LÒNG SÙNG MỘ VÀ LÒNG BI - TULKU URGYEN RINPOCHE

LÒNG SÙNG MỘ VÀ LÒNG BI

Trích từ: “RAINBOW PAINTING - TULKU URGYEN RINPOCHE”

Việt dịch: Quang Trường Thông Quang

---🌼🌸🌼---

CHÚNG TA ĐẠT ĐƯỢC GIÁC NGỘ HOÀN TOÀN bằng cách hợp nhất phương tiện và trí huệ, prajna (bát nhã) và upaya (phương tiện). Định nghĩa của hai phương diện này thay đổi tùy theo các thừa khác nhau. Trong giáo lý theo Kinh, phương tiện là lòng bi, trong khi trí huệ là tánh Không. Bằng cách hợp nhất lòng bi và tánh Không, chúng ta đạt được sự giác ngộ chân thật và viên mãn.Giáo lý Mật tông coi...
LÒNG SÙNG MỘ VÀ LÒNG BI - TULKU URGYEN RINPOCHE

CHÚNG TA ĐẠT ĐƯỢC GIÁC NGỘ HOÀN TOÀN bằng cách hợp nhất phương tiện và trí huệ, prajna (bát nhã) và upaya (phương tiện). Định nghĩa của hai phương diện này thay đổi tùy theo các thừa khác nhau. Trong giáo lý theo Kinh, phương tiện là lòng bi, trong khi trí huệ là tánh Không. Bằng cách hợp nhất lòng bi và tánh Không, chúng ta đạt được sự giác ngộ chân thật và viên mãn.

Giáo lý Mật tông coi phương diện phương tiện ngang bằng với giai đoạn phát sanh và phương diện trí huệ ngang bằng với giai đoạn thành tựu. Bằng cách hợp nhất hai giai đoạn này, chúng ta đạt được sự giác ngộ chân thật và viên mãn.

Theo hệ thống Đại Ấn, phương diện phương tiện là Sáu Pháp của Naropa, trong khi trong khi phương diện trí huệ là chính sự thực hành Đại ấn. Hai điều này được gọi là con đường của phương tiện và con đường giải thoát. Bằng cách hợp nhất phương tiện và giải thoát, chúng ta đạt được sự giác ngộ chân thật và viên mãn.

Trong hệ thống Trung Quán, Trung Đạo, phương diện phương tiện là chân lý tương đối; phương diện trí huệ là chân lý tuyệt đối. Bằng cách hợp nhất hai chân lý này, chúng ta đạt được sự giác ngộ chân thật và viên mãn.

Cuối cùng, trong giáo lý Đại Toàn Thiện, phương diện phương tiện được gọi là ‘bản tánh hiện diện tự nhiên’, trong khi trí huệ được gọi là ‘tinh tuý thanh tịnh bổn nguyên’. Bằng cách hợp nhất sự thanh tịnh bổn nguyên và sự hiện diện tự nhiên, Trekchö và Tögal, chúng ta đạt được sự giác ngộ chân thật và viên mãn.

 

Để minh họa một phương diện khác của tất cả những ẩn dụ khác nhau về sự hợp nhất này, chúng ta hãy lấy ví dụ về một chiếc máy bay. Để một chiếc máy bay bay trên bầu trời, cần phải lắp ráp đầy đủ các thành phần cơ khí khác nhau cần thiết, cũng như một người có khả năng lắp ráp các bộ phận này và lái máy bay. Nếu bạn có một kỹ sư hoặc phi công lành nghề nhưng lại thiếu các bộ phận thích hợp, máy bay không thể bay. Tương tự như vậy, có tất cả các thiết bị cơ khí nhưng lại thiếu phi công hoặc kỹ sư cũng không đủ. Chỉ khi các yếu tố phương tiện và trí huệ được hợp nhất thì máy bay mới có thể bay.

 

Trong một chương trước, tôi đã đề cập rằng Phật tánh đã hiện diện trong tất cả chúng sinh từ vô thủy. Đây không phải là điều mới mẻ mà chúng ta đạt được thông qua nỗ lực hay thiền định; mà đúng hơn, đây là điều vốn hiện diện ngay từ ban đầu như chính bản tánh của chúng ta. Phật tánh này chưa bao giờ tách rời khỏi tâm chúng ta dù chỉ một khoảnh khắc. Chỉ vì không thừa nhận nó mà chúng ta đã lạc lối trong sự hiện hữu luân hồi. Sự lạc lối này do vô minh về bản tánh của chúng ta đã diễn ra không chỉ trong vài kiếp mà còn từ vô thủy. Cho đến nay, bản tánh của chúng ta, bản tánh giác ngộ, đã bị che phủ trong những lớp dày của vô minh và cảm xúc phiền não. Bây giờ chúng ta phải nhận ra bản tánh này như nó vốn là, thoát khỏi mọi sự che chướng. Nhưng chỉ nhận ra bản tánh của chúng ta thôi là chưa đủ. Chúng ta phải ổn định sự nhận ra này bằng cách áp dụng nó vào thực hành, bởi vì nếu chúng ta không làm quen với Phật tánh của mình, chúng ta chắc chắn sẽ rơi vào năng lực của những cảm xúc phiền não hết lần này đến lần khác. Người ta nói rằng, “Bạn có thể nhận ra bản tánh của mình, nhưng nếu bạn không quen thuộc với nó, những tư tưởng của bạn sẽ nảy sinh như kẻ thù và bạn sẽ bất lực như một đứa trẻ trên chiến trường.”

 

Một giáo lý khác nói rằng, “Ngoài việc dựa vào sự tích lũy hai sự tích tập và sự ban phước của một vị đạo sư đủ phẩm tính, việc dựa vào các phương pháp khác là mê lầm.” Mục đích của việc tích lũy hai sự tích tập là để tịnh hoá những che chướng của chúng ta. Và phương pháp để chứng ngộ Phật tánh đòi hỏi sự sùng mộ từ sâu thẳm trái tim chúng ta — không chỉ là lời nói suông hay sáo rỗng, mà là sự sùng mộ thực sự và chân thành đối với Tam Bảo. Có rất nhiều cuộc bàn luận về tánh Không trong Phật giáo. Nó được coi là một chủ đề rất quan trọng và sâu sắc. Tuy nhiên, trừ khi chúng ta biến nó thành kinh nghiệm cá nhân của mình và ngày càng làm quen với nó, nếu không, quan niệm về tánh Không của chúng ta có thể thay đổi rất nhiều theo từng năm, tùy thuộc vào những ảo tưởng trí óc hiện tại của chúng ta, và chúng ta sẽ không tiến bộ nhiều.

 

Vậy, làm thế nào chúng ta có thể đạt được sự tiến bộ thực sự trong kinhnghiệm cá nhân của mình? Chủ yếu là thông qua sự sùng mộ đối với Tam Bảo. Hạnh từ bi của chư Phật giống như một cái móc chỉ chờ để bắt những chúng sinh đã sẵn sàng mở lòng và hòa hợp với lòng bi này. Nếu chúng ta có niềm tin và lòng sùng mộ, chúng ta giống như một chiếc nhẫn sắt có thể bị móc vào. Nhưng nếu chúng ta khép kín và thiếu niềm tin và lòng sùng mộ, chúng ta giống như một quả cầu sắt rắn chắc. Ngay cả ‘những cái móc’ của chư Phật cũng không thể bắt được một quả cầu sắt.

 

Không phải chư Phật không có lòng bi hay coi thường một số chúng sinh. Lòng bi và hạnh của các ngài là bình đẳng và bao trùm tất cả, giống như mặt trời chiếu sáng trên bầu trời. Nhưng nếu chúng ta giống như một hang động hướng về phía bắc, ánh mặt trời sẽ không bao giờ chiếu vào bên trong chúng ta. Chúng ta cần có niềm tin và lòng sùng mộ để kết nối với sức mạnh từ bi của chư Phật. Nếu chúng ta không sở hữu những phẩm tính này, chúng ta không thể mở lòng mình với sự kết nối này, và chư Phật không có cách nào có thể giúp chúng ta.

Trạng thái giác ngộ hoàn toàn vượt ngoài các khái niệm. Không có niềm vui hay nỗi buồn trong đó, như là hạnh phúc khi được hài lòng hay cảm thấy buồn khi bị đối xử tệ. Trạng thái Phật quả vượt ngoài tất cả những điều này. Vì vậy, chư Phật không có sự ưu tiên giữa các chúng sinh; mỗi chúng sinh đều giống như đứa con duy nhất của các ngài. ‘Những cái móc’ từ bi của hạnh giác ngộ của các ngài hoàn toàn bình đẳng và bao trùm tất cả, giống như ánh nắng tỏa ra từ mặt trời.

Lòng bi của trạng thái thức tỉnh vượt ra ngoài cả sự thiên vị và khoảng cách. Nó giống như ánh mặt trời ở chỗ nó hoàn toàn không thiên vị. Không phải là mặt trời chiếu sáng ở một số quốc gia và không chiếu sáng ở những quốc gia khác; mặt trời không có khái niệm rằng “Ta sẽ chiếu sáng ở nơi đó, và để nơi này chìm trong bóng tối”. Lòng bi của chư Phật cũng vượt ngoài mọi khoảng cách. Hãy tưởng tượng rằng bạn đặt một tấm gương hướng về phía mặt trời: ngay khi bạn làm như vậy, tia nắng mặt trời sẽ phản chiếu ngay lập tức. Cũng giống như chư Phật: ngay khi chúng ta nghĩ về các ngài, các ngài ‘nhìn’ vào chúng ta; tia sáng từ bi của các ngài tiếp xúc với chúng ta.

 

Trạng thái giác ngộ nằm ngoài thời gian và không gian. Khả năng của nó là một khoảnh khắc ngắn ngủi như một cái búng tay có thể biến thành cả một kiếp, và một kiếp có thể biến thành một khoảnh khắc duy nhất. Chúng ta không bao giờ bị loại khỏi sự quán sát của những bậc giác ngộ. Chúng ta không bao giờ nằm ngoài tầm nhìn của họ. Trạng thái giác ngộ của tất cả chư Phật, chư Bồ tát, chư vị Daka và Dakini, v.v. chính là Pháp giới. Trạng thái chứng ngộ này được cho là có 'một vị', đồng nhất trong bản tánh thanh tịnh cốt yếu của nó. Tất cả chư Phật khác nhau giống như những ngọn đèn bơ khác nhau được thắp sáng trong một căn phòng. Những ngọn lửa riêng lẻ thì tách biệt và khác biệt, nhưng bản tính của ánh sáng thì không thể phân chia.

 

Trạng thái tâm của tất cả chư Phật chính là Pháp thân. Bản tánh của tâm chúng ta cũng là Pháp thân. Thực tế là chúng ta có cùng một bản tánh đóng vai trò như một mối liên kết trực tiếp giữa chúng ta và tất cả những bậc giác ngộ. Thiếu niềm tin và lòng sùng mộ, thì bản tánh Pháp thân của tâm chúng ta cũng giống như bị bao bọc trong những che chướng. Nhưng ngay khoảnh khắc bạn mở lòng sùng mộ, bạn sẽ nhận được phước lành của chư Phật.

 

Pháp thân của những bậc giác ngộ giống như ngọn đèn bơ với ngọn lửa đang cháy sáng rực. Bản tánh Pháp thân của tâm chúng sinh giống như ngọn đèn bơ với bấc đèn vẫn chưa được thắp sáng. Do đó, điều rất quan trọng là phải cho phép lòng bi và phước lành của những bậc giác ngộ đi vào chúng ta. Mối liên kết giữa chúng ta và trạng thái giác ngộ là niềm tin và lòng sùng mộ. Chỉ nghĩ rằng, "Tôi sẽ chỉ lo chứng ngộ tinh túy của tâm", trong khi không tạo ra bất kỳ niềm tin nào vào trạng thái giác ngộ thực sự sẽ không giúp chúng ta tiến bộ nhiều.

 

Để tiến bộ trong việc thực hành nhận biết tinh túy tâm, điều cực kỳ quan trọng là phát sinh niềm tin và lòng sùng mộ đối với những bậc giác ngộ và lòng bi đối với những người chưa giác ngộ. Một lý do cho lòng bi là tất cả chúng sinh, không có một ngoại lệ nào, đều đã từng là mẹ của chúng ta trong những kiếp trước. Hãy quán tưởng rằng bằng cách nào đó chúng ta có thể cuộn toàn bộ thế giới thành những viên nhỏ và đếm chúng. Số lượng những viên này vẫn sẽ ít hơn số lượng những người mẹ mà chúng ta đã có trong những kiếp trước. Trong số tất cả sáu loài chúng sinh, không có một ai chưa từng là mẹ của chúng ta. Đây là lý do tại sao chúng ta luôn nghe lặp đi lặp lại trong giáo lý, 'Tất cả chúng sinh, những người mẹ của tôi, ...' hoặc 'chúng sinh mẹ hiền...'. Trên thực tế, tất cả chúng sinh đều là những người mẹ của chúng ta từ những kiếp trước.

Tại sao người mẹ lại đặc biệt như vậy? Khi chúng ta được sinh ra, chúng ta hoàn toàn bất lực và không có khả năng tự chăm sóc cho bản thân. Chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ của mình. Mẹ là người chăm sóc chúng ta nhiều hơn nhiều so với cha của chúng ta vào giai đoạn ban đầu. Tất nhiên, một người cha có thể tử tế, nhưng không giống như một người mẹ. Một người mẹ luôn dành tình yêu thương và sự chăm sóc vô điều kiện cho một đứa trẻ — bà chú ý đến đứa trẻ nhiều hơn là bản thân mình. Trên thực tế, người mẹ liên tục cứu sống đứa con của mình: nếu bà chỉ cần bỏ rơi nó, nó sẽ không thể sống sót. Một đứa trẻ sơ sinh là bất lực như vậy.

 

Một số người bối rối về bản tánh của lòng bi và muốn biết thuật ngữ này có nghĩa là gì. Đây là một ví dụ: hãy quán tưởng rằng mẹ bạn đang ở trước mặt bạn, bị bao quanh bởi những kẻ đồ tể chặt tay, chân và cánh tay của bà. Chúng móc mắt bà ra, cắt tai và mũi bà, và cuối cùng chặt đầu bà. Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi nhìn thấy mẹ mình bị chặt thành từng mảnh? Bạn không cảm thấy vô cùng buồn bã và đau đớn sao? Cảm xúc đó chính là lòng bi. Ngay bây giờ, chúng ta có thể chỉ nghĩ đến người mẹ hiện tại của mình, nhưng thực tế, tất cả chúng sinh khác — bất kể họ là ai, thậm chí là động vật — đều từng là mẹ của chúng ta. Sự chia ly hiện tại của chúng ta với họ chỉ là vấn đề thời gian và không gian. Nếu chúng ta thực sự ghi nhớ điều này, làm sao chúng ta không thể không cảm thấy bi mẫn với tất cả chúng sinh?

 

Tất cả chúng sinh chỉ muốn hạnh phúc. Không ai muốn khổ đau. Nhưng thông qua sự tham luyến, sân giận và si mê, chúng sinh chỉ tạo ra nghiệp xấu cho chính mình, tạo ra một con đường thẳng vào ba cõi thấp. Trong quá khứ, những chúng sinh mẹ hiền của chúng ta đã đi đến ba trạng thái bất hạnh này; trong khoảnh khắc hiện tại, họ lại đang hướng đến đó, và trong tương lai họ sẽ tiếp tục trên con đường đau khổ đó. Khi suy ngẫm về điều này, làm sao chúng ta không cảm thấy bi mẫn? Cảm xúc mà điều này gợi lên chính là ý nghĩa của lòng bi. Nếu chúng ta cứ quay lưng lại và từ bỏ tất cả các bà mẹ của mình vì lợi ích và niềm vui của riêng mình, nghĩ rằng, "Tôi sẽ thiền một chút, đạt được sự giác ngộ và được hạnh phúc", thì chúng ta là loại người nào? Đó không phải là cách cư xử hoàn toàn vô tâm sao?

 

Nếu không có đất màu mỡ, hạt giống không thể nảy mầm thành hoa. Lòng bi giống như đất màu mỡ đó. Phước lành của niềm tin giống như cơn mưa rơi từ trên cao. Khi hạt giống của việc tu tập tinh túy tâm được gieo trồng trên đất màu mỡ của lòng bi và được tưới mát bởi mưa phước lành thông qua lòng sùng mộ của chúng ta, nó sẽ tự động phát triển.

Một người có lòng bi chân thành thì trung thực và tử tế một cách tự nhiên, và sẽ tránh làm tổn thương người khác bằng những hành động xấu. Do đó, người đó sẽ tự động tiến bộ và sẽ phát sinh nhiều phẩm tính. Nếu chúng ta có lòng bi, chúng ta sẽ tự nhiên chú ý đến nhân quả của hành động của mình. Chúng ta sẽ cẩn thận. Một người thiếu lòng bi có thể dễ dàng trở thành một kẻ lừa đảo hoàn toàn mà không quan tâm đến bất kỳ ai khác. Một kẻ mạo danh như vậy chỉ lợi dụng người khác. Người đó chắc chắn sẽ không tiến bộ.

Thiếu niềm tin vào những bậc giác ngộ cũng giống như gieo một hạt giống trên đất khô. Hạt giống sẽ phát triển như thế nào? Tuy nhiên, nếu hạt giống gặp đất màu mỡ và nước mưa, không gì có thể ngăn cản nó nảy mầm và phát triển. Ngược lại, hạt giống nằm trên đá trơ trụi, không có đất màu mỡ và độ ẩm, thì sẽ vẫn như vậy qua từng năm, không có sự khác biệt, không có sự tiến triển.

 

Chỉ ngồi và nói, “Tánh Không, tánh Không. Tâm này là tánh Không!” là chưa đủ. Chúng ta muốn thực sự tiến bộ: để làm được điều này, niềm tin và lòng sùng mộ là điều thiết yếu, và lòng bi là điều không thể thiếu. Nếu không có lòng sùng mộ và lòng bi, chúng ta sẽ chai sạn như người nhìn thấy một vị Phật bay ngang qua trên trời và nói, “Thì sao nào!” Hoặc chúng ta giống như người nhìn thấy một sinh vật sống khác bị chặt ra với ruột gan lòi ra ngoài và nói, “Tôi không quan tâm!” Khi đó, sự thực hành của chúng ta chẳng khác gì hạt giống nằm trên đá trơ trụi. Nó sẽ không bao giờ nảy mầm. Khi một người chán nản và thiếu niềm tin như vậy nhìn thấy các vị Phật bay trên trời, anh ta nghĩ, “Có lẽ họ chỉ đang nín thở hoặc đang làm trò gì đó.” Tương tự như vậy, khi anh ta nhìn thấy một người khác bị cắt xẻo, anh ta nói, “Đó là nghiệp của họ. Nó không liên quan gì đến tôi. Tôi ổn ở đây. Đau khổ của họ là việc của họ.” Với thái độ như vậy, sẽ không bao giờ có bất kỳ tiến bộ thực sự nào trong thiền định.

 

Đây là một ví dụ khác dành cho người thiếu niềm tin. Giả sử chúng ta kể cho họ nghe về lối sống của người Mỹ, về những ngôi nhà và đồ dùng đẹp đẽ, v.v. Người kia có thể trả lời, “Tôi không tin anh. Tôi chưa từng đến đó và nhìn thấy chúng, nên những thứ này không thể tồn tại. Anh đang nói dối: bất cứ thứ gì tôi chưa từng nhìn thấy đều không tồn tại.” Điều này nghe có vẻ vô lý, nhưng rất nhiều người đã nói, “Tôi không thấy bất kỳ cõi Phật nào, nên chúng không tồn tại. Tôi không thấy bất kỳ cõi địa ngục nào, nên không có những nơi như vậy.”

Lý do tôi không nghĩ theo cách này là vì tôi tin vào vị thầy chính của mình, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài có thể nhìn thấu rõ ràng ba thời và thấy sáu cõi chúng sinh và tất cả các cõi Phật ở mọi phương. Vì trí huệ sâu sắc và thâm sâu của ngài, tôi coi mọi điều ngài nói đều hoàn toàn đúng và không có sai sót. Giữa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và tôi đã có một dòng truyền thừa các đạo sư vĩ đại mà tôi cũng hoàn toàn tin tưởng. Niềm tin này mở rộng đến tận đạo sư gốc của tôi, người mà tôi có niềm tin hoàn toàn từ tận đáy lòng mình. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào tất cả những bậc này; tôi không cảm thấy rằng bất kỳ ai trong số họ từng nói dối.

Kể từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đã có vô số hành giả khác có cùng niềm tin và sự tin chắc vào giáo lý của những bậc giác ngộ. Thông qua những phẩm tính này, họ có thể đạt được thành tựu lớn. Họ có thể bay trên bầu trời, xuyên qua vật chất rắn chắc và đạt được sự giác ngộ hoàn toàn chỉ trong một đời. Nếu chúng ta không tin vào lời của chư Phật vì chúng ta không thể kinh nghiệm những điều như vậy thông qua các giác quan của chính mình, thì chúng ta giống như một người, khi được bảo rằng, "Phía sau ngọn đồi này có một số ngôi làng", thì trả lời rằng "Không có đâu, vì tôi chưa từng nhìn thấy chúng". Nghe thế nào? Chẳng phải nghe có vẻ ngớ ngẩn sao?

 

Nhiều hành giả trong quá khứ đã tin Đức Phật khi Ngài nói, “Có cõi Phật ở trên cao và các cõi thấp ở dưới; ở giữa là quả báo của những hành động nghiệp của chính chúng ta.” Họ có niềm tin vào lời của bậc giác ngộ, lời của các vị Bồ tát và những giáo huấn khẩu truyền của các bậc đạo sư gốc của họ. Được truyền cảm hứng bởi niềm tin này, họ đưa giáo lý vào thực hành và thông qua việc làm như vậy, họ đã đạt được sự chứng ngộ. Trên thực tế, họ không thể tránh khỏi việc đạt được thành tựu; họ cũng không thể tránh khỏi việc làm lợi lạc cho vô số chúng sinh khác. Đây không chỉ là một câu chuyện cũ từ quá khứ; điều này vẫn đang xảy ra ngày nay.

Nếu chúng ta chỉ dựa vào kinh nghiệm cá nhân hạn hẹp của chính mình làm thước đo cho mọi thứ, chúng ta chắc chắn có thể nói, “Tôi không thấy bất kỳ cõi Phật nào, vì vậy không có cõi Phật nào. Tôi không thấy bất kỳ cõi địa ngục nào ở dưới, vì vậy không có cõi địa ngục nào. Nếu tôi làm điều gì đó xấu ngay bây giờ, tôi sẽ không đột nhiên kết thúc ở cõi thấp hơn. Không có gì xảy ra cả. Do đó, hành động của tôi không có quả báo gì cả.” Nhưng may mắn thay, chúng ta có nhiều hơn hiểu biết hạn hẹp của riêng mình để dựa vào khi chúng ta đánh giá những lời như vậy. Chúng ta có lời của bậc giác ngộ hoàn toàn, cũng như dòng truyền của các bậc đạo sư vĩ đại. Đã có và thực sự vẫn còn vô số hành giả có thể đạt được thành tựu thông qua niềm tin của họ vào chư Phật. Đây là lý do tại sao chúng ta có thể cảm thấy hoàn toàn tin tưởng vào những giáo lý đó.

 

Bản thân tôi chưa từng đến bất kỳ cõi Phật nào với thân thể hiện tại này, vì vậy tôi có thể nói rằng theo kinh nghiệm của riêng tôi thì không có cõi Phật nào. Tương tự như vậy, trong chính thân thể này, tôi chưa từng đến địa ngục, vì vậy tôi có thể nói rằng không có. Tôi cũng có thể nói rằng hành động của tôi không có nghiệp quả gì cả. Tôi chắc chắn có thể nghi ngờ về tất cả những điều này, nếu không có ba loại đánh giá hoàn hảo. Đây là những lời của Đức Phật, những lời của các vị đại Bồ tát và những giáo huấn khẩu truyền của các bậc đạo sư gốc của chúng ta. Vì những lý do này, bản thân tôi có thể nói rằng tôi không có bất kỳ nghi ngờ nào về những vấn đề này, mà hoàn toàn tin vào những giáo lý này. Loại niềm tin này làm cho sự thành tựu thông qua thực hành Pháp trở nên khả thi. Ngược lại, nếu chúng ta tiếp tục do dự và nảy sinh nghi ngờ về giáo lý của Đức Phật, thì sự thành tựu là không thể.

 

Hãy lấy ví dụ này: trong một tay tôi có một viên kim cương lớn, trong tay kia là một khối thủy tinh. Tôi nói, "Một trong những thứ này là kim cương: bạn có muốn mua nó với giá rất hời không?" Bây giờ, bạn không chắc chắn đâu là kim cương và đâu chỉ là thủy tinh. Vì sự nghi ngờ này, bạn sẽ phải nói, "Tôi không biết", và bạn sẽ không bao giờ có thể mua được viên kim cương đó cho dù nó có hời đến đâu. Đó chính là sự nghi ngờ. Sự nghi ngờ cản trở mọi hoạt động chúng ta làm trên thế giới này, bất kể là gì.

 

Tóm lại, chúng ta cần lòng sùng mộ đối với những bậc giác ngộ và lòng bi đối với những chúng sinh chưa giác ngộ. Có được hai điều này, thì phương pháp tu tập chính là gì? Đó là duy trì sự không xao lãng. Khi chúng ta quên mất tinh túy tâm và bị cuốn đi, con quỷ xao lãng sẽ phục kích. Nhưng với lòng sùng mộ và lòng bi, việc thực hành nhận biết tinh túy tâm sẽ tự động tiến bộ. Nhiều người đến gặp tôi và nói rằng, “Con đã cố gắng thiền định trong nhiều năm, nhưng không có gì xảy ra; con không tiến bộ được gì cả.” Điều này là do không sử dụng phương pháp hiệu quả, phương tiện đúng. Chúng ta có thể có phương diện trí huệ về việc nhận biết tinh túy tâm, nhưng nếu không kết hợp nó với phương tiện của niềm tin và lòng bi, chúng ta sẽ không tiến bộ được gì. Chúng ta có thể biết cách lắp ráp và lái xe, nhưng nếu không có các bộ phận cần thiết, chúng ta sẽ không bao giờ có thể lái xe đi bất cứ đâu.

Hãy giữ giáo lý này ở trung tâm trái tim bạn; không phải ở rìa hay một bên trái tim bạn, mà là ở chính giữa. Hãy nghĩ rằng, “Ông lão Tây Tạng đó đã nói rằng lòng sùng mộ và lòng bi là điều thiết yếu. Tôi sẽ giữ điều đó ngay giữa trái tim mình.” Tôi đã muốn nói điều này từ lâu rồi, nhưng tôi cảm thấy rằng bây giờ mọi người sẵn sàng lắng nghe hơn. Bởi vì điều này cực kỳ quan trọng nên tôi cảm thấy cần phải nói ra.

Tôi đang nói sự thật với bạn ở đây. Tôi đang trung thực với bạn. Tôi không nói dối. Nếu bạn thực hành theo cách tôi đã mô tả ở đây, thì mỗi tháng và mỗi năm sẽ mang lại sự tiến bộ. Và cuối cùng, không ai có thể kéo bạn lại hoặc ngăn cản bạn đạt được sự giác ngộ.

 

Bài viết liên quan