PHÂN BIỆT GIỮA TÂM VÀ TÍNH GIÁC - KHENCHEN THRANGU - TÍNH GIÁC SỐNG ĐỘNG

PHÂN BIỆT GIỮA TÂM VÀ TÍNH GIÁC

KHENCHEN THRANGU

TÍNH GIÁC SỐNG ĐỘNG

---o0o---

THIỀN AN NGHỈ của Kusulu giống như là tinh túy của tất cả các truyền thống dạy Pháp. Nó là tinh túy của Đại Ấn, Đại Toàn Thiện, Con đường và quả, và tính Không. Thọ nhận những chỉ dẫn này là điều cần thiết, nhưng một khi con đã thọ nhận chúng, con nên làm gì với chúng? Có một nguy cơ là chúng ta không chăm sóc thiền định của mình. Nếu con thọ nhận các chỉ dẫn và bắt đầu...
PHÂN BIỆT GIỮA TÂM VÀ TÍNH GIÁC - KHENCHEN THRANGU - TÍNH GIÁC SỐNG ĐỘNG

THIỀN AN NGHỈ của Kusulu giống như là tinh túy của tất cả các truyền thống dạy Pháp. Nó là tinh túy của Đại Ấn, Đại Toàn Thiện, Con đường và quả, và tính Không. Thọ nhận những chỉ dẫn này là điều cần thiết, nhưng một khi con đã thọ nhận chúng, con nên làm gì với chúng? Có một nguy cơ là chúng ta không chăm sóc thiền định của mình. Nếu con thọ nhận các chỉ dẫn và bắt đầu thiền định nhưng sau đó, không duy trì nó, con sẽ đánh mất thiền định của mình và quay trở về với những thói quen xấu. Khi con thọ nhận những chỉ dẫn thiền nhận biết, con tuyệt đối phải thực hành chúng.

Đối với việc làm thế nào để thực hành chúng, ba vị tổ của dòng truyền thừa Kagyu là Dịch giả Marpa, Milarepa và Gampopa đã ban những ví dụ về nhiều cách khác nhau để chúng ta có thể thực hành. Tất cả chúng đều chỉ dẫn những phong cách sống khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau, và do đó, chúng đóng vai trò như là những ví dụ khác nhau mà các học trò có thể sống và thực hành Pháp theo như những nhu cầu và khuynh hướng của chính mình.

Ví dụ như quyển “Ánh Trăng Trẻ Trung" của Tổ Gampopa hướng dẫn đời sống của tu sĩ thọ nhận tất cả các giới. Vị ấy nhận các giới tu sĩ, xây chùa to, và chăm sóc một tăng đoàn lớn, trong khi cũng xoay xở để duy trì thực hành Đại Ấn và thiền định về bản tính của tinh túy - tâm của mình. Bằng cách làm như vậy, Ngài có thể đạt được một trạng thái thành tựu vĩ đại, chứng minh rằng chúng ta cũng có thể thành tựu trạng thái này nếu chúng ta sống đời tu sĩ. Con đường này lợi ích cho những ai có khuynh hướng từ bỏ hoàn toàn đời sống thế tục: nó cung cấp một cơ hội tuyệt vời để thực hành Pháp.

Nhưng nhiều học trò không thể trở thành tu sĩ, và họ có thể tự hỏi liệu họ có thể thực hành Pháp mà không trở thành một vị tăng hay ni không. Không có ai bảo rằng con không thể thực hành Pháp nếu con không nhận các giới luật. Ví dụ như, Milarepa vĩ đại không phải là một tu sĩ, nhưng Ngài thực hành Pháp rất quyết liệt. Ngài sống một đời giản dị và khắc khổ. Ngài không lo lắng về thức ăn, quần áo, tiền bạc hay nơi ở. Ngài không có dù chỉ một chút xíu tham luyến với đời sống này. Nếu Ngài có thực phẩm trong khi Ngài thực hành thiền định, đó là điều tốt. Nếu Ngài không có thực phẩm, đó cũng là điều tốt. Nếu Ngài có quần áo, đó là điều tốt, và nếu Ngài không có quần áo, đó cũng là điều tốt - Ngài đã thực hành một cách tinh tấn siêng năng bất kể những điều kiện ngoại cảnh trong các hang động và những nơi hoang vu, và Ngài đã trở thành một Đại Thành Tựu Giả. Nếu con có may mắn và khả năng thực hành như Milarepa, đó là điều tuyệt vời. Nếu con không có măn mắn và khả năng để làm điều đó như Milarepa đã làm, nhưng có thể làm, dù chỉ một chút xíu, đó cũng là điều tuyệt vời.

 

Không phải mọi người đều có cơ hội thực hành Pháp theo cách này, nhưng không ai nói rằng con không thể thực hành Pháp và đạt những kết quả nếu con không thực hành giống y như Milarepa. Bất cứ phong cách sống nào mà con sống, con đều có thể thực hành Pháp. Ví dụ như Dịch giả Marpa sống một đời sống hoàn toàn khác. Ngài có một vợ và nhiều con, có tài sản và sở hữu. Ngài tận hưởng những thứ này, nhưng đồng thời, Ngài tinh tấn trong việc thực hành Pháp. Đầu tiên, Ngài học và suy ngẫm về Pháp, và sau đó thực hành nó. Thông qua thực hành, Ngài đạt được những thành tựu vĩ đại. Ngài giống như là mùa xuân mà tất cả những giáo lý của dòng Kagyu của chúng ta đều tuôn chảy ra từ đó.

 

Giống như Dịch giả Marpa, con có thể sống trong một căn nhà và có một lượng tài sản nhất định, nhưng con vẫn có thể thực hành Pháp. Nếu con có thể thực hành như Marpa và thành tựu một cấp độ chứng ngộ cao như vậy, thì điều đó là vô cùng may mắn. Thậm chí nếu con không thể đạt một cấp độ chứng ngộ cao, một lượng thực hành Pháp bất cứ mức nào mà con làm cũng sẽ mang lại lợi ích. Bất kể con lấy Đức Marpa, Đức Milarepa hay Đức Gampopa làm điển hình cho mình, con đều có thể thực hành Pháp.

Những đạo sư vĩ đại của Ấn Độ thời xưa, tám mươi bốn Đại Thành Tựu Giả, cũng cung cấp nhiều ví dụ khác nhau về các phong cách sống khác nhau. Các Đại Thành Tựu Giả đến từ tất cả các thành phần khác nhau trong xã hội: họ là những đạo sư nam, đạo sư nữ, người đã thực hành Pháp theo nhiều cách khác nhau phù hợp với những phong cách sống của họ và nỗ lực để đạt được những thành tựu vĩ đại. Trong số họ, có Đức Vua Indrabhuti đầy quyền lực. Ngài cai trị một quốc gia rộng lớn, và do đó có những trách nhiệm lớn lao. Ông cũng vô cùng giàu có và có nhiều lạc thú do các giác quan mang lại để tận hưởng. Nhưng Ngài không bị lạc lối bởi những lạc thú và sự giàu có của mình, Ngài cũng không bị quá tải bởi những trách nhiệm của mình. Ngài có thể thực hành trong khi vẫn duy trì những trách nhiệm của mình và đã đạt giải thoát theo cách này.

Giống như Đức Vua Indrabhuti, con có thể rất giàu có và có nhiều nguồn tài nguyên. Đôi khi, con có thể tự hỏi liệu con có phải từ bỏ tất cả để thực hành Pháp không. Điều đó không cần thiết. Nếu con mong muốn từ bỏ sự giàu có của mình, điều ấy cũng tốt, nhưng nếu con không, con vẫn có thể thực hành Pháp và thành tựu những kết quả.

Vị học giả vĩ đại Long Thọ (Nagarjuna) là một ví dụ khác. Ngài học nhiều và thông thái, và hiểu biết nhiều loại triết học của các trường Phật giáo và ngoại đạo. Ngài cũng rất thông tuệ và chứng minh cho những quan điểm của mình thông qua lý luận sắc bén và thấu suốt. Ngài đã sáng tác nhiều luận gốc có tầm ảnh hưởng to lớn tới mức chúng đánh dấu một điểm chuyển đổi trong triết học Phật giáo và ngoại đạo. Lý luận và lập luận trong những luận uyên thâm của Đức Long Thọ về tính Không rất có tính thuyết phục đến mức các Phật tử đã bị thuyết phục để chấp nhận những quan điểm của Ngài, và thậm chí được cho rằng nó là một dấu ấn khác biệt giữa những luận viết bởi những triết gia ngoại đạo người đã xuất hiện trước Đức Long Thọ và những người sinh ra sau Ngài. lý luận của Ngài thuyết phục tới mức họ bị ép phải thay đổi những quan điểm mà họ đã giữ trong những trường phái triết học của họ. Trong các luận của mình, Ngài bác bỏ nhiều điểm không đúng đắn và thiết lập một truyền thống các học giả mới. Nhưng Ngài không chỉ đơn thuần là một học giả, người có mối quan tâm học thuật và không bao giờ thực hành, bị xao lãng bởi những theo đuổi kiến thức của mình. Bởi vì Ngài chứng ngộ bản tính sâu xa của tính Không, Ngài vừa là một học giả, vừa là một Đại Thành Tựu Giả. Tương tự, ngày nay, có nhiều người là những học giả, như là các giáo sư đại học. Ví dụ về Đức Long Thọ cho thấy rằng con có thể theo đuổi công việc có tính chất bác học và thực hành thiền định cùng một lúc.

Ví dụ khác là một người không phải là một học giả vĩ đại, cũng không giàu có hay quyền lực theo bất cứ nghĩa nào, và sống một đời vô cùng giản dị. Đây là Đại Thành Tựu Giả vĩ đại - Tilopa. Ngài tự kiếm sống bằng cách tách hạt vừng (mè) để lấy dầu. Bên ngoài, Ngài nỗ lực nghiền các hạt vừng (mè), và bên trong, cùng một lúc, Ngài thực hành Đại Ấn. Thông qua đó, Ngài đã đạt được những thành tựu vĩ đại. Con có thể thắc mắc liệu con có thể sống một đời sống giản dị và thực hành Pháp hay không, và Tilopa là một ví dụ cho thấy rằng con có thể. Con có thể sống và thực hành như Tilopa và cũng thành tựu kết quả tối thượng.

 

Bất kể cách sống của chúng ta có thể là gì, chúng ta cần thực hành Pháp. Nhưng làm thế nào mà chúng ta thật sự ăn khớp thực hành vào đời sống của mình? Nói chung, có hai phần trong thực hành Pháp: thực hành thật sự của việc an nghỉ bình an, và thực hành hậu thiền định. Thực hành thiền định thật sự đòi hỏi những giáo lý từ một vị thầy, phát triển đức tin và lòng sùng mộ, và sau đó thực hành cả thiền phân tích của một học giả và thiền an nghỉ của kusulu. Khi chúng ta chưa phát hiện ra bản tính của tâm và không thể kinh nghiệm tinh túy của nó, chúng ta nên thực hành thiền phân tích của học giả. Khi chúng ta tiến bộ thông qua thực hành sơ bộ của thiền phân tích và tâm chúng ta có khả năng an nghỉ bình an, chúng ta không cần luôn luôn tìm kiếm xem tâm ở đâu và tinh túy của nó là gì. Và tới một lúc, con sẽ bắt đầu có một số kinh nghiệm, và đó là khi con nên thực hành thiền an nghỉ của kusulu. Nếu con có thể an nghỉ trong thiền định đó, đấy là tốt, nhưng nếu không, con có thể quay về với thiền phân tích thêm một khoảng thời gian nữa. Một khi thiền định của con tiến bộ và con có thể chỉ đơn giản là an nghỉ, thì con nên chỉ duy trì thiền an nghỉ của kusulu.

Chúng ta cần làm cả hai thực hành này, nhưng đó là chưa đủ. Chúng ta cũng cần phải thực hành trong những hoạt động hậu thiền định. Bất cứ khi nào, chúng ta đứng lên khỏi thiền định, chúng ta làm nhiều việc. Chúng ta có thể ăn, ngủ, đi đâu đó hoặc làm nhiều chuyện khác nhau. Thời gian mà chúng ta làm những việc khác không phải là thiền định mà nó là cái mà chúng ta gọi là hậu thiền định. Điều quan trọng nhất để làm trong hậu thiền định là không quên kinh nghiệm của thiền định, an nghỉ bình an. Chúng ta cần cố gắng duy trì chính niệm và tỉnh giác. Nếu chúng ta có thể làm điều đó, hậu thiền định của chúng ta sẽ nâng cao thực hành thiền định thật sự của chúng ta và thực hành thiền định của chúng ta sẽ nâng cao thực hành hậu thiền định của chúng ta.

Bình an của chúng ta sẽ tăng trưởng rõ ràng hơn và ổn định hơn và chúng ta sẽ có ít khó khăn hơn trong hậu thiền định. Đương nhiên, chúng ta vẫn phải gặp mọi người, nói chuyện và làm những công việc của mình trong hậu thiền định, và có thể rằng sẽ có những lo lắng vài vấn đề. Nhưng khi những vấn đề xuất hiện, chúng ta không nên bỏ cuộc. Chúng ta phải có thể ghi nhớ tinh túy của thực hành thiền định của mình và một khi chúng ta ghi nhớ nó, chúng ta cần nghĩ về nó. Nếu chúng ta thực hành cả hai thiền định và hậu thiền định theo cách này, mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng hơn và tốt hơn. Khenpo Gangshar đã nói rằng đây là tinh túy của những chỉ dẫn của Ngài về thực hành đơn giản và không phức tạp.

 

VẤN ĐỀ VỚI SỰ XAO LÃNG

Vào lúc này, chúng ta cần có khả năng biết liệu thiền định của chúng ta đang diễn ra tốt đẹp hay là xấu. Để có thể biết điều đó, chúng ta cần phải biết liệu chúng ta có bị xao lãng hay không, và do đó, trong chỉ dẫn ngắn hơn của mình, Khenpo Gangshar nói rằng chúng ta cần phân biệt giữa bị xao lãng và không bị xao lãng. Đôi khi, chúng ta đang thiền định về bản tính của tâm, chúng ta bị xao lãng một chút, nhưng đôi khi, chúng ta có thể an nghỉ không xao lãng. Chúng ta cần có khả năng phân biệt rõ ràng hai hoàn cảnh này. Khenpo Gangshar tiếp tục:

Nếu con không bị xao lãng và tự nhiên, nó không giúp ích cũng không gây hại. Đây là tính giác.

 

Nếu chúng ta có thể loại trừ sự xao lãng, và an nghỉ một cách không xao lãng trong kinh nghiệm trực tiếp và trần trụi về tinh túy của tâm, không gì có thể giúp ích hay làm hại chúng ta: nếu một điều gì đó tốt xảy ra, chúng ta không bám lấy nó, do đó, nó không thật sự giúp ích cho chúng ta. Nếu một ai đó làm điều gì đó xấu với chúng ta, chúng ta sẽ không cảm thấy bất cứ sân hận nào, do đó, nó cũng không thật sự làm hại chúng ta. Đây là ý nghĩa của câu nói: nó không giúp ích cũng không gây hại.

Trong Đại Toàn Thiện, điều này được gọi là phân biệt giữa tâm và tính giác. Không xao lãng và an nghỉ tự nhiên là điều mà chúng ta gọi là tính giác. Bị xao lãng bởi những tư tưởng là cái mà chúng ta gọi là tâm. Khi chúng ta nói phân biệt, điều đó có nghĩa là chúng ta cần biết liệu thiền định của chúng ta là tốt hay không. Điều này dẫn đến tâm và tính giác, do đó, chúng ta cần phải có khả năng phân biệt giữa hai thứ này. Như Khenpo Gangshar nói:

Việc phân biệt giữa tâm và tính giác là rất quan trọng.

Đôi khi, chúng ta nhìn vào bản tính của tâm, biết rõ nó, và an nghỉ trong nó. Đấy được gọi là tính giác. Nhưng đôi khi chúng ta quên những gì đang làm và nhiều tư tưởng khác nhau sinh khởi. Những tư tưởng này tăng nhanh bởi những dấu ấn của thói quen từ vô lượng kiếp. Khi chúng ta không thể an nghỉ bình an và có một số mê lầm, hoặc khi chúng ta quên mình đang làm gì, đó là tâm. Đây là hai phương diện mà chúng ta cần phân biệt. Nếu chúng nhầm lẫn về chúng, có nguy cơ là chúng ta sẽ nhầm lẫn không thiền định thành thiền định và thực hành của chúng ta sẽ không diễn tiến tốt đẹp. Chúng ta cần phân biệt rõ ràng cái gì là thiền định và cái gì là không thiền định. Khi nào chúng ta bị xao lãng, và không thiền định? Khi nào chúng ta không bị xao lãng và đang thiền định? Biết rõ ràng sự khác biệt giữa hai cái này là vô cùng quan trọng.

Lý do điều này rất quan trọng là như Đức Toàn Tri Vĩ Đại Longchenpa đã mô tả:

Những con bò lớn giả vờ như là đã biết Đại Toàn Thiện

Quả quyết rằng suy nghĩ lan man là tâm giác ngộ.

Những người vô minh, trong cõi tối đen của họ,

Xa rời khỏi ý nghĩa của Đại Toàn Thiện Tự Nhiên.

Mặc dù nhiều người nghĩ rằng họ đang thực hành Đại Toàn Thiện, nhiều người không biết làm sao để phân biệt tâm và tính giác. Những người như vậy thật ra là những con bò ngu ngốc, to xác - bướng bỉnh và bị câm. Nếu họ cố gắng thiền định họ không biết phải làm như thế nào. Họ không biết rằng cái gì là tốt và cái gì là xấu. Khi những người này thực hành Đại Toàn Thiện, một suy nghĩ xuất hiện và sau đó, họ chạy theo nó với suy nghĩ rằng chuyển động của các tư tưởng trong tâm đều là Bồ đề tâm tuyệt đối. Họ nghĩ rằng nó là Pháp tính, là tinh túy - tâm: họ nghĩ rằng họ đã nhận biết bản tính của tất cả các hiện tượng. Nhưng đây là một sai lầm lớn. Tuy nhiên, tất cả những tư tưởng lan man xoay lòng vòng trong tâm họ là những hiện tướng mê lầm của sinh tử, không phải Bồ đề tâm tuyệt đối, và họ nghĩ rằng chúng là trí huệ hoặc Bồ đề tâm tuyệt đối thật ra là ảo tưởng hoàn toàn. Những người nghĩ rằng chúng là trí huệ hoặc Bồ đề tâm là hoàn toàn ở trong sự tối tăm. Họ thiếu tính sáng tỏ. Nếu họ có thể đến một nơi sáng sủa và nhẹ nhàng, họ sẽ có thể thấy và giải thoát bản thân họ, nhưng họ không biết điều này và thay vào đó, họ trôi lăn trong tối tăm mê lầm của ảo tưởng. Đây là lý do tại sao họ được cho là ở xa Đại Toàn Thiện tự nhiên - họ không thể thực hành thiền định Đại Toàn Thiện.

Đây là khó khăn có thể sinh khởi nếu chúng ta không phân biệt giữa tâm và tính giác - giữa tâm xao lãng và không xao lãng. Thêm vào đó, để nhận biết bản tính của tâm, chúng ta cũng cần biết khi nào chúng ta đang kinh nghiệm an nghỉ trong tính giác của bản tính của tâm và khi nào chúng ta đang kinh nghiệm tâm, phương diện mê lầm.

Lý do chúng ta cần phân biệt tâm với tính giác là có phương diện không xao lãng nhận biết bản tính của tâm và phương diện xao lãng đã quên bản tính của nó. Khi chúng ta an nghỉ trong bản tính của tâm, đó là điều mà Khenpo Gangshar gọi là “sự liên tục của tính tự nhiên không xao lãng”, nhưng khi chúng ta bị xao lãng, chúng ta quên kinh nghiệm đó và mất nó. Sau đó, nhiều tư tưởng sinh hởi và tâm trở nên không rõ ràng. Nó giống như là chúng ta không biết khi chúng ta bị xao lãng. Trong một số hướng dẫn thiền định, nó được gọi là sóng ngầm. Có những suy nghĩ nhỏ bắt đầu mà chúng ta không biết nó bắt đầu từ đâu và từ khi nào. Phương diện xao lãng này được gọi là tâm. Tâm không xao lãng, có chính niệm và sự chú tâm (sự liên tục của tính tự nhiên không xao lãng) được gọi là tính giác.

Ở trên, chúng ta đã sử dụng chữ tâm khi thảo luận nhìn vào bản tính của tâm, và tại đây, chúng ta đang sử dụng chữ tâm từ phương diện xao lãng phải được loại trừ. Mặc dùng từ ngữ giống nhau, ý nghĩa là khác nhau. Trong bối cảnh này, tâm là khi kinh nghiệm chưa sinh khởi trong chúng ta, hoặc nếu kinh nghiệm đã sinh khởi, nó là khi chúng ta bị các tư tưởng kiểm soát. Ở trên, nhìn vào bản tính của tâm nghĩa là nhận biết tâm như nó là, và biết bản tính thanh tịnh tuyệt đối của nó. Chúng ta cần nhận biết rằng chúng khác nhau. an nghỉ bình an không xao lãng trong cái biết về bản tính của tâm là cái chúng ta gọi là tính giác.

Nói một cách cụ thể, tính giác không mê lầm - nó là cái biết rõ bản tính của mọi thứ. Khi chúng ta có nhầm lẫn hoặc suy nghĩ, đó là tâm. Chúng ta cần phân biệt rõ ràng hai thứ này, bởi vì, như Khenpo Gangshar nói:

Nếu con thất bại trong việc phân biệt giữa tâm và tính giác, con có thể dấn thân làm những việc nhầm lẫn nhân và quả, và do đó đi ngược lại với con đường trong đó cái thấy và hạnh hợp nhất.

Đôi khi, tính giác của chúng ta rất mạnh và sáng tỏ, tại những thời điểm ấy, không có nguy cơ trộn lẫn nghiệp, nhân và quả. Nhưng đôi khi, khi chúng ta không phân biệt rõ ràng mê lầm của tâm với tính giác, chúng ta có thể nghĩ rằng phương diện xao lãng của tâm là thiền định. Nhiều tư tưởng sinh khởi, và chúng ta sẽ không xử lý chúng, nghĩ rằng đây là Đại Toàn Thiện. Nếu điều này xảy ra, những phiền não sẽ sinh khởi, chúng ta sẽ chạy theo chúng, và sau đó, chúng ta sẽ dấn thân vào những hành động sai. Chúng ta sẽ đi ngược lại khỏi con đường mà trong đó, cái thấy và hạnh hợp nhất. Chúng ta sẽ bất chấp nghiệp, nhân và quả. Chúng ta sẽ không từ bỏ những hạnh xấu và sẽ không trưởng dưỡng những hạnh lành. Chúng ta sẽ lẫn lộn giữa nhân và quả, và gây ra nhiều sai lầm. Khi chúng ta có cái thấy đúng và hiểu sự khác biệt giữa tâm và tính giác, điều này dẫn chúng ta tới thái độ tốt - cái thấy đúng đắn và hạnh đúng đắn hợp nhất với nhau. Nhưng nếu chúng ta không phân biệt chúng với nhau và không có thái độ tốt, nó sẽ ngược lại: cái thấy và hạnh sẽ không tốt.

Khi chúng ta thiền định về bản tính của tâm, chúng ta cần phải có cái thấy đúng và hạnh đúng. Việc chúng ta thành tựu một hiểu biết đúng đắn về cái thấy và rằng chúng ta biết rõ tinh túy - tâm là vô cùng quan trọng. Đồng thời, hành động của chúng ta phải đúng đắn, nó không nên bị lẫn lộn với những hành động sai lầm, những che chướng và ác hại. Khi cái thấy và hạnh của chúng ta hợp nhất, cái thấy đúng đắn của chúng ta nâng cao hạnh và hạnh của chúng ta nâng cao cái thấy. Khi chúng ta đang thiền định, chúng ta cần đi theo con đường hợp nhất này, nhưng nếu chúng ta không thể phân biệt tâm với tính giác, chúng ta sẽ đi ngược lại với con đường.

 

NHẬN BIẾT TÍNH GIÁC, XÁC ĐỊNH TÂM

 

Chúng ta cần phân biệt tâm với tính giác, nhưng cái gì là tâm? Cái gì là tính giác? Khenpo Gangshar giải thích:

Khi kinh nghiệm sự liên tục của tính tự nhiên không xao lãng, tính giác thoát khỏi một điểm trụ, như bầu trời, không có thậm chí một dấu vết của niềm vui, hoặc đau khổ, hy vọng hoặc sợ hãi, lợi ích hoặc tổn hại, bất kể con gặp những hoàn cảnh tích cực hay tiêu cực.

 

Tính giác là khi tâm chúng ta không xao lãng - khi chúng ta nhận biết bản tính của tâm như nó là và biết rõ tinh túy của nó. Trong những chỉ dẫn về Đại Ấn, chúng ta nói rằng chúng ta cần phải có chính niệm và sự chú tâm, và không để tâm mình trở nên xao lãng. Khi chúng ta gọi đây là tính tự nhiên, đó có nghĩa là chúng ta đang an nghỉ trong bản tính tự nhiên của mọi sự: đó là đang thấy bản tính của tâm. Khi chúng ta thấy bản tính của tâm, chúng ta có những cảm giác gì? Chúng ta có thể gặp những hoàn cảnh thuận lợi vào một thời điểm khi mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp và mọi thứ đang tốt đẹp và thoải mái, nhưng chúng ta không cảm thấy niềm vui nào, hy vọng vĩ đại nào, hay bám nắm nào. Chúng ta có thể gặp những hoàn cảnh tiêu cực - mọi thứ có thể chuyển thành xấu, chúng ta không cảm thấy đau đớn và khổ sở, hoặc chạm mặt với những khó khăn và những thứ mà chúng ta không thích. Nhưng chúng ta không cảm thấy sân hận hoặc ác cảm với những thứ ấy.

Khi chúng ta đang an nghỉ trong samadhi này, những điều kiện tích cực sinh khởi, chúng ta không tự suy nghĩ: “Đấy là tốt.” và cảm thấy hạnh phúc. Tương tự, nếu những điều kiện xấu sinh khởi, chúng ta không nghĩ: “Đấy là xấu" và thấy chán nản. Chúng ta không có niềm vui hay khó chịu. Nếu chúng ta cảm thấy niềm vui hay dễ chịu khi gặp những hoàn cảnh tích cực, chúng ta cảm thấy có nhiều hy vọng, và nếu chúng ta cảm thấy buồn đau hay chán nản về những điều kiện xấu, chúng ta sẽ trở nên sợ hãi. Nhưng khi an nghỉ bình an trong trạng thái tự nhiên, không có hy vọng nào, cũng không có nỗi sợ nào. Khi chúng ta nói “hy vọng và sợ hãi", hy vọng là suy nghĩ: “Tôi hy vọng mọi thứ sẽ có kết quả tốt trong tương lai" và sợ hãi là suy nghĩ: “Tôi cảm thấy sợ rằng những thứ trong tương lai sẽ trở nên tồi tệ.” Nhưng ở đây không có thậm chí chỉ một dấu vết của những cảm xúc này.

Mọi sự là như nhau, tĩnh lặng và bình an, và chúng ta an nghỉ trong trạng thái này. Khi chúng ta đối mặt với những hoàn cảnh tốt, chúng không thể thật sự mang lại lợi ích cho chúng ta, trong đó, chúng không khiến chúng ta hạnh phúc hoặc mang lại cho chúng ta hy vọng nào. Khi chúng ta đối mặt với những hoàn cảnh xấu, chúng không gây hại chúng ta, trong đó, chúng không khiến chúng ta sợ hãi hay mang tới vấn đề nào. Chúng ta không có những khó khăn sinh khởi từ hy vọng và sợ hãi, chúng ta không có những bám nắm hay tham luyến. Nó giống như là bầu trời hoặc hư không, không có dù chỉ một dấu vết của niềm vui hay nỗi buồn, hy vọng hay sợ hãi, lợi ích hay tổn hại. Không có bám nắm và không có sợ hãi, dù chỉ một chút. Đây là tính giác - một trạng thái vô cùng ổn định và sáng tỏ trong suốt khi thiền định, trong đó chúng ta kinh nghiệm tính Không phúc lạc, tỏa rạng.

Thế rồi tâm là gì?

Đặc tính của tâm (nhị nguyên) là rõ ràng khoảnh khắc con hơi bị xao lãng, và gặp những điều kiện (tương tự) và con cảm thấy niềm vui hay nỗi buồn. Sau khi đã sinh khởi vui hay buồn, con sẽ tích tập những hành động nghiệp.

Chúng ta cố gắng an nghỉ không xao lãng trong kinh nghiệm bản tính của tâm, nhưng chúng ta có thói quen cũng và đôi khi, hơi bị xao lãng. Điều này có nghĩa là chúng ta đã mất chính niệm và sự chú tâm. Trong Đại Toàn Thiện, điều này được gọi là tâm, và trong Đại Ấn, nó được cho là chính niệm của chúng ta không ổn định. Khi chúng ta bị xao lãng một chút, các tư tưởng có thể sinh khởi trong tâm, một số sẽ giống như là thích, một số như là không thích, và chúng ta sau đó, sẽ quên an nghỉ trong tính tự nhiên. Tâm chúng ta bị xao lãng và mê lầm. Nếu chúng ta đối mặt với một hoàn cảnh tốt, chúng ta cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ. Chúng ta nghĩ: “Thật tuyệt! Tôi thích thế! Tôi muốn thế!” và sau đó, chúng ta cảm thấy tham luyến. Bởi vậy, chúng ta thực hiện một hành động và tích tập nghiệp. Nếu chúng ta đối mặt với hoàn cảnh xấu, chúng ta nghĩ: “Thật kinh khủng! Hãy tránh xa tôi ra,” và cảm thấy ác cảm hay ghen tị, điều này cũng sẽ dẫn chúng ta tới hành động. Một khi chúng ta cảm thấy tham luyến hay sân hận, chúng ta sẽ thực hiện những hành động tốt và xấu và tích tập nghiệp. Điều này, sau đó, khiến chúng ta lang thang trong sinh tử - một khi chúng ta tích tập nghiệp, chúng ta sẽ lang thang trong sinh tử một cách không thể tránh khỏi. Sự xao lãng này là tâm.

 

Đây là cách chúng ta xác định tâm và tính giác. Tính giác là không xao lãng thấm đẫm chính niệm và sự chú tâm. Nếu chính niệm và sự chú tâm vắng mặt, đó là tâm. Khenpo Gangshar lấy một ví dụ:

Ví dụ như, tâm giống như những đám mây hội tụ trên bầu trời. Do đó, con phải đạt sự ổn định trong tính giác, điều đó giống như là một bầu trời không mây. Con phải có khả năng tịnh hoá phương diện giống như những đám mây trên bầu trời này của tâm.

Thông qua điều này, con sẽ có thể phân biệt tâm và tính giác.

Khi bầu trời đầy mây, nó bị che lấp và con không thể nhìn thấy nó rõ ràng. Tương tự, khi chúng ta đối diện một hoàn cảnh, chúng ta có những cảm xúc vui, buồn, và như là một kết quả của điều này, chúng ta kinh nghiệm tham luyến và ác cảm. Nhưng tính giác bên trong giống như một bầu trời xanh trong tuyệt đối, không có một dấu vết nào của một đám mây. Sự vắng mặt của tâm được gọi là tính giác. Đầu tiên, tính giác của chúng ta không ổn định - đôi khi nó ở đó, và đôi khi nó không. Chúng ta cần đạt tới sự ổn định trong tính giác, điều này có nghĩa là chúng ta cần có khả năng duy trì nó. Để làm được điều này, chúng ta cần tịnh hoá tâm: chỉ như là một ngọn gió mạnh sẽ thổi bay tất cả những đám mây trên bầu trời, chúng ta cần sử dụng sức mạnh của samadhi để tịnh hoá bản thân mình khỏi những đám mây tâm để chúng ta có thể thấy tính giác - nó cần phải sáng rõ như pha lê. Khi chúng ta có tâm, thì có xao lãng. Nhưng nếu chúng ta có chính niệm, chúng ta biết rõ rằng chúng ta đã bị xao lãng thì ngay lập tức, sự xao lãng biến mất. Một khi tâm đã ổn định, tính giác sinh khởi.

Điểm chính yếu ở đây là chúng ta phải có thể duy trì kinh nghiệm và chứng ngộ. Chúng ta cần có thể loại trừ những vấn đề trong thiền định của mình. Nhằm làm điều đó, chúng ta cần biết tâm và tính giác là gì và nhận diện chúng một cách rõ ràng. Chúng ta cần đảm bảo rằng chúng ta không bị tâm dẫn dắt và có khả năng an nghỉ cân bằng trong tính giác. Chúng ta cần xua tan những tư tưởng, những đám mây tụ lại trên bầu trời; chúng ta cần xua tan sự xao lãng của tâm và làm tính giác sáng tỏ như bầu trời trong lành tuyệt đối.

Một số người thực hành Đại Toàn Thiện nói rằng Đại Ấn thiếu những chỉ dẫn về sự phân biệt tâm và tính giác và xem nó như là một sự thiếu sót trong Đại Ấn. Nhưng thật sự không phải là như thế. Mặc dù các đạo sư Đại Ấn không dạy nó với những từ ngữ giống như vậy, họ có dạy cùng một điểm. Trong Làm Sáng Tỏ Trạng Thái Tự Nhiên, Takpo Tashi Namgyal nói rằng khi chúng ta đang thực hành thiền định, chúng ta cần có chính niệm và sự chú tâm sáng tỏ và mạnh mẽ. Điều này thật sự có nghĩa giống như là phân biệt tâm và tính giác. Cách chúng ta phân biệt liệu chúng ta có bị xao lãng hay không là thông qua chính niệm và sự chú tâm. Takpo Tashi Namgyal nói từ kinh nghiệm của chính mình rằng chính niệm này nên sáng tỏ và mạnh mẽ để chúng ta ngay lập tức biết thiền định của mình là tốt hay không. Chính niệm của chúng ta phải có một sức mạnh và năng lực cụ thể. Nếu chính niệm của chúng ta quá lỏng lẻo, nó dễ bị xao lãng. Nhưng những giáo lý Đại Toàn Thiện và Đại Ấn là thật sự cùng nói về một điểm, mặc dù với những từ ngữ khác nhau.

Lý do giống nhau là khi chúng ta thảo luận sự khác biệt giữa tâm và tính giác, chúng ta nhìn vào đối tượng của thiền định và nói rằng: “Đây là tâm" hoặc “Đây là tính giác.” Khi chúng ta nói rằng chúng ta cần chính niệm và sự tỉnh giác sáng tỏ và mạnh mẽ, thì chúng ta nhìn vào chủ thể nhận thức với chính niệm và sự tỉnh giác để thấy liệu nó là mê lầm hay không. Đây là một cách phân biệt giữa tâm và tính giác. Khi chúng ta có chính niệm và tính giác sáng tỏ và mạnh mẽ, chúng ta có thể tịnh hoá tâm và làm sáng tỏ tính giác. Theo cách này, mặc dù những chỉ dẫn Đại Ấn không thật sự nói những từ “phân biệt tâm và tính giác", nhưng chúng đã dạy ý nghĩa, do đó, không có sự thiếu sót.

Cũng có một số hướng dẫn nói rằng chính niệm và sự chú tâm là xao lãng, và do đó, không hoàn toàn tốt. Nhưng để có thể không bị xao lãng, con phải tuyệt đối có chính niệm và sự chú tâm. Takpo Tashi Namgyal cũng nói rằng chính niệm và sự chú tâm của chúng ta không nên quá kiểu cách, kén chọn, nói theo ngôn ngữ thông tục; chúng ta không nên liên tục quan tâm tới những thứ lặt vặt trong thiền định. Thay vào đó, chúng ta nên duy trì kinh nghiệm của chúng ta theo một cách rộng lớn. Nếu chúng ta nghĩ: “Ta cần phải có chính niệm!” đấy là quá chặt. Nhưng nếu chúng ta nhìn từ xa theo một cách thư giãn, thì chính niệm của chúng ta sẽ là dễ uốn nắn (mềm mỏng) và rộng lớn. Tâm chúng ta nên có thể an nghỉ không xao lãng trong chính niệm. Luôn kiểu cách và quan tâm tới những thứ lặt vặt không thật sự mang lại nhiều lợi ích.

Điều này kết luận những giáo lý về thực hành thật sự thiền định an nghỉ của một kusulu, cái bắt đầu với những chỉ dẫn về hội nhập, theo sau bởi những chỉ dẫn về phân biệt. Những chỉ dẫn về thiền an nghỉ nói với chúng ta rằng chúng ta có thể nhìn vào tâm. Khi chúng ta nhìn, chúng ta có thể thấy và sau đó, biết rõ bản tính của nó. Khi chúng ta cần có khả năng duy trì nó: chúng ta cần duy trì rằng: chúng ta cần tiếp tục thực hành của mình. Nhằm làm như vậy, chúng ta cần phân biệt giữa tâm và tính giác. Bản tính của tâm ta không phải là một cái gì mà chúng ta làm ra hoặc là ai đó tặng cho chúng ta. Bản tính của tâm vốn hiện diện bên trong và là một cái gì đó mà chúng ta có thể nhận biết và thiền định về. Chúng ta không cần khiến một cái gì đó không an nghỉ an nghỉ. Chúng ta không cần khiến một cái gì đó đang chuyển động dừng lại. Thiền an nghỉ là chỉ an nghỉ trong cái chúng ta vốn sẵn có, thư giãn không chỉnh sửa nó theo bất cứ cách nào. Việc chúng ta trưởng dưỡng điều này một cách liên tục là rất quan trọng.

---o0o---

Trích: “Tính Giác Sống Động”

Khenchen Thrangu

Dịch: Hoàng Lan

Nhà Xuất Bản Hà Nội – Thái Hà Books - 2020

Ảnh: Internet

 

Bài viết liên quan