CHUYỆN MỘT NẮM MÈ (TIỀN THÂN TILAMUTTHI) - KINH TIỂU BỘ

CHUYỆN MỘT NẮM MÈ (TIỀN THÂN TILAMUTTHI)

Kinh Tiểu Bộ

-----o0o-----

Hôm nay ta nghĩ đến…Câu chuyện này khi ở Kỳ Viên, bậc Đạo sư kể về người hay phẫn nộ. Nghe nói có một Tỷ - kheo hay phẫn nộ, nhiều phiền não. Dầu nghe ai nói ít bao nhiêu, vị ấy cũng phẫn nộ, nói lời thô lỗ, biểu lộ phẫn uất, sân hận, bất mãn.Tại Chánh pháp đường, các Tỷ - kheo bắt đầu nói chuyện ấy:- Thưa các Hiền giả, Tỷ - kheo có tên này hay phẫn nộ, nhiều ưu não, vị...
CHUYỆN MỘT NẮM MÈ (TIỀN THÂN TILAMUTTHI) - KINH TIỂU BỘ

Hôm nay ta nghĩ đến…

Câu chuyện này khi ở Kỳ Viên, bậc Đạo sư kể về người hay phẫn nộ. Nghe nói có một Tỷ - kheo hay phẫn nộ, nhiều phiền não. Dầu nghe ai nói ít bao nhiêu, vị ấy cũng phẫn nộ, nói lời thô lỗ, biểu lộ phẫn uất, sân hận, bất mãn.

Tại Chánh pháp đường, các Tỷ - kheo bắt đầu nói chuyện ấy:

- Thưa các Hiền giả, Tỷ - kheo có tên này hay phẫn nộ, nhiều ưu não, vị ấy thường nạt nộ người xung quanh như muối đổ vào lửa. Khi giận ai, Tỷ - kheo ấy nghiến răng kèn kẹt. Dù xuất gia trong Giáo pháp từ bi và giải thoát, vị ấy không thể chế ngự cơn phẫn nộ của mình.

Bậc Đạo sư nghe nói vậy, liền bảo một Tỷ - kheo đi gọi vị ấy đến và hỏi:

-  Này Tỷ - kheo, nghe nói ông hay phẫn nộ?

Tỷ - kheo ấy trả lời:

- Bạch Thế Tôn, có thật vậy.

Bậc Đạo sư nói:

- Này các Tỷ - kheo, không phải nay Tỷ - kheo này hay phẫn nộ, mà trước kia vị ấy cũng đã như vậy rồi.

Rồi bậc Đạo sư kể câu chuyện quá khứ.

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba - la - nại, vua có một con trai tên là hoàng tử Brahmadatta. Theo thông lệ, các vua thời xưa dầu trong thành của mình có những Sư trưởng danh tiếng, vẫn gửi con mình đi đến các nước phương xa để học hỏi các tài nghệ vơi hy vọng nhờ đó các hoàng tử có cơ hội nhiếp phục kiêu mạn, chịu đựng lạnh nóng và biết được cách sống ở đời.

Do vậy, khi hoàng tử lên mười sáu tuổi, vua gọi hoàng tử đến và cho chàng một đôi dép chỉ có một lớp đế, một cái dù bằng lá, một ngàn đồng tiền vàng và dặn:

- Này con thân, hãy đến Takkasila và học các tài nghệ cho thật tinh thông.

Hoàng tử đáp lời phụ vương:

- Thưa vâng, tâu phụ vương.

Chàng đảnh lễ phụ vương rồi đi đến Takkasila. Hoàng tử đến nhà vị Sư trưởng, đúng lúc như Sư trưởng vừa dạy các thanh niên Bà la môn xong, đang đi qua lại trước cửa nhà. Khi thấy vị Sư trưởng, hoàng tử liền cởi dép, xếp dù lại, đảnh lễ Sư trưởng, rồi đứng một bên. Sư trưởng biết hoàng tử mệt mỏi liền thăm và tiếp đón người mới tới một cách thân tình.

Hoàng tử ăn xong, nghỉ một lát rồi đi đến Sư trưởng,, đảnh lễ và đứng đợi. Sư trưởng hỏi:

- Này con thân, con từ đâu đến?

Hoàng tử đáp:

- Con từ Ba - la - nại đến.

- Con là ai?

- Thưa Sư trưởng, con là con vua Ba - la - nại

- Vì mục đích gì con đến đây?

- Thưa Sư trưởng, vì con muốn học nghề.

- Con có đem tiền nộp học phí cho Sư trưởng không, hay con muốn làm đệ tử hầu hạ Sư trưởng?

Hoàng tử thưa:

- Con có đem tiền học phí dành cho Sư trưởng.

Hoàng tử liền đặt cái túi một ngàn đồng tiền vàng dưới chân vị Sư trưởng rồi đảnh lễ. Các đệ tử có nộp tiền học phí được xem như con trưởng trong nhà chỉ lo học nghề. Do vậy, vị Sư trưởng thu xếp thì giờ rỗi rảnh và thuận tiện dạy nghề cho hoàng tử.

Một hôm, hoàng tử đi tắm với Sư trưởng, thấy một bà già trải mè trắng ra phơi và đang ngồi canh chừng. Hoàng tử thấy mè trắng liền bóc lấy một nắm bỏ vào miệng và ăn. Thấy vậy, bà già nghĩ: “Chắc người này thèm ăn”, nhưng ngồi yên không nói gì. Ngày hôm sau, cũng vào giờ ấy, sự việc tương tự lại xảy ra. Bà già cũng không nói gì. Đến ngày thứ ba, sự việc ấy tiếp tục xảy ra. Khi ấy, bà già giơ cánh tay lên khóc và than:

- Ôi! Vị Sư trưởng có danh tiếng để cho các đệ tử của mình lấy cắp mè của tôi!

Sư trưởng quay lại và hỏi:

- Thưa bà, việc gì vậy?

- Thưa Sư trưởng, tôi đang phơi mè trắng, đệ tử của ngài hôm nay ăn một nắm, bữa qua ăn một nắm, bữa trước ăn một nắm, cậu ấy ăn như vậy cho tan nát tất cả gia sản của tôi!

- Thưa bà chớ khóc, ta sẽ trả tiền đền cho bà.

- Thưa ngài, tôi không cần tiền, nhưng hãy dạy cậu ấy chớ làm như vậy nữa.

- Vậy bà hãy xem đây.

Rồi Sư trưởng bảo hai thanh niên nắm chặt hai tay của hoàng tử, lấy roi tre đánh trên lưng hoàng tử ba lần và nói:

- Chớ làm như vậy nữa!

Hoàng tử phẫn nộ Sư trưởng, với cặp mắt đỏ kè, chàng nhìn Sư trưởng từ đỉnh đầu đến bàn chân. Sư trưởng biết với cái nhìn như vậy, hoàng tử đã phẫn nộ như thế nào.

Hoàng tử chú tâm học hành, và khi học xong nghề, vẫn giữ trong tâm niềm sân hận đối với việc Sư trưởng đã đánh, chàng nghĩ: “Ta sẽ trả thù và phải làm cho ông ta chết...”.

Ðến thời từ biệt, hoàng tử đảnh lễ Sư trưởng và thưa:

- Khi nào con được làm vua Ba-la-nại, con sẽ cho mời Sư trưởng, lúc ấy mong rằng Sư trưởng hãy đến.

Trước thái độ khẩn cầu của hoàng tử, Sư trưởng hứa nhận lời mời của chàng. Từ biệt Sư trưởng, hoàng Kinh Tiểu Bộ - Tập V Page 281 of 320 tử đi về Ba-la-nại, đảnh lễ phụ vương, và trình bày những điều mình đã học. Vua suy nghĩ: “Ta còn sống để được thấy con ta. Mong rằng khi ta còn sống, ta sẽ thấy con ta trị vì nước huy hoàng!”. Vì vậy vua đặt con lên ngôi kế vị.

Trong khi hưởng thụ uy lực của vương vị, hoàng tử nhớ đến sự xúc phạm trước đó của Sư trưởng, và khởi tâm phẫn nộ. Với ý định: “Ta sẽ giết người ấy”, vua liền gởi sứ giả đến mời Sư trưởng.

Ông suy nghĩ: “Vị vua này còn trẻ, ta không thể nhiếp phục một tân vương được”, nên ông không đi. Và ông đợi vua đến tuổi trung niên mới có thể đi nhiếp phục vua được.

Một thời gian sau, vua ấy đã bước vào tuổi trung niên, Sư trưởng đến trước cửa cung và nhờ báo tin vị Sư trưởng ở Takkasilà đã đến. Vua rất bằng lòng và cho mời vị ấy vào. Khi thấy Sư trưởng đến gần mình, vua sanh phẫn nộ, con mắt trở thành đỏ ngầu, liền nói với các cận thần:

- Này các khanh, hôm nay, chỗ thầy ta đã đánh ta vẫn còn nhức. Thầy ta đến chắc có mang theo cái chết được ghi ở trên trán. Hôm nay mạng sống của Sư trưởng sẽ không còn nữa.

Rồi vua đọc hai bài kệ đầu:

Hôm nay ta nghĩ đến

Sự việc ông đã làm,

Chỉ vì một nắm mè,

Ông bắt trói tay ta,

Ông lấy cây gậy tre,

Ðánh ta thật đau đớn.

Ông không thích sống à?

Phạm chí không sợ sao

Khi bắt cánh tay ta,

Ðánh ta đến ba lần?

Nay còn dám đến đây!

Vua lấy cái chết dọa Sư trưởng như vậy. Nghe xong, Sư trưởng bình tĩnh đọc bài kệ thứ ba:

Bậc thánh dùng gậy đánh,

Nhiếp phục hạnh không lành,

Như vậy đúng giáo lý,

Ðây không phải hận thù,

Tất cả bậc hiền trí

Ðều biết rõ như vậy.

- Do vậy, thưa Ðại vương, ngài hãy tự biết điều này. Vấn đề này không xứng đáng để ngài khởi hận thù. Thưa Ðại vương, nếu Ðại vương đã không được tôi dạy bảo, ngài thử nghĩ chắc hẳn ngài sẽ tiếp tục lấy của cải người ta như bánh, kẹo, cây trái và các thứ khác. Rồi ham mê các hành vi trộm cướp, dần dần ngài sẽ bị lôi cuốn vào các việc như phá nhà, cướp đường, ám sát trong làng. Cuối cùng chắc ngài đã trở thành kẻ ăn cướp đối nghịch với mọi người và sẽ bị bắt với tang vật, sẽ bị dẫn đến trước vua, và vua sẽ ra lệnh: Hãy đem nó đi, tùy tội phạm của nó mà xử phạt. Và như vậy, chắc ngài sẽ nhận được các hình phạt của nhà vua. Như vậy do đâu Ðại vương hưởng được tất cả thành công tốt đẹp như hôm nay? Có phải Ðại vương nhờ tôi mà đạt được cảnh huy hoàng này không?

Bằng cách ấy, vị Sư trưởng đã thuyết phục vua. Các đại thần đứng xung quanh nghe ngài nói liền thưa:

- Tâu Thiên tử, sự thật là vậy. Tất cả uy lực huy hoàng này đều do vị Sư trưởng mà có.

Trong khoảnh khắc ấy, vua công nhận các đức tánh của Sư trưởng và thưa:

- Thưa Sư trưởng, trẫm xin dâng hiến Sư trưởng mọi sự huy hoàng này. Mong Sư trưởng hãy chấp nhận vương quốc.

Sư trưởng từ chối và nói:

- Tâu Ðại vương, thần không cần vương quốc.

Vua liền sai sứ giả đi đến Takkasilà, mời vợ con của Sư trưởng về, ban cho họ quyền lực lớn, và mời Sư trưởng làm vị quốc sư tế tự, đặt Sư trưởng vào hàng cố vấn của vua.

Từ đó, vua vâng theo lời giáo giới của Sư trưởng và trọn đời làm các công đức như bố thí..., cuối cùng khi mệnh chung, được sanh lên cõi trời.

Sau khi thuyết Pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư giảng các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo hay phẫn nộ đã đắc quả Bất lai và nhiều vị khác đắc quả Dự-lưu, Nhất lai, Bất lai. Và Ngài nhận diện Tiền thân:

- Lúc bấy giờ vua ấy là Tỷ-kheo hay phẫn nộ, còn vị Sư trưởng là Ta vậy.

-----o0o-----

Trích Kinh Tiểu Bộ

Nhà xuất bản Tôn Giáo

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan