KHIÊM NHƯỜNG - PIERO FERRUCCI – GIÁ TRỊ CỦA SỰ TỬ TẾ

KHIÊM NHƯỜNG

PIERO FERRUCCI – GIÁ TRỊ CỦA SỰ TỬ TẾ

---o0o---

Hãy nghĩ về một người sống trên đời mà không biết khả năng và giới hạn của mình – một kẻ tự huyễn hoặc bản thân, mơ tưởng rằng mình có quyền lực, tiền bạc, và được hết thảy ngưỡng mộ vì một mớ tài năng mà gã không hề có. Kẻ ấy hoàn toàn không biết tự lượng sức mình.
KHIÊM NHƯỜNG - PIERO FERRUCCI – GIÁ TRỊ CỦA SỰ TỬ TẾ

Ở đây không có chỉ mình bạn đâu

        Có một lời khuyên mà ta nên ghi tâm “biết điểm mạnh của mình là gì.”

        Hãy nghĩ về một người sống trên đời mà không biết khả năng và giới hạn của mình – một kẻ tự huyễn hoặc bản thân, mơ tưởng rằng mình có quyền lực, tiền bạc, và được hết thảy ngưỡng mộ vì một mớ tài năng mà gã không hề có. Kẻ ấy hoàn toàn không biết tự lượng sức mình. Mang hành trang với những ý tưởng lệch lạc, gã bước vào đấu trường vĩ đại của thế giới sẵn sàng tranh đấu và giành thắng lợi. Ta chỉ có thể rùng mình khi nghĩ về số phận của gã. Gã như cậu bé con nghĩ rằng mình có thể đi vạn dặm, nhưng mới được vài trăm mét đã than mệt rồi.

        Biết điểm yếu của mình và chấp nhận chúng, dù có khó khăn thế nào. Biết thành thực. Biết đánh đuổi những ảo vọng và nhận ra hiểu biết của mình còn nhỏ bé làm sao. Biết trân trọng những bài học của cuộc sống. Đó chính là khiêm nhường. Và khiêm nhường là một thế mạnh tuyệt vời.

        Vị Hoàng Đế Cuối Cùng, một bộ phim của đạo diễn Bernardo Bertolucci, kể câu chuyện có thật về một vị Hoàng đế Trung Hoa lớn lên trong cung điện nguy nga, có người hầu kẻ hạ và được tôn vinh như chúa tể của vũ trụ. Ngài sống tách biệt với thế giới xung quanh, cô độc và hiểu biết nông cạn, trong cung điện lộng lẫy của mình. Nhưng những cuộc cách mạng lớn nổ ra trong xã hội Trung Hoa đã đặt dấu chấm hết cho lối sống xa hoa này. Tại điểm cao trào của câu chuyện, khi vị hoàng đế phải tháo chạy, ngài bị buộc phải nhận ra rằng ngài không phải đấng cao siêu mà chỉ là con người; chẳng phải bậc đế vương mà bình đẳng như ai. Thứ đế chế đã cô lập ngài với thế giới xung quanh, khiến ngài ngộ nhận mình là thần thánh, ru ngài bằng những ảo mộng đã sụp đổ. Vị hoàng đế hiểu ra ngài cũng là con người bằng da bằng thịt, cũng biết đau và có thể gặp nghịch cảnh. Bằng sự khiêm nhường, ngài tìm ra con người đích thực của mình. Và sự giác ngộ ấy, dù có đau đớn ra sao, cũng không phải thất bại, mà là một chiến thắng không ngờ tới.

        Khi biết được giới hạn của bản thân, bạn đã sẵn sàng để bắt đầu lại lần nữa. Một vị thiền sư từng nói trong tâm trí của kẻ mới bắt đầu có vô vàn những khả năng khác nhau, còn trong tâm trí của người dày dạn chỉ có một ít. Để vững dạ, ta luôn tạo ấn tượng tốt khi đã dày dạn, ta ít khi mạo hiểm, ta tự che chắn mình bằng danh tiếng bản thân, và ta cảm thấy an tâm. Nhưng ta chẳng học thêm được gì, bởi ta nghĩ mình đã biết hết ráo. Ngược lại, người mới bắt đầu luôn chịu khó tìm tòi, và dám đặt những câu hỏi ngây ngô, thậm chí có phần tối nghĩa.

        Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng nếu bạn muốn việc học có hiệu quả tốt nhất, bạn cần phải biết khiêm nhường. Những sinh viên khiêm nhường nhất, nghĩ rằng hiểu biết của mình thật kém cỏi, thường thực hiện nhiều bài kiểm tra và nghiên cứu hơn khi được giao một vấn đề, và chứng tỏ mình làm việc hiệu quả hơn những sinh viên cho rằng họ đã biết trước đáp án. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Một sinh viên đánh giá quá cao hiểu biết của mình sẽ không đậu bài kiểm tra, cũng như một vận động viên coi thường đối thủ sẽ bị đánh bại. Khiêm nhường nghĩa là làm việc chăm chỉ và có sự chuẩn bị tốt hơn.

        Vậy đức tính này liên hệ mật thiết tới việc học và làm mới bản thân. Trong cuộc sống, thường tới một thời điểm mà thay vì tiếp tục trau dồi kiến thức, ta lại muốn có những kế hoạch an toàn và dễ đoán trước. Ta muốn được coi như một người thầy chứ không phải một cậu học trò luôn nhún nhường. Và thế là ta đóng sập cánh cửa lại với hiện tại; ta chấp nhận cuộc sống vốn có và ngưng đặt câu hỏi, ngưng thừa nhận rằng những gì ta biết có lẽ đã không còn đúng nữa, rằng những hành trang văn hóa ta mang theo đã bắt đầu lỗi thời. Trong an nhàn, ta từ bỏ gánh nặng của sự hoài nghi và tìm tòi. Trong trường hợp đáng báo động, ta trở thành những thây ma. Thật đáng tiếc làm sao khi ta hoàn toàn có thể làm khác đi. Có một bức tranh khắc của Goya thể hiện một ông lão hom hem, phía dưới để hai chữ Aun aprendo, nghĩa là “Tôi vẫn còn học hỏi”. Đó chính là thể hiện rõ nhất sức sống mãnh liệt của tri thức. Đó là sự khiêm nhường.

        Tương tự như trong các mối quan hệ, ta có thể hoặc loại bỏ giả định rằng những người khác có thể dạy cho ta một điều gì đó mới mẻ, hoặc nhận ra rằng tất cả những người xung quanh ta, với kinh nghiệm, cảm xúc, ý tưởng, hoài bão và lý tưởng của họ, có thể làm giàu thêm vốn sống của ta – chỉ cần ta để ý và lắng nghe. Ta cần sự dũng cảm khi tự hỏi: Ta có thể học hỏi được gì từ con người này? Aun aprendo…

        Vậy nên để khiêm nhường có đôi lúc rất khó khăn, thậm chí đau đớn. Tuy nhiên lúc nào nó cũng đem lại ích lợi cho ta. Món quà của sự khiêm nhường được trao vào tay ta trong những thời khắc gian nan nhất. Ta thường nhún nhường hơn sau mỗi thất bại. Ta hiểu rằng ta không sáng suốt hay mạnh mẽ như mình tưởng. Ta nhận ra phần người trong mình: rất dễ gục ngã và tổn thương. Nếu ta cố gắng không để cảm xúc nhấn chìm sau mỗi thất bại dù lớn hay nhỏ, nó sẽ chỉ cho ta thấy có thể và không thể làm được gì. Nếu chỉ biết mùi thành công, ta sẽ gặp rắc rối. Khi ấy ta đã đánh mất thước đo của mình rồi.

        Ta ít khi phô trương nếu nhận thức được điểm mạnh và yếu của bản thân là gì. Ngược lại, có nhiều người rất khéo khua môi múa mép nhưng trong lòng lại tự ti về khả năng của mình. Họ không ngừng muốn chứng tỏ ta đây giỏi giang như thế nào. Không cam lòng chấp nhận những gì mình có, họ phải tài cán hơn người khác cho bằng được, và đó trở thành lẽ sống của họ. Bởi cứ luôn ganh đua với người khác, họ chẳng còn lại mấy sức lực để làm những điều thực sự có ích: học hỏi và tạo ra giá trị, giao tiếp với những người xung quanh, cởi mở đón nhận thế giới tràn đầy những cơ hội thú vị.

        Một nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng người càng có tính ganh đua nhiều càng khó tiếp thu và học tập không hiệu quả, đồng thời cũng kém sáng tạo hơn bởi sự lo lắng tạo ra từ việc ganh đua khiến ta không tập trung được vào công việc trước mắt. Khiêm nhường hoàn toàn đối lập với điều này. Một người khiêm tốn không cần phải thắng cuộc để biến sự tồn tại của mình trở nên có ý nghĩa. Anh ta thừa hiểu rằng ngoài kia còn nhiều người giỏi hơn mình, và anh ta chấp nhận điều đó. Điều này mang lại kết quả vô cùng to lớn. Nếu ta không cố trở thành người khác, ta tự cho phép bản thân được là chính mình.

        Một ngày nọ, các viên quan dưới triều một vị hoàng đế Trung Hoa được phái đi tìm Trang Tử, nhà triết gia Đạo giáo sống cuộc đời nghèo nàn nhưng tự do tự tại. Vị hoàng đế biết Trang Tử là người rất thông thái và  muốn phong ông làm cố vấn cho ngài. Ngài sẽ ban cho ông mọi sự vinh hiển, phú quý, hay đặc ân. Trang Tử đáp, “Các người nghĩ mà xem, một con rùa sẽ muốn sống ra sao? Được sống và lăn lộn trên bùn đất, hay chết đi để cái mai của  nó được mạ vàng và đánh bóng dùng đựng đồ trang sức?”. “Được sống thì tốt hơn”, các vị quan đáp. “Vậy thì, hãy để ta được lăn lộn trên bùn đất”.

        Trang Tử đã từ chối thứ xiềng xích nặng nề của vai vế. Từ “vai vế” có nguồn gốc từ từ rotulus trong tiếng La – tinh, ý chỉ cuộc giấy viết lời thoại của một diễn viên dùng trong thời xưa. Vai vế là thứ được định sẵn và dễ bề đoán trước. Nó giúp ta che giấu những điểm yếu và cho ta thứ sức mạnh không có thật. Nếu là tổng thống, tôi không còn là người chồng cáu bẳn chẳng thể sống cơm lành canh ngọt với vợ mình. Nếu là giáo sư, tôi có thể tạm quên đi chứng trầm cảm và bệnh đau lưng. Tôi có thể hù đám sinh viên để trở nên thật quan trọng.

        Tôi có cơ hội trải nghiệm thứ ràng buộc đầy lắt léo của vai vế - cũng như sự nhẹ nhõm khi gạt chúng qua một bên – khi mới chập chững bước vào nghề. Người thầy của tôi, Roberto Assagioli, khi ấy rất có tiếng trên trường quốc tế, và từng đoàn người lũ lượt kéo đến thỉnh giáo ông. Trong số ấy có một đoàn khách VIP thuộc ngành tâm lý và tâm linh học. Assagioli sẽ tiếp đoàn vào buổi chiều, còn tôi có nhiệm vụ chủ trì các bài tập nhóm để đoàn tham gia trong buổi sáng. Một kẻ vô danh tiểu tốt như tôi lại đi dẫn dắt những con người ưu tú ấy qua một loạt các bài tập tâm lý học tổng hợp. Rồi họ sẽ phản ứng ra sao? Liệu họ có nhìn ra điểm thiếu sót của tôi, hay sẽ kiên nhẫn chịu đựng, hoặc có khi nào họ làm tôi bẽ mặt bằng những câu hỏi hóc búa hay những nhận xét ác ý không? Lòng tôi rối bời. Cuối cùng thì mọi chuyện đều suôn sẻ, không có sai lầm ngớ ngẩn hay tai họa nào xảy ra như tôi lo sợ.

        Tuy nhiên, tôi để ý thấy rằng dù nhã nhặn hay dí dỏm ra sao, những người tham gia đều làm tốt vai trò của mình. Họ đều đặt những câu hỏi hay đưa ra những lời nhận xét đúng như số đông mong đợi. Chỉ duy nhất có một người là hoàn toàn khác biệt: Virginia Satir, nhà trị liệu tâm lý gia đình nổi tiếng người Mỹ. Bà hành xử như người mới vào nghề. Bà làm các bài tập và phát biểu những suy nghĩ và phản ứng nhất thời của mình, hoàn toàn gạt qua một bên danh tiếng và kinh nghiệm dày dạn của mình. Tôi vẫn nhớ mình đã cảm thấy nhẹ nhõm và hàm ơn sự hiện diện của bà ra sao, một chuyên gia đầu ngành sẵn lòng bỏ qua vị thế của mình và bắt đầu từ con số 0.

        Quả thực tôi lấy làm hoài nghi về từ “hình ảnh” như cách nó thi thoảng được sử dụng. Các chính trị gia, diễn viên, thậm chí những người rất đỗi bình thường đều xây dựng “hình ảnh” của mình. Quá trình này dường như tạo ra sự khác biệt giữa hình ảnh công chúng và con người thật của họ. Bạn thấy hình ảnh của họ qua vẻ bề ngoài, được xây dựng một cách hữu ý: Là tôi đây, đang mỉm cười, thân hình rắn rỏi, ăn vận bảnh bao, và thành đạt. Nhưng ẩn dưới hình ảnh đó là gì? Tôi muốn biết: Con người thực đó ra sao? Và, ẩn trong bóng tối, một con người nhỏ bé run rẩy sợ hãi luôn muốn được yêu thương, ngưỡng mộ nhưng khiếp sợ sự cô độc và thất bại.

        Ta khiêm nhường khi bản chất và hình ảnh của ta hòa làm một. Khi ấy ta thôi cố gắng tỏ ra là một con người khác, và chấp nhận những điểm yếu cũng như thiếu sót của bản thân. Bạn thích làm việc với kiểu người nào hơn? Và kiểu người nào thì theo bạn có xu hướng tốt bụng hơn, cũng như là bạn đồng hành tốt hơn, kiêu ngạo hay khiếm tốn? Tôi cam đoan rằng người nào cố ra vẻ mình giỏi giang thì chẳng thể sống chân thành được. Lòng tốt của người ấy chỉ là phép lịch thiệp xã giao. Chỉ khi khiêm nhường con người mới nhân ái, bởi khi ấy họ không cố để hơn người, và vì vậy họ vui vẻ với mối quan hệ không chỉ có một người thắng cuộc mà cả hai đều có lợi.

        Có câu chuyện Afghan cổ kể về một vị vua trị vì vương quốc của mình bằng sự độc đoán và tàn nhẫn. Vị vua ra lệnh cho dân chúng, chẳng quan tâm gì tới họ và khiến họ khổ sở bằng đủ các loại thuế má bất công. Trong mắt ngài, họ chỉ là những kẻ vô danh tiểu tốt. Một ngày nọ, vị vua đi săn và đuổi theo một con linh dương. Con linh dương chạy nhanh, càng lúc càng dẫn vị vua đi vào những miền đất lạ lẫm, cho tới khi ngài lạc đường ngay bên rìa sa mạc. Con vật như thoắt ẩn thoắt hiện làm vị vua lúc thì nhìn thấy, lúc thì không, rồi ngài thoáng thấy nó ở xa xa, và cuối cùng khuất hẳn tầm mắt.

        Thất vọng, vị vua quyết định quay về, nhưng ngài đã đi quá xa tới mức không còn biết đường về nữa. Một cơn bão cát khủng khiếp nổi lên kéo dài những ba ngày. Xung quanh vị vua bốn bể là cát bụi. Ngài lang thang vô định một mình trên sa mạc khi cơn bão chấm dứt. Vị vua lạc thật rồi. Áo quần ngài rách tả tơi, gương mặt bơ phờ, bị nỗi sợ hãi và mệt mỏi làm méo mó. Ngài gặp một toán người du cư và khi nói với họ rằng ngài là vua, họ cười phá lên, nhưng vẫn giúp đỡ ngài, cho ngài lương thực và chỉ ngài đường đi. Dốc cạn sức lực, vị vua tìm về đến cung điện của mình nhưng chính lính canh lại không nhận ra ngài và không cho ngài bước vào. Đám lính canh tưởng ngài là một kẻ nghèo rách rưới điên khùng. Từ phía sau cánh cổng, vị vua nhìn thấy người kế nhiệm mình; chính là một tinh linh đang giả làm ngài và thế chỗ trên ngai vàng, trị vì như ngài đã từng làm – một cách ngang ngược và hẹp hòi.

        Dần dà vị vua quen với cảnh sống nghèo khó. Ngài cũng xoay xở được nhưng tất cả là nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh. Có ngày người ta cho ngài nước uống, ngày khác thì là thức ăn, hay cho ngài trú tạm, hoặc cho ngài việc làm. Và chính ngài cũng nỗ lực hết mình. Ngài giúp đỡ kẻ khác bất cứ khi nào có thể. Có lần ngài cứu sống một đứa trẻ mắc kẹt trong một ngôi nhà bị cháy. Lần khác ngài san sẻ miếng ăn cho kẻ đói hơn mình. Vị vua dần hiểu ra dân chúng cũng là người như mình, và rằng trong cuộc sống, con người ta phải biết quan tâm đến nhau. Ngài thấy cuộc sống tươi đẹp và thú vị hơn khi ta yêu thương và giúp đỡ kẻ khác. Cuối cùng, ngài phát hiện ra vị vua đang trị vì chính là ảo ảnh được Thiên thần và Sự Khiêm Nhường tạo ra. Đã đến lúc ngài trở về ngai vàng và tiếp tục làm vua. Nhưng lần này vị vua ấy khôn ngoan và nhân ái hơn bởi ngài đã học được bài học vô giá của sự khiêm nhường.

         Câu chuyện về vị vua trên chỉ ra khía cạnh thiết yếu nhất của sự khiêm nhường: Ta không tồn tại một mình – mà còn có những người khác nữa. Hẳn là ai trong chúng ta cũng đồng tình với chân lý này, nhưng liệu có bao nhiêu người sống đúng được với nó? Từ khi còn ấu thơ ta đã mang trong tiềm thức những niềm tin mà nếu nói ra nghe có vẻ thật lố bịch. Dù vậy chúng vẫn luôn ở đó, như những phần mềm lỗi thời chưa bao giờ bị vô hiệu hóa. Ta ngầm tin một cách mù quáng rằng ta thật khác biệt và đặc biệt. Niềm tin ấy là tàn dư của thời thơ ấu và nó khiến ta hành động như thể ta chẳng cần tuân theo những phép tắc và luật lệ thông thường.

        Khiêm nhường đặt dấu chấm hết cho niềm tin bí mật ấy. Đó chính là cuộc cách mạng Copernican, khi ta nhận ra ta không phải là trung tâm của vũ trụ. Ta có thể cảm thấy đau lòng khi nhận ra ta không quan trọng như ta nghĩ, nhưng điều đó sẽ đem lại cho ta sự tự do. Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt thường đi dạo ban đêm để ngắm bầu trời đầy sao và tự nhắc nhở bản thân mình rằng vũ trụ là vô cùng vô tận. Việc là người đứng đầu của một quốc gia hùng mạnh đem lại một cảm giác hoàn toàn khác khi đặt trong bối cảnh của những thiên hà rộng lớn.

        Vậy là ta có được điều kiện thiết yếu của lòng tốt. Thế nhưng, liệu ta có thể sống nhân ái khi, từ sâu trong đáy lòng, ta nghĩ ta đặc biệt và chẳng cần phải tuân theo luật lệ như những người khác? Ta đều thấy có những chiếc xe chiếm tới hai chỗ đậu, trong khi một chỗ đậu xe thật vô cùng quý giá; hay có những hành khách đi tàu duỗi chân lên ghế đối diện, giả bộ đang ngủ mặc cho những người xung quanh phải đứng; lại có người hút thuốc trong khi chẳng ai muốn ngửi mùi khói thuốc cả. Nếu bạn hỏi họ: “Những người xung quanh có tồn tại không?”, họ sẽ trân trối nhìn bạn và đáp là có. Nhưng có lẽ họ không nhận ra được những hành động nhỏ ấy gây ảnh hưởng và khiến người khác cảm thấy không thoải mái ra sao.

        Ta có thể thấy không thoải mái khi thừa nhận mình không khác gì những người xung quanh, và thi thoảng ta cần họ, và rằng ta là những cá thể không hoàn hảo sống trong một thế giới không hoàn hảo. Vì thế ta biện hộ trước thực tế ấy bằng vô số ảo tưởng và kỳ vọng. Thế nhưng chính khi hiểu và chấp nhận những thiếu sót bản thân thì phần người trong ta trở nên vẹn tròn nhất: đây chính là thực tế của ta, đây chính là con người thực của ta. Đó là nền tảng vững chắc để ta tương tác với những người khác. Tất cả những ai hiểu được điều này đều khiêm tốn. Bạn cảm thấy thoải mái khi ở bên họ, bởi họ sở hữu thứ hỗn hợp kỳ lạ giữa điềm tĩnh và châm biếm mà chỉ sự khiêm nhường mới có thể đem lại. Chẳng phải đó là cách tuyệt nhất để sống tốt sao?

        Khiêm nhường cũng giúp ta chấp nhận những gì mình đang có – một thái độ đáng trân trọng trong thời đại mà sự lãng phí là tiền đề để phát triển nền kinh tế, tham lam là một cách sống, và đòi hỏi những đặc quyền mới là một  trách nhiệm xã hội. Những người sống an phận với những gì họ có thường bị coi là kém cỏi. Thế nhưng chính họ mới là những người được thanh thản và hạnh phúc.

        Tôi nhớ lần mình cùng bạn bè dùng bữa tối gia đình tại một nhà hàng Trung Hoa, sau bữa ăn, cả nhóm lấy những món quà ra tặng cho bọn trẻ - trong số những món quà đẹp đẽ và chu đáo ấy là chiếc máy ảnh bỏ túi và cuộn phim. Đột nhiên tôi để ý thấy một cô bé người Trung Hoa đang quan sát chúng tôi. Người nhà cô bé là chủ nhà hàng này. Tôi không tài nào đoán được cô bé đang nghĩ gì, nhưng tôi thấy hơi chạnh lòng; có lẽ cô bé ấy cũng muốn được nhận những món quà như vậy. Tôi nhanh chóng bị cuốn vào cuộc hội thoại trên bàn ăn, và liền sau đó chúng tôi rời khỏi nhà hàng. Khi cả nhóm đứng bên ngoài đợi một người bạn đi lấy xe, tôi nhìn thấy sau khung cửa sổ, cô  bé ấy đang đứng ở chỗ chúng tôi vừa ngồi và chơi với cái ống nhựa đựng phim đầy hân hoan. Rồi cô bé người lên, bắt gặp ánh nhìn của chúng tôi, và mỉm cười.

        Đó là một bài học về sự khiêm nhường. Trong Kỷ nguyên Hối hả, khi ta thường không có đủ thời gian để tận hưởng những gì cuộc sống mang lại nhưng vẫn luôn đi tìm những sản phẩm và thú vui mới, và khi dường như chẳng có gì là đủ, được chứng kiến niềm hạnh phúc giản đơn như vậy quả thật nhẹ nhõm vô cùng và là một ví dụ cần ghi nhớ.

        Kết lại: Sự khiêm nhường đặt ta vào tâm thế muốn học hỏi. Nó đem lại cho ta hương vị của sự giản đơn; và khi ta trở nên đơn giản hơn, ta cũng chân thành hơn. Luyện tập sự khiêm nhường cho phép ta sống đúng với thực tại của bản thân. Không còn mơ mộng, ảo vọng, hay huyễn hoặc nữa. Ta là một trong vô số, thời gian và sự sống của ta là hữu hạn, là một con người sống giữa bao người khác. Ta không cần chứng tỏ bản thân giỏi giang hơn bất cứ ai cả. Những người khác tồn tại với nhu cầu, thực tế, hy vọng, câu chuyện của riêng họ, và ta là một trong số hàng tỷ người trên hành tinh này, như một hạt bụi trong khoảng không bao la. Cuộc sống của ta chỉ như một phút giây ngắn ngủi trong dòng thời gian bất tận của vũ trụ.

        Biết nhận ra và chấp nhận thực tế này sẽ khiến ta đổi thay – khiêm tốn hơn, biết chấp nhận sự trớ trêu của số phận, biết an phận và không làm ảnh hưởng tới những người xung quanh. Khiêm nhường giúp ta tìm được vị trí của mình dưới những vì sao.

---o0o---

Trích “Giá trị của sự tử tế”

Tác giả: Piero Ferrucci

Người dịch: Phạm Quốc Anh

NXB Lao động – Xã hội, 2019

Ảnh: nguồn internet

 

Bài viết liên quan