BẢN TÁNH CỦA TÂM - NGUỒN TỐI THƯỢNG - KUNJED GYALPO

BẢN TÁNH CỦA TÂM

NGUỒN TỐI THƯỢNG - KUNJED GYALPO

---o0o---

CLEMENTE Từ sơ thủy, thể trạng thật của tâm người ta và của tất cả những hiện tượng biểu lộ cho tri giác là một sự đơn nhất, thế nên chớ tán thành những tư tưởng của những người theo những thừa nhân và quả.
BẢN TÁNH CỦA TÂM - NGUỒN TỐI THƯỢNG - KUNJED GYALPO

 

CLEMENTE Từ sơ thủy, thể trạng thật của tâm người ta và của tất cả những hiện tượng biểu lộ cho tri giác là một sự đơn nhất, thế nên chớ tán thành những tư tưởng của những người theo những thừa nhân và quả. Khảo sát thể trạng nền tảng của tự tâm, người ta chỉ tìm thấy bản tánh của giác ngộ. Tuy nhiên, một số người áp dụng từ “tương đối” cho cái gì xuất hiện và “tuyệt đối” cho cái gì không xuất hiện, hay họ xác định rằng cái tương đối và cái tuyệt đối là chân lý đơn nhất không thể lìa nhau. Nhưng chân lý “thực” không hiện hữu, và ngay sự kiện cho cái gì là “thực” đã là ảo tưởng.

Tham muốn hạnh phúc là bệnh bám luyến; người ta chỉ hạnh phúc khi không có bám luyến. Chứng ngộ không hoàn thành bằng cách nỗ lực cho nó, nó sanh khởi tự phát khi người ta an trụ trong trạng thái tự nhiên không tìm kiếm, không khái niệm! Cho dù tên “giác ngộ” được dùng cho bản tánh chân thật, điều này không có nghĩa “giác ngộ” hiện hữu một cách cụ thể. Nếu có người tin điều ngược lại, hãy để cho nó tiến tới và nỗ lực tìm thấy giác ngộ: lìa khỏi chiều kích của thực tại nền tảng, họ sẽ chẳng tìm thấy gì. Thế nên, thay vì nhắm đến giác ngộ, người ta cần hiểu bản tánh của tự tâm vượt khỏi hành động. Khảo sát tự tâm, người ta chẳng tìm thấy gì, nhưng đồng thời có sự sáng tỏ bao giờ cũng hiện diện. Nó không biểu lộ cụ thể, nhưng tinh túy của nó ở khắp cả: đây là cách bản tánh của nó tự trình bày.

Những người theo những thừa nhân và quả không tin điều này nên họ phủ nhận, ngăn chặn, đi vào những pháp lặt vặt, lệch khỏi thể trạng tự nhiên không hành động của tự tâm họ. Như một người để cái gì ở nhà rồi tìm kiếm nó nơi xa, họ lơ là với hạnh phúc của không hành động và cam kết giới nguyện với nổ lực: không có bệnh nào tệ hơn chuyện ấy.

Tập trung không xao lãng là sợi dây cột người ta vào cây cọc của một ý niệm về một chủ thể: đối với cái luôn luôn hiện hữu không có khả năng cho bất cứ xao lãng nào. Phương pháp dẫn dắt lệch hướng bằng cách theo đuổi tập trung không xao lãng là giáo lý tạm thời cho những người theo những thừa nhân và quả, trong khi đó sự kiện người ta không thể xao lãng khỏi thể trạng bổn nguyên phá hủy mọi đối trị đặt nền trên cố gắng.

Khi giáo lý của ta được phát lộ cho những đệ tử của những vị thầy của nhân và quả, họ ngoan cố khẳng định rằng một kết quả phải có từ một nguyên nhân, và do đó để thành tựu giác ngộ họ muốn an trụ trong một trạng thái “tập trung”. Tuy nhiên theo cách này họ bỏ qua thể trạng tự nhiên bất biến.

Trạng thái đích thực bất biến là tinh túy chân thật của tất cả, và không có giác ngộ hiện hữu ngoài trạng thái tự nhiên này. “Giác ngộ” chỉ là một tên để chỉ cái được gọi là “thể trạng tự nhiên”, tự tâm của mình: chính tâm này, bất biến, là pháp thân. Cái không bao giờ biến đổi cũng là cái không bao giờ sanh, và cái “không sanh” thì không thể tìm kiếm hay chứng ngộ qua nỗ lực. Cái siêu vượt hành động không thể chứng ngộ qua tìm kiếm và cam kết.

Hãy nghe, đại nhân! Tinh túy của ta biểu lộ như trạng thái giác ngộ của “năm cái vĩ đại” trong cách sau.

Bản tánh của ta, thể trạng nền tảng sanh khởi sự xuất hiện của thế giới có và không sự sống, biểu lộ trực tiếp khắp nơi. Không cần làm hành động nào, nó là trạng thái bổn nguyên của giác ngộ. Không cần cố gắng trong thực hành của mình, nó là một phẩm tính luôn luôn hiện diện. Đây là cái vĩ đại của sự biểu lộ trực tiếp của giác ngộ.

Sự biểu lộ của tinh túy của ta là cốt lõi sâu thẳm nhất của mọi sự và như thế là thể chất tối hậu. Không cần làm gì cả, nó là trạng thái bổn nguyên của giác ngộ. Không cần nỗ lực trong thực hành của mình, nó là một phẩm tính luôn luôn hiện diện. Đây là sự vĩ đại của giác ngộ trong tính toàn thể của trạng thái của người ta.

Sự biểu lộ của thể trạng vô sanh siêu vượt những giới hạn của khái niệm, luôn luôn vượt khỏi quan niệm chủ thể và đối tượng, là chiều kích tối hậu của những hiện tượng. Không cần làm gì cả, nó là trạng thái bổn nguyên của giác ngộ. Không cần nỗ lực trong thực hành của mình, nó là một phẩm tính luôn luôn hiện diện. Đây là sự vĩ đại của giác ngộ trong chiều kích tối hậu của những hiện tượng.

Cái ta thực sự dạy được phát lộ qua thí dụ, nghĩa, và dấu hiệu (của kinh nghiệm). Nghĩa của thể trạng thật được chỉ ra với thí dụ bầu trời và được chứng thực bởi kinh nghiệm về tâm thức toàn thể và thanh tịnh. Thế nên cung cấp sự xác quyết cho những người bị phiền não vì nghi ngờ, bản tánh của giác ngộ được chứng thực qua thí dụ, nghĩa, và dấu hiệu (của kinh nghiệm). Đây là sự vĩ đại của giác ngộ chứng tỏ tự tánh của nó.

Dù biểu lộ cho tất cả, thể trạng của bản tánh của ta, y như nó là, thì không tri giác được. (Đây là nghĩa của teshinnyid, hay “cái bản thân nó y như nó là): te nghĩa là bản tánh chân thật; shin nghĩa là bản tánh này không thể biến đổi; nyid ám chỉ tinh túy tối hậu. Trong thể trạng tự nhiên, “y như nó là”, vô nghĩa khi xác nhận sự hiện hữu của chư Phật của ba thời và bác bỏ sự hiện hữu của chúng sanh ba cõi. Vì không có khái niệm hay phê phán nào có thể có, ta dạy sự vĩ đại của không hiện hữu tuyệt đối của giác ngộ.

---o0o---

Trích: “Nguồn Tối Thượng”

Tác giả: Kunjed Gyalpo

Việt dịch: Ban dịch thuật Thiện Tri Thức

NXB Thiện Tri Thức, 2018

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan