TÌM KIẾM CHÂN LÝ - POWER VS FORCE – DAVID R.HAWKINS

TÌM KIẾM CHÂN LÝ

POWER VS FORCE – DAVID R.HAWKINS

---o0o---

Chúng ta phải thừa nhận rằng, để phục vụ cho mục đích vận hành cuộc sống thường nhật, thì bất kể điều gì khiến một người cảm thấy bị thuyết phục dựa trên các xét đoán chủ quan tại cấp độ nhận thức hiện tại của người đó đều là chân lý, mặc dù thoạt tiên điều này nghe có vẻ thật cay nghiệt. Ở các cấp độ nhận thức thấp, các tuyên bố được chấp nhận là đúng...
TÌM KIẾM CHÂN LÝ - POWER VS FORCE – DAVID R.HAWKINS

Chúng ta phải thừa nhận rằng, để phục vụ cho mục đích vận hành cuộc sống thường nhật, thì bất kể điều gì khiến một người cảm thấy bị thuyết phục dựa trên các xét đoán chủ quan tại cấp độ nhận thức hiện tại của người đó đều là chân lý, mặc dù thoạt tiên điều này nghe có vẻ thật cay nghiệt. Ở các cấp độ nhận thức thấp, các tuyên bố được chấp nhận là đúng ngay cả khi chúng phi logic, vô căn cứ, và thể hiện những nguyên lý chẳng thể chứng minh bằng tri thức hay thực tế. Đây không phải là một hiện tượng chỉ giới hạn trong “các thành phần cực đoan”. Có một sự việc xảy ra ở tần suất dày đặc hơn nhiều so với tần suất mà chúng ta muốn thừa nhận, đó là những người vô tội bị tuyên án và bỏ tù chỉ vì lời khai của những kẻ làm chứng rõ ràng mang tư duy phi lý và thiên lệch. Xét trên bình diện toàn cầu, những cuộc chiến tranh bất tận đều xuất phát từ nền tảng chung là một niềm tin điên rồ vào tính công bằng của hành động trả thù – thứ gần như chắc chắn khiến xung đột không bao giờ chấm dứt.

Ngoài một vài ngoại lệ hiếm hoi, còn lại, ngay cả những tôn giáo tỏ ra là đại diện cho lời răn của “Chúa Bình An” (Jesus) cũng chưa bao giờ ngăn cấm chiến tranh hoặc chưa từng ngăn cản việc con người giết hại đồng loại trong các hoàn cảnh mà họ cho là “chính đáng” – tất nhiên, hành động ấy chỉ chính đáng đối với những kẻ thực hiện hành vi giết người, còn nạn nhân của họ có lẽ chẳng bao giờ chấp nhận lối biện bạch này. Dù hoàn toàn đi ngược với những nguyên tắc nền tảng của một đức tin, song những kiểu hành vi tự mâu thuẫn như vậy không gây nhiều bất ngờ nếu ta áp dụng lối phân tích nhân tố tới hạn để tính điểm hiệu chỉnh quá trình tiến triển (hay thoái hóa) theo thời gian của những lời răn tâm linh.

Chúng ta có thể áp dụng phương pháp này để khảo sát những giáo lý lỗi lạc nhất trên thế giới.

(Hãy lưu ý tới sự chênh lệch điểm số: Điểm của các nhóm tôn giáo thay đổi theo thời gian do những thay đổi trong chính sách của họ. Vì thế, trong ấn bản tái bản lần này, chúng tôi đưa vào cả các giá trị từng được liệt kê trong cuốn Truth vs. Falsehood xuất bản năm 2005 dưới dạng con số trong ngoặc đơn. Được xuất bản sau Power vs. Force mười năm, Truth vs. Falsehood cung cấp những phân tích mở rộng và điểm của các nhóm tôn giáo, các pháp tu tâm linh, và các tác phẩm Kinh Thánh cụ thể. Ngoài ra, nếu tính điểm hiệu chỉnh một đối tượng nhiều lần, sự nhấn mạnh đó có thể góp phần làm thay đổi kết quả hiệu chỉnh.)

Cơ Đốc giáo

Cấp độ của chân lý do Chúa Jesus cắt nghĩa từ thuở sơ khai đạt 1.000 điểm – mức cao nhất có thể đạt đến trên mặt bằng này. Tuy nhiên, tới thế kỷ thứ hai, cấp độ chân lý trong việc thực hành lời răn của ngài giảm xuống còn 930, và tới thế kỷ thứ 6 thì giảm xuống còn 540. Đến thời điểm diễn ra các cuộc thập tự chinh, tức vào đầu thế kỷ thứ 11, cấp độ chân lý đã giảm xuống tới mức điểm hiện hành của nó là 498. Vào năm 321, cấp độ chân lý bị suy giảm nghiêm trọng nguyên nhân rõ ràng là do Hội đồng Nicaea đã phát tán lối diễn giải giáo lý sai lầm của họ. Những sinh viên ngành lịch sử tôn giáo sẽ cảm thấy thú vị nếu họ tính điểm cho cấp độ chân lý của Cơ đốc giáo khi giáo lý này được thực hành vào trước và sau thời kỳ thánh Paul, thánh Constantine và thánh Augustine.

Cần lưu ý rằng phiên bản dịch kinh Tân Ước từ tiếng Aram của Lamsa (Kinh Thánh phiên bản Lamsa) đạt 750 điểm, trong khi đó Kinh Thánh phiên bản King James dịch từ tiếng Hy Lạp đạt 500 điểm. Các bản dịch khác nhau có cấp độ chân lý biến hóa phong phú như thế nào thì cấp độ chân lý của các lối thực hành Cơ đốc giáo khác nhau cũng muôn hình vạn trạng như thế ấy. Hầu hết các giáo phái chính – Công giáo La Mã, Anh giáo, khoa học Cơ đốc giáo và nhiều giáo phái nhỏ, chẳng hạn như phái Giáo hữu (Quaker) – đều đạt từ 550-600 điểm. (Năm 2005, điểm của các giáo phái Cơ đốc chính dao động từ 310 – 535.) Các diễn giải chuyên biệt, chẳng hạn như Khóa học về những điều kỳ diệu trong thời đương đại hay thuyết thần bí của Meister Eckhart vào thế kỷ thứ 14, đạt 600 – 700 điểm. Tuy nhiên, cũng giống với trường hợp của Hồi giáo, điểm của các nhóm theo trào lưu thống cực đoan với các chương trình nghị sự nhuốm màu chính trị và phản động rõ rệt có thể thấp đến mức 125 hoặc thậm chí thấp hơn nhiều.

Phật giáo

Cấp độ chân lý của các lời dạy của Đức Phật thuở ban đầu cũng đạt 1.000 điểm. Tuy nhiên, tới thế kỷ thứ 6, cấp độ chân lý trong các pháp thực hành lời dạy của ngài trung bình đã giảm xuống còn 900. So với các tôn giáo khác, lời dạy của Đức Phật bị biến chất ít nhất: Phật giáo Tiểu thừa vẫn đạt 850 điểm; Phật giáo Đại thừa đạt 950 điểm; pháp thực hành của Phật giáo Thiền tông hiện tại đạt từ 600 – 700 điểm. (Năm 2005, điểm của các nhánh chính trong Phật giáo dao động từ 405 đến 960.)

Hindu giáo

Những lời dạy của Thần Krishna đạt 1.000 điểm và bị suy giảm rất chậm theo thời gian, vì thế cấp độ chân lý của pháp thực hành hiện tại vẫn đạt 850 điểm hoặc cao hơn. (Năm 2005, điểm của các dòng Yoga chính dao động từ 390 đối với “Hatha Yoga” tới 975 đối với “Jnana Yoga”.)

Do Thái giáo

Lời dạy của Abraham đạt 985 điểm; các pháp thực hành lời dạy của ngài trong thời Moses đạt 770 điểm; cấp độ chân lý của Kinh Talmud đạt 665 điểm (thực hiện tính điểm hiệu chỉnh vào năm 2011). Do Thái giáo hiện đại đạt 499 điểm. (Năm 2005, điểm của các nhánh chính trong Do Thái giáo dao động từ 550 – 605, trong đó Kinh Zohar đạt 905 điểm.) Kinh Cựu Ước đạt 475 điểm.

Hồi giáo

Cấp ý thức của Mohammed có sự biến đổi. Kinh Cô-ran đạt 700 điểm (thực hiện vào năm 2011). Tinh thần nòng cốt của đức tin Hồi giáo đề cao sự chấp nhận đầy nhân ái và sự an yên trong tâm hồn, nhưng các pháp thực hành của đức tin này ngay từ buổi đầu trong tiến trình phát triển của nó đã bị quện chặt với các hoạt động chính trị nhằm mở rộng lãnh thổ dưới hình thức cuộc thánh chiến jihad, tức chiến tranh tôn giáo. Đến cuối giai đoạn Thập tự chinh, cấp độ chân lý của những lời dạy thuộc giáo lý này đã sụt giảm trầm trọng. Trong thời kỳ hiện đại, sự lên ngôi của các phong trào tôn giáo dân tộc cuồng tín với hai đặc trưng là hoang tưởng và bài ngoại đã khiến cho tinh hoa của đức tin này bị xói mòn với một tốc độ chóng mặt. Hiện nay, giáo lý của chủ nghĩa Hồi giáo chính thống bạo lực có cấp độ chân lý dao động từ 90 – 130. (Năm 2005, điểm của Hồi giáo dao động từ 30 đối với chủ nghĩa Wahhabi cho tới 700 đối với Sufi giáo.)

 

Nhìn vào sự suy giảm cấp độ chân lý của những tôn giáo lớn trên thế giới, chúng ta nhận thấy, trải qua nhiều thời đại, những tôn giáo “âm” nhất vẫn còn tương đối thuần khiết, trong khi những tôn giáo “dương” hơn (tức những tôn giáo có liên quan đến các vấn đề của thế giới) đã suy thoái đáng kể, cho đến khi các bè phái chống đối cực đoan bạo lực của những tôn giáo hung hăng nhất đã thực sự tụt xuống dưới mức 200, tức mức tới hạn của tính toàn vẹn. Tín ngưỡng càng mang tính nhị nguyên càng dễ bị diễn giải sai. Nhị nguyên thúc đẩy sự phân tách giữa niềm tin và hành động cùng sự phân biệt giữa các cấp độ chân lý. Khi điều này xảy ra, người ta có thể nhầm lẫn về bản chất tâm linh của tín ngưỡng trong quá trình diễn giải nó thành biểu hiện vật lý. Vì thế, khái niệm Chiến binh Cơ đốc (của tinh thần) qua lối diễn giải “phàm tục” và méo mó sẽ trở thành một kẻ giết người đầy ngụy biện nơi trận mạc.

Các tín đồ Hindu giáo đã không mắc phải lỗi rắc rối hóa các cấp độ diễn giải giáo lý; họ chưa bao giờ diễn giải sai cuộc chiến được mô tả trong phần mở đầu của Chí Tôn Ca để ngụ ý rằng Thần Krishna dạy các tín đồ của ngài nên tham gia vào một chiến trường thật sự. Theo quan điểm của Đức Phật, sự vô minh – thứ mà ngài cho là “tội ác” duy nhất có thể xảy đến – là căn nguyên của mọi nỗi đau đớn và thống khổ, và nghĩa vụ của mỗi người là sống nhân ái và cầu an cho những người chung quanh. Quan điểm ấy khó có thể bị bóp méo theo những cách đã mô tả.

Từ trước đến nay, tất cả những giáo lý cao quý bị suy giảm giá trị đều là do lối diễn giải sai lầm của những người kém giác ngộ hơn; mỗi cấp ý thức định sẵn năng lực nhận biết và lĩnh hội hạn chế của riêng nó. Trừ phi một người tự đưa anh ta đến chỗ giác ngộ hoặc ít nhất được trải nghiệm những trạng thái ý thức cao cấp, bằng không mọi giáo lý sẽ mãi chỉ là lời đồn thổi và do đó rất dễ bị bóp méo và diễn giải sai. Kinh Thánh có thể được trích dẫn để biện minh cho một quan điểm bất kỳ. Những kẻ “đúng đắn” luôn luôn nguy hiểm bởi họ mang nhận thức thiếu cân bằng và từ đó mà có thái độ thờ ơ trước bạo lực tinh thần. Trong bất kỳ một tôn giáo nào, các giáo phái theo chủ nghĩa chính thống luôn luôn có điểm thấp nhất; ý thức của họ thường vận hành ở cùng cấp độ với tội ác; đặc trưng của họ là chủ nghĩa cực đoan và sự phi lý đầy vị kỷ. Nhưng với 85% dân số loài người hiện nay có điểm dưới ngưỡng tới hạn 200, sai lầm rất dễ bị phát tán và sẵn sàng được chấp nhận trên toàn thế giới.

Các nhóm cuồng tín mọc lên như nấm bởi vì quần chúng nói chung không có một tiêu chí khách quan nào để phân biệt giữa sự thật và sự giả dối. Sử dụng những công cụ của nghiên cứu này, chúng ta có thể nhận dạng một phong trào tâm linh tự xưng bất kỳ có điểm dưới mức 200 là một “nhóm cuồng tín”. Như chúng ta đã thấy ở trên, các nhóm cuồng tín không chỉ là những hiện tượng riêng biệt mang tính nổi loạn mà chúng còn phát triển mạnh mẽ dưới dạng các tiểu nhóm vốn vẫn được dung chứa trong cộng đồng các tôn giáo lớn trên thế giới; chúng xuyên tạc và làm biến chất chủ định tốt đẹp ban đầu của giáo lý.

Kỳ thực, các nhóm cuồng tín không nhất thiết phải chính thức mang tính tôn giáo. Tất nhiên, kiểu cuồng tín cực đoan nhất là tư tưởng bài tôn giáo trên cơ sở bài thánh thần mà chúng ta vẫn biết đến dưới cái tên “Satan giáo”. Satan giáo không hề có một chương trình nghị sự tôn giáo rõ rệt nào, bởi nó đã tự thể hiện các đặc điểm của mình thông qua phép đối chọi và sự đảo ngược các nguyên tắc hòa ái. Và nó vẫn luôn tồn tại song hành cùng chúng ta dưới dạng này hoặc dạng khác. Bởi vì cái đi lên ám chỉ cái đi xuống, và ánh sáng ám chỉ bóng tối, nên cuộc tìm kiếm chân lý và sự cam kết hướng tới những cấp độ tâm linh cao hơn được tổ chức về mặt xã hội của loài người vẫn luôn ám chỉ sự truyền bá điều giả dối và sự phục tùng những trường năng lượng ở cấp thấp nhất được tổ chức về mặt xã hội. Trên thực tế, việc khảo sát bản chất của tư tưởng bài tôn giáo chứng minh cho sức hủy diệt khổng lồ của các trường năng lượng tiêu cực. Đáng tiếc thay, chúng ta đã có sẵn rất nhiều bằng chứng.

Các cạm bẫy của Satan giáo trá hình phát tán dưới dạng các trào lưu văn hóa nổi tiếng trong giới thanh thiếu niên, với phương tiện biểu đạt chính là một dòng nhạc công khai. Nhưng trong những cạm bẫy này tàng ẩn các nguyên tắc vốn là thứ sản ra các trường điểm hút. Bất kỳ bác sỹ lâm sàng đang chữa bệnh gần khu vực đô thị nào cũng đều quá quen thuộc với những tác động của các trường điểm hút này. Sự tàn phá của các trường năng lượng được biểu hiện ở khả năng làm nảy sinh bệnh tật. Nạn nhân trở nên tê liệt và không thể phân biệt giữa cái thiện và cái ác; sự đảo lộn giá trị này có thể được phát hiện bằng thăm khám lâm sàng. Điều có thể nhận thấy rõ ở những người chịu ảnh hưởng thường xuyên của Satan giáo là những hệ kinh mạch “bung bét” cùng sự mất đồng bộ của các cầu não khi chúng hồi đáp các mẫu hình tiêu cực lặp đi lặp lại của loại âm nhạc có liên hệ với Satan giáo. Rốt cục, họ rơi vào một trạng thái thôi miên, và ở trạng thái này, họ rất dễ bị những ca từ đầy bạo lực và báng bổ tác động. Hiểu theo cách này, những đứa trẻ nọ dần trở thành nô lệ theo đúng nghĩa đen; chúng có khuynh hướng ngả theo mệnh lệnh của những trận phá hủy phi lý xảy ra sau đó mà “không biết vì sao” mình lại hành động như vậy, bởi vì chúng đang thực thi theo mệnh lệnh của những lời xúi bẩy vô thức đã ngấm vào tâm trí chúng trong lúc bị thôi miên. Nhưng ảnh hưởng ấy rất dai dẳng.

Rất lâu sau khi thứ nhạc kia tắt hẳn, cơ thể của đám trẻ cùng hệ miễn dịch của chúng vẫn tiếp tục bị suy yếu, cùng với đó, các hồi đáp vận động học của chúng cũng bị đảo lộn. Những tác nhân kích thích tiêu cực lẽ ra sẽ khiến một người bình thường bị suy yếu thì giờ đây lại gây nên một phản ứng thử mạnh, trong khi đó, những tác nhân kích thích có thể khiến một người bình thường trở nên mạnh mẽ thì giờ đây lại làm sản sinh một phản ứng thử yếu. Do không ý thức rằng mình đang là nạn nhân của một trường năng lượng tiêu cực rất mạnh nên những người gia nhập văn hóa này đôi khi trở nên phục tùng tuyệt đối trước những thế lực vượt xa khả năng hiểu biết của họ mà không cách gì thoát ra được. Trước sự bạo hành về mặt thể chất, cảm xúc và tình dục như vậy, trạng thái cân bằng của chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ của những thanh thiếu niên này có thể sẽ bị tổn thương vĩnh viễn. Đến lúc trưởng thành, chúng sẽ rơi vào trạng thái trầm cảm mãn tính, thích kết giao với những đối tác ưa bạo hành, và vĩnh viễn bị dằn vặt bởi niềm thôi thúc muốn tự tử – trên thực tế, ý muốn này là biểu hiện cho một dấu vết còn sót lại của lời xúi bẩy từng ngấm vào trí óc chúng trong những lần bị thôi miên thuở nhỏ.

Có lẽ chúng ta không muốn thừa nhận rằng một căn bệnh tâm linh như vậy – một căn bệnh gợi nhắc về những Thời kỳ Tăm tối xưa kia – giờ đây vẫn có thể phát huy độc tính của nó trong xã hội dường như đã được khai sáng hiện tại. Nhưng những ảnh hưởng tai ác như vậy không phát tác trong một môi trường tinh thần biệt lập hoặc không khởi phát từ một ma trận xã hội chưa tích hợp sẵn các tiền đề cho sự phát triển của chúng. Nghịch lý của một xã hội khắt khe là nó khơi gợi sự cám dỗ thường trực nhưng lại phủ nhận sự thỏa mãn, vì thế mà những phương thức giải tỏa thông thường chỉ gây nên một nỗi buồn bực dai dẳng, để rồi rốt cục, nỗi bực bội ấy tìm chỗ trút xả trong những phương thức giải tỏa tai quái. Nếu xem xét kỹ lưỡng hơn, chúng ta có thể nhận thấy các yếu tố khác của cái mà ta gọi là “nền văn minh” trên thực tế cũng dung dưỡng cho sự tồn tại dai dẳng của nó.

 

Người ta dùng các trò chơi chuyên tôn vinh bạo lực trên ti-vi và máy tính để lập trình tâm trí của đám trẻ, đồng thời dùng các chương trình truyền thông cho người lớn để tẩy não cha mẹ chúng. Thử nghiệm vận động học từng cho thấy, chỉ trong vẻn vẹn thời lượng một tập của một chương trình  truyền hình tương đối điển hình, nội dung của nó đã khiến các đối tượng tham gia thí nghiệm bị suy yếu đi nhiều lần. Tất cả các sự kiện gây suy yếu này đã ức chế hệ miễn dịch của người xem. Mỗi đợt suy yếu phản ánh một thương tổn mà hệ thần kinh trung ương cũng như hệ thần kinh tự chủ của người xem phải hứng chịu. Đi kèm với sự phá vỡ hệ thống kinh mạch này luôn luôn là sự ức chế tuyến ức; mỗi chấn thương đều gây hại cho hệ thống dẫn truyền thần kinh và hệ thống hormone thần kinh vốn mỏng manh của não bộ. Mỗi một nội dung tiêu cực đưa người xem tiến gần hơn đến kết cục chung cuộc là bệnh tật và trầm cảm – một trong những căn bệnh phổ biến nhất trên thế giới ngày nay.

Các cấp độ khó nhận biết của trầm cảm cận lâm sàng gây ra một con số tử vong cao hơn so với tổng số nạn nhân của tất cả các căn bệnh khác của loài người cộng lại. Không một thứ thuốc chống trầm cảm nào có thể chữa khỏi một chứng trầm cảm có nền tảng tâm linh, bởi vì căn bệnh ấy không bắt nguồn từ trục trặc của não bộ mà từ một hồi đáp chính xác trước sự báng bổ sự sống. Thể xác là sự phản ánh của tinh thần trong biểu hiện vật lý của nó, và các vấn đề của thể xác là sự kịch tính hóa các cuộc đấu tranh của tinh thần – cái đem lại sự sống cho thể xác. Một niềm tin mà chúng ta quy cho là “ở ngoài kia” sẽ gây nên những tác động “ở trong này”. Tất cả mọi người đều chết dưới chính bàn tay của mình. Đó là thực tế lâm sàng khắc nghiệt, không phải một quan điểm đạo đức.

 

Trên thực tế, nỗ lực áp đặt những tiêu chuẩn để phán khuynh hướng trở thành cái Ác và cái Thiện tuyệt đối là một trong những cái bẫy đạo đức nguy hiểm nhất. Nhưng nếu không nhìn mọi thứ bằng lăng kính đạo đức, chúng ta có thể chỉ cần nói một cách đơn giản thế này: bất cứ điều gì hoặc thứ gì có điểm trên 200 đều củng cố sự sống và vì thế có thể được định nghĩa là “tốt”; trong khi đó, bất cứ điều gì hoặc thứ gì có điểm dưới 200 đều gây hại và hủy hoại sự sống và do đó, xét theo chức năng, ta có thể tuyên bố nó là “tiêu cực”. Bằng thử nghiệm, chúng tôi có thể chứng minh rằng một giả thuyết sai lầm kiểu như “mục đích biện minh cho phương tiện” là tiêu cực nếu xét về phương thức vận hành, thế nhưng lối biện bạch vốn vẫn được áp dụng cho phần lớn hành vi của loài người này – từ những lỗi vụn vặt trong thương mại đến những hành động tàn ác trong chiến tranh – lại thường xuyên được chấp nhận. Sự tối nghĩa trong kiến giải về tâm linh như vậy – sự nhập nhằng mà rốt cục sẽ dẫn đến những nhầm lẫn không thể cứu vãn giữa cái tốt và cái xấu (xét theo chức năng) – vẫn luôn là “gót chân Asin” của xã hội loài người.

Chính quá trình xuyên tạc chân lý thông qua nhận thức thiếu sáng suốt này đã tạo điều kiện dẫn đến sự sa sút trong các nền tôn giáo lớn của thế giới (như chúng tôi đã lưu ở trên). Những tôn giáo giảm xuống còn ở mức dưới 500 có thể vẫn rao giảng về lòng yêu thương nhưng sẽ không có khả năng thực hành yêu thương. Và không một hệ thống tôn giáo khuyến khích chiến tranh nào có thể tuyên bố về quyền lực tâm linh của họ mà không mang thái độ đạo đức giả trắng trợn rồi lớn tiếng phán xét nhiều con người trung thực là vô thần.

Cả xã hội dễ bị tấn công nhất khi năng lực phân biệt giữa cái thu hút và cái bắt chước, hoặc năng lực nhận biết các sắc thái của các cấp ý thức khác nhau, bị cùn mòn. Đây là nguyên nhân khiến lạm dụng dân sự trở thành luật pháp; là cơ sở để những kẻ mang tư tưởng chính trị cực đoan thuyết phục dân chúng bằng những khẩu hiệu chính đáng. Những đứa trẻ sinh ra từ bạo lực trở thành kẻ gây nên bạo lực, bởi vì một xã hội đầy hoang mang vốn đã đánh mất năng lực phân biệt cần thiết để bảo vệ ý thức của chính nó thì khó có thể hi vọng bảo vệ nổi thế hệ trẻ của nó.

Cấp ý thức của một cá nhân được xác định nhờ các nguyên tắc mà cá nhân đó cam kết tuân thủ. Muốn duy trì chiều hướng đi lên của ý thức, cá nhân ấy không được có bất kỳ sự dao động nào về nguyên tắc, bằng không anh ta sẽ bị rơi xuống một cấp ý thức thấp. Cái gọi là tính chính đáng chưa bao giờ làm nên một lời biện hộ hoàn chỉnh. Nếu giết hại đồng loại là sai, thì nguyên tắc ấy không cho phép xảy ra bất kỳ một ngoại lệ nào, dù niềm tin được đưa ra để bao biện cho ngoại lệ kia có tỏ ra thuyết phục về mặt cảm xúc đến đâu chăng nữa. Như vậy, một xã hội dung thứ cho hình phạt tử hình sẽ luôn gặp vấn đề với tội giết người. Cả hai đều là sản phẩm của cùng một cấp nhận thức. Đối với kẻ giết người, việc sát hại nạn nhân cũng là một ngoại lệ chính đáng.

Một khi một nguyên tắc bị chọc thủng, hình thái bị biến đổi của nó sẽ nhân rộng, giống như ung thư. Một xã hội hậu thuẫn cho việc giết người – dù hành động này xảy ra trong chiến tranh, hoặc do cảnh sát hay hệ thống hình sự thi hành – thì đồng thời với đó, nó cũng không thể ngăn chặn “tội” giết người một cách hiệu quả. Giết người là giết người; không gì có thể thoát khỏi chân lý đó. Quyết định giết người hay không giết người là một vấn đề cơ bản trên con đường đi tới sức mạnh thực sự; nhưng có đến 85% dân số thế giới hoặc hầu như chưa có bất kỳ một chính quyền nào trên toàn cầu từng thử thực hiện bước đi sơ đẳng này. Koko, cô khỉ đột nổi tiếng từng là cư dân của Viện Nghiên cứu Linh trưởng, đã làm việc cùng một nhà tâm lí học trong nhiều năm và phát triển nên một bộ từ vựng ngôn ngữ ký hiệu tinh vi. Cô rất trung thực, trìu mến, thông minh, và đáng tin cậy; tính chính trực của cô đạt 250 điểm. Và như vậy, ở bên cạnh cô khỉ đột Koko này còn an toàn hơn là sống cùng 85% người dân trên hành tinh này.

Những tổn thương mà “con mắt tâm linh” của con người phải gánh chịu đã khiến họ trở nên mù mờ trong các vấn đề đạo đức và hoàn toàn mất khả năng nhìn ra chân lý; tình trạng ấy gây sầu khổ cho 85% dân số trên trái đất – những người vẫn nán lại ở bên dưới cấp chính trực tới hạn. Vấn đề lớn mà toàn nhân loại với tư cách một khối thống nhất đang phải đối mặt là làm sao chữa lành bệnh mù tâm linh này. “Vấn đề” mang tính tức thời hơn liên quan đến cái mà chúng ta gọi là cái Tốt và cái Xấu (thứ luôn làm trọng tâm của xã hội chúng ta đi chệch hướng) chỉ tồn tại như một chức năng của nhận thức vốn có nền móng ở những cấp ý thức thấp hơn. Trẻ em khi còn bé được dạy rằng những hành vi nguy hiểm là “sai”, nhưng càng lớn lên, chúng càng nên biết thay những lời rao giảng đạo đức bằng nhận thức tự thân. Câu hỏi “Giết hại đồng loại là sai hay không sai?” có thể là một song đề ở các cấp ý thức thấp; nhưng ở các cấp ý thức cao, cũng chính câu hỏi ấy lại trở nên lố bịch và thậm chí là không thể tưởng tượng nổi. Vì thế, đạo đức quy ước chỉ là sự thay thế nhất thời cho một năng lực của ý thức cao cấp hơn. Sự rao giảng đạo lý, một phụ phẩm của nhị nguyên, mất dần tầm quan trọng khi cấp ý thức tiến qua các mức trong khoảng 500, và khi cấp ý thức đạt 600 thì nó mất hẳn tính liên quan.

Để đạt một mục tiêu đơn giản là chạm đến giai đoạn vận hành chủ yếu từ lý trí, ý thức của một người cũng phải trải qua một quá trình tiến hóa trọng yếu nhằm vươn đến cấp trong khoảng 400 – một cấp ý thức rất giàu sức mạnh trong xã hội thế giới. Freud, Einstein, và Descartes từng đạt 499 điểm, tức đồng cấp với chủ nghĩa nhân văn. Nhưng lý trí, vốn rất dễ bị mất quan điểm khi một cá nhân chỉ quan tâm đến ý kiến của anh ta, xét về lâu dài chưa bao giờ cung cấp cho con người bất kỳ hiểu biết đích xác và vững chãi nào về đạo đức, hoặc thậm chí cả về trí tuệ. Ngược lại, hết lần này đến lần khác, nó đã dẫn dắt chúng ta đi từ đống hỗn loạn của sự thiếu hiểu biết đến một mê cung trí não cũng rắc rối không kém. Trong một thế giới nơi sự mơ hồ phủ bóng lên một bộ phận lớn dân số, chúng ta cần biết bao một thước đo chính xác, đáng tin cậy, có thể được xác minh một cách khách quan, để đo lường chân lý. Hi vọng rằng, nghiên cứu này đã giới thiệu cho chúng ta một công cụ như vậy. Sự truyền thụ ảnh hưởng chân lý vào ý thức tập thể của con người, dù ở bất kỳ mức độ nào, cũng cho ta lý do để hi vọng nhiều hơn so với những thứ có nguy cơ chắc chắn là một cái tổng thể tương đối mờ mịt.

Chúng ta đã chứng minh rằng ý thức có khả năng nhận biết bất kỳ thay đổi năng lượng nào ở mức độ log10 (tới âm vô cực). Điều này có nghĩa là trong toàn vũ trụ không có sự kiện nào có thể xảy ra mà sự nhạy cảm sắc bén của bản thân ý thức lại không thể phát hiện. Năng lượng của ý nghĩ con người dù rất nhỏ song chắc chắn vẫn có thể đo đạc được. Giá trị đo được của một ý nghĩ phát ra từ cấp độ ý thức biết; tuy mỗi cấp độ chân lý lại là bất khả nhận biết đối với những cấp độ ý thức 100 thường sẽ dao động trong khoảng từ log 10-800000000 đến 10-700000000 microwatt. Mặt khác, giá trị đo được của một ý nghĩ nhân ái ở cấp ý thức 500 xấp xỉ log 10-35000000 microwatt.

Mặc dù chỉ 15% dân số thế giới có cấp độ ý thức nằm trên ngưỡng tới hạn 200, song sức mạnh tập thể của 15% đó đủ nặng để đối trọng với sự tiêu cực của 85% dân số còn lại. Bởi vì các nấc của thang sức mạnh tiến theo cấp logarit, nên chỉ cần một Thần Giáng Thế đơn lẻ ở cấp ý thức 1.000 cũng có thể và trên thực tế chắc chắn hoàn toàn đối trọng được với sự tiêu cực tập thể của toàn nhân loại. Thử nghiệm vận động học đã cho thấy:

Một cá nhân ở cấp 700

đối trọng với

70 triệu cá nhân ở dưới cấp 200

Một cá nhân ở cấp 600

đối trọng với

10 triệu cá nhân ở cấp dưới 200

Một cá nhân ở cấp 500

đối trọng với

750.000 cá nhân ở cấp dưới 200

Một cá nhân ở cấp 400

đối trọng với

400.000 cá nhân ở cấp dưới 200

Một cá nhân ở cấp 300

đối trọng với

90.000 cá nhân ở cấp dưới 200

12 cá nhân ở cấp 700

bằng

một Thần Giáng Thế ở cấp 1.000

 

Khi cuốn sách này mới được bắt tay thực hiện, có mười hai người trên hành tinh này đạt trên 600 điểm. Tuy nhiên, vào tháng 5 năm 2006, chỉ còn sáu người: ba người ở trong khoảng 600, một người ở trong khoảng 700, một người trong khoảng 800, và một người trong khoảng từ 900.

Nếu không có những đối trọng này, nhân loại đã tự hủy diệt do khối tiêu cực khổng lồ không đối thủ của nó. Tuy nhiên, sự chênh lệch sức mạnh giữa một bên là ý nghĩ nhân ái (10-35000000 microwatt) với một bên là ý nghĩ khiếp sợ (10-750000000 microwatt) khổng lồ đến nỗi nó thậm chí vượt xa khả năng nhận biết của trí tưởng tượng con người. Từ phân tích trên đây, chúng ta có thể thấy, thậm chí chỉ một vài ý nghĩ nhân ái xuất hiện trong một ngày với sức mạnh khổng lồ của chúng cũng thừa đủ để đối trọng với tất cả ý nghĩ tiêu cực của chúng ta.

Như chúng tôi đã nói, nhìn từ một quan điểm mang tính hành vi xã hội thì chân lý là một tập hợp các nguyên tắc mà dựa trên đó mọi người sống đời sống của họ, bất kể họ phát ngôn về niềm tin của bản thân thế nào chăng nữa. Chúng ta đã thấy có chân lý chủ quan, chân lý xét trên phương diện vận hành, chân lý giả định, và chân lý xét trên phương diện trí tuệ; rồi lại có cả chân lý thực tế. Tính chính thống của bất kỳ chân lý nào trong số các chân lý này đều phụ thuộc vào bối cảnh của một cấp nhận thức nhất định. Chân lý không thể vận hành nếu nó không mang ý nghĩa, và ý nghĩa, giống như giá trị, lại phụ thuộc vào một trường nhận thức độc đáo duy nhất. Các dữ kiện và dữ liệu có thể mang nhiều sức thuyết phục ở cấp nhận thức này song lại trở nên không liên quan ở một cấp nhận thức khác. Tính hiệu lực về mặt chức năng của thông tin được tiếp nhận cũng thay đổi theo cấp trí tuệ và năng lực tiếp thu của tâm trí người tiếp nhận. Muốn phát huy tác dụng, chân lý không chỉ đơn giản cần phải “đúng” mà còn phải có khả năng được nhận biết; tuy nhiên ở mỗi cấp độ chân lý lại là bất khả nhận biết đối với những cấp độ ý thức ở bên dưới nó và vô hiệu lực đối với những cấp ở trên nó. Như vậy, có thể kết luận rằng cả các loại chân lý như chúng ta biết trong phạm vi chức năng thông thường của con người đều là những minh họa cho chân lý phụ thuộc, tức chân lý mà tính chính xác của nó hoàn toàn tùy thuộc vào một tập hợp các tham số hoặc vào một bối cảnh nhất định. Ngay cả “chân lý khoa học” được trọng vọng của chúng ta theo định nghĩa cũng chỉ là chân lý trong một số điều kiện nhất định và do đó dễ vấp phải nhiều bàn cãi và sai lầm. Suy đoán dựa trên thống kê đã trở thành một công cụ tuyên truyền, và những sự xuyên tạc về mặt thống kê, vốn có thể trở thành phương tiện giúp cho một thứ bất kỳ được chứng minh về một mặt bất kỳ nào đó, đã làm mất dần niềm tin của chúng ta.

Liệu có chân lý nào là hoàn toàn phi cá nhân, hoàn toàn độc lập với điều kiện hoặc bối cảnh riêng lẻ?

Chân lý, như chân lý được phát hiện nhờ những phương pháp nghiên cứu được lý giải xuyên suốt cuốn sách này, tiếp nhận tính hiệu lực của nó từ những nguồn tối thượng vượt xa tầm ảnh hưởng của bất kỳ trường nhận thức bị khoanh vùng nào. Nó không đại diện cho tính cách hay quan điểm và không thay đổi trong mọi điều kiện của đối tượng hoặc môi trường thử nghiệm.

Sự vô minh không khuất phục trước những đòn tấn công nhưng sẽ nhạt nhòa dần trong ánh sáng, và không gì có thể làm tan biến sự thiếu trung thực nhanh hơn một hành động đơn giản là tiết lộ chân lý. Cách duy nhất để củng cố sức mạnh của một người trên thế giới là tăng cường nơi họ tính chính trực, sự hiểu biết, và năng lực trắc ẩn. Nếu các thành phần dân số đa dạng của nhân loại có thể được đưa đến nhận thức này, thì sự tồn tại của xã hội loài người và hạnh phúc của tất cả các thành viên trong đó sẽ càng được củng cố vững chắc hơn.

Việc chịu trách nhiệm đối với chân lý của cuộc sống một con người sẽ tạo ra hiệu ứng ban đầu là nâng các cấp độ trường năng lượng thấp lên mức 200, là cấp tới hạn mà ở đó sức mạnh lần đầu tiên lộ diện và đồng thời là bước đệm để vươn tới tất cả các cấp cao hơn. Lòng Can đảm để đối diện với chân lý cuối cùng sẽ dẫn đến sự Chấp nhận, tại điểm này một sức mạnh lớn hơn sẽ khởi phát ở cấp độ 350. Khi đó, ở cấp này, sẽ có đủ năng lượng để giải quyết phần lớn các vấn đề xã hội của con người. Điều này vì thế tiếp tục đưa đến một sức mạnh sẵn có lớn hơn nữa ở cấp 500, tức cấp độ của Tình yêu. Lòng vị tha, và tiếp đó là lòng trắc ẩn sẽ nảy sinh khi ta nhận biết những nhược điểm mang tính người của chính mình và của tất cả những người khác. Lòng trắc ẩn là cánh cổng dẫn ta tới ân điển của Chúa, tới sự nhận biết cuối cùng về việc ta là ai, vì sao ta lại hiện diện ở đây, và về khởi nguồn tối thượng của mọi sự tồn tại.

 

Trích: “Power Vs Force”.
Tác giả: David R.Hawkins.
Việt dịch: Quế Chi, Hoàng Lan.
NXB Thế Giới – 2020.

Ảnh nguồn Internet

Bài viết liên quan