KARMAPA CHODRAG GYALTSHO (1454 - 1506) - CUỘC ĐỜI SIÊU VIỆT CỦA 16 VỊ TỔ KARMAPA TÂY TẠNG

KARMAPA CHODRAG GYALTSHO (1454 - 1506)

CUỘC ĐỜI SIÊU VIỆT CỦA 16 VỊ TỔ KARMAPA TÂY TẠNG

-------o0o-------

“Không có gì trong thế giới, ngoài Tánh Không. Người ta có thể nghĩ có một bản chất, nhưng họ đã sai lầm. Với tôi, không có sanh cũng không có diệt.”
KARMAPA CHODRAG GYALTSHO (1454 - 1506) - CUỘC ĐỜI SIÊU VIỆT CỦA 16 VỊ TỔ KARMAPA TÂY TẠNG
  

Tháng giêng năm 1454 hậu thân Karmapa thứ bảy, CHODRAG GYALTSHO, sanh ra tại miền nam Tây Tạng. Cha ngài là Drakpa Paldrup và mẹ là Lhamo Kyi. Ngay khi còn bé, ngài đã được xem là hậu thân của một vị Thầy tâm linh. Mới một tuổi, ngài đã biểu lộ một sự phát triển sớm dị thường, làm người ta càng tin thêm điều ấy. Một hôm, ngài tự nhiên thốt lên các chữ Ah, Hum và tuyên bố : “Không có gì trong thế giới, ngoài Tánh Không. Người ta có thể nghĩ có một bản chất, nhưng họ đã sai lầm. Với tôi, không có sanh cũng không có diệt.”

Đứa bé được đưa đến trại của Gyaltshap Paljor Dondrup, vị nắm quyền tông phái. Gyaltshap Rinpoche nhận đứa bé là hậu thân mới của Karmapa và làm lễ đăng quang cho em. Người ta nói trong dịp này, em bé nói : “Tôi là Vajradhara."

Đứa bé ở lại với Gyaltshap Rinpoche và năm 1458 lúc bốn tuổi, đi một vòng nam Tây Tạng. Như trường hợp của các Karmapa, tính cách tâm linh tự nhiên của ngài biểu lộ qua các linh kiến. Sự chững chạc bẩm sinh và phong cách của đứa trẻ truyền thông cho bất kỳ ai tiếp xúc với nó.

Khi lều trại tu viện chuyển qua các vùng phía nam Tây Tạng, ngài dùng ảnh hưởng của mình để chấm dứt cuộc chiến giữa hai bộ tộc Naga và Bhutan. Ngài cũng dàn xếp để trả tự do cho các tù nhân vì chính trị và các cuộc xung đột. Vị Karmapa trẻ tuổi ăn chay và khuyến dụ nhiều người bỏ nghề lưới cá và săn bắn. Ngài bảo vệ gia súc, trâu bò và cừu và làm những dấu hiệu bằng những dải băng để chỉ vùng chúng không thể bị bắt giết. Một khía cạnh khác trong công tác phúc lợi và xã hội là bãi bỏ thuế qua cầu và xây dựng những chiếc cầu bằng sắt.

Từ nam Tây Tạng, trại di chuyển dần về vùng Kham. Ở tu viện Karma, Gyaltshap Rinpoche thọ ngũ giới và Bồ tát giới cho Karmapa mới tám tuổi. Ngài tiếp tục học ở đấy và được thọ giới Sa di với Lạt ma Jampal Zangpo, vị chưởng môn và là đệ tử của Karmapa đời trước. Sự học tập của ngài trong thời gian này nhắm vào Luật tạng, tổng quát lẫn chi tiết. Các vị thầy khác là Situ Rinpoche, Tashi Namgyal từ họ mà ngài nhận được nhiều lời dạy truyền khẩu của phái Kamtshang.

Năm 1465, ngài rời khỏi tu viện Karma và du hành đến biên giới đông bắc Tây Tạng. Ở đó ngài chấm dứt mối thù hận giữa người theo Phật giáo và người theo đạo Bon ở địa phương. Để phụ họa vào không khí chính trị này, ngài loan báo thông điệp căn bản của Phật giáo cho dân địa phương. Bất kỳ vật cúng dường nào nhận được, ngài đều cho lại người nghèo và các chùa.

Đồng thời với việc lợi lạc cho người khác, ngài tiếp tục sự tu hành riêng. Một trong những pháp môn ý nghĩa nhất trong đời ngài là Chod, từ dòng phái của nữ Yogi nổi tiếng là Machig Lab Dronma. Khi vào thiền định này, ngài thật sự thấy bộ xương của mình.

Chodrag Gyaltsho là một học giả hoàn hảo dầu còn nhỏ, Ở chùa Rawa Gang, ngài thảo luận với năm học giả cao cấp. Trong các cuộc thảo luận này, Karmapa đã sửa sai những chỗ không vững vàng trong quan điểm triết học của họ. Ở tu viện Surmang của các Tulku Trungpa, Chodrag Gyalsho viết vài cuốn sách liên quan đến những phương diện khác nhau của giáo pháp.

Năm 1471, mười bảy tuổi, Karmapa thứ bảy du hành với trại của mình đến Kawa Karpo, chốn hành hương thờ Cakrasamvara. Ngài đi vào một cuộc thiền định mạnh mẽ trong bảy năm ở đó để hoàn thành việc tu tập.

Cũng như các hóa thân Karmapa khác, ngài có một mối liên hệ tự nhiên với Guru Padmasambhava. Trong một phương diện nào đó, Lạt ma Karmapa có thể được xem là hóa thân của Padmasambhava. Trở về chùa Karma Gon sau một cuộc ẩn tu dài, ngài có một linh kiến về Guru Padma bao quanh bởi các hóa thần của phái Nyingma, Phật Thích Ca và các Lạt ma phái Kagyu. Karmapa được thị kiến này nhắc nhở phải kiếm tìm các thung lũng kín đáo có thể an toàn suốt cuộc xung đột sắp đến mà ngài thấy trước là không thể tránh.

Sau đó, ngài thăm lại miền nam Tây Tạng, sửa sang vài ngôi chùa và cải thiện sinh hoạt của chúng. Thế rồi ngài đi Tsurphu, tu viện chính, sửa sang ở đó một tượng đức Thích Ca thật lớn do Karma Pakshi tạo. Ngài biến việc học pháp thành một ưu tiên quan trọng, với quan điểm ấy ngài thiết lập một Phật học viện lớn ở Tsurphu, trở nên nổi tiếng.

Karmapa được mời đến triều đình của Tashi Thargye, vị nắm quyền chính trị và tôn giáo của một tỉnh nam Tây Tạng. Ngài ban cho một loạt những giáo lý Kagyu ở đó và để đáp lễ, Tashi Thargye dâng hết tỉnh lỵ, tài sản, nhà cửa và chùa chiền, gồm cả chùa của riêng mình là chùa Chkhor Lhunpo cho Karmapa. Ở triều đình của Tashi Thargye, ngài gặp vị Karma Thinleypa thứ nhất là Cholay Namgyal.

Karma Thinleypa xin Karmapa, người mà ông xem như hóa thân của Phật Thích Ca, về những giáo lý bí mật của phái Kagyu. Ngài trả lời : “Nếu ông hứa nắm giữ dòng phái của tôi, tôi sẽ trao các giáo pháp cho ông.” Trong năm tháng tiếp, Karma Thinleypa nghiên cứu và thực hành Sáu Yoga của Naropa và Đại Ấn cho đến khi mật nghĩa của các giáo pháp này nảy sanh nơi ông. Ngài bèn lập đệ tử mình làm trụ trì chùa Chokhor Lhunpo, ở đó ngài cũng lập một Phật học viện.

Phật học viện cung cấp một khóa trình đầy đủ về triết học, tâm lý học, nghi lễ và giới luật. Có ba bậc học để tốt nghiệp. Học viện này dưới sự điều khiển của Karma Thinleypa đã giữ vai trò trọng yếu trong sự truyền bá Phật pháp.

Danh tiếng của Ngài vang đến Ấn Độ và cả Trung Hoa. Ngài nhận quà tặng của vị trụ trì chùa Bồ Đề đạo tràng. Vài học giả nổi tiếng của Ấn, gồm Rahula Kilaya và Sila Sagara đến diện kiến ngài. Hoàng đế Trung Hoa gởi một lời mời thăm viếng. Tuy nhiên, ngài không thể đi trong thời gian này.

Năm 1498, ngài đi vòng xứ Kongpo, ở đó ngài tìm thấy một chỗ ẩn tu và nhận ra vị tulku Situ thứ ba là Tashi Paljor. Sau đó, ngài trở về Lhasa chủ tọa một hội nghị tôn giáo. Ngài được tiếp đón bởi các vị sư của chùa Drepung và Gaden của phái Gelugpa. Ở Rinpung, Karmapa dạy nhiều vị sư trong đó có đại pháp sư Sakya Chokden. Bài dạy của ngài bao gồm các kinh, luận của Vô Trước và Long Thọ. Học vấn rộng của ngài được nhiều thành viên của mọi truyền thống tâm linh khác nhau công nhận.

Đức Karmapa thứ bảy là một tác giả sáng tác nhiều, ngài đã viết nhiều sách về Luật, triết lý Trung Quán và Tantra. Thư ký của ngài là Dakpo Rabjampa Chogyal Tenpa, kể rằng khi ngài viết một cuốn sách về nhân minh luận là Rigjung Jatso, một giải thích về bảy cuốn sách nhân minh luận của Dignaga (Trần Na) và Dharmakirti (Pháp Xứng) ngài đọc nó ra mà không cần tra cứu. Ngài trông cậy vào trí nhớ cho những biện luận và trích dẫn từ kinh điển và các chủ giải. Dòng tư tưởng của ngài không thể bị cắt đứt. Nếu đang đọc mà bị ngắt, ngài có thể tóm tắt lại về sau đúng vào chỗ mà ngài đã ngưng. Đôi khi thư ký muốn hỏi sự giải thích một điểm khó hiểu, ngài gạt qua một bên câu hỏi và sớm trở lại tiến trình đọc một cách tự nhiên. Thỉnh thoảng, ngài phải nói thêm : “Con phải tin điều bậc guru của con nói ra. Giải thích rồi sẽ có về sau.”

Karmapa rất khổ hạnh và giản dị trong lối sống. Ngay khi đi du hành, ngài yên lặng và tỉnh thức. Đôi khi ngài ra khỏi sự im lặng ẩn dật này để tiếp khách, nhưng khi làm thế, ngài không bao giờ dung thứ cho những chuyện tầm phào thế tục. Ngược với tính cách khổ hạnh riêng của ngài, lều tu trang hoàng phong phú và rực rỡ. Lều đặt ngai có một mái bằng vàng và trang hoàng bằng các thánh tích quý nhất, trên đó treo mười ba cây dù lộng lẫy. Ngai của ngài phủ bằng ngọc trai, phía sau là một tấm gương gắn ngọc trai.

Năm năm mươi hai tuổi, Karmapa dự cảm về cái chết của ngài. Ngài khuyên bảo dân Krongpo thực hành pháp và rút vào ẩn cư. Có nhiều người đến mong diện kiến ngài đến nỗi ngài phải ra khỏi sự ẩn cư, lên ngồi trên ngai trong lều. Ngài xuất hiện với dân chúng trong hình thức của Báo thân. Lúc ấy, ngài giao quyền kế thế cho Situ Rinpoche và chỉ ra rằng kiếp tới ngài sẽ sanh ra ở xứ Kham và cho biết tên cha mẹ tương lai của ngài. Sáng hôm sau, ngài ra đi trong thiền định.

Tài sản của ngài được chia cho các chùa Kagyu. Xác thân ngài được đưa tới Tsurphu và được hỏa táng. Xá lợi được đặt trong một cái tháp.

Các đệ tử của vị Karmapa thứ bảy rất nhiều, trong đó có Gyaltshap Tulku, Lạt ma Tashi Namgyal, Rinpoche Shamar thứ tư, Lạt ma Sangye Nyenpa, Sakya Choden, Karma Thin- leypa, Karma Kachodpa, nhà luân lý Wangchuk Gyalsten, Sakya Wangchuk và Terton phái Nyingma là Samten Lingpa.

-------o0o-------

Tác giả: KARMAPA THINLEY.

Trích: CUỘC ĐỜI SIÊU VIỆT CỦA 16 VỊ TỔ KARMAPA TÂY TẠNG.

NXB: Thiện Tri Thức.

Ảnh: Nguồn Internet.

  

Bài viết liên quan