NGÀI VĂN THÙ KÍNH XIN PHẬT PHÁT MINH HAI NGHĨA TỨC LÀ VÀ CHẲNG PHẢI - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

NGÀI VĂN THÙ KÍNH XIN PHẬT PHÁT MINH HAI NGHĨA TỨC LÀ VÀ CHẲNG PHẢI

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

Phật dạy: tánh thấy diệu kỳ sáng tỏ này, cùng với hư không và tiền trần cũng lại như vậy. Vốn là chân tâm giác ngộ vô thượng tròn sáng thanh tịnh nhiệm mầu, mà vọng làm ra sắc, không và các thứ thấy, nghe.
NGÀI VĂN THÙ KÍNH XIN PHẬT PHÁT MINH HAI NGHĨA TỨC LÀ VÀ CHẲNG PHẢI - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

Khi ấy những vị chưa chứng quả Vô học trong đại chúng, nghe Phật nói thế, mờ mịt chẳng biết nghĩa ấy đầu đuôi thế nào, lo sợ mất chỗ bám níu.

Như Lai biết đại chúng lo sợ, sanh lòng thương xót, an ủi A Nan và đại chúng: Các thiện nam tử! Bậc Vô thượng Pháp vương nói lời chân thật, như tánh chân như mà nói, không hư dối, chẳng phải như bốn thứ nghị luận càn dở của nhóm Mạt già lê. Các ông hãy chín chắn suy nghĩ, chớ phụ lòng thương mến của ta.

Lúc ấy Văn Thù Sư Lợi Pháp vương tử thương xót bốn chúng, từ chỗ ngồi trong đại chúng đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, chắp tay cung kính bạch Phật: Bạch Thế Tôn, đại chúng đây chưa ngộ được chỗ Như Lai phát minh hai nghĩa ‘tức là’ và ‘chẳng phải’ của tánh thấy và sắc không.

Bạch Thế Tôn, như vậy các hiện tượng sắc không trước mắt, nếu tức là tánh thấy thì đáng lẽ ra phải chỉ ra được, còn nếu chẳng phải là tánh thấy thì lẽ ra không thể thấy được. Nay chẳng biết nghĩa này về đâu nên mới lo sợ, chứ chẳng phải thiện căn trước đây mỏng ít. Cúi mong Như Lai từ bi phát minh cho rõ các vật tượng và tánh thấy vốn là cái gì mà ở trong ấy không có cái tức là (thị) và chẳng phải (phi thị)?

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi cùng tất cả đại chúng: Mười phương Như Lai và các Đại Bồ tát tự trụ trong chánh định này, thì trong ấy, cái thấy cùng các duyên thấy đều là tướng do tưởng, như hoa đốm giữa hư không vốn không chỗ có.

Cái thấy và các duyên được thấy nguyên là thể Giác ngộ sáng tỏ thanh tịnh nhiệm mầu. Làm sao trong ấy lại có nghĩa tức là và chẳng phải?

 

Khi thấy có tướng bèn đặt ra câu hỏi tướng tức là tánh hay chẳng phải tánh. Sắc tức là Không hay chẳng phải Không. Khi thấy sanh tử bèn có vấn đề sanh tử tức là Niết bàn hay chẳng phải Niết bàn. Khi thấy hoa giữa hư không bèn đặt ra vấn đề hoa tức là hư không hay chẳng phải hư không.

Vấn đề tức là và chẳng phải được đặt ra một khi đã thấy các tướng do tưởng tạo thành. Không có tưởng phân biệt, không có vọng thấy thì mọi vấn đề chỉ là hý luận.

Không có tưởng phân biệt thì tất cả tướng đều thanh tịnh, sáng tỏ, nhiệm mầu, tất cả đều là thể Giác ngộ, từ một hạt bụi cho đến vũ trụ. Không chạy theo tướng và tưởng phân biệt thì tất cả đều là tánh thấy, sáng tỏ, thanh tịnh, nhiệm mầu. Tánh thấy ấy là thể Giác ngộ, trong ấy tất cả đều vốn là giác ngộ.

Đây là chỗ kinh Kim Cương nói: “Phàm hể có tướng đều là hư vọng. Thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai” và “Tất cả pháp đều là Phật pháp”.

 

TÁNH THẤY KHÔNG CÓ TỨC LÀ HAY CHẲNG PHẢI

Này Văn Thù, nay ta hỏi ông: Như ông chính là Văn Thù, lại còn có Văn Thù nào tức là Văn Thù hay chẳng phải Văn Thù nữa hay không?

Bạch Thế Tôn, đúng như thế. Con nay thật là Văn Thù, không có tức là Văn Thù nào nữa. Vì sao thế?

Nếu có tức là Văn Thù thì sẽ có hai Văn Thù. Nhưng giờ đây con chẳng phải là không Văn Thù. Trong ấy thật không có hai tướng tức là hay chẳng phải.

Khi chứng ngộ hoàn toàn tánh thấy thì không gì chẳng là tánh thấy. Không thể nói cây này tức là hay chẳng phải tánh thấy, hòn đá kia tức là hay chẳng phải tánh thấy, người trẻ tươi đẹp người già khô nhăn kia tức là hay chẳng phải tánh thấy…

Khi chứng ngộ hoàn toàn tấm gương thì mọi bóng cao thấp, xấu tốt, xanh đỏ…đều là gương. Khi thế giới đồng một tánh vàng thì tất cả đều là vàng, không còn một khe hở nào cho ‘tức là’ vàng hay ‘chẳng phải’ vàng. Ngài Văn Thù là trí huệ. Trong trí huệ thì tất cả đều là trí huệ, không thể nói cái này cái kia tức là hay chẳng phải trí huệ.

Kinh Đại Bát Nhã nói “Một tướng, vô tướng” chính là tánh thấy Minh Không này vậy.

Đầu tiên và cuối cùng là nhìn thấy Văn Thù. Hãy nhìn xem có cái gì không là Trí huệ Văn Thù: trong suốt, rỗng rang, kỳ diệu, thanh tịnh không một hạt bụi... Trước mắt là Văn Thù, không có cái gì không phải Văn Thù, không có một khe hở, một hạt bụi nào không phải là Văn Thù.

Khi tất cả mắt tai mũi lưỡi thân ý đều là Văn Thù, không có cái gì ngoài Văn Thù, thì nói Văn Thù tức là Văn Thù là lời dư thừa, thậm chí là một vọng tưởng. Vọng tưởng ấy liền sanh ra các vọng tưởng khác, như thí dụ Diễn Nhã Đạt Đa với cái đầu của mình.

Nhưng cái thấy Văn Thù mới xảy ra một lần, dù rõ ràng đến bao nhiêu, cũng chưa đủ. Phải niệm niệm không lìa cái Thấy ấy, đó là Thiền định. Và phải hòa cái thấy ấy với tất cả đời sống bằng toàn bộ thân tâm mình, đó là Hạnh. Cuối cùng mới tới Quả. Tất cả là Quả, chẳng còn cái nhân nào.

Phật dạy: tánh thấy diệu kỳ sáng tỏ này, cùng với hư không và tiền trần cũng lại như vậy. Vốn là chân tâm giác ngộ vô thượng tròn sáng thanh tịnh nhiệm mầu, mà vọng làm ra sắc, không và các thứ thấy, nghe. Ví như (dụi mắt thấy) mặt trăng thứ hai, thì cái nào tức là mặt trăng thật, cái nào chẳng phải là mặt trăng.

Này Văn Thù, chỉ có một mặt trăng thật, trong đó vốn không có cái tức là mặt trăng hay chẳng phải là mặt trăng.

Tánh thấy, hư không, tiền trần chỉ là một thể Giác ngộ, không có một huống là có ba. Tánh thấy vốn là chân tâm giác ngộ tròn sáng thanh tịnh nhiệm mầu mà vọng làm ra sắc không, các thứ thấy nghe hay biết chỉ vì một niệm bất giác, như dụi mắt bèn vọng thấy có mặt trăng thứ hai. Trong mặt trăng chân tâm ấy, làm gì có tức là hay chẳng phải mặt trăng. Khi một niệm bất giác đã khởi bèn sanh ra vô số niệm bất giác phân biệt khác, từ nay có nhiễm ô, có tịnh hóa, có tu hành, có buông trôi…đều là việc làm trên mặt trăng thứ hai.

Vậy thì làm thế nào để mặt trăng thứ hai trở lại mặt trăng thật, duy nhất, không hai?

Hãy nhìn mà không có một niệm bất giác, một niệm phân biệt thì khi ấy chính là mặt trăng thật. Hãy nhớ luôn luôn rằng dầu lỡ thấy mặt trăng thứ hai, dầu lỡ thấy sắc thanh hương vị xúc pháp, dầu lỡ thấy tiền trần và hư không thì tất cả mọi thứ của mặt trăng thứ hai này luôn luôn ở trên mặt trăng thật. Dầu vọng niệm, vọng thấy, vọng nghe…thì tất cả đều xảy ra ngay trên mặt trăng thật. Không có cái gì ở ngoài chân tánh, ngoài thể Giác ngộ.

Tham thiền là để thấy được tất cả là một Văn Thù, không có cái gì khác Văn Thù, không có cái gì ngoài Văn Thù. 

Thế nên nay các ông quan sát cái thấy và trần cảnh các thứ phát hiện ra được đều là vọng tưởng, trong ấy không thể chỉ ra tức là hay chẳng phải. Nhưng do đây là tánh giác diệu minh thuần chân, nên khiến các ông ra khỏi cái chỉ ra được và cái chẳng chỉ ra được.

Trong tánh thấy hay tánh giác diệu minh thuần chân, chỉ có vọng tưởng phân biệt mới chia cắt thành tức là và chẳng phải, chỉ ra được và chẳng chỉ ra được. Nhưng dù có vọng tưởng phân biệt chia cắt bao nhiêu cũng vẫn là một “đây là tánh giác diệu minh thuần chân, nên khiến các ông ra khỏi cái chỉ ra được và cái chẳng chỉ ra được.

Ngộ ra được tánh giác hay tánh thấy này thì đâu đâu cũng sáng khắp (minh), vượt khỏi diễn tả ngữ ngôn (diệu), thuần nhất một vị Niết bàn Pháp thân (thuần chân).

Chỉ cần một niệm không có vọng tưởng phân biệt, thì không còn mặt trăng thứ hai, bèn “Nhìn kỹ pháp vương pháp, pháp vương pháp như vậy”. Rồi sống cái như vậy cho đến lúc hết vô minh tạo tác chia cắt, bấy giờ tánh giác tròn đầy viên mãn, bổn nguyên.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan