BẤT CỨ GÌ LÀM CHO ÔNG MÃN NGUYỆN ĐỀU GIỮ ÔNG LẠI - Trích: TA LÀ CÁI ĐÓ (I AM THAT) – SRI NISARGADATTA MAHARAJ

BẤT CỨ GÌ LÀM CHO ÔNG MÃN NGUYỆN ĐỀU GIỮ ÔNG LẠI

Trích: TA LÀ CÁI ĐÓ (I AM THAT) – SRI NISARGADATTA MAHARAJ

Người dịch: Vũ Toàn – NXB Đông Phương, 2008.

--o0o--

M: Ta chỉ có thể nói với ông từ kinh nghiệm của chính Ta. Khi Ta gặp Tôn sư, ngài bảo: “Ông không phải cái mà ông cho rằng ông là. Hãy tìm ra cái mà ông là. Quan sát ý thức “Ta hiện hữu,” tìm ra cái Ta thật của ông” Ta làm theo lời Tôn sư vì Ta tin tưởng ngài.
BẤT CỨ GÌ LÀM CHO ÔNG MÃN NGUYỆN ĐỀU GIỮ ÔNG LẠI - Trích: TA LÀ CÁI ĐÓ (I AM THAT) – SRI NISARGADATTA MAHARAJ

Hỏi: Tôi là một kế toán viên công chứng về hưu, vợ tôi tham gia một tổ chức xã hội dành cho các phụ nữ nghèo. Chúng tôi ghé đây trên đường tiễn con trai tôi sắp đi Mỹ. Nguyên quán của chúng tôi ở Punjab nhưng chúng tôi sống ở Delbi. Đạo sư của chúng tôi thuộc tín phái Radha-Soami và chúng tôi rất tôn quý sự thân cận các bậc thánh nhân. Chúng tôi cảm thấy thật may mắn được người thân đưa đến đây. Chúng tôi đã gặp nhiều bậc thánh nhân và rất hoan hỉ được gặp thêm một vị nữa.

Maharaj: Các ẩn sĩ và những người tu khổ hạnh thì nhiều, nhưng gặp một bậc toàn giác biết rõ bản tánh của chính mình thì thật hi hữu. Các bậc thánh nhân và các Yogi, bằng những cố gắng và hy sinh lớn lao, đạt được những quyền năng phi thường và có thể làm lợi lạc rất nhiều trong việc cứu giúp tha nhân và phát khởi tín tâm, nhưng điều đó vẫn không làm cho họ trở nên toàn hảo. Đó không phải là con đường đến với thực tại, mà chỉ làm tăng trưởng cái hư giả. Tất cả cố gắng đều đưa đến thêm cố gắng; bất cứ gì được tạo dựng đều được duy trì, bất cứ gì thụ đắc đều được bảo tồn để không bị hư hao và mất mát. Cái gì có thể bị mất đi thì không phải là của chính mình, và cái không phải là của chính ống thì có ích lợi gì cho ông? Trong thế giới của Ta, không có gì là thúc bách, tất cả đều tự xảy ra. Tất cả mọi tồn tại đều ở trong không gian và thời gian, hữu hạn và vô thường. Người kinh nghiệm sự tồn tại cũng thế, hữu hạn và vô thường. Ta không quan tâm đến “cái tồn tại” hay “người tồn tại.” Chỗ đứng của Ta là ở bên ngoài, nơi đó Ta là cả hai mà không phải cả hai.

Nhiều người, sau nhiều cố gắng và khổ hạnh, sau khi thực hiện tham vọng của họ và đạt đến các bình diện cao hơn trong kinh nghiệm và hành động, đều biết rất rõ vị trí của họ, họ xếp hạng con người theo đẳng cấp, từ kẻ không chứng đắc ở hàng thấp nhất cho đến người chứng đắc ở hàng cao nhất. Đối với Ta tất cả đều bình đẳng. Dĩ nhiên là có những khác biệt về bề ngoài và sự thể hiện, nhưng không quan trọng. Cũng như hình dáng của một món trang sức bằng vàng không hề ảnh hưởng đến vàng thì bản tánh của một con người không hề bị ảnh hưởng bởi tướng mạo bề ngoài. Chừng nào ý thức bình đẳng này vắng thiếu thì có nghĩa là chưa tiếp cận với thực tại.

Hiểu biết suông vẫn chưa đủ, mà phải biết người biết. Các học giả và các hành giả Yogi có thể biết rất nhiều điều nhưng kiến thức suông thì ích lợi gì khi cái Ta vẫn không được biết? Chắc chắn kiến thức sẽ bị sử dụng sai lầm. Nếu không biết được người biết thì không thể có an lạc.

H: Làm thế nào để biết người biết?

M: Ta chỉ có thể nói với ông từ kinh nghiệm của chính Ta. Khi Ta gặp Tôn sư, ngài bảo: “Ông không phải cái mà ông cho rằng ông là. Hãy tìm ra cái mà ông là. Quan sát ý thức “Ta hiện hữu,” tìm ra cái Ta thật của ông” Ta làm theo lời Tôn sư vì Ta tin tưởng ngài. Ta đã làm đúng như lời ngài bảo Ta. Ta dùng tất cả thời gian rảnh rỗi của Ta để quan sát chính Ta trong im lặng. Và thật là lạ lùng, và chóng vánh! Chỉ trong vòng ba năm Ta giác ngộ bản tính chơn thật của Ta. Tôn sư qua đời chỉ một thời gian ngắn sau khi Ta gặp ngài, nhưng điều đó chẳng có gì khác biệt. Ta nhớ những gì ngài bảo Ta và kiên trì hành theo. Quả của nó hiện ở đây, với Ta.

H: Nó là cái gì?

M: Ta biết chính Ta như Ta trong thực tại. Ta không phải thân, không phải tâm, mà cũng không phải là những khả năng trí tuệ. Ta ở ngoài tất cả những thứ đó.

H: Ông không là gì cả?

M: Hãy vận dụng lý luận đi chứ. Dĩ nhiên, Ta hiện hữu, một cách hiển nhiên nhất. Chỉ có điều là Ta không phải cái mà ông nghĩ Ta là. Điều này nói rõ tất cả với ông.

H: Nó chẳng nói với tôi cái gì cả.

M: Vì nó là cái không thể nói. Ông phải thân chứng kinh nghiệm của chính ông. Ông quá quen giao tiếp với sự vật, cả vật lý lẫn tâm lý. Ta không là một cái gì cả, và ông cũng thế. Ông và Ta đều không phải là vật chất hay năng lượng, không phải thân mà cũng chẳng phải tâm. Một khi ông thoáng thấy sự hiện hữu của chính ông thì ông sẽ nhận ra Ta không hề khó hiểu.

Chúng ta tin vào rất nhiều thứ chỉ qua nghe nói suông. Chúng ta tin vào những cõi giới xa xăm và con người xa lạ, chúng ta tin có thiên đường và địa ngục, có thần linh chỉ vì chúng ta được nghe nói. Tương tự như thế, chúng ta được nghe nói về chính chúng ta, về cha mẹ, tên tuổi, địa vị, nhiệm vụ của chúng ta, vân vân, nhưng chẳng bao giờ kiểm chứng. Con đường đến với sự thật đi qua sự phá hủy cái hư giả. Để phá hủy cái hư giả, ông phải đặt câu hỏi về những sự tin tưởng thâm căn cố đế của ông, trong đó sự tin tưởng ông là một thân xác là điều tệ hại nhất. Cùng đến với căn thân là thế giới, cùng đến với thế giới là Thượng đế, người được cho là tạo ra thế giới, và thế là khởi sinh sợ hãi, tôn giáo, cầu nguyện, hy sinh, đủ mọi loại nguyên tắc - tất cả chỉ để bảo vệ và duy trì con người trẻ con (child-man) sợ hãi đến mất cả trí khôn chỉ vì những con ngáo ộp do chính mình tạo ra. Hãy thì mọi đau khổ chấm dứt, nhận ra cái ông là - bất sinh bất diệt - và khi không còn sợ hãi

Những gì tâm nghĩ tưởng ra thì tâm hủy diệt. Cái thật thì không thể nghĩ tưởng ra nên không thể bị hủy diệt. Hãy bám chặt cái không hề bị khống chế bởi tâm. Cái mà Ta đang nói với ông không ở trong quá khứ hay tương lai. Nó cũng không ở trong cuộc sống thường ngày vì nó trôi chảy trong cái bây giờ. Nó vô thời, và tính hoàn toàn vô thời của nó ở ngoài tâm. Tôn sư và lời của ngài: “Ông là chính Ta” ở với Ta bất kể thời gian. Lúc đầu Ta phải chú tâm đến Tôn sư và lời ngài nói, nhưng bây giờ thì điều này đã trở nên tự nhiên và dễ dàng. Thời điểm khi tâm chấp nhận lời dạy của Tôn sư là chơn thật, và tâm sống theo lời ngài một cách tự sinh khởi trong từng sinh hoạt nhỏ nhặt của đời sống hàng ngày - là ngưỡng cửa của sự giác ngộ. Về một phương diện thì đó là sự cứu độ bằng tín tâm, nhưng tín tâm phải mãnh liệt và lâu bền.

Tuy nhiên, ông chớ nghĩ rằng chỉ tín tâm là đủ. Tín tâm được thể hiện bằng hành động là phương tiện chắc chắn đưa đến giác ngộ. Trong tất cả các phương tiện, đó là phương tiện hữu hiệu nhất. Có nhiều đạo sư phủ nhận tín tâm mà chỉ tin vào lý luận. Thật ra họ không phủ nhận tín tâm, mà bài bác sự tin tưởng mù quáng. Tín tâm thì không mù quáng. Tín tâm là sự sẵn sàng trắc nghiệm một điều gì đó.

H: Chúng tôi nghe nói rằng trong số các phương thức tu tập tâm linh thì sự thực hành thái độ nhân chứng thuần túy là hữu hiệu nhất. So sánh thái độ nhân chứng với tín tâm thì thế nào?

M:) Thái độ nhân chứng cũng là tín tâm; đó là tín tâm với chính mình. Ông tin rằng ông không phải những gì ông kinh nghiệm và ông nhìn mọi vật như từ một khoảng cách. Trong hành vi nhân chứng không có cố gắng. Ông hiểu rằng ông chỉ là nhân chứng, và cái hiểu hành động. Ông không cần gì thêm nữa, chỉ cần nhớ rằng ông là nhân chứng. Trong trạng thái nhân chứng, ông hỏi chính mình: “Ta là ai?” câu trả lời xảy ra ngay lập tức, mặc dù là vô ngôn và im lặng. Chấm dứt là đối tượng và trở thành chủ thể của tất cả những gì xảy ra; một khi đã quay vào trong, ông sẽ nhận ra chính mình ở ngoài chủ thể. Khi ông đã tìm ra chính ông, ông sẽ nhận ra ông cũng ở ngoài cả đối tượng; cả chủ thể và đối tượng đều tồn tại trong ông, nhưng ông không phải cả hai.

H: Ông nói về tâm, về ý thức nhân chứng siêu vượt tâm và thuộc về cái Tối thượng, tức là cái bên ngoài tánh biết. Ý ông muốn nói ngay cả tánh biết cũng không thật?

M: Chừng nào ông còn hành sử theo thật, và không thật thì tánh biết có thể là thực tại duy nhất. Cái Tối thượng ở ngoài tất cả mọi phân biệt nên từ ngữ “thật” không áp dụng được, vì trong nó tất cả đều thật, do đó, không cần thiết phải được dán cho cái nhãn hiệu như thế. Cái Tối thượng chính là nguồn gốc của thực tại, cái Tối thượng truyền thực tại vào bất cứ gì nó chạm đến. Chỉ có điều là Nó không thể được hiểu qua ngôn từ. Thậm chí một kinh nghiệm trực tiếp, dù siêu phàm đến đâu, cũng chỉ là bằng chứng, không gì khác hơn.

H: Nhưng ai đã tạo ra thế giới?

M: <Tâm Vũ trụ > Chidakash - tạo ra và hủy diệt mọi vật. Cái Tối thượng - Paramakash - truyền thực tại cho bất cứ gì trở thành hiện hữu. Có thể nói tình yêu vũ trụ là những gì gần đúng nhất khi chúng ta phải dùng đến ngôn từ. Cũng như tình yêu, nó làm cho mọi thứ thành chơn thật, tốt đẹp và đáng mong ước.

H: Vì sao lại đáng mong ước?

M: Tại sao không? Nguồn gốc của tất cả những sức hút mãnh người lại với nhau liệt nhất làm cho tất cả tạo vật phản ứng lẫn nhau và đem con là gì khác nếu không phải Cái Tối thượng? Đừng xa lánh sự mong ước, mà chỉ cần để ý sự mong ước có chảy vào đúng kênh luồng hay không. Nếu không có mong ước ông chỉ là một xác chết. Nhưng nếu chỉ có những mong ước thấp hèn thì ông là một hồn ma.

H: Kinh nghiệm kề cận với cái Tối thượng thì như thế nào?

M: An lạc vô biên và yêu thương vô hạn. Hãy nhận ra rằng bất cứ gì chơn thật, cao thượng và đẹp đẽ trong vũ trụ đều từ ông mà ra, chính ông ở tại cội nguồn của tất cả. Tất cả các thần linh cai quản thế giới có thể là những thực thể phi thường và rực rỡ nhất, nhưng chỉ là những kẻ tôi tớ được ăn mặc lộng lẫy để phô trương uy quyền và sự giàu có của chủ nhân.

H: Làm sao đạt đến Trạng thái Tối thượng

M: Bằng cách từ bỏ những mong ước thấp kém. Bao giờ còn mãn nguyện với cái thấp kém thì ông không thể có được cái cao nhất. Bất cứ gì làm ông mãn nguyện sẽ giữ ông lại. Cho đến khi nào ông nhận ra không gì có thể thỏa mãn được ông vì tính vô thường và giới hạn của nó; nhưng nếu chưa dồn hết công sức cho sự mong ước vĩ đại duy nhất thì ông vẫn chưa bước bước đầu tiên. Mặt khác, chính sự chánh trực của lòng mong ước cái Tối thượng là tiếng gọi từ cái Tối thượng. Không gì, vật lý hay tâm lý, có thể cho ông tự do. Ngay khi hiểu rằng sự ràng buộc là do chính ông tạo ra thì ông tự do, và lúc đó ông chấm dứt tạo ra xiềng xích để ràng buộc chính ông.

H: Làm sao một người tìm được tín tâm với Đạo sư?

M: Tìm được một Đạo sư để tin thì thật hy hữu. Điều này hiếm khi xảy ra.

H: Thế không phải định mệnh an bài?

M: Gọi đó là định mệnh thì chẳng giải thích gì nhiều. Khi điều đó xảy ra ông không thể nói tại sao nó xảy ra; quy tất cả cho nghiệp hay phước đức, hay Ý Chúa chỉ là một cách che giấu sự vô minh của chính mình.

H: Krishnamurti bảo rằng không cần đến Đạo sư.

M: Phải có ai đó nói cho ông về Thực tại Tối thượng, và con đường đi đến đó. Krishnamurti không làm gì khác. Về một phương diện ông ấy đúng hầu hết những người được gọi là môn đồ không tin Đạo sư của họ; họ không làm theo những gì Đạo sư chỉ dẫn và cuối cũng bỏ đi. Đối với những môn đồ như thế thì tốt hơn là đừng bao giờ có một Đạo sư, mà phải tìm sự hướng dẫn từ bên trong. Tìm được một Đạo sư còn sống là một cơ hội vừa hiếm hoi vừa là một trách nhiệm vĩ đại. Một người không nên xem thường những chuyện như thế. Thường thì người ta tìm mua cho mình một thiên đường, và tưởng tượng vị Đạo sư sẽ trao cho họ với một cái giá nào đó. Các ông mong tìm được của hời bằng cách chìa ra thật ít nhưng đòi hỏi thật nhiều. Các ông chẳng lừa gạt được ai ngoài chính mình.

H: Tôn sư của ông bảo ông là cái Tối thượng, ông tin tưởng và làm theo. Cái gì cho ông tín tâm đó?

M: Cứ cho rằng Ta là một người biết lý lẽ, thì chỉ có ngu ngốc mới không tin Tôn sư. Ngài được lợi gì để lừa dối Ta?

H: Ông vừa bảo một người rằng chúng ta như nhau, chúng ta bình đẳng. Tôi không thể tin điều đó. Vì tôi không tin thì câu nói của ông có ích lợi gì cho tôi?

M: Chuyện ông không tin chẳng có gì quan trọng. Lời nói của Ta là chơn thật và sẽ có tác động. Đây chính là cái đẹp của sự thân cận thiện tri thức.

H: Có thể nào xem việc ngồi gần ông là một cách tu tập tâm linh?

M: Dĩ nhiên. Dòng sông của sự sống luôn tuôn chảy. Một số nước của dòng sông ở đây, nhưng hầu hết đã đến đích. Ông chỉ biết hiện tại. Ta thấy rất xa hơn vào quá khứ và tương lai, vào trong cái ông là và cái ông có thể là. Ta thấy ông không gì khác hơn chính Ta. Chỉ ở trong bản chất của tình yêu thì mới thấy không có sự khác biệt.

H: Làm sao tôi có thể thấy tôi như ông thấy tôi?

M: Chỉ cần ông không tưởng tượng chính ông là thân xác, là đủ. Chính cái ý tưởng “Ta là thân xác” mới là tai họa. Nó hoàn toàn che kín mắt ông nên ông không thấy được bản tánh chơn thật của ông. Thử ngưng nghĩ rằng ông là thân xác trong một lúc, đừng cho ông một danh xưng, một hình tướng. Trong bóng tối và im lặng thực tại được tìm ra.

H: Để nghĩ rằng tôi không phải là thân xác thì ý nghĩ này phải đi cùng với một sự tin tưởng nào đó. Tôi tìm sự tin tưởng như thế ở đâu?

M: Cứ hành xử như ông hoàn toàn tin tưởng và lòng tin sẽ đến. Ngôn từ suông thì có ích lợi gì? Một công thức, một mô thức của tâm chẳng giúp gì được ông. Nhưng hành động vô vị kỷ - hoàn toàn không quan tâm đến thân xác và những lợi ích của nó - sẽ chuyên chở ông đến ngay tâm của Thực tại.

H: Tôi tìm sự can đảm ở đâu để hành động mà không cần tin tưởng?

M: Tình yêu sẽ cho ông can đảm. Khi ông gặp một người hoàn toàn khả kính, đáng yêu, cao cả thì tình yêu và sự kính ngưỡng sẽ thôi thúc ông hành động một cách cao thượng.

H: Không phải ai cũng biết kính ngưỡng những bậc tôn đức. Hầu hết mọi người hoàn toàn vô cảm.

M: Cuộc đời sẽ làm cho họ biết cách nhận thức. Chính ảnh hưởng của những kinh nghiệm đã được huân tập sẽ cho họ mắt nhìn. Khi gặp một người xứng đáng, ông sẽ yêu quý, tin tưởng và làm theo sự chỉ dạy của người đó. Đây chính là vai trò của những người giác ngộ - nêu gương toàn hảo cho người khác kính ngưỡng và yêu quý. Cái đẹp của cuộc sống và tính cách đặc sắc của cuộc sống là một cống hiến lớn lao cho sự tốt lành chung.

H: Thế không phải chúng ta phải đau khổ để trưởng thành? M: Biết rằng có đau khổ, thế giới đau khổ là đủ. Tự thân lạc thú hay đau khổ không đem lại giác ngộ. Hiểu mới đưa đến giác ngộ. Một khi ông đã hiểu được sự thật là thế gian đầy đau khổ, được sinh ra là một tai họa thì ông sẽ tìm thấy sự thôi thúc và nguồn năng lực để vượt ra ngoài. Lạc thú làm cho ông ngủ mê và đau khổ đánh thức ông giậy. Nếu không muốn đau khổ thì đừng ngủ. Ông không thể biết chính ông chỉ qua sự an lạc, vì sự an lạc là bản chất của chính ông. Ông phải đối diện cái đối nghịch, cái không phải là ông, để tìm ra sự giác ngộ.

Ảnh nguồn internet

Bài viết liên quan