NÊU TÁNH THẤY VƯỢT NGOÀI NGHĨA PHẢI VÀ CHẲNG PHẢI - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

NÊU TÁNH THẤY VƯỢT NGOÀI NGHĨA PHẢI VÀ CHẲNG PHẢI

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

Phật bảo A Nan: Nay ông nói, tánh thấy ở trước mặt ông, nghĩa ấy không đúng. Nếu thật ở trước mặt ông và ông thật thấy được nó thì cái tinh túy của cái thấy đã có nơi chốn, chẳng phải không chỉ ra được.
NÊU TÁNH THẤY VƯỢT NGOÀI NGHĨA PHẢI VÀ CHẲNG PHẢI - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

A Nan bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, nếu tinh túy của cái thấy (kiến tinh) này chắc hẳn là diệu tánh của con thì diệu tánh ấy phải hiện tại ở trước mắt. Tánh thấy ấy thật là con thì thân tâm con hiện giờ lại là vật gì?

Nhưng nay thân tâm con thật có phân biệt, còn tánh thấy kia không phân biệt, khác với thân con. Nếu nó thật là tâm con, khiến con hiện nay thấy được, thì tánh thấy thật là con mà thân này không phải là con.

Thế thì đâu có khác gì trước kia Như Lai đã gạn hỏi, vật có thể thấy được con chăng. Cúi mong bậc Đại Từ mở bày cho kẻ chưa ngộ.

Vì chưa thật biết tánh thấy nên tánh thấy chưa thể tiêu dung thân tâm, do đó có một bên là tánh thấy, một bên là thân tâm. Thân kiến vẫn còn nên chưa thể Nhập lưu, chưa chuyển được vật để đồng với dòng nước pháp của Như Lai.

Thân tâm khác biệt với tánh thấy, chưa thể tan chảy làm một với tánh thấy thì dùng Chỉ, Quán, Thiền khiến cho nó tiêu dung. Bởi vì chỉ có chấp ngã, chấp pháp mới là những chướng ngại duy nhất ngăn che mình với tánh thấy, chứ tánh thấy thì thường trụ xưa nay, vốn sẵn, chẳng phải do làm ra, chẳng phải do tu tập.

Thân tâm như cái chai. Ở trong chai là hư không, ở ngoài chai là hư không, hư không ở khắp tất cả. Khi thấy biết được hư không thì không thể nói thân tâm này khác với diệu tánh.

CHỈ RA TÁNH THẤY CHẲNG PHẢI TỨC LÀ

Phật bảo A Nan: Nay ông nói, tánh thấy ở trước mặt ông, nghĩa ấy không đúng. Nếu thật ở trước mặt ông và ông thật thấy được nó thì cái tinh túy của cái thấy đã có nơi chốn, chẳng phải không chỉ ra được.

Vậy nay ông cùng Như Lai ngồi trong vườn Kỳ Đà, xem khắp rừng suối, nhà cửa, cho đến mặt trời mặt trăng, phía trước là sông Hằng. Nay ông đang đứng trước tòa sư tử của ta, hãy đưa tay chỉ rõ ra các thứ hình tướng kia: chỗ im mát là rừng, ánh sáng là mặt trời, chỗ ngăn ngại là vách, thông suốt là hư không, như thế cho đến cỏ cây, mảy mún, nhỏ lớn khác nhau, nhưng đã có hình tướng thì đều chỉ ra được.

Vậy nếu tánh thấy nhất định hiện ở trước mặt ông, thì ông hãy lấy tay chỉ đích xác cái gì là tánh thấy. A Nan, ông nên biết, nếu hư không là tánh thấy, đã thành tánh thấy rồi, thì cái gì là hư không? Nếu vật là cái thấy thì vật đã thành tánh thấy, thì cái gì là vật? Ông hãy phân tích muôn tượng để tách ra tánh thấy sẵn có, sáng tỏ, thanh tịnh, nhiệm mầu để chỉ bày cho ta như các vật kia một cách phân minh không lầm lẫn.

A Nan thưa: Nay con ở trong giảng đường này, xa thấy sông Hằng, trên thấy mặt trời mặt trăng. Đưa tay chỉ ra, đưa mắt mà xem thì những cái chỉ ra được đều là vật, không có cái gì là tánh thấy.

Bạch Thế Tôn, như lời Phật dạy, chẵng những hàng hữu lậu sơ học Thanh Văn chúng con, mà cho đến các vị Bồ tát cũng không thể đối trước hiện tượng muôn vật có thể chỉ ra được tinh túy của cái thấy (kiến tinh) mà lìa ngoài tất cả vật có riêng tự tánh.

Phật nói: Đúng như vậy, đúng như vậy.

Tánh thấy không phải là vật, cho đến không phải hư không, nên không thể chỉ ra là cái gì cụ thể. Nó không có tướng, là Vô tướng. Nó cũng không có riêng tự tánh, là Vô tánh. Vì vô tướng và vô tánh nên nó không tức là cái gì cả. Không tức là cái gì cả nên nó giải thoát khỏi tất cả. Đồng thời vì không có tự tánh nên nó ở khắp tất cả.

Tánh thấy không phải vật, nhưng nhờ có vật, nó mới hiển bày với chúng ta. Như đại dương không phải là sóng, nhưng nhờ có sóng chúng ta mới nhìn ra được đại dương là nền tảng của sóng.

Chỉ một cái ‘không tức là’ này mà tham thiền cho đến tận nguồn sẽ thấy tận mặt tánh thấy ‘không tức là’ này. Cái ‘không tức là’ không thể trả về đâu này luôn thường trụ trước mắt chúng ta.

CHỈ RA TÁNH THẤY CHẲNG PHẢI LÀ CHẲNG PHẢI

Phật bảo A Nan: Như ông đã nói, không có tánh thấy lìa tất cả vật mà riêng có tự tánh, thì trong tất cả cái chỉ ra được đều là vật, không có cái gì là tánh thấy cả. Nay ta hỏi lại ông, ông cùng Như Lai ngồi trong rừng Kỳ đà, lại xem vườn rừng cho đến mặt trời mặt trăng, đủ thứ hình tượng khác nhau, nhất định không có tánh thấy cho ông chỉ ra được.Vậy ông hãy phát minh trong các vật đó, cái gì chẳng phải là tánh thấy?

A Nan thưa: Quả thật, con nhìn khắp rừng Kỳ đà này chẳng biết trong ấy cái gì chẳng phải là tánh thấy. Vì sao thế? Nếu cây chẳng phải là tánh thấy thì làm sao thấy được cây? Nếu cây tức là tánh thấy thì sao gọi là cây? Như thế cho đến hư không chẳng phải là tánh thấy thì làm sao thấy được hư không? Nếu hư không tức là tánh thấy thì sao gọi là hư không?

Con lại suy nghĩ, trong muôn vật đây, phát minh cho vi tế thì không có cái gì chẳng phải là tánh thấy cả.

Phật nói: Đúng như vậy, đúng như vậy.

Cái cây cho đến hư không chẳng phải là tánh thấy thì làm sao thấy được cây cho đến hư không. Còn nếu như cây cho đến hư không là tánh thấy thì sao còn gọi là cây và hư không?

Tức là thì chẳng phải, mà chẳng phải là cũng chẳng phải. Tánh thấy siêu vượt tức là và chẳng phải, có và không, thường và đoạn, đến và đi, một và nhiều….vì tất cả những ý niệm này chỉ là hý luận.

Lại suy nghĩ, phát minh cho vi tế thì không có cái gì chẳng phải là tánh thấy vì tôi đang thấy tất cả đây mà, tánh thấy vẫn hiện diện lúc này, ở đây.

Cứ nghe (văn), suy nghĩ (tư), và thực hành (tu) tới mức vi tế thì sẽ phát minh ra tánh thấy hiện đây, bây giờ mà ‘chẳng phải là cái gì cả mà là tất cả’ luôn luôn hiện bày trước mặt.

Một khi chứng thực được tánh thấy như tấm gương Đại viên cảnh trí này thì gương chẳng phải tức là bóng mà gương cũng chẳng phải chẳng là bóng, đây là điều hiển nhiên.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan