THỜI GIAN LÀ ẢO GIÁC - NGUYỄN TƯỜNG BÁCH - ĐƯỜNG RỘNG THÊNH THANG

THỜI GIAN LÀ ẢO GIÁC

NGUYỄN TƯỜNG BÁCH - ĐƯỜNG RỘNG THÊNH THANG

-------o0o-------

Thế gian không có gì khác ngoài Hiện tại, chúng ta chìm ngập trong Hiện tại mà không biết đó là Hiện tại. Vọng tưởng, quá khứ, tương lai... cũng đều là Hiện tại cả vì tất cả đang xuất hiện. Hiện tại không phải là một khung cửa hẹp của một sát-na ngắn ngủi mà đang hiện ra bao la vô tận, bên trong và bên ngoài.
THỜI GIAN LÀ ẢO GIÁC - NGUYỄN TƯỜNG BÁCH - ĐƯỜNG RỘNG THÊNH THANG

THỜI GIAN LÀ ẢO GIÁC

NGUYỄN TƯỜNG BÁCH - ĐƯỜNG RỘNG THÊNH THANG

-------o0o-------

1. Thời Gian Trong Vật Lý

Trong ngành vật lý, khái niệm “Thời gian” thay đổi theo từng thời kỳ.

Như chúng ta biết, trong cơ học Newton, thời gian là một dòng chảy “có tính toán học, tuyệt đối, đích thực, tự nó, đều đặn, không lệ thuộc vào bất cứ vật gì bên ngoài”. Quả thực, ấn tượng của đời sống con người dường như minh chứng điều đó. Hơn thế nữa thành tựu khoa học và kỹ thuật sinh ra sau phát hiện của Newton càng khẳng định hơn nữa khái niệm Thời gian do Newton đề ra.

Khoảng hơn một trăm năm trước đây, lý thuyết Tương đối của Einstein đã đặt lại một cách cơ bản khái niệm về Thời gian. Xuất phát từ sự kiện được chứng minh, vận tốc ánh sáng luôn luôn cố định trong chân không, khái niệm Thời gian đã thay đổi một cách triệt để. Vận tốc là khoảng cách không gian trên đơn vị thời gian nên khi vận tốc bất biến thì không gian và thời gian “kết hợp” với nhau thế nào đó để làm sao cho vận tốc ánh sáng không đổi. Vì thế nên khi nhà du hành di chuyển với vận tốc rất nhanh thì thời gian “của nó” cũng thay đổi theo. Trong ngành vật lý người ta hay nói, không gian thời gian kết lại với nhau để cho một “Không thời gian” 4 chiều.

Thực tế nói trên đã phá vỡ quan niệm Thời gian của Newton. Tuy nhiên con người không ai di chuyển với vận tốc gần vận tốc ánh sáng nên không ai trải nghiệm được sự thay đổi triệt để này. Thế nhưng trong ngành thiên văn, vũ trụ, viễn thông… khái niệm Thời gian tương đối nói trên đã đi vào ứng dụng từ lâu.

Sau thuyết Tương Đối khoảng 15 năm, nền cơ học Lượng tử ra đời và đến phiên nó, làm nên một cuộc cách mạng trong ngành vật lý. Nếu thuyết Tương đối là công trình của một cá nhân riêng lẻ thì cơ học Lượng tử là thành quả của một tập hợp nhiều nhà vật lý xuất sắc nhất của thế kỷ 20. Chủ đề của thuyết Tương đối là sự vận hành của thiên thể với khối lượng khổng lồ trong vũ trụ và tác dụng của nó trong không gian và thời gian. Ngược lại các nhà khoa học Lượng tử tập trung sự chú ý lên sự vận hành của vật chất trong các không gian tí hon của nguyên tử và nguyên tử.

Kết luận của hai lý thuyết Tương đối và Lượng tử ngày nay đều đã có sự thừa nhận chung của cộng đồng vật lý. Hiển nhiên, mong ước chung của ngành vật lý là thống nhất hai lý thuyết đó trong một phát biểu duy nhất, đó sẽ là thuyết mô tả toàn bộ hoạt động của vật chất từ kích thước cực tiểu đến cực đại. Một thế kỷ đã trôi qua nhưng đến nay chưa ai thực hiện được điều đó.

Khoảng 50 năm trước đây, một công trình được mệnh danh là phương trình Wheeler-DeWitt được công bố. Hàm số “sóng vũ trụ” Wheeler-DeWitt kết hợp kết quả của thuyết Tương đối và Lượng tử nhằm mô tả hoạt động của vật chất, trong đó vũ trụ được xem là tĩnh tại, yếu tố thời gian biến mất. Hàm số này hết sức phức tạp, gây nhiều tranh cãi và đến nay vẫn chưa có sự đồng thuận. Thế nhưng lý thuyết này nêu lên một vấn đề vô cùng hệ trọng, nó khẳng định Thời gian không phải là yếu tố cơ bản trong vũ trụ, vật chất không hề “vận động trong thời gian” như xưa nay người ta thường nghĩ.

Carlo Rovelli, giáo sư vật lý tại đại học Marseille, nói “người ta thấy Thời gian đã biến mất khỏi phương trình Wheeler-DeWitt. Đây là một chủ đề mà nhiều lý thuyết gia đang tìm tòi. Có lẽ cách hay nhất khi nghĩ về thực tại Lượng tử là hãy bỏ rơi khái niệm về thời gian, có lẽ sự mô tả cơ bản về vũ trụ phải là phi thời gian” .

2. Thời Gian Của Julian Barhour

Phải chăng Thời gian không hề là khái niệm cơ bản trong vũ trụ như ta thường nghĩ? Có một nhà vật lý trả lời câu hỏi này một cách đơn giản và “cực đoan” nhất, đó là Julian Barbour, người Anh sinh năm 1937. Ông nói: “Nói cho cùng thì Thời gian là một ảo giác”.

Có lẽ Barbour là một kỳ nhân trong cộng đồng vật lý. Sau khi học toán tại Cambridge và bắt đầu ngành Thiên văn tại Munich, ông đến Cologne nghiên cứu và hoàn thành luận án tiến sĩ về thuyết Tương đối của Einstein. Các tác phẩm của ông được phổ biến và tham khảo rộng khắp trên thế giới.

Barbour có một chủ trương khác thường. Đã từ lâu ông không cần đến yếu tố thời gian trong mọi lý thuyết vật lý. Cùng với Bruno Bertotti, ông xây dựng một hệ thống song hành với nền vật lý Newton mà không cần đến yếu tố thời gian. Đối với nền vật lý Tương đối của Einstein, ông cũng xây dựng nên một hệ song song phi thời gian. Và trong nền vật lý Lượng tử, tư tưởng của ông xem ra cũng cho phép bỏ rơi khái niệm thời gian, như Rovelli nói ở trên. Khi đến tay Barbour, phương trình Wheeler-DeWitt được diễn giải dễ dàng, đây là bằng cớ toán học của một vũ trụ tĩnh tại, phi thời gian, như Barbour luôn luôn tin tưởng.

Dù đại diện cho một quan niệm kỳ dị, Barbour vẫn được coi trọng đặc biệt, ông có thể trở thành giáo sư của bất cứ trường đại học danh tiếng trên thế giới. Nhưng ông không màng đến mà rút về sống trong một trang trại tại quê nhà Oxfordshire và để như ông nói, “thưởng thức từng khoảnh khắc hiện tại, cuối cùng chúng là cái duy nhất tôi có”.

Hãy xem quan niệm Barbour là gì khi ông cho rằng “thời gian là một ảo giác”. Theo ông thời gian không hề có thực, nó sinh ra trong tâm ta khi chúng ta chứng kiến sự thay đổi. “Chính sự thay đổi sinh ra ảo tưởng thời gian” , ông nói. Nếu thế gian không có sự thay đổi, thiên thể không vận hành, cây lá không tăng trưởng, hòn than nóng không nguội dần... thì không có thời gian.

Thế nhưng tại sao trên đời lại có sự thay đổi? Theo Barbour thì thực ra cũng chẳng có sự thay đổi gì cả mà vũ trụ là một tập thể vĩ đại của những Chập Hiện tại mà ông gọi là “The Nows”, những cái đang là. Mỗi Chập Hiện tại là một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi nhưng chứa hết tất cả mọi yếu tố đang có, “toàn thể, trọn vẹn, tồn tại tự nó”. Khi ta sống, dường như chúng ta đi xuyên qua một loạt các Chập Hiện tại”. Ông nói “dường như” vì thực ra không có cái Tôi trong chập trước đi qua chập sau vì trong mỗi chập có cái Tôi, nhưng cái Tôi sau không phải là cái Tôi trước. Theo Barbour, con mèo khi búng chân nhảy lên và con mèo hạ chân xuống đất, hai con mèo đó khác nhau. Cái Tôi buổi sáng ăn điểm tâm và cái Tôi buổi tối lên giường đi ngủ đã khác nhau hàng vạn lần rồi.

Theo Barbour vũ trụ là tập hợp vô số các Chập Hiện tại, chúng tồn tại đồng thời. Các Chập Hiện tại đó có thể sánh như hàng tỉ trang sách rời rạc, mỗi trang vốn tự đầy đủ. Đối với mỗi cá thể, các trang sách đó xuất hiện theo một thứ tự riêng và từ đó mà ta gọi là đời sống, từ đó mà sinh ra ảo tưởng về thời gian. Và mỗi cá thể cứ tin cái Tôi của mình là bất biến qua thời gian, từ đó mà sinh ra quá khứ.

Quan niệm này của Barbour dẫn tới kết luận là vũ-trụ-tự-nó không có thời gian, tất cả đều đang có sẵn. Còn mỗi cá thể chúng ta tưởng nhằm có thời gian, có quá khứ nhưng thực ra tất cả chúng ta đều sống trong Hiện tại và chỉ có Hiện tại. Chúng ta không thể thoát khỏi Hiện tại, ngoài Hiện tại thì không có gì. Kể cả những ấn tượng thuộc quá khứ, khi chúng ta nhớ lại, thì chúng cũng chỉ diễn ra trong Hiện tại.

Barbour được nhiều nhà vật lý yêu mến vì là con người độc đáo nhưng quan niệm về vũ trụ và thời gian của ông không được nhiều người chia sẻ. Như ta biết, ngành vật lý đang ở trong một tình trạng kỳ lạ, đó là những mô tả của nó về thế giới thì được cả cộng đồng chấp nhận nhưng hệ quả diễn giải của nó về bản chất vũ trụ thì không ai đồng ý với ai.

3. Thời Gian Trong Nhân Minh Học Phật Giáo

Nhà vật lý J.Barbour và cộng đồng vật lý hiện đại chắc khó ngờ hơn 15 thế kỷ trước đã có một lý thuyết về vũ trụ rất gần gũi với các Chập Hiện tại của J .Barbour.

Tại Ấn Độ khoảng thế kỷ thứ 4 sau công nguyên có một nhân vật mang tên là Thế Thân. Thế Thân là vị đại luận sư nổi tiếng trong học phải Duy Thức của Phật giáo. Ông cũng phát triển một ngành học có tính lý luận mà Phật giáo gọi là Nhân Minh học. Trong dòng Nhân Minh học Phật giáo sau Thế Thân người ta phải kể đến các vị luận sư danh tiếng như Trần Na, Pháp Xứng.

Ngành Nhân Minh học được tác giả người Nga Th. Stcherbatsky trình bày trong tác phẩm kinh điển Buddhist Logic, một tác phẩm không thể thiếu cho những ai quan tâm đến Nhận thức và lý luận Phật giáo. Trong tác phẩm này độc giả tìm thấy một lý thuyết về Nhận thức luận, liên quan đến Thời gian và Không gian, được mệnh danh là Sát-na thuyết, hay thuyết về Tính khoảnh khắc của vũ trụ.

Sát-na (Ksana) là đơn vị thời gian vô cùng bé trong Phật giáo. Trong kinh văn cổ có nhiều ẩn dụ mô tả sự ngắn ngủi của sát-na, như phần trăm phần ngàn của cải chớp mắt. Nhưng ngày nay ta có thể xem sát-na là độ dài vi phân của thời gian mà toán học hay gọi là “dt”. Thuyết sát-na của Phật giáo cho rằng thực tại “nháng” lên trong một sát-na và lập tức biến mất. Chập sau nối tiếp chập trước và mỗi chập đầu hiện hữu tự nó, không có gì đi từ cái trước qua cái sau. Trần Na nói: “không có một thực tại tối hậu nào ngoài những chập hiện hữu tức thời và tách biệt”.

Th. Stcherbatsky viết: “Lý thuyết về Tính khoảnh khắc của vũ trụ cho rằng mọi thời độ, sự tồn tại lâu dài trong thời gian là do nhiều sát-na tiếp nối cái này sau cái kia tạo nên, mọi khoảng cách trong không gian được tạo nên do nhiều sát-na xuất hiện bên cạnh lẫn nhau và đồng thời, mọi chuyển động được tạo nên do những sát-na đó xuất hiện bên cạnh nhau và kế tiếp lẫn nhau. Vì vậy không có Thời gian, không có Không gian, không có Vận động trên những sát-na đó mà xuất phát từ chúng, những thể tính ảo tưởng đã được óc hư cấu của chúng ta xây dựng nên”.

Không khó để thấy thuyết các Chập Hiện tại của J.Barbour hoàn toàn trùng hợp với thuyết sát-na của Phật giáo. Điều khác biệt là thuyết sát-na còn triệt đễ hơn nữa, trong đó ta thấy ngoài Thời gian thì cả Không gian cũng do ảo giác của chúng ta sinh ra.

Con mèo nhảy lên và con mèo hạ chân xuống đất của Barbour là hai con khác nhau, tức là chẳng phải sự vận động một con mèo duy nhất. Thì cũng thế, trong thuyết sát-na Phật giáo cũng không có sự vận động. Cái mà ta tưởng là sự vận động chỉ là ảo giác. Sự vận động giống như một dãy đèn phát ánh sáng cái này sau cái kia và cho thấy một huyễn giác của một luồng sáng đang chạy. Sự vận động bao gồm có một loạt của những cái bất động. “Ánh sáng chạy’ , Thế Thân nói, “là một cách nói cho một sự phát sinh liên tục của những tia lửa nháng lên. Khi sự phát sinh ra này thay chỗ, ta gọi ánh sáng vận động, nhưng trong thực tế những tia lửa khác đã xuất hiện tại chỗ kế cận”.

Các “Chập Hiện hữu” của Trần Na vừa ngắn, vừa tách biệt lẫn nhau và nhất là không có cái gì đi từ chập trước ra chập sau. Điều này nghe qua có vẻ mới lạ, kể cả với người am hiểu Phật học. Thế nhưng đây chính là nội dung thuyết Vô thường Vô ngã của Phật khi nói về các pháp đang vận hành. Vì Vô thường nên các “Chập Hiện hữu” thay đổi từng sát-na. Vì Vô ngã nên không có gì đi từ chập trước ra chập sau cả, không có cái gì có định bất biến trong hiện hữu cả.

Các “Chập Hiện hữu” theo đuôi lẫn nhau cũng không tùy tiện mà tuân thủ nguyên lý Duyên khởi. Tịch Hộ nói: “Thật vậy, thực tại là động, thế giới là một ảnh tượng đang diễn biến. Tính nhân quả, tức là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa những khoảnh khắc, cái này sau cái kia, sinh ra huyễn giác của một sự ổn định hay sự lâu bền”.

Do đó thuyết sát-na của Phật giáo không phải là điều gì hoàn toàn mới mẻ mà thực ra chỉ là hệ quả của ba nguyên lý Vô thường, Vô ngã và Duyên khởi đã được lý giải tận cùng khi suy luận về hiện tượng trong vũ trụ. Trong ba nguyên lý đó thì Vô ngã là cái đặc sắc nhất, không hề có cái tương tự trong các tông phái và học thuyết xưa cũng như nay, không bao giờ được ngành vật lý cổ điển quan tâm.

Ngày nay khi nhà vật lý lượng tử khám phá ra tính bất định trong sự vận hành của các hạt, ngờ rằng hạt mà mình đang đo lường không phải là hạt “hồi nãy”, cũng như J. Barbour cho rằng con mèo hạ chân không phải là con mèo nhảy lên nữa, thì người ta đã dần đến với thuyết Vô ngã của Phật giáo mà không hề biết.

Phật thì khai thị về Vô ngã một cách vô cùng nhẹ nhàng, Ngài nói “trong cái thấy chỉ có cái thấy, trong cái nghe chỉ có cái nghe’”. Ngài không nói ai thấy ai nghe vì thực ra không có ai cả, chỉ có cái thấy cái nghe, hay nói như Barbour là Chập Hiện tại đang vận hành. Nếu nhà vật lý hỏi Phật cái gì là cơ bản trong vũ trụ, phải chăng Thời gian chỉ là ảo giác thì hẳn Phật sẽ trả lời, không những Thời gian mà cả Không gian cũng là ảo giác. Cái cơ bản trong vũ trụ là pháp đang vận hành, là Tứ niệm xứ, thân thọ tâm pháp. Các pháp đó vô tướng Vô tác, chúng không Vận hành gì cả, chúng chỉ nháng lên rất ngắn ngủi rồi biến mất. “Chập Hiện tại” của Barbour chính là thân thọ tâm pháp.

4. Kết Luận Cho Thiền Giả

Thời gian không có thực, chỉ là ảo giác, đó là niềm tin sắt đá của J. Barbour. Ông rút khỏi các viện hàn lâm danh giá để hàng ngày “thưởng thức từng khoảnh khắc hiện tại”. Nhà Vật lý độc đáo này đã đến với tri kiến sâu xa nhất của Phật giáo, bằng suy luận toán học và cũng có lẽ bằng trực giác vô cùng xuất chúng của các nhà vật lý ưu tú trong cấp độ của ông. Einstein cũng vậy, ông từng phân ưu như sau với gia đình của một người bạn mới mất: “Bây giờ thì ông đã rời thế giới kỳ lạ này, ra đi trước tôi đôi chút. Điều đó không có nghĩa gì cả. Những người như chúng tôi, những người tin nơi ngành vật lý, biết rằng sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng bất trị dai dẳng".

Barbour đi xa hơn, ông rút về quê “thưởng thức từng khoảnh khắc hiện tại”. Đó phải là thái độ của Thiền giả, những người chủ động theo con đường của Phật. Thế nhưng không phải ai hành thiền cũng được như vậy, mà ngược lại nhiều người xem hành thiền là một bài tập luyện tâm nhọc nhằn và đầy dụng công, gắng sức. Trở ngại lớn nhất khi hành thiền là tin có cái Tôi đang hành thiền, có thành công. có thất bại, có tiến bộ, có sở đắc. Cái Tôi đó rất sợ bị vọng tướng xuất hiện, sợ bị quá khứ, bị tương lai xâm chiếm, chỉ mong bắt gặp cái Hiện tại mà Hiện tại chỉ là một sát-na quá ngắn. Mang cái Tôi đó đi vào Thiền chỉ sinh thêm phiền não.

Nay, ngay cả Barbour cũng chỉ ra rằng, thế gian không có gì khác ngoài Hiện tại, chúng ta chìm ngập trong Hiện tại mà không biết đó là Hiện tại. Vọng tưởng, quá khứ, tương lai... cũng đều là Hiện tại cả vì tất cả đang xuất hiện. Hiện tại không phải là một khung cửa hẹp của một sát-na ngắn ngủi mà đang hiện ra bao la vô tận, bên trong và bên ngoài.

Nếu gọi Hiện tại là Đạo thì không có chỗ nào không phải là Đạo. Thế nên mới có câu chuyện một vị tăng ra chợ nghe người ta mua thịt. Người mua nói “Cho tôi miếng thịt ngon”. Người bán trả lời “Miếng nào mà chả ngon”. Vị tăng tức khắc ngộ đạo. Thế nên Tăng Xán mới nói “Chỉ vì phân biệt mới thành khó” (Duy hiềm giản trạch). Khắp nơi là Hiện tại nên Đạo Ngộ mới nói “ngay đó là Đạo”.

Ngồi Thiền như ngồi chơi, như Barbour rút về quê, đường đạo thênh thang, ở đâu cũng là đạo tràng.

-------o0o-------

Trích “ĐƯỜNG RỘNG THÊNH THANG”

Nguyễn Tường Bách

NXB: Hồng Đức, 2015

Bài viết liên quan