SỰ PHÂN BIỆT GIỮA PHẬT TÁNH CỦA DUY THỨC TÔNG (YOGACARYA) VÀ TỰ NGÃ CỦA MỘT SỐ HỌC PHÁI KHÁC - PHẬT TÂM - LONGCHEN RABJAM

SỰ PHÂN BIỆT GIỮA PHẬT TÁNH CỦA DUY THỨC TÔNG (YOGACARYA) VÀ TỰ NGÃ CỦA MỘT SỐ HỌC PHÁI KHÁC

PHẬT TÂM

LONGCHEN RABJAM

---o0o---

Tánh không là tánh không của những sự ý niệm hóa trong việc tri giác những hiện tượng từ ngay khoảnh khắc xuất hiện của chúng như một hay nhiều, và nó là tánh không trong tinh túy của chính chúng, như một phản chiếu trong một tấm gương. Nhưng nó không có nghĩa rằng rốt ráo sẽ không có cái gì cả cũng như đã và đang không có cái gì cả trong quá khứ và hiện tại mà chỉ là những hình...
SỰ PHÂN BIỆT GIỮA PHẬT TÁNH CỦA DUY THỨC TÔNG (YOGACARYA) VÀ TỰ NGÃ CỦA MỘT SỐ HỌC PHÁI KHÁC - PHẬT TÂM - LONGCHEN RABJAM

Tánh không là tánh không của những sự ý niệm hóa trong việc tri giác những hiện tượng từ ngay khoảnh khắc xuất hiện của chúng như một hay nhiều, và nó là tánh không trong tinh túy của chính chúng, như một phản chiếu trong một tấm gương. Nhưng nó không có nghĩa rằng rốt ráo sẽ không có cái gì cả cũng như đã và đang không có cái gì cả trong quá khứ và hiện tại mà chỉ là những hình tướng huyễn ảo. Prajnaparamitahrdaya (Bát Nhã Tâm Kinh) nói :

Sắc tức là không
Không tức là sắc,
Sắc không khác không,
Không cũng không khác sắc.
Cũng như vậy, thọ, tưởng, hành và thức là Không….

Uttaratantra nói :

Trong Phật tánh này không có cái gì để từ bỏ,
Không có cái gì để giữ gìn.
Nếu con thực sự nhìn thấy cái toàn thiện (bản tánh)
Và nếu con chứng ngộ nó, đó là giải thoát.
Phật tánh là cái trống không mọi đặc tính
Cái trống không mọi nhiễm ô ngoại sanh với những phân biệt,
Nhưng nó không là cái trống không của những thuộc tính tối thượng (của Phật quả)
Chúng có những tính cách khác biệt….

Hai thân của chư Phật là hiện diện một cách bổn nguyên và những che ám (trong chúng) được xóa tan bằng hai sự tích tập, nhưng hai sự tích tập và hai thân không là nguyên nhân và kết quả của một người tạo và sự tạo ra. Nếu khác đi thì thân tối hậu (Pháp thân) và báo thân sẽ trở thành hỗn hợp, và như thế chúng là vô thường. Vì tính không biến đổi của Pháp thân, Madhyamakavatara nói :

Thân bình an (được bình lặng khỏi sự ý niệm hóa) là trong trẻo như một viên ngọc như ý,
Như một viên ngọc như ý nó không ý niệm hóa (cái gì).
Nó luôn luôn hiện diện cho đến khi mọi chúng sanh được giải thoát.
Nó xuất hiện cho những Bồ tát đã thoát khỏi sự ý niệm hóa….

Người ta cần hiểu ý nghĩa của vô ngã, không và bất nhị…. như sau :

Kinh Arya-mahaparinirvana nói :

Ta dạy các con rằng bản tánh hoàn toàn thanh tịnh của Phật, tinh túy bí mật của Như Lai là không biến đổi và không dứt tận. Nhưng nếu ta nói rằng nó hiện hữu, sẽ không đúng vì người có học và khôn lanh sẽ bám chấp vào nó (sự hiện hữu của nó). Nếu ta nói rằng nó không hiện hữu, bấy giờ ta không nói chân lý, và người không chịu học sẽ truyền bá hư vô luận và sẽ không biết tinh túy bí mật của Như Lai. Nếu ta nói về khổ, họ sẽ không biết sự hiện hữu của bản tánh phúc lạc của thân thể. Người ngu mê xem thân thể giống như cái bình đất sét chưa nung, nghĩ rằng, “Mọi thân thể là vô thường.” Người trí có biết phân biệt, và họ không nói rằng tất cả tất nhiên là vô thường. Tại sao ? Bởi vì trong thân thể người ta có hiện diện hạt giống, Phật tánh. Người ngu mê cho là những thuộc tính của Phật là vô ngã. Kiến giải của người trí là từ vô ngã chỉ thuần là một diễn tả quy ước và nó “không chân thật”. Do hiểu như vậy họ không có nghi ngờ nào (về Phật tánh). Nếu ta nói Phật tánh là tánh không, khi người ngu mê nghe được, họ sẽ phát triển quan điểm hư vô luận hay không hiện hữu. Người trí sẽ xác quyết rằng Phật tánh là không biến đổi và không dứt tận. Nếu ta nói giải thoát giống như huyễn hóa, người ngu mê sẽ cho giải thoát là giáo lý của Ma vương. Người trí biện biệt rằng giữa loài người, như một sư tử (giữa loài thú), độc chỉ Như Lai là vĩnh cửu, hiện tiền, bất biến và bất tận. Nếu ta nói rằng bởi vì không giác ngộ (vô minh), những yếu tố hợp tạo khởi lên, người ngu nghe như thế bèn phân biệt giác ngộ và không giác ngộ (vô minh). Người trí và có học hiểu được sự bất nhị (của giác ngộ và vô minh) ; và cái gì là bất nhị, cái đó là toàn thiện…. Nếu ta nói rằng những hiện hữu hiện tượng không có ngã và ngay cả Phật tánh cũng không có tự ngã, người ngu mê sẽ thấy có ra sự nhị nguyên (của ngã và vô ngã). Người trí và người có học hiểu được rằng chúng là bất nhị một cách tự nhiên. Cả hai ngã và vô ngã trong bản tánh của chúng không hiện hữu như là nhị nguyên. Tất cả chư Phật toàn giác tán thán nghĩa của Phật tánh như là không thể nghĩ bàn, vô lượng, vô cùng và ta cũng thuyết tỉ mỉ về những đức hạnh của nó trong tất cả các kinh.

DẤU HIỆU CỦA SỰ THỨC GIẤC CỦA NHỮNG DÒNG

Có hai dấu hiệu của sự thức giấc của những dòng : Thứ nhất là sự thức giấc của dòng tự nhiên, pháp thân. Madhyamakavatara nói :

Dù đang còn là một người thường, khi nghe về tánh không
Hoan hỷ vô bờ phát sanh trong người ta trở đi trở lại.
Nước mắt vui sướng ướt đẵm đôi mắt.
Tóc lông dựng đứng từ lỗ chân lông. Đó là vì
Trong người ta hiện diện hạt giống trí huệ của Phật.
Người ta là một bình chứa tiềm năng để nhận lãnh những giáo lý về nó (tánh không).
Thế nên người ta cần được ban cho những giáo lý về chân lý tuyệt đối tối thượng.

Thứ hai là sự thức giấc của dòng những phẩm tính hiện tượng (dòng phát triển), những sắc thân. Mahayanasutralamkara nói :

Dù trước khi đi vào sự tu hành để phát khởi lòng bi,
Sự sùng mộ, nhẫn nhục và
Hiến mình thực sự cho những đức hạnh
Được nói là những dấu hiệu xác định của sự sở hữu dòng.

NHỮNG ĐỨC HẠNH CỦA SỰ THỨC GIẤC CỦA NHỮNG DÒNG

Về những đức hạnh của sự thức giấc của dòng, Mahayana-sutralamkara nói :
Sau một thời gian dài, dù người ta phải tái sanh trong một cõi thấp,
Người ta sẽ nhanh chóng được giải thoát.
(Dù trong cõi thấp người ta) sẽ kinh nghiệm ít khổ đau
Và sẽ phát triển sự chán sợ và giúp đỡ cho những chúng sanh khác trưởng thành.

Sau khi dòng đã được đánh thức, dù nếu người ta có phải tái sanh trong những cõi lưu lạc thấp kém, người ta sẽ được giải thoát nhanh như sự xúc chạm một quả banh lụa. Sẽ có ít khổ đau, trong người ta sẽ khởi lên chán sợ mạnh mẽ, và người ta sẽ giúp đỡ những chúng sanh khác trưởng thành trong con đường chánh đạo. Nếu chúng sanh không có một dòng như vậy, họ sẽ không chán sợ khổ đau và không muốn lìa bỏ sanh tử và đạt đến Niết bàn, và không thể có ý muốn giải thoát khởi lên trong họ. Thế nên sự phát triển lòng bi đối với người khác đang khổ đau mà không cần ai dạy bảo, và phát triển chán sợ do kinh nghiệm khổ đau…. những điều ấy xảy ra là nhờ năng lực có được “bản tánh đức hạnh tối hậu vô thủy” (tức là Phật tánh). Uttaratantra nói :

Nếu không có Phật tánh,
Sẽ không có sự chán sợ khổ đau ;
Người ta sẽ không mong muốn niết bàn,
Không có những nguyện vọng với nó cũng không tìm kiếm nó.
Nhận ra khổ đau và hạnh phúc, những đức hạnh và những lỗi lầm của sanh tử và niết bàn
Là một kết quả của việc có được dòng.
Vì nếu người ta không có dòng, họ sẽ không có những khả năng ấy.

CHÚNG SANH LANG THANG TRONG SANH TỬ VÌ
KHÔNG NHẬN BIẾT DÒNG

Dù mỗi người đều có dòng bản tánh ấy, họ lang thang trong sanh tử. Tại sao thế ? Những nguyên nhân khiến chúng sanh lang thang trong sanh tử là vì họ không thấu hiểu sự hiện diện của Phật tánh trong bản thân họ và họ nắm bắt tự ngã một cách vô lý ; và những duyên là những nhiễm ô phiền não tương tục, những ảnh hưởng của bạn xấu, sự nghèo nàn và sự tác động bên ngoài. Mahayanasutralamkara nói :

Những kinh nghiệm của nhiễm ô phiền não, sức mạnh của những bạn xấu,
Nghèo nàn và tác động bên ngoài –
Tóm tắt đó là bốn lỗi lầm che ám dòng
Mà con cần phải hiểu.
Od-Rim nói :
Không nhận rõ trí huệ bổn nguyên sáng rỡ,
Tri giác tâm như là “tôi” và bám luyến vào ngã tánh,
Tri giác những đối tượng như là “những cái khác” và bám nắm ngã tánh của chúng,
Bởi vì hai điều này, chúng sanh lang thang trong sanh tử
Và kinh nghiệm đủ thứ hạnh phúc và khổ đau.

SỰ LANG THANG TRONG SANH TỬ PHÁT TRIỂN NHƯ THẾ NÀO

Tâm bổn nguyên vốn là quang minh, tánh không, sự sáng tỏ và trí huệ tự-khởi. Tinh túy của nó là trống không như bầu trời, bản tánh của nó là sự sáng tỏ như mặt trời mặt trăng, sự tỏa chiếu lòng bi của nó là sự khởi lên không dứt như mặt một tấm gương không vết bẩn. Nó là Phật tánh, bản tánh của pháp thân, báo thân và hóa thân, và nó tự do không rơi vào sự nghiêng lệch của sanh tử và niết bàn. Dù vậy, trong trạng thái vốn sẵn đó, những mê lầm phát triển (như sau, bởi vì không thể nghiệm trí huệ tánh giác khởi lên tự nhiên như nó vốn là và những hình tướng xuất hiện như năng lực biểu lộ của trí huệ đó) : Phương diện tinh túy trống không (tánh không) mở rỗng rang cho cửa (hay cơ hội) của sự khởi lên ; từ phương diện của bản tánh sáng tỏ xuất hiện năm ánh sáng tự-khởi như là những đối tượng (do vì không thấu hiểu những ánh sáng là năng lực của trí huệ tánh giác) ; và phương diện trí huệ tánh giác đại bi khởi lên như nhận thức phân tích. Guhyagarbhamayajalatantra nói :

“Lạ lùng thay ! Từ chính trong Phật tánh, những chúng sanh bị mê lầm bởi những ý niệm và nghiệp.”

HAI CÁI KHÔNG GIÁC NGỘ

Vào lúc phóng dật vào những mê lầm, phương diện không thể nghiệm trí huệ (vốn ở nơi mình) được gọi là không giác ngộ bẩm sinh (vô minh câu sanh). Phương diện tri giác những cái tự-được tri giác như là những cái khác được gọi là không giác ngộ tưởng tượng (vọng tưởng). Do không thấu hiểu những tự-xuất hiện của trí huệ khởi lên từ trạng thái tự nhiên, và do bám chấp vào ngã tánh của những cái được tri giác như là những đối tượng, chúng sanh bị mê lầm bởi chúng như là có thế giới bên ngoài và có chúng sanh bên trong với những thân thể cá biệt, từ đó tạo ra sự chín muồi của nghiệp và những thói quen tập khí, và tâm thức với năm độc….

Gốc rễ của mê lầm là không giác ngộ, vô minh. Prajna-paramitasancayagatha nói : “Tất cả chúng sanh trí năng thấp, vừa và cao đều khởi lên từ không giác ngộ, vô minh. Đức Phật nói như vậy.”

Về sự nắm bắt nhị nguyên, điều kiện của mê lầm, Prajna-paramita-astasahasrika nói : “Do nắm bắt “tôi” và “cái của tôi”, chúng sanh lang thang trong sanh tử.”

----o0o----

Trích: PHẬT TÂM

LONGCHEN RABJAM

Việt Dịch: Đương Đạo

Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2011

Bài viết liên quan