CHỈ NÊN GIẢI HẬN, KHÔNG NÊN ÔM HẬN - GIAO TIẾP BẰNG TRÁI TIM – HÒA THƯỢNG THÍCH THÁNH NGHIÊM

CHỈ NÊN GIẢI HẬN, KHÔNG NÊN ÔM HẬN

GIAO TIẾP BẰNG TRÁI TIM – HÒA THƯỢNG THÍCH THÁNH NGHIÊM

-----o0o-----

Hai chữ “Oán trách” có mặt trong khắp mọi ngõ ngách xã hội, từ quan hệ gia đình bè bạn đến hầu hết các mối quan hệ xã hội. Có thể nói đây là hiện tượng phổ biến. Dù thân thiết như vợ chồng, cha mẹ, con cái cũng khó tránh được hai chữ “trách cứ” nhau. Ví dụ khi mẹ thấy con cái không vâng lời, có thể nói với con trước mặt chồng: “Con cái gì mà chẳng biết nghe lời gì cả, tính tình xấu xa dạy thế nào vẫn chứng nào tật nấy, bố mày chịu khó mà kèm nó cho tốt”. Đấy quả thực là những câu nói khiến người nghe khó chịu.

Người ta thường trách cứ nhau sau khi nổi giận, vì thế những lời “phát tiết” thường rất khó nghe, không những người nghe cảm thấy khó chịu mà bản thân người nói cũng chẳng vui vẻ gì. Khi bạn bất mãn điều gì với người hoặc sự việc nào đó, bạn sẽ cảm thấy ấm ức, tức giận oán hờn trách móc, tuy nhiên bạn cần hiểu rằng, người sống trong đời mười việc hết tám chín việc không như ý, nếu bạn chỉ biết oán hờn trách móc chỉ làm cho sự việc thêm rối lên mà cũng chẳng giải quyết công việc êm đẹp.

Nếu bạn biết tiếp cận vấn đề ở góc độ khác, bạn hãy nghĩ “không phải hiền thánh, mấy ai tránh khỏi lỗi lầm”, bạn thấy người khác chỉ trích hợp lí, bạn nên rút kinh nghiệm, bạn phải cám ơn họ đã cho bạn cơ hội nhìn lại thiếu sót của bản thân.
CHỈ NÊN GIẢI HẬN, KHÔNG NÊN ÔM HẬN - GIAO TIẾP BẰNG TRÁI TIM – HÒA THƯỢNG THÍCH THÁNH NGHIÊM

Khi nghe lời oán trách, mọi người thường nghĩ “tôi đối xử tốt với nó thế mà chẳng hiểu sao nó thường không hài lòng về tôi. Vì tốt cho nó tôi mới làm thế, không những không được lời cám ơn ngược lại còn bị chê trách, thật là làm ơn mắc oán”. Cách nghĩ vấn đề như vậy chỉ làm bạn thêm bực tức! Nếu bạn xem oán hờn trách móc là hiện tượng phổ biến, bình thường thì người bị oán sẽ không thấy đau khổ, nếu không hễ cứ bị trách móc bạn liền nghĩ mình bị trách oan, đau khổ sẽ như quả cầu tuyết, càng lản càng lớn.

Nếu bạn biết tiếp cận vấn đề ở góc độ khác, bạn hãy nghĩ “không phải hiền thánh, mấy ai tránh khỏi lỗi lầm”, bạn thấy người khác chỉ trích hợp lí, bạn nên rút kinh nghiệm, bạn phải cám ơn họ đã cho bạn cơ hội nhìn lại thiếu sót của bản thân.

Người bình thường mấy ai không phiền não, có phiền não nhất định sẽ có oán hờn, trách móc. Có thể bạn không phải là nguyên nhân làm cho người khác phiền não nhưng vẫn bị trách móc, bạn hãy nghĩ mình đang làm điều tốt, đang giúp họ trút giận, giúp họ xả bớt phiền muộn, căng thẳng. Khi cảm thấy bất mãn, có thể do người khác cũng có thể do mình tự gây ra, bạn nên nghĩ rằng do một người nào đó tung tin nhảm chứ không phải lỗi của mọi người. Khi gặp trường hợp này hãy đặt mình vào vị trí người khác để suy nghĩ, cố gắng thực hiện: không oán trách người khác, chấp nhận người khác trách móc, và lắng nghe chỉ trích của người khác. Khổng Tử nói “bậc quân tử nghe lỗi lầm thì vui mừng”, không những không nên phiền não mà ngược lại nên vui vẻ đón nhận vì khi người khác còn biết trách nghĩa là bạn còn giá trị trong họ.

Có trường hợp khi nghe người khác oán trách liền nghĩ “người thanh cao sẽ tự thanh cao, người nhơ bẩn tự làm nhơ bẩn” thế là đóng cửa tuyệt giao, không thèm để ý đến người khác, như thế chỉ làm cho đối phương thêm giận, họ sẽ cho rằng bạn muốn cắt đứt mọi mối quan hệ với họ. Nếu đến mức này sẽ rất khó hòa giải. Khi nghe người khác trách mình bạn nên tìm biện pháp giải quyết hợp tình hợp lí, không nên đổ thêm dầu vào lửa. Nếu là lời trách bình thường, bạn chỉ nên gật đầu tỏ ý cho đối phương rằng mình đã biết, vì có thể đối phương chỉ nhắc nhở chứ không có ý gì khác.

Nếu bạn bị người khác oán trách, chỉ trích thậm tệ bạn nên phản ứng lại. Trường hợp đối phương hiểu lầm, bạn nhất định phải tìm cách giải thích cho họ biết. Nếu đối phương trách vì bạn không làm như họ mong đợi thì hãy nói với họ rằng bạn sẽ cố gắng sửa sai trong lần sau. Nếu đối phương vẫn thấy không hài lòng, bạn cứ nói thật là mình đã cố hết sức để đối phương thông cảm.

Nếu ai cũng biết dùng thái độ bình thản để đón nhận những lời chỉ trích và tìm cách giải quyết thỏa đáng thì sẽ trưởng thành hơn sau những lời chỉ trích đó.

NÓI DỐI NHƯNG VÔ HẠI, CÓ NÊN NÓI?

Trong cuộc sống có lúc chúng ta không thể không nói dối. Ví dụ khi mẹ mắc chứng nan y, sợ nói thật sẽ gây sốc, làm suy sụp tinh thần, chúng ta có thể nói “mẹ chỉ bị bệnh nhẹ thôi, uống thuốc nghỉ ngơi vài hôm sẽ khỏi ngay”. Trong cuộc sống, có lúc chúng ta sẽ gặp trường hợp như thế, vậy đây có bị xếp vào tội vọng ngữ?

Vọng ngữ mà giới luật Phật giáo muốn nói được chia thành ba cấp độ: Đại vọng

ngữ; tiểu vọng ngữ và phương tiện vọng ngữ4. Trong đó, tội đại vọng ngữ như mình chưa chứng ngộ lại tự cho mình đã chứng, chưa thành Phật nhưng tự cho mình đã thành Phật, không thấy Phật, Bồ-tát nhưng lại nói đã tận mắt thấy… Trường hợp người tự cho mình đã chứng ngộ các quả vị thánh như chứng A la hán, Tu đà hoàn… để lừa đảo tín đồ, mong cầu được sự tôn kính cúng dàng; tự xưng mình là hóa thân của Phật, của đại Bồ-tát sẽ mang tội rất nặng, được xếp vào loại “cực trọng tội” (tội nặng nhất).

Ngoài tội đại vọng ngữ trên đều thuộc tội tiểu vọng ngữ, bao gồm các tội: mình chưa từng thấy, nghe, biết lại nói mình đã thấy, đã nghe, đã biết. Loại vọng ngữ này có thể lợi mình nhưng hại người cũng có thể hại cả hai.

Phương tiện vọng ngữ chỉ lời nói dối vô hại. Nói dối không có hại cho mình, vô hại đối với mọi người, thậm chí lời nói dối đó còn có lợi cho người nghe nữa. Như trường hợp nói dối với người bệnh trên, chỉ cần bạn không nói khoác, quá xa thực tế là có thể chấp nhận được.

Có lúc chúng ta cần sử dụng “phương tiện vọng ngữ”. Ví dụ có người vào nhà bạn trốn kẻ xấu truy sát, để cứu người bạn phải nói dối “tôi chưa từng thấy người đó qua đây”, giả sử kẻ xấu truy hỏi “tôi vừa thấy người đó vào đây mà” thì bạn phải cẩn thận, nghĩ cách nói dối để cứu người.

Nếu nói thật sẽ gây mất thiện cảm trong giao tiếp, bạn nên lựa lời nói dối vô hại, miễn là không gây tổn thương cho người khác. Khi nói, bạn cần nắm bắt thời cơ, xem nói khi nào tốt nhất, có hiệu quả nhất, có ích nhất. Có trường hợp cơ hội nói chỉ đến một lần, nếu không nói sẽ mãi mãi không nói được, đối phương sẽ hiểu lầm họ làm như thế là đúng. Tuy nhiên bạn cũng phải xét đến tâm lí đối phương. Nếu nói thật sẽ làm mất sĩ diện của đối phương, thì tốt nhất bạn nên im lặng.

Bản thân lời nói vốn vô tội, nếu bạn khéo léo vận dụng nó làm việc tốt sẽ là tốt, nếu bạn dùng lời tốt để phục vụ cho ý đồ xấu nó vẫn là xấu. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp, là cầu nối để cảm thông nhau, nhưng nếu không biết sử dụng nó, bạn sẽ bị phiền não vì tác hại của lời nói.

KHÔNG NÊN NÓI NẶNG LỜI THÀNH ÁC KHẨU

Ác khẩu tức nói lời ác, lời cay độc để nhục mạ, đe dọa người khác, tốt nhất không nên nói, vì một khi nói ra sẽ gây tổn thương người khác.

Trong cuộc sống, để đánh mạnh vào tâm lí con cái, học trò các bậc phụ huynh, thầy cô giáo có thể nói nặng lời với mong muốn người nghe sẽ sửa sai, chừa bỏ thói hư tật xấu. Khi nói nặng lời có thể dùng ngữ điệu nghiêm khắc, lớn giọng hơn nhưng chưa hẳn đó là ác khẩu. Cũng có trường hợp nói nặng lời thành ác khẩu, khi đó sẽ gây tổn thương lớn đến người nghe, nhất là các em nhỏ. Ví dụ có người giận con, nhất thời không kìm được lớn tiếng mắng “mày chết đi”, lời trách mắng đã thành ác khẩu.

Nhiều người đến hỏi tôi về cách nuôi dạy con, có người hỏi “con tôi ham vui, không chịu học, không vâng lời, thầy bảo tôi phải dạy thế nào, có nên đánh mắng?”. Tôi nói, đánh hay mắng đều không tốt, chỉ nên tìm lúc thích hợp nói nặng lời để thức tỉnh là được. Có trường hợp tôi khuyên rằng các bậc phụ huynh nên nói với con “bố mẹ không thể ở mãi suốt đời bên con được, nếu lỡ bố mẹ không còn nữa, tương lai của con phải do con nỗ lực, phải tự lập”. Nói nặng lời nhưng hợp lí hợp tình, đúng nơi đúng lúc sẽ có tác dụng mạnh hơn chửi bới đánh đập. Nói có lí giúp con trẻ hiểu điều gì nên làm, điều gì không nên, giúp chúng ý thức được bản thân nhất định chúng sẽ biết cố gắng.

Tôi có quen một người, khuyên thế nào anh cũng không chịu quy y Tam bảo nhưng hay đi chùa, hay tìm hiểu kinh phật và thường nói chuyện với tôi, có lần tôi nói “thầy già rồi, chắc sẽ đi trước con, có lẽ khi con như thầy, thầy sẽ không còn ở đây nữa, nếu giờ con không chịu quy y đợi đến khi thầy đi con có muốn cũng không kịp nữa”.

Từ khi nghe tôi nói thế, người đó bắt đầu nghĩ về việc quy y và cuối cùng đã quyết định theo Phật. Lời tôi nói với vị đó lúc ấy không phải là ác khẩu mà chỉ nói nặng lời. Ngoài ra, mắng người không hẳn là ác khẩu, tuy vậy khi mắng do ta thường lớn giọng nên rất dễ gây xung đột, mâu thuẫn. Nói lớn tiếng rất tổn sức nên tôi rất ít nói, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc nói để người nghe nâng cao cảnh giác. Trường hợp học trò không nghe lời hoặc phớt lờ lời tôi, tôi thường nói lớn tiếng với họ.

Nói lớn tiếng hoặc nói nặng lời cần đúng lúc, đúng nơi, đúng đối tượng, nếu không rất dễ tạo thành hiểu lầm, gây tổn thương. Bạn bè, đồng nghiệp, cha con, vợ chồng cũng rất dễ mâu thuẫn nhau khi lớn tiếng, nặng lời. Vì “lớn tiếng”, “nặng lời” như liều thuốc mạnh, không nên dùng tùy tiện, thứ nhất sẽ phản tác dụng, thứ hai có khi nhờn thuốc.

Lớn tiếng, nói nặng lời là biện pháp bất thường để đối trị trường hợp bất thường, không nên lạm dụng. Chúng ta cần nói lời dịu nhẹ, dễ nghe, nói khiêm tốn, tôn trọng người nghe thay cho cách nói nặng lời, lớn tiếng, đấy mới là bình thường. Bạn sử dụng cách nói “bình thường” hay “bất thường” đều được, điều quan trọng là bạn nên dùng nó lúc nào, dùng cho ai, trong trường hợp nào để nó phát huy tác dụng nhất. Để làm được điều này, đòi hỏi bạn phải có trí tuệ và biết vận dụng linh hoạt.

HỌC CÁCH KHEN NGỢI

ÍT TRANH CHẤP, NHIỀU HÒA THUẬN

Tham dục của con người chia thành hai loại chính. Loại thứ nhất là tham cầu tư lợi. Với lòng tham này, con người luôn mong ước sao cho toàn bộ của cải, toàn bộ con người trên thế gian này đều thuộc về mình. Lòng tham đó được ví như hang sâu không đáy. Nếu bạn không biết điều chỉnh, ngăn chặn nó sẽ trở thành động lực gây tội ác. Để đáp ứng lòng tham của mình, bạn sẽ bất chấp thủ đoạn, căm hận tất cả những ai làm cản trở bạn thực hiện âm mưu của mình.

Lòng tham thứ hai là “tranh thủ”. Thông thường mọi người nghĩ, tranh thủ mang ý nghĩa tích cực.

Không biết tranh thủ chứng tỏ bạn không có chí tiến thủ. Bạn cần phân biệt tranh thủ và tranh đoạt. Tranh đoạt mang nghĩa xấu, bất chấp lí do, mù quáng vơ vét của cải vốn không thuộc quyền sở hữu của mình, bất chấp lợi ích người khác. Ví dụ có ba người cùng sở hữu một món đồ, món đồ không thể chia cắt được thế là cả ba người cùng tranh nhau chiếm lấy. Thêm một ví dụ nữa, trong khi nghe giảng, chỗ ngồi ở hàng ghế đầu ít nhưng ai cũng thích ngồi nên xảy ra tranh chấp, chiếm chỗ nhau.

Có người cho rằng, tranh chấp, giành giật cũng là một cách rèn luyện. Quả thực, tranh chấp khiến người ta cứng cáp, khôn ngoan hơn, Đác-uyn đưa ra thuyết tiến hóa và nhận xét “vạn vật đều đấu tranh sinh tồn, kẻ nào thắng tồn tại”, cạnh tranh là cách loại bỏ những loài yếu kém, nhường chỗ cho loài khôn, mạnh. Tuy nhiên đấy là cạnh tranh của các loài động vật, nếu để con người cạnh tranh tự do như động vật sẽ xảy ra chiến tranh, giết chóc, khi đó lợi bất cập hại.

-----o0o-----

Trích “Giao Tiếp Bằng Trái Tim”

Tác giả: HT. Thích Thánh Nghiêm

NXB Phương Đông - Thaihabooks

Bài viết liên quan