LỜI THẦN DỤ THÀNH DELPHI VÀ CON TIỂU QUỶ CỦA SOKRATES - SOCRATE, CHÚA GIÊSU, ĐỨC PHẬT: BA BẬC THẦY CỦA CUỘC SỐNG - FRÉDÉRIC LENOIR

LỜI THẦN DỤ THÀNH DELPHI VÀ CON TIỂU QUỶ CỦA SOKRATES

SOCRATE, CHÚA GIÊSU, ĐỨC PHẬT: BA BẬC THẦY CỦA CUỘC SỐNG - FRÉDÉRIC LENOIR

-----o0o-----

Sokrates có biết Anaxagoras, người lớn tuổi hơn Ông không? Ra đời ở Klazomenai, ông này được tiếng đã du nhập triết học vào Athênai. Có truyền thuyết nói rằng lúc đầu Sokrates đã được kể trong số môn sinh của Anaxagoras, người đưa ra học thuyết rằng Nous – một trí thông minh vật lý hầu như máy móc - là kẻ sắp xếp vũ trụ.
LỜI THẦN DỤ THÀNH DELPHI VÀ CON TIỂU QUỶ CỦA SOKRATES - SOCRATE, CHÚA GIÊSU, ĐỨC PHẬT: BA BẬC THẦY CỦA CUỘC SỐNG - FRÉDÉRIC LENOIR

Sokrates có biết Anaxagoras, người lớn tuổi hơn Ông không? Ra đời ở Klazomenai, ông này được tiếng đã du nhập triết học vào Athênai. Có truyền thuyết nói rằng lúc đầu Sokrates đã được kể trong số môn sinh của Anaxagoras, người đưa ra học thuyết rằng Nous – một trí thông minh vật lý hầu như máy móc - là kẻ sắp xếp vũ trụ. Lý thuyết này đã khiến Ông bị kết án tử vì tội vô thần: Anaxagoras trốn khỏi Athênai để kết thúc đời mình tại Miletus, chiếc nôi của các triết gia. Rất có thể là hai ông đã gặp nhau trong nhóm các nhà tư tưởng người Athênai mà cả hai từng giao thiệp. Quyển Phaidon của Platon và Nephelai của Aristophanes cho phép giả định rằng lúc đầu, Sokrates cũng quan tâm đến loại tư biện về vật lý, vốn là nội dung cốt lõi của sự suy ngẫm của nhóm triết gia mà ngày nay người ta gọi là “tiền Sokrates” này. Tuy nhiên Sokrates nhanh chóng tìm cách giải thích những vấn đề Ông đặt ra ở nơi khác: “Tiếng tăm mà tôi có được đến từ một kiến thức nào đó nằm trong tôi. Kiến thức này là cái gì vậy? Có lẽ nó chỉ là một sự hiểu biết thuần túy con người”, Platon đã để Ông nói như vậy trong Apologia Sokratous (2od), cho phép ta hiểu rằng phương pháp phản tỉnh luôn luôn là một phần trong việc kiếm tìm của Ông. Hơn nữa, giữa nhóm bạn hữu đầu tiên, một số đã cư xử như môn đệ của ông rồi, ngay cả khi ông chưa bắt đầu cái nghiệp triết gia lang thang - nghề mà ta có thể so sánh với các nhà thuyết giáo ngược xuôi khắp các vùng xa xôi của Ấn Độ và Mésopotamie (Lưỡng Hà) xưa, cùng thời điểm.

Sự nghiệp của ông thực sự bắt đầu với một tình tiết lạ lùng vào khoảng năm 420 trước Công nguyên, được Platon tường trình đặc biệt trong Apologia Sokratous. Lúc bấy giờ Sokrates trạc năm mươi tuổi. Chaerephon, một trong các bạn thời thơ ấu của Ông tới đền Delphi để thỉnh ý Thần qua lời phán nổi tiếng nhất Hy Lạp của đồng cô, và được nghe bà khẳng định: “Sokrates là kẻ hiểu biết (sophos) nhất trong mọi người đời”. Không tin, Sokrates đến gặp người được coi là khôn ngoan nhất Athênai, một chính trị gia mà Ông không nêu danh tính. Ông trở về bối rối: “Tôi tự suy luận như vầy: tôi hiểu biết hơn người này. Có thể là cả ông ấy lẫn tôi đều không biết gì tuyệt vời ghê gớm; nhưng có sự khác biệt là ông ta tin rằng mình biết, mặc dù ông ta chẳng biết gì cả. Còn về phần tôi, nếu tôi không biết gì cả, thì tôi cũng không tưởng là mình biết”. Sau đó, ông nói chuyện với các thi sĩ, nghệ nhân, với tất cả những ai mà thành quốc liệt vào hạng người danh tiếng. Và Ông đi đến kết luận này: không ai là người hiểu biết cả. Từ lúc ấy, ông thấy trong lời đồng cô phán truyền chỉ dấu của một sứ mệnh thiêng liêng, một khích lệ giảng dạy. Và cũng từ đấy, Ông lấy câu văn khắc trên cổng đền Apollon làm phương châm cho bản thân: “Hãy tự biết mình”.

Rất nhiều lần, Sokrates nhấn mạnh về sự hiện diện trong Ông của một “tiếng nói”, một daimon, đúng nghĩa là “tiểu quỷ” của ông, một con tinh quen thuộc mà ông xem như biểu hiện của thần hộ mệnh. Con tinh này tháp tùng Sokrates từ khi Ông được vị Thần ở đền Delphi chỉ định, ngăn cản Ông khi cần, hay động viên Ông mỗi khi sắp chểnh mảng sứ mệnh, chuyển tới Ông thông điệp của chư thần thay lời phán truyền. Chính tiếng nói này đã khiến Ông gặp Phaidos trên đường, để rồi cùng bạn đồng hành bước vào một cuộc đối thoại dài về tình yêu. Sokrates xác nhận sự kiện này và kể cho bạn Ông nghe với một vẻ giản dị đáng sửng sốt: “Bạn ạ, lúc sắp sang sông, tôi cảm thấy cái dấu hiệu quen thuộc thần thánh đó, nó luôn luôn cản tôi lại, đúng vào lúc tôi sắp thực hiện một hành động sai trái. Và tôi tin đã vừa nghe, ngay tại đây, một giọng nói cấm tôi rời khỏi nơi này, trước khi buộc mình phải làm lễ chuộc tội, cứ như thể là tôi đã phạm lỗi gì đó đối với thần linh rồi vậy” (Phaidros, 242). Đồ đệ của ông chẳng biết phải nghĩ sao về chuyện đó nữa, và Xenophon dè dặt bình luận: “Ông nói là trong Ông có một con tinh chỉ bảo điều gì nên làm, cái gì phải tránh” (Apmnemoneumanta, Những chuyện đáng ghi nhớ, 4, 8). Tuy nhiên, họ vẫn sững sờ khi phải đối mặt với trạng thái hết sức lạ lùng mà Sokrates có thể thình lình rơi vào, là chứng tê bại khiến Ông giữ nguyên tư thế hoàn toàn bất động, không cả chớp mắt. Chứng này có thể kéo dài ít phút hay hàng giờ, và lúc đó thì Ông hoàn toàn xa lạ với những gì có thể xảy ra chung quanh. Có phải Ông chìm đắm trong một kiểu nhận định không? Hay đang giao tiếp với con tinh nhỏ mà Ông có được mối liên hệ ưu đãi? Không ai mạo hiểm diễn dịch trạng thái xuất thần này. Platon mô tả nó như sự kiện trong Symposium: “Một buổi sáng, người ta thấy Ông đang đứng, trầm tư chuyện chi đó. Không nghĩ ra điều muốn tìm, Ông không bỏ đi mà tiếp tục suy nghĩ trong cùng tư thế. Giữa trưa rồi. Mọi người trong nhóm chúng tôi vẫn quan sát Ông, và ngạc nhiên nói Sokrates đã đứng đó, mơ màng từ sáng. Khoảng chiều, bọn lính mang giường trại đến chỗ Ông đứng để ngủ cho mát (lúc đó là mùa hè), và để theo dõi xem Ông sẽ thức qua đêm trong cùng tư thế đó chăng. Quả nhiên, Ông tiếp tục đứng cho đến lúc mặt trời lên. Rồi sau khi đọc kinh tạ mặt trời, Ông mới rút lui” (220 C-d).

Sự liên hệ của Sokrates với tên tiểu yêu của Ông quả là khá rắc rối cho một số sử gia triết học đã coi Ông là cha đẻ của chủ nghĩa duy lý Tây phương. Nên người ta đã từng thử quy giản con tinh nhỏ trứ danh đó thành tiếng nói của lương tri, và diễn giải những lúc xuất thần của Sokrates như các cơn động kinh. Nhưng như ta vừa thấy, đấy không phải là điều các nhà viết tiểu sử Sokrates nói, bởi rõ ràng là chính họ cũng lúng túng bởi hiện tượng lạ lùng này. Tuy nhiên, người ta lại thường xuyên bắt gặp hiện tượng này ở những thầy pháp Sa-man của các truyền thống đầu tiên, hoặc loại tín đồ thần bí của mọi tôn giáo, khi họ thình lình cảm thấy bị chiếm hữu bởi thần linh, và do đó, bước vào trạng thái ngây ngất xuất thần. Dù sao chăng nữa, dù người ta tin hay không vào thần linh và sức mạnh siêu nhiên, thì rõ ràng là Sokrates cũng đã xuất hiện cùng lúc trong mắt các môn sinh, vừa như một triết gia hướng về lý tính, vừa như kẻ thần bí luôn cảm thấy có dính líu tới một uy lực siêu phàm.

-----o0o-----

Trích: “Socrate, Chúa Giêsu, Đức Phật: Ba Bậc Thầy Của Cuộc Sống".

Tác giả: Frédéric Lenoir.

Việt dịch: Võ Thị Xuân Sương.

NXB  Tổng Hợp TP.HCM, 2021.

Ảnh: nguồn Internet.

Bài viết liên quan