PHỤC HỒI TRẠNG THÁI BẨM SINH: HƯỚNG VỀ HẠNH PHÚC - HH DALAI LAMA & HOWARD C.CUTLER – THUẬT SỐNG TRONG HẠNH PHÚC

PHỤC HỒI TRẠNG THÁI BẨM SINH: HƯỚNG VỀ HẠNH PHÚC

HH DALAI LAMA & HOWARD C.CUTLER – THUẬT SỐNG TRONG HẠNH PHÚC

---o0o---

“Thực ra, một trong những niềm tin chủ đạo của tôi không những là chúng ta hoàn toàn có khả năng sở hữu được lòng từ bi mà còn là bản chất thực sự của con người là luôn luôn hướng về chân thiện mỹ.”
PHỤC HỒI TRẠNG THÁI BẨM SINH: HƯỚNG VỀ HẠNH PHÚC - HH DALAI LAMA & HOWARD C.CUTLER – THUẬT SỐNG TRONG HẠNH PHÚC

Bản chất cơ sở của con người

“CHÚNG TA ĐƯỢC SINH RA ĐỜI để tìm kiếm niềm hạnh phúc. Tạo hóa luôn ban cho chúng ta khả năng tìm kiếm hạnh phúc. Và rõ ràng là những cảm xúc về tình yêu thương, yêu mến, gần gũi và lòng từ bi, trắc ẩn là những cảm xúc có thể mang đến cho chúng ta niềm hạnh phúc. Tôi tin rằng mỗi người trong chúng ta đều có một nền tảng cơ bản để đạt được hạnh phúc, để có thể mở được cánh cửa hướng đến trạng thái từ bi, trắc ẩn – chính trạng thái này sẽ giúp chúng ta tìm được hạnh phúc”, Dalai Lama khẳng định, “Thực ra, một trong những niềm tin chủ đạo của tôi không những là chúng ta hoàn toàn có khả năng sở hữu được lòng từ bi mà còn là bản chất thực sự của con người là luôn luôn hướng về chân thiện mỹ.”

“Ngài căn cứ vào đâu để có được niềm tin đó?”, tôi  hỏi.

“Học thuyết Phật giáo về ‘Bản chất Phật’ cung cấp một số nền tảng cho niềm tin rằng bản chất cơ sở của mọi sinh linh là hiền lành lương thiện. Ngoài ra còn có những nền tảng khác để tôi có thể đặt niềm tin mình vững chắc. Tôi nghĩ rằng mục tiêu hướng về lòng yêu thương và lòng từ bi của con người không phải đơn giản chỉ là một vấn đề tín ngưỡng mà là một yếu tố thiết kế trong đời sống hàng ngày của mỗi người”.

“Vì vậy, trước hết, nếu chúng ta quan sát quá trình tồn tại của mình từ khi chào đời cho đến khi chết chúng ta có thể nhận thấy rằng về cơ bản chúng ta được mọi tình cảm yêu thương của mọi người dung dưỡng như thế nào. Ngay khi vừa chào đời. Hành động đầu tiên của chúng ta là bú sữa mẹ hoặc sữa của một người nào đó. Đây chính là hành động của tình yêu thương, của lòng từ bi. Không có hành động này, chúng ta không thể tồn tại. Điều đó quá sức rõ ràng. Và hành động đó không thể được đáp ứng nếu không tồn tại tình cảm yêu thương của mọi người dành cho ta. Nhìn từ góc cạnh một đứa trẻ, nếu trên thế gian này không tồn tại tình yêu thương, không tồn tại mối quan hệ với những người cung cấp sữa thì đứa bé đó đã không có sữa để bú. Và nếu không có tình yêu thương từ người mẹ hoặc một người nào đó thì nguồn sữa đó đã không được cung cấp miễn phí thoải mái cho đứa bé. Đó là sự thực”.

 

“Sau đó, cấu trúc thể chất của chúng ta dường như rất phù hợp với cảm xúc của tình yêu thương và lòng từ bi. Chúng ta có thể nhận thấy những tình cảm lành mạnh, nồng ấm, nhuộm màu yêu thương đã đem lại cho con người biết bao thuận lợi về sức khỏe thể chất. Ngược lại, những cảm xúc căm thù, tức giận, sợ hãi, bối rối, kích động có thể gây ra nhiêu tác hại cho sức khỏe thể chất của chúng ta.”

 

“Chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng sức khỏe tinh thần của chúng ta được nâng cao bởi cảm xúc của lòng yêu thương. Để hiểu được điều này, chúng ta chỉ cần thử nghĩ xem mình cảm thấy dễ chịu như thế nào khi một người thể hiện với chúng ta một tình yêu thương nồng ấm. Chính những tình cảm yêu thương nhẹ nhàng mà mọi người thể hiện đã đem đến một cuộc đời hạnh phúc hơn cho toàn thể cộng đồng.”

Câu hỏi về bản chất con người

Trong suốt vài thập kỷ qua, quan điểm của Dalai Lama về bản chất cố hữu của con người là lòng từ bi dường như đã bắt đầu lan rộng và tạo được niềm tin ở Tây phương mặc dù quá trình lan rộng này chỉ diễn ra rất chậm. Khái niệm cho rằng bản chất cơ sở của con người là vị kỷ đã ăn sâu vào suy nghĩ của những người Tây phương. Ý tưởng cho rằng bản chất con người không những vị kỷ mà còn thường hay thù địch và thích gây chiến tranh đã chi phối thống trị toàn bộ nền văn hóa của Tây phương. Dĩ nhiên, trong lịch sử Tây phương cũng có những người có quan điểm hoàn toàn ngược lại. Ví dụ, giữa những năm 1700, David Hume đã viết nhiều về ‘Bản chất nhân đức rộng lượng của con người’. Và vài thế kỷ sau đó, thậm chí chính Charles Darwin đã cho là con người luôn có ‘bản năng cảm thông, thương cảm’. Nhưng vì một lý do nào đó, quan điểm bi quan về con người đã xuất hiện và gắn liền với nền văn hóa Tây phương, ít ra cũng từ thế kỷ 17, dưới sự tác động của những triết gia như Thomas Hobbes, những triết gia này đã có một cái nhìn tối tăm về bản chất của con người.

Trong những năm gần đây, một làn sóng mới đã xuất hiện, cái nhìn tiêu cực bi quan về con người đã bị lật đổ, mọi người nhận thấy được rằng quan điểm của Dalai Lama về bản chất con người mới là đúng đắn, quan điểm cho rằng bản chất con người luôn là những sinh linh có lòng yêu thương và từ bi. Trong suốt 2 – 3 thập kỷ vừa qua, đã có hàng trăm cuộc nghiên cứu khoa học cho chúng ta thấy rằng ‘hiếu chiếu’ không phải là bản chất cố hữu của con người, cho chúng ta thấy rằng thái độ hung hăng luôn bị tác động ảnh hưởng bởi các yếu tố xã hội, hoàn cảnh và nhiều yếu tố thuộc môi trường sống xung quanh. Có lẽ lời phát biểu khái quát nhất qua các cuộc nghiên cứu gần đây về vấn đề bạo lực vào năm 1986 đã được rút ra bởi 20 nhà khoa học hàng đầu trên thế giới. Trong lời phát biểu này, dĩ nhiên họ hiểu rõ rằng bạo lực thực sự đã và đang xảy ra nhưng họ đã phát biểu dứt khoát rằng thật phản khoa học khi nói rằng chúng ta luôn được di truyền xu hướng hiếu chiến hoặc thích bạo lực. Thái độ đó hoàn toàn không do tính di truyền mà ra. Khi nghiên cứu về bản chất cơ bản của con người, hầu hết các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này gần đây đều cảm thấy rằng về cơ bản, chúng ta thường hướng tới những hành vi lương thiện, thương yêu chăm sóc mọi người.

Khuynh hướng quan hệ gần gũi với mọi người, hành động vì lợi ích của mọi người cũng như vì lợi ích của bản thân có thể xuất phát từ trong sâu thẳm của con người. Qua nghiên cứu, ví dụ như cuộc nghiên cứu được tiến hành bởi tiến sĩ Larry Scherwitz, nghiên cứu về những nhân tố gây nên chứng đau tim. Qua cuộc nghiên cứu này, người ta phát hiện ra rằng những người sống vị kỷ, luôn cho mình là trung tâm điểm là những người thường bị chứng đau tim nhất, thậm chí ngay khi sức khỏe của họ được chăm sóc cẩn thận. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người thiếu mối quan hệ thân thiện gần gũi với mọi người xung quanh là những người thường có sức khỏe kém, thường không được vui vẻ và dễ dàng rơi vào tình trạng căng thẳng kích động (stress).

Một khi chúng ta kết luận được rằng bản chất cơ bản của con người là hướng về lòng yêu thương, thông cảm hơn là hiếu chiến thì mối quan hệ với thế giới xung quanh chúng ta sẽ ngay lập tức thay đổi. Việc nhận thấy rằng mọi người xung quanh về cơ bản luôn là những người có lòng từ bi chứ không phải là thù địch hay vị kỷ sẽ giúp chúng ta cảm thấy thoải mái, tin tưởng, sống trong thanh thản. Điều này giúp chúng ta hạnh phúc hơn.

Chiêm nghiệm về mục tiêu của cuộc đời

Khi Dalai Lama còn ở Arizona vào tuần lễ đó để khám phá bản chất con người và nghiên cứu về tâm hồn con người cùng với các nhà khoa học, một sự thật đơn giản dường như luôn xuất hiện soi sáng trong mọi cuộc thảo luận: mục tiêu của đời sống chúng ta là hạnh phúc. Câu nói đơn giản này có thể được dùng như một phương tiện hữu ích để giúp chúng ta vượt qua được những tiêu cực trong cuộc sống hàng ngày. Với quan điểm này, nhiệm vụ của chúng ta là phải vứt bỏ những gì có thể dẫn đến đau khổ và trau dồi, tích lũy những gì dẫn đến hạnh phúc. Các bài tập rèn luyện hàng ngày sẽ giúp chúng ta dần gia tăng nhận thức của mình và hiểu được những gì thực sự dẫn đến hạnh phúc và những gì không.

Khi cuộc sống trở nên quá phức tạp và chúng ta cảm thấy quá mệt mỏi, sẽ rất hữu ích nếu chúng ta lùi lại một chút và tự nhắc nhở bản thân về mục tiêu trên hết của cuộc sống này – hạnh phúc. Khi chúng ta đối mặt với những cảm xúc gò bó, tù túng, bối rối, sẽ rất hữu ích nếu chúng ta dành ra một giờ đồng hồ hoặc hơn để chiêm nghiệm thử xem điều gì thực sự có thể đem đến niềm hạnh phúc cho chúng ta và rồi chúng ta hãy tập trung về những điều đó. Chúng ta cần dừng lại, lùi lại một bước, chiêm nghiệm về mục tiêu cốt lõi của đời sống này, xác định phương tiện đạt được niềm hạnh phúc đó và nhắm thẳng hướng để tiến tới.

Đôi khi, chúng ta đối mặt với những quyết định quan trọng then chốt, những quyết định này có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời còn lại của chúng ta. Ví dụ, chúng ta quyết định kết hôn, sinh con cái hoặc ghi danh theo học một khóa học dài hạn để lấy bằng thạc sĩ… Việc quyết tâm để được hạnh phúc – để nghiên cứu về những yếu tố dẫn đến hạnh phúc và gạt sang bên những yếu tố tiêu cực để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc hơn – có thể là một trong số những quyết định quan trọng như thế. Quyết tâm theo đuổi mục tiêu ‘hạnh phúc’, quyết tâm tìm kiếm hạnh phúc một cách có hệ thống có thể làm thay đổi sâu sắc toàn bộ quãng đời con lại của bạn.

Hiểu biết của Dalai Lama về những yếu tố dẫn đến hạnh phúc được dựa trên nền tảng là cả một quá trình nghiên cứu cẩn thận chính tâm hồn mình, khám phá bản chất cơ bản của con người, nghiên cứu Phật giáo trong suốt 25 năm qua. Dựa trên nền tảng này, Dalai Lama hiểu sâu sắc rằng hành vi nào và suy nghĩ nào là lành mạnh nhất, tích cực nhất. Người đã tóm tắt niềm tin của mình bằng những lời sau đây, bạn có thể dành thời gian để chiêm nghiệm về những lời này. “Thỉnh thoảng, khi tôi gặp lại những người bạn cũ của mình, điều này nhắc nhở tôi rằng thời gian đang trôi qua rất nhanh. Và tôi tự hỏi liệu chúng ta đã tận dụng thời gian một cách thiết thực hay chưa. Việc tận dụng thời gian một cách thiết thực là điều rất quan trọng. Chúng ta có được thân thể này và đặc biệt là bộ óc con người này, tôi nghĩ rằng mỗi phút trôi qua là một cái gì đó rất quý báu. Sự tồn tại hàng ngày của chúng ta luôn gắn liền với hy vọng mặc dù chẳng có ai dám đảm bảo chắc chắn về tương lai của mình. Chúng ta không thể bảo đảm chắc chắn rằng ngày mai mình lại xuất hiện ở nơi này. Nhưng chúng ta vẫn làm việc dựa trên nền tảng là ‘hy vọng’. Vì vậy, chúng ta cần phải sử dụng thời gian của mình một cách thiết thực. Tôi tin rằng cách tận dụng thời gian một cách thiết thực là: nếu có thể, bạn hãy phục vụ mọi người và những sinh linh khác. Nếu không, ít ra bạn cũng đừng gây hại gì cho người khác, những sinh linh khác. Tôi nghĩ rằng đó là toàn bộ nền tảng triết lý của tôi.

“Vì vậy, chúng ta hãy chiêm nghiệm xem điều gì thực sự quý nhất trong cuộc đời này, điều gì có ý nghĩa nhất trong cuộc đời chúng ta và sau đó chúng ta hãy tập trung ưu tiên vào điều đó. Chúng ta cần phải sống một cuộc đời hữu ích. Chúng ta không phải được sinh ra là để gây rắc rối, gây hại cho người khác. Để cuộc sống của mình thêm giá trị, tôi nghĩ rằng chúng ta phải phát huy những phẩm chất tốt cơ bản của con người – thân thiện, tốt bụng và từ bi. Rồi thì cuộc sống của chúng ta sẽ có ý nghĩa hơn, thanh thản hơn – hạnh phúc hơn.”

---o0o---

Trích “Thuật sống trong hạnh phúc”

Tác giả: HH Dalai Lama & Howard C.Cutler

Biên dịch: Lê Tuyên

Hiệu đính: Lê Gia

NXB Trẻ, 2004

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan