PHÁP NGỮ DẠY CƯ SĨ DUNG NGỌC - TRÍCH “MỘNG DU TẬP” - THIỀN SƯ HÁM SƠN

PHÁP NGỮ DẠY CƯ SĨ DUNG NGỌC

MỘNG DU TẬP - THIỀN SƯ HÁM SƠN (1546-1623)

–––––o0o–––––

Lúc tôi ở am Tam Nhất, có cư sĩ Vương Dung Ngọc ở Hóa Châu đến thưa rằng: - Đệ tử tâm hướng về đạo đã lâu mà chí chưa được chuyên nhất. Con nghĩ rằng sống phải có danh giáo, lấy trung hiếu làm đầu, thẹn mình chưa được công danh để tỏ lòng trung với vua, chưa gánh đá để tỏ lòng hiếu với từ thân, tâm con chưa yên nên khó định chí.
PHÁP NGỮ DẠY CƯ SĨ DUNG NGỌC - TRÍCH “MỘNG DU TẬP” - THIỀN SƯ HÁM SƠN

Lúc tôi ở am Tam Nhất, có cư sĩ Vương Dung Ngọc ở Hóa Châu đến thưa rằng:

- Đệ tử tâm hướng về đạo đã lâu mà chí chưa được chuyên nhất. Con nghĩ rằng sống phải có danh giáo, lấy trung hiếu làm đầu, thẹn mình chưa được công danh để tỏ lòng trung với vua, chưa gánh đá để tỏ lòng hiếu với từ thân, tâm con chưa yên nên khó định chí.

Tôi bảo:
- Đúng thay! Trung hiếu thực là gốc của đạo cả, là sự tốt đẹp của lòng người. Đâu thể bỏ trung hiếu mà nói đạo, ngược với tâm tánh mà nói đức hạnh sao? Nhà Nho cho lời Phật dạy là bỏ nhân luân, dẹp trung hiếu, cho là ngược dòng (bối trì). Họ không biết chỗ ngược là vết tích còn chỗ hướng đến là tâm. Truyện nói: “Muốn thờ cha mẹ, không thể không biết đến người, muốn biết người, không thể chẳng biết trời”. Người tức là lòng nhân, là đức của tánh vậy.

Xem đây thì luận về việc thờ cha mẹ mà không biết người, chẳng gọi là hiếu. Luận về biết người mà không biết trời, chẳng gọi là biết người. Nói biết trời mà không thấy tánh thì trời cũng hoang mang không có chứng cử. Thế thì tâm tánh tại ta tức là thiên chân sẵn có. Người biết được thiên tánh chân thật tức là Chân nhân. Dùng cái hiếu của thiên chân tức là chân hiếu. Hay dụng công thấy tánh để tu là chân tu. Dùng cái vui của chân tánh để làm vui cho cha mẹ tức là diệu hạnh. Đó tức là hiếu, là chí hiếu vậy. Nhiều người cho rằng: “Lấy sự cung kính làm trọng, còn miệng và thân là nhẹ”, chỉ là đè ở ngọn.

Dung Ngọc thưa:
- Đệ tử lòng đã rõ lời chỉ dạy, biết công của sự thấy tánh thật lớn, lấy đây để làm cha mẹ được vui, sở nguyện đã vững. Nhưng đạo bao la như biển, mênh mông không ai chỉ lối về, mong thầy chỉ dạy công phu thẳng tắt.

Tôi nói:
- Cổ đức có nói: “Có một đường tắt tu hành là niệm Phật A Di Đà. Tiếng Phạn “A Di Đà” nghĩa là “Vô Lượng Thọ”, Phật là giác. Tức là giác tánh thiên chân sẵn có của chúng ta. Đó là diệu môn đệ nhất của sự thấy tánh. Tánh này vốn có trước thiên địa mà chẳng già, còn sau trời đất mà không phải chấm dứt, ở trong sanh tử mà chẳng biến đổi, ở chỗ đổi thay mà không dời chuyển, vượt trên vạn vật, không chỗ tận cùng, nên gọi là Vô Lượng Thọ. Thọ này chẳng lệ thuộc hình hài dài ngắn, năm tháng chóng chầy. Nếu chúng ta có thể thấy được tánh này thì gọi là Phật.

Hơn nữa, Phật chẳng phải tên gọi Vị Thánh nhân ở phương tây, mà là ta nhập được vào tự tánh chân thật của chính mình. Các vua Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang là bậc thiên dân tiên giác (Dân trời biết trước), nhưng thiên dân do đối đãi mà biết được, còn thánh nhân sanh ra đã biết trước. Cái giác biết này chẳng phải là giác của Phật tánh sao? Mạnh Tử bảo Nghiêu Thuấn đồng với người, chỗ đồng chính là đây. Nếu biết được giác tánh này thì mọi người đều có thể là Nghiêu Thuấn thì mọi người đều có thể làm Phật, rõ ràng là thế. Than ôi! Người đời cứ khư khư ôm cái thấy nhỏ hẹp, chưa gặp bậc chân nhân chỉ dạy, chỉ bó buộc theo tục học, cho thức ăn của tai là chính đáng, không quái gỡ sao? Cứ mờ mịt không biết về chỗ an nghỉ.

Dung Ngọc thưa:
- Đệ tử nhờ onn khai thị, tin biết tự tâm là Phật, tự tâm làm Phật, không cần tìm cầu bên ngoài. Nhưng con không biết yếu chỉ làm Phật, công phu hạ thủ, cúi mong thầy chỉ dạy.

Tôi nói;
- Chúng ta nếu biết tự tâm là Phật, cần phải xét nhân đâu mà làm chúng sanh? Vì chúng sanh và Phật như nước với băng, tâm mê thì Phật làm chúng sanh, tâm ngộ thì chẳng sanh là Phật như nước đóng thành băng, băng chảy thành nước, chỉ đổi tên chứ không đổi thể. Nếu mê thì chẳng giác, chẳng giác tức chúng sanh. Chẳng mê thì giác, giác tức chúng sanh là Phật. Ông muốn cầu Phật, chỉ cầu tự tâm. Tâm nếu có mê, chỉ cần nhớ Phật, Phật khởi lên tức giác, giác thì tự tánh sáng suốt, bày lộ rõ ràng, vọng tưởng tham, sân, si từ trước ngay đó như băng tiêu. Nghiệp cấu đã tiêu thì tự tâm thanh tịnh. Giải thoát không hệ lụy thì khổ biến mất, còn lại an vui, tai họa bay đi, phước đức ở lại. Chân lạc đã còn thì không tánh nào chẳng vui, phước trời theo đây hiện thì gặp gì cũng an. Chỉ có đây là an lạc chân thật, há miệng và thân có thể đến, phú quý có thể với tới sao? Đây là chỗ nói “tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”. Công phụng sự tâm không ngoài đây, vốn liếng của tịnh độ cũng không ngoài đây.

Dung Ngọc thưa:
- Đệ tử nghe dạy tâm và mắt được mở sáng như thấy đường về nhà, không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng nếu cho niệm Phật là hiếu, làm sao đến cái hiếu này? Đó là chỗ còn chưa an, xin thầy chỉ dạy.

Tôi nói:
- Ngày xưa, có người con hiếu đi xa, nhà có khách đến, người mẹ mong con không thấy về bèn cắn ngón tay, người con liền đau lòng, biết mẹ đang nghĩ tới mình, bèn trở về. Mẹ cắn ngón tay màlòng con đau, tức là do cùng thể mà tâm là một vậy. Ông nếu thấy rõ được tự tâm, hốt nhiên sẽ giác ngộ tâm tức tâm mẹ. Đem cái giác của mình để giác cho mẹ, đem niệm của mình mong mẹ niệm. Mẹ đã yêu thương thân con, lại không yêu thương tâm con sao? Nếu mẹ yêu thân con thì thân lụy, tâm sẽ khổ, còn nếu mẹ yêu tâm con thì quên thân mà tâm được vui. Hơn nữa, thể của tâm mẹ và con là một. Xưa mẹ nhớ con, cắn ngón tay mà lòng con đau. Nay con nhớ mẹ quên thân, há lòng mẹ chẳng an vui hay sao? Nhưng sợ con phụng sự tâm chẳng hết lòng, tập quên chẳng đến nơi, không bằng được sự tha thiết của mẹ nhớ con, để cảm được tâm mẹ vui. Vì thế, người con hiếu ngày xưa không dùng tâm sanh, ngũ đảnh để nuôi dưỡng cha mẹ, mà mặc lấy áo sặc sỡ nô đùa. Người đại hiếu là làm vui lòng cha mẹ chứ chẳng phải nuôi dưỡng thân của cha mẹ, hiếu ở đời là thế. Nếu có thể khiến cho mẹ, trong những năm cuối cuộc đời, đem tâm quay về tịnh độ, hưởng trọn cái vui của một ngày, vẫn hơn phú quý trăm năm. Còn khiến mẹ hằng ôm lòng lo lắng, thì tuy phú quý mà cha mẹ chẳng vui, tức là vui mà lại có lý do chẳng vui tồn tại. Nay ông do niệm Phật mà có thể khiến mẹ ông vừa an lại vui, vui lại lâu, đó không phải là Vô-lượng-thọ sao. Mẹ thọ vô lượng, con cũng thọ vô lượng thì Tịnh độ do ta chứ chẳng do người, Phật tại tâm mà không ở vết tích. Ông hãy vững chí.

–––––o0o–––––

Trích “Mộng Du Tập”

Tác giả: Thiền Sư Hám Sơn

Người dịch: Hạnh Huệ

 

Bài viết liên quan