ĐI CŨNG THIỀN, NGỒI CŨNG THIỀN - THIỀN SƯ ĐẠI HUỆ

ĐI CŨNG THIỀN, NGỒI CŨNG THIỀN

Thiền Sư Đại Huệ

-----o0o-----

THƯ ĐÁP: TRƯƠNG DƯƠNG THÚCTrong mọi hành vi của lão Cư sĩ đã thầm hợp với Đạo, nhưng chưa thể đến được chỗ của một tiếng “ồ”. Nếu hằng ngày ứng duyên chẳng mất bước cũ, thì tuy chưa được đến chỗ của một tiếng “ồ”, song đến ngày ba mươi tháng chạp, lão Diêm Vương cũng bó tay đầu hàng, huống là nhất niệm tương ưng.Diệu Hỷ này tuy chưa được mục kích thấy ông hành...
ĐI CŨNG THIỀN, NGỒI CŨNG THIỀN - THIỀN SƯ ĐẠI HUỆ

THƯ ĐÁP: TRƯƠNG DƯƠNG THÚC

Trong mọi hành vi của lão Cư sĩ đã thầm hợp với Đạo, nhưng chưa thể đến được chỗ của một tiếng “ồ”. Nếu hằng ngày ứng duyên chẳng mất bước cũ, thì tuy chưa được đến chỗ của một tiếng “ồ”, song đến ngày ba mươi tháng chạp, lão Diêm Vương cũng bó tay đầu hàng, huống là nhất niệm tương ưng.

Diệu Hỷ này tuy chưa được mục kích thấy ông hành sự nhỏ lớn chiết trung, không thái quá, không bất cập và chỉ đến chỗ này mới là chỗ hợp với đạo. Đến chỗ này, chẳng cần nghĩ tưởng trần lao, cũng chẳng cần nghĩ tưởng Phật pháp. Bởi vì Phật pháp, trần lao đều là việc bên ngoài, nhưng cũng chẳng được nghĩ tưởng là việc bên ngoài. Chỉ cần hồi quan phản chiếu xem cái nghĩ tưởng ấy từ đâu lại? Lúc hành động có hình thái gì? Chỗ làm đã xong, tùy theo tâm ý mình không có gì chẳng châu toàn, không thiếu, không thừa, chính ngay lúc ấy nhờ ân lực của ai? Thực hiện công phu như thế lâu ngày chầy tháng như người học bắn tự nhiên bắng trúng đích.

Chúng sanh điên đảo quên mình mà theo vật, tham đắm một chút hương vị của dục lạc mà cam tâm chịu vô lượng khổ. Mỗi ngày lúc chưa mở mắt ra, lúc chưa bước xuống giường, lúc nửa thức, nửa ngủ tâm thức đã lăng xăng theo vọng tưởng trôi nổi rồi. Làm thiện tạo ác, tuy chưa phát lộ, nhưng lúc chưa bước xuống giường thiên đường địa ngục ở trong tâm đã đồng thời thành tựu rồi, đợi đến lúc phát ra thì đã rơi vào thức thứ tám. Phật chẳng nói: “Tất cả các căn đều do tự tâm hiện ra. Thế giới và thân đều do vọng tưởng chứa nhóm trong tàng thức thi thiết hiển bày như nước chảy, như hạt giống, như đèn, như gió, như mây, hoại diệt trong từng sát na, loạn động như khỉ vượn, ưa chỗ bất tịnh như ruồi lằn, chẳng nhàm chán như lửa gặp gió. Cái nhân tập khí hư ngụy từ vô thỉ như cái bánh xe quạt nước” đó sao! Đối với thức này, phá được mới gọi là vô nhân, vô ngã, biết thiên đường, địa ngục chẳng phải ở nơi nào khác mà chỉ ở trong tâm của đương nhân, lúc chưa bước xuống giường, lúc còn nửa thức nửa ngủ, chứ không phải từ bên ngoài đến. Lúc phát chưa phát, lúc giác chưa giác, cần nhất phải chiếu cố. Tuy nhiên, lúc chiếu cố chẳng được cùng nó dùng sức tranh đấu, đấu tranh ắt phí sức vậy. Tổ nói:

 Ngăn động về tịnh

 Hết ngăn càng động.

(Chỉ động quy chỉ

Chỉ cánh duy động).

Mới biết hằng ngày trong trần lao lúc đầu dần dần ít phí sức chính là chỗ đắc lực của đương nhân, cũng chính là chỗ đương nhân thành Phật làm Tổ, là chỗ đương nhân biến địa ngục thành thiên đường, là chỗ đương nhân về nhà ngồi yên ổn, là chỗ đương nhân ra khỏi sanh tử, là chỗ đương nhân giúp vua trị vì hơn cả Nghiêu Thuấn, là chỗ đương nhân bệnh nặng được lành, là chỗ đương nhân để phước đức che chở con cháu. Đến chỗ này rồi, nói Phật, nói Tổ, nói tâm, nói tánh, nói diệu, nói huyền, nói lý, nói sự, nói tốt, nói xấu gì cũng đều là việc bên ngoài. Những việc như thế còn thuộc bên ngoài, huống là làm các việc trong trần lao mà các bậc Thánh xưa thường quở ấy sao? Làm việc tốt còn chẳng cho há lại cho làm việc không tốt ư? Nếu tin nổi lời này thì lời ngài Vĩnh Gia nói:

 Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền

 Nói, nín, động, tịnh thể an nhiên.

(Hành diệt thiền, tọa diệt thiền

Ngữ mặc động tịnh thể an nhiên).

 Chẳng phải là lời nói dối.

Ông y theo đây thực hành chẳng bao giờ thay đổi thì tuy chưa triệt chứng được bản địa phong quang, tuy chưa thấy được bản lai diện mục của chính mình mà chỗ trước kia chưa quen nay đã quen, chỗ trước kia đã quen nay không còn quen nữa. Hãy tha thiết ghi nhớ! Mới biết “chỗ ít phí sức là chỗ đắc lực”. Diệu Hỷ tôi mỗi khi nói lời này với người học Thiền, thường thấy họ cho rằng nói được ấy là xong mà phần đông họ khinh thường chẳng chịu lấy đó làm công việc tu hành. Cư sĩ thử thực hiện công phu như thế xem, chỉ hơn mười ngày tự thấy được phí sức ít hay nhiều, có đắc lực hay không đắc lực, như người uống nước lạnh nóng tự biết, nói cho người khác nghe chẳng được, trình cho người khác xem chẳng đặng. Tiên Đức nói: “Sự ngộ chứng chẳng thể chỉ dạy cho người, nói lý mà chẳng chứng thì không thấu rõ được lý”. Chỗ tự chứng, tự đắc, tự tin, tự ngộ trừ người từng chứng, từng đắc, từng tin, đã ngộ mới thầm khế hội, còn người chưa chứng, chưa đắc, chưa tin, chưa ngộ, chẳng những tự mình không tin mà cũng không tin người khác có cảnh giới như thế.

Lão cư sĩ thiên tư gần với đạo, hiện thời nhất định việc làm chẳng thay đổi, so với người khác thì trong muôn phần đã đạt được chín ngàn chín trăm chín mươi chín phần, chỉ còn thiếu một phần nữa vọt ra là xong.

Người trí thức học đạo phần đông chẳng chân thật lý hội, ngoài những điều miệng nói tâm nghĩ ra thì mờ mịt không có chỗ để tay đặt chân và chẳng tin rằng ngay cái chỗ không để tay đặt chân đó mới chính là chỗ tốt. Trái lại, chỉ muốn dùng tâm để suy nghĩ cho đến được, dùng miệng để nói cho rõ được mà chẳng biết như thế là lầm. Phật nói: “Như Lai dùng tất cả thí dụ để nói về các việc, nhưng không có thí dụ nào có thể nói về pháp này. Vì sao? Vì đường tâm trí bặt dứt chẳng thể nghĩ bàn”. Như thế cũng đủ tin biết chắc rằng suy nghĩ phân biệt là chướng đạo. Nếu được mé trước mé sau đứt đoạn, đường tâm trí bặt dứt. Nếu được đường tâm trí bặt dứt thì nói việc gì cũng đều là pháp thiền này vậy. Pháp này đã rõ thì chỗ rõ này chính là cảnh giới đại giải thoát bất tư nghì. Chỉ cảnh giới này cũng chẳng thể nghĩ bàn. Cảnh giới đã chẳng thể nghĩ bàn, tất cả thí dụ cũng chẳng thể nghĩ bàn, các việc cũng chẳng thể nghĩ bàn. Cả cái chẳng thể nghĩ bàn này cũng chẳng thể nghĩ bàn. Cái lời này cũng không có chỗ dính mắc. Cả cái chỗ không dính mắc này cũng chẳng thể nghĩ bàn. Như thế xoay vần cật vấn mãi đến tột cùng về sự, về pháp, về thí dụ, về cảnh giới như chiếc vòng liên lạc không có chỗ bắt đầu, không có nơi chấm dứt, đều là pháp không thể nghĩ bàn. Vì thế nói: “Bồ-tát trụ bất tư nghì, trong thế nghĩ bàn chẳng thể đến được”. Nhập vào chỗ bất khả tư nghì này thì suy nghĩ và chẳng suy nghĩ đều tịch diệt. Nhưng cũng chẳng được trụ ở chỗ tịch diệt, nếu trụ ở chỗ tịch diệt thì bị pháp giới lượng quản nhiếp, trong kinh gọi đó là pháp trần phiền não. Diệt đi pháp giới lượng, các thứ thù thắng nhất thời quét sạch hết, mới thấy rõ được các câu thoại đầu như loại “cây bách trước sân”, “ba cân mè”, “đò chùi phân”, “con chó không Phật tánh”, “uống một hớp hết nước Tây giang”, “ngọn Đông Sơn trôi trên nước”. Hốt nhiên dưới một câu thấu suốt mới được gọi là pháp giới vô lượng hồi hướng, như thật mà thấy, như thật mà tu hành, như thật mà ứng dụng thì có thể ở trên một đầu sợi lông hiện ra cõi nước Phật, ngồi trong vi trần chuyển bánh xe pháp lớn, thành tựu các pháp, phá hoại các pháp, tất cả đều do ta, như tráng sĩ duỗi cánh tay chẳng nhờ sức người khác, như sư tử dạo chơi chẳng cầu có bè bạn. Các cảnh giới thắng diệu hiện ra trước mắt, tâm chẳng kinh dị; các cảnh giới ác nghiệp hiện ra trước mắt, tâm cũng chẳng sợ hãi. Hằng ngày trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi tùy duyên phóng khoáng nhậm tánh tiêu dao, đến được chỗ ruộng đất này mới có thể nói là không có các việc thiên đường, địa ngục được.

Ngài Vĩnh Gia nói:

Cũng không người, cũng không Phật

Thế giới ba ngàn bọt nước sao

Tất cả Thánh hiền như điển chớp

 (Diệc vô nhân, diệc vô Phật

Đại thiên sa giới hải trung âu

Nhất thiết Thánh hiền như điển phất).

Lão này nếu không đến được chỗ ruộng đất đó thì làm sao nói được như thế; lời này, người đời hiểu lầm rất nhiều. Nếu như kẻ chưa thông suốt được cội nguồn thì chẳng khỏi y theo ngữ ngôn mà sanh tri giải rồi bảo: “Tất cả đều không, bác không có nhân quả”. Lại cho rằng: “Ngôn giáo của Phật, của Tổ đã dạy đều là lời giả dối để dối gạt người”. Bệnh này nếu không từ thì sẽ mang họa ương vô cùng. Phật nói: “Cái tâm lăng xăng hư vọng mang nhiều xảo kiến, nếu chẳng chấp có thì lại chấp không. Nếu chẳng chấp hai thứ đó thì lại suy lường tính toán ở giữa có và không”. Dẫu biết bệnh này đi nữa, lại nhất định chấp vào chỗ “chẳng phải có chẳng phải không”, cho nên bậc Thánh xưa đã mỏi miệng nói đi nói lại mãi bao lần phải lìa tứ cú, tuyệt bách phi, hạ ngay một đao đức thành hai đoạn, chẳng nhớ nghĩ trước sau, bặt đứt hết tâm niệm chứng Thánh.

Tứ cú là có, không, chẳng phải có chẳng phải không, cũng có cũng không. Nếu thấu được tứ cú này thì khi ấy nói tất cả pháp là thật có, ta cũng tùy thuận với họ mà nói có, nhưng chẳng bị cái thật có này chướng ngại. Khi thấy nói tất cả pháp là thật không, ta cũng tùy thuận với họ mà nói không, nhưng chẳng phải là cái không ngơ của thế gian. Khi thấy nói tất cả pháp cúng có cũng không, ta cũng tùy thuận với họ mà nói cũng có cũng không, nhưng chẳng phải là hý luận. Khi thấy nói tất cả pháp là chẳng phải có chẳng phải không, ta cũng tùy thuận với họ mà nói chẳng phải có chẳng phải không, nhưng chẳng trái nhau. Kinh Tịnh Danh nói: “Lục sư ngoại đạo bị đọa, ông cũng đọa theo” là nghĩa này vậy.

Người trí thức học đạo phần đông chẳng chịu rỗng không đi cái tâm để nghe thiện tri thức chỉ thị. Thiện tri thức vừa mở miệng, họ đã ở trước lời nói nhất thời lãnh hội. Đến lúc bảo họ hãy thổ lộ hết cái nhất thời lãnh hội đó thì chính vì lãnh hội trên ngôn ngữ mà họ bị kẹt trên ngôn ngữ.

Lại có một hạng người chỉ biết dựa vào sự thông minh để nói đạo lý và các thứ nghệ thuật thế gian, nói cái gì ta cũng hiểu hết, duy chỉ có Thiền là ta chưa hiểu. Ngay lúc ấy đương làm quan, bèn cho mời mấy cái ông trưởng lão thuộc loại “đặt điều” đến thiết đãi cho một bữa cơm, rồi bảo mấy ông ấy mặc ý nói càn còn mình thì đem tâm ý thức ghi nhớ các lời nói bịa đặt vô bằng cứ ấy. Rồi đi khám phá người khác, một câu qua một câu lại cho đó là Thiền. Sau rốt, lúc mình hơn một câu mà người kia không nói được, bèn tự cho mình đã được tiện nghi. Đến khi đụng nhằm bậc chân thật mắt sáng thì lại không biết. Dẫu cho có biết đi nữa cũng không có lòng tin quyết định, chẳng chịu hoàn toàn yên chí buông hết, đến bên sư gia để lý hội thì vẫn y như cũ mà lại yêu cầu ấn khả. Đến khi sư gia ở trong cảnh nghịch thuận chỉ bày bổn phận kiềm chùy. Thì lại chẳng dám gần gũi. Những người này có thể nói là thật đáng thương xót!

Lão cư sĩ từ thuở niên thiếu đã thi đỗ cao, theo địa vị mình mà làm việc lợi ích cho nhân dân. Văn chương, sự nghiệp đều hơn người mà không kiêu căng chỉ một lòng một dạ muốn lui bước để thực sự lý hội đoạn đại sự nhân duyên này. Thấy ông chí thành bất giác tôi nói nhiều như thế, chẳng riêng gì muốn một mình cư sĩ biết được bệnh này mà cũng là làm tài liệu để khuyến phát hàng Bồ-tát mới phát tâm vậy.

-----o0o-----

Trích: “Lá Thư Thiền”

Thiền Sư Đại Huệ

Người dịch: Định Huệ

Nhà Xuất Bản Văn Hóa Sài Gòn, 2006

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan