BÁC NHÂN DUYÊN VÀ TỰ NHIÊN - KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

BÁC NHÂN DUYÊN VÀ TỰ NHIÊN

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

Để thoát khỏi các tướng nhân duyên và tự nhiên này người tu hành phải trở về nguồn của mọi cái thấy. Nguồn đó là ánh sáng căn bản, ở chỗ khác được gọi là tịnh quang, quang minh. Nguồn tịnh quang ấy không có chỗ nào không có,...
BÁC NHÂN DUYÊN VÀ TỰ NHIÊN - KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nếu quả tánh giác mầu diệu này chẳng phải nhân chẳng phải duyên, thế sao Thế Tôn thường chỉ dạy các Tỳ kheo rằng tánh thấy có đủ bốn thứ duyên, đó là nhân hư không, nhân ánh sáng, nhân nơi tâm, nhân mắt, nghĩa ấy thế nào?

Phật bảo: A Nan, ta nói như thế là nói các tướng nhân duyên của thế gian, chẳng phải là đệ nhất nghĩa. A Nan, ta lại hỏi ông, người trong thế gian nói ‘Tôi thấy được’, thì thế nào gọi là thấy, thế nào gọi là không thấy?

A Nan thưa: Người đời nhân ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đèn mà thấy được mọi thứ hình tướng. Nếu không có ba thứ ánh sáng này thì không thể thấy được.

A Nan, nếu khi không có ánh sáng mà gọi là không thấy, thì lẽ ra không thấy được tối. Nếu thấy tối thì đó chỉ là không có ánh sáng, chứ đâu phải là không thấy? A Nan, nếu khi tối, vì không thấy sáng mà gọi là không thấy, thì khi sáng, không thấy tướng tối, cũng gọi là không thấy. Như thế thì cả hai tướng sáng tối đều gọi là không thấy. Còn nếu hai tướng sáng tối lấn át lẫn nhau, thì chẳng phải tánh thấy của ông trong đó có lúc tạm thời không có. Như thế thì biết: cả hai lúc sáng và tối đều gọi là thấy, chớ sao gọi là không thấy?

Tánh thấy không phải nhân duyên: sáng vẫn thấy tối vẫn thấy, trống không vẫn thấy ngăn bít vẫn thấy.

Tánh thấy hiện hữu trong mọi thời: khi thức, khi ngủ, khi thiền định và khi chết, đi vào trung ấm. Bốn cảnh giới này khác nhau nơi một người và khác nhau nơi mỗi người, nhưng vẫn một tánh thấy đang thấy. Nó thấy bốn cảnh giới của sự sống chết, nhưng nó không thay đổi theo cái được thấy, nên nó vốn là giải thoát. Cái được thấy có ở khắp nơi, nên tánh thấy ở khắp tất cả chỗ. Đây là chỗ Kinh nói: ‘‘Tánh giác duyên khắp mười phương thế giới, lặng trong thường trụ, chẳng sanh chẳng diệt’’.

Các tướng thì có nhân duyên, có tự nhiên. Để thoát khỏi các tướng nhân duyên và tự nhiên này người tu hành phải trở về nguồn của mọi cái thấy. Nguồn đó là ánh sáng căn bản, ở chỗ khác được gọi là tịnh quang, quang minh. Nguồn tịnh quang ấy không có chỗ nào không có, không có thời nào không có, và duyên với cái gì thì hiện ra nơi cái ấy.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan