KHẾ HỢP TƯƠNG ĐỐI VÀ TUYỆT ĐỐI - Thiền Sư Taizan Maezumi (1931 - 1995)

KHẾ HỢP TƯƠNG ĐỐI VÀ TUYỆT ĐỐI

Thiền Sư Taizan Maezumi (1931 - 1995)

-----o0o-----

Để có thể tiếp nhận chính mình trong đời sống thường ngày thì bạn hãy yêu thích cách sống của chính mình, phải thường xuyên khế hợp với chính mình. Phương pháp quán chiếu chính mình hay nhất đó là quán chiếu vạn sự vạn vật. Tôi tin chỉ cần được như thế thì đời sống của bạn sẽ thuận lợi tất cả. Tôi hy vọng mọi người trong quý vị đều là người thật sự mật khế. Dưới...
KHẾ HỢP TƯƠNG ĐỐI VÀ TUYỆT ĐỐI - Thiền Sư Taizan Maezumi (1931 - 1995)

Thạch Đầu Hy Thiên (700~790) là thiền sư Trung Hoa thế kỷ thứ 8. Tác phẩm “Tham đồng khế” do Ngài viết là biểu đạt sự phù hợp giữa tương đối và tuyệt đối. Mở đầu “Tham đồng khế” nói rằng:

Tâm Đại Tiên Tây Trúc,

Mật truyền Đông và Tây.

Căn tính có bén, lụt;

Đạo không Tổ Bắc, Nam.

Ý nghĩa trong một chữ “khế” này không những chỉ rằng hai cái gì đó thực ra là một, mà còn chỉ cho sự hoạt động của cả hai hợp thành một. Cái này và cái kia, cả hai cùng hoạt động hỗ tương nhau, nhưng lại kết hợp thành Nhất thể. Hợp nhất là một loại hoạt động “mật khế”.

Câu đầu nói rằng “Tâm Đại Tiên Tây Trúc, mật truyền Đông và Tây”. Trong bản dịch tiếng Anh, chúng ta dùng chữ “conveyed” (truyền), nhưng chữ này trong nguyên bản của Hy Thiên lại là “mật” (intimacy). Tâm Phật là ngay đây, là “mật” chứ không phải “truyền”. Sinh mệnh tràn trề sức sống này mật khế ngay đây, mật khế với bạn! Mật khế rõ ràng ngày của Phật được nhiều đời, nhiều thế hệ chư Tổ theo đó truyền nhau.

Vậy thì, tương đối và tuyệt đối là gì? Thạch Đầu Hy Thiên lại nói:

Sự lưu, như hộp đậy;

Lý như mũi tên ghim.

Thế nào là bình thường và tuyệt đối? Đời sống bình thường của chúng ta là phần hiện tượng, phần tương đối. Tuyệt đối là “tính” căn bản mà mắt thường không thể thấy. “Tuyệt đối” có khi được dịch là “lý” (principle) hay “bản tính” (essential nature).

Trong nguyên bản của Hy Thiên, ý câu này là do vì có sự tồn tại của những sự vật tương đối, cho nên cái hộp và cái nắp mới có thể khớp nhau. Tuyệt đối khớp với tương đối, giống như hai mũi tên gặp nhau trên không trung. Có sự tồn tại tương đối, thì tuyệt đối sẽ khớp với tương đối giống như cái hộp khớp với cái nắp. Điều này giống như hai mũi tên gặp nhau trên không trung. Đời sống bình thường không khác biệt với bản tính – Phật tính.

Hai mũi tên gặp nhau trên không trung cũng biểu thị “mật khế”. Hai mũi tên làm sao có thể gặp nhau trên không trung được? Hầu như là không thể. Nhưng đây là một ví dụ rất thực tế.

Ở Nhật Bản, có một cuốn sách viết về năm 2000, nội dung trước hết là nói đến việc hai mũi tên gặp nhau trên không trung.

Câu chuyện thế này: Có hai thầy trò Hier và Kisho đều là người bắn cung. Kisho cần mẫn luyện tập kỹ thuật bắn tên, và kỹ thuật của anh càng ngày càng thuần thục. Sau cùng, anh bắt đầu cho rằng mình là người bắn cung lợi hại nhất. Anh nghĩ nếu không có sư phụ thì mình chính là người bắn cung hay nhất trong thiên hạ, thế là một hôm, anh ta mưu toan sát hại sư phụ.

Hai thầy trò hẹn gặp nhau trên một cánh đồng, bốn bề vắng vẻ. Kisho giương cung hướng về phía sư phụ bắn, Hier cũng hướng về phía anh ta bắn trả. Hai mũi tên gặp nhau trên không trung rồi rơi xuống đất. Kisho bắn tiếp và mũi tên của anh ta lại bị sư phụ đánh rớt. Anh lại bắn nhưng kết quả vẫn vậy. Chỉ vì anh ta có đến bốn mũi tên, nhưng sư phụ chỉ có ba mũi tên, vậy nên anh ta tiếp tụ bắn. Lần này, chỉ thấy Hier từ trong lùm cây ven đường nhặt lên một cành cây, rồi dùng gai nhọn trên cành cây ấy để hạ gục mũi tên của Kisho.

Có lẽ các bạn sẽ cho rằng đây là điều không thể. Nhưng các bạn có thể xem nó như là một ví dụ để nhìn về cuộc đời hay không?

Bản tính của mỗi cá nhân chúng ta, Phật tính mỗi người và tất cả các loại biểu tượng trong cuộc đời là không hai. Chủ thể và khách thể đều là Nhất thể. Chính bạn là một cá nhân, cái được gọi là Chân ngã của bạn và cái Ngã bề ngoài là không khác nhau. Chân ngã không khác gì cái Ngã trong đời sống hằng ngày, tất cả nhân tố hoàn cảnh không tách rời với Chân ngã này. Điều quan trọng ở chỗ chúng ta làm sao thấy được? Và ở chỗ chúng ta có thấy được trong đó là Nhất thể hay không?

Chỉ nhìn thấy vẫn chưa đủ. Chúng ta nhất định phải hỏi: Vì sao hoạt động trong đời sống hằng ngày chính là biểu hiện sinh mệnh của vạn sự vạn vật? Tại sao hai mũi tên này gặp nhau? Nếu chúng ta nói điều đó là không thể, thì chúng ta cũng có thể nói mỗi người đều không thể tương ngộ với tất cả hiện tượng bên ngoài thành Nhất thể ở ngay đây, tại chỗ này được. Do đó, hai mũi tên này vì sao gặp nhau? Hay là nói rằng phải sống như thế nào mới có thể làm cho sinh mệnh này khế hợp với tất cả hiện tượng bên ngoài thành đời sống của bạn? Bạn không thể dựa vào phương án nào cả, đã biết phương pháp nào rồi thì hãy thực hành đi, vì một khi bạn áp dụng theo phương pháp này thì vĩnh viễn đều sẽ đụng đến cái Ngã, Ngã, Ngã ấy thôi.

“Mật khế” không đâu khác, đó là tự mình thể chứng sự hoàn chỉnh mà chính mình đã có; “thể tính” của bạn không đâu khác, đó là chính bạn. Trong đời sống của bạn, hai mũi tên này từ lâu đã gặp nhau trên không trung rồi. Chính trong suy nghĩ của bạn không phải là bạn thực sự, mà sinh mệnh Pháp, sinh mệnh Phật mới là bạn. “Truyền” chính là thể chứng sự thật này. “Truyền” gì? Ai truyền cho ai? Không ai có thể truyền cái gì cho bạn cả, tự tính chân thật của bạn đương nhiên càng không thể. Đó là “mật khế”. Quý vị hiểu chứ?

Trong “Truyền đăng lục” có một Công án bàn về “mật khế”. Tổ thứ 42 – Lương Sơn Duyên Quán (920~990) theo hầu thầy mình là thiền sư Đồng An. Đồng An hỏi: “Dưới áo dài là vật gì?” Nói cách khác, câu hỏi này chỉ hỏi: “Ông là ai?” Nhưng Lương Sơn không trả lời được. Đồng An nói: “Học Phật đạo mà chưa đến nơi, thực sự rất khổ. Ông hãy hỏi đi”. Thế là Lương Sơn liền hỏi: “Dưới áo dài là vật gì?” Đồng An trả lời: “Mật khế”. Lương Sơn nghe câu ấy liền đại ngộ.

Giao phó mình cho Tam bảo cũng là mật khế. Điều tôi nói hoàn toàn không phải là đạo lý gì ghê gớm. Kết hợp với Phật, kết hợp với Pháp, kết hợp với Tăng. Mũi tên Phật và mũi tên Pháp gặp nhau, mũi tên Tăng cũng sẽ gặp nhau. Gặp nhau ở chỗ nào? Ở ngay đây, chỗ này. Hiển bày thành đời sống chúng ta, hiển bày thành đời sống của tôi! “Ngay đây” chính là chỗ hai mũi tê gặp nhau! Phật chính là tuyệt đối ấy, Đạo vô thượng chính là tuyệt đối ấy. Do đó, chúng ta nói nó là tôi thì nó chính là tôi. Nói nó là khởi nguyên kỳ diệu thì nó chính là khởi nguyên kỳ diệu. Tất cả sáng – tối, trong – đục, hiện – mất, v.v.. đều là pháp.

Phải khế hợp với sự thật “mình và người không khác nhau”. Như thế, vạn sự vạn vật đều là Không, có chăng chỉ là bạn. Không có sự so sánh nào khế hợp với ta hơn sự vật trong vũ trụ này. Đây chính là giáo pháp của chư Phật, là Bản lai diện mục của bạn. Đời sống của bạn và Phật không tách rời nhau.

Hai mũi tên gặp nhau trên không trung đương nhiên là một tỷ dụ. Đã là tỷ dụ thì không thể nào bao hàm từng khía cạnh được. Tỷ dụ này chỉ là để giải thích sự thật “thống nhất” chính xác này. Vì thế, phải tiếp nhận chính mình trong đời sống thường ngày, tiếp nhận chính mình là tuyệt đối, là bản nguyên, tiếp nhận sinh mệnh chính mình – dù mình là nam hay nữ, già hay trẻ, thông minh hay ngu muội. Tuyệt đối và tương đối hợp nhất đã là sự thật, thì mỗi chúng ta tự nhiên tương đồng mà lại bất đồng; mỗi người đều có chức năng và vị trí đặc biệt của chính mình. Dù bạn cho rằng hai mũi tên gặp nhau trên không trung là dễ hay khó, cũng đều phải xem như đó là sinh mệnh mình dễ thấy hay khó thấy.

Hãy thực sự tin tưởng chính mình. Chính bạn là Phật đạo. Phải hợp nhất với Phật đạo, đừng nghĩ rằng ý kiến, phán đoán, quan niệm của bạn khác với chính bạn; không được cho rằng bạn có sự khác biệt với cách nhìn của bạn đối với đời sống. Nếu là như vậy thì hai mũi tên đã tách ra rồi. Nếu nói rằng trong đó có cái gì khó, thì đó chỉ là làm thế nào mới có thể hợp thành một với chính mình.

Hai mũi tên gặp nhau tức là tâm Phật và tâm bình thường hợp thành một. Đời sống bình thường từ khởi thủy vốn là sự khế hợp; điều không may là về sau, đời sống bình thường của chúng ta lại là đời sống tách rời, tách biệt với đời sống Khai ngộ. Do đó, sự hợp nhất mà chúng ta nói đó là sự hợp nhất của Đại ngã và Tiểu ngã, hoặc là sự hợp nhất của Đại ngã với tất cả những cái khác; tất cả những cái khác này không hẳn là con người. Làm thế nào mới có thể khế hợp Đại ngã thành một với thế giới hiện tượng? Sự thật này chúng ta đã được truyền lại lâu rồi, quán chiếu sự thật này ra sao đó là trách nhiệm của bạn.

Để có thể tiếp nhận chính mình trong đời sống thường ngày thì bạn hãy yêu thích cách sống của chính mình, phải thường xuyên khế hợp với chính mình. Phương pháp quán chiếu chính mình hay nhất đó là quán chiếu vạn sự vạn vật. Tôi tin chỉ cần được như thế thì đời sống của bạn sẽ thuận lợi tất cả. Tôi hy vọng mọi người trong quý vị đều là người thật sự mật khế. Dưới áo dài và ngoài áo dài là cùng một người. Trong áo dài và ngoài áo dài là Nhất thể, không có phân biệt. Xin quý vị hãy quán chiếu thấu đáo cuộc đời này, hãy thỏa sức tận hưởng chính bạn!

-----o0o-----

Trích “Chỉ Quản Đả Tọa - Cùng Tu Thiền Với Đức Phật”

Việt dịch: Diệu Hạnh

NXB Hồng Đức, 2014

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan