ĐỜI NGƯỜI QUÝ BÁU - Trích “KHO BÁU THIỆN ĐỨC - JIGME LINGPA” - Với phần bình giảng của Longchen Yeshe Dorje, Kangyur Rinpoche

ĐỜI NGƯỜI QUÝ BÁU

Trích “KHO BÁU THIỆN ĐỨC - JIGME LINGPA”

Với phần bình giảng của Longchen Yeshe Dorje, Kangyur Rinpoche

Nhóm Padmapani chuyển Việt ngữ

--o0o--

Loài người nói chung không nhận thức được điều này và vì thế họ không những chẳng biết tiếc thương cho hoàn cảnh của mình mà còn khao khát niềm vui nhất thời và vô nghĩa của những cõi cao hơn.
ĐỜI NGƯỜI QUÝ BÁU - Trích “KHO BÁU THIỆN ĐỨC - JIGME LINGPA” - Với phần bình giảng của Longchen Yeshe Dorje, Kangyur Rinpoche

CÕI LUÂN HỒI

Biết bao đời kiếp chúng ta vẫn trôi lăn trong vòng quay sinh tử luân hồi, không nhận ra những khiếm khuyết của nó mà vẫn tin đó là nơi lợi lạc tốt lành. Trong khi đó là trạng thái mà khổ đau và nguyên nhân của khổ đau thống trị, là nơi những phẩm tính của giải thoát bị héo úa tàn. Đó là chốn hoang vu đổ nát mà không biết bao lần trong quá khứ, thân tâm ta đã bị thiêu đốt trong thống khổ và chịu cảnh đớn đau của chặt đầu, phân thây. Hơn thế nữa, có rất nhiều những chủng tử nghiệp vẫn còn ngủ ngầm trong ta và sẽ làm phát sinh nỗi thống khổ như vậy trong tương lai. Loài người nói chung không nhận thức được điều này và vì thế họ không những chẳng biết tiếc thương cho hoàn cảnh của mình mà còn khao khát niềm vui nhất thời và vô nghĩa của những cõi cao hơn. Họ hoàn toàn mê mờ không biết rằng phải làm các thiện hạnh và tránh xa ác hạnh, lại cứ để cuộc đời trôi qua chìm đắm trong tiêu cực khổ đau. Tình cảnh của họ được gọi là “chỉ tồn tại như con người”. Họ đã tự huỷ hoại bản thân bởi những suy nghĩ và việc làm xấu ác, để rồi bỏ lỡ cơ hội tận dụng những tự do và thuận duyên của hiện hữu làm người. Từ vị trí cao tột trong luân hồi, họ lại bị đoạ xuống những tình cảnh éo le. Kết cục là họ phải lang thang trong ba đường ác, trong thiên đường của những vị trời vô tưởng, hay trong những vùng man rợ hoang sơ (nơi không nghe đến Phật Pháp); họ sinh ra làm người khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần, chấp chứa tà kiến, và sinh vào những nơi không có Phật xuất hiện.

TÁM HOÀN CẢNH KHÔNG CÓ TỰ DO ĐỂ THỰC HÀNH PHÁP

Trên nền sắt nóng đỏ, chúng sinh bị giết cho chết đi sống lại liên tục bởi tay sai của Thần Chết mà không có lấy một khoảnh khắc để nghỉ ngơi.

Chúng vung lên những thứ vũ khí ghê rợn cùng gươm và búa rồi giáng xuống thành những vết thương khủng khiếp. Những chúng sinh trong địa ngục này không thể chết chừng nào ác nghiệp của họ chưa cạn kiệt. Do nghiệp tương tự với nhân, hay nói cách khác là do sự thôi thúc của khuynh hướng tiêu cực, họ bị mắc vào tấm lưới ác nghiệp thúc đẩy bởi sân hận, và tuổi thọ của họ nơi địa ngục thì kéo dài vô tận.

Ngạ quỷ nói chung luôn trong cảnh thiếu thốn thức ăn và nước uống. Họ thậm chí không tìm nổi một mẩu dơ dáy của máu mủ hay phân để mà ăn. Do vậy, chẳng cần nói cũng hiểu rằng họ phải chịu đựng nỗi thống khổ của đói và khát. Sự mát mẻ của mặt trăng mùa hè và ấm áp của mặt trời mùa đông đều gây tác động ngược lại, những cơn mưa thường và mưa đá bị hiểu lầm như là chớp và sấm sét, còn những dòng sông thì ngập đầy máu mủ. Với loài ngạ quỷ bị nhiễm ô bên ngoài, sông suối và cây trái liền héo khô ngay khi chúng nhìn vào. Những ngạ quỷ bị nhiễm ô bên trong có cái đầu không tương ứng với thân: miệng chúng thì nhỏ như đầu kim trong khi cái bụng thì to như cả một lãnh thổ. Ruột gan chúng bị thiêu đốt khi nuốt vào một chút thức ăn và nước uống, bởi vậy chúng phải chịu nỗi đau đớn khôn cùng. Tuổi thọ của ngạ quỷ không cố định, tuỳ thuộc vào mức độ của che chướng gắn liền với tâm tham lam trước đó. Nói chung, một ngày của họ dài bằng một tháng cõi người, và họ sống tới năm trăm tuổi.

Trong lòng sâu của đại dương, cá và những quái vật biển ăn nuốt lẫn nhau, con lớn hơn nuốt con nhỏ hơn. Những loài thú hoang sống khắp nơi trên mặt đất trở thành con mồi cho thợ săn với lưới, bẫy và tên độc, rồi phải chịu những cái chết thảm thương. Loài vật nuôi thì phải làm nô lệ cho gia chủ. Chúng bị thuần hoá và khuất phục với yên cương và dây thừng. Người chủ cưỡi lên chúng, buộc chúng lại và chất những vật nặng lên lưng. Họ chăn dắt, xén lông, thiến và cắt tiết chúng khi chúng vẫn còn đang sống. Bị đối xử như vậy nên loài vật rơi vào cảnh khổ đau cùng cực. Sinh ra thiếu trí thông minh nên chúng không thể tụng nổi một lần câu thần chú Mani. Khi chúng sinh phải sinh ra trong hoàn cảnh như vậy, họ trở nên vô vọng. Giáo lý nói rằng thọ mạng của loài vật dao động từ sự sống ngắn ngủi như loài côn trùng cho đến dài như thọ mạng của loài rồng, loài có thể sống tới cả một đại kiếp.

 

Bởi các nghiệp bất động' duy trì nguyên tắc sống của chư thiên trong cõi Vô Sắc là vô cùng dài lâu nên thọ mạng của họ rất dài, tới hai mươi trung kiếp. Do đó chư thiên ở đây không có cơ hội để phát tâm nhàm chán sinh tử luân hồi và mong cầu giải thoát. Hơn thế nữa, do thiếu vắng sự nhận thức nên các vị trời vô tưởng không có hoạt động tâm thức trong suốt quãng thời gian tồn tại của họ. Vậy nên họ mất đi nền tảng cho sự lắng nghe và tư duy về giáo pháp. Họ trụ trong trạng thái khác xa so với chư thiên của tầng thiền thứ tư, giống như một nơi vắng vẻ thì cách xa chốn thành thị đông đúc. Những vị trời này không có khái niệm nào về giáo pháp nên khi những ý niệm của họ bắt đầu khởi lên ở giai đoạn cuối cuộc đời, họ mắc phải tà kiến cho rằng không gi có con đường đạt tới giải thoát và hậu quả là bị đoạ xuống những cõi thấp. Sinh ra trong những trạng thái này khiến người ta mất đi sự tự do để thực hành Pháp.

Cư dân của những vùng đất được gọi là man rợ vẫn có những đặc tính của con người: đi thẳng trên hai chân. Nhưng thực ra mà nói, họ sống chẳng khác nào loài vật và hoàn toàn mê mờ không biết tới giáo pháp. Họ cảm thấy lạ lẫm với đức hạnh và ngập chìm trong tiêu cực. Họ đắm mình trong các loại ác hạnh như dùng tên độc làm người khác bị thương, và thậm chí còn biến nó trở thành một thứ giáo điều trong tôn giáo của mình. Họ lang thang trong chốn bờ bụi của tà kiến. Và tệ hơn cả loài vật, họ làm đảo lộn những nguyên tắc đạo đức của những gì nên làm và những gì nên bỏ. Con đường dẫn đến giải thoát là điều họ chưa từng biết đến.

Những người bị thiểu năng ví dụ như không nói được, hoặc đặc biệt  với những ai bị thiểu năng trí tuệ, dù họ có gặp gỡ một bậc thầy tâm linh chứng ngộ siêu việt và thậm chí được nghe Ngài giảng dạy giáo pháp thì họ cũng không thể hiểu được những lời dạy đó, nó chỉ như âm thanh của một tiếng vang. Điều đó khiến cho phước đức của họ bị uổng phí, và họ phải chịu khổ đau cùng cực trên mảnh đất khô cằn, tan hoang và đáng sợ của luân hồi.

 

Sinh ra trong luân hồi bởi kết quả của nghiệp và phiền não chẳng khác nào đang lênh đênh trôi dạt trên đại dương bao la sâu thẳm không bờ bến. Có được thân người thì giống như sở hữu một con thuyền lớn giúp ta có thể vượt qua đại dương này để cập tới bến bờ giải thoát. Nhưng mặc dù người ta có thể sở hữu mọi khả năng và hiểu biết, tựa như có cánh buồm đẩy họ đi theo chiều của giải thoát, tuy nhiên họ vẫn để lãng phí sự hỗ trợ tuyệt hảo này do tâm thức bị che mờ bởi những niềm tin sai lạc. Kết quả là họ không thể bước vào cửa Pháp và không bước đi trên đạo lộ giải thoát để làm hài lòng Đức Thế Tôn, bậc đã xuất hiện trên thế gian này để tạo lập ra nó. Không tin vào nhân quả nghiệp báo và cho rằng không có đời sau hay tương tự, họ bị ma chướng che mờ con đường đến giải thoát. Họ gục ngã bởi sức mạnh của chúng và đánh mất sự tự do.

 

Sinh ra làm người trong một Kiếp Tối thì cũng chẳng ích lợi gì, bởi đó là thời kỳ ánh sáng của Pháp chẳng thể chiếu soi do không có vị Phật nào xuất hiện trên thế gian kể từ khi nó hình thành cho đến lúc hoại diệt. Sinh ra như vậy chẳng khác nào một người đàn ông ngã xuống khe sâu tăm tối và bị gãy mất đôi chân. Dù anh ta có cố gắng cỡ nào để thoát ra nhưng cũng không thấy đường và thậm chí không thể cử động vì đôi chân gãy nát. Tương tự vậy, do không có ánh sáng chiếu soi con đường giải thoát nên người ta không biết tới ba sự rèn luyện (Giới, Định, Tuệ) có thể dẫn dắt họ tới tự do. Họ không ngừng theo đuổi những con đường lầm lạc do vô minh và phiền não. Họ không những rơi vào nơi ghê sợ không thể thoát ra mà còn ngày càng bị đoạ xuống những cõi thấp hơn, từ cõi súc sinh, ngạ quỷ cho đến cõi địa ngục. Do vậy sự tự do để thực hành giáo pháp là không hề có.

Trong tất cả những hoàn cảnh khủng khiếp như vậy, nơi ác nghiệp trổ quả thành vô vàn khổ đau, cuộn xoáy như cơn lốc huỷ diệt của ngày tận thế, thân thể chúng sinh bị vùi dập trong đau đớn và tâm thức họ luôn trong tình trạng sợ hãi. Chúng sinh đắm chìm trong tập khí tiêu cực và quay lưng lại với giáo pháp thiêng liêng. Như thế, chúng ta được dạy rằng cần phải quán chiếu liên tục để tránh phải tái sinh vào tám hoàn cảnh trong đó không có tự do để thực hành Pháp. Đức Jigme Lingpa kêu gọi chúng ta theo đuổi con đường giải thoát với sự tinh tấn, để chúng ta có thể nương tựa nơi bậc thầy và những chỉ dẫn sâu xa của Ngài, nhờ vậy ta có thể khiến cho cơ hội mình đang sở hữu trở nên đầy ý nghĩa.

 

NĂM THUẬN DUYÊN CÁ NHÂN VÀ NĂM THUẬN DUYÊN NGOẠI CẢNH

Sinh ra ở vùng “trung tâm” nơi giáo pháp được tuyên thuyết thì giống như cây non được vun trồng trên đất tốt;

Có đầy đủ các căn (giác quan) và các chi lành lặn làm nền tảng cho việc học hỏi, thiền định và thực hành Pháp thì giống như cây to khoẻ với cành lá sum suê;

Có tín tâm vào giáo pháp của Đức Thế Tôn;

Có thiện nghiệp đơm hoa viên mãn của thân, khẩu và ý, không bị huỷ hoại bởi trận mưa đá của những ác nghiệp đối nghịch với Pháp (ác nghiệp có quả báo tức thì và tà kiến về Tam Bảo); Sinh ra làm người có khả năng gìn giữ giáo pháp và đạt được những phẩm tính của giải thoát.

Có được tất cả những điều này thì giống như cây Như Ý diệu kỳ, vô cùng hiếm hoi và quý báu. Sử dụng năm thuận duyên cá nhân này để gặt hái quả tốt lành là điều tối quan trọng.

Sự thật rằng Đức Phật đã ra đời trên thế gian, một sự xuất hiện hiếm hoi như hoa Ưu Đàm khoe nở;

Sự thật rằng Ngài đã tuyên thuyết giáo pháp và ba lần chuyển Pháp luân đã đơm hoa kết trái;

Sự thật rằng thông qua sự giảng dạy và thực hành thì giáo pháp ở cả hai khía cạnh trao truyền và chứng ngộ vẫn còn tồn tại đến ngày nay mà không hề suy giảm;

Sự thật rằng vẫn còn những bậc đạo sư trì giữ giáo pháp một cách hoàn hảo;

Và cuối cùng sự thật rằng chúng ta vẫn được nương tựa nơi “bóng mát” của bậc thiện tri thức, người dẫn dắt toàn hảo trên con đường đến giải thoát:

Năm thuận duyên ngoại cảnh này thậm chí còn hiếm có hơn năm thuận duyên cá nhân.

SỰ HIẾM CÓ CỦA ĐỜI NGƯỜI QUÝ BÁU

Tại sao cần phải bước đi trên đường đạo với sự tinh tấn nỗ lực không trì hoãn? Như chúng ta đã đề cập, năm thuận duyên cá nhân thì hiếm có như cây Như Ý, trong khi năm thuận duyên ngoại cảnh còn hiếm có hơn và được ví như hoa Ưu Đàm. Mười điều này gom lại hình thành nên những điểm đặc biệt, và tám tự do hình thành nên nền tảng cho cái gọi là một đời người quý báu. Nếu chúng ta không thể tận dụng nó ngay lúc này thì cơ hội như vậy sẽ không còn gặp nữa. Điều này được giải thích thông qua các ví dụ sau. Ta hãy tưởng tượng rằng có một đại dương bao la rộng lớn như Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Trong lòng sâu của đại dương này có một con rùa mù chỉ ngoi lên mặt nước một lần trong mỗi thế kỷ. Được sinh ra làm người thì còn khó hơn việc con rùa ngoi đầu trúng vào cái ách đang lênh đênh dạt trôi trên sóng nước. Hoặc ta cũng có thể mô tả sự khó khăn của việc có được đời người quý báu bằng cách dùng số lượng. Số lượng loài người so với chúng sinh cõi súc sinh thì như sao buổi sáng so với sao ban tối. Và tỉ lệ tương tự cũng được áp dụng để so sánh giữa súc sinh với ngạ quỷ, rồi giữa ngạ quỷ với chúng sinh địa ngục.

Như vậy, đời người quý báu này là cực kỳ hiếm hoi và vô cùng ý nghĩa. Nếu một người đang bước đi trên con đường đạo với mục tiêu đạt tới sự giải thoát, người mà giờ đây đã sở hữu con thuyền vĩ đại của tự do và thuận duyên, người đã hạnh ngộ một bậc minh sư như là người dẫn đường và giống như hoa tiêu của con thuyền – nếu một người như vậy không thể vượt qua được đại dương luân hồi khổ đau vô cùng tận để đạt tới bến bờ giải thoát thì người đó đã làm uổng phí hoàn toàn cơ hội của chính mình. Chúng ta cần quán chiếu như vậy và lấy đó làm động lực để nỗ lực hơn nữa.

Ảnh nguồn internet

Bài viết liên quan