CHỮA LÀNH - SỰ NHẢY MÚA ẢO DIỆU - THINLEY NORBU

CHỮA LÀNH

SỰ NHẢY MÚA ẢO DIỆU - THINLEY NORBU

---o0o---

Trong Tâm Trí Huệ, những nguyên tố của những hiện tượng vốn vô ngại và thanh tịnh. Những hiện tượng thanh tịnh là tự nhiên, không bị những nguyên tố thô che ám và ngăn ngại, trong nhẹ, không thể thấy, không thể xâm nhập, không có chất thể và không thể hủy hoại được, bởi vì không có cái gì cố định trơ lì ở bất cứ đâu.
CHỮA LÀNH - SỰ NHẢY MÚA ẢO DIỆU - THINLEY NORBU

Trong Tâm Trí Huệ, những nguyên tố của những hiện tượng vốn vô ngại và thanh tịnh. Những hiện tượng thanh tịnh là tự nhiên, không bị những nguyên tố thô che ám và ngăn ngại, trong nhẹ, không thể thấy, không thể xâm nhập, không có chất thể và không thể hủy hoại được, bởi vì không có cái gì cố định trơ lì ở bất cứ đâu. Nơi không có cái gì thì không có cái gì có thể giảm hoặc tăng. Nơi không có cái gì có thể tăng giảm, nơi đó có quân bình và thanh tịnh. Nơi nào có quân bình và thanh tịnh, nơi đó có sức khỏe.

Theo tâm nhị nguyên bình thường, có những hiện tượng với những nguyên tố bất tịnh ngăn ngại. Những hiện tượng bất tịnh bị những nguyên tố thô, nặng, thấy được, xâm nhập được, có chẩt thể và hủy hoại được che ám và ngăn chướng bởi vì chúng cố định trơ lì ở đâu đó. Nơi nào có cái gì tồn tại, nó có thể giảm hoặc tăng. Nơi nào nó có thể giảm hoặc tăng, nơi đó có bất quân bình và bất tịnh. Nơi nào có bất quân bình và bất tịnh, nơi dó có bệnh tật.

Năm nguyên tố kém vi tế dần khi chúng nhận lấy nhũng phẩm tính do tâm bình thường gán cho. Nếu một bác sĩ không tin vào tinh túy thanh tịnh không thể thấy của những nguyên tố, sự chẩn doán của ông có thể sai lầm khi ông chỉ có thể xem bệnh qua những nguyên tố thấy được và bất tịnh. Như vậy, một bác sĩ càng kinh nghiệm thì quan điểm và sự chẩn đoán của ông càng vi tế. Ông có thể xem những triệu chứng rõ ràng bên ngoài để có được những kết quả thấy được đặc biệt và tức thời mà chúng chỉ là tạm thời, hay ông có thể xem những triệu chứng vi tế hơn bên trong để có được những lợi ích kém thấy được hơn, quân bình hơn và từ từ hơn. Những triệu chứng này tuy nhất thời nhưng đến gần hơn nguồn gốc không thể thấy của căn bệnh. Nhưng dù sự điều trị của ông có vi tế thế nào, nếu ông nhận thức những hiện tượng là tách lìa khỏi tinh túy thanh tịnh của chúng, khả năng giúp đỡ, chữa lành của ông sẽ bị giới hạn.

Bác sĩ kinh nghiệm biết rõ rằng tự căn bản những nguyên tố tùy thuộc lẫn nhau. Bởi vì mỗi nguyên tố có bốn nguyên tố kia vốn tiềm ẩn trong nó và những phối hợp của những nguyên tố thay đổi và biến đổi thường trực theo nghiệp, những tính khí và sức khỏe của người ta cũng thường trực biến đổi. Một kết quả là, sự điều trị thích hợp sẽ xử lý với bệnh tật bằng cách sửa chữa những mất quân bình trong những nguyên tố từ quan điểm vi tế nhất. Để hoàn thành điều này, năm nguyên tố được phối hợp thành nhiều phạm trù điều trị khác nhau theo nhiều hệ thống y học khác nhau.

Bởi vì những nguyên tố là nương dựa lẫn nhau, chúng có thể được xem là phân biệt chỉ trong những áp dụng đặc biệt của chúng để cho những hiệu quả đặc biệt. Tính hiệu quả của những phân biệt này tùy vào khả năng của bác sĩ để nhận biết cái gì là những nguyên tố bất tịnh trong bệnh nhân đã giảm và cần được tăng cường, hay cái gì quá thừa và cần giảm bớt, và làm thế nào áp dụng điều trị để cho đạt đến những mức độ vi tế nhất hầu lập lại quân bình.

Theo cách này, đôi khi nên dùng một nguyên tố để làm mạnh chính nó, như lửa khi những nguyên tố nóng vi tế hơn của bệnh nhân đã giảm sút. Lúc khác, một nguyên tố được dùng để trung hòa một nguyên tố khác, như nước dùng cho lửa khi những nguyên tố nóng vi tế hơn của bệnh nhân tăng cao. Một người sốt nóng vì nguyên tố lửa có thể được điều trị bằng hạt hay cỏ cây sống ở vùng khí hậu mát; một người cảm lạnh vì nguyên tố nước có thể được điều trị bằng hạt hay cỏ cây mọc ở vùng ấm.

Sự tương thích và những hiệu quả của những nguyên tố thường dựa vào tính vi tế khi áp dụng chúng. Chẳng hạn, lửa không luôn luôn là kẻ địch của nước. Khi nước được lửa đun nóng, hơi nước bốc ra thì nhẹ và thanh tịnh hơn nước nguyên thủy, và lạnh hơn lửa nguyên thủy. Đối với một số mất quân bình, hơi nước vi tế này có thể thích hợp hơn nguyên tố được dùng riêng. Theo cách ấy, những hiệu quả tích cực hay tiêu cực của nhũng nguyên tố tùy thuộc vào tính vi tế trong cách dùng chúng. Một số vị thuốc được dùng với số lượng nhiều sẽ trở thành thuốc độc; một số thuốc độc được dùng với số lượng ít trở thành vị thuốc. Quá nhiều thuốc cho nóng sốt có thể làm cho cảm lạnh; quá nhiều insulin cho bệnh đái đường có thể làm sốc. Đôi khi hai loại thuốc độc phối hợp để thành loại độc khác, đôi khi chúng tạo thành một loại thuốc, nhưng những phẩm tính tích cực và tiêu cực của những nguyên tố được dùng trong điều trị phải luôn luôn quân bình.

Tiềm năng của tâm bình thường để hiểu những nguyên tố thanh tịnh thì thay đổi tùy theo nghiệp, thế nên những quan niệm về thanh tịnh và bất tịnh sẽ khác nhau từ chúng sanh này đến chúng sanh khác. Nhiều ruồi và côn trùng bu đến mủ trong khi con người nghĩ mủ là chất nước dơ. Con người tin máu là thanh tịnh hơn mủ. Những hành giả kinh nghiệm biết rằng nguyên tố nguồn gốc bên trong của cả mủ và máu là nước và nước trở thành cam lồ trí huệ chữa lành bằng tri giác thanh tịnh trong sự thực hành của họ.

Bác sĩ bình thường không hiểu rằng tinh túy không thấy được của những nguyên tố thì vốn có sẵn trong những nguyên tố có chất thể và ông cũng không biết làm thế nào quân bình và tịnh hóa những nguyên tố bất tịnh. Vì vậy ông không thể điều trị thích hợp cho một nguyên tố bị giảm hay đang tăng và có thể làm hại đến những nguyên tố khác khi kê một toa thuốc sai lầm. Chẳng hạn, khi một người thiếu máu bị bệnh, một bác sĩ bình thường có thể chỉ yêu cầu truyền máu và cố gắng tìm một loại máu đặc biệt cho sự trao đổi máu theo cách chất thể hữu tình. Ông hy vọng một phản ứng tức thời có thể thấy được hơn là tiến trình chậm chạp hơn của việc thiết lập những nguyên tố nước thích hợp để lập lại sự quân bình của những nguyên tố thô nhờ một thấu hiểu về tinh túy thanh tịnh của máu.

Nhưng hoặc máu được tăng nhờ thức ăn tự nhiên hay thuốc có chứa nguyên tố nước, hay qua một sự truyền máu chứa nguyên tố nước, nếu bác sĩ là một người hư vô chủ nghĩa và chỉ tin vào chất thể, bấy giờ khi những nguyên tố thấy được của sự điều trị đã cạn, khi loại máu thích hợp để truyền không còn, năng lực giúp đỡ của ông cũng cạn kiệt và bệnh trở lại. Những nguyên tố thô của bệnh nhân bấy giờ yếu đi vì lo lắng, đến độ khó cứu chữa. Nhưng nếu bác sĩ hiểu và tin vào tinh túy trí huệ không thấy được của những nguyên tố, ông có thể giúp bệnh nhân với những phương pháp vi tế và an ủi y bằng niềm tin này khiến sự quân bình tự nhiên của những nguyên tố của bệnh nhân có thể tái lập và căn bệnh được chữa lành.

Những nguyên tố tỏa thấm khắp mọi hiện tượng, và bởi vì tâm tỏa thấm khắp mọi nguyên tố, nếu một bác sĩ nói với một bệnh nhân rằng anh ta có một khối u ung thư, bệnh nhân có thể tập trung sự sợ hãi vào khối u khiến nó lớn thêm. Sự tập trung chú ý này phát sanh từ nguyên tố lửa vi tế của sự lo âu của anh ta, nó làm tăng thêm bệnh do phương diện thiêu cháy hủy hoại của nó. Nếu bác sĩ có thể hiểu những nguyên tố không thấy được, ông có thể lập lại quân bình tự nhiên giữa những nguyên tố trong tâm bệnh nhân nhờ sự quân bình tự nhiên của những nguyên tố trong tâm thấu hiểu của chính ông. Bấy giờ ông có thể an ủi và khuyến khích anh ta tập trung một cách tích cực, làm tiêu tan khối u bằng quán tưởng và thiền định. Cho dù vì nghiệp mà bệnh nhân chết, sự tập trung tích cực này là một lợi lạc cho anh ta bởi vì anh sẽ không có tàn dư hay hạt giống cho ung thư mới nào trong trung ấm hay tái sanh.

Theo hệ thống Mật thừa, những điều kiện gốc của sự sanh được tạo ra bởi những mắt xích liên kết của nghiệp; những điều kiện phụ trợ là tinh trùng của cha và trứng của mẹ. Tái sanh xảy ra khi những cái ấy hội tụ trong khi thiếu vắng khí thanh tịnh. Nhờ năng lượng của khí nghiệp, tinh trùng và trứng hợp nhất, tạo ra bào thai. Năng lượng của thân biểu lộ từ năng lượng của khí nghiệp, phát sanh trong và tăng trưởng từ trung tâm rốn của bào thai. Nhờ năng lượng này, bào thai dài ra. Bây giờ năng lượng vi tế của toàn thân thể cô đọng lại từ nguồn gốc rốn để tạo thành những dây thần kinh và mạch máu. Cuối cùng, những kinh mạch trung tâm của đời sống vươn dài từ luân xa (trung tâm) yết hầu để tạo thành luân xa đầu của Đại Hoan Hỷ. Tóm lại, hình thể của thân phát triển và lớn lên trong bụng mẹ khoảng ba mươi tám tuần nhờ năng lượng của khí nghiệp.

Sự tăng trưởng xương, tủy và óc chủ yếu đến từ ảnh hưởng của tinh cha, trong khi sự tăng trưởng của thịt và máu chủ yếu đến từ ảnh hưởng của trứng mẹ. Phần cứng đặc của thân, như thịt và xương, chủ yếu đến từ phẩm tính của nguyên tố đất, và khi tăng trưởng, chúng sanh ra mũi và khứu giác. Những phần lỏng của thân, như máu, chủ yếu đến từ những phẩm tính của nguyên tố nước, và khi tăng trưởng chúng sanh ra lưỡi và vị giác. Sức nóng và sự phức tạp của thân chủ yếu đến từ những phẩm tính của nguyên tố lửa, và khi tăng trưởng chúng sanh ra mắt và thị giác. Hơi thở của thân chủ yếu đến từ những phẩm tính của nguyên tố không khí, và khi tăng trưởng thì chúng sanh ra cảm giác khắp thân và xúc giác. Những không gian nối kết những nguyên tố bên trong và bên ngoài, chúng là chỗ dựa của đời sống, chủ yếu đến từ những phẩm tính của nguyên tố không gian, và khi tăng trưởng chúng sanh ra tai và thính giác.

Không có nguyên tố đất, không có căn cứ để nương dựa; không có nguyên tố nước, không có căn cứ để gom kết; khống có nguyên tố lửa, không có căn cứ để trưởng thành; không có nguyên tố không khí, không có căn cứ để tăng trưởng; không có nguyên tố không gian, không có cửa cho sự bành trướng. Như thế, mọi điều kiện gốc và phụ trợ phối hợp với nhau để thành sự sanh.

Một đứa bé sanh ra với những nguyên tố quân bình sẽ có một tâm thức quân bình. Nếu những nguyên tố không quân bình lúc sanh ra, có thể bị chứng rối loạn thần kinh. Những mất quân bình có thể do những nguyên tố không bổ sung nhau trong những điều kiện phụ trợ là tinh cha và trứng mẹ tạo ra. Tuy nhiên, đôi khi con cái của một cặp cha mẹ bổ sung nhau lại sanh ra với chứng rối loạn thần kinh. Trong trường hợp này, nguồn gốc thực sự của rối loạn không nằm trong thân thể vật lý của cha mẹ của đời này mà nằm trong những nguyên tố vi tế không thể thấy của năng lượng nghiệp từ những đời trước là điều kiện gốc của con cái.

Nói chung, những mất quân bình giữa những nguyên tố tạo ra rối loạn có thể do nhiều điều kiện bên ngoài khác nhau gây ra, như gia đình, công việc, danh tiếng, quyền lực, Pháp và chính trị. Những điều kiện bên ngoài này là nguồn gốc của rất nhiều trầm cảm và phẩn chấn, đến lượt nó lại gây ra thất vọng, dễ bị tổn thương. Bất cứ khi nào những nguyên tố cá nhân bên trong của tâm thức nương dựa vào những nguyên tố chung bên ngoài, tâm thức trở nên yếu và dễ bị chứng ảnh hưởng. Khi những điều kiện bên ngoài có vẻ tạm thời xấu, gây ra trầm cảm quá mức, những nguyên tố bên trong của tâm thức trở nên kích động và mất sức mạnh của chúng. Sự kích động này gây nên bất ổn định của những nguyên tố bên trong khiến tâm thức dễ tổn thương như ngọn lửa xanh của một ngọn đèn dầu lập lòe gần tắt. Trong điều kiện này, tâm thức không thể bành trướng giữa những nguyên tố quân bình của sự bình thản. Khi những điều kiện bên ngoài tạm thời tốt, gây ra phấn chấn quá mức, những nguyên tố bên trong của tâm thức trở nên kích động và quá mạnh, khiến năng lượng của tâm thức dâng lên không thể kiểm soát như nước bị sức ép vọt ra môt ống không đậy nắp. Tất cả những kinh mạch trong thân tràn ngập và năng lượng không thể kiềm chế trong những nguyên tố quân bình của sự bình thản.

Đặc biệt hơn, rối loạn có thể do khi cha mẹ hay thầy cô với những truyền thống khắt khe thật sự không hiểu tính chất thanh nhẹ của năng lượng đứa trẻ, kiểm soát và tính toán theo những nguyên tố thô trong năng lượng nặng nề, lớn tuổi của họ. Bởi vì tâm thức trẻ nhỏ không thể dung chứa tất cả những nguyên tố năng lượng khác này, chúng trở nên bối rối và sợ hãi, và giữa bối rối và sợ hãi hạt giống rối loạn được gieo xuống. Khi đứa trẻ lớn lên, chúng có những bối rối và sợ hãi tàn dư và trở nên rối loạn tình thần vì tâm thức căng thẳng này. Sự tiêu khiển vui thích là cái đối trị cho loại rối loạn tinh thần này.

Khi những nguyên tố của hai người không bổ sung nhau và tâm thức của họ không hợp với nhau, có thể có rối loạn. Theo những người hư vô chủ nghĩa, đàn ông và đàn bà đến với nhau như kết quả của ngẫu nhiên. Theo người Phật giáo, đàn ông và đàn bà đến với nhau là kết quả của nghiệp đã chín trong những nguyên tố của họ, gắn bó trong tình yêu khi mọi nguyên tố cá nhân thô và tế bổ sung lẫn nhau. Khi họ hợp nhất với nhau trong tình dục và những nguyên tố vi tế của họ tương hợp, họ có thể làm lợi lạc cho nhau bằng cách nối kết bên ngoài qua những nguyên tố thô, sự việc này cho phép những nguyên tố nhẹ hơn bên trong cũng nối kết. Nhung nếu những nguyên tố của họ trở nên không tương hợp bằng cách thay đổi, giảm sút, hay chống đối lẫn nhau, thì không có sự nối kết đời sống nào hay an ủi nào giữa họ và điều này gây ra rối loạn.

Rối loạn thần kinh cũng do quá nhiều mong cầu đạt đến và nắm bắt mọi đối tượng và kiến thức về mọi mặt. Bởi vì mọi chất thể đều vô thường, nên khi đạt được một đối tượng thì phải mất cái khác, và giữa đạt được và mất đi, năng lượng của tâm thức không bao giờ ở yên trong lòng. Tâm thức của loại rối loạn này bị vung vãi khắp nơi, luôn luôn cố gắng đạt đến cái gì đó. Bởi vì sự liên hệ thường trực với những nguyên nhân hỗn loạn bên ngoài này, đôi khi đối với loại rối loạn này thì ở trong bóng tối, im lặng, những chỗ yên tĩnh, bớt nói, âm nhạc và bài hát là một ích lợi. Cha mẹ, thầy, hay bác sĩ muốn giúp đỡ với những phương tiện khéo léo cần cố làm quân bình và trấn tĩnh năng lượng bên trong của họ mà không bằng sức mạnh.

Một nguyên nhân khác của rối loạn là đua tranh. Có quá nhiều đến vô số khoa học gia, triết gia, học giả, nghệ sĩ và những người khác mà ý định tối hậu của họ là sáng chế ra cái gì mới. Bởi vì họ chạy đua để sáng chế cái tốt nhất, bèn có sự cạnh tranh thường trực và sự căng thẳng này gây ra rối loạn. Sự đối trị cho điều này cũng là cố gắng làm quân bình và trân tĩnh những năng lượng bên trong mà không bằng sức mạnh.

Rối loạn cũng có thể do nỗ lực để có được chất thể một cách vi tế. Là khoa học gia, triết gia, học giả, nghệ sĩ, hay thiền giả, nếu chúng ta không dùng những nguyên tố thanh tịnh của chúng ta với sự thực hành trí huệ, chúng ta có thể thấy rằng mình sử dụng tâm thức trong một cách trí thức vi tế, đi càng lúc càng sâu hơn, tìm kiếm những nguyên tố tinh tế nhất, vi tế nhất trong chất thể. Nhưng xuyên qua đường lối này, chúng ta trở nên bị dính mắc trong chất thể tinh tế và tâm thức chúng ta không bao giờ có thể tìm thấy không gian để vượt vào cái không có chất thể. Khi chúng ta không biết tinh túy thanh tịnh của những nguyên tố và chúng ta không có không gian để thư giãn, những nguyên tố vi tế bên trong của chúng, ta trở nên bức bách, mất đi thần lực của nó và làm chúng ta thất vọng. Bấy giờ, giống như không khí bên ngoài hỗn độn do sức nóng mặt trời làm cho mây tụ lại và mưa xuống, chúng ta hấp thụ và đè nén những xúc cảm, làm cô đặc những nguyên tố vi tế bên trong của sức mạnh đời sống chúng ta. Những nguyên tố vi tế này trở nên đầy nghẹt, thường trực va chạm nhau, chuyển động hỗn loạn, nối kết với những nguyên tố bên ngoài của thân thể ở trái tim và tạo ra nước cho tim và những biểu lộ rối loạn bùng nổ.

Dù nguồn gốc có là gì, sự hỗn loạn nguyên tố vi tế sẽ làm cho những dây thần kinh, mạch máu và hơi thở là những nguyên tố thô bên trong của chúng ta trở nên không ổn định, bắt chúng ta phải nương dựa vào những nguyên tố thô bên ngoài của mình. Những nguyên tố thô bên ngoài này có năng lực làm mê lầm chúng ta khi những nguyên tố vi tế bên trong yếu đi, như nguyên tố lửa của mặt trời có sức mạnh khiến chúng ta bị ảo ảnh nếu những nguyên tố vi tế của chúng ta không đủ mạnh. Bấy giờ năng lượng hỗn loạn của hành động của thân và ngữ cũng trở nên rối loạn thần kinh như tâm thức. Bởi vì năng lượng hỗn loạn của người rối loạn thần kinh bức bách hơn, nó mạnh hơn của người khác. Một kết quả là họ có thể sáng tạo và hủy diệt nhiều thứ, và làm tổn thương hay làm lợi ích tùy theo họ có ở giữa những nguyên tố bổ sung hay không bổ sung.

Một dấu hiệu bên ngoài của rối loạn là cử động bồn chồn thường xuyên. Điều này có thể tạo thành những tai nạn nguy hại. Khi đưa tay cầm một cái tách, nó bể vỡ; khi nấu ăn, chúng ta làm hỏng hay cắt trúng tay mình; khi đi, chúng ta vấp ngã; khi với người khác, chúng ta trở nên buồn một cách dễ dàng; khi nói chuyện, chúng ta buột mồm; khi nằm xuống, chúng ta không thể ngủ; khi ngủ, chúng ta có những giấc mộng hỗn loạn và đe dọa; khi suy nghĩ, tư tưởng này chưa chấm dứt đã có tư tưởng khác.

Rối loạn thần kinh cũng có thể sanh ra những bệnh tật đặc biệt ở bên ngoài bởi vì những quan niệm thì không tách lìa với khí nghiệp vốn chứa đựng mọi nguyên tố. Những người khủng hoảng thần kinh không có một tâm thức nghỉ ngơi, thì có những quan niệm chuyển động luôn luôn. Hoạt động liên tục này phát sanh sức nóng cụ thể, nó là tinh túy của nguyên tố lửa. Lửa và không khí nối kết với nhau qua những phẩm tính vi tế tương tự của chúng. Với tầm thức bình thường, nguyên tố lửa vi tế thì rõ ràng và có chất thể hơn nguyên tố không khí vi tế. Sự phối hợp của không khí và lửa này khiến những nguyên tố biểu lộ trong hình thức thô tăng dần, trộn lẫn với nguyên tố nước và đât. Chẳng hạn, nếu do nghiệp, năm nguyên tố không thật cân bằng trong thân, và những nguyên tố đất và nước trong một cơ quan của thân giảm sút, bấy giờ những nguyên tố lửa và không khí trở nên bị lay động bởi những quan niệm rối loạn thần kinh của tâm thức, và sự kích thích của những nguyên tố thô do chuyển động có tính lửa của tâm thức trong khí nghiệp có thể tạo thành bệnh như đau, nhọt và ung thư.

Bao giờ tâm thức bình thường của chúng ta còn tối tăm và mất quân bình, chúng ta sẽ tiếp tục trở nên rối loạn thần kinh do những quan niệm có nguyên tố bất tịnh của mình. Bởi vì tâm bình thường của chúng ta thường trực cần một đối tượng, chúng ta không bao giờ biết rằng Tâm Trí Huệ vượt khỏi những quan niệm. Chúng ta bị che ám bởi vô minh và vô minh liên hệ với nguyên tố đất nặng nề. Bây giờ chúng ta muốn biết điều gì đó về những quan niệm này; sự mong muốn này liên hệ với nguyên tố nước. Rồi bởi vì chúng ta không có một quan điểm trí huệ, chúng ta không thể tìm thấy cái gì cả và trở nên tức giận, thất vọng và ghen ghét, không biết nghỉ ngơi chỗ nào. Sự giận dữ và kiêu mạn liên hệ với những nguyên tố lửa và không khí.

Nếu chúng ta rối loạn thần kinh, chúng ta không thể tìm thấy tinh túy bí mật thanh tịnh và bao la của những nguyên tố bất kể chúng ta thường xuyên cố gắng đến bao nhiêu. Chúng ta trở nên càng phân chia và kẹt nghẽn ở chỗ không có không gian, không có yên nghỉ và không có niềm tin vào không gian bao la vượt khỏi quan niệm. Bởi vì những nguyên tố thô và tế thường trực nương dựa lẫn nhau, chúng ta tái sanh bằng những thân thể nguyên tố thô hỗn loạn như cũ với tâm thức nguyên tố vi tế rối loạn thần kinh như cũ. Khi những điều kiện rối loạn tinh thần của những đời trước, chủ yếu được tạo bằng những nguyên tố lửa và không khí qua những hiện tượng tiêu cực, nối kết với những hiện tượng tiêu cực mới trong đời này, chúng ta trở nên rối loạn thần kinh hơn với giận dữ thuộc lửa và thất vọng thuộc không khí hơn nữa. Khi nhũng điều kiện rối loạn tinh thần của những đời trước, chủ yếu được tạo bằng những nguyên tố lửa và không khí qua những hiện tượng tiêu cực, nối kết với những hiện tương tích cực mới trong đời này, chúng ta trở nên rối loạn thần kinh hơn với phấn chấn thuộc nước hơn nữa.

Nước, giống như lửa, đôi khi tích cực và đôi khi tiêu cực. Để được giúp đỡ, người rối loạn thần kinh phải tách khỏi tâm thức tích cực, quá phân chân hay tâm thức tiêu cực, quá trầm cảm của mình cho đến khi nó đạt được một tâm thức quân bình tự nhiên, cần phải tìm ra những nguyên tố gây ra sự sự phấn chấn hay trầm cảm này. Hoặc từ tham muốn thuộc nguyên tố nước hay tức giận thuộc nguyên tố lửa, sự điều trị tùy theo những điều kiện riêng biệt của cá nhân. Chẳng hạn, nếu nguyên tố lửa rõ ràng nơi một bệnh nhân, bác sĩ tâm lý có kinh nghiệm có thể tạo ra một nguyên tố nước rõ ràng như một đối trị. Nêu bệnh nhân tức giận, ông có thể tạo ra một không khí bình an để làm êm dịu bệnh nhân. Nếu bệnh nhân đang dấu diếm một vấn nạn nào đàng sau một vẻ ngoài bình an, bác sĩ có thể tạo ra một không khí ‘có lửa’ để cho sự tức giận đích thực của nó xuất đầu lộ diện. Qua hiểu biết sự biểu hiện của bệnh nhân về những nguyên tố của nó, bác sĩ tâm lý có thể chuyển hóa chúng để tạo ra sự quân bình cần thiết. Nếu ông không thể hiểu bản chất của những nguyên tố chứa đựng trong sự biểu hiện của tính khí bệnh nhân, ông chỉ như một người giữ hộ trẻ em, cho bệnh nhân của mình những đồ chơi để tạm thời làm dịu nó.

Những bác sĩ kinh nghiệm biết rằng cách tốt nhất để làm quân bình những nguyên tố là bằng y học vi tế thích hợp, như quán tưởng, thực tập thở yoga và thiền định. Thiền định, hay trông chừng tâm thức, thì đặc biệt hiệu quả để giảm đau đớn và chữa lành bệnh tật. Qua trông chừng tỉnh giác, căn cứ cho đau đớn và bệnh tật tiêu tan bởi vì đau đớn và bệnh tật là quan niệm và ở trong những nguyên tố thô. Qua sự trông chừng này, những nguyên tố thô trở thành những nguyên tố vi tế,và những nguyên tố vi tế trở nên nhẹ hơn dần dần cho đến khi chỉ có không gian trong sáng và năm nguyên tố tỏa khắp một cách vô hình và bất khả phân vượt khỏi bất kỳ quan niệm bệnh tật hay đau đớn nào. Bấy giờ, Tâm Không Gian Trong Sáng Vô Ngã, vốn quân bình từ vô thủy, giải thoát khỏi mọi phân biệt giữa những nguyên tố thanh tịnh và bất tịnh.

Một người thông minh có thể nhận được lợi lạc từ những người khác mà không làm thương tổn họ như một con ong có thể nhấm nháp rượu mật từ một đóa hoa mà không làm hại nó.

---o0o---

Trích: “Sự Nhảy Múa Ảo Diệu”

Tác giả: Thinley Norbu

Người dịch : Nguyễn Nhàn Cát Đằng

NXB Thiện Tri Thức, 2005

Ảnh nguồn: Internet

Bài viết liên quan