Như mộng, huyễn, bọt, ảnh
Như sương, như điện chớp
Phải nên quán như vậy.
“Thiện nam tử! Nếu các Bồ-tát ngộ được tánh Viên Giác thanh tịnh thì y vào tâm giác thanh tịnh này, chẳng nắm giữ sự huyễn hóa (pháp Quán) và các tướng tĩnh (pháp Chỉ). Rõ biết thân tâm đều là ngăn ngại, còn tánh Giác sáng tỏ không phân biệt thì không bị ngăn ngại, vĩnh viễn siêu vượt khỏi mọi cảnh giới chướng ngại và không chướng ngại. Nó vẫn thọ dụng tướng thân tâm và thế giới ở nơi trần thế (mà không bị ngăn che ràng buộc), như tiếng boong của chuông, tuy ở nơi chuông mà vẫn thoát ra ngoài.
Bấy giờ phiền não cùng Niết-bàn đều chẳng lưu ngại nhau, bên trong phát ra tịch diệt khinh an. Đó là cảnh giới tùy thuận Diệu Giác tịch diệt: thân tâm, mình người, hoàn toàn chẳng có; chúng sanh, thọ mạng đều là ý tưởng hão huyền.
Phương tiện này gọi là Thiền-na (dhyana)”. Chương Biện Âm nói:
“Nếu các Bồ-tát chỉ diệt các huyễn (không quán huyễn), không giữ lấy tác dụng (không tĩnh chỉ), chỉ đoạn trừ phiền não. Phiền não đoạn hết bèn chứng thật tướng. Bồ-tát này gọi là riêng tu Thiền-na”.
Thiền-na hay Thiền dịch từ chữ Dhyana. Chữ Thiền của Thiền tông cũng chính là chữ Dhyana này. Thiền có nghĩa là “tùy thuận”, tương ưng.
Trong pháp môn này, hành giả không theo “tướng tĩnh” (Chỉ), là một đặc tính (tướng) của tánh Giác. Cũng không theo quán huyễn, huyễn là một tướng khác của tánh Giác (Quán). Mà hành giả tùy thuận hay tương ưng trực tiếp với bản tánh của tánh Giác. Tự thân tánh Giác là vừa tịch diệt vừa chiếu soi, nghĩa là vừa Chỉ vừa Quán, vừa Định vừa Huệ. Tương ưng với “tánh Giác sáng tỏ không phân biệt, không bị ngăn ngại, vĩnh viễn siêu vượt khỏi mọi hình tướng ngại hay không ngại”. Nói cách khác, tương ưng với tánh Giác, trong đó vốn không có phiền não, sanh tử, động hay tịnh, tăng hay giảm…
Để có thể thiết lập được sự tương ưng với tánh Giác vốn giải thoát này, tâm phải bớt phiền não do loạn động hay do chấp các tướng là có thật. Khi có được sự tương ưng thật sự rồi (nhất niệm tương ưng), người ta thường trực tương ưng (niệm niệm tương ưng), thường trực an trụ càng lúc càng sâu cho đến lúc hành giả với tánh Giác là một. Càng tương ưng, càng an trụ vào cái chân thật (thật tướng của tất cả các pháp) thì những cái giả huyễn, những phiền não khách trần càng rơi rụng.
Nếu như pháp Chỉ nhắm vào sự tĩnh lặng của tánh Giác (Tịch), pháp Quán nhắm vào sự chiếu soi của tánh Giác (Chiếu), thì Thiền nhắm trực tiếp vào tánh Giác (trực niệm Chân Như), mà tánh Giác thì vừa Tịch vừa Chiếu.
Lục Tổ Huệ Năng chỉ dạy rằng Chỉ (Định) và Quán (Huệ) là một trong Thiền (chương Định Huệ), là một trong tánh Giác:
“Thiện tri thức! Pháp môn đây lấy Định Huệ làm gốc. Đại chúng chớ mê mà nói định huệ là riêng biệt và khác nhau. Định và Huệ là một thể, chẳng phải hai. Định là thể của Huệ, Huệ là dụng của Định. Ngay khi là huệ thì định tại huệ. Ngay khi là định thì huệ tại định. Nếu rõ nghĩa này, tức là Định Huệ bình đẳng mà tu. Các người học đạo, chớ nói trước có định rồi sau phát huệ, trước có huệ rồi mới phát định, mỗi thứ riêng biệt…
“Thiện tri thức! Chân Như tự tánh khởi niệm, sáu căn tuy có thấy nghe chạm biết mà chẳng nhiễm muôn cảnh, chân tánh vẫn thường tự tại. Thế nên Kinh nói: ‘Vẫn thường khéo phân biệt tướng các pháp, mà trụ trong đệ nhất nghĩa (tánh Giác) nên chẳng động’”.
Tìm sự tương đương của Thiền ở một Kinh khác, như Kinh Kim Cương, chúng ta thấy:
“Tất cả các pháp là Phật pháp”, “Như Lai là nghĩa Như của tất cả các pháp”…Thiền là trực tiếp thấy và thâm nhập sự thật của giác ngộ là “tướng tức là tánh”, “tánh tướng bất nhị”, “tất cả sóng là nước”, “tất cả bóng là gương”…
Tóm lại, Chỉ là lìa các tướng và tưởng để đi sâu vào tánh Không. Quán là thấy các tướng và tưởng là như huyễn để tánh Không hiễn lộ. Chỉ Quán song tu là ngay nơi tướng và tưởng mà thấy tánh Không của tất cả các tướng và tưởng.
Ba pháp ấy, hoặc một hoặc hai hoặc ba, chuyển đổi lẫn nhau theo thứ tự trước sau tạo thành 25 pháp tu của Kinh Viên Giác. Mỗi người chúng ta cần tùy theo khuynh hướng của mình mà thực hành, tốt nhất là có sự chỉ dạy của những vị thầy có kinh nghiệm.
Cần thiết là phải thực hành thường xuyên liên tục, để càng lúc càng đi sâu vào tánh Giác bổn lai diện mục của mình (Chỉ), càng lúc càng thoát khỏi những hình tướng như huyễn do thức tạo (Quán), càng lúc càng tương ưng tùy thuận tánh Giác (Thiền) để tánh Giác càng ngày càng hiển lộ, hiện tiền.
Càng thực hành thường xuyên chúng ta càng tiến gần đến cái đời sống “chẳng phải huyễn, bất tử”, cái đời sống đích thật dành cho mỗi số phận chúng ta. Và chúng ta sẽ tìm ra ý nghĩa của đời sống đích thật, ý nghĩa ấy kinh Đại Bát Niết Bàn gọi là Chân Thường, Chân Lạc, Chân Ngã, Chân Tịnh.
-------o0o-------
Tác giả: Nguyễn Thế Đăng
Trích: Con Người Toàn Diện Hạnh Phúc Toàn Diện.
NXB: Từ Điển Bách Khoa, Thaihabooks.
Ảnh: Nguồn Internet.