết phải là một người còn sống mà có thể là một vị Hộ Phật hay một vị Phật, ví dụ như đức Phật Thích-ca Mâu-ni hay đức Guru Rinpoche. Nếu ta có cảm nhận mãnh liệt về các ngài thì các ngài cũng là bổn sư của ta. Không quan trọng bổn sư là ai, cũng không quan trọng là có bao nhiêu bổn sư, mà quan trọng là tâm mình có thật sự mãnh liệt, tận tụy dâng hiến, hướng tới các ngài hay không. Ta có thể có nhiều bổn sư và phải hiểu điều quan trọng là tâm của các ngài đều như nhau, hoàn toàn hợp nhất. Đó chính là tâm giác ngộ.

Ở đây có hai khái niệm là bổn sư bên ngoài và bổn sư bên trong. Cần phải biết bổn sư đích thực là ai. Bổn sư đích thực chính là tâm của mình chứ không phải bổn sư bên ngoài. Bồ-đề tâm chính là vị thầy bên trong của con. Nhận ra bản tính chân tâm của mình là trở về với vị bổn sư bên trong ta. Con có bao nhiêu bổn sư cũng được vì các ngài đều như nhau. Điều quan trọng là con đừng để bị dính mắc vào hình tướng bên ngoài của bổn sư như mặt mũi, áo quần... mà phải hướng tới cái tâm [của ngài]. Mà tâm của tất cả các ngài đều là một. Khi con có tâm chí thành, chí tín thì không quan trọng ai là Guru của con. Khi tâm của ta hòa được vào tâm của một bổn sư cũng có nghĩa là hòa được vào tâm của tất cả các vị bổn sư khác. Khi tâm ta gần với các vị bổn sư thì điều đó có nghĩa là ta đang quay về với vị bổn sư của chính bản thân mình. Bổn sư bên ngoài chỉ là minh họa của tâm giác ngộ bên trong ta mà thôi.

Hỏi: Thầy dạy chúng con là một vị thầy giả mạo. Nhưng những gì vị ấy dạy đều là sự thật thì đối với người đó con phải có thái độ như thế nào?

Đáp: Con vẫn có thể nghe vị đó nói. Nếu là đúng thì con vẫn có thể được lợi lạc. Con không nên dính mắc vào lỗi lầm của vị đó, vì nếu con phát sinh tà kiến thì con có thể bị đọa lạc. Nếu người đó sai thì người đó sẽ bị đọa lạc vì những việc làm sai trái của mình – đó không phải là việc của con. Con phải xem lại người thầy đó đã dạy những gì, nói những gì. Nếu có Pháp trong đó thì vẫn học được. Đừng dính mắc vào hình tướng, quan trọng là ta phải biết trong những điều dạy ấy có điều gì đúng và điều gì sai. Có câu chuyện về một vị thầy giả lại có một đệ tử giỏi. Rốt cuộc người đệ tử vẫn thành đạo và quay lại địa ngục cứu chính thầy của mình.

Hỏi: Chúng con là cư sĩ và không phải lúc nào cũng có bậc đạo sư bên cạnh, vậy Ngài khuyên chúng con nên tu tập như thế nào?

Đáp: Sự hiện diện về tinh thần quan trọng hơn sự hiện diện về thân xác. Giữa tâm và tâm không có khoảng cách [vật lý]. Nếu con hướng tới Guru của con với tâm chánh niệm thì tâm tỉnh giác và chánh niệm của con cũng giống như tâm chánh niệm và tỉnh giác của thầy con, không có gì sai biệt. Ta [cũng như các bậc thầykhác] không bao giờ quên nghĩ tới các đệ tử của mình và bao giờ cũng thương yêu họ. Bất cứ khi nào con nghĩ tới thầy con thì tâm con và tâm ngài là một. Khi nào con nghĩ tới thầy con và khấn nguyện thì nhờ chánh niệm mà mọi nghi ngờ, thắc mắc tự nhiên tan biến. Bởi vì tâm không biết đến khoảng cách. Thân xác có thể xa nhưng tâm không vì thế mà xa. Khoảng cách vật lý không có ý nghĩa gì đối với tâm, vì tâm thức không bị chia cắt bởi không gian vật lý.

Chẳng hạn như con là đệ tử của thầy và con hành trì ở Việt Nam, thầy thì công phu bên Mỹ. Nếu con tu và ta cùng tu tập thì tuy thân xác chúng ta xa nhau nhưng tâm lại là một, rất gần nhau. Gần nhau giống như hòa làm một. Cũng như trên trái đất này có rất nhiều nguồn nước khác nhau nhưng đều có chung một tên gọi là “nước”. Mỗi khi con nghĩ về Guru của mình với tâm chí thành, chí tín thì tâm con sẽ hợp nhất với tâm của đạo sư. Tâm của chúng ta giống như tấm gương phản chiếu tất cả những gì ta suy nghĩ trong đầu. Nếu tâm ta nghĩ đến Guru thì tự khắc ta sẽ nối tâm được với ngài. Khi không có cơ duyên được gặp gỡ thường xuyên với vị Guru của mình thì chúng ta có thể gặp gỡ các vị đạo sư khác và cũng sẽ có được lợi lạc từ các vị ấy, vì thật ra tâm của các ngài đều như nhau.

Hỏi: Xin ngài giải thích cho chúng con về cõi tịnh độ và khi một đấng giác ngộ nhập Niết-bàn thì việc đó có lợi lạc gì cho chúng sinh?

Đáp: Cõi tịnh độ là biểu hiện của tâm Bồ-đề. Các cõi tịnh độ đều được hóa hiện ra bởi tâm Bồ-đề của các vị Phật. Những ai trưởng dưỡng được tâm Bồ-đề làm lợi lạc chúng sinh thì do có sự tương đồng, người đó có thể sinh về cõi tịnh độ. Đối lập với cõi tịnh độ là cõi địa ngục. Sân hận của nhiều chúng sinh hợp lại tạo thành cõi địa ngục. Nếu ta khởi tâm sân hận thì ta sẽ rơi vào địa ngục, nơi đã có rất nhiều chúng sinh do tâm sân hận mà bị đọa vào đó.

Sau khi một đấng giác ngộ nhập Niết-bàn thì ngài có ba thân: Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Báo thân, ví dụ như một vị Bổn tôn, chỉ có những bậc đã thanh tịnh được nghiệp chướng mới thấy. Như vậy Báo thân Phật xuất hiện để làm lợi lạc cho những chúng sinh đã thanh tịnh nghiệp. Hóa thân có thể xuất hiện trong bất cứ hình tướng nào ở sáu nẻo luân hồi để làm lợi lạc cho các chúng sinh ở các cõi đó. Có thể so sánh ba thân như sau: Pháp thân giống như không gian, Báo thân giống như các cụm mây còn Hóa thân giống như những trận mưa vậy.

Hỏi: Tại sao việc gây cản trở khó khăn cho các vị Bồ Tát hoằng pháp lại chịu quả báo rất nặng nề?

Đáp: Nếu vị Guru của ta là một vị Bồ Tát và ta bất đồng ý kiến với ngài, ta khởi tâm sân hận đối với Ngài rồi nói điều đó với những người khác khiến họ phát khởi tri kiến sai lạc, bất tịnh về vị Đạo sư, thì tất cả sẽ bị đọa địa ngục do tà kiến đó. Đó là lý do tại sao mà quả báo lại nặng nề đến như vậy. Hơn nữa, chúng ta có giới nguyện Bồ Tát; nếu chúng ta phá vỡ giới nguyện ấy thì việc làm đó cũng giống như cắt đứt chuỗi tràng hạt ra làm đôi. Đó là phá vỡ thệ nguyện tâm Bồ-đề. Vì vậy, việc tệ hại nhất là nói xấu một vị Guru bởi vì những người khác có thể tin vào lời nói đó và do mắc tà kiến mà bị rơi vào cõi thấp. Cho nên, khi chúng ta không đồng ý với Guru thì vẫn không được làm tổn thương tới tâm chí thành, tới lòng tin [của ta và người khác] đối với Ngài.

Thậm chí nếu ta không nói ra điều gì nhưng ta gây cản trở tới việc hoằng pháp của một vị Bồ Tát thì việc đó cũng tạo ác nghiệp nặng nề. Bởi vì một vị Bồ Tát có khả năng đem lại lợi lạc cho vô lượng chúng sinh. Các chúng sinh này cần có ánh sáng của Giáo pháp. Cản trở việc hoằng pháp của ngài sẽ gây thiệt hại to lớn cho rất nhiều chúng sinh. Guru giống như một chiếc bình chứa đầy nước tinh khiết. Khi ta nổi sân, gây cản trở cho việc hoằng pháp của Ngài thì tâm của ta giống như nước đã nhiễm chất độc. Đó là tâm đã bị nhiễm chất độc. Tất cả tâm chúng sinh đều được kết nối làm một. Vì vậy, tâm nhiễm độc ấy sẽ tràn ngập tâm của tất cả các chúng sinh khác. Đó là lý do tại sao chúng ta phải trưởng dưỡng tình yêu và lòng khát ngưỡng đối với tất cả các bậc Đạo sư. Đặc biệt, đối với những ai đã thọ giới Bồ Tát thì việc nói xấu Guru là một việc làm tệ hại nhất.

Hỏi: Tại sao việc ủng hộ hay a dua theo người đang làm việc sai trái cũng chịu quả báo cùng người đó? Về mức độ thì nhẹ hay là nặng hơn?

Đáp: Khi ta có những người bạn xấu tạo những ác nghiệp, nhưng ta không tán đồng với những ác nghiệp của họ, không làm những việc họ muốn ta làm thì ta không chịu quả báo giống như họ. Còn nếu ta hoan hỉ với việc họ làm thì sẽ phải chịu quả báo xấu cùng với người đó. Nhưng nếu ta bị ép buộc phải làm thì không phải chịu quả báo nặng giống như người kia.

Khi ta có những người bạn xấu, điều tốt lành nhất ta có thể làm là phát tâm từ bi đối với họ, cầu nguyện cho họ. Điều nguy hiểm nhất là khi những người bạn xấu gieo vào lòng ta sự ngờ vực đối với Phật, Pháp, Tăng, khiến ta nảy sinh tà kiến. Đó là ác hạnh to lớn nhất. Điều nghiêm trọng nhất, nguy hiểm nhất là đánh mất lòng tin đối với Tam bảo.

Tâm của chúng ta và tâm của chúng sinh là một và tâm này cũng đồng với tâm Phật. Khi tu tập theo Kim Cang thừa, ta phải giữ giới. Nếu không giữ giới, chúng ta để cho tâm sân hận, vô minh nổi lên che mờ và sẽ bị đọa vào những cõi thấp. Đừng nghĩ rằng các giới đó là đặc biệt chỉ Kim Cương thừa mới có mà thôi.

Khi giữ giới, chúng ta có được tình thương yêu thì đây chính là sự nối kết giữa chúng ta với những người bạn đạo, giữa chúng ta với sư phụ. Khi ta không có tình yêu thương và phá giới thì việc này đồng nghĩa với việc ta cắt đứt sợi dây chỉ của chuỗi tràng hạt. Khi ta cắt đứt sợi chỉ này thì ta sẽ mất đi sự nối kết giữa mình và bạn đạo, giữa mình với Đạo sư.

Tánh Phật sẵn có nơi tất cả chúng sinh giống như nguồn điện, còn tâm từ bi và trí tuệ giống như sợi dây dẫn điện. Nếu ta có cả hai: nguồn điện và sợi dây dẫn thì ánh sáng sẽ được thắp lên, tức là giác ngộ tối thượng. Còn nếu ta đánh mất tình thương yêu, tâm từ bi thì sẽ không có được ánh sáng. Đó cũng là chánh niệm và tỉnh giác. Nếu chúng ta luôn có được chánh niệm và tỉnh giác thì ta luôn có được giới nguyện thanh tịnh. Bởi vì toàn bộ giới nguyện tựu chung đều nằm trong hai chữ “chánh niệm” và “tỉnh giác”.

Hỏi: Giữ im lặng không nói khi người khác làm điều sai trái thì có phạm giới Bồ Tát hay không? Nếu phạm giới thì có nặng hay không?

Đáp: Khi ta biết rõ một người bạn mình và có tình thương yêu, có lòng tin thì khi thấy bạn mình làm sai, tốt nhất là nên nói thẳng với người đó. Nên nói bằng tất cả tấm lòng chân thành, với tâm từ bi. Nói như vậy, người bạn có thể hiểu và sửa được cái sai của họ. Như vậy là tốt nhất, vì trong trường hợp đó mình vừa giúp được người bạn của mình mà cũng giúp được bản thân mình cùng nhiều người khác nữa.

Còn trong trường hợp mình không biết rõ về người kia, mình cũng không biết chắc phản ứng của người ta như thế nào thì điều tốt nhất là khởi tâm từ bi, cầu mong cho người đó nhận ra được cái sai của họ. Những người làm sai mà không có người giúp đỡ là do họ thiếu phước đức. Trường hợp có một tội phạm đang gây hại cho nhiều người khác trong cộng đồng. Nếu vì lợi ích của mọi người mà chúng ta báo với nhân viên an ninh thì đó là một việc làm rất tốt. Như vậy là chúng ta đã làm một việc ích lợi cho cộng đồng và cho đất nước của mình. Còn nếu không báo cho nhân viên an ninh biết về tội phạm đó, để người ấy tiếp tục làm hại nhiều người khác, làm hại cộng đồng, đất nước thì như vậy là mình đã không thực hiện thệ nguyện Bồ Tát làm lợi lạc cho những chúng sinh khác.

Hỏi: Kính xin Thầy chỉ dạy cho chúng con dấu hiệu tâm linh nào giúp chúng con có thể nhận biết được vị thầy có duyên nghiệp với chúng con, ai là vị đạo sư gốc của chúng con?

Đáp: Những dấu hiệu đó sẽ hiện lên trong chính tâm thức của con và con phải là người trả lời câu hỏi đó chứ không thể là ai khác. Khi nào trong tâm con không còn thấy bất kỳ sự hoài nghi nào, tràn đầy niềm tin tưởng, tràn ngập tình yêu thương với Đạo sư, và ngược lại [con cảm thấy] Đạo sư cũng dành đầy tình yêu thương cho con, thì lúc đó dù xác thân vật lý này cách xa Ngài nhưng tâm trí con vẫn hòa nhập với tâm Ngài.

-------o0o-------

Tác giả: GARCHEN RINPOCHE & SONAM JORPHEL RINPOCHE

Trích: TÂM YẾU ĐƯỜNG TU

Dịch giả: Hiếu Thiện - Tâm Bảo Đàn

NXB Tôn Giáo - (Ảnh: Garchen Rinpoche)

Bài viết liên quan