CHỌN BẠN - Qui Sơn

CHỌN BẠN

-Qui Sơn

-----o0o-----

Đi xa cần nương bạn lành, thường thường trông nom tai mắt, ở đâu cũng phải chọn bạn, mỗi giờ nghe được những lời chưa nghe. Cho nên có câu: “Sanh ta nhờ Cha Mẹ, nên ta nhờ bạn lành”.
CHỌN BẠN - Qui Sơn

Đi xa cần nương bạn lành, thường thường trông nom tai mắt, ở đâu cũng phải chọn bạn, mỗi giờ nghe được những lời chưa nghe. Cho nên có câu: “Sanh ta nhờ Cha Mẹ, nên ta nhờ bạn lành”.

Hai câu trên: Đi xa nhờ người bạn có ích. Hai câu kế, ở đâu cần nương người bạn có lợi. Hai câu sau, nhờ đức Cha Mẹ sanh thân ta, bạn lành làm nên cho ta. Đi xa cần nương bạn lành, thường dùng lời lợi –ích và tai mắt trông nom. Ở đâu cũng nương bạn lành, thường đem những chuyện chưa nghe mà nói cho ta nghe. Tai mắt trông nom, thời chỗ thấy được chơn-chánh. Nghe lời chưa nghe, thời thêm sanh Trí- Huệ. Trí-Huệ sanh thời ngộ vào lý Vô-Sanh. Chỗ thấy chánh thời khỏi bị người gạt gẩm. Cho nên nói: Cha mẹ có ơn sanh thân ta, thầy bạn có đức làm nên ta. Sở dĩ nghe nhớ ngộ nhập thêm lớn Pháp-Thân, thực nhờ ơn lực Thầy Bạn vậy.

Lời Ký nói: Chữ Giả, là nghĩa nhờ cậy. Chữ Bằng-Hữu, là bạn lành. Lại bạn đồng đạo gọi chữ Bằng. Bạn đồng chí kết nhau gọi chữ Hữu. Chọn bạn là gì? Sách Gia Ngữ nói: “Người Quân-tử ở phải lựa người, đi phải lựa phương”. Sách Văn-Trung Lễ -Nhạc nói: Người Quân-tử trước lựa mà sau sau kết, cho nên ít lỗi, đứa Tiểu-Nhơn trước kết mà sau mới lựa, cho nên nhiều oán thù. Biết lựa bạn lành mà theo đó, thấy người Hiền mà lo cho bằng đó thế là khéo lựa bạn lành có ích.

Như bộ Xả-Duyên-Minh nói: “Thầy tà, bạn ác, sợ như cọp sói. Thầy hay Bạn lành thương như Cha Mẹ, thấp lòng như đất, ngậm miệng như câm, bẻ dẹp thói nhơn-ngã, bắt dứt tâm cường ngạnh”.

Ngài Vĩnh-Gia nói: Rộng hỏi bực Tiên-Tri, sau khi lựa quyết chín chắn lóng thần như đi trên giá mỏng, cần phải nghiêng tai ghé mắt mà vâng lãnh lời mầu. Dẹp tình trần mà xét lý Đạo, quên lời Tục, nhận ý mầu, dứt niệm lự, tỏ nghĩa cao sâu, tối lo sáng hỏi, không sai mảy tóc. Được như vậy mới đáng là dứt trần lụy, lánh đông người, ẩn mình trong góc núi.

Nương gần người bạn lành như đi trong sương móc; tuy không ướt áo, nhưng mỗi giờ có thấm nhuần.

Câu trên là nương gần Bạn lành. Ba câu dưới dụ người Bạn lành có ích. Nương gần cũng như gần gũi. Bạn lành là ông Thiện-tri-thức và các Bạn lành vậy. Sương móc dụ bạn lành. Đi, dụ nương gần. Không ướt áo dụ mình chưa chứng. Có thấm nhuần, dụ Bạn lành có ích. Thế nào nương gần bạn lành? Tuy không liền chứng quả Vô-sanh: mai nghe chiều lợi ích, đủ dùng thấm nhuần tâm- thần vậy.

Như trong Bổn-Hạnh kinh, Phật nói bài kệ rằng: Vả như có người, tay cầm vị Trầm-Thủy-Hương và Xạ-Hương, vị Hoát-Hương v.v...Cầm nắm trong giây lát các hương thơm kia tự thấm trong tay, gần nương bạn lành cũng lại như thế. Nếu người nương gần ông Thiện-tri-thức, thuận theo nết-na của ông mà tu-hành; hiện đời tuy không liền được sự lợi ích, nhưng đời sau cũng được các nhơn hết khổ. Lại nữa, hễ người nào gặp được Thầy lành đặng khỏi các khổ; còn ai gặp nhằm Thầy ác phải bị huân tập việc ác, không khỏi các họa. Nêu lời đây để dạy bảo những người đời sau chẳng khá chẳng cẩn thận?!

Lời ký nói: Bậu bạn giúp nhau gọi chữ Lệ-trạch nghĩa là kia đây giao nhuần cũng như mưa thấm ướt vậy. Bộ Tôn-Kinh nói: Tuy người có thế trí khôn ngoan, nhưng không bạn lành thời thường quên Đạo-Chánh, không thể tự ngộ, nên phải nhờ bạn lành vậy. Thế nào Thiện-tri-thức? Nghe tên gọi là Tri, thấy hình gọi là Thức. Người nầy, giúp cho ta nên đạo Bồ-Đề gọi là ông Thiện-tri-thức. Thế nào là ông Ác-tri-thức? –Như kẻ Không-Nhơn đất Hà-Bắc không giữ giới cấm bắt rắn, tức ông A-Lê-Tra tỳ-kheo vân vân phải vậy (Không Nhơn: Người chấp không, không nhơn, không quả. Ông A-Lê-Tra tỳ-kheo là người rất thông minh của phái Ngoại-đạo. Ngoại đạo sai ông đi xuất gia để phá-hoại Phật pháp, cho nên gọi ông là ông Ác-Tỳ-kheo)

Quen gần người ác, thêm chỗ tri kiến ác, sớm tối làm ác, mắc báo trước mắt, chết rồi trầm luân, một phen mất thân người, muôn kiếp không trở lại.

Câu trên gần người ác. Sáu câu dưới nói tội lỗi của sự ác. Lại câu thứ hai là chỗ thấy ác. Câu thứ ba là tạo nhơn ác. Câu thứ tư là quả báo hiện đời. Câu thứ năm quả báo đời sau. Câu thứ bảy là quả báo đời sau và đời sau. Quen gần là gì? – Lân la huân tập vậy. Người ác là ai? – Là bạn không lành tức ông Ác-tri-Thức vậy. Thêm chỗ tri kiến ác là sao? –Do bị bạn ác huân-tập thêm nhiều tư-tưởng ác vậy.

Chỗ thấy không chơn-chánh. Cho nên trong kinh: “Ta không biết Đạo-Đức mà không gần Thiện-tri thức, thời bạn trong chén sữa ngon, sữa ấy trở thành thuốc độc”. Sớm tối làm ác là gì? – Chỗ thấy đã không chơn-chánh, trọn ngày cứ tạo những nghiệp không lành. Thế nào mắc báo trước mặt? – Bởi nghiệp nhơn đã chứa thời quả ác liền đến, nhơn-quả chẳng mất, cho nên nói mắc báo trước mặt. Thế nào chết rồi bị trầm-luân? Nghĩa là chết rồi sa-đọa trong ba đường, như lời Phật ngài nói: “Nếu người nương gần ông Ác-tri-thức, đương thời chẳng đặng danh tiếng tốt, nếu cứ lân-la với bạn ác đời sau cũng đọa trong ngục A-tỳ. Một phen mất thân người là sao? – Là nghĩa từ đây lui mất cái đạo làm người vậy. Thế nào muôn kiếp không trở lại? – Bởi tạo nhơn ác rất nhiều, nên quả ác khó hết: cho nên đặng thân người rất ít cũng như đất dính đầu móng tay, còn đọa-lạc trong ba đường rất nhiều cũng như đất cả quả địa-cầu. Thân người khó đặng? Như rùa mù mong gặp bọng cây đâu chẳng khó ư!

Lời ký nói: Quả -báo hiện đời là sao? –Nghĩa là đời nay làm lành làm ác, thời liền chịu quả-báo trong đời nay. Quả-báo đời sau là sao? – Nghĩa là đời nay làm lành làm ác, đời sau mới chịu quả-báo. Thế nào chịu quả-báo đời sau và đời sau nữa? – Nghĩa là đời nay làm lành làm ác, đời sau chưa trả báo, qua đời sau và đời sau nữa, nhẫn đến trăm kiếp nghìn đời mới chịu quả-báo

Nghiệp-nhơn là gì? – Tức là cái nhơn Tam-độc và Thập-ác vậy. Bởi do cái nhơn đây, nên cảm quả ác Địa-ngục, Ngạ-quỉ và súc sanh đời sau vậy. Địa-ngục ngày dài, mạng sống không cùng. Nếu tội chưa hết, ngục nầy hư rồi giam qua ngục khác. Tội báo Địa-ngục nếu hết, lại sanh trong loài Ngạ quỉ trâu, ngựa, cầm thú, cá trạnh, các hình, thọ thân đủ thứ; cho nên nói, muôn kiếp khó trở lại.

Thế nào rùa mù gặp bọng cây? Trong KINH ví dụ thân người khó đặng, như trong biển cả có một bọng cây, theo gió thổi qua phía Đông, phía Tây, cây ấy cũng theo gió trôi qua phía Đông phía Tây. Trong biển có một con rùa mù, qua một trăm năm, một phen cất đầu, muốn chui vào bọng cây ấy, nhưng biển kia đã không bờ mé, cây nọ thì trôi theo gió, còn rùa lại không con mắt. Vả lại một trăm năm cất đầu một lần mà muốn cho gặp bọng cây đó, đâu dễ gì gặp ư?!

Chữ Tra âm trà là nghĩa cây nổi giữa biển vậy.

-----o0o-----

Trích: “Qui-Sơn Cảnh-Sách

Dịch: Tỳ Kheo Thích Hàm Trụ

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan