PHẬT TÁNH - YONGEY MINGYUR RINPOCHE - TÌNH YÊU THƯƠNG VÔ ĐIỀU KIỆN, NIỀM HÂN HOAN VÀ SỰ XUẤT THẦN

PHẬT TÁNH

YONGEY MINGYUR RINPOCHE 

TÌNH YÊU THƯƠNG VÔ ĐIỀU KIỆN, NIỀM HÂN HOAN VÀ SỰ XUẤT THẦN

-------o0o-------

Phật là một thuật ngữ tiếng Phạn có thể tạm dịch là “người tỉnh biết”.
PHẬT TÁNH - YONGEY MINGYUR RINPOCHE - TÌNH YÊU THƯƠNG VÔ ĐIỀU KIỆN, NIỀM HÂN HOAN VÀ SỰ XUẤT THẦN

"Khi bạn đang sống trong bóng tối, tại sao bạn không tìm kiếm ánh sáng?"

- Kinh Pháp Cú, do Eknath Easwaran dịch

Để giải thích điều này rõ ràng hơn, tôi phải gian lận một chút, đưa ra một chủ đề mà Đức Phật không hề đề cập rõ ràng trong giáo lý của ngài trong lần chuyển pháp luân đầu tiên. Nhưng theo như rất nhiều vị thầy của tôi đã thừa nhận, chủ đề này được ngụ ý ở lần chuyển pháp luân thứ nhất và thứ hai. Nó không giống như thể ngài đang giữ lại một điều mặc khải vĩ đại nào đó mà sẽ chỉ được truyền lại cho những học sinh giỏi nhất và sáng suốt nhất của ngài. Thay vào đó, giống như một người thầy có trách nhiệm, trước hết ngài tập trung vào việc giảng dạy các nguyên tắc cơ bản trước khi chuyển sang các chủ đề nâng cao hơn. Hãy hỏi bất kỳ giáo viên tiểu học nào về tính thực tiễn của việc dạy tính toán cho trẻ em chưa nắm vững các kiến thức cơ bản về cộng, trừ, hoặc nhân, chia.

Chủ đề là Phật tánh - không liên quan đến hành vi hoặc thái độ của một người đắp y áo màu đi loanh quanh, khất thực! Phật là một thuật ngữ tiếng Phạn có thể tạm dịch là “người tỉnh biết”. Như một danh hiệu chính thức, nó thường đề cập đến Thích Ca Mâu Ni (Siddhartha Gautama), người thanh niên đã thành tựu giác ngộ cách đây hai ngàn năm trăm năm ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya).

Phật tánh, tuy nhiên, không phải là một danh hiệu chính thức. Đó không phải là đặc tính dành riêng cho Đức Phật lịch sử hoặc cho những hành giả Phật giáo. Đó không phải là thứ được tạo ra hoặc tưởng tượng ra. Đó là cốt tuỷ hay tinh tuý vốn có của mọi chúng sinh: một tiềm năng vô hạn để hành động, nhìn ngắm, lắng nghe hoặc kinh nghiệm bất cứ điều gì. Do bởi Phật tánh, chúng ta có thể học hỏi, chúng ta có thể phát triển, chúng ta có thể thay đổi. Chúng ta có thể tự thân trở thành Phật.

Phật tánh không thể được mô tả bằng các khái niệm tương đối. Nó phải được trực nghiệm, và trực nghiệm không thể định nghĩa bằng lời. Hãy tưởng tượng bạn đang nhìn vào một không gian rộng lớn đến mức vượt quá khả năng mô tả về nó - Grand Canyon (Hẻm Núi Lớn) chẳng hạn. Bạn có thể nói rằng nó rất lớn, những bức tường đá ở hai bên đều có màu đỏ, không khí khô và có mùi thoang thoảng như tuyết tùng. Nhưng cho dù bạn mô tả nó giỏi như thế nào, thì mô tả của bạn không thể thực sự bao hàm được kinh nghiệm là hiện diện của một thứ gì đó quá rộng lớn. Hoặc bạn có thể thử mô tả quang cảnh từ đài quan sát của tháp Đài Bắc 101 tầng, một trong những tòa nhà cao nhất thế giới, được ca ngợi là một trong “bảy kỳ quan của thế giới hiện đại”. Bạn có thể nói về bức tranh toàn cảnh, cách những chiếc xe và những người bên dưới trông giống như những con kiến, hoặc sự khó thở của chính bạn khi đứng quá cao so với mặt đất. Nhưng nó vẫn sẽ không truyền đạt được sự sâu rộng trong kinh nghiệm của bạn.

Mặc dù Phật tánh thách thức sự diễn tả, nhưng Đức Phật đã cung cấp một số đầu mối chỉ dẫn hoặc bản đồ có thể giúp hướng chúng ta đến kinh nghiệm tối thượng không thể diễn tả được đó. Một trong những cách mà ngài mô tả nó là về ba phẩm tánh: [1] trí huệ vô biên, đó là khả năng thấy biết bất cứ điều gì và tất cả mọi thứ - quá khứ, hiện tại và tương lai; [2] khả năng vô hạn, bao gồm một sức mạnh vô tận để nâng đỡ bản thân và những chúng sinh khác khỏi bất kỳ hoàn cảnh đau khổ nào; và [3] từ bi vô lượng, một cảm giác vô hạn về mối liên hệ với muôn loài, một tấm lòng rộng mở đối với những người khác như là một động lực để tạo ra những điều kiện giúp tất cả chúng sinh phát triển hưng thịnh.

Không còn nghi ngờ gì nữa, có rất nhiều người nhiệt thành tin vào lời mô tả của Đức Phật và khả năng rằng, thông qua học tập và thực hành, họ có thể đạt được trực nghiệm về trí huệ, năng lực và tâm đại bi vô hạn. Có lẽ nhiều người khác nghĩ rằng đó chỉ là một mớ vô nghĩa.

Lạ lùng thay, trong nhiều bài kinh, Đức Phật dường như rất thích trò chuyện với những người ngờ vực những gì ngài phải nói. Rốt cuộc, Ngài chỉ là một trong số nhiều vị thầy đi khắp Ấn Độ vào thế kỷ thứ tư trước Công nguyên - một tình huống tương tự như tình huống mà chúng ta thấy trong hiện tại, trong đó đài phát thanh, các kênh truyền hình và Internet tràn ngập các giảng viên và giáo lý của nhiều giáo phái khác nhau. Tuy nhiên, không giống như nhiều người cùng thời với ngài, Đức Phật không cố gắng thuyết phục mọi người rằng phương pháp mà ngài đã tìm thấy để giải thoát khỏi đau khổ là phương pháp đúng đắn duy nhất. Một chủ đề phổ biến xuyên suốt nhiều bài kinh có thể được tóm tắt theo thuật ngữ hiện đại là, “Đây chỉ là những gì ta đã làm và đây là những gì ta đã nhận ra. Đừng tin bất cứ điều gì ta nói chỉ bởi vì ta nói như vậy. Hãy thử nghiệm nó cho chính mình”.

Ngài không chủ động ngăn cản mọi người cân nhắc những gì ngài đã học và cách ngài học nó. Thay vào đó, trong những bài giảng về Phật tánh, ngài đã trình bày cho người nghe dưới dạng thí nghiệm tưởng tượng, mời họ khám phá trong kinh nghiệm của chính họ về những cách mà các phương diện của Phật tánh thỉnh thoảng xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày. Ngài đã trình bày thí nghiệm này dưới dạng giống như một ngôi nhà trong đó có một ngọn đèn được thắp sáng và các màn che hoặc cửa chớp đã kéo xuống. Ngôi nhà đại diện cho quan điểm dường như vững chắc về điều kiện thể chất, tinh thần và cảm xúc. Ngọn đèn tượng trưng cho Phật tánh của chúng ta. Cho dù các màn che và cửa chớp được kéo chặt đến đâu, chắc chắn một chút ánh sáng từ bên trong ngôi nhà sẽ chiếu qua.

Bên trong, ánh sáng từ ngọn đèn tạo độ sáng tỏ để phân biệt giữa ví dụ một cái ghế, một cái giường hay một tấm thảm. Khi nó xuyên qua các màn che hoặc cửa chớp, chúng ta có thể kinh nghiệm ánh sáng của trí huệ đôi khi như là trực giác, thứ mà một số người mô tả là cảm giác “mách bảo” về một người, một tình huống hoặc sự kiện.

Từ bi tỏa sáng qua cửa chớp trong những khoảnh khắc chúng ta trợ giúp hoặc an ủi ai đó một cách vô tư, không phải vì tư lợi hay nghĩ rằng chúng ta có thể nhận lại được gì đó, mà chỉ vì đó có vẻ là điều đúng đắn cần phải làm. Nó có thể là một việc đơn giản như cho mọi người mượn một bờ vai để khóc khi họ đau khổ hoặc giúp đỡ ai đó qua đường hoặc nó có thể liên quan đến một cam kết lâu dài hơn, chẳng hạn như ngồi bên giường của một người ốm hoặc sắp chết. Tất cả chúng ta cũng nghe về những trường hợp cực kỳ nguy hiểm trong đó một người nào đó, thậm chí không nghĩ đến rủi ro đối với tính mạng chết đuối. của mình, mà nhảy xuống sông để cứu một người lạ đang chết đuối.

Năng lực thường biểu hiện ở cách chúng ta sống sót qua những sự kiện khó khăn. Ví dụ, một hành giả Phật giáo lâu năm mà tôi gặp gần đây đã đầu tư rất nhiều vào thị trường chứng khoán trong những năm 1990, và khi thị trường suy thoái vào cuối thập kỷ ấy, anh ấy đã mất tất cả. Nhiều bạn bè và đối tác của anh ấy cũng đã mất rất nhiều tiền, và một số người trong số họ đã trở nên hơi điên loạn. Một số mất tự tin vào bản thân và khả năng ra quyết định của họ; một số rơi vào trầm cảm nặng; những người khác, như những người bị mất tiền trong cuộc sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929, đã nhảy ra ngoài cửa sổ. Nhưng anh ấy không bị mất trí, mất tự tin hay rơi vào trầm cảm. Từ từ, dần dần, anh bắt đầu đầu tư trở lại và xây dựng một nền tảng tài chính mới vững chắc.

Nhìn thấy sự bình tĩnh rõ ràng của anh ấy khi đối mặt với những sự kiện suy thoái kinh khủng như vậy, một số bạn bè và cộng sự của anh ấy đã hỏi làm thế nào để có thể giữ được sự trầm tĩnh. “Chà,” anh ấy trả lời, “Tôi có tất cả số tiền này từ thị trường chứng khoán, sau đó nó trở lại thị trường chứng khoán và bây giờ nó đang quay lại. Các điều kiện thay đổi, nhưng tôi vẫn ở đây. Tôi có thể đưa ra các quyết định. Như vậy, có thể năm nay tôi sống trong một ngôi nhà lớn và rồi sang năm lại ngủ nhờ trên chiếc ghế dài ở nhà một người bạn, nhưng điều đó không thay đổi thực tế là tôi có thể chọn cách nghĩ về bản thân và tất cả những điều đang xảy ra xung quanh tôi. Trên thực tế, tôi tự cho mình là người rất may mắn. Một số người không có khả năng lựa chọn và một số người không nhận ra rằng họ có thể lựa chọn. Tôi đoán mình là người may mắn vì tôi thuộc loại người có thể nhận ra năng lực lựa chọn của mình”.

Tôi đã nghe những lời nhận xét tương tự từ những người đang chống chọi với bệnh mãn tính, từ cả chính họ, cha mẹ họ, con cái họ, các thành viên khác trong gia đình hoặc bạn bè. Ví dụ, một người đàn ông tôi gặp gần đây ở Bắc Mỹ, đã nói rất nhiều về việc duy trì công việc và mối quan hệ của anh ta với vợ con trong khi tiếp tục đến thăm người cha đang mắc bệnh Alzheimer. “Tất nhiên rất khó để cân bằng tất cả những điều này”, anh nói. “Nhưng đó là những gì tôi làm. Tôi không thấy có cách nào khác”.

Chỉ một câu nói đơn giản như vậy, nhưng khỏe khoắn làm sao! Mặc dù anh ấy chưa bao giờ tham gia một buổi thuyết giảng về Phật pháp nào trước đó, chưa bao giờ nghiên cứu tài liệu và không nhất thiết là Phật tử, nhưng sự diễn tả của anh ấy về cuộc sống của mình và cách anh ấy tiếp cận nó thể hiện một cách tự nhiên cả ba khía cạnh của Phật tánh: trí huệ thấy biết sâu rộng hoàn cảnh của mình, khả năng lựa chọn cách diễn giải và hành động theo những gì anh đã thấy, và thái độ từ bi tự phát.

Khi tôi lắng nghe anh ấy, tôi chợt nhận ra rằng ba đặc điểm này của Phật tánh có thể được tóm gọn trong một từ duy nhất: lòng dũng cảm - cụ thể là sự dũng cảm để hiện hữu, chỉ như chúng ta đang là, ngay tại đây, ngay bây giờ, với tất cả những nghi ngờ và không chắc chắn của chúng ta. Đối mặt trực tiếp với kinh nghiệm này mở ra cho chúng ta khả năng nhận ra rằng bất cứ điều gì chúng ta trải qua - yêu thương, cô đơn, ghét bỏ, ghen tị, vui vẻ, tham lam, đau buồn, và vân vân.... - về bản chất, là biểu hiện của tiềm năng Phật tánh cơ bản không giới hạn của chúng ta.

Nguyên tắc này được ngụ ý trong “tiên lượng tích cực” của sự thật cao quý thứ ba. Bất kỳ sự khó chịu nào mà chúng ta cảm thấy - vi tế, mạnh mẽ hoặc đâu đó ở giữa - giảm xuống tới mức độ mà chúng ta vượt qua sự cố chấp dựa trên một cái nhìn rất giới hạn và có điều kiện về bản thân và bắt đầu xác định năng lực kinh nghiệm bất cứ điều gì. Cuối cùng, có thể đến an trụ trong tự Phật tánh - chẳng hạn như cách một con chim có thể nghỉ ngơi khi trở về tổ của mình. Khi đó, đau khổ chấm dứt. Không có gì phải sợ, không có gì để chống lại. Ngay cả cái chết cũng không thể làm phiền bạn.

-------o0o-------

Tác giả: YONGEY MINGYUR RINPOCHE.

Trích: Tình Yêu Thương Vô Điều Kiện, Niềm Hân Hoan & Sự Xuất Thần.

Dịch: Bảo Hạnh.

NXB Thiện Tri Thức.

Ảnh: Nguồn Internet.

Bài viết liên quan