BỒ TÁT ĐẢN SANH - NHỮNG MẬT Ý TRONG CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI

BỒ TÁT ĐẢN SANH 

- NHỮNG MẬT Ý TRONG CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI

-------o0o-------

Sau khi nói lời ấy xong, Bồ tát cười lớn. Lúc ấy trên hư không, Long vương phun hai lần nước nóng và mát tắm cho Bồ tát.
BỒ TÁT ĐẢN SANH - NHỮNG MẬT Ý TRONG CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI

5.6 - Sau khi nói lời ấy xong, Bồ tát cười lớn. Lúc ấy trên hư không, Long vương phun hai lần nước nóng và mát tắm cho Bồ tát.

Chú giải :

Theo bản kinh mô tả, sau khi Bồ tát nói lời “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” xong, Ngài cười lớn. Chúng ta thử tìm hiểu nụ cười của Ngài lúc đản sanh bao hàm những ý nghĩa gì? Cũng như sự kiện Long vương đem hai làn nước nóng và mát tắm cho Bồ tát nhằm muốn nói lên những mật ý nào ?

Trước hết chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của nụ cười của Bồ tát lúc đản sanh. Chúng ta biết rằng Bồ tát vì tình thương và đại nguyện giáo hóa chúng sanh mà thị hiện trong cuộc đời. Vì thế nụ cười của Ngài không phải phát xuất từ tâm khinh mạn ngạo nghễ mà cười. Để tìm hiểu ý nghĩa nụ cười của Bồ tát lúc đản sanh, chúng tôi xin trích dẫn một vài đoạn trong kinh Pháp hoa, Hoa nghiêm... ngõ hầu làm sáng tỏ vấn đề này.

Trong kinh Pháp hoa nơi phẩm Thí dụ thứ ba, có nêu lên thí dụ “Gã cùng tử”; Gã cùng tử sau năm mươi năm bỏ nhà đi xa, nghèo đói khốn khổ. Nhân một ngày kia có dịp đi ngang nhà, thấy nhà mình lầu cao cửa rộng, trưởng giả (cha cùng tử) sang trọng, tôi tớ rộn ràng... Thấy cảnh như vậy, gã cùng tử sanh lòng sợ hãi hoảng hốt bỏ chạy. Vị trưởng giả thấy cảnh xót thương như vậy, bèn dùng phương tiện, sai người mặc áo quần rách rưới, đuổi theo gã cùng tử, khuyên về làm công việc hốt phân cho trưởng giả. Gã cùng tử vô cùng sung sướng khi được việc làm, nhưng tâm vẫn còn đầy kinh sợ… trưởng giả nhìn thấy cảnh tượng con mình cam nhẫn làm kẻ hốt phân, vừa thương xót vừa kinh ngạc đến độ tức cười.

Lại ở phẩm thứ tám Ngũ bá đệ tử thọ ký cũng thuộc kinh Pháp hoa, có nêu thí dụ “Hạt châu”. Có một người nghèo khổ đến nhà bạn chơi, say rượu nằm ngủ. Người bạn có chút việc phải đi xa, bèn đem hạt châu buộc vào áo trong của người ấy. Người nghèo khổ tỉnh dậy không hay biết, đi lang thang qua xứ khác làm lụng vất vả được chút ít cho là đủ. Về sau người bạn thân gặp lại, ngạc nhiên khi thấy người bạn mình đi xin ăn, bèn kêu lên “Trước đây tôi đã đem hạt châu vô giá buột vào áo anh. Sao anh không biết, lại phải xin ăn cực khổ như thế này”. Cái kinh ngạc đến độ tức cười khi thấy người kia có hạt châu trong mình mà lại cam chịu làm kẻ ăn xin nghèo đói.

Như vậy nụ cười của Bồ tát lúc đản sanh tại vườn Lâm tỳ ni bao hàm không ngoài hai ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất như chúng tôi đã trích dẫn hai đoạn thí dụ trong kinh Pháp hoa để trình bày là Bồ tát lúc mới đản sanh, Ngài nhìn thấy chúng sanh và ngạc nhiên đến độ tức cười mà cười, khi chúng sanh ai cũng có Phật tánh, có bản tánh giác ngộ như Ngài, nhưng không nhận ra, để rồi phải bị trôi lăn trong sanh tử luân hồi. Hoặc giả có hạng chúng sanh cùng với Bồ tát trong kiếp quá khứ sâu xa phát tâm tu hành, nhưng đến hôm này Bồ tát đã thành tựu đạo quả mà họ vẫn bị trôi lăn trong sanh tử, khiến Bồ tát kinh ngạc đến độ tức cười.

Ý nghĩa thứ hai của nụ cười Bồ tát lúc đản sanh là Bồ tát cảm thấy vui mừng, thỏa thích khi tự thân Ngài trải dài trên con đường hành Bồ tát đạo đầy cam go khổ khuất, hôm nay đã thành tựu viên mãn.

Bồ tát đã trải qua ba A tăng kỳ kiếp hành Bồ tát đạo, đến kiếp này Ngài đã đầy đủ các công hạnh từ bi và trí tuệ, đã có đầy đủ Thập lực, Tứ vô sở úy, Thập bát bất cộng pháp... Ngài đã hoàn toàn đủ ba giác là Tự giác, Giác tha và Giác hạnh viên mãn. Quá trình tu đạo với bao sự khó khăn phải nhẫn chịu, bao sự trì chí lập công bồi đức để tu hành, hôm nay đã đến ngày đơm bông kết trái. Sự xuất hiện của Ngài trong kiếp này là sự xuất hiện cuối cùng trong chuỗi điểm luân hồi bất tận, là sự trọn vẹn của “Tam kỳ quả mãn - Bách kiếp nhân viên”. Ngài thị hiện vào cõi đời này để chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Niềm vui mừng trước công viên quả mãn khiến Bồ tát hoan hỷ cười lớn.

Để chứng minh cho hai ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất Bồ tát kinh ngạc khi thấy chúng sanh ai cũng có Phật tánh, hoặc có vị đã cùng thời phát tâm tu hành với Ngài mà ngày nay Ngài đã thành Phật, họ vẫn bị trôi lăn trong sanh tử luân hồi, và ý nghĩa thứ hai Bồ tát vui mừng trước công viên quả mãn của mình mà cười lớn. Chúng tôi xin trích dẫn đoạn kinh nói về ý nghĩa nụ cười của Bồ tát lúc mới đản sanh trong Pháp hội Đại thừa phương tiện thuộc kinh Đại bảo tích làm sáng tỏ điều đó:

“Vì duyên cớ gì Bồ tát đi bảy bước rồi lại cười lớn? Bồ tát chẳng do ham muốn mà cười, chẳng do khinh mạn mà cười. Bấy giờ Bồ tát suy nghĩ rằng: Các chúng sanh này trước kia có tham, sân, si và các phiền não nay cũng như vậy. Trước đây Ta khuyên họ phát Bồ đề tâm. Nay Ta đã thành Phật, mà họ vẫn còn giải đãi biếng nhác, nên vẫn ở trong biển cả sanh tử khổ não, chưa dứt được phiền não. Các chúng sanh cùng Ta đồng thời phát Bồ đề tâm, Ta nay đã thành Phật mà họ vẫn còn giải đãi biếng nhác, mãi ở trong biển sanh tử khổ não. Chúng sanh hạ liệt này, vì ham lợi dưỡng không siêng năng tinh tấn cầu đạo, các chúng sanh này, ngày nay còn lễ bái cung kính cúng dường Ta. Thuở ấy Ta sanh đại bi tâm nay Ta đã mãn sở nguyện”.(*)

Về ý nghĩa nụ cười lớn của Bồ tát lúc đản sanh, ngoài kinh Đại bảo tích mà chúng tôi đã trích dẫn, còn có rất nhiều Kinh Luận khác trình bày. Nơi phần giới hạn này, chúng tôi xin trích một đoạn trong kinh Hoa nghiêm phẩm Ly thế gian thứ ba mươi tám, làm phần kết của ý nghĩa nụ cười lớn lúc Bồ tát đản sanh:

“Chư Phật tử! Đại Bồ tát do mười sự mà thị hiện vi tiếu tâm tự thệ.

- Đại Bồ tát nghĩ rằng: Tất cả thế gian chìm tại vũng bùn ái dục, trừ một mình tôi ra, không ai có thể cố gắng cứu tế được. Nghĩ biết như vậy rồi, Bồ tát vui vẻ vi tiếu tâm tự thệ.

- Lại nghĩ rằng: Tất cả thế gian bị phiễn não làm mù tối, duy có tôi nay là người đầy đủ trí tuệ, Bồ tát nghĩ biết như vậy vui vẻ vi tiếu tâm tự thệ.

- Lại nghĩ rằng: Nay tôi do thân giả danh này sẽ được Pháp thân vô thượng sung mãn tam thế của đức Như lai. Nghĩ biết như vậy, Bồ tát vui vẻ vi tiếu tâm tự thệ.

- Bấy giờ Bồ tát dùng mắt vô chướng ngại quan sát tất cả Phạm thiên nhẫn đến tất cả Đại tự tại thiên trong mười phương mà tự nghĩ rằng: Những chúng sanh này đều tự cho rằng mình có đại trí tuệ. Bồ tát nghĩ biết như vậy, Bồ tát vui vẻ vi tiếu tâm tự thệ.

- Bồ tát quán sát chúng sanh từ lâu gieo trồng căn lành, nay đều thối mất. Nghĩ biết như vậy, Bồ tát vui vẻ vi tiếu tâm tự thệ.

- Bồ tát quán sát thấy thế gian chủng tử gieo trồng dầu ít mà được quả nhiều. Nghĩ biết như vậy, Bồ tát vui vẻ vi tiếu tâm tự thệ.

- Bồ tát quan sát thấy tất cả chúng sanh được Phật giáo hóa quyết định được lợi ích. Nghĩ biết như vậy, Bồ tát vui vẻ vi tiếu tâm tự thệ.

- Bồ tát quán sát thấy trong đời quá khứ chư Bồ tát đồng hành nhiễm trước việc khác, nên chẳng được công đức quảng đại của Bồ tát. Nghĩ biết như vậy, Bồ tát vui vẻ vi tiếu tâm tự thệ.

- Bồ tát quan sát thấy trong đời quá khứ hàng nhân thiên cùng mình tập hội nay còn ở bậc phàm phu, không xả ly được, cũng chẳng nhàm mỏi. Nghĩ biết như vậy, Bồ tát vui vẻ vi tiếu tâm tự thệ.

- Bấy giờ Bồ tát được quang minh của tất cả Như lai, chiếu đến càng thêm hân hoan, vui vẻ vi tiếu tâm tự thệ.

Đại Bồ tát vì điều phục chúng sanh nên thị hiện như vậy". (**)

Và theo lịch sử ghi lại, sau khi Bồ tát cười lớn, Long vương từ trên hư không phun hai làn nước nóng và mát tắm cho Bồ tát. Hình ảnh Long vương với hai làn nước nóng và mát đến tắm cho Bồ tát bao hàm ý nghĩa gì?

Long vương phạn ngữ Nàgaràjah, dịch âm là Na già la nhạ.. loại rồng có oai đức thù thắng trong các loại rồng, nên được xưng tụng là Long vương (Rồng chúa).

Thông thường như bao kẻ phàm phu, khi mới sanh ra thân mình dính đầy máu huyết, do các chất nhơ từ trong bụng mẹ dính vào. Lại khi sanh ra phàm phu phải chun ra từ nữ căn người mẹ. Vì thế lúc mới sanh ra, hài nhi thân dính đầy các chất bất tịnh, khiến người hộ sinh phải dùng nước tắm rửa cho hài nhi được sạch sẽ.

Còn Bồ tát lúc trụ thai, Bồ tát ở trong lầu cao bảy báu, trang nghiêm hơn cả cung trời Đâu suất, nên không bị các chất nhơ từ nơi bụng mẹ dính vào. Trong khi sanh, Bồ tát không sanh từ nữ căn người mẹ mà sanh từ hông bên hữu, nên không bị các chất bẩn làm nhơ uế... Do đó Bồ tát lúc mới đản sanh, thân thể của Ngài hoàn toàn sạch sẽ thanh tịnh, không chút vết nhơ. Nhưng Bồ tát vì muốn tùy thuận theo phong tục của thế gian khi mới sanh phải tắm rửa, nên Long vương vẫn đem hai luồng nước nóng và mát đến tắm cho Bồ tát.

Hình ảnh Long vương đến tắm cho Bồ tát còn nói lên ý nghĩa Bồ tát là bậc tối tôn, tối thắng nhất trong cuộc đời. Ngài sau khi sanh ra, không do phàm phu, mà do loài chúa của muôn thú (Rồng) đến tắm, như trong bài kệ tắm Phật đã nói lên ý này.

“Tỳ lâm viên nội giáng sanh thời

Long dữ chư thiên hàm quán mộc

Như lai sở hữu cát tường sự

Ngã kim quán mộc diệc như thị.”

(Trong vườn Lâm tỳ ni lúc giáng sanh

Rồng cùng chư thiên tắm cho Ngài

Như lai có được việc cát tường

Nay con tắm Ngài cũng như vậy).

Long vương từ trên hư không phun hai làn nước nóng và mát đến tắm cho Bồ tát lúc đản sanh. Hai luồng nước nóng và mát biểu trưng cho ý nghĩa gì? Hai luồng nước nóng và mát biểu trưng cho mọi nghịch duyên và thuận duyên trong cuộc đời hoằng hóa sau này Ngài gặp phải. Và trước mọi sóng gió của cuộc đời Ngài đều hoàn toàn bất động, không bị hoàn cảnh chi phối, không bị nghịch duyên tác động.

Nhìn lại cuộc đời tám mươi năm trụ thế của đức Phật, kể từ ngày hạ sanh dưới cội Vô ưu tại vườn Lâm tỳ ni cho đến ngày nhập Niết bàn tại cội cây Sala thành Câu thi na, chúng ta càng thấy rõ được điều đó. Đức Phật đã được mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội từ vua chí dân hết lòng sùng kính ngưỡng mộ... nào là vua Bình sa vương xin dâng một nửa giang sơn đất nước, xây dựng Trúc lâm tinh xá làm nơi cho Phật và chư Tăng an cư kiết hạ, nào là vua Tần bà sa la cùng quyến thuộc xin làm đệ tử và trở thành một vị hộ pháp đắc lực trong hàng vua chúa cho Phật và giáo đoàn. Rồi Trưởng giả Cấp cô độc dâng cúng Kỳ viên tinh xá nguy nga đồ sộ cùng với nhiều Tinh xá khác... Chí đến những hạng cùng đinh trong xã hội, như người gánh phân Ni đề thuộc giai cấp Thủ đà la, nàng dâm nữ nổi tiếng thành Xá vệ là Ambapali... cũng đều hết lòng cung kính ngưỡng mộ Ngài.

Ngay cả những tín đồ Bà la môn giáo, những người hoàn toàn chống đối Phật giáo. Trong số ấy, có những vị thông suốt bốn bộ Phệ đà, có uy tín rất lớn với đạo của mình, như A ma trú, Phạm chí trường trảo... đã từng nhiều lần chống đối, vấn nạn với Ngài, nhưng cuối cùng thảy đều quỳ gối chắp tay cúi đầu cung kính đảnh lễ. Tuy nhiên, bên cạnh những người cung kính ngưỡng mộ, vẫn còn không biết bao nhiêu người thù hằn, chống đối, chửi mắng, dùng đủ mọi hình thức mưu toan phá hoại Ngài.

Như Đề bà đạt đa với âm mưu hại Phật để lãnh đạo giáo hội, đã dùng mọi hình thức chia rẻ Tăng đoàn, hoặc cấu kết với vua A xà thế gây áp lực, hoặc đứng trên núi cao xô đá hại Ngài. Hay như thứ hậu của vua Bình sa vương chỉ vì một khúc mắc nhỏ, đã dùng đủ mọi lời cay nghiệt chửi mắng Ngài thậm tệ, trong thời gian Ngài lưu trú tại thành Xá vệ. Hoặc như các đạo sĩ Bà la môn vì ganh ty với uy tín của Ngài trong xã hội, đã xúi giục kỹ nữ Tôn đà ly vu oan đạo hạnh của Ngài... Vô số và vô số những trường hợp chống đối Ngài như thế đã xảy ra trong thời gian Ngài trụ thế.

Ngày nay, chúng ta thử điểm qua cuộc đời và sự nghiệp của các vị giáo chủ xuất hiện ở thế gian, chúng ta sẽ thấy được rằng không có một vị giáo chủ nào phải trải qua những giai đoạn đầy thăng trầm như đức Phật. Không có một vị giáo chủ nào vừa được mọi người trong xã hội từ vua chí dân thảy đều hết lòng cung kính ngưỡng mộ như Ngài, và cũng không có bất kỳ một vị giáo chủ nào phải chịu biết bao sự chống đối, thù hằn, chửi mắng thậm tệ như Ngài.

Giữa hai hoàn cảnh thuận duyên nghịch duyên, hay sự vinh quang tuyệt vời cùng những sự khinh chê tột cùng mà xã hội ban tặng cho Ngài, ám chỉ qua hai làn nước nóng và mát mà Long vương đem tắm cho Bồ tát lúc mới đản sanh. Giữa hai hoàn cảnh ấy, đức Phật vẫn bình thản, không bị hoàn cảnh lay động, chi phối... Ngài không vì sự cung kính, ngưỡng mộ, lễ bái mà sanh tâm kiêu căng, ngã mạn, hống hách. Cũng như không vì sự khinh chê, chửi mắng mà sanh tâm thối thất, phẫn chí, đúng như Thánh hiệu của Ngài được thế gian xưng tụng “Năng nhân Tịch mặc”.

Suốt cả cuộc đời tám mươi năm trụ thế, bốn mươi chín năm hoằng hóa thuyết pháp độ sanh, với một thời gian dài như thế, đức Phật chối từ tất cả mọi khen, chê, được, thua của cuộc đời. Ngài chỉ đeo đuổi một mục đích duy nhất, dù gặp hoàn cảnh thuận duyên hay nghịch duyên vẫn không bị lay chuyển, vẫn không thối thất... Mục đích duy nhất đó là: “... Xuất hiện trong thế gian này, vì sự lợi ích cho phần đông, vì hạnh phúc của phần đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại”. (Tăng nhất A hàm)

-------o0o-------

Trích: NHỮNG MẬT Ý TRONG CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI

Nguyên Liên biên soạn; 2000

Ảnh: hình ảnh vườn Lâm tỳ ni Phật đản sanh (nguồn: google hình ảnh)

Bài viết liên quan