TỰ TÁNH TÂM - TRÍCH: ÁNH HÀO QUANG RỰC RỠ - HỒI KÝ CỦA TULKU URGYEN RINPOCHE - Tác giả: Tulku Urgyen Rinpoche - Người Dịch: Ưu Đàm Pháp - NXB Hồng Đức 2021

TỰ TÁNH TÂM

TRÍCH: ÁNH HÀO QUANG RỰC RỠ - HỒI KÝ CỦA TULKU URGYEN RINPOCHE

Tác giả: Tulku Urgyen Rinpoche

Người Dịch: Ưu Đàm Pháp - NXB Hồng Đức 2021

Khi tôi giảng, một số người sẽ hiểu và một số người thì không nhưng tôi vẫn tiếp tục như vậy. Thái độ rõ ràng này đã gắn liền với tôi và bây giờ đã trở thành phong cách của tôi. Tôi không rõ nếu điều này có thể giúp ích cho những người khác. Những giáo lý về tinh tuý của tâm có thể là giáo lý trân quý hoặc bí mật nhất. Cũng có thể chúng là “giải thoát qua sự nghe” nên...
TỰ TÁNH TÂM - TRÍCH: ÁNH HÀO QUANG RỰC RỠ - HỒI KÝ CỦA TULKU URGYEN RINPOCHE - Tác giả: Tulku Urgyen Rinpoche - Người Dịch: Ưu Đàm Pháp - NXB Hồng Đức 2021

 

---

Tulku Urgyen Rinpoche (1920 – 1996) là một trong những bậc đạo sư Kim Cương Thừa vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Ánh Hào Quang Rực Rỡ đưa chúng ta tới bên ngài trong sự hồi tưởng về một cuộc đời đã đặt ngài vào trọng tâm của một di sản tâm linh chưa từng có. Với ký ức không gián đoạn của ngài, chúng ta được gặp gỡ những bậc tu hành tinh thông lỗi lạc của Tây Tạng xưa trong vai trò những bằng hữu hay các vị thầy. Và qua lăng kính của một bậc giác ngộ, chúng ta được nhìn ngắm thế giới từ một khía cạnh hoàn toàn tươi mới và đầy hứng khởi.

Là một vị tulku hay đạo sư tái sinh giống như Đức Đạt Lai Lạt Ma, Tulku Urgyen là một trong những vị đạo sư có tiếng tăm và tầm ảnh hưởng nhất trong truyền thống Dzogchen (Đại Toàn Thiện), một người tiên phong đã dày công giúp cho thực hành Phật pháp trở nên phổ biến tại phương Tây.

---

Khi tôi khoảng hai mươi tuổi, Samten Gyatso đã nói với tôi: “Con có vẻ là người có khả năng giảng dạy các giáo lý về tâm. Con là mẫu người có thể thấy những điều đó dễ dàng, không hiểu tại sao mọi người lại khó hiểu về bản chất của tâm đến như vậy. Vì vậy con có thể sẽ trở nên quá lãnh đạm, nhưng cũng có thể đơn giản là con quá tự tin.

“Đôi lúc ta nghĩ là con giả định quá nhiều. Ta phải nhắc nhở một điều mà con cần phải cảnh giác: Một mặt, con có thể cho rằng mọi thứ đều quá đơn giản nên mọi người sẽ hiểu. Nhưng mặt khác, mọi việc không phải như vậy. Người ta thường hiểu theo cách hoàn toàn khác với những ý nghĩa con định diễn giải, tự kết luận rằng không có gì để chứng đắc rồi họ trở nên bất cần và bỏ dở thực hành.

Bác nói tiếp: “Con có thể cảm thấy rằng trực nhận được muốn con phải hiểu rằng: một số người không biết tới bản chất (tự tánh) của tâm là một việc đơn giản, nhưng ta muốn con phải hiểu rằng: một số người không biết đến tự tánh của tâm, và chắc chắn là có một lý do cho điều đó. Có rất nhiều người thực hành về “tinh tuý của tâm” nhưng không làm gì hơn ngoài việc giữ cho tâm trống rỗng và niệm trong trạng thái nền tảng.

“Tuy vậy, theo thời gian, con nên bắt đầu thử thách sự tinh tin của mình với một vài người lớn tuổi. Con sẽ có thể làm lợi lạc cho một hoặc hai người, con đã có khả năng dạy cho họ.

Vậy là bác cho phép tôi bắt tay vào giảng dạy giáo lý.

Tôi bắt đầu đưa ra những lời khuyên cho mọi người về những hiểu biết của tự tánh tâm bởi vì tôi nói khá nhiều. Tôi không thể kiềm chế mà cứ thốt ra! Khi tôi dành thời gian bên Samten Gyatso, tôi lắng nghe mọi chỉ dẫn của bác. Thường là những giáo lý trực chỉ và lời khuyên làm sao để thực hành thiền định một cách đơn giản nhất.

Sau đó, có thể vài người bên ngoài phòng của bác không hiểu rõ những lời bác nói. Họ sẽ hỏi tôi: “Làm sao có thể dễ dàng như vậy được?”

Và tôi sẽ nói: “Tại sao anh lại nghĩ là nó phải phức tạp? Nó thật quá dễ dàng.”

Rồi họ sẽ trả lời: “Nhưng tôi vẫn không hiểu.”

Và tôi sẽ nói với họ: “Ý anh là sao ? Anh không hiểu ư? Hãy buông lỏng tự nhiên. Tôi có thái độ như vậy bởi vì tôi đã nghe những gì bác tôi nói và tôi chỉ nhắc lại như một con vẹt.

Rồi bác sẽ gọi tôi vào và nhắc lại: “Xem ra con là tuýp người nhanh miệng, cũng như tự cho rằng trực nhận được tự tánh của tâm là một việc hoàn toàn dễ dàng. Ta nghĩ là trong tương lai con cũng sẽ giống như vậy. Con sẽ là một người vừa nhanh miệng, vừa ra vẻ điều đó thật đơn giản.

Và bác đã đúng.

Một mặt, có thể với cách giảng dạy của mình tôi chỉ lừa phỉnh mọi người, biến việc trực nhận tự tánh thành quá dễ dàng. Nhưng mặt khác, nó thực sự là như vậy, nó chính là chân lý. Việc nỗ lực ngồi một chỗ và vật lộn với bản thân liệu có tác dụng gì? Tại sao chúng ta phải căng thẳng và gò ép bản thân mình trong một tư thế không thoải mái và một trạng thái thiền định cứng nhắc với hy vọng rằng trong tương lai, sau nhiều nỗ lực, chúng ta sẽ đạt được nó? Chúng ta không cần phải trải qua những phiền nhiễu và áp lực đó. Tất cả chúng ta cần là hoàn toàn thả lỏng và nhận ra tự tánh của chúng ta ngay bây giờ.

Tuy nhiên, phong cách của tôi phần lớn là để làm khó của những người không có kiến thức Phật Pháp, là thứ mà có lẽ là sở trường của tôi.

Như tôi đã nói, tôi bắt đầu dạy về tự tánh của tâm sau khi được nghe Samten Gyatso ban giáo lý trực chỉ rất nhiều lần và trau dồi chút hiểu biết về việc này. Vậy nên đôi khi tôi hay nhắc lại những gì bác đã dạy cho người khác như “một con vẹt giảng Pháp,” có nghĩa là cố gắng dạy cho người khác chân lý mà bản thân mình không có bất cứ kinh nghiệm cá nhân nào, hoặc ban giáo lý mà mình chưa bao giờ thực hành.

Vào thời gian đó, một lần nữa tôi nghĩ là mình lại biến thành một kẻ bịp bợm.

Đức Phật đã nhận ra rằng chúng sinh có căn tánh khác nhau. Xuất phát từ lòng bi mẫn vĩ đại và những phương tiện thiện xảo, Ngài đã ban các cấp độ giáo lý khác nhau, mỗi cấp độ phù hợp với từng đối tượng cá nhân. Mặc dù tinh hoa toàn bộ giáo lý của các Đấng Giác Ngộ chỉ đơn thuần là an trụ trong sự nhận biết tự tánh của mỗi chúng ta, Đức Phật đã ban một khối lượng đồ sộ những chỉ dẫn phức tạp nhằm đáp ứng chúng sinh ở cấp độ của họ. Một lý do khác mà Đức Phật và các đạo sư vĩ đại giảng dạy về Cửu Thừa không chỉ là để tự giải thoát cho bản thân mình mà còn đem lại hạnh phúc cho người khác. Có lẽ bản chất tự nhiên của con người là ưa thích sự phức tạp, có xu hướng thích tạo dựng những khái niệm. Và sau này tất nhiên là chúng ta phải để cho các khái niệm này tự tan vỡ.

Những sự đa dạng của Giáo Pháp đã tồn tại cũng không thay đổi được thực tế rằng, tinh tuý của Giáo Pháp, tự tánh của tâm thì vô cùng đơn giản và dễ dàng. Thực chất, nó đơn giản và dễ dàng tới mức mà đôi lúc ta không thể tin nổi!

Truyền thống nền tảng về ban truyền giáo lý trực chỉ tới tự tánh của tâm yêu cầu chúng ta phải đi theo từng bước. Đầu tiên, chúng ta phải hoàn tất việc quán chiếu về bốn niệm chuyển tâm. Tiếp theo, chúng ta phải trải qua pháp tu dẫn nhập và sau đó là pháp tu Bổn Tôn, minh chú và định. Thực vậy, các bước này đều rất cần thiết, khi chúng ta đã được thọ nhận giáo lý về tinh tuý của tâm. Đừng cho rằng đến một ngày, bỗng nhiên mọi pháp hành trì được giảng dạy bởi các Đấng Giác Ngộ là không quan trọng nữa. Mà ngược lại, chúng vô cùng quan trọng. Bởi vì cơ hội thọ nhận giáo lý về tâm cho một người là không dễ dàng hay phổ biến, tôi cảm thấy rằng mình nên lên tiếng và tạo cơ hội. Xin nhớ rằng, dù chúng ta có thể dễ dàng thọ nhận được những giáo lý quan trọng khác từ rất nhiều các đạo sư, xin đừng bỏ qua chúng. Xin hãy siêng năng trong thực hành, sự thật là đức tính kiên trì tạo ra sự khác biệt giữa chư Phật và chúng sinh phàm trần.

Trong một câu chuyện ở vùng Kham, một ông già đã nói với một vị lạt ma như sau: “Khi ngài nói về lợi lạc của việc trực nhận được tinh tuý của tâm, điều này chắc là không khó khăn đối với ngài, thực ra, ngay cả lão già tội lỗi này cũng có thể an toàn không phải tái sinh vào địa ngục. Nhưng khi ngài nói về hậu quả những hành động của chúng ta, chắc chắn rằng tôi sẽ bị đoạ xuống địa ngục, thực ra tôi vẫn băn khoăn liệu ngài có thoát khỏi vấn đề này không, lại ma của tôi!”

Một vị thiền giả bịp bợm có thể sẽ lừa gạt được những người khác khi còn sống nhưng chắc chắn rằng ông ta sẽ bị nghiệp lực thâu tóm khi đối mặt với Trung Ấm. Tôi khá chắc chắn về điều này. Về lâu dài thì lợi lạc vĩ đại nhất tới tin tưởng thuần tịnh vào Tam Bảo. Tất nhiên nếu một người có những kinh nghiệm đích thực về tinh tuý của tâm, thì như một ngạn ngữ của dòng Kagyu đã nói: “Mặc dù cái chết được coi như một điều gì đó vô cùng khủng khiếp, nhưng với một yogi cái chết là một sự tỉnh thức nhỏ.”

Tôi cũng cảm thấy rằng, thậm chí nếu một người chưa chứng đắc những cấp độ cao vời và giác ngộ thì một chút hiểu biết cơ bản và đúng đắn cũng vô cùng lợi lạc. Một sự hiểu, dù chỉ là ngôn từ thông thường về tính Không - phẩm tính rỗng rang và tỉnh thức của tâm - cũng đủ để giúp bạn vượt qua bến bờ bên kia của Trung Âm. Khi chúng sinh bước vào giai đoạn chuyển tiếp, tâm thức họ sẽ trở nên hoang mang và cũng chỉ có tâm thức đó mới cứu giúp được họ, bởi vì không ai khác có thể làm được điều này vào thời điểm đó.

Vì vậy, một chút hiểu biết đúng đắn về tinh tuý tâm có thể trở thành sự nhắc nhở tiến tới giải thoát trong Trung Ấm. Tuy nhiên lợi lạc thiết yếu nhất đến từ việc kiên trì rèn luyện trong tinh tuý của tâm khi bạn còn sống; đây là điều duy nhất có thể đảm bảo một thành công thực sự. Trước tiên, hãy giải thoát dòng tâm thức của bạn qua giác ngộ, rồi giải thoát cho những người khác qua các hành động bi mẫn. Tiếp diễn phương cách này sẽ giúp chúng ta có một cuộc sống ý nghĩa.

Khi tôi giảng, một số người sẽ hiểu và một số người thì không nhưng tôi vẫn tiếp tục như vậy. Thái độ rõ ràng này đã gắn liền với tôi và bây giờ đã trở thành phong cách của tôi. Tôi không rõ nếu điều này có thể giúp ích cho những người khác. Những giáo lý về tinh tuý của tâm có thể là giáo lý trân quý hoặc bí mật nhất. Cũng có thể chúng là “giải thoát qua sự nghe” nên những ai nghe được chúng đều được lợi lạc. Vì vậy tôi cảm thấy nên ban các giáo lý theo từng thời điểm.

Tôi không nói là bất cứ những người nào đã được tôi giải thích về tinh tuý của tâm đều nhận thức được và thực hành dựa trên kinh nghiệm xác thực đó. Có rất nhiều loại học trò. Những người không nhận thức được chắc chắn sẽ bị cuốn vào những hiện tượng phù du và sẽ bị phân tâm. Nhưng thậm chí ngay cả khi họ không trực nhận được tự tánh của tâm nhưng được nghe về tinh tuý của giáo lý dù chỉ một lần, thì họ sẽ tiến gần hơn tới giác ngộ. Ngay cả khi họ không hoàn toàn xả ly tất cả nhưng vẫn tiếp tục dành thời gian thực hành. Những người đã nhận thức được và có chút tin tưởng vào tinh tuý của tâm sẽ không bao giờ rời bỏ Giáo Pháp, ngay cả khi có người thuyết phục họ. Điều này xuất phát từ sự tự tin trong những kinh nghiệm cá nhân của họ.

Có một lần, Samten Gyatso đã đi hành hương quanh một ngọn núi phía trên tu viện Palpung ở Derge, đi theo tháp tùng bác suốt quãng đường là Dudul, thị giả của bác và là bạn thân của tôi. Dudul tình cờ gặp một vị lạt ma già vốn là một trong các đệ tử thân cận của Đức Kongtrul Thứ Nhất.

Ông ta hỏi Dudul: “Cậu từ đâu tới?”

Dudul trả lời: “Cháu từ Nangchen tới.”

“Ồ, vậy chắc cậu biết một vị lạt ma từ Nangchen, ta có nghe là ông ấy đang viếng thăm đâu đây. Tên ông ta là Samten Gyatso và ông ta vừa là đạo sư vừa là đệ tử của Đức Karmapa vĩ đại. Ta biết tới ông ấy vì ông ấy thường được nhắc tới qua các tuyển tập biên soạn giáo lý của mình. Liệu cậu có biết ông ấy đang ở đâu không?”

Dudul trả lời: “Có, cháu rất biết. Bởi vì cháu là thị giả của ngài ấy.”

Vị lạt ma già nài nỉ: “Không phải vậy chứ! Hãy chỉ đường cho ta đi”. Sau khi được chỉ đường, ông ta trả lời: “Cám ơn cậu thật nhiều. Sáng sớm mai chắc chắn ta sẽ tới thăm viếng ông ấy.”

Sáng hôm sau vị lạt ma già đó đã tới thăm Samten Gyatso. Họ có một cuộc trao đổi rất lâu và sâu sắc. Khi vị lạt ma ra khỏi phòng, ông ta ngồi xuống bên cạnh bạn tôi với tách trà và hỏi: “Nói cho ta biết, vị lạt ma này có bao nhiêu người đệ tử?”

Dudul trả lời: “Dạ, không có quá nhiều đệ tử thân cận. Ngài ban rất nhiều quán đảnh nhưng không có nhiều thiền giả tự nhận mình là đệ tử của ngài.”

“Ra vậy! Thật đáng xấu hổ”, vị lạt ma già thốt lên. “Những gì mà người ta nói về những gã mất gốc ở Nangchen quả là đúng. Tại sao họ lại quá dốt nát như vậy? Họ có một vị thiền sư với cấp độ giác ngộ cao ngay tại đây. Ngài thực sự làm ta ngạc nhiên với những phản hồi cho các câu hỏi của ta và cậu nói với ta rằng ngài không có nhiều đệ tử?! Chẳng lẽ những người Nangchen không hơn được lũ gia súc? Ta lấy làm tiếc cho các cậu.”

Vị lạt ma già đó đã nói sự thật: ít người dám vứt bỏ tất cả để theo chân Samten Gyatso, chắc chắn là không thể so sánh được với số lượng lớn những người đã trở thành đệ tử của Đức Khyentse Thứ Nhất và Đức Kongtrul. Thực sự là tôi chỉ nghĩ ra bốn hay năm người nhưng họ thực sự những thiền giả giỏi. Nếu vị lạt ma đánh giá qua đệ tử thì chắc hẳn Samten Gyatso không có gì đặc biệt.

Dù sao thì Đức Karmapa Thứ Mười Lăm, Drukchen Jamgon và Taklung Tsetrul đều coi bác là bậc trì giữ truyền thừa. Bác cũng ban truyền các giáo lý cho các đạo sư Adeu và ngài Tsoknyi Thứ Hai và trở thành bổn sư gốc của họ.

Ở cấp bậc lạt ma tại Derge, bạn có thể kể tới Dzongsar Khyentse, người đã thọ nhận phần bí mật của Các Kho Tàng Mới tại Đỉnh Pháo Đài. Và Karsey Kongtrul đã tới Tsikey để thọ nhận Các Kho Tàng Mới từ Samten Gyatso.

Vị lạt ma già đã chạm tới một vấn đề sống còn của đất nước tôi: những giáo dục kinh viện không phải là sự quan tâm chính. Không phải vì tôi tự hào về điều này. Mặt khác, trong môi trường như vậy, chỉ có sự giác ngộ mới thẩm định được ai là lạt ma chứ không chỉ những lời nói miệng. Những kẻ giả mạo rất khó có chỗ đứng ở quê hương tôi.

Bác Samten Gyatso đảm nhiệm một vai trò vô cùng quan trọng tại Nangchen và bận rộn với rất nhiều trách nhiệm. Tuy nhiên do chúng tôi ở cùng tu viện nên tôi không có vấn đề gì khi muốn gặp bác. Chia sẻ trách nhiệm ở tu viện cũng tương tự như sống trong một gia đình dưới cùng một mái nhà. Tôi có rất nhiều cơ hội để đặt câu hỏi và đón nhận chỉ dẫn.

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ một chỉ dẫn đặc biệt mà Samten Gyatso đã ban cho tôi khi còn nhỏ. Chỉ dẫn này liên quan tới giáo lý về một chủ đề thâm diệu của tinh tuý, tự tánh và tiềm năng. Bác nói: “Cụm từ tiềm năng nói tới một nền tảng vô biên cho các trải nghiệm tâm thức, như là khoảnh khắc trước khi một hiện tượng tâm xảy ra. Khi xảy ra, hiện tượng thường biến thành một ý niệm. Tiềm năng có nghĩa là nền tảng cho điều đó xảy ra, một phẩm chất vô hạn của sự tỉnh giác.

“Phẩm chất vô hạn này vô cùng vi tế và thiết yếu. Một khi con nhận biết được sự vô hạn này, thì không cần thiết phải làm gì hơn. Trong sự vô hạn này, ta không thể tìm được chủ thể hay đối tượng. Điều này được ví với một tấm gương sáng trong, một sự sẵn sàng cho kinh nghiệm phô bày mà không có bất cứ giả định nào. Vậy nên con thật rõ yếu tố thứ ba trong tinh tuý, tự tánh và tiềm năng”. Tôi cảm thấy rất may mắn là mình đã được dẫn dắt bởi một đạo sư như vậy từ khi còn nhỏ. Đây là một ví dụ về cách mà Samten Gyatso giảng dạy. Bởi vì có rất nhiều người đã lầm hiểu tiềm năng không phải là nền tảng - như tấm gương - mà là những hoá hiện, như những hình ảnh phản chiếu của tấm gương. Nhưng những phản chiếu này có nghĩa là tâm thức và đối tượng của giác quan đã có sự liên kết, và sự tập trung đã bị xâm nhiễm bởi sự xao nhãng.

Một người không nên nhận dạng tiềm năng với việc bị dính chấp vào đối tượng hay chủ thể và quá trình nhận thức. Bác nói: “Một nền tảng vô biên cho các trải nghiệm tâm thức có nghĩa là sự sẵn sàng, khả năng để trải nghiệm, luôn như nó là nhưng vẫn chưa tham dự vào các trải nghiệm đối đãi (nhị nguyên). Nếu thực hành của con là sự sẵn sàng này, mà không phải là những suy tưởng, con sẽ không bị dính chấp vào tính đối đãi (nhị nguyên) trong các hoạt động thường nhật. Tiềm năng này, về tinh tuý, nó là sự toàn giác vô hạn của chư Phật, vốn hoàn toàn khác với sự chú tâm tập trung lên một đối tượng trong khi loại bỏ những đối tượng khác.

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan