PHÚC THAY AI CÓ TINH THẦN NGHÈO KHÓ - TĨNH LẶNG VÀ HIỂU BIẾT: THIỀN VÀ KINH THÁNH - RUBEN L.F. HABITO

PHÚC THAY AI CÓ TINH THẦN NGHÈO KHÓ

TĨNH LẶNG VÀ HIỂU BIẾT: THIỀN VÀ KINH THÁNH - RUBEN L.F. HABITO

NXB Orbis Books, 2017

Việt Dịch: Thông Quang

-----o0o-----

Nhiều người trong chúng ta dành một phần lớn cuộc đời của mình để cố gắng tìm ra chúng ta là ai, cố gắng tìm vị trí của mình trên thế giới này. Khi chúng ta thừa nhận mình có mặt trong cuộc tìm kiếm này, câu mở đầu trong loạt chín Mối Phúc Thật có lẽ có một thông điệp quan trọng đối với chúng ta.
PHÚC THAY AI CÓ TINH THẦN NGHÈO KHÓ - TĨNH LẶNG VÀ HIỂU BIẾT: THIỀN VÀ KINH THÁNH - RUBEN L.F. HABITO

Ruben L.F. Habito là một linh mục Dòng Tên truyền giáo ở Nhật Bản khi bắt đầu cuộc tìm kiếm tâm linh. Tại đây, ông thực hành dưới sự dẫn dắt của Yamada Kōun, một thiền sư dạy các học viên Cơ đốc giáo, điều này là không bình thường vào thời điểm đó. Năm 1988, Habito nhận truyền pháp từ Yamada. Sau đó ông rời khỏi dòng Tên vào năm 1989, và  vào năm 1991 ông thành lập Trung tâm Thiền Maria Kannon (Maria – Quan Âm), một tổ chức giáo dân ở Dallas, Texas và là giảng viên hướng dẫn tại đây. Ông giảng dạy tại Trường Thần học Perkins, Đại học Southern Methodist. Ông là tác giả của những tác phẩm như là: Thể nghiệm Phật giáo: Con đường của Trí tuệ và Từ bi (Orbis, 2005), Sống thiền, Yêu Chúa (Wisdom Publications, 1995), Thiền và các bài tập tâm linh (Orbis, 2013), và nhiều tác phẩm khác bằng tiếng Anh và tiếng Nhật.

-----o0o-----

Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Nhiều người trong chúng ta dành một phần lớn cuộc đời của mình để cố gắng tìm ra chúng ta là ai, cố gắng tìm vị trí của mình trên thế giới này. Khi chúng ta thừa nhận mình có mặt trong cuộc tìm kiếm này, câu mở đầu trong loạt chín Mối Phúc Thật có lẽ có một thông điệp quan trọng đối với chúng ta.

Cụm từ này ám chỉ điều gì? Nó đang nói gì với chúng ta? Trước hết, chúng ta phải lưu ý sự khác biệt về thuật ngữ giữa Phúc âm Mát-thêu, trong đó nói "Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó," và Phúc âm Lu-ca, nói một cách đơn giản, "Phúc cho những người nghèo khó." Các nhà chú giải Kinh thánh khác nhau đề cập đến các sắc thái khác nhau của hai cách diễn đạt này. Khi nhìn vào bối cảnh của Phúc âm Lu-ca, chúng ta thấy “người nghèo khó” là những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu như thức ăn, chỗ ở và quần áo. Lu-ca đang nói một cách thẳng thừng, "Phúc cho những người nghèo khó."

Hãy nhớ lại rằng Lu-ca cũng là người viết Tin mừng, người cũng đã đưa đến cho chúng ta lời cầu nguyện và bài ca đầy năng lực của Đức Maria, được biết đến rộng rãi với cái tên Magnificat (“Linh hồn tôi ngợi ca Người”). Bài ca này đến một cách tự nhiên từ trái tim của Maria khi bà gặp người em họ Elizabeth, người nhận ra rằng bà đang mang Đấng Thánh trong xác thịt của mình. Maria ngợi ca, "Đấng quyền năng đã hạ bệ những ai quyền thế xuống khỏi ngai vàng của họ, và nâng cao mọi kẻ hèn mọn ... đã ban dư đầy những kẻ đói nghèo bằng những vật tốt, và đuổi về tay trắng người giàu có." Những kẻ “hèn mọn” và “đói nghèo” này chính là những điều mà Lu-ca nói đến khi viết, “Phúc cho những người nghèo khó.” Lu-ca cũng đặc biệt chú ý đến người góa bụa, trẻ mồ côi và người xa lạ. Một đoạn nổi tiếng khác trong phúc âm Lu-ca mà không có trong các phúc âm khác là câu chuyện về Người Samaritanô nhân lành, người lữ hành đến từ vùng Sa-ma-ri, người bị xã hội Do Thái chính thống khinh miệt và coi thường, phân biệt đối xử thời bấy giờ. Chính người Samaritanô, trái ngược với thầy tư tế trong đền thờ và chuyên gia pháp lý đã phớt lờ và qua mặt một người đàn ông nằm bị thương dọc đường, người bước xuống khỏi con lừa của mình và chăm sóc người bị thương này. Đức Giê-su tán thán ông là người gần nhất với triều đại của Thượng Đế, như là người thực hiện ý muốn của Thượng Đế trên trái đất. Qua tất cả những trình thuật này, có thể đọc thông điệp của Lu-ca như thế này: những người bị coi là những người thấp kém trong xã hội và bị người khác gạt sang một bên là những người được ưa mến và gần gũi hơn với trái tim của Thượng Đế.

Phúc âm Mát-thêu thêm vào từ hạn định "tinh thần". "Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó". Bất kể vị trí của một người trong xã hội là gì, bất kể địa vị kinh tế thực tế hay sự liên kết chính trị của một người, những người “có tinh thần nghèo khó” đều nhận được ân sủng của Thượng Đế. Vậy thì “người có tinh thần nghèo khó” là ai?

Tôi nhớ lại một số sự cố đã xảy ra với những người tôi biết, điều đó truyền tải cho tôi một cái nhìn thoáng qua về ý nghĩa của “tinh thần nghèo khó”.

Tôi là thành viên của một nhóm thực hiện cái gọi là "những chuyến đi thâm nhập", các chuyến thăm của các nhóm nhỏ từ Nhật Bản đến đất nước của tôi, Philippines, với mục đích hiểu biết lẫn nhau, đoàn kết và hợp tác giữa người dân hai nước. Một số nhóm bao gồm sinh viên của trường đại học nơi tôi đang giảng dạy, và những nhóm khác được tổ chức bởi các cộng đồng Công giáo và bao gồm tín đồ, thầy tu và nữ tu Công giáo. Các du khách đến từ Nhật Bản sẽ được chỉ định sống cùng các gia đình ở một khu đô thị nghèo hoặc một vùng nông thôn ở Philippines, để trải nghiệm cuộc sống như của người dân ở các địa phương đó. Sau khoảng thời gian hòa mình vào cuộc sống của các gia đình mà họ được chỉ định, sau đó khách tham quan sẽ cùng nhau suy ngẫm để chia sẻ những gì họ đã học được, nhằm hiểu rõ hơn cách họ có thể làm việc chung với những người mà họ gặp trong các chuyến thăm của họ, vượt qua khoảng cách địa lý và biên giới quốc gia, hướng tới một xã hội nhân đạo hơn, công bằng hơn và bình đẳng hơn cho tất cả mọi người.

Một nữ tu tình cờ tham gia một trong những chuyến du ngoạn đã kể lại cho chúng tôi một câu chuyện. Cô được chỉ định sống với một gia đình bao gồm một cặp vợ chồng và bảy đứa con của họ. Người cha là một công nhân trong một nhà máy, và người mẹ kiếm tiền bằng cách giặt giũ và dọn dẹp nhà cửa cho các gia đình khác ở vùng lân cận. Cô kể lại việc cô ấy đã có mặt trong một bữa ăn tối với gia đình như thế nào. Những đứa trẻ ở nhiều lứa tuổi khác nhau đều tụ tập quanh bàn, và chúng đều có đĩa trống trước mặt. Đầu tiên cơm được phát đi xung quanh, mỗi người chỉ đủ ăn, cha và mẹ lấy phần chia nhỏ nhất. Sau đó, một đĩa với hai con cá được mang đến bàn. Đương nhiên, là khách, cô được trao cho đĩa, sau khi nói lời cảm ơn, cô ân cần lấy một con đặt lên đĩa của mình và cho rằng sẽ có nhiều cá hơn được đưa đến cho những người khác. Sau khi cầu nguyện trước khi ăn, dấu hiệu được ăn đã được đưa ra, và vì vậy cô bắt đầu tự giúp mình với con cá. Cô đã có một ngày dài đi thăm các nhà máy sử dụng nhiều công nhân sống trong khu vực, nói chuyện với thanh niên và mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội, nghe giải thích về tình hình kinh tế, xã hội và tôn giáo của họ, v.v. Vậy là cô đã thấm mệt và sẵn sàng thưởng thức bữa ăn ngon cùng gia đình chủ nhà. Cô tiếp tục ăn, và sau đó khi cô nhìn xung quanh, với sự bàng hoàng, cô nhận ra rằng những con cá khác trong số hai con cá trên đĩa là tất cả những gì còn lại của gia đình, bảy người con và cả cha và mẹ. Nhưng đã quá muộn để c có thể làm bất cứ điều gì vào thời điểm đó, vì đã lỡ ăn quá nhiều cá  mà cô có trong đĩa của mình. Sau đó, cô quan sát tinh thần của mọi người như thế nào, mỉm cười khi mỗi người lấy một ít cá còn lại khi nó được chuyền đi xung quanh, và ăn nó cùng cơm với tấm lòng bằng lòng của họ. Tất cả họ đều mỉm cười và nói về những điều khác nhau bằng ngôn ngữ của họ mà cô không thể hiểu được, nhưng cô có thể nói rằng họ đang có một khoảng thời gian vui vẻ, đặc biệt là được truyền cảm hứng và vui mừng khi họ có một vị khách đến từ Nhật Bản dùng bữa cùng họ. Thỉnh thoảng trong bữa ăn, người cha hoặc người mẹ sẽ quay sang và hỏi cô bằng tiếng Anh, đồ ăn có ổn không? Cô có thích bữa ăn không? Trước điều này, cô chỉ có thể đáp lại bằng một nụ cười ngượng ngùng, gật đầu đồng ý, cố gắng hết sức để không để lộ ra những cảm xúc khó khăn mà cô đang đấu tranh lúc bấy giờ. Khi trở về phòng, cô không thể kìm được nước mắt trào ra, với tất cả những tình cảm phức tạp đã trải qua cùng họ.

Điều này làm tôi nhớ đến một câu chuyện khác có liên quan đến một cô gái trẻ đến từ châu Âu, người mà chúng ta sẽ gọi là Maria, người đã đến ở với một gia đình tại một khu vực nghèo ở Manila trong một tuần. Chủ nhà là một góa phụ có ba cô con gái. Người góa phụ kiếm kế sinh nhai bằng cách giặt quần áo và làm bất cứ công việc lặt vặt nào mà cô ấy có thể tìm được. Các con gái của bà đã giúp đỡ bằng cách đi ra đường bán hàng rong hoặc làm việc bán thời gian tại một cửa hàng bán lẻ trong khu vực. Người góa phụ này, tên là Rosita, đã nhận một cậu bé khoảng năm tuổi từ một gia đình láng giềng có tiền sử bạo lực, và nuôi cậu như một phần của gia đình mình, mặc dù cô ấy đã có ba đứa con. Một buổi chiều, Maria trở về sau một vài công việc vặt với một hộp kem cho gia đình. Cô ấy lấy hộp kem từ trong túi ra và đưa cho Rosita và các con của cô ấy xem, họ rất vui mừng và háo hức nhận nó và cùng nhau chia xẻ. Nhưng điều đầu tiên mà Rosita làm sau khi nhận được kem là yêu cầu một trong những cô con gái của mình mang một số hộp nhựa từ nhà bếp. Sau đó, Rosita lấy từng phần kem và cho chúng vào những hộp đựng này, và hướng dẫn các cô con gái của mình, "Mang cái này cho người hàng xóm bên phải, cái này cho gia đình kia, cái kia cho gia đình khác ở đằng nọ." Chỉ còn lại đủ để các con của bà có mỗi người một phần, vì vậy khi các cô con gái trở về từ hàng xóm với những hộp rỗng, tất cả họ cùng nhau thưởng thức kem với niềm vui, hạnh phúc và cảm ơn Maria đã mang kem về. Hai sự việc truyền tải bức tranh về hai gia đình khác nhau, những người có những chia sẻ riêng về những khó khăn trong cuộc sống, những người có thể không có tất cả những gì họ có thể mong muốn về của cải vật chất hoặc cơ hội để dịch chuyển xã hội, v.v, nhưng là người thể hiện tấm lòng cao cả, phẩm tính cho chúng ta thấy rõ điều mà Mát-thêu phải có ý khi ông viết trong phúc âm của mình, “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó”.

Tôi đưa ra một câu chuyện có thật khác trong mạch chuyện này. Tin tức về trận sóng thần khổng lồ quét qua các khu vực rộng lớn ở châu Á, cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người ở Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan và các quốc gia khác, đã làm rúng động mọi người trên toàn thế giới, và vẫn còn vang dội trong ký ức tập thể chúng ta. Giữa thảm kịch lớn đó, thật ấm lòng khi mọi người trên khắp thế giới đã rộng lượng hưởng ứng, quyên góp để gửi đến những khu vực bị ảnh hưởng để giúp đỡ trong các nỗ lực cứu trợ. Một cô con gái nhỏ trong gia đình của một người bạn thân, người mà chúng ta thường gọi là Claire, đang học cấp hai vào thời điểm đó, và khi cô bé nghe tin tức về sóng thần và biết các quỹ thiện nguyện đã được đưa lên, không chớp mắt, cô bé đã lấy toàn bộ tiền tiết kiệm của mình, từ vài năm sinh nhật và quà Giáng sinh, lúc đó lên tới 486 đô la, và gửi nó tới tất cả các quỹ quyên góp cho các nạn nhân sóng thần. Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó.

Có rất nhiều góc độ khác mà chúng ta có thể xem xét để hiểu rõ hơn và đánh giá cao thông điệp phúc âm, “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó” và cách nó được trình bày trong thánh thư tiếng Do Thái cũng như trong Tân ước. Đây là tinh thần của chính Đức Giê-su đã hiện thân, cũng là tinh thần mà Người dạy các môn đệ tu hành.

Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em sẽ ở đó. (Mát-thêu 6: 19-21)

Đây là cái nhìn của tâm hồn và lý trí còn được gọi là nghèo khó theo Phúc âm. Lối sống này không bận tâm đến việc tự làm nặng bản thân của mình với việc tiêu xài của người khác, hoặc củng cố quyền lực và tài sản của mình, mà có tâm hồn và lý trí hoàn toàn rộng mở để phục vụ người khác. Đó là tinh thần hoàn toàn cởi mở và minh bạch mà Đức Maria, mẹ của Đức Giêsu, đã thể hiện trong cuộc đời của chính Bà, cho đến cuối cùng, khi Bà đứng bên con mình dưới chân Thập giá. Đó là tinh thần mà những người theo Đức Giê-su thể hiện, khi chúng ta tìm hiểu về cách họ hội họp cùng nhau trong cộng đoàn trong Sách Công vụ Tông đồ.

Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. (Sách Công vụ Tông đồ 2:44–46)

Và hơn nữa,

Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu. (Sách Công vụ Tông đồ 4:34–35)

Từ những thế kỷ đầu, tinh thần không dính mắc vào những vật chất của thế giới này là một đặc điểm chính của tinh thần Kitô giáo. Đây là tinh thần của những ai khấn khó nghèo, xả thân để hoàn toàn phục vụ việc loan báo Tin Mừng cho những  người khác, theo lời mời gọi của Đức Giêsu.

Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi. (Mát-thêu 19:21)

Đó là lời thề nguyện giải phóng bản thân khỏi nhu cầu tìm kiếm hoặc làm việc để tích trữ của cải cho bản thân, lời thề nguyện rằng người ta sẽ từ mình từ bỏ bất kỳ ước muốn và bất kỳ tài sản nào như vậy và chỉ đơn giản là dựa vào những gì người khác cho. Đây cũng chính là tinh thần nghèo khó được thể hiện bởi những người theo truyền thống Phật giáo, những người theo gương Đức Phật Thích Ca, từ bỏ tham vọng trần tục, gác lại tài sản thế gian, và cống hiến cuộc đời của mình cho con đường giác ngộ, tham gia vào một tăng đoàn vì mục đích này. Nhờ sự tự do đó, người ta có thể hết lòng cống hiến cho đạo pháp, và tương tự như vậy, phục vụ mọi người theo cách tốt nhất có thể mà không bị cản trở bởi sự truy cầu của cải hoặc bởi những chấp trước thế gian.

Tuy nhiên, về mặt thể chế, có một điều trớ trêu ở đây là những người đã thực hiện lời thề  nguyện nghèo khó này lại có đặc quyền được sống ở những nơi tiện nghi nhất. Khi tôi vẫn còn là một tu sĩ Dòng Tên ở Nhật Bản, tôi đã đến thăm Hoa Kỳ. Ngôi nhà của Dòng Tên mà tôi sẽ ở khi đến New York là Ngôi nhà của Dòng Tên trên Phố Đông 83. Người dân quanh khu vực có câu nói rằng "những người duy nhất có thể đủ khả năng sống ở đó là triệu phú hoặc những người có lời thề nguyện nghèo khó." Điều này không phải để hạ thấp hoặc chỉ trích các tu sĩ Dòng Tên sống ở đó để làm cơ sở cho công việc của họ trong việc phục vụ người khác, cũng không phải để nói rằng họ không nên có một ngôi nhà trong khu vực đó. Đó chỉ là một trong những điều trớ trêu của đời sống thể chế tôn giáo mà các cá nhân là một phần của thể chế cần phải tiếp tục xem xét và làm việc, để duy trì sự trung thành với tinh thần đã được đưa vào thể chế ngay từ đầu.

Điều tôi mô tả ở đây là lời mời gọi mà các sách phúc âm trình bày cho mỗi cá nhân và mọi người trong chúng ta. Làm thế nào chúng ta có thể sống theo cách hoàn toàn tự do không tìm kiếm của cải vật chất và thậm chí tinh thần, theo cách cho phép chúng ta tự do và cho phép chúng ta cống hiến cuộc đời của mình để phục vụ người khác? Tôi muốn đưa ra một công án Thiền có thể cho chúng ta một gợi mở về vấn đề đó.

Đây là một công án Vô Môn Quan (Mumonkan), giải quyết câu hỏi thế nào là “tinh thần nghèo khó”, theo một cách có thể mở ra cho chúng ta một chiều hướng mới để tỏ rõ Mối phúc thật đầu tiên.

Một vị sư tên là Thanh Thoát hỏi Hòa thượng Tào Sơn: “Thanh Thoát con nghèo khó cô đơn. Xin hãy giúp con trở nên giàu có.”

Tào Sơn gọi: "Này thầy Thanh Thoát! "

Thanh Thoát thưa: "Bạch Hòa thượng."

Tào Sơn lúc đó mới bảo: "Thấy chưa, rượu ngon thầy đã uống cạn ba bát rồi mà vẫn nói là môi mình chưa ướt sao.”

Đây là một công án. Tất cả điều này ám chỉ cái gì? Lời bình của thiền sư Vô Môn (Mumon) ở thế kỷ thứ mười ba, cho chúng ta một gợi mở về ý của nhà sư Thanh Thoát: Thanh Thoát có giọng điệu khép nép nhưng ý định thực sự của sư là gì?

Ngài Vô Môn đang gợi ý rằng sư Thanh Thoát không thực sự thẳng thắn hay thành thật khi tự gọi mình là “nghèo khó”. "Con nghèo khó; xin hãy giúp con trở nên giàu có.” Điều này không phải hiểu theo nghĩa đen. Sư Thanh Thoát có một con mắt Thiền ở đây, con mắt của sự tỉnh thức, và sư có lẽ đang thử Hòa thượng Tào Sơn qua những gì đã nói. Và Hòa thượng Tào Sơn, đúng với nghi lễ, đáp lại tương ứng. Hơn nữa, Hòa thượng Tào Sơn lại là người có con mắt soi thấu tâm thái vị sư đứng trước mặt. “Đành là vậy, nhưng hãy nói xem thầy Thanh Thoát đã uống được thứ rượu ngon đó thế nào và ở đâu.”

"Con nghèo khó cô đơn; xin hãy giúp con trở nên giàu có." Hoà thượng đáp lại, "Này thầy Thanh Thoát!" "Bạch Hoà thượng." Sư Thanh Thoát đáp lại lời gọi của Hoà thượng. “Thấy chưa, thầy đã uống ba chén rượu đầy rồi mà vẫn nói rằng mình còn khát ư.” Giống như đang ôm của cải mà vẫn nói rằng mình không có. Đây là chuyện gì?

Sư Thanh Thoát nghèo khó thế nào? Và chưa hết làm thế nào mà sư cũng được cho là uống những chén rượu ngon chỉ dành cho những người giàu có nhất Trung Hoa? Những chén rượu mà sư được cho là uống ở đâu? Đó là một công án.

Người thực hành tham công án này được yêu cầu ngồi xuống và làm trống mình trong sự vắng lặng, hít vào và thở ra, để đi đến điểm cô đơn thực sự, nghèo khó thực sự, và nhận ra và thấy ra và tự mình uống ba chén rượu mà sư Thanh Thoát đã uống. Ngài Vô Môn, người biên soạn tập công án này, đã thêm một bài kệ để giúp những người tu hành hiểu rõ sự châm biếm của công án này.

Nghèo tựa Phạm Đan,

Hăng như Hạng Võ.

Không cách kiếm ăn,

Cũng dám đọ của.

Phạm Đan là một nhân vật huyền thoại trong truyền thuyết Trung Hoa, như người ta nói, người nghèo như một con chuột nhà thờ (nghèo xơ nghèo xác), hay trong trường hợp này đúng hơn là con chuột chùa, một người vui tính và có tinh thần tự do đi lang thang khắp các ngôi làng để chào hỏi và trò chuyện cùng mọi người, anh bước vào quán rượu và giành được thiện chí của mọi người; họ tranh nhau phục vụ đồ uống miễn phí cho anh ta. Hạng Võ là một vị tướng huyền thoại, người được cho là có lòng dũng cảm đến mức có thể giật được thanh kiếm từ miệng một con hổ hung hãn. Thanh Thoát là một vị sư không sở hữu tài sản vật chất và không có đẳng cấp thế tục hay đặc quyền xã hội. Những người đã nhận ra tâm trí của sư Thánh Thoát, những người đã từ bỏ mọi đòi hỏi của cải thế gian, là những người có sự giàu có không kể xiết và tâm hồn cao cả, và họ là những người vô song trong thế giới này.

Khi bản thân họ không có bất kỳ tài sản nào, không sở hữu gì cả, họ được tự do về tinh thần để nhận ra rằng toàn bộ vũ trụ là của riêng họ, và không có gì trong đó không phải là của họ. Đó là gợi ý mà chúng ta được đưa ra ở đây. Nếu chúng ta thoái thác bất kỳ yêu sách nào đối với phần tài sản nhỏ bé này của trái đất và trở thành hoàn toàn không có gì, thì theo nghĩa đen, không có gì không phải là của chúng ta. Đó là điều trớ trêu mà chúng ta được mời gọi tham dự và nhận ra, và thấy rằng tất cả chúng ta đều giàu có vô hạn như thế nào, một khi chúng ta vượt qua cánh cổng tinh thần nghèo khó này.

Đó cũng giống như tâm thái của một vị thiền sư khi được sư trụ trì yêu cầu giao pho tượng Phật bằng vàng quý giá cho một ngôi chùa lân cận. Thiền sư đã bị bọn cướp rình bắt, chúng lấy đi không chỉ tượng Phật bằng vàng mà còn cả xe hàng dùng để chở nó, và cùng với đó là y áo của chính nhà sư. Hơn thế, họ còn đánh thiền sư và khiến ngài bất tỉnh bên vệ đường. Tỉnh lại vào lúc nửa đêm, thiền sư nhìn quanh, nhận ra rằng tượng Phật đã biến mất, xe ngựa cũng mất theo và y áo của ngài cũng vậy. Ngài nhìn lên và thấy vầng trăng sáng lấp lánh ở trên cao, làm sáng cả khung cảnh núi non ở phía sau. Lúc này, khi nghĩ đến những tên cướp đã lấy đi tượng Phật quý, ngài nói, “A, nhìn kìa. Ước gì tôi cũng có thể tặng chúng mặt trăng đẹp đẽ ấy! ”

Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ.

Hãy đón nhận lời mời gọi để nhận ra mối phúc thật này bằng việc đơn giản là ngồi xuống, hít vào và thở ra. Khi chúng ta làm như vậy, hãy tận dụng cơ hội để làm trống bản thân chúng ta khỏi bất cứ điều gì mà chúng ta có thể vẫn còn bám luyến hoặc chấp chặt hoặc khao khát hoặc định danh của chính chúng ta. Hãy đơn giản là hít thở. Khi chúng ta hít thở, hít vào, đón nhận điều đó với lòng biết ơn, dừng lại và nếm trải sự tĩnh lặng, và thở ra, trút bỏ mọi thứ cản trở việc nhận ra sự viên mãn vô hạn của giây phút hiện tại này.

Đây là chìa khóa của chúng ta để làm sáng tỏ công án trên. Cả vị sư Thanh Thoát và Hoà Thượng Tào Sơn, mỗi người đều nhận ra Chân ngã dựa trên sự thực hành Thiền nghiêm túc của họ, đều được phú cho con mắt tỉnh thức, và do đó, họ có thể trải nghiệm sự viên mãn vô hạn của giây phút hiện tại này, trong từng khoảnh khắc hiện tại. Vì vậy, khi nói, “Con nghèo khó cô đơn. Xin hãy giúp con trở nên giàu có," trong chính khoảnh khắc đó sư Thanh Thoát đang trải qua sự viên mãn vô hạn trong chính hành động đang nói nói của sư. Và khi Hoà thượng Tào Sơn đáp lại bằng cách nói với sư, "Này thầy Thanh Thoát!" sư nghe điều đó với sự chú ý hoàn toàn, và trong khoảnh khắc đó, sư cũng đang trải nghiệm sự viên mãn vô hạn này. Một chén rượu ngon đặt trên một chén rượu khác. Bây giờ người đọc có thể tiếp tục và chỉ ra nơi tìm chén rượu thứ ba ở đây trong công án này. Nhưng hiểu công án vận hành như thế nào là một vấn đề hoàn toàn khác so với việc tự mình trải nghiệm sự viên mãn vô hạn trong giây phút hiện tại. Đây là lời mời gọi dành cho chúng ta bằng cách thực hành ngồi tĩnh tâm, hít vào, thở ra, trút bỏ bất cứ thứ gì mà ý thức cái tôi nhỏ bé của chúng ta có thể vẫn đang bám luyến.

Chúng ta được mời gọi để làm trống chính mình và thực sự trở nên trong sạch, giống như cách mà Đức Maria trong bài ca Magnificat đã bày tỏ về sự trong sạch của mình trước quyền năng vô hạn của Đấng Thánh. Theo kinh nghiệm đạt tới điểm trong sạch đó, mà tôi thích gọi là “điểm không”, “điểm tĩnh lặng của thế giới đang quay”, điểm tựa của toàn vũ trụ mà chúng ta đứng. Điểm không mà chúng ta được mời gọi trải nghiệm là nơi toàn bộ vũ trụ được tổ chức lại với nhau, nơi chúng ta có thể tự do trải nghiệm sự đầy đủ và phong phú vô hạn của mọi thứ trong vũ trụ, giống như nó vốn có. Đó là ngôi nhà thực sự của chúng ta. Chúng ta hãy gạt sang một bên tất cả những mảnh vụn ngăn cản chúng ta về đến nhà và tự mình đi đến điểm đó. Nước Trời ở đó, đang chờ được nhận ra.

Nhưng một lần nữa, điều quan trọng cần nhấn mạnh là không phải nỗ lực của chúng ta sẽ đưa chúng ta đến đó. Để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về điểm này, tôi nhớ lại những gì tôi đã học được từ cuộc đời của một vị thánh mà chúng tôi đã học khi tôi còn là một tập sinh Dòng Tên. Đây là câu chuyện về Thánh Aloysius Gonzaga, là một tu sĩ Dòng Tên trong quá trình học tập, người đã qua đời vào cuối tuổi hai mươi trước khi được thụ phong linh mục. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, ông đã biểu hiện ý nghĩa của việc thực sự nghèo khó về tinh thần nhưng lại được phú cho sự phong phú vô hạn của đời sống thiêng liêng. Thánh Aloysius Gonzaga xuất thân từ một gia đình quý tộc và giàu có, và được lớn lên trong một môi trường xa hoa và sung túc. Ông bị thu hút bởi một ơn kêu gọi tu hành ở tuổi thiếu niên và gia nhập Dòng Tên, từ bỏ địa vị trần thế và của cải vật chất to lớn mà lẽ ra ông phải có như ông mong muốn. Khi đang được bồi dưỡng như một tu sĩ Dòng Tên, tìm cách liên kết toàn bộ cuộc sống của mình với ý Người để có thể hoàn toàn phục vụ dân Người với tư cách là một tu sĩ Dòng Tên, ông đã dấn thân vào các kỷ luật và thực hành tâm linh, tập trung vào Các Bài Tập Tâm Linh của Thánh I-Nhã nhà Loyola. Khi suy ngẫm về cuộc sống của chính mình, ông nhận ra rằng nền tảng và điều kiện sung túc của ông đã làm méo mó con người bên trong của ông theo cách khiến ông dễ bị chấp trước và sống xa hoa. Ông có xu hướng so sánh mình với một cái cây bị uốn cong cần thêm nỗ lực để tự bẻ cong và thẳng lại. Đó là cách ông giải thích lý do tại sao ông cần phải nỗ lực trong việc rèn luyện kỷ luật bản thân chứ không phải để có thêm bất kỳ thành tích nào thông qua việc phấn đấu hoặc đạt được điều gì đó mà ông chưa có.

Vì vậy, tất cả nỗ lực của chúng ta trong việc thực hành tâm linh của mình không nhằm đạt được điều gì đó mà chúng ta chưa có, mà nó chính xác là một cách để xóa bỏ cách nhìn méo mó về những thứ mà chúng ta đã có được bởi sự giáo dục của chúng ta. Nó không phải là nỗ lực hướng đến việc đạt được điều gì đó, mà là phản ứng hợp tác của chúng ta đối với việc xóa bỏ những thói quen bất thiện đó của chúng ta đã ngăn cản chúng ta mở rộng trái tim và tâm trí và có thể nghe thấy tiếng nói nguyên sơ đó, hoặc nhìn thấy Khuôn mặt Xưa nay của chúng ta.

Nỗ lực này có hình thức là ngồi yên và cố gắng giữ cho tâm trí của chúng ta tĩnh lặng. Đây chỉ đơn giản là cách chúng ta quay trở lại với sự thuần khiết nguyên sơ mà tất cả chúng ta vốn có khi chúng ta được sinh ra và xóa bỏ tất cả những thứ đã làm méo mó chúng ta trên con đường để chúng ta có thể đơn giản hơn, trực tiếp hơn và minh bạch hơn khi đối mặt với cái đã gọi chúng ta ra khỏi sự trong sạch hướng tới sự viên mãn của hiện hữu. Lắng nghe trong tĩnh lặng theo cách này là một cách xóa bỏ bản chất méo mó của chúng ta để trở nên mềm dẻo hơn và có thể nghe được lời nói đó nói với chúng ta rằng: Bạn thật phúc lành. Đó là điều mà tinh thần nghèo khó đòi hỏi, cụ thể là thừa nhận rằng chúng ta không có gì cho riêng mình, không có gì để cho ngoại trừ bản chất méo mó của chính chúng ta mà chúng ta cần phải "gỡ bỏ". Giống như Đức Maria, khi thừa nhận rằng chúng ta không là gì trước sự viên mãn vô hạn của Đấng Thánh, chúng ta hãy mở lòng mình để đón nhận cuộc viếng thăm của Đấng Thánh trong cuộc đời của chính chúng ta.

-----o0o-----

Ảnh nguồn: Internet.

Bài viết liên quan