NGHỆ THUẬT GIÁO HUẤN - FRÉDÉRIC LENOIR - SOCRATE ĐỨC GIÊSU VÀ ĐỨC PHẬT: BA TÔN SƯ SỰ SỐNG

NGHỆ THUẬT GIÁO HUẤN

FRÉDÉRIC LENOIR - SOCRATE ĐỨC GIÊSU VÀ ĐỨC PHẬT: BA TÔN SƯ SỰ SỐNG

VĨNH AN DỊCH

---o0o---

Những lời giảng dạy của Đức Phật, Socrate và Đức Giêsu đã vượt qua nhiều thế kỷ và những thiên niên kỷ mà không có một vết nhăn nào. Chắc chắn điều này hiểu được vì gương lành của đời sống, vì tư tưởng các ngài có tính chất canh tân sâu xa so với những quan điểm thịnh hành trong thời đại các ngài và sứ điệp các ngài có tầm mức phổ quát. Tuy nhiên, đối với tôi, dường...
NGHỆ THUẬT GIÁO HUẤN - FRÉDÉRIC LENOIR - SOCRATE ĐỨC GIÊSU VÀ ĐỨC PHẬT: BA TÔN SƯ SỰ SỐNG

Những lời giảng dạy của Đức Phật, Socrate và Đức Giêsu đã vượt qua nhiều thế kỷ và những thiên niên kỷ mà không có một vết nhăn nào. Chắc chắn điều này hiểu được vì gương lành của đời sống, vì tư tưởng các ngài có tính chất canh tân sâu xa so với những quan điểm thịnh hành trong thời đại các ngài và sứ điệp các ngài có tầm mức phổ quát. Tuy nhiên, đối với tôi, dường như một yếu tố khác đã góp phần cho tư tưởng và nhân cách của các ngài tỏa sáng đối với những môn đệ thân cận cũng như những ai yêu mến và đi theo các ngài qua nhiều thế kỷ. Nhân tố này chính là nghệ thuật giáo huấn, mà các ngài đã đẩy đến mức hoàn hảo.

Những diễn từ của các ngài đánh động những người lắng nghe không phải vì các ngài là những diễn giả xuất chúng có được một kỹ thuật nào đó, nhưng vì các ngài biết nói một ngôn ngữ của chân lý và tìm thấy những từ ngữ để diễn tả một kinh nghiệm đích thực về sự khôn ngoan. Không vị nào trong ba vị trong thời của mình, là một nhà giảng thuyết độc nhất hoặc một nhà tư tưởng biệt lập: hai ngàn năm trăm năm trước, Ấn Độ Có rất nhiều người thầy phản kháng, các đạo sĩ khổ hạnh hoặc luyện yoga, nơi một số đạo sĩ còn có các môn đệ đi theo. Họ đều đứng dậy chống lại truyền thống Vệ-đà. Còn thành phố Athène, về phần nó, đã mở rộng cửa cho các nhà tư tưởng, các nhà ngụy biện hoặc những người thừa kế của các triết gia đầu tiên ở Milet. Đất Palestine thời Đức Giêsu đã là một vườn ươm các tiên tri đứng lên chống lại trật tự được thiết lập và loan báo một thời đại mới sắp đến gần. Vả lại, cho dù một số các diễn giả ấy có thể đã lập ra các trường phái cho thời đại của họ và phần nào đó được trọng vọng, nhưng lịch sử đã quên tên họ. Pha trộn châm biếm với khối hài ở những mức độ khác nhau, sự giáo huấn bậc thầy với việc đối thoại, tài hùng biện lôi cuốn và sức mạnh của cử chỉ, ba tôn sư của chúng ta còn ở lại trong trí nhớ mọi người. Tuy nhiên mỗi vị có cách riêng để thuyết giảng và giáo huấn: Socrate qua câu hỏi và sự trào phúng, Đức Phật bởi quyền bính các bài giảng và cái nhìn sắc bén về thế gian, Đức Giêsu bởi sức mạnh và sự dịu dàng trong giáo huấn và cử chỉ. Cả ba vị đã vượt qua các thế kỷ nhờ hương thơm của tính xác thực và của yêu sách chân lý toát ra từ đời sống và ngôn từ của các ngài.

SỰ MỈA MAI CỦA SOCRATE

Trong một phần ba của cuộc đời, Socrate thường dùng để đáp lại mệnh lệnh của Apollon, thần linh của đền Delphes, và ông khẳng định trong Apologie dưới ngòi bút của Platon rằng thần Apollon đã “ra lệnh cho tôi theo những gì tôi tin và tự tôi giải thích, phải dùng thời gian của mình để nghiên cứu triết học và khi xem xét chính mình và xem xét những người khác” (28e). Nhưng dạy dỗ thế nào, và nhất là dạy dỗ điều gì, khi người ta có châm ngôn để sống là câu khẩu hiệu mà Socrate lặp lại đến nhàm chán: “Tôi chỉ biết một điều, đó là tôi không biết gì cả”? (Apologie, 21d) Nhà hiền triết, đã dùng tuổi trẻ của mình để tra hỏi các thi sĩ, các nghệ sĩ, các triết gia, các nhà chính trị, tin rằng ông đã tìm được giải đáp: “Thần linh, ông nói, dường như đã chọn tôi để khuyến khích các bạn và để thúc giục các bạn, mỗi người các bạn, khắp nơi và mọi lúc, không để các bạn có được sự ngơi nghỉ nào. Các bạn sẽ không dễ dàng tìm một công dân nào khác như tôi, gắn bó với thành phố này bởi ý chí của các thần linh, để khuyến khích các bạn như một con ruồi trâu kích thích một con ngựa” (Apologie, 30d và 31a). Lúc đó, ông đi khắp các quảng trường và các con phố của thành phố, hỏi han từng người, tránh các vùng quê nơi “những cánh đồng và cây cối không muốn học gì nơi tôi” (Phèdre, 230). Ở Athènes không ai không bị ông chất vấn: những thương gia, những nghệ nhân nhỏ, những tướng lãnh, các thầy tu, các thầy bói, các diễn giả, các nhà toán học. Đã hẳn con người ông tuy xấu xí, nhưng có duyên. Ông luôn luôn gợi chuyện với giọng bởn cợt và thán phục. Trong Lachès, nói chung Socrate đặt một câu hỏi về lòng can đảm, và trong Eutyphron ông hỏi nhà thần học về lòng mộ đạo. Với những người khác, các đề tài thường vô hại hơn nhiều: “Ông nói với chúng tôi về những con lừa được đóng yên cương, về các thợ rèn, thợ đóng giày, thợ thuộc da, ông có vẻ lặp lại về cùng một sự việc, đến nỗi trên đời không có người ngu dốt và ngốc nghếch nào mà không lấy những diễn từ của ông ra để chế giễu”, Alcibiade nói như thể trong cuốn Le Banquet của Platon, rồi thêm rằng những diễn từ ấy, “trong ấn tượng đầu tiên có lẽ người ta sẽ không thể không thấy chúng hoàn toàn khôi hài” (22le). Ông không hỏi người đối thoại về các thần linh, về nguồn gốc của thế giới, nhưng về chính họ, về tương quan của họ với các thần linh, về các hoạt động của họ trong thế giới này. Những người đối thoại cố ý đáp lại kẻ ngây thơ vĩ đại ấy, người hỏi họ và cho họ lý lẽ khi họ bắt đầu đáp lại. Ông còn giả bộ ngu dốt, để ngay sau đó đặt ra một câu hỏi khác cũng hoàn toàn ngây thơ và rõ ràng, dường như còn muốn mang lại lý lẽ cho cho người đối thoại, đánh giá thấp mình, nghi ngờ và lo lắng. “Socrate luôn luôn đóng vai người hỏi, không bao giờ đóng vai người đáp, vì ông thú nhận mình không biết gì”, Aristote ghi lại trong cuốn Réfutations sophistiques của ông (183b8). “Ông dùng thời gian để làm trẻ thơ với mọi người”, Alcibiade than phiền (Le Banquet, 22le). Những câu hỏi liên kết với nhau, đi gần đến mục tiêu của chúng mà không ai nhận thấy, trong khi giọng nói của Socrate không hề thay đổi. Ông lặp lại, “Bạn tuyệt vời của tôi.” Ông cũng cám ơn những người chống đối dữ tợn nhất vì những câu trả lời của họ, đồng thời phát hiện một điểm yếu, chỉ nó ra một cách ngây thơ, khích lệ người đối thoại ông cho đến khi người này bối rối, chán nản, hụt hẫng và với sự tín nhiệm, ông thừa nhận sự dốt nát của ông, rằng ông không ba gì. Một ông tướng sau cùng phải buông tay xuống khi cần định nghĩa lòng can đảm, một nhà thần học không còn biết lòng mộ đạo là gì, và trong cuốn Mémorables của Xenophon, Hipplasp, phát cáu, yêu cầu ông thầy thôi hỏi và nói một lần cho xong công lý là gì; nhưng Socrate không dừng lại ở đó: ông nói với Hippias rằng công lý không được định nghĩa vì nó không thể định nghĩa được, nhưng nó được sống bởi các hành động (4, 4, 10-1). Hệ thống giá trị của người đối thoại thình lình sụp đổ và như thế theo Socrate, người đối thoại bắt đầu đạt được sự khôn ngoan. Đến lúc đó, cuộc đối thoại không đổ vỡ, nhưng người cầm banh thay đổi. Từ nay, chính Socrate là người giải trình và người đối thoại của ông đáp lại: “Ông có lý”, trừ trường hợp đó là một nhà ngụy biện giả dối! Vả lại Socrate đòi hỏi sự gắn bó ấy nhờ đó ông còn đào sâu hơn vấn đề trước khi đi qua vấn đề tiếp theo. Những thiên kiến bị đánh đổ, những ý tưởng sai lầm cũng thế. Từ một số câu hỏi vô hại, cuộc tranh luận đã được mở ra trong tinh thần. Đó không phải là một sự tình cờ: theo Socrate, mỗi người mang trong mình nhân tính trọn vẹn, được thể hiện với điều kiện biết quan sát nó, muốn phân tích mình là ai và mình làm gì. Đó là cái “Bạn phải biết chính mình”, mệnh lệnh mà Socrate mượn từ câu châm ngôn được khắc trên mặt tiền của đền thờ Apollon ở Delphes, nơi mà bà đồng tuyên bố rằng Socrate là người khôn ngoan hơn hết mọi người. Tuy nhiên Socrate, người đã hướng dẫn cuộc đối thoại cho đến chỗ không thể suy nghĩ được, không cho rằng ông nắm giữ một kiến thức. Ông khẳng định hoặc giả vờ khẳng định rằng ông đã học được qua người đối thoại, khi cùng người này đi trên con đường biện chứng. Phải chăng ông biết trước cuộc bàn luận sẽ kết thúc như thế nào? Hẳn là thế. Nhưng chắc chắn ông không biết nó sẽ đi qua những khúc quanh nào.

Nghệ thuật hộ sản của Socrate là như thế, tiếng Hy Lạp gọi là maieutikè, nghĩa đen là “nghệ thuật đỡ đẻ”. Khi dẫn chứng mẹ ông Phénarète, một nữ hộ sản, Socrate giải thích “nghề” của ông cho Théétète trong đối thoại của Platon cùng tên: “Nghệ thuật hậu sản của tôi bao gồm mọi nhiệm vụ mà các nữ hộ phải hoàn thành nhưng ông khác họ ở chỗ ông giải phóng các đàn ông mà không phải các đàn bà, và ông chăm sóc tâm hồn lúc họ hoạt động chứ không phải thân xác họ” (1505). Ông nhấn mạnh đến khía cạnh kỹ thuật của công việc, và chối bỏ khả năng khoe khoang ông có bất kỳ kiến thức nào về sự khôn ngoan: “Tôi rất nghèo nàn về sự khôn ngoan, và người ta đã trách móc tôi chỉ biết hỏi những người khác mà không bao giờ tuyên bố bất cứ điều gì, vì tôi không có bất kỳ sự khôn ngoan nào. Lời trách cứ ấy không sai sự thật. Lý do là thế này: thần linh buộc tôi hộ sản cho những người khác, nhưng không cho phép tôi sinh đẻ (150c).

Socrate sử dụng một dụng cụ cần thiết để thực hiện nghệ thuật của ông: sự mỉa mai, eironeia, từ ngữ mà Gregory Vlastos khẳng định ông đã cho nó một ý nghĩa hoàn toàn mới: “một lời nói tránh khỏi ý định dối gạt hay ý muốn lừa bịp”, nhưng nó diễn tả điều trái ngược với ý nghĩa của nó là “công cụ hoàn hảo để chế giễu”. Đó là câu ông “Chắc chắn bạn có lý” mà Socrate chấm câu một cách nghiêm túc những đối thoại của ông. Đặc tính đầu tiên của nó là làm cho sự tự vệ của người đối thoại phải sụp đổ và khích lệ người này đi xa hơn trong suy nghĩ của mình, nhưng cũng làm cho người ấy, trong thời gian thứ hai lún sâu vào một sự bối rối khi nhận thấy mình thật ra không có lý chút nào. “Họ nói rằng tôi là một người kỳ cục và tôi dồn người ta vào sự lúng túng”, Socrate thừa nhận như thế trong cuốn - Théétète (149a). “Cách ông chế giễu người khác như thế là đủ rồi, khi ông hỏi và từ chối không bao giờ chấp nhận cho một ai biết vấn đề gì khi trình bày quan điểm của ông”, Thrasymaque bực bội nói thẳng vào mặt ông trong cuốn Mémorables của Xenophon (4, 4,9). Chính sự kiện ông ngoan cố chối bỏ việc đặt mình làm thầy dạy nắm giữ dù chỉ một phần nhỏ kiến thức, cùng sự khiêm tốn phô bày, đôi khi pha thêm hài hước, tham dự vào cách dạy dỗ khi dùng sự mỉa mai. Một yếu tố khác của trò chơi này là vết cắn, “vết đốt của ruổi trâu”, để lấy lại cách của riêng ông, khi người đối thoại thình lình nhận biết những nhầm lẫn, và bức màn phủ bóng tối xung quanh họ bị xé rách. Trong cuốn Ménon của Platon, ông này đã so sánh Socrate với “con cá đuối có điện ở đại dương, mà như người ta biết, làm cho người ta trở nên đờ đẫn ngay khi người ta đến gần và chạm phải nó” (80a). Alcibiade bổ sung vào bức tranh đó khi nói rằng diễn từ của Socrate có những “nét độc đáo còn sắc bén hơn nọc độc của rắng hổ mang” (Le Banquet, 218a).

Ma lực của ngôn từ nơi Socrate hay đến nỗi các người đối thoại sau cùng đều thừa nhận: “Khi lắng nghe ông, tôi dường như bị ông cho hút ma túy. Ông đã bỏ bùa mê cho tôi đến nỗi tôi không còn biết điều mà tôi nghĩ”, Ménon nói với ông như thế (Ménon, 80a). Phédon nói quá lên: “Chúng tôi sẽ tìm đâu ra một thuật sĩ hoàn hảo như ông, khi ông bỏ rơi chúng tôi?” (Phédon, 78a1). Sau khi Socrate mất, các môn đệ của ông, đặc biệt là Platon, sẽ nhận biết rằng họ không có giải pháp nào ngoài việc truyền đạt nghệ thuật dạy dỗ như ông đã thực hiện, nghĩa là qua trung gian của các “đàm thoại kiểu Socrate”, các logoi sokratikoi, tạo thành một loại hình văn chương riêng trong đó độc giả nhập vai người đối thoại với người cha của triết học. Và, như Pierre Hadot, nhận xét rất chí lý, “cái mặt nạ, cái prosopon của Socrate, làm người ta hoang mang và khó nắm bắt, gây bối rối trong tâm hồn của độc giả và dẫn người ta đến sự thức tỉnh của ý thức và có thể đi đến chỗ hoán cải về triết học”.

NHỮNG BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHẬT

Sau những năm thực nghiệm vô ích bên cạnh các đạo sĩ khổ hạnh trong rừng, Đức Cố Đàm, chọn nơi tu tập dưới một gốc cây, ngài nguyện sẽ không đứng lên trước khi đạt được chân lý. Bị Ma vương Mara và bầy quỷ của hắn tấn công phá phách, một bàn tay đặt xuống đất, ngài đạt đến giác ngộ, boddhi, nghĩa là một tri kiến sâu xa: trong một tia chớp, các văn bản nói, ngài hiểu được mầu nhiệm của tồn tại và phương tiện giúp chúng sinh thoát khỏi vòng sinh tử samsara.

Trong vườn Lộc Uyển ở Sarnath, ngài gặp năm đạo sĩ khất thực mà trước đó ngài đã sống chung một thời gian. Những người này ngạc nhiên về phong thái đặc biệt an hòa của ngài, họ hỏi ngài về điều gì đã xảy ra trong đời ngài. Để đáp lại, Đức Phật nói bài giảng đầu tiên dưới hình thức trang nghiêm để trình bày học thuyết của ngài. Các văn bản nói đó là ngày thứ bảy trăng rằm, năm 103 của Đại Kỷ Nguyên, trước lúc mặt trời lặn. Và có lẽ để tăng thêm vẻ long trọng, ngoài nhóm năm đạo sĩ khổ hạnh ít ỏi hiện diện bằng xương và bằng thịt, cử tọa còn có “mười tám triệu Brahma và vô số các deva”. “Này các thầy Tì Kheo”, Đức Phật bắt đầu như thế, và đó là cách ngài thích khi mở đầu một diễn từ, kể cả khi ngài nói với một hội chúng mà phần lớn là cư sĩ. Vì không nên quên rằng trong quan niệm của Phật giáo, sự Giác Ngộ, việc thoát khỏi vòng luân hồi vẫn dành riêng cho các tu sĩ cống hiến đời họ cho đạo pháp. Vì thế Đức Phật ưu tiên nói với họ.

Những kết quả của độc thoại dài đầu tiên ấy của Đấng Giác Ngộ là ngay lập tức: Kondanna, một trong năm vị tức thì giác ngộ, bốn đạo sĩ khất thực khác đã lắng nghe ngài liền quy y Pháp, con đường của Đức Phật, và trở thành những môn đệ đầu tiên, hay tì kheo, bhikkhu – nghĩa đen là “những người nhận lãnh” (Vinaya Mahavagga, 1,6). Khi nói với họ, khi khuyến khích họ thiền định, Đức Phật dẫn đưa họ đến chỗ khám phá bản chất thật của họ, ngài làm cho họ phản ứng lại như thể họ rút gươm ra khỏi vỏ hoặc một con rắn ra khỏi lớp da cũ của nó. Vả lại “lưỡi gươm và con rắn là một vật, vỏ gươm và lớp da cũ, một vật khác” (Majjhima Nikaya, 2).

Trong bốn mươi lăm năm sau đó, và dù là với cử tọa nào, một đám đông nhiều vô số hoặc một nhúm nhỏ các cá nhân, cả khi chỉ một người (Như người xuất gia Nalaka đến tìm ngài ngày hôm sau bài giảng pháp ở Bénarès), Đức Phật gia tăng các lời giáo huấn dưới hình thức các diễn văn long trọng mà điều chính yếu được ghi lại trong năm tập của Sutta pitaka, một trong ba tạng kinh chép lại các giáo huấn của Phật giáo. Về hình thức, các giáo huấn ấy lấy lại cấu trúc bài giảng ở Bénares là bài giảng trình bày Tứ Diệu Đế (bốn chân lý cao cả) của Phật giáo, giải thích mỗi chân lý ấy trong ba bước: trước tiên mô tả chân lý ấy, kế đến là các hành động và phương tiện phải có để thực hiện chân ý, sau cùng là một minh họa ngắn gọn qua đó đề cập Đức Phật đã hoàn thành.

Trong khi Socrate nhân bội nhiều câu hỏi để kéo bức phủ lên trên chân lý ra, Đức Phật truyền lại Chân lý mà ngài biết. Ngài không cần dùng đến sự châm biếm để dẫn dắt người đối thoại khám phá bản chất của chân lý: chỉ bằng con đường thiền định cô đơn, từ các giáo huấn đã lãnh nhận, có thể dẫn đưa người ta đến tri kiến chân thực và sự giải thoát, ngài nhấn mạnh. Đối diện với các người đối thoại, Socrate diễn tả một thang cảm xúc rộng. Đức Phật thì hoàn toàn tự chủ và chấp nhận một cung cách phi nhân cách qua đó không một cảm xúc nào được tiết lộ. Ở đây cũng thế, các văn bản luôn nhấn mạnh sự biến đổi sâu sắc xảy ra cho Đức Phật từ thời điểm ngài giác ngộ: Đức Phật đã từ bỏ các đam mê, các ước muốn, nhưng cùng lúc, ngài đã bỏ rơi nhân cách của ngài, bản ngã của ngài, với những ích kỷ, những bất toàn để trở thành một người có những đặc tính của các vị Phật thành tựu trước ngài. Vả lại, những người đối thoại với ngài dường như hiểu ngay: diễn từ của ngài được giới thiệu là có sức thuyết phục tức thì. “Các ông sẽ phải” hoặc “các ông không nên làm”, ngài chỉ cần nói như thế với những người hỏi ngài để trình bày cho họ những quy tắc sống mà họ sẽ phải theo. Chúng ta cũng phải xác định rằng, trái ngược với Socrate và nhất là với Giêsu, những câu hỏi người ta đặt ra cho ngài không có sự gài bẫy nào. Chúng cũng không bao giờ có tính chất gây hấn: ngay cả ẩn sĩ Uruyela Kassapa, người ganh ghét Đức Phật và chắc chắn có quyền thế trên các người thân cận của ngài, cũng nói với ngài bằng một giọng rất lịch sự.

Nếu Đức Phật không dùng đến mánh lới như Socrate, đôi - khi ngài dùng đến một phương pháp giống như Đức Giê-Su, chúng ta sẽ thấy sau đây, ngài dùng cách lặp lại: những mẫu chuyện nhỏ, những câu chuyện, những dụ ngôn dùng để minh hoa một phát biểu về chân lý. Một câu chuyện được nhiều người biết đến: câu chuyện một thợ săn bị thương nặng bởi một mũi tên tẩm thuốc độc. Đức Phật kể câu chuyện này cho Culamalukyaputta, một sa di của cộng đoàn ngài, đã đặt ra một câu hỏi tư biện cao về đề tài vũ trụ. “Nếu thầy không thể trả lời con, con sẽ rời bỏ hội chúng”. Đức Phật trả lời về căn bản: nếu một thợ săn, bị một mũi tên tẩm thuốc độc làm bị thương, đòi hỏi trước khi được chăm sóc phải biết tên và đẳng cấp của cung thủ, cũng như thứ gỗ dùng để làm mũi tên, thì người thợ săn ấy sẽ chết trước khi được chăm sóc. Dù vũ trụ thường hằng hay không thường hằng, thầy đã dạy làm thế nào để giải thoát khỏi cái già, cái bệnh và cái chết, cũng giống như cách cứu sống người thợ săn thì việc trước tiên là rút mũi tên ra, tìm hiểu tính chất của thuốc độc và thuốc giải độc, rồi làm vết thương liền lại. Mất thời gian để tư biện không có ích gì cho người muốn được cứu.

Rất sớm Đức Phật đã yêu cầu các từ kheo đến lượt mình đi truyền bá những giáo huấn mà ngài đã trao cho họ. Ngài nói, “Này các thầy tì kheo, giờ đây các ông hãy ra đi làm điều lợi lạc cho thế nhân, vì lòng từ bi đối với thế gian, vì lợi ích, điều lành và hạnh phúc của các thần linh và của con người. Không có hai người đi trên cùng một hướng. Các ông hãy dạy pháp và trầm tư về đời sống thánh thiện và tinh tuyền” (Vinaya Mahavagga, 1,11). Họ có thể phản chiếu giáo huấn của ngài cho đám đông và họ đã đến với nhiều người cần được cứu khỏi vòng sinh tử luân hồi. Ngài còn cho họ quyền, có thể nói là bổn phận, truyền chức cho các tu sĩ mới (Vinaya Mahavagga, 1, 12). Đã hẳn họ có uy thế tinh thần, nhưng họ có thể nói như ngài, càng dễ dàng hơn khi những lời của ngài luôn có chủ ý phi nhân cách. Vả lại điều này phù hợp với giáo huấn của ngài vốn phủ nhận sự tồn tại một nhân cách bền vững, một cái ngã thường hằng mà việc mô tả sẽ cho thấy một lợi ích nào đó. Những giáo huấn ấy là cái mà ngày nay người ta gọi là những giáo trình hàn lâm. Ngay cả những mẩu chuyện nhỏ minh họa giáo trình ấy không rút ra từ lịch sử bản thân: vì là những câu chuyện để minh hoạ có mục đích giảng dạy nên chúng mang một tính chất tổng quát. Đặc quyền duy nhất luôn thuộc thẩm quyền của Đức Phật: soạn thảo luật tu hành vinaya để giúp cho cho các tu sĩ giảm bớt lòng tham luyến. Những luật ấy được ban bố dần dần để đáp lại những hoàn cảnh rõ ràng và những vấn để xác định. Những luật ấy nằm trong luật tạng Vinaya pitaka, một trong ba tạng kinh điển của Phật giáo. Trong luật tạng, mỗi luật lệ có kèm theo một câu chuyện nói về việc ban bố và những xác định mà Đức Phật đưa ra cho việc áp dụng tốt nhất.

NHỮNG CUỘC GẶP GỠ CỦA ĐỨC GIÊSU

Socrate đã là người thầy của sự đối thoại và châm biếm; Đức Phật đặc biệt thích những bài giảng tôn nghiêm; Đức Giêsu đặc biệt hơn vì ngài dùng đến mọi hình thức diễn từ và mọi thứ ghi nhớ khi dùng cùng lúc việc đối thoại, sự chân biếm, các bài giảng, nhưng ngài cũng dùng đến những lời tâm sự, những kinh nguyện, những dụ ngôn, những lời quyền uy và như thế ngài muốn thích nghi lời ngài với người đối thoại mà ngài trao đổi.

Điểm chung giữa những diễn từ khác nhau ấy là việc sử dụng từ ngữ “tôi”. Một tiếng “tôi” kêu vang, một tiếng “tôi” hiện diện, không e thẹn giả tạo, không khiêm nhường giả tạo. Đức Giêsu bước vào khung cảnh, trình diện, tổ chức, nài xin, khuyên bảo, nhưng luôn luôn trên cung cách cá nhân và trong ý nghĩa này lời ngài khác hẳn với diễn từ của Đức Phật. Cũng khác với các ngôn sứ trong Kinh Thánh đi trước ngài, ngài nói nhân danh chính mình và khẳng định nắm giữ quyền bính của Thiên Chúa, mà ngài gọi là cha (abba) và ngài là người được Cha ngài sai đến: “Ai khước từ tôi là khước từ đấng đã sai tôi”, ngài nói thế (Luca 10, 16; Máccô 9, 37). Ngài cũng ngắt nhịp lời ngài vời từ ngữ híp-ri amen, Có nghĩa là “quả thật”, đôi khi còn lặp lại hai lần (amen amen được lặp lại hai mươi lăm lần trong Phúc Âm của Gioan), để nhấn mạnh trên uy quyền của cụm từ “tôi nói cùng các ông”. Ngài tuyên bố cùng đám đông đến nghe thuyết giáo Bài giảng trên Núi (Mátthêu 5, 21-48): “Anh em đã nghe người xưa nói rằng...” Ngay sau đó ngài nói thêm: “còn tôi, tôi nói cùng anh em …” như thế ngài khẳng định sự ưu tiên của lời sống động trong hiện tại đối với truyền thống của quá khứ. Đó cũng là cách nâng cao đức tin lên trên lề luật, nhưng không đụng đến trung tâm của Luật Do Thái: tình yêu Thiên Chúa và người thân cận. Đức Giêsu nói với quyền bính, nhưng ngài không nhắc lại một số chủ đề quen thuộc của các ngôn sứ khác trong Kinh Thánh: như thế, không bao giờ ngài đề cập đến cuộc xuất hành, việc được chọn và sự cứu độ tập thể của dân Ítraen. Như thể ngài muốn lật qua trang sách nói về một quan niệm tôn giáo tập thể nhân danh một sứ điệp mới tập trung trên sự cứu rỗi cá nhân đi qua đức tin, lòng cậy trông và tình yêu trong Thiên Chúa.

Quyền bính của ngài không bị một sự tranh chấp nào: ngài là vị tôn sư có sứ mệnh không phải là hủy bỏ lề luật, nhưng canh tân chúng và chỉ ra ý nghĩa đích thực của chúng “Tôi không đến hủy bỏ, nhưng đến hoàn thiện” (Mátthêu 5, 17). Ngài nhắc đến các luật liên quan đến tội ác, ngoại tình, ly dị, thề gian, trả thù và sự tha thứ, tình yêu người lân cận. Ngài tuyên bố, đường đến Nước Trời phải qua một công lý mới. Ngài đưa ra một “cách áp dụng” truyền thống và khẳng định ngài có ý muốn canh tân, nên ngài đề nghị một luật mới căn cứ nhiều hơn trên tình yêu, công lý và sự tha thứ. Ngài rất rõ ràng, dứt khoát: “Vậy ai nghe những lời tôi vừa nói và đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá” (Mt 7, 24). Và người viết Phúc Âm kết luận tường thuật sự việc ấy như sau: “Khi Đức Giêsu giảng dạy những điều ấy xong, đám đông sửng sốt về lời giảng dạy của ngài, vì ngài giảng dạy như một người có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ” (Mt 7,28).

Đức Giêsu thường có nguy cơ không được cử tọa hiểu và gây sốc cho họ. Không chỉ vì ngài chất vấn một số khía cạnh của truyền thống và phê bình mạnh mẽ bức màn che của việc thờ cúng, nhưng cũng vì, như Phúc Âm của Gioan thường nhấn mạnh, có lúc ngài phát biểu một diễn từ huyền nhiệm. Lời ngài thường khó tin và gây phẫn nộ đối với các đầu óc nặng về tôn giáo, và cũng có thể gây ra cho các người nào cuồng nộ, như khi ngài tuyên bố thẳng thừng: “Trước khi có Ápraham, Tôi Hiện Hữu” (Gioan 8, 58). Ngài đụng chạm đến thái độ không tin vì có một điều gì đó cực đoan và triệt để trong diễn từ của ngài. Những người không thuộc nhóm thân cận với ngài không thể nào tin được điều đó. Họ nói với ngài: “Chúng tôi biết rằng ông bị quỷ ám” (8,52), và họ định ném đá ngài (8,59).

Thường khi, như Socrate, Đức Giêsu không nhất thiết phải nói với một cử tọa đông đúc. Và lại khi chỉ có các môn đệ vây quanh, ngài chấp nhận một cách nói hoàn toàn khác: ngài không còn là diễn giả có ơn đặc sủng diễn thuyết hô hào dân chúng, nhưng trở thành vị thầy tâm linh truyền thụ kiến thức bí ẩn nhất và sâu sắc nhất của ngài. Một lần nữa, trong các Phúc Âm và nhất là Phúc Âm của Gioan, nhiều cuộc tranh luận dài với các môn đệ tạo cơ hội cho các đối thoại được đào sâu. Nhưng không chỉ có môn đệ thân cận được ngài mở lòng ra cho họ. Khi nói với người phụ nữ Samari, với người Pharisêu Nicôđêmô, với người mù lúc mới sinh, với người thu thuế, với viên chức giàu có, vị Ngôn Sứ thường nói trước đám đông biến đổi thành một con người nhạy cảm sâu sắc không ngừng hướng dẫn các linh hồn và làm nguội cơn khát chân lý của họ. Cảm động bởi sự mỏng dòn của những người này, sự mù quáng và các đau khổ của những người khác, ngài hỏi và đáp, ngài mang lại sự hướng dẫn và lòng thương xót. Trong các câu chuyện kể lại ấy, ngài đi từ một hoàn cảnh đặc thù, nhưng mỗi lần lại mở ra một chân trời phổ quát.

Trong phần lớn các cuộc gặp gỡ ấy, một quyền năng lạ lùng mà Đức Giêsu sở hữu mặc nhiên được kể đến: quyền năng đã biết trước người đối thoại của ngài, điều này không hề làm cho người trong cuộc chán ngán. Ví dụ như ngài biết Nicôđêmô, người lén lút đến gặp ngài ban đêm là một thầy dạy Luật cao cấp, và ngài vờ ngạc nhiên trước các câu hỏi của ông, đồng thời sử dụng một hình thức châm biếm có giọng điệu giống Socrate: “Ông là bậc Thầy trong dân Ítr a en mà lại không biết những chuyện ấy?” (Gioan 3, 10). Ngài cũng biết quá khứ của người đàn bà Samari mà ngài gặp tại một giếng nước; bà này đã năm lần ly dị và sống ngoại hôn với một người đàn ông không phải là chồng, ngài đã nói với bà này với sự châm biếm rất rõ: “Này, chị hãy đi gọi chồng chị” (Gioan 4, 16).

Đặc biệt, các Phúc Âm cho ta thấy Đức Giêsu đang cầu nguyện với “Cha” ngài và đưa chúng ta vào vòng thân mật của sự trao đổi ấy. Thật vậy, những lời cầu nguyện ấy đối với chúng ta ngày nay có vẻ tầm thường, nhưng chúng đã làm một cuộc cách mạng đối với các tập tục tôn giáo của thời đó bởi giọng thân mật và đầy yêu thương của chúng. “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian thế gian được tạo thành. Lạy Cha [...] con đã cho họ biết danh Cha và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con ở trong họ và con cũng ở trong họ nữa” (Gioan 17, 24-26), ngài đã nói trong một lời cầu nguyện và như thế ngài đoạn tuyệt một cách cảm động với hình ảnh của một Thiên Chúa thống trị trong các xã hội gia trưởng, một Thiên Chúa uy quyền nhưng xa lạ và đôi khi làm con người khiếp sợ. Trước đám đông tụ tập ở chân núi để nghe ngài, khi ngài thân thưa cùng Thiên Chúa, Đức Giêsu bỏ giọng nói của người thầy để đến lượt ngài trở thành một môn đệ: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha được thánh hiến, Nước Cha trị đến, ý Cha được thực hiện dưới đất cũng như trên - (Mátthêu 6, 9-10).

Nếu còn một sự kiện đáng chú ý trong cách giảng dạy của Đức Giêsu, dù cử tọa của ngài là loại người nào, thì đó là việc ngài hay sử dụng các dụ ngôn mà đời sống hàng ngày gợi ý cho ngài. Phải chăng nền văn hóa Phương Đông của ngài đã khiến ngài điểm xuyết bài giáo huấn tâm linh bằng những câu chuyện nhỏ “thế tục”, được kể một cách thân mật? Đức Giêsu rất thường sử dụng dụ ngôn và các tác giả Tin Mừng không quên nhắc lại sự kiện ấy: “Ngài nói với họ nhiều điều bằng dụ ngôn”, Mátthêu thuật lại khi nói đến một diễn từ của Đức Giêsu trước một đám đông tập hợp trên bờ Biển Hồ (Mt 13,3). Và ông nhấn mạnh: “ngài không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13, 34). Điều này cũng làm cho các môn đệ thân cận nhất của ngài ngạc nhiên: “Tại sao thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?” họ hỏi ngài. Và Đức Giêsu đáp: “Vì anh em được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không?”. Và ngài nói tiếp: “Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe cũng không hiểu” (Mátthêu 13, 10-13). Những câu chuyện đó, ngài nói khi có dịp dùng dụ ngôn, như những hạt giống gieo vào lòng đất, chúng nẩy mầm, mọc lên, ngày và đêm, mà người gieo hạt không biết bằng cách nào, cho đến ngày đất sinh ra cây, rồi một nhánh lúa trổ bông, rồi lúa mì trong nhánh lúa (Máccô 4, 26-29). Vì thế, để nói về Nước Trời cho những người không thể nghe ngôn ngữ của thần học, Đức Giêsu sử dụng những hình ảnh đơn giản: hoa ngoài đồng, đời sống của các thợ gặt hoặc của thợ trồng nho.

Chúng ta hãy lấy ví dụ một bài dụ ngôn nổi tiếng của các Tin Mừng, dụ ngôn về người con hoang đàng (Luca 15, 11-32). Người con trai thứ một ngày nọ đòi cha anh chia gia tài cho anh. Người cha đồng ý chia phần gia tài cho anh và anh ta rời bỏ gia đình để phung phí hết tiền bạc khi sống một đời trác táng. Sau cùng anh ta rơi vào cảnh khốn cùng, làm việc chăn heo trong một trang trại, áo quần rách rưới nhiều lúc phải chịu đói. Vì thế anh quyết định quay về nhà và xin cha anh đừng coi anh như con trai vì anh đã phạm tội, nhưng như một người làm công. Người cha thấy con từ xa, động lòng thương con, ông chạy về phía anh, cầm lấy tay anh. Ông ra lệnh cho các tôi tớ đem đến cho anh những y phục đẹp nhất, một cái nhẫn xỏ vào tay anh, đôi giày bóng đẹp và cho giết bê béo để chuẩn bị tiệc mừng. Từ ngoài đồng trở về, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, người con cả bước vào nhà tức giận: tất cả tiệc tùng này cho người em của anh, người đã phung phá gia sản với gái điếm, trong khi anh, người con luôn ở lại nhà, không bao giờ được mở tiệc? người cha giải thích với anh: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, và tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống; đã mất mà nay đã tìm thấy!” Qua câu chuyện này, Đức Giêsu muốn cho thấy Thiên Chúa ban sự tự do lựa chọn cho chúng ta. Người để cho con cái Người ra đi nếu họ muốn, nhưng Người cũng tỏ lòng thương xót khi đó họ về, không xét đoán không lên án, chỉ cần họ biết những lầm của họ, để hối cải và quay lại cùng người.

NHỮNG PHÉP LẠ CỦA ĐỨC GIÊSU VÀ ĐỨC PHẬT

Một xác tín không lay chuyển làm phấn khởi các môn của Đức Phật và Đức Giêsu: họ tin chắc rằng thầy của họ được trao cho một “sứ mạng” có tính chất hoàn vũ hoặc thần thiêng: cứu nhân loại. Đã hẳn nhu cầu hợp thức hóa tính chất ngoại lệ này của số phận hai ngài và nhờ đó trao uy lực cho lời hai ngài giảng dạy phải chăng đã khuyến khích những người viết tiểu sử của hai ngài nhấn mạnh trên nhiều phép lạ, những “chứng cứ” chân thật về sứ mạng của hai ngài.

Theo truyền thống Phật giáo, Đức Phật cùng với sự Giác ngộ đã thủ đắc kỷ niệm của năm trăm bốn mươi bảy tiền kiếp và chắc chắn đã hủy diệt trong ngài những ước muốn vốn giữ chặt người ta trong vòng luân hồi sinh tử. Ngài cũng phát triển sáu tri kiến mà các vị Phật đều hưởng được: khả năng nhìn thấy tất cả, nghe thấy tất cả, đọc được các tư tưởng, tạo dựng và biến đổi tất cả, biết những tiền kiếp của mỗi người, sau cùng dập tắt được bản ngã. Những tri kiến ấy ban cho người sở hữu chúng những quyền năng kỳ diệu. Được xác định theo cách “tự nhiên” vì những quyền năng ấy là hệ quả của những tiến bộ đã thực hiện được trong tri kiến và trong việc thể nghiệm Đạo.

Trong nước Ấn Độ vào thời kỳ ấy, những quyền năng như thế không phải là của riêng của các Đức Phật: những đạo sĩ luyện yoga kiên trì nhất cũng có thể làm các sự kỳ diệu như các văn bản thuật lại. Khi đi tìm chánh pháp trong rừng, Đức Cồ Đàm đã gặp vài người trong số những người nổi tiếng nhất, nhưng ngài mau chóng thành công và vượt qua họ. Thế nhưng, các thực hành ma thuật không phải là thứ ngài tìm kiếm: ngài tìm kiếm sự thanh tịnh tuyệt đối của tinh thần. Vả lại, ngài sẽ cấm các môn đệ khoe khoang hoặc sử dụng loại quyền năng ấy, ngài cũng bài xích chúng. Nhưng các văn bản Phật giáo, các văn bản Pali ban đầu cũng như các sách tiểu sử về sau thuật là nhiều phép lạ mà Đức Phật thực hiện với mục đích duy nhất là thuyết phục những người không tin và củng cố lòng trông cậy của những người đã tin theo học thuyết của ngài. Như thế mà ngài chấp nhận yêu cầu của vua Pasedani ở Kosala khi ông vua này yêu cầu ngài chứng tỏ các quyền năng của ngài. Đức Phật báo trước rằng ngài sẽ tiến hành trước dân chúng của vương quốc dưới một cây xoài. Ma quỷ ganh tị nhổ hết mọi cây xoài trong vương quốc, trừ một cây không thể đụng đến vì ở trong một khu đất thuộc về nhà vua. Mùa ấy không có quả xoài nào cả; quả xoài duy nhất trông rất đẹp đã nhú ra từ cây xoài của vua. Người làm vườn hái nó, đưa cho Đức Phật ăn, ngài nhờ người làm vườn vùi hạt xuống đất. Ngay lập tức, một cây xoài to lớn mọc lên, dưới tàng nó, Đức Phật có thể triển khai quyền năng của ngài: ngài làm xuất hiện một lối đi bằng đá quý bồng bềnh trên không, ngài bay lên, làm hai lỗ tai, hai mắt và lỗ chân lông của ngài tỏa ra những ngọn lửa. Ngài còn tạo ra một nhân bản vô tính và ngài bắt đầu đàm đạo với người ấy. Sau những điều kỳ diệu ấy, không một ai trong vương quốc còn nghi ngờ học thuyết của ngài.

Một giai thoại khác đặt ngài vào khung cảnh nơi ẩn cư của Uruvela Kassapa, một đạo sĩ khổ hạnh nổi tiếng vì ông và các môn đệ có những thực hành cực đoan. Khi Uruvela đánh tiếng với Đức Phật rằng ông không có chỗ nào để cho ngài trú chân, Đức Phật đề nghị được ở trong nhà bếp. Nhưng chủ nhân báo trước với ngài rằng nhà bếp ấy là nơi giữ một con rồng đáng Sợ mà họ săn bắt được. Dù vậy Đức Phật cũng vào ở tạm trong nhà bếp và bắt đầu thiền định trong khi con thú điên cuồng nhào đến ngài và phun lửa. Đức Phật cũng làm tương tự, và cuộc chiến đấu bằng lửa kéo dài suốt đêm. Uruvela tin chắc rằng con rồng sẽ thắng, nhưng khi trời sáng trận đấu chấm dứt, ông ta hoàn toàn ngạc nhiên khi thấy Đức Phật ra khỏi nhà bếp. Đức Phật quả thật đã chế ngự được con rồng không phải bời ngọn lửa ngài tung ra nhờ quyền năng của ngài, nhưng bởi sức mạnh của lòng nhân từ của ngài. Nhà ẩn sĩ lúc đó thừa nhận quyền năng của Đức Phật nhưng cho rằng ông ta mạnh hơn ngài. Đêm hôn sau, Uruvela chứng kiến một cảnh tượng bốn deva thân thể tỏa sáng đứng bên cạnh Đức Phật để được ngài dạy pháp cho họ. Nhà ẩn sĩ vẫn nghĩ rằng Đức Phật có những quyền năng to lớn, nhưng chúng không cao trọng hơn các quyền năng của ông ta. Để đập tan lòng kiêu ngạo của vị đạo sĩ luyện yoga ấy, Đức Phật đã cho ông một chứng minh các quyền phép của ngài. Vô ích: Uruvela bám chặt vào ý tưởng của ông. Lúc đó Đức Phật chỉ còn một cách là dẫn đưa nhà ẩn sĩ về với Đạo, ngài nói với ông: “Ông như con đom đóm mà cho mình là mặt trời”. Câu nói duy nhất này đem lại kết quả mà các phép lạ đã tỏ ra vô ích. Ngay tức thì nhà ẩn sĩ dẹp bỏ lòng kiêu ngạo và xin đấng Giác Ngộ nhận ông làm môn đệ. Làm cảm động trái tim với chỉ một lời, có lẽ đó là phép lạ lớn nhất trong các phép lạ.

***

Hoàn cảnh của Đức Giê-su có thể so sánh với hoàn cảnh của Đức Phật trong việc “bình thường hóa” các quyền năng mà những tiên tri có sứ mạng cứu độ chủ ý cho rằng họ được ban cho. Trong cuốn sách Antiquités juives mà sử gia Flavius Josèphe soạn vào cuối thế kỷ thứ nhất, mô tả một số người tự xưng là tiên tri như Judas, con của Ezéchias; Simon, nô lệ của Hérode, hoặc Theudas. Ông này vào năm 44 đã kêu gọi đám đông đem của cải theo ông để chứng kiến việc ông tách đôi dòng nước sông Gio-đan mà Theudas thực hiện và băng qua sông với chân khô ráo. Theudas đã đe dọa trật tự công cộng và bị đoàn quân của quan khâm sai Cuspius Fadus bắt được và chặt đầu. Tương tự, học thuyết thần bí của Do Thái (merkebah) xuất hiện vào thế kỷ thứ nhất trước công nguyên có được thành công rất lớn trong quần chúng. Các bậc thầy của học thuyết thần bí nổi tiếng về quyền năng ma thuật của họ và rất nhiều tín đồ tìm đến những người nổi tiếng nhất, nghĩa là những người phô trương nhiều quyền phép nhất. Nhưng vượt lên trên hai bối cảnh lịch sử giống nhau ấy, phải có sự phân biệt giữa những phép mầu được gán cho Đức Phật và những phép mầu của Đức Giêsu được ghi lại. Đối với Đức Phật, những phép lạ ấy luôn được kể lại trong một bối cảnh dùng để củng cố uy quyền của vị tôn sư. Tường thuật các quyền phép ấy có tính chất sư phạm và vận dụng đến tín ngưỡng thần thoại của giới bình dân, như chiến đấu với rồng mà chúng tôi vừa dẫn ra. Vả lại vì những câu chuyện ấy được viết nhiều thế kỷ sau khi Đức Phật tịch diệt, nên rất có thể phần lớn đã được sáng tác để xây dựng độc giả.

Đối với Đức Giêsu sự việc hoàn toàn khác. Một mặt vì những tường thuật này đã được soạn hoặc bởi các chứng nhận đã nhìn thấy, hoặc bởi các môn đệ đã thu thập các chứng từ trực tiếp; mặt khác và quan trọng nhất về các phép lạ được gán cho Đức Giêsu rất nhiều và kiến tạo tất cả những tường thuật của Tin Mừng. Nói rằng chúng đều là các huyền thoại tức là coi chứng từ của Sách Thánh là vô hiệu và cắt bỏ một phần tư các văn bản thành lập Ki-tô giáo. Đối với một tinh thần hiện đại, sự khó khăn là một số nhà chú giải Ki-tô giáo khẳng định họ tin vào lời Phúc Âm “dù có hay không có các phép lạ”! Và lại, xem ra một số phép mầu đã được thêm vào với mục đích tô điểm hoặc để xây dựng - ví dụ như mặt đất rung chuyển và những người chết ra khỏi mồ mả đi vào thành phố sau cái chết của Đức Giêsu, (Mt 27, 51-53) -, mặt khác, như việc hóa bánh ra nhiều và chữa lành các bệnh nhân, được tất cả các Phúc Âm tường thuật lại với nhiều chi tiết cụ thể. Theo tôi, xem ra không thể bỏ qua mà không vứt bỏ sự khả tín của các Tin Mừng. Người tín hữu sẽ nhận các phép lạ ấy như chúng được trình bày, người vô tín sẽ có thể nghĩ rằng đó là những sáng tác, những cách nói phóng đại hoặc những biến cố coi như không thể giải thích nhưng trong tương lai có thể tìm được một lời giải thích hợp lý và tự nhiên khi khoa học sẽ còn tiến bộ hơn.

Đức Giêsu khẳng định ngài nắm giữ những quyền năng khác thường mà Thiên Chúa đã trao cho ngài. Theo các Tin Mừng, chữa bệnh và trừ quỷ là những yếu tố quan trọng trong hoạt động của ngài. Vả lại ngài bắt đầu công việc như một người chữa trị: “Đức Giê-su đi khắp miền Galilê, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Phúc Âm và chữa lành tất cả bệnh tật trong dân chúng. Danh tiếng ngài đồn khắp vùng Syri. Người ta đem đến cho ngài tất cả những người đau yếu bị nhiều thứ bệnh tật như bị quỷ ám, động kinh, bại liệt. Ngài đều chữa lành cho họ cả” Mátthêu (4, 32-24) thuật lại, ông còn viết thêm sau đó, “nhiều đoàn người đông đảo đến theo ngài” (4,15).

Đức Giêsu đã thực hiện nhiều phép lạ: bốn sách Phúc mô tả ba mươi lăm phép lạ, chính xác là: mười bảy lần chữa lành bệnh, sáu lần trừ quỷ, chín lần can thiệp vào thiên nhiên và ba lần làm cho sống lại, nhưng danh sách này không tính hết như Luca nhấn mạnh, “Tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người và la lớn” (Lc 4, 40-41). Trong những thành phố Người đi qua, “Chiều đến khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật và trừ nhiều quỷ”, Máccô nói thêm (1, 32-34). Một phần tư Phúc Âm Máccô xây dựng trong sự liên hệ với các phép lạ. Mátthêu và Luca lựa chọn từ Mác-Cô và đưa thêm những phép lạ khác. Gioan bằng lòng thuật lại bảy phép lạ, nhưng Gioan tránh dùng từ phép lạ và thích dùng từ “dấu chỉ” – dấu chỉ của Thiên Chúa, điều đó có dụng ý. Vả lại trong Luca, Đức Giêsu chỉ về Thiên Chúa để giải thích những kỳ công ấy: “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (11,20).

Trong số những phép lạ ấy, một phép lạ duy nhất mà cả bốn người viết Tin Mừng đều thuật lại. Và đây là tường thuật của Gioan: Lúc ấy gần đến ngày lễ Vượt qua, Đức Giêsu đến miền Galilê, có năm ngàn đàn ông đi theo ngài. Ngài băn khoăn lấy gì cho đám đông đó ăn, nên hỏi Philípphê và Anrê. Hai ông này chỉ cho ngài một cậu bé có năm cái bánh lúa mạch và hai con cá. Thức ăn chỉ có chừng đó. Đức Giêsu cầm lấy và bắt đầu phân phát. Không chỉ mọi người được ăn no nê mà phần còn lại bỏ đầy mười hai thúng. Gioan nói thêm: “Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: ‘Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!’ Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt Ngài đem đi để tôn làm vua, nên ngài lánh mặt đi lên núi một mình.” (Ga 6,1-15)

Trong nền văn hoá của thời đại, Đức Giêsu phải chứng tỏ rằng Ngài được Thiên Chúa sai đến qua những dấu chỉ ấy. Do đó có sự nhấn mạnh trên những phép mầu lôi cuốn các đám đông và giúp ngài công bố giáo huấn của ngài. Tuy nhiên các tác giả Phúc Âm cho thấy Đức Giêsu không bao giờ tìm cách sử dụng quyền năng cho chính ngài, và ngài từ chối sử dụng nó để thoát khỏi tay kẻ thù khi ngài bị bắt. Ngài cũng sẽ cảnh giác những người tự mãn với các phép lạ để khẳng định họ đã khám phá chân lý: “Thật vậy sẽ có các Kitô giả và tiên tri giả xuất hiện làm nhiều dấu lạ, phép mầu lớn để lừa dối và nếu có thể được, họ lừa gạt ngay cả những người được chọn” (Mátthêu 24, 24).

---o0o---

Trích: “Socrate Đức Giêsu Và Đức Phật: Ba Tôn Sư Sự Sống”

Tác giả: Frédéric Lenoir

Dịch từ bản tiếng Pháp "Socrate Sésus Bouddha: trois maitres de vie"

Người dịch: Vĩnh An

Nhà xuất bản Fayard, 2009

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan