LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN THỨC THẾ GIAN? - ĐỐI THOẠI GIỮA KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO MATTHIEU RICARD – TRỊNH XUÂN THUẬN

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN THỨC THẾ GIAN?

ĐỐI THOẠI GIỮA KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO

MATTHIEU RICARD – TRỊNH XUÂN THUẬN

-----o0o-----

Với tư cách là một sinh vật biết suy nghĩ, nhà khoa học không thể quan sát thiên nhiên một cách hoàn toàn khách quan. Einstein đã viết: “Những khái niệm vật lý là những sáng tạo tự do của tâm trí con người, dù rằng chúng có vẻ như bị chi phối bởi thế giới bên ngoài.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN THỨC THẾ GIAN? - ĐỐI THOẠI GIỮA KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO MATTHIEU RICARD – TRỊNH XUÂN THUẬN

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN THỨC THẾ GIAN?

ĐỐI THOẠI GIỮA KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO

MATTHIEU RICARD – TRỊNH XUÂN THUẬN

-----o0o-----

Làm thế nào để nhận thức thế gian?

Việc tích trữ ý niệm và thông tin có cho phép đưa đến nhận thức tối hậu về thế gian? Đâu là giới hạn của luận lý và của lý trí thông thường mà khoa học thường đặt nền tảng? Khoa học có trả lời được tất cả các câu hỏi về thế gian và khám phá ra bản thể tối hậu? Phương pháp tiếp cận phân tích và hợp lý của khoa học khác nhau thế nào với những phương pháp thiền định của Phật giáo. Làm thế nào để kiểm chứng giá trị của khoa học thiền định đặt cơ sở trên việc quán xét nội tâm và thực nghiệm chủ quan?

Thuận: Trong khoa học, những phương pháp cơ bản dùng trong việc khám phá gồm có lý thuyết dựa trên phân tích và thực nghiệm. Nếu Phật giáo không quên lý luận và phân tích, thì dường như phương pháp chính mà Phật giáo sử dụng là Thiền định. Bạn có thể cho tôi biết chữ “nhận thức” có đồng nghĩa giữa khoa học và Phật giáo không? Nhận thức mà người ta có qua thiền định, có giống như nhận thức qua lý trí không? Thiền giả phải chăng nên từ bỏ việc phân tích để có nhận thức, và chỉ cần thuần khiết tâm trí, dứt bỏ mọi niệm tưởng, mọi suy nghĩ để nhận chân được thực tại.

Matthieu: Thể theo các quyển luận Phật giáo, chữ “hợp lý” (pramana) có nghĩa phương tiện để có nhận thức đúng đắn. Luận lý bắt buộc phải có trong mọi khía cạnh nhận thức, khoa học hay thiền định. Tuy nhiên, người ta có thể phân biệt một nhận thức quy định và một nhận thức tuyệt đối. Nhận thức quy ước cho ta biết về vạn vật hiện hữu, còn nhận thức tuyệt đối cho ta tiếp cận với bản thể tuyệt đối của các hiện tượng (như không tự tính, tánh không). Cả hai lối nhận thức đều có giá trị trong mỗi lãnh vực riêng biệt.

Luận lý và lý trí cũng đều được thiền định sử dụng khi quán sát sự vận hành của tư tưởng và thấy được khả năng chúng đem lại đau khổ hay hạnh phúc. Sự kiện tinh thần nào đem lại sự bình an nội tại và mở rộng lòng chúng ta với kẻ khác? Còn những gì là đem lại sự phá hoại tâm hồn chúng ta? Sự phân tích này cho phép chúng ta hiểu các tư tưởng kết nối với nhau như thế nào, và ràng buộc chúng ta ra sao?

Khi mà thiền định làm phát triển lòng nhân ái và từ bi của chúng ta, thì lý trí và thực nghiệm sẽ mở rộng mắt chúng ta về những kết quả tai hại của sự sân hận, cũng như lợi ích của sự kiên nhẫn trong đời sống hằng ngày. Tu tập để nuôi dưỡng những tình cảm và suy nghĩ đưa đến hạnh phúc thật sự, và chối bỏ những gì đưa đến đau khổ, thay đổi dần dần dòng tư tưởng của chúng ta, rồi đến tính tình của chúng ta.

Thuận: Giác ngộ có phải là nhận thức ở mức độ cao hơn không?

Matthieu: Có nhiều dị biệt giữa giác ngộ và nhận thức thông thường. Trước tiên giác ngộ không phải là nhận thức về sự đa dạng các hiện tượng và những sự kiện tinh thần, mà là về bản thể thật sự của chúng. Cách nhận thức cũng khác: Nhị nguyên chủ thể, khách thể biến mất, và lý trí thông thường nhường chỗ cho một sự nhận biết trực tiếp rõ ràng và tỉnh thức, có nghĩa là người thấy và vật được thấy chỉ là một. Tưởng chừng như là vô lý, nhưng giác ngộ phát xuất từ một luận lý tuyệt đối dựa trên sự hiểu biết về tánh không và vượt lên trên luận lý quy ước của một hệ tư tưởng thông thường.

Thuận: Có thể nói đây là một nhận thức trực giác hay thần bí chăng?

Matthieu: Những từ “trực giác”, “thần bí” có thể làm ta nhầm lẫn. Nếu dùng từ “trực giác” như một nhận thức trực tiếp, tức thì cũng gần đúng. Nhưng nếu ta đồng hóa cái trực giác ấy với một linh cảm mơ hồ không kiểm soát được, hoặc giả một cảm giác mơ hồ vọt ra từ tiềm thức, thì đó chỉ là phản ánh của những ước muốn hay những tư tưởng hỗn độn thường nhật của chúng ta. Trái lại, nếu ta dùng từ “thần bí” như một sự kết hợp mật thiết, không nhị nguyên với bản thể của tâm khi nào cũng trong sáng, chiếu diệu và vô niệm, thì đó là Thiền Phật giáo.

Chắc chắn là ta có thể có, trong khi thiền định nhiều trải nghiệm thần bí, nhưng đó chỉ là những phóng ảnh của tâm, chỉ làm ta lạc lối, thay vì soi sáng chúng ta. Thay vì chờ đợi những giây phút xuất thần, hay trầm mình trong tịch lặng, tốt hơn là nên Thiền định quán sát đến tột cùng, sau đó để tâm yên nghỉ, vô niệm trong một trạng thái sáng suốt miên viễn. Và như vậy ta đã thành tựu việc ngộ lại bản thể của tâm sâu xa và bất biến như bầu trời. Ta đi ngược lại cội nguồn của tư tưởng, và khi tư tưởng đã chấm dứt, ta mới hiểu được điều không thể diễn tả bằng lời được. Dù không diễn tả được, nhưng với nhiều thiền giả thuần thục, thì trạng thái đó là một trải nghiệm trung thực.

Thuận: Có phải vì thế và vì giới hạn của ngôn ngữ, nên Phật giáo dùng ẩn dụ hay biểu tượng để mô tả sự Giác ngộ. Hoặc giả các Thiền sư hay dùng hình thức “Công án” để đập tan mọi luận lý, mọi lý lẽ, gạt bỏ mọi khái niệm. Công án là một bí mật trong Thiền học dùng để mở tâm cho người học đạo. Ví dụ như vị thầy, khi vỗ tay hỏi đệ tử: “Tiếng vỗ một bàn tay là gì?” Câu hỏi này là để phá tan trong một thoáng chốc mọi vọng tưởng của người đệ tử, để anh ta có thể nhận thấy khi cơ duyên đã chín mùi, bản lai diện mục của mình.

Matthieu: Khi cần phải diễn tả những mức độ khác nhau của việc thành tựu tâm linh và nhận ra tánh không của vạn pháp, ta thường bất lực vì thiếu vắng ngôn từ. Người ta không thể dùng luận lý thông thường được vì đơn giản là nó không đầy đủ. Cũng khó cho thiền giả diễn tả tâm giác ngộ của mình, giống như người câm không nói được vị mật như thế nào. Và cũng vì thế nên Phật giáo vẫn dùng những ẩn dụ như ngón tay chỉ mặt trăng: phải nhìn mặt trăng, chứ không nên nhìn ngón tay.

Trong khuôn khổ tiếp cận chân lý như vậy, các vị Thiền sư thỉnh thoảng hay dùng những phương tiện bất ngờ để giúp đệ tử giác ngộ. Trong một đêm trăng sáng mùa thu, trên những triền núi nhìn xuống tu viện Dzotchen ơ Tây Tạng, nơi tôi có duyên trú ngụ một thời gian, một ẩn sĩ Tây Tạng thế kỷ XIX tên là Patrul Rinpotché nằm ngủ bên cạnh người đệ tử. Thình lình ông gọi anh ta:

“Này, anh thường nói với ta là anh không hiểu “Bản lai diện mục” là gì phải không?

- Thưa Thầy, đúng vậy

- Thật ra, có gì là khó đâu

Ông bảo người đệ tử đến nằm bên cạnh ông. Người đệ tử tên là Loungtok đến bên cạnh thầy và nhìn ngắm bầu trời Patrul Rinpotché hỏi tiếp:

“Anh có nghe tiếng chó trong tu viện sủa không? Anh có thấy các ngôi sao chiếu sáng không?”

-Thưa, có

-Thế thì bản lai diện mục là vậy đó”.

Đúng vào thời điểm ấy, Loungtok ngộ ra bản thể của tâm. Công tu hành nhiều năm, với sự giúp đỡ của thầy vào đúng khoảnh khắc thích hợp, Loungtok bỗng thấy tâm mình bừng sáng và đạt đến giác ngộ. Bản chất của giác ngộ là ra ngoài mọi khái niệm. Các cách nhận thức khác đều thiếu sót. Một lý thuyết chỉ có thể nói lên một khía cạnh của thực tại, vì lẽ nó chỉ dùng những mệnh đề giới hạn bởi những khái niệm. Cái khái niệm này có nhắc bạn nhớ lại định lý bất toàn của nhà toán học người Áo Kurt Godel không?

Thuận: Định lý Godel quả thật bao hàm những giới hạn cho việc suy luận hợp lý. Định lý này thường được xem là khám phá hợp lý quan trọng nhất trong thế kỷ XX. Năm 1900, người Đức David Hilbert đã thách thức là đã đặt được các môn toán học trên một nền tảng hợp lý vững chắc. Kurt Godel đã chấp nhận lời thách thức đó nhưng không phải theo chiều hướng mà Hilbert hiểu. Ông ta đề nghị vào năm 1931, một định lý lạ lùng và bí hiểm nhất về toán học. Ông chỉ ra rằng một hệ thống số học mạch lạc, và không mâu thuẫn nhất định gồm có những định đề không quyết định được, có nghĩa là không thể dùng luận lý mà nói chúng đúng hay sai. Mặt khác không thể chứng minh rằng một hệ thống là mạch lạc và không mâu thuẫn chỉ trên căn bản các nguyên lý toán học (là những tiên đề đầu tiên được chấp nhận mà không cần chứng minh) nằm trong hệ thống đó. Muốn làm được việc chứng minh ấy, cần phải đi ra ngoài hệ thống và sử dụng những công lý phụ bên ngoài hệ thống. Và như vậy hệ thống đó là bất toàn. Và cũng vì thế mà định lý Godel thường được gọi là “Định lý bất toàn”.

Định lý này đã có tác dụng như một cú sét đánh trong giới toán học Godel đã chứng minh rằng luận lý có giới hạn và cái mộng của Hilbert muốn chứng minh sự mạch lạc của mọi môn toán học chỉ là một ảo tưởng. Định lý Godel lại còn có tác động lên nhiều lãnh vực tinh thần khác như triết học và tin học. Về triết học, thì nó cho thấy tư tưởng hợp lý không phải là không có giới hạn, và về tin học, nó hàm ý rằng có nhiều bài toán học không bao giờ được giải quyết bằng máy tính.

Matthieu: Phật giáo đã từ lâu xác định rằng vọng tưởng có nhiều giới hạn trong tự thân. Con đường giác ngộ không chối bỏ lý trí, nhưng siêu vượt lên lý trí. Lý trí không đủ để diễn tả chân lý tối hậu vì lẽ những giới hạn nối liền với cấu trúc của lý trí không cho phép một nhận thức trực tiếp của tuyệt đối. Muốn hiểu bản thể của “Tâm”, cần phải chấm dứt vọng tưởng để vượt qua nhị nguyên chủ thể-khách thể.

Thuận: Kết quả đáng ngạc nhiên của định lý Godel đã chỉ ra rằng có một giới hạn tự nhiên cho nhận thức khoa học. Muốn vượt qua giới hạn đó, phải cần đến những cách nhận thức khác mà bạn vừa đề cập.

Matthieu: Đây là một điểm quan trọng vì những con người ở thời đại chúng ta đã tạo ra một hình ảnh gần như huyền bí cho khoa học. Họ quan niệm như thể khoa học, một ngày nào đó, sẽ có thể trả lời mọi câu hỏi. Nhưng thật ra còn rất xa để có thể đến được đó, chưa nói đến việc giác ngộhay nhận thức tâm linh ngay trong đời sống hiện tại, nhiều vấn đề vẫn còn ngoài tầm hiểu biết của khoa học.

Thuận: Khoa học cũng chưa hẳn là đã khách quan như các phương pháp khoa học thường giải thích. Nhà khoa học làm việc giữa một xã hội với một nền văn hóa. Dù muốn hay không muốn, ông ta cũng bị chi phối bởi những khái niệm siêu hình. Còn trong việc trình bày kết quả của các cuộc nghiên cứu, ông ta cũng bị ảnh hưởng bởi sự huấn luyện nghề nghiệp, sự theo học các bậc thầy, tác động của các đồng nghiệp và công trình của họ. Vì thế một khi đi vào công cuộc nghiên cứu, thì cần về sự quan sát thế giới bên ngoài cộng với những thực nghiệm được phân tích và giải thích ở nội tâm cùng với sự soi sáng của các khái niệm và lý thuyết của mỗi nhà khoa học. Ví dụ với nhà Vật lý thiên văn thì ông ta viện dẫn đến sự hình thành các thiên hà, còn nhà vật lý thì nghĩ đến lý thuyết về các lực nguyên tử. Sự chấp nhận một thuyết này thay vì một thuyết khác, cũng không phải là không có định kiến. Nhà khoa học sẽ bị ảnh hưởng bởi quan điểm của các vị thầy hoặc của các đồng sự gần gũi (điều mà người ta hay gọi là một trường phái), hay tệ hơn bởi những sự kiện có tính cách thời lượng. Tuy nhiên, trong khoa học cũng như trong các lãnh vực khác, phải dè chừng những thể cách thời lượng. Một lý thuyết được nhiều người ưa thích chưa hẳn là một lý thuyết hay. Đa số những người chấp nhận lý thuyết ấy, không phải là vì sau khi cứu xét kỹ lưỡng, mà là vì xu thời hay vì muốn theo gót những con chim đầu đàn nhiều uy tín.

Với tư cách là một sinh vật biết suy nghĩ, nhà khoa học không thể quan sát thiên nhiên một cách hoàn toàn khách quan. Einstein đã viết: “Những khái niệm vật lý là những sáng tạo tự do của tâm trí con người, dù rằng chúng có vẻ như bị chi phối bởi thế giới bên ngoài. Những cố gắng của chúng ta để nắm bắt thực tại giống như một con người cố tìm hiểu cơ chế của cái đồng hồ đóng kín. Nó nhìn thấy mặt kính đồng hồ cùng những cây kim đang di chuyển, nó nghe cả tiếng kêu tích tắc, nhưng nó không có phương tiện nào để mở nắp đồng hồ. Nếu nó khéo tay, nó có thể nghĩ ra hình ảnh một cơ chế hoạt động của vật thể mà nó quan sát, nhưng không bao giờ nó có thể chắc chắn rằng hình ảnh mà nó tạo ra là duy nhất có thể giải thích được những gì mà nó quan sát. Nó không bao giờ có thể so sánh cái kiểu mẫu do nó sáng tạo với cơ chế thực sự, và cũng không thể tưởng tượng nổi cái khả năng mà sự so sánh đó có thể đem lại một ý nghĩa nào”.

Khi mà nhiều lý thuyết đều khả thi, những lại không cùng phù hợp, được đưa ra nhân cùng một hiện tượng, sự chọn lựa giữa các lý thuyết đó thường là dựa vào những nhận xét siêu hình. Vì vậy, Einstein vì chuộng thực tế, nên không bao giờ chấp nhận sự giải thích cách nhiên về thực tại nguyên tử và thực tại vi mô của cơ học lượng tử. Ông đã để ra nhiều năm cố tìm một kẽ hở trong thuyết lượng tử mà không bao giờ thành công. Vì thế nên ông rời bỏ khoa vật lý vi mô, để chú tâm vào những khám phá lớn làm đảo lộn lãnh vực này trong thập niên 50.

Matthieu: Những lý thuyết khoa học chịu ảnh hưởng siêu hình hơn người ta thường tưởng. Nhà khoa học Tây phương có khuynh hướng cho rằng có một thực tại rõ ràng và chắc thật đằng sau mọi hiện tượng, và vì vậy cố tìm ra một nguyên nhân đầu tiên cho vũ trụ. Trái lại nhà khoa học Đông phương thường đặt lại vấn đề thực tại. Ông ta dễ dàng chấp nhận một sự tương thuộc các hiện tượng trong một thế giới không có khởi đầu. Vì thế ông ta dễ dàng chấp nhận hơn những tư tưởng siêu hình và dựa vào đó ông ta hình dung ra những lý thuyết mới.

-----o0o-----

Trích “Đối Thoại Giữa Khoa Học Và Phật Giáo”

Matthieu Ricard – Trịnh Xuân Thuận

BS: Hồ Hữu Hưng dịch

Nhà xuất bản Phương Đông, 2010

Bài viết liên quan