GIÁ TRỊ VÀ LỢI ÍCH CỦA LÒNG TỪ BI - HH DALAI LAMA & HOWARD CUTLER – THUẬT SỐNG TRONG HẠNH PHÚC

“Vì vậy… hôm qua chúng ta hãy thiền định về lòng tư bi. Các bạn hãy bắt đầu bằng cách hình dung ra hình ảnh một người đang chịu đau khổ tột cùng, một người nào đó đang chịu đau đớn hoặc đang rơi vào một hoàn cảnh bất hạnh nào đó. Trong ba phút thiền định đầu tiên, bạn hãy chiêm nghiệm về nỗi đau của người đó một cách thấu đáo – hãy suy ngẫm về nỗi đau khổ tột cùng...
GIÁ TRỊ VÀ LỢI ÍCH CỦA LÒNG TỪ BI - HH DALAI LAMA & HOWARD CUTLER – THUẬT SỐNG TRONG HẠNH PHÚC

GIÁ TRỊ VÀ LỢI ÍCH CỦA LÒNG TỪ BI

HH DALAI LAMA & HOWARD CUTLER – THUẬT SỐNG TRONG HẠNH PHÚC

–––––o0o–––––

Định nghĩa lòng từ bi

Khi chúng tôi liên tục trao đổi cùng nhau, tôi khám phá ra một điều là việc phát triển lòng từ bi đóng một vai trò rất quan trọng trong suốt cuộc đời của Dalai Lama chứ không phải chỉ đơn giản là một phương tiện để trau dồi lòng cởi mở nhiệt tình và yêu thương con người – một phương tiện để cải thiện mối quan hệ của chúng ta với mọi người xung quanh. Tôi bắt đầu hiểu rõ, thật vậy, rằng là một tín đồ Phật giáo, việc phát triển lòng từ bi là một phần chủ đạo trong suốt quá trình lĩnh hội tín ngưỡng của Dalai Lama.

“Lòng từ bi là một phần cốt yếu để rèn luyện và phát triển tinh thần trong học thuyết Phật giáo”, tôi hỏi, “Ngài có thể định nghĩa rõ ràng về những gì muốn nói qua ba chữ ‘lòng từ bi’ được chứ?”.

Dalai Lama đáp lời “Lòng từ bi có thể được định nghĩa đơn giản là một trạng thái tinh thần không hung ác, không gây hại cho mọi người và không công kích. Đó là một thái độ tinh thần được đặt trên nền tảng là niềm ao ước cho mọi người thoát ra được những đau khổ và người đó luôn quan tâm, kính trọng, lễ phép với mọi người xung quanh”.

“Lòng từ bi, ngôn ngữ Tây Tạng gọi là Tse – wa, cũng có ý muốn nói đến niềm ao ước những điều tốt cho chính bản thân mình. Để phát triển lòng từ bi, có lẽ bạn có thể bắt đầu bằng niềm ao ước rằng chính bản thân bạn sẽ vượt qua được đau khổ, sau đó bạn luôn bám chặt niềm ao ước này, trau dồi, phát huy niềm ao ước này, đạt được niềm ao ước này rồi thì bạn sẽ mở rộng niềm ao ước này đến tất cả mọi người xung quanh”.

“Khi mọi người nói đến lòng từ bi, tôi nghĩ rằng họ thường nhầm lẫn giữa lòng từ bi và lòng lưu luyến. Vì thế khi chúng ta nói về lòng từ bi khác nhau. Loại thứ nhất gần giống với lòng lưu luyến – cảm xúc yêu thương một người nào đó và người đó sẽ yêu ngược lại mình. Đây là loại lòng từ bi thiên vị và lệch lạc. Và một mối quan hệ dựa trên nền tảng như vậy sẽ không vững chắc. Mối quan hệ này có thể giúp người ta cảm thấy ấm áp, thân thiện, gần gũi, ví dụ như mối quan hệ bạn bè chẳng hạn. Nhưng nếu hoàn cảnh chỉ cần thay đổi chút đỉnh, một sự bất hòa chẳng hạn, hoặc nếu bạn thay đổi chút đỉnh, một sự bất hòa chẳng hạn, hoặc nếu bạn của bạn làm một cái gì đó khiến bạn tức giận thì ngay lập tức tất cả có thể sụp đổ trong tích tắc; khái niệm ‘bạn của mình’ sẽ không còn có thể tồn tại nữa. Mối quan hệ này không còn nữa, thay vì cảm thấy yêu thương và lo lắng, giờ đây bạn có thể cảm thấy căm thù và tức giận. Vậy nên, loại lòng từ bi đó đặt trên cơ sở là lòng lưu luyến, luôn gắn liền với thái độ thù hằn.

Nhưng còn một loại lòng từ bi khác nữa, loại này không giống như lòng lưu luyến. Đây là lòng từ bi thực sự. Lòng từ bi này không dựa trên nền tảng ‘người này hoặc người họ thật đáng yêu’. Lòng từ bi thực sự này dựa trên nền tảng là ‘tất cả mọi người đều có bản năng khao khát được hạnh phúc và vượt qua đau khổ, giống như mình’. Dựa vào nhận thức được sự tương đồng giống nhau này, bạn sẽ phát huy lòng ngưỡng mộ, tôn trọng và thân thiện với mọi người. Với nền tảng này, bạn có thể cảm thấy yêu thương tất cả mọi người bất chấp họ là bạn bè hay kẻ thù của bạn. Dựa trên nền tảng là quyền cơ bản của mọi người hơn là dựa trên nền tảng là suy nghĩ chủ quan của bạn. Với nền tảng này, bạn sẽ phát huy được lòng yêu thương, từ bi với mọi người. Đó là lòng từ bi thực sự.”

“Do đó, mọi người có thể phân biệt được hai loại lòng từ bi này và việc trau dồi phát huy lòng từ bi thực sự có thể rất quan trọng trong đời sống hàng ngày của họ. Ví dụ, trong hôn nhân thường tồn tại lòng lưu luyến. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu trong mối quan hệ hôn nhân đó đồng thời cũng tồn tại được lòng từ bi thực sự, dựa trên nền tảng là tôn trọng, ngưỡng mộ lẫn nhau, vậy thì mối quan hệ hôn nhân đó sẽ tồn tại được vững bền. Trong trường hợp có lòng lưu luyến mà không có được lòng từ bi thực sự, mối quan hệ hôn nhân đó sẽ không thể bền vững và sẽ nhanh chóng kết thúc’.

“Cảm xúc của lòng lưu luyến và cảm xúc của lòng từ bi không phải là một. Cảm xúc của lòng từ bi thực sự luôn mạnh mẽ hơn, phóng khoáng hơn, nó có một phẩm chất rất đáng tự hào. Đồng thời, lòng từ bi thực sự cũng vững chắc hơn, xác thực hơn và đáng tin cậy hơn. Ví dụ, nếu bạn trông thấy một con vật nào đó đang chịu đau khổ dữ dội, ví dụ một con cá đang bị mắc lưỡi câu chẳng hạn, tự nhiên bạn sẽ có cảm xúc như thể mình đang bị đau đến mức không thể chịu được. Cảm xúc này không phải xuất hiện trên cơ sở là ‘Ồ, con vật đó là bạn của mình’ mà xuất hiện trên cơ sở là bạn ý thức được rằng con vật đó có quyền không cần phải trải qua những đau đớn như thế. Vậy thì, loại lòng từ bi đó, không pha trộn với lòng lưu luyến, lành mạnh hơn và vững bền hơn.”

Để Dalai Lama tiếp tục đi sâu về đề tài lòng từ bi, tôi nói “Trong ví dụ vừa rồi, trông thấy một con cá đang mắc lưỡi câu trong miệng, Ngài đã nêu ra một điều quan trọng – con cá không thể chịu được đau đớn đó.”

“Vâng”, Dalai Lama nói, “Thực ra, người ta cũng có thể định nghĩa lòng từ bi là cảm xúc không thể chịu được mỗi khi trông thấy người khác hoặc một sinh linh nào đó đang chịu đau khổ. Và để phát huy được cảm xúc này, trước hết bạn cần phải thực sự hiểu được cảm xúc này, trước hết bạn cần phải thực sự hiểu được mức độ đau khổ của mọi người. Vì thế, tôi nghĩ rằng bạn càng hiểu sâu sắc được những đau khổ và bạn càng thấu hiểu được các hình thức đau khổ khác nhau thì mức độ từ bi của bạn càng được tăng cao.”

Tôi đặt ra câu hỏi “Ồ, tôi hiểu rằng chúng ta càng ý thức sâu sắc được những đau khổ của mọi người thì lòng từ bi của chúng ta càng trở nên cao độ. Thực ra, qua định nghĩa, lòng từ bi có liên quan đến việc mở lòng mình ra với những đau khổ của mọi người, chia sẻ những đau khổ của mọi người. Nhưng vẫn còn một câu hỏi cơ bản: Tại sao chúng ta lại cần phải chia sẻ những đau khổ của mọi người trong khi chúng ta thực sự không muốn chính bản thân mình bị đau khổ? Ý tôi muốn nói là hầu hết mọi chúng ta đều tìm mọi cách để tránh đau khổ, tại sao chúng ta lại chủ ý muốn chia sẻ đau khổ của mọi người?”.

Không hề tự do, Dalai Lama đáp lời “Tôi nghĩ rằng có một sự khác biệt quan trọng giữa những đau khổ của chính bản thân mình với những đau khổ của mọi người, những đau khổ mà bạn cố tình chia sẻ cùng mọi người – một sự khác biệt về bản chất.” Người tạm ngưng một lát như thể muốn cho tôi một ít thời gian để kịp hiểu rồi Người nói tiếp “Khi bạn nghĩ về những đau khổ của chính mình, cảm xúc của bạn sẽ hoàn toàn bị áp đảo. Bạn cảm thấy như những đau khổ đó là gánh nặng cho mình, cảm thấy như bị áp lực bởi một cái gì đó – cảm xúc bơ vơ không được ai trợ giúp. Tâm trí bạn bị ngu muội như thế là tất cả mọi khả năng của bạn bị tê liệt.”

“Bây giờ, trong quá trình phát huy lòng từ bi, khi bạn chia sẻ những đau khổ của mọi người, có thể lúc đầu bạn cũng cảm thấy khó chịu ở mức độ nào đó, một cảm xúc không thoải mái hoặc bực bội. Nhưng dần dà, cảm xúc này sẽ thay đổi; ẩn bên dưới cảm xúc không thoải mái này là sự quyết tâm cao độ bởi vì bạn đang là người tình nguyện và chủ tâm xem những đau khổ của mọi người là một cái gì đó giúp bạn trau dồi lòng từ bi của mình. Khi đó bạn luôn có cảm xúc như là trách nhiệm của mình là phải chia sẻ những đau khổ của người đó, một sự sẵn lòng luôn muốn trợ giúp mọi người, tâm trí của bạn lúc này hoàn toàn rất tỉnh táo sáng suốt chứ không hề ngu muội. Lúc này bạn cũng giống như một vận động viên có thể chịu đựng được nhiều điều như làm việc cao độ, rướm mồ hôi, căng thẳng. Đương nhiên như vậy chẳng dễ chịu chút nào. Nhưng vận động viên đó vẫn không xem đó là những điều khó chịu. Anh ta vẫn cố ý vượt qua để đạt được thành tích cao và xem đó là niềm vui của mình. Nhưng nếu cũng vận động viên đó, anh ta phải nỗ lực hành động vì một cái gì đó không phải là rèn luyện môn thi đấu của mình, vậy thì anh ta có thể nghĩ, ‘Ồ, tại sao mình lại phải cố gắng vì thử thách cam go này nhỉ?’. Vì thế thái độ tinh thần của anh ta sẽ khiến cho việc hoàn toàn khác hẳn”.

Những lời này được Người nói bằng giọng điệu chắc chắn đã giúp tôi ý thức hơn về việc chia sẻ những đau khổ của mọi người.

“Ngài đề cập rằng bước đầu tiên để phát huy lòng từ bi là phải nhận thức sâu sắc được những đau khổ. Nhưng liệu có phương pháp đặc biệt nào khác trong học thuyết Phật giáo được sử dụng để phát huy được lòng từ bi không?”.

“Vâng, có. Ví dụ như theo truyền thống Phật giáo Mahayana, chúng ta thấy có hai phương pháp chính để trau dồi, phát huy lòng từ bi. Đó là phương pháp ‘Bảy điều nhân quả’ và ‘hy sinh bản thân vì mọi người’. Phương pháp ‘hy sinh bản thân vì mọi người’ là kỹ thuật được trình bày qua tám chương trong cuốn Hướng dẫn sống đời Bồ Tát của Shatideva. Nhưng, Người nói, đồng thời liếc mắt nhìn đồng hồ và nhận thấy rằng thời gian đang trôi nhanh, “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ bắt đầu luyện tập hoặc chiêm nghiệm về lòng từ bi ở những buổi trao đổi trước công chúng vào tuần này”.

Với những lời này, Người mỉm cười thật đôn hậu và đứng lên để kết thúc buổi trao đổi.

Giá trị thực sự của đời sống con người

Tiếp tục thảo luận về lòng từ bi trong buổi thảo luận tiếp theo, tôi bắt đầu “Chúng ta đã nói về tầm quan trọng của lòng từ bi, về niềm tin của ngài rằng tình cảm con người, sự thân thiện của con người, tình bè bạn của con người… là những yếu tố rất cần thiết để chúng ta có thể sống đời hạnh phúc. Nhưng tôi vẫn băn khoăn, giả sử, một thương gia giàu có đến gặp Ngài và nói với Ngài rằng ‘Ngài nói rằng tình cảm con người và lòng từ bi là những yếu tố chủ đạo để có thể sống đời hạnh phúc. Nhưng tôi chẳng phải là một người tình cảm nhã nhặn chút nào. Thật lòng mà nói, tôi chưa bao giờ cảm thấy động lòng trắc ẩn với ai cả, tôi cũng chẳng có lòng vị tha. Tôi là một người sống thiên về lý trí và rất thực dụng, tôi chẳng có một chút gì tình cảm như người nói cả. Tuy vậy, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống của mình, tôi cảm thấy thực sự hài lòng với cuộc sống này. Tôi có sự nghiệp thành công, có bạn bè và tôi lo liệu cho vợ con mình đầy đủ, tôi có một mối quan hệ tốt đẹp với vợ con. Tôi chẳng thấy rằng mình đang thiếu vắng bất kỳ một thứ gì cả. Việc trau dồi phát huy lòng từ bi, lòng vị tha và cảm thông… nghe có vẻ cũng hay đấy nhưng với tôi để làm gì? Xem ra việc này nghe có vẻ ủy mị quá…”.

“Trước tiên”, Dalai Lama đáp lời, “nếu một người nói như thế, tôi vẫn nghi ngờ không biết liệu anh ta có đang cảm thấy thực sự hạnh phúc hay không. Tôi thật lòng tin rằng lòng từ bi cung cấp cho chúng ta một nền tảng cơ bản của sự tồn tại của con người, giá trị thực sự của đời sống con người và không có lòng từ bi thì chúng ta sẽ bị thiếu một nền tảng cơ bản. Chúng ta cần thấu hiểu cảm thông với những cảm xúc của mọi người, đó chính là một yếu tố của lòng yêu thương và lòng từ bi, nếu không, ví dụ, tôi nghĩ rằng rất có thể anh ta sẽ gặp khó khăn trong mối quan hệ với vợ mình. Nếu anh ta có thái độ lãnh đạm với những đau khổ và cảm xúc của mọi người xung quanh, vậy thì cho dù anh ta có là một tỉ phú, cho dù anh ta có được giáo dục tốt, cho dù anh ta là không gặp phải rắc rối trong gia đình và cho dù anh ta có được vây quanh bởi những người bạn, bởi những thương gia giàu có, bởi những người quyền cao chức trọng, bởi những nguyên thủ quốc gia thì tôi vẫn nghĩ rằng tất cả những điều này chỉ là những vật ngoại thân.”

“Nhưng nếu anh ta vẫn tiếp tục khẳng định rằng anh ta hoàn toàn không cảm thấy thương cảm, vị tha nhưng anh ta vẫn không hề cảm thấy thiếu bất kỳ một thứ gì… vậy thì có lẽ sẽ hơi khó khăn để giúp anh ta hiểu được tầm quan trọng của lòng từ bi…”.

Dalai Lama ngưng lại một lát để suy nghĩ. Những lúc Người tạm ngưng như thế dường như không phải là để tạo ra một sự im lặng khó chịu, những khoảng thời gian tạm ngưng như thế giống như là những mãnh lực hấp dẫn khiến cho lời nói của Người thêm ý nghĩa.

Sau đó, Người nói tiếp “Tuy nhiên, cho dù có như thế đi nữa, tôi cũng vẫn có thể chỉ ra được nhiều việc. Thứ nhất, tôi có thể sẽ đề nghị anh ta nên chiêm nghiệm lại những gì anh ta đã kinh qua. Anh ta có thể nhận thấy rằng nếu một người nào đó đối đãi với anh ta bằng lòng từ bi và tình cảm yêu thương thì điều đó sẽ khiến anh ta cảm thấy vui hơn. Vì vậy, dựa trên những việc mà anh ta đã kinh qua như thế, anh ta sẽ hiểu được rằng tất cả mọi người cũng cảm thấy vui hơn khi được người khác đối đãi bằng lòng từ bi và tình cảm yêu thương. Từ đó anh ta sẽ tôn trọng những cảm xúc của mọi người hơn, anh ta sẽ sẵn sàng đối đãi với mọi người bằng lòng từ bi và tình cảm yêu thương hơn. Đồng thời, anh ta cũng sẽ khám phá được rằng anh ta càng đối đãi tốt với mọi người thì mọi người càng đối đãi tốt với anh ta. Tôi không nghĩ rằng anh ta sẽ phải tốn nhiều thời gian để nhận ra được điều này đâu. Và kết quả là điều này sẽ trở thành nền tảng cơ bản tạo nên niềm tin và tình hữu nghị giữa anh ta với mọi người.”

“Bây giờ, giả sử người này sở hữu được tất cả những tiện nghi vật chất, có được một cuộc sống thành công, được vây quanh bởi những người bạn, kinh tế ổn định… Nếu anh ta cho rằng mọi thứ với anh ta đều tốt đẹp, tôi sẽ nói với anh ta rằng quan điểm của anh ta như thế là thiển cận, là ngu dốt. Cho dù là mối quan hệ của mọi người với anh ta tốt đẹp đến mức nào đi nữa thì mối quan hệ này cũng chỉ dựa trên nền tảng cơ bản là của cải vật chất của anh ta mà thôi. Mối quan hệ này luôn bị chi phối bởi giá trị vật chất và quyền lực mà anh ta đang sở hữu hơn là bởi chính bản thân anh ta. Rồi điều gì sẽ xảy ra một khi tài sản của anh ta suy kiệt? Mối quan hệ dựa trên một nền tảng cơ bản như thế không bao giờ vững bền. Một khi mối quan hệ đó đổ sụp do tài sản của anh ta đã cạn kiệt, anh ta sẽ ngay lập tức đau khổ”.

“Tuy nhiên, nếu mọi người có được lòng từ bi – thường thì đó là bản chất của con người – thì cho dù họ có gặp phải khó khăn về kinh tế và cho dù tài sản của họ bị cạn kiệt, họ vẫn có được một cái gì đó để chia sẻ cùng mọi người. Nền kinh tế thế giới luôn rất mỏng manh và chúng ta khó có thể tránh khỏi những mất mát trong cuộc đời nhưng chúng ta sẽ luôn mang trong lòng mình một tấm lòng từ bi, tấm lòng từ bi này sẽ theo ta đến cuối cuộc đời”.

Người tùy tùng của Dalai Lama bước vào phòng và lặng lẽ rót trà, vì thế Dalai Lama tạm ngưng một lát và sau đó nói tiếp “Dĩ nhiên, khi cố gắng diễn giải với mọi người tầm quan trọng của lòng từ bi, bạn có thể sẽ gặp những người rất nhẫn tâm tàn bạo, sống theo chủ nghĩa cá nhân và những người luôn vị kỷ cho riêng mình, những người chỉ quan tâm đến quyền lợi cá nhân. Thậm chí bạn cũng có thể gặp phải những người không có khả năng cảm thông với những người gần gũi cho họ, những người mà họ yêu thương. Nhưng cho dù có gặp những người như thế, bạn vẫn có thể giảng giải cho họ hiểu được tầm quan trọng của lòng từ bi và lòng yêu thương dựa trên cơ sở là ‘đó chính là cách tốt nhất để đáp ứng những lợi ích của họ. Họ muốn có sức khỏe tốt, muốn sống một cuộc đời hạnh phúc, muốn tâm hồn được thanh thản, muốn luôn luôn cảm thấy vui vẻ trong lòng. Và nếu đó là những điều họ mong muốn, tôi đã nghe nói rằng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy rằng mọi người có thể đạt được những điều này qua việc trau dồi lòng yêu thương thông cảm với mọi người… Nhưng là một bác sĩ, là một chuyên gia tâm lý, có lẽ bạn cũng biết nhiều về việc này chứ!?”.

“Vâng”, tôi đồng ý, “Tôi nghĩ rằng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy rằng mọi người có thể đạt được nhiều lợi ích qua trạng thái yêu thương trong tâm hồn”.

“Vì vậy tôi nghĩ rằng việc giảng giải cho một người nào đó hiểu được tầm quan trọng của lòng từ bi kết hợp với những bằng chứng khoa học ắt hẳn sẽ động viên người đó quyết tâm trau dồi lòng từ bi của mình…”, Dalai Lama bình luận, “Nhưng tôi nghĩ rằng mọi người cũng có thể thấy được điều này qua kinh nghiệm đời sống hàng ngày của mình. Ví dụ, bạn có thể nhận thấy rằng việc thiếu lòng từ bi sẽ dẫn đến tính tàn nhẫn. Có nhiều ví dụ cho thấy rằng những người tàn nhẫn độc ác thường chịu đau khổ qua cảm xúc bất mãn và buồn chán, những người như Hitler chẳng hạn. Thậm chí khi họ đang ngủ họ cũng còn cảm thấy sợ hãi một cái gì đó rất mơ hồ…”.

Người ngưng giọng một lát, lơ đãng lắc cổ sau đó nói tiếp “Mặc dù tôi chỉ đang nghiên cứu, tôi đoán rằng nếu bạn hỏi những người tàn nhẫn độc ác này rằng ‘Bạn hạnh phúc hơn vào khi nào? Khi bạn còn nhỏ, khi bạn được chăm sóc bởi mẹ mình và được gần gũi với gia đình mình; hay lúc này đây – khi bạn có nhiều của cải hơn, có nhiều quyền lực hơn?’. Tôi nghĩ rằng họ sẽ trả lời rằng khi họ còn nhỏ thì họ cảm thấy hạnh phúc hơn. Tôi nghĩ rằng thậm chí Hitler khi còn nhỏ cũng đã được mẹ mình yêu thương hết mực”.

“Vâng”, tôi nói, “Hitler nổi tiếng là một người mặc dù cực kỳ độc ác nhưng vẫn nhớ về quê hương và thương nhớ mẹ mình ở quê nhà. Dù sao thì, tôi biết rằng sẽ rất khó có thể hiểu được những người như thế và hiểu được tại sao họ lại làm được những việc nhẫn tâm độc ác như thế. Chúng ta đang nói về những người nhẫn tâm độc ác như thế. Chúng ta đang nói về những người tàn nhẫn tâm độc ác cao độ vẫn hướng về quá khứ, hướng về quê nhà, hướng về thời thơ ấu, hướng về tình thương yêu mà họ đã nhận từ mẹ mình khi họ còn nhỏ. Nhưng còn những người không có được tuổi thơ êm đềm hoặc không có được tình thương của ba mẹ khi họ còn nhỏ thì sao? Những người bị lạm dụng khi họ còn nhỏ? Lúc này đây, chúng ta đang thảo luận về lòng từ bi. Để giúp mọi người phát huy được lòng từ bi, Ngài không nghĩ rằng họ cần phải được nuôi dưỡng bởi cha mẹ hoặc những người chăm sóc có thể cho họ một tình cảm yêu thương nồng ấm sao?”.

“Vâng, tôi nghĩ rằng điều đó quan trọng đấy”, Dalai Lama đáp lời và khéo léo lần tràng hạt của mình, “Có nhiều người, ngay từ vừa chào đời, đã chịu tình trạng thiếu tình yêu thương của mọi người – vì thế, về sau dường như họ không còn cảm xúc của con người, không có khả năng phát huy lòng từ bi và tình cảm yêu thương, những người như thế rất nhẫn tâm và tàn bạo…”. Dalai Lama ngưng lại một lúc như để cân nhắc nghiêm túc về câu hỏi này. Chúng tôi cùng ngồi đó dùng trà trong im lặng. Cuối cùng, Người nhún vai như thể thừa nhận rằng mình không có giải pháp nào khác.

“Vậy thì, Ngài nghĩ rằng những kỹ thuật để phát huy lòng cảm thông và phát huy lòng từ bi sẽ không giúp được gì cho những người có hoàn cảnh khó khăn như thế sao?”, tôi hỏi.

“Những mức độ lợi ích khác nhau mà một người có thể nhận được qua việc rèn luyện những phương pháp và kỹ thuật luôn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh riêng của từng người”, người giải thích, “Đồng thời, cũng có một số trường hợp mà những phương pháp kỹ thuật này chẳng hề đem đến hiệu quả gì cả…”.

Cố gắng tìm hiểu rõ hơn, tôi chen vào “Và những kỹ thuật cụ thể để đạt được lòng từ bi mà Ngài đang đề cập đến là…?”.

“Như những gì chúng ta đang nói. Trước hết, qua việc nghiên cứu, thấu hiểu hoàn toàn giá trị của lòng từ bi – bạn sẽ có được niềm tin vững chắc và quyết tâm cao độ. Sau đó, bạn áp dụng các phương pháp để phát huy lòng từ bi của mình, ví dụ như bạn có thể sử dụng trí tưởng tượng của mình, khả năng sáng tạo của mình để mường tượng chính bản thân mình đang ở vào hoàn cảnh của một người nào đó. Và cuối tuần này chúng ta sẽ nói về những bài luyện tập của Tong – Len, bài luyện tập này sẽ giúp bạn củng cố thêm lòng từ bi của mình. Nhưng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là bạn phải nhớ rằng những kỹ thuật này, ví dụ như những bài luyện tập của người càng tốt, ít nhất cũng giúp được một phần dân số trên thế giới. Nhưng bạn đừng bao giờ mong đợi rằng những kỹ thuật này sẽ giúp được tất cả mọi người hay toàn bộ dân số loài người”.

Lợi ích của lòng từ bi

Trong những năm gần đây, đã có nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy rằng việc phát triển lòng từ bi, lòng yêu thương vị tha sẽ tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta. Ví dụ, trong cuộc sống thử nghiệm nổi tiếng, David McClelland, một nhà tâm lý học của trường đại học Harward, đã trình chiếu cho một nhóm học sinh viên xem bộ phim mang tựa đề ‘Mẹ Teresa’. Các sinh viên này phản hồi lại rằng bộ phim đã kích động cảm xúc yêu thương trong lòng họ. Sau đó, ông phân tích các mẫu nước bọt của các sinh viên này và phát hiện ra rằng nồng độ globulin miễn dịch trong nước bọt của họ tăng cao, kháng thể này giúp cơ thể chúng ta chống lại các chứng nhiễm trùng đường hô hấp. Trong một cuộc nghiên cứu khác được tiến hành bởi James House thuộc trường đại học Michigan, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc thường xuyên tình nguyện xung phong, tác động qua lại với mọi người trong tình yêu thương nồng ấm sẽ làm tăng tuổi thọ của con người và có lẽ cũng làm cho con người có thêm sức sống. Nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực mới về y học tinh thần – thể xác cũng đã chứng minh được kết quả tương tự, họ báo cáo lại rằng trạng thái sức khỏe tích cực của tinh thần có thể cải thiện được trạng thái sức khỏe thể chất.

Ngoài tác động tích cực lên sức khỏe thể xác, còn có nhiều bằng chứng cho thấy rằng lòng yêu thương, vị tha chăm sóc mọi người sẽ góp phần giúp chúng ta có được một đời sống tình cảm tốt đẹp. Các cuộc nghiên cứu đã cho thấy rằng việc luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người có thể đem lại cho chúng ta cảm xúc hạnh phúc, một tinh thần điềm tĩnh hơn, ít buồn rầu chán nản hơn. Trong một cuộc nghiên cứu kéo dài suốt 30 năm của trường đại học Harvard, có sự góp phần của nhà nghiên cứu nổi tiếng George Vaillant, đã cho thấy một lối sống vị tha là một yếu tố góp phần tạo nên một đời sống tinh thần tốt đẹp. Một cuộc khảo sát khác được tiến hành bởi Allan Luks, khảo sát trên hàng ngàn người, đây là những người thường xuyên, sẵn lòng tình nguyện giúp đỡ mọi người xung quanh, đã cho thấy rằng hơn 90% trong số những người này nói rằng họ cảm thấy hăng say hơn, tích cực hơn, thanh thản hơn, sống vui hơn… khi tham gia những việc làm như thế. Các bằng chứng khoa học rõ ràng đã và đang ủng hộ Dalai Lama về giá trị thực tiễn của lòng yêu thương từ bi. Chúng ta có thể khám phá mối dây liên hệ giữa sự chăm sóc, yêu thương với niềm hạnh phúc trong cuộc đời của mình hoặc của mọi người xung quanh.

Thiền định về lòng từ bi

Như đã nói trong những buổi thảo luận trước, Dalai Lama nói về đề tài thiền định về lòng từ bi cùng đông đảo công chúng ở Arizona. Đó là một bài tập đơn giản.

“Trong quá trình phát huy lòng từ bi, bạn bắt đầu bằng việc ý thức được rằng bạn không muốn chịu đau khổ và rằng bạn có quyền để được hạnh phúc. Bạn có thể kiểm chứng lại điều này qua những gì bạn đã kinh qua. Sau đó bạn ý thức rằng mọi người, cũng giống như bạn, cũng không muốn chịu đau khổ và họ cũng có quyền được hưởng hạnh phúc. Đây chính là nền tảng cơ bản để bạn phát huy lòng từ bi của mình”.

“Vì vậy… hôm qua chúng ta hãy thiền định về lòng tư bi. Các bạn hãy bắt đầu bằng cách hình dung ra hình ảnh một người đang chịu đau khổ tột cùng, một người nào đó đang chịu đau đớn hoặc đang rơi vào một hoàn cảnh bất hạnh nào đó. Trong ba phút thiền định đầu tiên, bạn hãy chiêm nghiệm về nỗi đau của người đó một cách thấu đáo – hãy suy ngẫm về nỗi đau khổ tột cùng và hoàn cảnh bất hạnh mà người đó đang trải qua. Sau khi suy ngẫm về nỗi đau khổ của người đó vài phút, tiếp theo, bạn hãy cố gắng liên kết mình với hoàn cảnh này, bạn hãy suy nghĩ ‘Người này cũng có cùng một khả năng trải qua đau đớn, vui sướng, hạnh phúc và đau khổ như mình’. Sau đó bạn cố gắng để cho bản năng bẩm sinh của mình được phát huy – bản năng luôn cảm thấy thương cảm với những người đang chịu đau khổ. Và hãy quyết định rằng mình sẽ giúp người đó vượt qua được đau khổ này. Cuối cùng, bạn tập trung hết tâm trí mình vào quyết tâm đó và trong những phút cuối cùng của quá trình thiền định, bạn hãy cố gắng phát huy tâm trí của mình bằng trạng thái cảm thông, yêu thương”.

Khi truyền đạt những lời này, Dalai Lama ngồi xếp bằng, không hề cử động trước tất cả khán thính giả xung quanh. Một sự im lặng đến tuyệt đối. Nhưng có một cái gì đó rất hào hứng khi bạn được tham dự buổi luyện tập thiền định vào sáng hôm đó. Tôi hình dung rằng thậm chí những người nhẫn tâm tàn bạo nhất cũng không thể không có ấn tượng khi được bao quanh bởi hơn 500 người, mỗi người đều đang giữ những suy nghĩ của lòng từ bi trong tâm hồn mình. Sau vài phút, Dalai Lama bắt đầu học những lời kinh tiếng Tây Tạng, giọng của người thật trầm, du dương rồi sau đó chuyển sang giọng điệu an ủi, dỗ dành.

–––––o0o–––––

Trích “Thuật sống trong hạnh phúc”

Tác giả: HH Dalai Lama & Howard Cutler

Biên dịch: Lê Tuyên

Hiệu đính: Lê Gia

NXB Trẻ, 2004

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan